Trên những cột trụ của sứ vụ giáo dân (Bài phỏng vấn Louis Fernando Figari, người sáng lập Hội Sodalitium Christianae Vitae)

16/04/2009

Trên những cột trụ của sứ vụ giáo dân (Bài phỏng vấn Louis Fernando Figari, người sáng lập Hội Sodalitium Christianae Vitae)

Trên những cột trụ của sứ vụ giáo dân

(Bài phỏng vấn vị sáng lập Hội Sodalitium Christianae Vitae

do Carmen Elena Villa thực hiện)

LIMA, Pêru 10-3-2009 (Zenit. org) – Tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh, tức là sống đức ái trọn hảo trong cuộc sống thường ngày, và điều này được thực hiện qua việc đón nhận ân sủng biến đổi của Chúa vào trong chính bản thân của mình, Louis Fernando Figari khẳng định như thế.

Các phong trào trong Giáo hội có thể giúp người Công giáo sống theo chương trình của Chúa và đón nhận sự huấn luyện cần thiết để theo đuổi ơn gọi nên thánh trong đời sống hằng ngày.

Figari là vị sáng lập Hội Sodalitium Christianae Vitae, một hiệp hội chuyên về đời sống tông đồ, khai sinh vào năm 1971 ở Pêru và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II chuẩn nhận vào năm 1997. Các thành viên của hiệp hội gồm giáo dân và linh mục hết lòng cho các hoạt động tông đồ.

Figari cũng sáng lập Phong trào đời sống Kitô (Christian Life Movement), Cộng đoàn Đức Maria về hoà giải và các tôi tá phục vụ chương trình của Chúa (Marian Community of Reconciliation and the Servants of the Plan of God) và còn nhiều hội đoàn khác là thành phần của Gia đình hiệp đoàn (Sodalit Family). Người còn là cố vấn của Hội đồng giáo hoàng về giáo dân (Pontifical Council for the Laity).

Trong cuộc phỏng vấn này, Luis Fernando Figari đã trao đổi với Zenit về những điểm chính yếu trong quyển sách mới viết của ông: Đào tạo và sứ vụ - sẽ sớm được xuất bản bằng tiếng Anh và về chủ nghĩa tương đối (relativism) đang tạo ảnh hưởng trong chương trình huấn luyện và những điều cần làm liên quan đến vấn đề này.

Hỏi: Sách của ngài đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người giáo dân trong sứ vụ của Giáo hội mà không chủ trương duy giáo dân thái quá (exaggerated laicism) đến độ coi nhẹ vai trò phẩm trật của Giáo hội. Làm sao ngài tin có thể đạt được sự quân bình này?

Figari: Giáo hội căn bản gồm giáo sĩ và giáo dân. Tất cả đều là tín hữu của Giáo hội nhờ bí tích thánh tẩy. Ngay khi đón nhận bí tích này, con người bên trong của mỗi tín hữu được đóng ấn và được mời gọi tham gia tích cực, tùy bậc sống và ơn gọi của mình, vào sứ vụ mà Thiên Chúa đặt để trong Giáo hội.

Người tín hữu giáo dân, do Thiên Chúa tiền định cho sứ vụ tông đồ, khi sống ơn gọi Kitô hữu của mình trong thế gian là cộng tác để nhờ đó sứ điệp hòa giải của Thiên Chúa được mọi người, nam cũng như nữ trên thế giới, biết đến và đón nhận.

Rao truyền Phúc âm và để Phúc âm được rao truyền cho chính mình là một trách nhiệm không thể lẩn tránh. Mỗi người, tùy theo điều kiện cá nhân của mình, được mời gọi cưu mang và hoàn thiện trật tự thế tục trong tinh thần Phúc âm về công lý và tình huynh đệ, và trong mọi sự, trở thành một chứng tá qua việc mình gắn bó hữu hiệu với Đức Kitô và tiến đến sự thánh thiện.... Đang khi đó, giáo sĩ có căn tính và sứ vụ tương hợp với ơn gọi riêng biệt và được đóng ấn qua bí tích truyền chức thánh, một bí tích tạo nên dấu ấn đặc thù nơi người lãnh nhận.

Một nền Giáo hội học rõ ràng, như nền Giáo hội học của Công đồng Vaticanô II, giúp ta hiểu rằng hai thực trạng nền tảng của người tín hữu chính là thực trạng giáo sĩ và thực trạng giáo dân.

Chúng ta biết linh mục hay giáo dân đều có thể thánh hiến đời mình cho Chúa theo giáo luật. Thành phần đề cập sau cùng là những người thường được gọi bằng từ ngữ quen thuộc: “tu sĩ”, thế nhưng, đây không phải là lúc đào sâu vào sự chuyên biệt của từ ngữ.

Khi đã đề cập qua vậy rồi, tôi xin được nhấn mạnh rằng, không nên có sự thái quá về phía này hay phía kia, nghĩa là đừng quá duy giáo sĩ (clericalisms) và cũng đừng quá duy giáo dân (laicisms). Đó chỉ là vấn đề hiểu được sứ vụ của mỗi thành phần trong đời sống Giáo hội: một sứ vụ luôn có tính hài hòa, hiệp thông, và không mảy may có đối kháng hay tương khắc.

Nếu không may một tình huống như vậy xảy ra, ta nên xem đó như là một chứng bệnh mà chỉ có thể chữa lành bằng một nền Giáo hội học đúng đắn và bằng việc phục hồi căn tính của chính ta, căn tính giáo sĩ hay giáo dân. Để căn tính như thế không bị yếu đi, một tiến trình thường huấn là rất cần thiết trong các hiện trạng khác nhau, mà những hiện trạng này nên được cụ thể hóa trong các hoàn cảnh đa dạng của cộc sống.

Thế nên, tôi không nghĩ đây là vấn đề cân bằng mà là vấn đề hiệp thông. Dường như với tôi, nó liên quan đến việc ý thức căn tính và bậc sống của chính mình, đến việc thể hiện rõ ràng căn tính này, đến một nền thần học lành mạnh, và liên quan đến một chân trời sự sống hướng về việc nên thánh bằng mọi cách. Điều quan trọng là phải luôn nhớ rằng chúng ta được mời gọi, mỗi người theo bậc của mình, tham dự vào sứ vụ của Giáo hội.

Hỏi: Nhiều nơi trong sách, ngài đã đề cập đến những phong trào mới trong Giáo hội: Đâu là những hoa trái của sự nên thánh mà ngài tin chúng ta có thể thấy trong thực tế mới này của Giáo hội?

Figari: Hoa trái của việc nên thánh đầy ra đó. Nhiều lúc, những hoa trái này không nhìn thấy bằng mắt, nhưng những hoa trái vẫn có đó, chúng rọi sáng và làm tỏa lan hơi ấm nhẹ nhàng vào giữa lòng Dân Chúa.

Mọi tín hữu có ý thức đều biết rằng mình được mời gọi nên thánh. Đức tin dạy ta rất rõ điều này. Công đồng Vaticanô II có trách nhiệm làm nổi bật ơn gọi nên thánh mà mỗi người đã rửa tội có được.

Mỗi người rửa tội được mời gọi sống đức ái trọn hảo trong hoàn cảnh cụ thể và trong bậc sống của mình. Ơn gọi phổ quát của môn đệ Đức Kitô là ơn gọi nên thánh và sứ vụ rao truyền Phúc âm cho thế giới, như giáo lý chỉ dạy rõ.

Dĩ nhiên, những phong trào trong Giáo hội đón nhận những định hướng của Công đồng và nỗ lực đáp lại giáo huấn của huấn quyền thì trở nên những cộng đoàn tìm cách sống và cử hành đức tin trong một tinh thần năng tìm gặp Chúa. Đầy kinh ngạc, họ mở lòng ra hướng về vẻ đẹp của chân lý là chính Người, yêu mến Người, bước theo con đường của Người, làm tất cả những điều Người dạy và chiếu sáng tất cả bằng sự hiện hữu dấn thân giống như một bản giao hưởng của ánh sáng, cố gắng tập nhân đức và sống hoàn thiện trong yêu thương, tránh làm cho ơn mà Chúa đổ tràn nơi họ trong yêu thương trở nên cằn cỗi vì thiếu thuận phục với ân sủng Chúa ban và sự thôi thúc của ân sủng đó.

Một đề tài tiếp đến là không chỉ có sự nên thánh phi thường, nhưng còn có sự nên thánh chung, một sự nên thánh qua đời sống hằng ngày. Trong ý nghĩa này, các phong trào trong Giáo hội, trong việc nhấn mạnh đến sự khao khát trở thành các cộng đoàn đức tin và trong việc tổ chức các cộng đoàn đức tin nhỏ, giúp hiểu sự nên thánh đó, sự nên thánh mà tất cả đều được mời gọi, là kết quả của việc đón nhận ân sủng. Đó là ân sủng mà Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta; sự nên thánh được nuôi dưỡng qua các bí tích và việc cầu nguyện; sự nên thánh được tôi luyện từ đời sống theo Đức Giêsu hằng ngày, Đấng là Ngôi Lời Nhập Thể trong lòng Đức nữ cực thánh Maria, mẫu gương cho sự nên thánh.

Ai có thể phủ nhận rằng, nơi các phong trào trong Giáo hội cũng như trong thực tế của Giáo hội, có nhiều người sống chuyên chú làm lan tỏa bí tích rửa tội qua ơn Chúa tiếp tục trao ban, sống đúng theo tình yêu, một tình yêu đến từ Chúa và tiếp tục hướng dẫn ta, với sự cộng tác của mỗi người, đạt đến đức ái hoàn thiện mà Chúa ban trên ta.

Trong ý nghĩa này, các phong trào trong Giáo hội chắc chắn đang đóng góp phần việc của mình; sự đóng góp từ hàng triệu thành viên như những ngọn đuốc nhỏ thắp lên bằng dầu Chúa Thánh Thần, khởi đi từ sự đơn sơ trên nẻo đường cuộc sống hằng ngày góp phần vào việc đem ánh sáng và hơi nóng vào trong thế giới mà bóng đêm và lạnh lẽo đang đe dọa lan rộng ra.

Hỏi: Ông đề cập trong cuốn sách của mình (Đào tạo và sứ vụ) về bốn đổ vỡ của một người sống trong thực trạng tội lỗi: đổ vỡ với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với công trình tạo dựng. Từ thâm tâm của các phong trào trong Giáo hội thì đâu là cách thế mà một người có thể sống ơn giao hoà trong đời mình với mỗi giới hạn trong bốn giới hạn kể trên?

Figari: Trước hết, tôi không cho rằng thực trạng của con người chỉ là thực trạng tội lỗi thôi. Con người còn có thực trạng ân sủng, thực trạng triển nở trong đức tin, thực trạng tín trung với chương trình của Chúa, thực trạng đói khát sự thánh thiện, thực trạng khát khao gặp gỡ Đức Giêsu và đạt đến sự viên mãn của cuộc sống vĩnh cửu nhờ vào sự hiệp thông của đức ái.

Trong thế giới mà chúng ta đang có mặt, đúng là những hệ lụy của tội đầu tiên tỏ lộ gây nhức nhối, nhưng cũng còn có huyền nhiệm hướng đến kính phục của tình yêu Chúa đến gặp gỡ con người qua biến cố Nhập thể và qua sự năng động hướng thượng của biến cố Phục sinh và Thăng thiên. Huyền nhiệm hướng thượng này nuôi dưỡng niềm cậy trông của người lữ hành đi tìm sự vĩnh cửu.

Có lẽ đây là lúc thuận tiện để nhắc đến Péguy, người đã khơi dậy giá trị của niềm cậy trông và, mặc dù đặt tên là “nàng cậy trông bé nhỏ, chẳng đáng chi” (“a little girl, nothing at all”), đã liên kết nàng với đức tin, đức mến và ca ngợi nàng qua thơ ca rằng, cùng với đức tin và đức mến, niềm cậy trông “sẽ tồn tại qua các thế giới”. Ơn hoà giải Chúa Giêsu mang đến mở cho anh chị em trong Giáo hội một nẻo đường cậy trông cụ thể, nẻo đường ôm chặt lấy lòng thương xót của Chúa, tức là các ơn từ Thiên Chúa đến.

Đề tài giao hòa có nguồn gốc từ Thánh kinh. Điểm then chốt về giao hòa được tìm thấy trong Tân ước: Thiên Chúa sai Đấng giao hòa đến với thế gian.

Thánh Phaolô có thể được xem là người tiêu biểu trình bày một nền thần học giao hòa (theology of reconciliation). Giáo huấn của các giáo hoàng làm phản chiếu thực tại sâu xa này. Việc đề cập đến giao hòa trong thời hiện đại - khoảng thời gian nhìn lại với Đức Lêô XIII, vị giáo hoàng từ đầu thế kỷ 20 - tái hiện trong giáo huấn của các giáo hoàng. Đỉnh cao quan trọng của việc đề cập đến giao hòa khởi từ triều đại giáo hoàng của Đức Thánh cha Phaolô VI cho đến ngày nay.

“Khi tôi lắng nghe tiếng than van của con người,” Đức Thánh cha Gioan Phaolô II phát biểu cách đây một ít năm, “và nhận thấy, qua các hoàn cảnh cuộc sống, con người thể hiện mong ước giao hòa với Thiên Chúa, với chính mình, và với người khác, tôi ngẫm thấy, trong ơn Chúa và sự linh hứng của Người, nhất thiết phải đặt giao hòa là ân sủng nguyên sơ trong Giáo hội.”

Giáo huấn của người đã cho phép đào sâu cách quan trọng hơn những suy tư thần học và mục vụ về ơn giao hòa, đặc biệt ở Châu Mỹ Latinh. Vị tôi tớ Thiên Chúa này đã đưa yếu tố gần như nhân chủng học cơ bản vào trong tương quan của hữu thể con người mà hữu thể đó đang đau khổ vì đổ vỡ. Đối diện với thực tại này, người đã đưa ra một chìa khóa vô giá cho con người ngày nay khi người nói đến cái gọi là “bốn phương thức giao hòa”.

Đối với một nền văn hóa bị kéo trì xuống bởi sức nặng của đổ vỡ, tục hóa, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa vật chất và các khuynh hướng khác trong dạng này đe dọa căn tính cốt yếu của con con người, ơn giao hòa mang lại khả năng định hướng căn tính cho con người. Điều này chắc chắn giúp con người biết đáp trả đúng với ân sủng đã nhận lãnh.

Con người nhận ra chính mình được mời gọi dấn thân sống đức tin từ việc tiếp xúc với Chúa Giêsu để vượt qua những đổ vỡ gây tổn thương cho con người và làm cho bất hạnh trở nên quá nặng nề. Ơn giao hòa chứa đầy hy vọng giúp con người hòa giải với Thiên Chúa, với chính mình, với anh chị em, và với toàn bộ công trình sáng tạo, mang lại cho công trình sáng tạo ý nghĩa mà nó chứa đựng từ trong chương trình của Chúa. Mỗi người đều được mời sống ơn giao hòa trong ơn gọi và trong các nét đặc trưng của cuộc sống mà người đó được gọi.

Các phong trào, cũng như các thực thể trong Giáo hội, là những phạm vi để sống, trong thực tại cụ thể và xác định, ơn giao hòa là ân sủng Chúa ban trong Đức Giêsu Kitô. Các phong trào trong Giáo hội nhấn mạnh đến tính hiện sinh nhiều hơn trong việc giao hòa sẽ giúp các thành viên nhiều hơn trong các chiều kích nhân chủng nền tảng và đón nhận sức mạnh hướng đến chữa lành các đổ vỡ.

Hỏi: Trong các tác phẩm, ngài luôn đề cập đến sự hiện diện của Đức Maria. Ngài thấy Đức Maria khích lệ và hướng dẫn cái thực tại mới của các phong trào trong Giáo hội, cách riêng đối với Gia đình Solidat như thế nào?

Figari: Cũng chẳng xa lạ gì việc Đức Maria soi sáng những thực tại của đời sống Kitô hữu và Mẹ là nguời môn đệ tuyệt hảo của con Mẹ là Chúa Giêsu.

Từ một cuốn sách tôi đọc khi đang học thần học, một ý tưởng xuất hiện và đã ảnh hưởng tôi rất nhiều, đó là: “Trong Đức Maria, con người Đức Kitô được biểu lộ” (In Mary is manifest who Christ is). Sau đó, tôi thật ấn tượng khi nghe các giám mục từ nhiều nơi đến Puebla nói rằng Giáo hội “hướng về Đức Maria để Tin mừng được đắp thêm da thịt, gần gũi hơn với tấm lòng của Châu Mỹ Latinh.” Đây là những lời đầy cảm xúc, gợi nhớ Chương 8 của Lumen gentium.

Tất cả điều này tưởng như tạo nên mùa xuân và mặt khác, từ bước đầu trên đường lữ hành đức tin của tôi, một đức tin bị chìm ngập, với nguồn lực mãnh liệt trong ý thức của tôi, những lời của Đức Kitô trên thánh giá ngất cao. Câu nói của Người đi vào trong sâu thẳm tâm hồn tôi: “Này đây là Mẹ con”. Rõ ràng nẻo đường của tình yêu con thảo được mở ra và dấu ấn không thể xóa mờ của tình đó khắc sâu trong tôi.

Chính Đức Kitô chỉ ra cho chúng ta và tặng ban Mẹ Người để ngài trở nên Mẹ chúng ta. Làm sao tôi có thể không tiến bước trên nẻo đường mà Đấng Giao Hòa đã chỉ ra? Tôi chẳng phải đắn đo nhiều, và từ giây phút đó, việc nhìn nhận chiều kích Maria trong đời sống Kitô hữu không ngừng trở nên nền tảng trong đời sống đức tin của tôi.

Cảm nghiệm này, hay một cảm nghiệm tương tự phải trở nên cảm nghiệm của mỗi người con trong Giáo hội. Tác động của Mẹ trên các phong trào, cụ thể là trong bản chất thuộc về Giáo hội của các phong trào này, không thể xem nhẹ hay bị lu mờ được. Gia đình Solidat, được khai sinh vào ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm, sống hết tình con thảo với Đức Trinh Nữ Cực Thánh. Đến gần Đức Maria, chúng ta khám phá ra rằng nơi Mẹ đầy tràn Giêsu. Mọi sự nơi Mẹ mời gọi chúng ta quy hướng mình vào Chúa Giêsu.

Hỏi: Đức hồng y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về giáo dân, khi giới thiệu sách của ngài nói rằng việc đào tạo giáo dân Kitô hữu đang trong thời điểm rất đau đầu vì ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối. Làm thế nào ông tin rằng những phong trào trong Giáo hội có thể là những trung tâm đào tạo tinh thần Giáo hội, trung thành với sự thật, và với giáo huấn của Giáo hội cho những thành viên của các phong trào?

Figari: Ngày nay, câu hỏi ngờ vực của Philatô rất phổ biến: Sự thật là gì? Sự trớ trêu quá rõ ràng: sự mù lòa của người đặt câu hỏi và cũng là người đang đối diện với sự thật là Chúa Giêsu.

Trong thời đại ngày nay, khả thể đi vào sự thật và thậm chí đi vào hiện hữu của chính sự thật đã được đặt ra. Trong toàn bộ vấn đề này, chủ nghĩa thực tiễn thiếu vắng trầm trọng. Chủ nghĩa tương đối và chủ quan trở nên lối nghĩ quen thuộc. Chủ nghĩa duy cảm xúc đầy phấn khích cũng cộng tác vào quá trình tàn phá này. Thế nhưng, con người là kẻ đi tìm sự thật; đó là điều đã ăn rễ sâu trong hữu thể con người, một đặc tính và một sự thiết yếu.

Sứ vụ Phêrô là tái giải minh lý trí con người trong thời gian bất hợp lý và chối bỏ những gì là con người. Trong ý nghĩa này, các giáo hoàng trung thành lặp đi lặp lại rằng lý trí con người hướng mở về việc kiếm tìm sự thật trong mọi sự trên trần gian, cũng như hướng mở đến sự soi sáng của sự thật siêu nhiên, cái sự thật đến với con người qua đức tin của Giáo hội và soi dẫn cuộc lữ hành trần thế của con người.

Ở đây, rõ ràng là các giáo hoàng theo gương Chúa Giêsu, Đấng mà khi đối diện với những con người sống gian dối, lầm lạc và xa rời thực tế, đã hành động bằng cách giúp họ khám phá chính mình và tiến lên trong việc tìm kiếm sự thật trong mọi vật và thực tại.

Dấn thân vào việc tìm kiếm sự thật dẫn đưa người đã chịu phép rửa đối diện chính mình với mầu nhiệm Giáo hội, yêu mến Giáo hội, lắng nghe giáo huấn Giáo hội và đi theo Giáo hội khi Giáo hội chỉ cho thấy con đường tìm đến với Chúa Giêsu. Đang khi chu du trong dòng đời, con người khám phá ra khúc giao hưởng của sự thật, lắng nghe đoạn giao hưởng đó, con người sẽ bắt gặp lời Chúa nói với Phêrô, và sẽ khám phá ra tầm quan trọng của huấn quyền của các giáo hoàng (pontifical magisterium) để vượt qua đời này tiến về cùng đích thật.

Cùng với Thánh Phêrô và dưới sự chở che của Thánh Phêrô, một điểm nhấn mạnh chung trong các phong trào của Giáo hội, ta học sống niềm hạnh phúc của đời sống Kitô hữu và trải mình ra trong chương trình của Chúa, là chương trình hướng dẫn ta nên đồng hình dạng với Đức Kitô. Chính từ kinh nghiệm của gặp gỡ, đức tin, yêu mến và tín trung này mà ta cảm nhận được sự khẩn thiết của việc chia sẻ cảm nghiệm đã sống và nhiệt huyết loan báo Tin mừng.

Hỏi: Mới đây ở Lima có tổ chức Đại hội linh đạo Solidat lần I. Ngài có thể cho chúng tôi biết một chút rằng kinh nghiệm này có ý nghĩa gì đối với gia đình thiêng liêng (Solidat)?

Figari: Đúng vậy, đỉnh điểm của biến cố đầy ảnh hưởng này đã qua một thời gian rồi. Lúc đó, trong năm ngày hơn 1.200 người từ nhiều nước khác nhau đã đến Tổng giáo phận Lima.

Điều đầu tiên nhớ đến, đó là một phúc lành to lớn không chỉ cho gia đình thiêng liêng nhưng còn cho cả Giáo hội. Gia đình Solidat bám rễ sâu trong Giáo hội và không chút nghi ngờ, những thành viên trong gia đình hiểu rằng những ân sủng được nhận lãnh không chỉ cho riêng họ mà mở rộng ra cho toàn Giáo hội.

Đó cũng là ý nghĩa của ơn đoàn sủng cách cụ thể, nghĩa là các ơn đoàn sủng không khép kín mà trải rộng ra với toàn thể dân Chúa để soi dẫn tất cả mọi người. Đã có nhiều ngày cầu nguyện liên lỉ, suy niệm, tôn sùng và tạ ơn Chúa vô cùng, Đấng ban mọi điều tốt lành. Đó là một dịp tốt đẹp để đào sâu một vài khía cạnh cấu thành nên linh đạo trong khung cảnh vĩ đại của nền linh đạo Công giáo.

Những tác phẩm nghệ thuật đa dạng góp mặt trong đại hội - tranh vẽ, hình chụp, rất nhiều tác phẩm điêu khắc tráng men và thạch cao, cùng với âm nhạc - là dịp để hiểu rằng nghệ thuật Công giáo không những không biến mất, mà còn sống động và sáng tạo. Nghệ thuật đó tìm cách phản ánh những mầu nhiệm đức tin và vẻ đẹp công trình sáng tạo của Chúa. Đối diện với nhiều phúc lành như vậy, tôi nghĩ mỗi thành viên trong gia đình thiêng liêng khai sinh trong gắn bó với Sodalitium Christianane Vitae phải nâng tâm hồn lên tới Chúa cùng với một của lễ tạ ơn sâu xa.

 

LỊCH PHỤNG VỤ