TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN – TRƯỞNG
THÀNH KITÔ HỮU
Antonio Avila Blanco
Tác giả: Antonio Avila Blanco là giám đốc và giáo sư của Học viện Mục vụ Huấn giáo Madrid.
Nguồn: Madurez humana. Madurez Cristiana, in: Nuevo Diccionario de Catequética, dirigido por V. Ma Pedrosa – Ma Navarro – R. Lázaro – J. Sastre, ed. San Pablo Madrid 1999, vol. II., 1390-1398.
Viết tắt.
TLH = Tâm lý học. Các chú thích và phụ thêm của người dịch.
Nội dung.
I. Nguồn gốc của
từ ngữ “trưởng thành”.
II. Quan niệm hiện
nay về trưởng thành nhân bản:
1. Những đóng góp
của tâm phân học.
2. Những đóng góp
của tâm lý học phát triển.
3. Những đóng góp
của tâm lý học nhân văn.
4. Trưởng thành
như là tích hợp của nhân cách.
III. Trưởng thành
nhân bản và trưởng thành tôn giáo.
IV. Trưởng thành
tôn giáo (gặp gỡ Thiên Chúa).
V. Trưởng thành
Kitô hữu.
Phụ thêm.
1/ Các chặng của đức tin.
2/ Sự trưởng thành trong các văn kiện Tòa thánh về đào tạo
linh mục và tu sĩ.
I. Nguồn gốc của từ “trưởng thành”
Trong các ngôn ngữ Âu châu, “trưởng thành” được gọi là “chín muồi”: maturité (Pháp), maturity (Anh), madurez (Tây-ban-nha). Từ ngữ này
không do TLH tạo ra, nhưng lấy từ nông nghiệp, khi nói đến hoa quả đã phát triển
đến mức tối đa. Từ đó, trong ngôn ngữ bình dân, trưởng thành (chín chắn) được
áp dụng cho con người ở lứa tuổi thứ hai trong đời (thành niên) [1]. Quan
niệm bình dân cho rằng sự trưởng thành được thủ đắc nhờ kinh nghiệm và sự học hỏi
của lứa tuổi thứ nhất (thiếu niên), và đã đạt đến một mức sung mãn tương tự như
hoa trái của loài thực vật. Do đó, quan niệm về trưởng thành được đồng hóa với
một lứa tuổi trong đời, tuổi trưởng thành. Đây là một kết quả đạt được do dòng
thời gian và học tập, và một khi đã thủ đắc thì sẽ chiếm hữu vĩnh viễn. Do đó,
ta thấy rằng nó là một quan niệm tĩnh: đó là một món đồ sở hữu.
Việc đồng hóa sự
trưởng thành với một hạng tuổi như thế quả là bất cập. Quan điểm này đã bị xét
lại trong tư tưởng bình dân cũng như trong ngành TLH: phải chăng tất cả những
người ở tuổi trưởng thành đều thực sự trưởng thành? Nơi người lớn, vẫn còn xuất
hiện những phản ứng “trẻ con”, bất ổn về tình cảm, lạc mất ý hướng. Mặt khác,
quan điểm về sự trưởng thành đã tiến triển dọc theo lịch sử TLH, và dần dần một
quan niệm về trưởng thành đã được du nhập, trong đó ý tưởng trưởng thành được
tách rời khỏi lứa tuổi, và sự trưởng thành được hiểu như là đạt được sự tích hợp
nhân cách (integración personal), như
là quân bình tâm lý, như là khả năng đương đầu với những thách đố của cuộc sống.
Như vậy, sự trưởng thành không còn được nhìn dưới hình thức tĩnh nhưng dưới
hình thức năng động; cuộc đời được quan niệm như một tiến trình trưởng thành
liên lỉ. Sự trưởng thành được hiểu như sự quân bình cá nhân cần phải đạt đến
vào mỗi lúc, chứ không phải như cái gì đã sở hữu một lần mãi mãi. Nó là một
tình trạng cá nhân mà ta luôn phải hướng đến và không bao giờ có thể sở hữu
hoàn toàn. Vì thế, ta có thể nói cách chính xác rằng một thiếu nhi đã trưởng
thành, hoặc những người lớn tuổi mà chưa trưởng thành.
II. Quan niệm hiện nay về sự trưởng thành nhân bản
Quan niệm năng động về trưởng thành đặt ra nhiều câu hỏi mới: thế nào là
trưởng thành và không trưởng thành? Phải hiểu như thế nào về sự trưởng thành
vào mỗi thời điểm của cuộc đời? Có những đặc trưng nào cho phép nhận ra cấp độ
trưởng thành vào mỗi thời điểm không? Đâu là những động lực giúp cho con người
đạt đến sự trưởng thành, và những động lực làm ngăn cản hoặc gây khó khăn cho
nó? Khi bước sang lãnh vực tôn giáo, thử hỏi: thế nào là sự trưởng thành về đức
tin? Đâu là những đặc tính của sự trưởng thành đức tin? Đâu là tương quan giữa
trưởng thành nhân bản và trưởng thành Kitô hữu?
Trải qua dòng lịch
sử, những câu hỏi vừa nêu đã được đề cập nhiều cách, và gần đây do các trường
phái TLH khác nhau. Chúng tôi xin tóm tắt những sự đóng góp ấy.
1. Sự đóng góp của tâm phân học
Đối với tâm phân
học, quan niệm về trưởng thành được gắn liền với sự quân bình cá nhân, mà căn bản
là sự hài hòa giữa những chiều kích sâu thẳm nhất của nhân cách. Trong một câu
tuyên bố thời danh, Sigmund Freud đồng hóa sự trưởng thành với khả năng yêu
thương và làm việc cách tự do, hoặc khả năng giải quyết những cuộc giằng co nội
tâm, cách riêng những giằng co vô thức làm ngăn trở yêu thương và làm tê liệt
hoặc làm cản trở cho khả năng sinh sản.
Trong cùng một chiều hướng ấy, Carl Gustav
Jung mô tả tiến trình trưởng thành như là tiến trình đương đầu với vô thức cá
nhân và với vô thức tập thể, nhằm đạt được sự tích hợp nhân cách, mang lại căn
tính và hài hòa sâu xa cho cá nhân. Jung mang đến một chiều kích mới cho sự
quân bình nhân cách, khi đặt nó trong tương quan không chỉ với những năng lực
vô thức của cá nhân mà còn với những năng lực vô thức của chủng loại.
Những cảm nghiệm về sự mất gốc xã hội và văn
hóa; những khó khăn trong cách diễn tả cuộc sống chung với những người cùng
chung một nền văn hóa; sự thiếu thốn những cử chỉ và nghi thức biểu tượng cho
phép hội nhập các phần tử vào một cộng đồng nhân loại: đó là những đối tượng
nghiên cứu của Jung khi đề cập đến sự quân bình nhân cách, sức khỏe và trưởng
thành nhân bản, rất có liên quan với quan điểm cổ truyền về đức khôn ngoan.
Erich Fromm bàn về sự trưởng thành bằng cách kết
hợp các khía cạnh tâm lý với triết học và xã hội. Đối với ông, những đề tài
quan trọng là khả năng biết yêu thương, biết sống tự do, có một bậc thang các
giá trị, một nền luân lý; nói khác đi, đó là đặt nặng cái bản tính (to be) hơn là cái sở hữu (to have), khả năng đảm nhận rủi ro hơn
là tìm kiếm an toàn bằng mọi giá. Fromm suy tư những chủ đề này trong bối cảnh
của xã hội hiện nay. Chúng ta có thể nói được rằng sự đóng góp quan trọng của
Fromm là móc nối khái niệm về quân bình (lấy từ Freud) với sự cần thiết của ý
nghĩa (lấy từ triết học hiện sinh) và chiều kích xã hội của con người.
Tóm lại, sự đóng góp của các khuynh hướng
tâm-phân-học cho quan niệm về trưởng thành nằm ở chỗ coi sự trưởng thành như một
tiến trình hội nhập những chiều kích khác nhau có ý thức hoặc vô thức của nhân
cách, trong một sự quân bình không bao giờ đạt được cách hoàn toàn. Bên cạnh điểm
chung đó, mỗi tác giả đào sâu vài khía cạnh riêng biệt.
2. Sự đóng góp của TLH phát triển
Một nguồn thứ hai của TLH để hiểu biết sự trưởng
thành là những nghiên cứu về sự phát triển của con người. Một sự hiểu biết về sự
phát triển của con người, một sự mô tả chính xác hơn về mỗi giai đoạn mà con
người phải trải qua trong suốt cuộc đời, những động lực nội tại hỗ trợ cho sự
phát triển: tất cả những điều ấy giúp chúng ta hiểu rõ hơn thế nào là trưởng
thành hoặc thiếu trưởng thành ở mỗi giai đoạn của cuộc đời. Theo TLH phát triển,
sự trưởng thành được hiểu như khả năng đối diện với những thách đố xảy đến
trong suốt cuộc đời, theo một cách thức tương xứng với tuổi tác và tình trạng của
cá nhân. Vì thế cần phải xác định từng cấp độ mà con người phải đạt tới trong sự
phát triển bản thân, tức là mô tả cần hiểu thế nào “cách tương xứng” với mỗi lứa
tuổi, đâu là khả năng mà chủ thể thường đạt được, và những khả năng vận dụng để
đáp ứng với mỗi thứ thách đố.
Vào lúc mới ra đời, khoa TLH phát triển đã dồn
hết sức lực để mô tả chi tiết các lứa tuổi của sự phát triển tổng quát, đặc biệt
là tuổi thiếu niên và thanh niên. Trong hướng đi này, công trình của Arnold
Gesell thật là căn bản. Sau đó, TLH phát triển không chỉ lo diễn tả mà còn giải
thích cái gì làm động lực, cái gì gây ra sự phát triển ở mỗi giai đoạn. Các tác
phẩm của Jean Piaget hoặc Lev Vygotski về trí tuệ đã trở thành mẫu mực đáng kể
cho việc nghiên cứu. Tuy nhiên, sự đóng góp quan trọng nhất cho sự trưởng thành
có lẽ là của ông Erik Erikson.
Erik Erikson mang lại sự tiến triển cho phân
tâm học ở chỗ quan niệm rằng cuộc sống là cái gì năng động, Theo ông, trong suốt
cuộc đời, khi va chạm với thực tại, con người phải đối diện với tám thách đố lớn
hoặc tám cuộc khủng hoảng tăng trưởng. Các thách đố này chính là tám giai đoạn
của sự tiến triển; đặc trưng của mỗi giai đoạn là sự phát triển đặc thù của cuộc
khủng hoảng tâm lý – xã hội, mà con người cần phải giải quyết đúng lúc để có thể
chuyển sang giai đoạn kế tiếp. Giải quyết thành công sẽ tăng thêm sự trưởng
thành. Sự giải thích mỗi giai đoạn cùng với những căng thẳng của nó đã được
Erikson mô tả trong cuốn sách “Tuổi thơ và xã hội” (Childhood and society, xuất bản lần đầu tại New York năm 1950).
a) Tin tưởng căn
bản / Thiếu tin tưởng căn bản. Trong giai đoạn này (vào những tháng đầu tiên của
cuộc đời), phát triển sự khoan khoái, và cách riêng, nơi môi miệng, qua đó em
bé cảm nghiệm sự khoan khoái của sự nuôi dưỡng hằng ngày, và những cảm giác hạnh
phúc. Dần dần, phát triển cảm tưởng là thế giới chung quanh em là tốt đẹp, đáng
sống. Hậu quả, em dần dần thủ đắc sự tin tưởng vào chính bản thân; điều này sẽ
là nguồn gốc nâng đỡ cho sự tăng trưởng. Ngược lại, nếu không gặp thấy cánh tay
bồng ẵm, một người để trao đổi tình cảm, một nguồn mạch khoan khoái và an toàn,
thì em sẽ cảm thấy thế giới chung quanh mình là xấu xa, và mất sự an toàn, dần
dần sẽ mất tin tưởng vào bản thân.
b) Tự lập / Hổ thẹn
và nghi ngờ. Giai đoạn hai kéo dài cho đến khoảng hai hay ba tuổi. Đây là thời
gian mà em bé dần dần đạt được sự tự lập về hành động và di chuyển. Ở giai đoạn
này, hậu môn là nơi diễn ra sự giao tranh giữa hai hình thái hoạt động: giữ lại
và tống đi. Hai hình thái cũng được diễn đạt qua sự phát triển cơ bắp, qua những
hành vi như nắm giữ đồ vật và kéo giật chúng. Em bé thường tỏ ra phân vân giữa
hai thái cực, đôi khi dữ dội khiến em không thể kiểm soát được. Tuy vậy, em phải
học cách kiểm soát hai xung năng ấy để có thể đạt được sự tự lập. Nếu bị ngăn
chặn quá đáng bởi người cha, em bé sẽ rơi vào sự nghi ngờ và hổ thẹn. Trong
giai đoạn này, em bé phải đối diện với hai thực trạng: cảm thấy tự lập, tự tín,
có khả năng kiểm soát thân thể và tính tình; hoặc là bất ổn đối với bản thân, sợ
hãi những cái chung quanh mình.
c) Chủ động / Tội
lỗi. Giai đoạn này kéo dài cho tới 5 hoặc 6 tuổi, được Freud đặt tên là dương vật,
và gắn liền với mặc cảm Edipe cùng với những cảm xúc, ước muốn và sợ sệt.
Erikson liên kết giai đoạn với những khả năng mới của em bé: độc lập và những cử
động mạnh mẽ, hiểu được ngôn ngữ, óc tưởng tượng dồi dào và lắm lúc gây kinh
hãi. Ở giai đoạn này, em bé bắt đầu chú ý đến ý hướng của các hành động và tình
cảm của mình, bởi vì là thời gian bắt đầu có ý thức luân lý và cảm giác tội lỗi.
Điểm tích cực là những điều vừa nói có thể điều khiển tính tò mò và năng lực của
em vượt ra khỏi gia đình, để hướng đến thế giới của các sự kiện, các lý tưởng,
các mục tiêu thực tiễn. Tuy nhiên, nguy cơ của giai đoạn này là sự xuất hiện
tâm tình tội lỗi trước những ước muốn bị ngăn cấm và những mối ghen tương, đôi
khi được biểu lộ qua sự sợ hãi không thể kiềm chế, làm cho sự tăng trưởng của
em bé bị bế tắc.
d) Tài năng / Tự
ti. Giai đoạn này được Erikson đặc tên là “tiềm ẩn” hiểu theo một nghĩa đặc biệt.
Giai đoạn này kéo dài cho đến tuổi thiếu niên và thanh niên. Đây là thời kỳ của
việc học hành quy củ, dưới sự hướng dẫn của người lớn. Em bé ra khỏi khung cảnh
gia đình, và khám phá ra những cách thức và khả năng sống tương quan với các em
bé khác và với người lớn. Trong giai đoạn này, em học cách sử dụng những dụng cụ
và kỹ năng của thế giới người lớn, do đó phát triển tâm trạng chủ động. Khi nỗ
lực của mình không đạt được kết quả hoặc thấy xung khắc với các mục tiêu mà người
lớn đề ra thì sẽ phát sinh mặc cảm tự ti.
e) Căn tính / Hỗn
độn căn tính. Sự đối đầu này xảy trong tuổi dậy thì và thanh niên. Vào thời kỳ
thân thể biến đổi nhanh chóng, các cơ quan sinh dục nảy nở, thì một câu hỏi được
đặt ra liên quan tới sự đồng nhất và liên tục với những năm trước đây. Tuổi trẻ
thành niên phải đối diện với sự móc nối các đặc tính của bản ngã thuở niên thiếu
với các vai trò thành niên mà mình đang hướng đến. Người bạn trẻ sẽ cấu trúc
căn tính của mình cách tiệm tiến, khởi đi từ ý thức từ thâm tâm của mình, những
vai trò mà mình nắm giữ, cách thức người khác đánh giá mình, những năng khiếu của
cá nhân. Chuyện thường xảy ra là trong tiến trình này, người bạn trẻ sẽ đi tìm
một căn tính tạm thời bằng cách đồng hóa mình với một người anh hùng bình dân
nào đó, hoặc gia nhập một đám nào đó để thủ đắc một căn tính cho mình. Việc gia
nhập các nhóm này tránh cho người bạn trẻ khỏi cảm giác bị hỗn độn căn tính, và
tạo cơ hội chứng tỏ khả năng trung thành; tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu để đạt
được một căn tính cá nhân, khác hẳn với các đồng bạn, ngõ hầu trở thành chủ động
cho cuộc đời của mình. Ngược lại, anh ta sẽ để cho mình bị lôi cuốn bởi môi trường
hoặc bởi những người khác mà không biết rõ ý nghĩa của cuộc sống, thậm chí rơi
vào những bệnh hoạn trầm trọng về hỗn loạn căn tính.
f) Thân mật / Lạc
lõng. Sau khi đã đạt được căn tính của mình, bạn trẻ đã sẵn sàng chia sẻ căn
tính của mình với căn tính của người khác, trong một mối tương quan thân mật. Mặc
dù Erikson chỉ khai triển đề tài này dưới khía cạnh tương quan hỗ tương bền bỉ
giữa hai người khác giới tính, nhưng ta có thể nghĩ đến những hoàn cảnh khác, tựa
như tình bạn, tình đồng đội. Ngược lại, nếu thiếu căn tính vững bền và sợ mất bản
ngã, đương sự tránh những tương quan ấy, và chỉ có những mối liên hệ hời hợt, với
hệ quả là tâm tình xa cách, cô đơn.
g) Sinh sản / Trì
trệ. Đây là thách đố của tuổi trưởng thành đúng nghĩa. Xét vì việc học tập và
truyền đạt văn hóa giữ tầm quan trọng trong đời sống con người, tính sáng tạo
giữ một vai trò căn bản. Để cho cuộc đời của mình có ý nghĩa đối với người
khác, người trưởng thành cần cảm thấy mình quan trọng. Nơi thực hiện tiến trình
này là sự truyền đạt nó cho các thế hệ mới. Còn những ai bị thu hút vào những
toan tính khác và sống khép kín, thì có thể sẽ có cảm giác mệt mỏi.
h) Viên mãn / Thất
vọng. Một khi đã thành công trong việc đạt được mục tiêu của bảy giai đoạn trên
đây, nghĩa là sự trưởng thành trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, sự thu hoạch của
tuổi già sẽ là cảm giác viên mãn, và nhân cách của họ được trang điểm với nhiều
đức tính. Đặc tính viên mãn của con người “chín chắn” là tính nhất quán và toàn
bộ. Giai đoạn viên mãn này cũng bao gồm tâm tình thông hiệp với thế giới, với
xã hội và với cuộc sống cũng như cảm thức tâm linh. Họ mang trong mình một hình
thức mới của tình yêu dành cho cha mẹ và cho những người đã gây ảnh hưởng cho
cuộc đời. Họ cảm thấy liên đới với những dân tộc xa xôi và với những người đã dấn
thân phụng sự nhân phẩm và tình thương. Sự viên mãn cũng đưa đến sự chấp nhận
cái chết trong một chu kỳ duy nhất của cuộc sống. Khi nào điều này không xảy
ra, thì người ta cảm thấy cuộc sống kết liễu và mất mát. Sự thiếu tích hợp của
bản ngã được biểu lộ qua sự thất vọng, không chấp nhận thời gian trôi qua nhanh
chóng và không tài nào khởi đầu lại nữa.
3. Những đóng góp của TLH nhân bản
Một sự đóng góp thứ ba cho quan điểm về sự trưởng
thành là TLH nhân bản, muốn đúc kết những đóng góp của tâm-phân học và TLH thực
nghiệm. TLH tiếp cận vấn đề trưởng thành từ góc độ của sự tăng trưởng cá nhân,
động lực (motivaciones) và sự tự trọng . Trong học thuyết về các động lực, ông
Abraham Maslow ghi nhận rằng bên trên các động lực cơ bản (mà đặc tính là có thể
được mãn nguyện) còn có các động lực cao cấp, là đặc trưng của loài người, với
đặc tính là khả năng phản hồi: càng bồi dưỡng chúng thì càng thấy nhu cầu phải
thực hành. Trong số này, có các nhu cầu luân lý và thẩm mỹ và nhất là nhu cầu ý
nghĩa.
Như vậy, theo Maslow, con người là một hữu thể
mà, – ngoài việc thỏa mãn các nhu cầu cơ bản như ăn uống, giao hợp, kết hội, vv
và sự phát triển sinh học để trở thành người lớn- , còn có nhu cầu thành tựu cá
nhân, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống ở giữa một khung cảnh, nhờ thế họ cảm thấy
lành mạnh, chín chắn và hạnh phúc.
Cũng trong chiều hướng này, ta có thể xếp các
nhà TLH thuộc cùng một phong trào, tựa như E. Fromm y Rollo May, cách riêng
Carl Rogers với lý thuyết về đối thoại, đồng hành cá nhân và nhóm.
4. Sự trưởng thành như là sự tích hợp của nhân vị
Chúng ta có thể rút được những kết luận gì từ
những đóng góp của các trường phái TLH khác nhau? Một cách tổng hợp, thiết tưởng
có thể mô tả sự trưởng thành và những điều kiện cần thiết để đạt được sự trưởng
thành như sau:
1) Thứ nhất, cần phải nhắc lại rằng sự trưởng thành
là một ý niệm năng động: nó không phải là một cấp độ đạt được vào một lứa tuổi
nào đó (quen gọi là tuổi trưởng thành), nhưng là một tiến trình hiện diện dưới
nhiều hình thức khác nhau dọc theo mỗi lứa tuổi.
2) Như vậy, sự trưởng thành được hiểu như là sự
quân bình đạt được vào mỗi giai đoạn của cuộc đời, giữa những chiều kích khác
nhau của nhân cách (ý thức và vô ý thức, tình cảm, lý trí, ý chí, xã hội). Sự
quân bình này luôn luôn mang tính tạm thời và bấp bênh.
3) Sự quân bình này không chỉ diễn ra giữa các
chiều kích khác nhau của cá vị, nhưng còn phát sinh qua cuộc đối thoại và thông
chia với tha nhân, qua việc đảm nhận những vai trò và chức vụ khác nhau mà
đương sự đảm nhận, qua việc vượt qua những thách đố do khung cảnh và xã hội đặt
ra mà đương sự phải giải quyết.
4) Những thách đố xã hội không giống y như
nhau trong mỗi lứa tuổi của cuộc đời, nhưng có một sự tiến triển, một đàng do
các khả năng của lứa tuổi, đàng khác do khung cảnh xã hội ở nơi đương sự sinh sống
(giai cấp xã hội, văn hóa, vv).
5) Việc đạt tới sự trưởng thành không chỉ giới
hạn vào việc đánh giá về chính bản thân (điều sẽ được củng cố dần dần dọc theo
cuộc sống), nhưng còn tùy thuộc vào nhãn quan của đương sự về thế giới và về xã
hội chung quanh. Nói cách khác, sự trưởng thành đi đôi với sức khỏe tâm lý.
6) Sau cùng, việc đạt đến mức trưởng thành ở mỗi
giai đoạn cũng có tính năng động, bởi vì trở thành động cơ cho sự tăng trưởng
và sự thay đổi nhân cách của đương sự, khiến cho họ có khả năng đương đầu với
những thách đố mới được đặt ra trong cuộc đời.
III. Trưởng thành nhân bản và trưởng thành tôn
giáo
Một câu hỏi căn bản được đặt ra cho chúng ta
là: có mối tương quan giữa trưởng thành nhân bản và trưởng thành tôn giáo
không? Liệu chúng ta có thể áp dụng những học thuyết về sự trưởng thành nhân bản
cho tiến trình tăng trưởng đức tin được không, ngõ hầu có thể xử lý trong phạm
vi tôn giáo, chẳng hạn như trong việc phân định ơn gọi, trong việc tiến cử vào
chức vụ, vv? Đây là một câu hỏi then chốt được đặt ra cho TLH tôn giáo nói chung,
hoặc cho thần học tâm linh, và thần học huấn giáo, ngõ hầu có một khái niệm về
sự tăng trưởng trong đức tin. Những câu hỏi liên quan sự trưởng thành tôn giáo
mang theo nhiều hệ luận không những về lý thuyết mà còn về thực hành nữa.
Trước hết, để khởi hành, thiết tưởng nên nhắc
lại câu tục ngữ cổ điển trong nhân luận thần học: “Ân sủng không thay thế tự
nhiên”. Vinh quang Thiên Chúa là muốn cho con người được sống, và sống nhân bản
cách sung mãn qua việc phát triển đầy đủ tất cả những tiềm lực của mình, giúp
cho nó trở nên hình ảnh của Đấng Tạo hóa (St 1,27), con người mới theo hình ảnh
của Đức Kitô (Rm 8,29). Tuy nhiên sự tăng trưởng nhân bản này cũng kèm theo ý
thức về sự hữu hạn của con người, mở ra cho nó cuộc tìm kiếm cõi siêu việt, được
diễn tả qua câu nói của thánh Augustino : “Con sẽ không tìm Ngài nếu như con
không gặp Ngài”,
Thế nhưng, trong thế giới đa nguyên mà chúng
ta đang sống, không thiếu những người tố cáo tôn giáo, và cụ thể là Kitô giáo,
vì đã làm cho con người bị tha hóa, làm cho cuộc đời mất tính nhân bản; từ đó,
họ chủ trương rằng để cho con người được trưởng thành thì cần phải loại bỏ
Thiên Chúa. Đối lại, cũng không thiếu những Kitô hữu tố cáo rằng những kẻ vô thần
là những con người khiếm khuyết, thiếu trưởng thành. Vì thế, đối với thần học,
cần phải mở ra những con đường đối thoại, như công đồng Vaticanô II đã vạch ra,
cho phép chúng ta nhìn nhận nơi mỗi con người những dấu vết của sự hiện diện của
Thiên Chúa trong cuộc đời, và đồng thời, cũng biết chấp nhận rằng trong bất cứ
con người nào, cũng có những vùng tối tăm, non nớt, bất cập. Dù sao đi nữa, sứ
điệp Kitô giáo góp phần vào việc hiểu biết sự trưởng thành nhân bản, và những dữ
kiện của TLH về sự trưởng thành nhân bản giúp khám phá một vài dấu vết bất cập
trong hình thức sống đức tin.
IV. Sự trưởng thành tôn giáo (cuộc gặp gỡ Thiên Chúa)
Một loại cảm nghiệm nhân bản như là ý thức về
sự hữu hạn của mình, cuộc gặp gỡ liên bản vị của tình yêu, cảm nhận về việc cưu
mang sự sống và niềm vui được làm cha mẹ, cảm nghiệm về đau khổ và thất vọng, nỗi
bất bình và chống cự cảnh bất công, khả năng ngây ngất trước cái thiện và vẻ đẹp
của cuộc sống, có lẽ đó là những cảm nghiệm, dưới một hình thức nào đó, mở ra đến
việc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của cuộc đời và gặp gỡ Thiên Chúa.
Tuy nhiên không phải hết mọi cảm nghiệm đều
chín chắn như nhau. Chúng ta thường phóng dọi lên Thiên Chúa, (cũng tương tự
như chúng ta vốn quen làm đối với các tương quan với tha nhân), những ước mong
được sống an toàn, những nỗi lo sợ, những thất bại, những mơ ước của mình. Tất
cả những điều này mở ra một tiến trình phê phán về hình ảnh của chúng ta về
Thiên Chúa, thanh luyện khỏi những ngẫu tượng mà chúng ta tạo ra mỗi ngày. Một
trong những dấu hiệu của sự trưởng thành tôn giáo là thái độ cởi mở đứng trước
Mầu nhiệm, biết hồ nghi về nguy cơ ngẫu tượng hóa mối tương quan của ta đối với
Thiên Chúa; một lối sống tín thác và ngoan ngoãn thi hành ý muốn của Chúa, mang
lại kết quả là sự an bình sâu xa, thái độ tự do và can đảm đối diện với những
gì vây quanh ta. “Đừng sợ”, “không chi có thể làm nao núng”.
V. Sự trưởng thành Kitô hữu
Những điều vừa rồi có thể áp dụng cho tất cả mọi
tôn giáo, với những nét đặc thù của mỗi tôn giáo. Đối với Kitô giáo, đặc trưng
của nó là mối tương quan với chính bản thân Chúa Giêsu.
Kể từ mầu nhiệm nhập thể, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta,
bản thân Chúa Giêsu, đối với các tín hữu, trở nên điểm quy chiếu tối hậu của
loài người. Người là khuôn mẫu, điểm đến, và thầy dạy của nhân loại. Nhờ Người,
suối nguồn ân sủng đã đổ tràn xuống nhân loại, giúp cho chúng ta không những
giao hoà với Thiên Chúa, mà còn với chính nhân tính của chúng ta. Người là con
người mới, đã biến đổi mỗi người chúng ta thành những con người mới, được tái
sinh nhờ bí tích thánh tẩy.
Chúng ta đừng nên coi cuộc tái tạo nhân tính của
chúng ta như là một hành vi ảo thuật, nhưng như là một bổn phận phải tăng trưởng
không ngừng. Giống như một tiến trình (Ep 4,13) trong đó có vai trò của ân sủng
do Chúa Kitô đổ xuống, và có vai trò của hành động tự do và tự nguyện về phía
con người. Vì thế thánh Phaolô mời gọi các Kitô hữu hãy đón nhận ân sủng (Ep
4,17 tt) và mỗi người hãy làm tăng trưởng trong mình những tâm tình của Đức
Kitô Giêsu (Pl 2,5).
Tất cả những điều đó đã được thực hành và ghi
lại trong Tân ước dưới các phạm trù “đi theo Chúa Giêsu”, “trở thành môn đệ”,
giả thiết một tiến trình trong đó các chặng của tiếng gọi, đi theo và sai đi đã
nêu bật những giai đoạn của sự trưởng thành Kitô hữu. Tiến trình này với những
chặng của nó cho phép ghi nhận như là những khía cạnh của sự trưởng thành Kitô
hữu:
a) Ý thức về bản
thân của mình, về những giá trị và giới hạn của mỗi người, về khung cảnh xã hội
của mình (“Người kêu gọi họ đích danh”).
Khả năng mở rộng và lắng nghe vượt quá thực tại cụ thể, và khả năng vươn lên để
gặp gỡ Đấng kêu gọi mỗi người trong những biến cố, những hoàn cảnh và những con
người mà ta gặp thường ngày.
b) Sự tiến triển
và thanh luyện trong lãnh vực tình cảm và thái độ, tìm cách uốn nắn chúng phù hợp
với những tâm tình của Chúa Giêsu. Xếp đặt sứ điệp Kitô giáo cách hệ thống để đối
thoại với thế giới chung quanh (“Trình
bày lý do của niềm hy vọng của anh em”). Hiệp thông với những người họp
thành cộng đoàn các môn đệ, trải qua một tiến trình thanh luyện và chữa trị tất
cả những gì nhem nhuốc trong các mối tương quan (ghen ghét, đố kị, cạnh tranh..
). Lòng say mê dành cho hết mọi người như là biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa,
đặc biệt dành cho những người bé nhỏ, yếu ớt, nghèo nàn nhất, như là biểu lộ
lòng yêu thương ưu ái của Chúa Giêsu.
c) Ý thức rằng mình đã lãnh nhận một nhiệm vụ, một sứ mạng trong việc xây dựng thế giới, trong việc loan báo Tin mừng tỏa rạng như một ân sủng mang lại tình huynh đệ và ơn cứu độ. Ý thức về tự do như là một liều lĩnh khi dám đưa ra quyết định, khi mở ra những con đường mới, khi tạo ra những hoàn cảnh mới để cho Chúa có thể hiện diện. Sự quyết tâm dấn thân vào sứ mạng, bao gồm kể cả những người không cùng tín ngưỡng hoặc ý thức hệ. Niềm xác tín rằng mọi sự, kể cả cuộc sống của mình, đều có một ý nghĩa.
——————————–
Thư mục
ERIKSON E.
H., Identity and the Life Cycle:
Selected Papers, International Universities Press, Nueva York 1959; The Life Cycle Completed: A Review, W.
W. Norton, Nueva York 1982; Infancia
y sociedad, Paidós-Hormé, Buenos Aires 19839.
FOWLER J.
W., Stages of Faith; The Psychology
of Human Development and the Quest for Meaning, Harper & Row, San
Francisco 1981; Becoming Adult,
Becoming Christian; Adult Development and Christian Faith, Harper &
Row, San Francisco 1984.
GARRIDO J., Adulto y cristiano. Crisis de realismo y
madurez cristiana, Sal Terrae, Santander 1989.
GUIGUÉRE P.
A., Una fe adulta. El proceso de maduración
en la fe, Sal Terrae, Santander 1995.
MASLOW A.
H., El hombre autorrealizado,
Kairós, Barcelona 1983.
ZAVALLONI R., “Madurez espiritual”, in: DE FLORES S.-GOFFI T. (dirs.), Nuevo diccionario de espiritualidad, San Pablo, Madrid 19912, 1123-1138.
——————–
Phụ thêm
I. Những chặng tiến triển của đức tin: James
Fowler
Trong chiều hướng nghiên cứu của TLH phát triển,
ông James Fowler (một giáo sư và mục sư của Giáo hội Methodist) cũng áp dụng
vào việc nghiên cứu những chặng tiến triển của đức tin, trong quyển sách xuất bản
năm 1981, Stages of Faith: The
Psychology of Human Development and the Quest for Meaning (Những chặng
đức tin. Tâm lý của sự phát triển nhân bản và việc đi tìm ý nghĩa). Tác giả
quan niệm rằng sự trưởng thành đức tin cần được lồng trong cái nhìn toàn diện của
con người: suốt đời, con người xây đắp những tương quan với bản thân, với Thiên
Chúa và với tha nhân. Những tương quan này chịu chi phối bởi nhiều nhân tố: đường
lối tư duy và phán đoán các hành vi luân lý, cách thức đối xử với nhà cầm quyền,
vũ trụ quan. Riêng trong lãnh vực tôn giáo, ông Fowler để ý đến cách thức định
hướng cuộc sống dựa theo niềm tin của mình. Ông chia làm sáu chặng như sau:
– Giai đoạn 0 (khởi đầu): trẻ sơ sinh chưa có
đức tin. Tuy nhiên, em bé bắt đầu phát triển niềm tín thác vào kẻ chăm sóc
mình; đây là nền tảng của đức tin về sau.
– Giai đoạn 1 (khoảng 2-6/8 tuổi): đức tin trực
giác và phóng dọi. Em bé bắt đầu biết nói và bắt đầu biết chơi. Óc tưởng tượng
được thành hình. Em bé nhận thức về Thiên Chúa cách trực giác, và phóng dọi lên
Thiên Chúa những cảm nghiệm của mình về thế giới (hình dung Thiên Chúa giống
như các nhân vật mà mình quen biết).
– Giai đoạn 2 (khoảng 6/8 tuổi cho đến 11/13
tuổi): đức tin huyền thoại. Em bé chịu ấn tượng bởi những chuyện kể, và hiểu
câu chuyện theo nghĩa đen. Thiên Chúa được nhìn như là Đấng ban thưởng hay trừng
phạt.
– Giai đoạn 3 (khoảng từ 11/13 tuổi cho đến
lúc trưởng thành; có những người trì trệ trong giai đoạn này đến suốt đời): đức
tin quy ước. Thiếu nhi bắt đầu suy tư về những tình cảm của mình cũng như nắm bắt
những hình ảnh của bạn bè nghĩ về mình. Thiếu nhi coi trọng các mối dây tương
quan xã hội, và dễ dàng chấp nhận ý kiến của nhóm, với tính cách triệt để.
– Giai đoạn 4 (từ 17 tuổi, nhưng có khi muộn
hơn): đức tin cá nhân. Người thanh niên xét lại các điều đã được truyền thụ trước
đây. Họ ý thức trách nhiệm của mình, chứ không chỉ dựa vào nhóm, và muốn tạo
cho mình một lối suy tư riêng biệt. Điều này đôi khi có thể dẫn tới việc không
tham gia các buổi cử hành của cộng đồng nữa.
– Giai đoạn 5 (tuổi trung niên, khoảng tứ tuần):
đức tin hài hòa. Họ tìm cách dung hòa những lãnh vực xem ra đối chọi nhau:
Thiên Chúa vừa siêu việt vừa nội tại, Ngài toàn năng nhưng đã tự ý hạn chế
mình. Họ trở nên khiêm tốn hơn khi nói về Thiên Chúa. Họ cũng sẵn sàng đối thoại
với những người không cùng tín ngưỡng. Nên ghi nhận là không phải tất cả các
người trung niên đều đạt tới trình độ này.
– Giai đoạn 6: đức tin phổ quát. Rất ít người
đạt đến. Tác giả trưng dẫn một vài nhân vật tiêu biểu: Gandhi, Martin Luther
King, Mẹ Teresa Calcutta. Họ hoàn toàn dựa vào Thiên Chúa, ra khỏi bản ngã của
mình, và muốn cải tạo xã hội hầu chuẩn bị cho Vương quốc Thiên Chúa.
Nên ghi nhận là tác giả không chỉ giới hạn
lãnh vực nghiên cứu vào các tín hữu Kitô giáo. Đức tin trưởng thành vượt lên
biên cương của các tôn giáo lịch sử và đạt đến Thực tại huyền nhiệm.
II. Đề tài trưởng thành trong các văn kiện của
Giáo hội về đào tạo
Kể từ công đồng
Vaticanô II, các văn kiện của Giáo hội về đào tạo thường nói đến sự trưởng
thành dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Chúng ta có thể lấy khởi điểm là sắc lệnh Optatam totius về việc đào tạo linh
mục (các số 11;12) và sắc lệnh Perfectae
caritatis về việc canh tâm dòng tu (các số 12; 14). Trong những văn kiện
sau công đồng, chúng ta có thể quy chiếu về hai tông huấn Pastores dabo vobis (về việc đào tạo
linh mục) và Vita consecrata (Về
đời sống thánh hiến) làm điển hình.
A. Pastores dabo
vobis
Tông Huấn bàn về những chiều kích khác biệt trong nền đào tạo nhân bản, thiêng liêng, trí thức
và mục vụ.
1/ Trước hết, đối
với chiều kích nhân bản (số 43), tông huấn viết: “Không có đào tạo nhân bản thỏa
đáng, thì việc đào tạo linh mục trong toàn bộ sẽ bị thiếu hụt mất nền tảng cần
thiết” (…). Được mời gọi trở nên “hình ảnh sống động” của Đức Giêsu Kitô Đầu và
Mục Tử, linh mục cần phải phản ánh nơi chính mình, trong mức độ có thể, sự
thành toàn nhân bản như được rạng chiếu nơi Con Thiên Chúa làm người và như được
nhìn xuyên thấu qua các thái độ đầy hiệu năng của Ngài đối với tha nhân, đúng
như lời diễn tả của các tác giả Tin Mừng. (…) Như thế, không phải chỉ vì để đạt
được một sự triển nở cần thiết và chính đáng và để tự thể hiện chính mình,
nhưng còn vì để thi hành thừa tác vụ linh mục mà các linh mục tương lai cần phải
vun trồng một tập hợp những đức tính nhân bản, cần thiết cho sự kiến tạo những
nhân cách quân bình, mạnh mẽ và tự do: chính vì để có khả năng chịu đựng sức nặng
của các trách nhiệm mục vụ. Bởi đó có nhu cầu phải được giáo dục về lòng yêu mến
chân lý, về sự chân thành, về sự tôn trọng nhân vị đối với mọi người, về ý thức
công bằng, về chữ tín trong lời nói, về lòng trắc ẩn thực thụ, về tính nhất
quán, cách riêng về sự quân bình trong phán đoán và trong cách cư xử. Trong
lãnh vực đào tạo nhân bản, văn kiện (số 44) lưu ý cách riêng đến trưởng thành về
tình cảm và về tự do.
2/ Bốn chiều kích
đào tạo vẫn còn cần thiết trong giai đoạn “thường xuyên” (số 71-72). “Một khía cạnh đầu tiên của công việc
trau dồi nói trên liên quan đến chiều
kích nhân bản của nền đào tạo linh mục. Linh mục cần phải lớn lên
trong việc tiếp xúc thường ngày với người khác và trong việc chia sẻ cuộc sống
với họ mỗi ngày ; linh mục cần phải trau dồi tính nhạy bén nhân bản để nhờ đó
có thể hiểu được những nhu cầu và đón nhận những lời kêu cứu, có thể trực giác
những yêu cầu không được phát biểu thành lời, có thể chia sẻ những mối hy vọng
và những nỗi mong chờ, có đủ khả năng gặp gỡ từng người và đối thoại với mọi
người . Trên tất cả, trong khi am hiểu và chia sẻ, nghĩa là trong khi biến
thành của mình kinh nghiệm khổ đau của con người dưới mọi hình thức, từ cơ bần
đến bệnh tật, từ lạc loài đến ngu dốt, từ cô đơn đến đủ loại nghèo đói vật chất
hoặc tinh thần, linh mục làm cho kinh nghiệm nhân bản của mình được nên phong
phú, biến nó thành chính hiệu hơn và xuyên thấu hơn trong một tình yêu ngày
càng gia tăng và nồng nhiệt với con người... Hành trình lần bước tiến tới sự
trưởng thành chẳng những đòi linh mục phải không ngừng trau dồi tất cả mọi chiều
kích ấy của nền đào tạo, nhưng còn là và nhất là đòi linh mục phải biết làm cho
chúng thấm nhập trọn vẹn một cách hoà điệu, đến độ dần dà đạt tới sự thống nhất
nội tâm mà đức ái mục vụ sẽ làm cho thêm kiên vững. Quả vậy, đức ái mục vụ chẳng
những phối hợp và thống nhất các phương diện khác biệt của nền đào tạo với nhau
nhưng còn chuyển ban cho các phương diện ấy phẩm chất đặc loại của nền đào tạo
linh mục xét như là linh mục, nghĩa là như hình ảnh xuyên thấu và sống động,
như bí tích của Đức Giêsu Mục Tử Nhân Lành”.
B. Vita
consecrata
1/ Việc đào tạo
mang tính cách toàn diện: bao trùm tất cả mọi chiều kích của con người và kéo
dài suốt đời: “Mục tiêu chính của tiến trình đào tạo là chuẩn bị một người dâng
trót mình cho Thiên Chúa trong việc theo Chúa Ki-tô, để phục vụ sứ mạng của
Giáo Hội. Trả lời ‘xin vâng’ đáp lại
tiếng Chúa gọi bằng cách chính mình dấn thân làm cho ơn gọi của mình ngày một
trưởng thành thêm (…) Do đó, việc đào tạo phải thấm nhập sâu xa chính con người,
sao cho toàn bộ cách ăn ở, trong những lúc quan trọng và trong những lúc bình
thường của cuộc sống, cho thấy người đó vui sướng thuộc về Chúa cách trọn vẹn.
Do cứu cánh của đời thánh hiến là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su
trong lễ dâng trọn vẹn của Người, việc đào tạo phải hướng về đó. Đây là một lộ
trình giúp từ từ có được những tâm tình của Đức Ki-tô đối với Chúa Cha. Nếu mục
đích của đời thánh hiến là vậy, thì quy trình đưa tới đó cần phải có và cho thấy
tính toàn diện: việc đào tạo phải bao trùm toàn diện con người trong mọi khía cạnh
nhân cách người đó, trong cách ăn ở cũng như trong các ý hướng. Vì nó nhằm biến
cải toàn bộ con người, nên nhiệm vụ đào tạo không bao giờ chấm dứt” (…) Việc
đào tạo toàn diện phải bao gồm mọi lãnh vực của đời sống Ki-tô hữu và đời sống
thánh hiến. Do đó phải tiên liệu việc chuẩn bị nhân bản, văn hoá, thiêng liêng,
mục vụ, sao cho các yếu tố đó được hội nhập hài hoà với nhau. Phải dành cho việc
đào tạo sơ khởi một thời gian khá dài, vì đây là một tiến trình tiệm tiến, trải qua tất cả các giai đoạn trưởng thành của
con người, – từ trưởng thành tâm lý và thiêng liêng đến trưởng thành thần học
và mục vụ” (số 65).
2/ Số 70 nhắc nhở rằng tiến trình đào
tạo cần tiếp tục suốt đời, bởi vì hành trình cuộc đời thánh hiến không trơn tru
thẳng băng, nhưng gặp nhiều khủng hoảng, hầu như định kỳ (Những năm đầu mới ra
trường, lứa tuổi trung niên, lúc về già hoặc bệnh tật, vv). Vì thế, số 71 nói tiếp: “Nếu trong mọi
giai đoạn của cuộc sống, con người phải chủ động trong việc đào tạo mình, thì cứu
cánh của việc đào tạo phải nhắm tới toàn thể con người, được mời gọi tìm kiếm
và yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực” (Đnl 6,5) và yêu
tha nhân như chính mình (x. Lv 19,18; Mt 22,37-39). Tình yêu Thiên Chúa và anh
em là một sức mạnh năng động, luôn luôn có thể làm nguồn cảm hứng cho tiến
trình tăng trưởng và trung tín. Đời sống trong Thần Khí hiển nhiên phải được đặt
lên hàng đầu. Sống trong Thần Khí, người tận hiến tìm lại được căn tính của
mình và một sự thanh thản sâu xa, quan tâm nhiều hơn tới những lời mời gọi thường
nhật của Lời Thiên Chúa, và để cho trực giác nguyên thuỷ của tu hội hướng dẫn.
Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các buổi nguyện gẫm, thinh lặng và cô tịch
phải được kiên trì bảo toàn, khẩn khoản nài xin Đấng Tối Cao ơn khôn ngoan
trong công việc mỗi ngày (x. Kn 9,10). Chiều kích nhân bản và huynh đệ bao hàm
sự biết mình và biết giới hạn của mình, để được khích lệ và nâng đỡ trên đường
giải phóng hoàn toàn. Trong bối cảnh ngày nay, phải đặc biệt quan tâm đến tự do nội tâm của người tận hiến, sự trưởng
thành tình cảm, khả năng thông đạt với mọi người, đặc biệt trong chính cộng
đoàn của mình, sự thanh thản của tinh thần, sự thông cảm với những người đau khổ,
lòng yêu mến sự thật và sự hoà hợp giữa lời nói và việc làm.”
——————
[1] Trong các ngôn ngữ châu Âu, có hai danh từ tương đương với
“trưởng thành” trong tiếng Việt: madurez (maturité:
chín chắn) và adulto (adulte:
tráng niên). Người tráng niên được đồng hóa với người trưởng thành (hoặc: sự
trưởng thành được đồng hóa với tuổi đời, tuổi thành niên). Tâm Lý Học cho thấy
giá thiết này không đúng.
Nguồn: catechesis.net