Trung tâm hành hương Ba Giồng

WGPSG - Trong Năm Thánh 2018 tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ở mỗi Giáo tỉnh, Hội đồng Giám mục ấn định một Trung tâm hành hương cho Năm Thánh:

- Vương cung thánh đường Sở Kiện: được chọn làm nơi hành hương năm thánh cho Giáo tỉnh Hà Nội;

- Trung tâm hành hương Thánh Mẫu La Vang: được chọn làm nơi hành hương năm thánh cho Giáo tỉnh Huế;

- Trung tâm hành hương Ba Giồng (thuộc Giáo phận Mỹ Tho): được chọn làm nơi hành hương năm thánh cho Giáo tỉnh Sài Gòn.

Riêng về Ba Giồng, người ta có thể thấy, tuy nơi này mới được Đức Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc ấn định là nơi hành hương của Giáo phận Mỹ Tho vào năm 2004, nhưng cộng đoàn tín hữu đã có mặt tại đây từ thuở ban đầu của lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nên có thể nói rằng, hành hương nơi này cũng được coi là về thăm một trong những cái nôi của Giáo Hội Việt Nam. Đến đây, người ta có thể chiêm ngắm những ngôi mộ cổ của các tín hữu ghi năm 1663, 1664…

Trung tâm hành hương Ba Giồng nằm trong khuôn viên của nhà thờ giáo xứ Ba Giồng - một họ đạo lâu đời nhất của Giáo phận Mỹ Tho. Lịch sử họ đạo Ba Giồng gắn liền với các biến cố bách hại đạo Công giáo ở Tây Đàng Trong. Những người dân thuở xưa sống ở nơi này đã từng chứng kiến cảnh tử đạo của rất nhiều tín hữu (1783, 1836, 1861…). Và trong số 117 vị thánh Tử đạo tại Việt Nam, có 2 linh mục phụ trách họ đạo Ba Giồng là cha Philipphê Phan Văn Minh - phục vụ Ba Giồng từ năm 1849 đến 1853, và cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu - phục vụ Ba Giồng từ năm 1852 đến 1861. Cha Phillipphê Minh là vị đầu tiên nằm trong danh sách những linh mục coi sóc họ đạo Ba Giồng.

I. GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH

1. Tên gọi Ba Giồng

Tài liệu “27 vị tử đạo tại Ba Giồng (Mỹ Tho)” của Linh mục M. Hamon (1882) - hiện còn lưu trữ tại Hội Thừa Sai Paris - có nhắc đến sự hình thành tên gọi Ba Giồng như sau:

Ở tỉnh Mỹ Tho có một cánh đồng lầy rộng lớn. Vào mùa mưa, cánh đồng ấy biến thành một hồ nước mênh mông. Ở lối vào đồng lầy này, nước cuốn dồn cát lại như tạo cho mình một rào chắn không thể vượt qua nổi. Với thời gian, những đụn cát ấy cao dần lên. Một cộng đồng nho nhỏ đã dần dần hình thành ngay trên ba giồng cát này, với một rừng tre xanh có ngọn cao vây quanh như một vòng đai xanh, đó chính là xóm nhỏ Ba Giồng.

Thuộc làng Tân Lý Đông, gần chợ Cổ Chi, xóm Ba Giồng không có gì khác biệt với các xóm làng khác: cũng những túp lều người dân An Nam, lợp tranh bé lớn tùy theo mức sống của người dân ở đó. Giữa xóm có một ngôi nhà lớn hơn với cây Thánh Giá nổi bật. Dân cư không giàu sang mà cũng không túng quẫn, hầu như mọi người đều sống bằng lao động của đôi bàn tay, thế nhưng họ có một kho báu mà họ coi trông hơn tất cả mọi của cải giàu sang, đó là Đức Tin.

2. Hình thành Họ đạo Ba Giồng

Tài liệu “27 vị tử đạo tại Ba Giồng” kể tiếp: “Không ai biết xóm đạo được thành lập từ bao giờ. Rất có thể, dân cư đã trở lại đạo từ một thời xa xưa. Các cụ già thường chỉ cho con cháu ngôi mộ của ba thế hệ đã sống trước họ mà tất cả đều là người có đạo Công Giáo”.

Nếu đến thăm Đất Thánh của họ đạo này, ta sẽ thấy có một ‘mộ bia đôi’ ghi niên đại 1663, một mộ bia khác ghi niên đại 1664, và nhiều ngôi mộ cổ ghi chữ Nho mà nay đã lu mờ không thể đọc được. Đặc biệt, có một ngôi mộ xây bằng đá xanh rất đẹp niên hiệu Đinh Hợi 1887 - có câu đối chữ Nho khắc sâu: “Sơn Trung Phương Uất Nhật - Thế Phượng Dĩ Thiên Niên”, tạm dịch: “Giữa núi gặp ngàn mây bay - trần thế đã ngàn năm”, ý nói: “ngàn năm như mây bay”, diễn ý: “Đời người dầu đạt tột đỉnh cũng qua mau như mây khói!”

Một tài liệu khác được lưu trữ tại Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn - là bản tường trình của linh mục F. Demarcq (cha sở họ đạo Tân An 1911), thừa sai Tông Tòa - đã xác định sự hiện diện từ rất sớm của họ đạo Ba Giồng:

“Do tính cách lâu đời của nó, họ đạo này đáng đứng chỗ nhất; tất cả các họ đạo khác tương đối mới có khá gần đây.

“Theo những lời truyền tụng khá chắc chắn, vào khoảng năm 1700 hoặc 1702, dưới triều đại Minh Vương, chừng 20 ghe biển rời bờ Phú Yên, lìa xa các bở biển An Nam, mang theo khoảng 30 gia đình Kitô giáo. Những gia đình này trốn tránh cuộc bắt đạo và trẩy về hướng Nam Kỳ. Ghe ngược dòng tới chỗ bắt đầu cánh đồng lác rộng lớn và dừng lại ở miệng con rạch ngày nay gọi là Rạch Chanh. Rạch Chanh là một con rạch do nước từ đồng lớn tràn xuống kết thành mà trước kia chảy ngang qua những cánh rừng bao la.

“Đầu tiên tất cả các gia đình lập cư ngay trên con rạch này, và ghe lại trở về Phú Yên rước thêm những gia đình khác. Sáu tháng sau, ghe trở lại đem theo những Kitô hữu khác còn đông hơn nữa. Những người này cũng lập cư cùng một chỗ với những người đến lần đầu.

“Khu vực này lại ở ngay bên sông, như sự cố sau đây chứng minh: Ngày kia, một vài người đánh cá trong sông thì bị một chiếc thuyền chở ông quan từ Sài Gòn đi Châu Đốc bắt gặp. Họ bị bắt và bị đem đi. Tất cả Kitô hữu khác khiếp sợ, vội vã bỏ nơi ấy để đi sâu vào trong rừng, cho tới Ba Giồng bây giờ và lập cư tại đó. Về sau, nhiều Kitô hữu Phú Yên khác chạy trốn các cuộc bắt đạo cũng đến nhập cư với họ. Ngoài ra, Kitô hữu vùng lân cận Sài Gòn, Biên Hòa, Mỹ Tho cũng đến nhập cư và làm con số giáo hữu lên đến 3.000 người”.

3. Chứng nhân đức tin

Năm 1783 khi bị Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh (Gia Long) có chạy ghé qua Ba Giồng, được dân ở đây cho ăn uống. Chính vì vậy, quân Tây Sơn đã nghi ngờ và giết khoảng 150 người ở họ đạo Ba Giồng.

Năm 1836, trong cuộc bách hại thời vua Minh Mạng (trị vì 1791 - 1841), quan quân đã cho giết khoảng 1700 tín hữu Công giáo ở Ba Giồng.

Vào thời vua Tự Đức (trị vì 1847 - 1883), vị linh mục từng phục vụ giáo xứ Ba Giồng là cha Philipphê Phan Văn Minh đã bị bắt vào ngày 26-2-1853 tại Mạc Bắc (Vĩnh Long) và bị xử tử vào ngày 7-3-1853 tại pháp trường Đình Khao (Vĩnh Long). Còn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu thì bị bắt vào năm 1860 khi đang là cha sở ở vùng Ba Giồng, và bị chém đầu vào ngày 7-4-1861 tại Mỹ Tho.

Vài ngày sau khi cha Lựu tử đạo, quân Pháp tràn vào Mỹ Tho. Trước khi quan quân Việt Nam rút đi, họ đã quyết định tiêu diệt họ đạo Ba Giồng. Được tin này, giáo dân Ba Giồng tìm cách chạy trốn trong đêm, nhưng hầu hết đã bị bắt lại. 25 người đàn ông của họ đạo Ba Giồng, sau khi tuyên xưng Đức Tin cách mạnh mẽ, đã bị trảm quyết tại căn nhà vuông, trên mảnh đất chợ Cổ Chi, giáp với xã Tân Lý Đông, cách nhà thờ Ba Giồng khoảng hai cây số. Xác các vị Tử Đạo, các quan bắt người lương đem chôn trong cánh đồng bên cạnh chợ; một số được chôn tại một gò đất, nơi đây đồng bào địa phương gọi là “Gò Chết Chém” (Trong một thời gian dài - từ năm 1862 đến 1986 - người ta truyền tụng rằng: trên gò này, cỏ không mọc được, và những tàn cây phủ bóng trên gò cũng bị chết khô. Những lương dân làm ruộng xung quanh có vào đó ngồi nghỉ chân, nhưng không bao giờ dám phóng uế).

Sau khi chém 25 tín hữu và giết 2 người khác khi họ đang chạy trốn (1862), quan án ra lệnh các giáo hữu phải bỏ họ đạo Ba Giồng để đi nơi khác, không ai được ở lại. Còn nhà thờ thì bị phá, cho đến 10 năm sau, cha M. Hamon vâng lệnh Đức Cha Micae về coi sóc họ đáo và lo việc cải táng hài cốt các vị Tử Đạo về nơi an nghỉ tại Đất Thánh ngày 18-6-1872.

II. BA GIỒNG HIỆN NAY

Theo thống kê của họ đạo, vào năm 1976, Ba Giồng chỉ còn khoảng 450 giáo dân. Hiện nay, năm 2018, Ba Giồng có khoảng gần 2.000 giáo dân. Đa số dân ở đây sống bằng nghề làm ruộng, trồng rẫy, đan giỏ nón... Cuộc sống người dân không khá giả, nhưng cũng không đến nỗi túng quẫn. Một trong những nét đẹp của Ba Giồng là sự thân ái của tình làng nghĩa xóm. Bà con giáo dân sống chan  hòa, chân thành với người dân khác tín ngưỡng.

Như đã trở thành một truyền thống, Ba Giồng là một trong những vườn ươm cung cấp cho Giáo hội những hoa thơm trái tốt. Khởi đi từ mảnh đất Ba Giồng, đã có không ít linh mục, tu sĩ dấn thân phục vụ Giáo hội và con người một cách nhiệt thành. Quả đúng như Cha Hamon đã từng nói: “Xóm nhỏ này không có du khách nào đặt chân tới, mà cũng chẳng có nhà địa lý nào biết đến. Nhưng tên tuổi xóm này lại rất đáng được tôn vinh. Chúng ta hãy kính chào đi, vì đây là một vùng đất đã được máu các Thánh Tử Đạo thánh hiến!”

III. NHÀ THỜ BA GIỒNG

Họ đạo Ba Giồng như thế đã có một bề dày lịch sử, được Cha Hamon thuộc Hội Thừa Sai Paris đề cập đến trong “Les Missions Catholiques năm 1882”. Theo cuốn sách này thì trong những thời kỳ đầu tiên, nhà thờ Ba Giồng đã ba lần bị thiêu hủy.

Sau đó, vào năm 1950, nhà thờ Ba Giồng được xây dựng lại từ một lớp học nối dài, chiều dài chỉ có 24 mét, chiều rộng 6 mét, vật liệu bằng vôi cát thô sơ, đã nhiều lần được sửa chữa cho khỏi sụp đổ. Nhưng thời gian mưa nắng và mối mọt tàn phá, xuống cấp không đảm bảo cho việc cử hành có đông giáo dân tham dự.

Năm 1997, Đức Giám mục Giáo phận cho phép tái thiết thánh đường họ đạo Ba Giồng dâng kính Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo. Và ngày 16-11-1997, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn (lúc đó là Giám mục Phó Giáo phận Mỹ Tho) đã dâng thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ Ba Giồng.

Ngày 16-3-2000, nhà thờ họ đạo Ba Giồng với tước hiệu: “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” được Đức Cha Phaolô, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho cung hiến.

LỜI KẾT

Vào năm 2004, Đức Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã công bố: Nhà thờ Ba Giồng là nơi hành hương của Giáo phận Mỹ Tho.

Và vào năm 2018, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ định Trung tâm hành hương Ba Giồng thành địa điểm hành hương cho Giáo tỉnh Sài Gòn trong Năm Thánh 2018 của Giáo Hội Việt Nam.

Để đến với trung tâm hành hương này, từ Sài Gòn, khách hành hương chỉ mất 1 giờ 30 phút - lái xe về hướng miền tây trên quốc lộ 1A, qua Long An khoảng 10km - là có thể thăm viếng và cầu nguyện tại đây. Khách hành hương sẽ có thể tận hưởng bầu khí yên tĩnh với khung cảnh cây xanh mát mẻ và thanh thoát, rồi viếng Thánh Thể tại nhà thờ, đi đàng Thánh Giá, khấn xin trước đài Cha Thánh Lựu… Đặc biệt, ra ngoài khuôn viên nhà thờ, khách hành hương chỉ cần đi bộ 10 phút là tới mộ của những anh hùng tử đạo tại Ba Giồng và cầu nguyện sốt sắng với các ngài…

 Video liên quan:  Đức tin của các tín hữu thuở ban đầu tại Ba Giồng