TÔNG HUẤN “LAUDATE
DEUM - HÃY NGỢI KHEN THIÊN CHÚA”
– NỀN SINH THÁI HỌC TRONG ÁNH SÁNG CỦA TIN MỪNG.
Andreas Gonçalves
Lind, SJ
La Civiltà Cattolica
WHĐ (07.04.2024) – Vào ngày 4 tháng 10 năm 2023, nhân ngày lễ mừng nhớ thánh Phanxicô Assisi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành một tông huấn liên quan đến sự khủng hoảng khí hậu. Nhan đề của văn kiện chính là hai từ đầu tiên của văn kiện được viết bằng tiếng Latin, một lời trích dẫn từ Thánh Phanxicô Nghèo Khó: "Hãy Ngợi Khen Thiên Chúa vì Mọi Thụ Tạo của Người" [1]
Thánh Phanxicô, người được xem là gặp khó khăn trong việc viết
ra một quy luật để hướng dẫn đời sống thánh hiến, đã thích ca hát với những ca
từ và cử điệu bày tỏ niềm vui được sống cùng các thụ tạo khác – các chị em của
người. Bởi vậy, những lời đầu tiên này mở ra một nhãn quan mà chúng ta mà dựa
vào để đọc văn kiện huấn quyền này của Đức Giáo Hoàng đương kim. Mầu nhiệm thần
bí của Thánh Phanxicô là nền tảng cho sự giải thích đúng đắn về văn kiện này.
Trong nhận thức như thế, khi chúng ta bắt đầu tiến trình đọc
tài liệu này, thật quan trọng để không lạc mất ánh nhìn trọng tâm vào Thiên
Chúa, Đấng mà chúng ta ngợi khen vì muôn thụ tạo của Người. Nếu không, chúng ta
có thể dễ dàng suy nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đang đi theo một ý thức hệ nào đó hợp
với thị hiếu ngày nay, được tạo ra bởi các nhóm môi trường thế tục, những nhóm
này biện hộ cho sự bảo tồn thiên nhiên đến mức chống lại con người và sự tiến bộ
xã hội.[2]
Bất kể ngắn hay dài, dù được tìm thấy ở phần đầu hay phần cuối
của tông huấn, thì những quy chiếu về Kinh Thánh luôn là nền tảng cho sự giải
thích đúng đắn của văn kiện này. Từ những liên hệ đó, thật dễ dàng nhận thấy rằng
Đức Giáo Hoàng không nói trong tư cách người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ
(NGO) nào đó, nhưng là một người lãnh đạo thiêng liêng đích thực, đặc biệt khi ngài
đặt nền tảng cho đặc điểm của một hệ sinh thái mang tính “Kitô giáo” một cách rõ
ràng.
Đây là luận đề mà chúng ta sẽ cố gắng triển khai trong những
trang kế tiếp. Luôn lưu tâm đến sự nhạy cảm và tính cấp bách của việc chăm sóc
môi trường và ngôi nhà chúng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dựa vào Thánh Kinh và
Thánh Truyền như là “kho tàng của đức tin – depositum fidei, nhằm thể hiện
tầm nhìn Kitô giáo về sự dấn thân bảo vệ công trình tạo dựng trong bối cảnh khủng
hoảng môi trường hiện nay. Để làm như vậy, vị Giáo Hoàng trình bày rõ ràng những
quan điểm của cha Teilhard de Chardin (1881-1955).
Với ý thức như thế, thật đáng để nói tới việc Đức Giáo Hoàng
đã trích dẫn những đóng góp của cha Teilhard trong thông điệp xã hội đầu tiên của
ngài, Laudato Si’ – Hãy chúc tục Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng nhắc đến nhà
nghiên cứu khảo cổ dòng Tên này ở cước chú thứ 83, nhằm trình bày về “hành
trình của vũ trụ” hướng đến sự “trưởng thành trong tất cả mọi sự” của nó với ngụ
ý rằng thái độ “thống trị tàn bạo và vô trách nhiệm của con người trên mọi thụ
tạo” cần phải được vượt qua. (LS 83)
Để sự chỉ trích về thái độ trên được chân thật và mang tính
Kitô giáo cách rõ ràng, thật cần thiết để thiết lập ba nguyên tắc căn bản, điều
chúng ta nhận thấy trong nhiệm vụ chăm sóc cho ngôi nhà chung vốn được cổ võ bởi
Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thứ nhất, sự tôn trọng dành cho thiên nhiên phải được
dựa trên hành động tạo dựng của Thiên Chúa, vì thế giới, ngôi nhà chung của
chúng ta, chứa đựng một giá trị nội tại, điều phải được tôn trọng như thể đó là
tặng phẩm nhưng không đến từ tình yêu Thiên Chúa. Thứ hai, sự nhạy cảm về môi
trường được thúc đẩy bởi Đức Giáo Hoàng phát sinh từ một “nhân trung luận (anthropocentrism
– lập luận lấy con người làm trung tâm) trong hoàn cảnh nhất định,” đây là điều
mà truyền thống Kitô giáo không bao giờ từ bỏ. Thứ ba, bởi vì sự tôn trọng dành
cho thiên nhiên trên tất cả bắt nguồn từ một linh đạo làm cho chúng ta tự nhìn
mình như là anh chị em với nhau và trong tương quan với các thụ tạo khác, các
hoạt động dân sự hoặc chính trị mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích chúng
ta luôn là việc đối thoại, phản tỉnh và cộng tác, đồng thời từ bỏ các hành vi bạo
lực khiến chúng ta chống lại lẫn nhau, và dẫn đến sự phá huỷ cấu trúc xã hội, đồng
thời huỷ hoại căn nhà chung của chúng ta.
Thiên Chúa của vũ trụ
Trong đoạn đầu tiên của tông huấn, Đức Giáo Hoàng giải thích
rằng với sự quan tâm đến thiên nhiên của mình, Thánh Phanxicô Assisi đã mặc lấy
sự nhạy cảm của Chúa Giêsu, vốn được trình bày cho chúng ta nơi các sách Tin Mừng.
Quả thực, những hình ảnh của Chúa Giêsu được thể hiện trong Tin Mừng là hình ảnh
của một người vui thích với thiên nhiên hơn là môi trường thành thị. Có lẽ Người gần gũi với các bác nông dân, những người vốn thấu hiểu cách thức “hoa huệ
ngoài đồng” tăng trưởng và cách thức “chim trời” ăn uống. Ngoài ra, Chúa Giêsu
còn có sự nhạy cảm của một nhà thơ biết kinh ngạc trước những tặng phẩm của
Thiên Chúa khi khám phá ra những dấu chỉ của chúng trong thiên nhiên. Nếu Thiên
Chúa mặc cho “hoa huệ ngoài đồng” một vẻ ngoài đẹp hơn cả vua Salomon trong bộ
cẩm bào (x. Mt 6, 28-29), thì đó là bởi vì tự bản chất thiên nhiên có một giá trị
vượt lên khỏi “vẻ vô dụng” của nó đối với con người. Nếu Thiên Chúa đã không
quên “những con chim sẻ” mặc dù chúng có vẻ như không có giá trị gì (x. Lc
12,6), điều đó cho thấy rằng những loài thụ tạo này được yêu mến cách sâu sắc bởi
chính Thiên Chúa.[3]
Các ý nghĩa Tin Mừng này áp dụng cho vị thánh vùng Assisi và
cả chúng ta, những người đang sống trong một thế giới nơi mà chúng ta ngày càng
bén nhạy trước các vấn đề của môi trường. Trong bối cảnh như thế, dù đôi khi bị
bối rối bởi sự mông lung và đa dạng của các quan điểm, nhưng Đức Giáo Hoàng luôn
nhấn mạnh “những động lực thiêng liêng” trong sự tiếp cận của mình.[4]
Trước hết, mấu chốt của vấn đề nằm ở lời khẳng định của Kinh
Thánh, đó là thời điểm Thiên Chúa tạo dựng xong thế giới, và Người thấy “tốt
lành quá đỗi” (St 1,31). Trong tầm mức thiên nhiên chỉ thuộc về một mình Thiên
Chúa, Hoá Công của nó, Kinh Thánh tuyên bố rằng “đất đai không được bán vĩnh viễn”
(Lv 25,23). Quả thật, nhân loại chúng ta chỉ là những “khách trọ và người ngụ
cư” trong “ngôi nhà chung” được giao phó cho chúng ta bởi tình yêu mà thôi [5]. Đây là lý do tại sao chúng
ta phải có trách nhiệm “đối với mảnh đất thuộc về Thiên Chúa” [6].
Nền tảng của sự trân trọng dành cho thiên nhiên hệ tại Thiên
Chúa là Đấng Sáng tạo thiên nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà Thánh Phanxicô
Assisi bắt đầu bài ca của mình bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Và đó là lời mời
gọi đi kèm khi Đức Giáo Hoàng giới thiệu văn kiện về môi trường này. “Laudate
Deum – Hãy Ngợi Khen Thiên Chúa vì Mọi Thụ Tạo của Người.” Lời chúc tụng
dâng lên Thiên Chúa là điều không thể thiếu cho sự bén nhạy với môi trường, đây
là điều nên trở thành một phần của truyền thống Kitô giáo. Nói cách khác, sự
tôn trọng trong tương quan hàng ngang giữa các thụ tạo được thúc đẩy bởi niềm
tôn kính trong tương quan hàng dọc với Thiên Chúa, điều đó khiến chúng ta ngợi
khen Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Đối với Đức Thánh Cha, thật rõ ràng rằng với lời ngợi khen của
thánh Phanxicô dành cho Thiên Chúa, Đấng được yêu mến trên hết mọi sự, tình yêu
dành cho thụ tạo không bị giảm lược chút nào. Trái lại, tình yêu dành cho Thiên
Chúa làm gia tăng lòng yêu quý dành cho thiên nhiên với hai lý do căn bản: thứ
nhất, chúng ta hiểu rằng, trong tình yêu dành cho Thiên Chúa, chúng ta cũng phải
yêu những gì thuộc về Người và yêu những gì Người yêu, nghĩa là chính công
trình tạo dựng mà Thiên Chúa đã tác tạo với lòng yêu thương; thứ hai, các thụ tạo
có một giá trị nội tại đáng được tôn trọng, giá trị này cao trọng đến mức Thiên
Chúa sẵn sàng khao khát và yêu thương chúng.
Sự năng động thập giá này, được mô tả bởi Đức Thánh Cha Phanxicô,
rất gần với nhãn quan của cha Teilhard de Chardin, người cũng được gợi hứng bởi
những nhận thức của trường phái thánh Phanxicô. Chúng ta nên đặc biệt đề cập đến
sự năng động của tình yêu Thiên Chúa, điều nối kết hành động sáng tạo với mầu
nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm Cứu chuộc. Chúng ta có thể hiểu điều này từ lời khẳng
định của Đức Giáo Hoàng trong sự tham khảo dành cho nhà khoa học dòng Tên: “Khi
nhấn mạnh rằng mỗi người là một hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta không được
coi nhẹ sự thật là mỗi thụ tạo đều có một mục đích riêng của nó. Không có gì là
vô ích. Toàn bộ vũ trụ vật chất nói về tình yêu của Thiên Chúa, lòng trìu mến
vô biên của Ngài dành cho chúng ta. Đất, nước, núi non: mọi thứ đều là một sự nâng
niu của Thiên Chúa như nó đã là” (LS 84).
Trong phân đoạn này của thông điệp Laudato Si', Đức Thánh
Cha đã tin tưởng đón nhận quan điểm của cha Teilhard. Với một trái tim huyền
bí, đây là vấn đề của sự chiêm niệm về một thế giới trên một “hành trình” liên
lỉ hướng đến sự “viên mãn” vốn chỉ được nhận ra nơi Thiên Chúa, Đấng trổi vượt
khỏi vũ trụ [7]. Vũ trụ này không bị giản lược
vào bản chất tự nhiên của nó, bản chất khép kín với thiêng liêng. Thật ra, với
việc được tác tạo và yêu mến bởi Thiên Chúa từ khởi thuỷ, thế giới này không thể
chỉ là một trật tự “tự nhiên” thuần tuý [8].
Đó là nhãn quan của Teilhard, một nhãn quan chiêm ngắm sự tiến hoá của thế giới
như một “Christogenesis - Kitô học sáng tạo” và được chứa đựng trong sự
hiệp thông giữa toàn thể thế giới và Cùng đích (Omega) của nó thông qua trung
gian con người. [9]
Thế nên, con người được kêu mời tham dự cách tích cực vào
năng động tính này, đồng thời hoạt động như những người bảo hộ của thụ tạo và dẫn
dắt vạn vật hướng đến sự thành toàn cuối cùng của chúng. Ngoài ra, không thể
mang cho thế giới một giá trị nào cao quý hơn giá trị mà nhãn quan Kitô giáo
ban tặng. Dường như cũng không thể có cách thức tôn trọng công trình tạo dựng
nào tốt hơn như thế, vì không điều gì hoặc không người nào có thể quy gán cho thụ
tạo một giá trị cao cả hơn chính Thiên Chúa. Vậy nên, giá trị của các thụ tạo,
vốn phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa và quy về Người bằng những lời ca tụng, được
xem như thiết lập một nền tảng hoàn thiện nhất cho tất cả sự quan tâm mà chúng
ta dành cho môi trường. Chỉ trong bản tính mở ra cho một sự năng động chứ không
phải đóng kín chính mình, chúng ta mới thực sự có thể biết trân quý vẻ đẹp của
thế giới, nhận ra giá trị nội tại của nó và thấu hiểu đầy đủ trách nhiệm của
mình đối với tất cả thụ tạo, vốn cùng sẻ chia thế giới này với chúng ta.
Với sự lưu tâm này, chúng ta nên chú ý đến cách thức Đức
Giáo Hoàng Phanxicô khiển trách “mô hình kỹ trị ẩn tàng bên dưới tiến trình gây
suy thoái môi trường hiện nay” (LD 20). Vấn đề đầu tiên hệ tại việc mô hình bảo
tồn này không lập tức cứu xét đến sự phá huỷ thiên nhiên vốn gắn liền với nó: đây
là quan điểm đầu tiên và trước hết khiến con người tự mình đảm nhận vai trò của
tạo hoá.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi bằng một cách thức khơi gợi lời
ca tụng dành cho Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận Tông huấn Laudate
Deum – Hãy ngợi khen Thiên Chúa tương tự như cách người mở đầu nó.
Trong việc lựa chọn hạn từ “ngợi khen Thiên Chúa” như là tiêu đề cho tông huấn
này, Đức Giáo Hoàng đã làm điều này một cách có chủ đích, “vì khi con người chiếm
lấy vị thế của Thiên Chúa, họ trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của chính mình”
(LD 73). Bình luận này được dựa trên tư tưởng rằng sự tiếp cận kỹ nghệ, với sự
nhấn mạnh của nó vào việc kiểm soát và điều khiển thiên nhiên, ngụ ý một sự
kiêu ngạo của con người với mong muốn thay thế Thiên Chúa. Khi con người ngày
càng đề cao khả năng nhận thức của mình đến nỗi mà họ tự nhận định khả năng hiểu
biết, tiên đoán và biến đổi thế giới theo ý mình, thì ý nghĩa cá nhân trong những
mối tương quan của họ bị vùi lấp và sự tan vỡ trong việc chiêm ngắm thế giới sẽ
bắt đầu xuất hiện. Ở trong chủ thuyết tất định đến sau chủ nghĩa duy khoa học kỹ
nghệ, nhân loại mất đi ánh nhìn ngạc nhiên vào vẻ đẹp nội tại của công trình tạo
dựng.
Sự ngạc nhiên này được làm nổi bật bởi nhãn quan Kitô giáo,
theo đó thế giới này là tặng phẩm nhưng không đến từ Thiên Chúa. Bằng cách đặt
Thiên Chúa làm nền tảng, điều đó không chỉ đặt ra một giá trị tự thân và hữu lý
dành cho thiên nhiên khiến chúng ta phải tôn trọng, mà còn dưỡng nuôi một kinh
nghiệm giống với kinh nghiệm đã được sống bởi thánh Phanxicô Assisi và của
chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Kinh nghiệm huyền bí này thúc nhắc để chúng ta
cư ngụ trên Trái Đất này với một lòng biết ơn và trân trọng dành cho mọi thụ tạo
cùng sẻ chia ngôi nhà chung với chúng ta. Vì vậy, ý thức về một tặng phẩm nhưng
không được phát xuất từ Thiên Chúa lôi kéo chúng ta hành động như những người bảo
vệ công trình sáng tạo hơn là tìm cách để thâu tóm hay phá hoại nó một cách
không giới hạn.
Vai trò của
con người trong thiên nhiên
Vì chúng ta hiểu
rằng tình yêu hướng đến Thiên Chúa không làm hạn chế nhưng thúc đẩy tình yêu
dành cho mọi thụ tạo. Giới luật yêu thương của Tin Mừng, được thể hiện trong ba
chiều kích: Thiên Chúa, tha nhân và chính mình (x. Mt 22,37-40; Mc 12,29-31; Lc 10,26-28),
phải được mở rộng ra với tương quan của chúng ta với vạn vật.
Mặt khác, việc
yêu thương tha nhân tạo ra một hành động hướng đến vạn vật một cách tự nhiên.
Trong mức độ chúng ta là một phần của thế giới, cùng với những hữu thể khác
trên Trái Đất, chúng ta nhìn nhận vạn vật như là những anh chị em của chính
mình. Trong việc gắn chặt với Tin Mừng và nền thần bí học theo trường phái
thánh Phanxicô, Đức Giáo Hoàng khẳng định: “Mọi sự đều có liên hệ, và chúng ta
là những con người hiệp nhất với nhau như anh chị em trên cuộc lữ hành kỳ diệu,
đan dệt với nhau bằng tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi thụ tạo và tình yêu ấy
cũng hiệp nhất chúng ta trong tình cảm trìu mến với anh Mặt Trời, chị Mặt
Trăng, anh Sông và mẹ Đất” (LS 92). Vì vậy, thật hiển nhiên rằng sự huyền nhiệm
này đón nhận một niềm tôn trọng sâu sắc dành cho sự sống trong tất cả dạng thức
của nó: thúc đẩy sự an toàn cho thú vật, bảo hộ những hệ thống môi sinh và luật
công bằng trong sự phân bổ các nguồn tài nguyên.
Một khía cạnh
khác, với sự nhạy cảm môi sinh của ngày nay, khi tính đến sự cấp bách mà cuộc
khủng hoảng khí hậu gây ra cho chúng ta, chúng ta có thể đào sâu lòng yêu
thương chính mình trong sự nối kết mật thiết với việc chăm sóc ngôi nhà chung,
sự bảo tồn ngôi nhà là điều thiết yếu cho một cuộc đời đáng sống. Điều này cũng
bắt nguồn từ việc đào sâu giới luật yêu thương của Tin Mừng mà Đức Giáo Hoàng đòi
hỏi cho một sự quản lý tài nguyên bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi
sinh. Nói cách khác, việc yêu thương chính mình trong tư cách là hữu thể con
người ở thời đại này nghĩa là hành động vì một thế hệ tương lai để họ có thể
phát triển và sống trong một môi trường lành mạnh và phong nhiêu.
Đây được thể hiện
như là vai trò trọng yếu mà nhân loại đảm nhận trong “hành trình” của thế giới
hướng đến sự “thành toàn” của nó trong Thiên Chúa. Vì thế, trung thành với truyền
thống Do Thái-Kitô giáo, Đức Thánh Cha giải thích “nhân trung luận” theo quan
điểm của mình, bởi đó nhân loại có một “giá trị đặc biệt và trọng yếu […] giữa
sự kết hợp diệu kỳ của vạn vật”. Phải thừa nhận rằng đó là một “nhân trung luận”,
trong mức độ “sự sống con người” không được hình thành hay tồn tại mà “không có
các sinh vật khác”. (LD 67).
Dạng nhân trung
luận này đi ngược lại với nhân trung luận được trình bày bởi mô hình kỹ trị, ở
đó con người tự xem mình là những chủ nhân của thế giới, hoàn toàn tự do để biến
đổi nó bằng kiến thức khoa học kỹ thuật của mình. Thật vậy, theo Đức Giáo Hoàng,
bất kể chúng ta chắc hay không chắc về sự tác động của con người vào việc biến
đổi khí hậu, rõ ràng rằng sự can dự của con người đến thiên nhiên đang phá huỷ
hành tinh và sự sống này, bao gồm cho cả chính con người.[10]
Trong quan điểm
này, chúng ta chú ý đến cách thức nhân trung luận của Đức Phanxicô hướng đến rất
gần quan điểm của cha Teilhard de Chardin. Trong khi vị tu sĩ dòng Tên người
Pháp nhìn nhận nhân loại như “mũi tên của vũ trụ,” thì Đức Giáo Hoàng tin tưởng
rằng nền sinh thái học không nên được nhận thức mà không có “một ngành nhân học
đầy đủ” (LS 118). Khi Teilhard xem con người là kết quả của sự tiến hoá nơi
toàn bộ vũ trụ, thì Đức Phanxicô khẳng định nhân trung luận như một dấu chỉ của
sự tặng ban cho con người một trách nhiệm chăm sóc thế giới và môi trường.
Cha Teilhard cố gắng
chứng tỏ sự tiến hoá của vũ trụ như là một lộ trình dựa trên hai nguyên tắc căn
bản. Một mặt, trong mỗi sự thay đổi của Cây sự Sống, cha nhận dạng một cơ hội,
đó là sự xã hội hoá dành cho những cá nhân khác nhau. Quả vậy, từ sự hoà hợp của
những nguyên tử để lấp đầy những khoảng trống làm xuất hiện tế bào. Và từ hợp
nhất các tế bào, những hình thái của sự sống mới được bắt đầu. Tương tự như thế,
sự hoà hợp giữa các sinh vật cũng dẫn chúng ta đến một sự chuyển tiếp trong Cây
sự Sống [11].
Mặt khác, cha Teilhard nhấn mạnh thực tế rằng sự tiến hoá đang đưa chúng ta hướng
đến một sự phức hợp ngày càng gia tăng trong ý thức của mỗi cá nhân con người.
Thế nên, cha khiến chúng ta hiểu rằng sự tiến hoá không đạt đến một sự hỗn hợp
trong mọi yếu tố cả vũ trụ, nhưng đạt đến sự hợp nhất trong các cá thể, điều
mang lại sự phân hoá cấp tiến giữa chúng, vốn nhấn mạnh đến nét cá vị hoặc riêng
biệt.[12]
Tiếp tục vấn đề
này, cha Teilhard biện luận rằng ý nghĩa của sự tiến hoá, nghĩa là tính khả tri
tròn đầy của nó, lệ thuộc vào chúng ta: thông qua tự do của mình, con người có
thể tiếp tục áp dụng hai nguyên tắc trên vào đời sống và mang chúng đến hiệu quả
cao nhất. Đây là giai đoạn “noosphere - cảnh giới tâm linh” ở đó chúng
ta tìm thấy chính mình [13].
Bằng việc làm như vậy, chúng ta có thể nhìn ra cách thức mà đức ái Kitô giáo, một
điều vừa ôm lấy nhân loại và muôn loài thụ tạo, vừa đồng thời tôn trọng nét cá
vị của từng cá thể, thể hiện đỉnh cao của sự tiến hoá và nối kết sự thiêng
liêng cùng với khoa học vào trong một vũ trụ quan mang tính lịch sử [14].
Cũng theo cha Teilhard, không quá khó để nhận ra nhu cầu đón nhận siêu việt
tính của điểm Cứu cánh – Omega, mà với nó Vũ trụ này dễ dàng được hợp nhất bởi
tình yêu, bởi sự cuốn hút và không mơ hồ trước Thiên Chúa.[15]
Giờ đây, “hy vọng”
của Đức Phanxicô thể hiện trong khả thể về một tương lai được chung tay xây dựng
cùng với quan điểm của cha Teilhard. Thực tế, cả hai đều thừa nhận một dạng
nhân trung luận không “hiện đại,” không “khác biệt,” cũng không “chuyên quyền,”
nhưng thể hiện một xác tín của nhân loại vốn được hướng dẫn bởi một nền đạo đức
ngăn chặn “chủ nghĩa cá nhân,” tôn trọng và lượng giá đúng mức thiên nhiên
trong sự phát triển của một sự sống mà trong đó mọi yếu tố của vũ trụ được kết
hợp.[16]
Ở đây chúng ta có
thể nhận thấy một sự bất đồng về nhân trung luận mà có thể được trình bày một
cách đơn giản rằng: trong thế giới chúng ta đang cư ngụ, chỉ có loài người sơ hữu
được sự tự do để yêu quý hoặc phá huỷ thiên nhiên. Chúng ta có quyền lựa chọn
cách sống của mình: chỉ có xã hội của chúng ta mới có thể đưa ra lựa chọn đó,
và số phận của thế giới phụ thuộc vào lựa chọn cơ bản này mà nhân loại phải thực
hiện. Theo nghĩa này, con người chiếm vị trí trung tâm của thiên nhiên.
Trong bất kỳ trường
hợp nào, cả nhân trung luận Kitô giáo theo nhãn quan của cha Teilhard và “nhân
trung luận theo hoàn cảnh” của Đức Phanxicô đều từ chối nền nhân trung luận của
mô hình kỹ trị mà theo đó thiên nhiên lệ thuộc nhân loại, vốn được coi là những
người có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn với sự biến đổi của thiên nhiên. Không
đủ cơ sở để khẳng định rằng nhân loại chiếm vị trí trung tâm trong vũ trụ,
nhưng thật cần thiết để đặt quan điểm nhân trung luận này vào một bối cảnh thúc
đẩy chúng ta lượng giá và tôn trọng muôn loài thụ tạo trong vũ trụ, những điều
được tạo dựng bởi Thiên Chúa và dĩ nhiên không thuộc sở hữu của chúng ta. Điều
này bắt nguồn từ Kitô giáo và là quan điểm dựa trên nền tảng Thánh Kinh mà Đức
Thánh Cha yêu cầu một sự biến đổi tiết chế hơn nơi lối sống của chúng ta [17],
nhằm bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại. Hiển nhiên rằng đòi buộc này mang sự
liên hệ đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, điều vốn được nhận
ra bởi phần lớn các nhà khoa học.[18]
Thế nhưng, sự biến
đổi dành cho một lối sống chừng mực phải được thúc đẩy cách chủ yếu bằng “những
động lực thiêng liêng,” những điều thúc bách chúng ta từ bỏ “ý thức hệ” về chủ
nghĩa khoa học hiện đại. Điều này liên hệ đến “việc suy nghĩ lại về việc sử dụng
quyền năng” được trao cho chúng ta bởi khoa học kỹ thuật. Dù không dửng dưng
trước tầm quan trọng của kiến thức khoa học và tiến trình hỗ trợ của nó dành
cho chúng ta, nhưng chúng ta cũng không thể chấp nhận rằng không có giới hạn
cho khoa học kỹ thuật, cũng như không thể xem thiên nhiên là tài sải của con
người. Trái lại, luôn có khả năng và ao ước để sống hài hoà với thế giới và các
thành phần bên trong nó, bao gồm cả chính chúng ta [19].
Thế nên, chúng ta hiểu được cách thức nhân trung luận của Đức Phanxicô nỗ lực để
tránh khỏi sự phân cực thái quá giữa con người và thiên nhiên.
Trong bối cảnh
này, chúng ta vẫn cần lưu ý cách thức phân biệt giữa giáo huấn của Đức Thánh
Cha với tất cả ý thức hệ đang ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay. Trong thực tế, cả
mô hình kỹ trị của khoa học hiện đại và một số phong trào sinh thái mới hiện
nay, vốn bắt nguồn từ giáo phái Mani, đều có khuynh hướng tách biệt nhân loại với
thiên nhiên. Về phía mô hình kỹ trị, thiên nhiên được xem như là một điều gì đó
được nắn đúc bởi ý chí cá nhân ích kỷ, với việc thiếu lưu tâm đến những hệ quả
lâu dài. Với các phong trào sinh thái mới, mặc dù có ý định tốt trong nhiều
khía cạnh, nhưng những phong trào sinh thái này đôi khi lại nuôi dưỡng một quan
điểm vốn xem xét tiến trình đời sống con người như là một sự nguy hại rõ rệt
cho thiên nhiên: nó như thể chúng ta phải lựa chọn giữa nhân loại và thiên
nhiên. Cả hai quan điểm trên, bởi sự phân cực thái quá giữa con người và phần
còn lại của công trình tạo dựng, đều gây khó khăn cho sự phát triển hài hoà của
đời sống con người trong việc tôn trọng môi trường.
Trong sự liên hệ
này, chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Giáo Hoàng nói, sau khi trích dẫn thông điệp
xã hội của người Laudato Si': “Nếu thế giới không được chiêm ngắm từ bên ngoài
mà là từ bên trong, thì chúng ta phải bỏ “tư tưởng rằng nhân loại là người
ngoài cuộc, là một yếu tố ngoại tại, chỉ có thể phá hoại môi trường.” Trái lại,
con người “phải coi là một phần của thiên nhiên. Cuộc sống, trí tuệ và tự do của
con người được tháp nhập vào thiên nhiên, làm phong phú thêm cho hành tinh của
chúng ta, là một phần của nội lực và sự cân bằng của nó” (LD 26).
Thế nên, thật cần
thiết để tìm kiếm một lối tiếp cận quân bình và căn bản hơn, vốn nhận ra sự nối
kết giữa con người và thiên nhiên để đạt đến sự cộng sinh vững bền. Đó là nền
linh đạo Kitô giáo mà Đức Giáo Hoàng, cùng với cha Teilhard de Chardin và thánh
Phanxicô, tìm kiếm để phát triển trong bối cảnh hiện nay.
Tình huynh đệ
rộng mở cho muôn thụ tạo
“Các động lực thiêng liêng” của Đức Thánh Cha Phanxicô làm
cho giáo huấn của ngài vượt lên mọi ý thức hệ. Trong đó, những nền tảng Kinh
Thánh của các trình bày của ngài luôn được giữ vững. Trong Laudate Deum, Đức
Giáo Hoàng dường như đi ra khỏi trào lưu chính thống mang tính khải huyền, điều
giản lược sự khủng hoảng hiện nay đến mức chỉ là một vấn đề về môi sinh; và
cũng ra khỏi những nhóm người phủi tay vô trách nhiệm vốn không muốn thay đổi bất
kỳ điều gì trong xã hội hiện nay. Trong khi nhóm người đầu tiên có khuynh hướng
đổ tội cho “người nghèo, vì họ có nhiều con và thậm chí còn cố gắng giải quyết
vấn đề, tại các nước kém phát triển bằng cách cắt âm vật phụ nữ”, nhóm người thứ
hai lại “mang đến những dữ liệu khoa học cứng nhắc” bởi lẽ họ không muốn chấp
nhận con người là nguyên nhân của việc biến đổi khí hậu [20].
Sự phi lý này, vốn bác bỏ những kết luận của đa số các nhà khoa học khác, cũng
được tự thể hiện ra nơi những nhà sinh thái học cực đoan, những người muốn vẽ
ra một viễn cảnh thảm hoạ, tiên đoán những đo lường phi thực tế dựa trên “những
chuẩn đoán về ngày tận thế […] điều dường như không hợp lý hoặc không đủ căn cứ”
(LD 17)
Lối tiếp cận quân bình của Đức Giáo Hoàng không hướng chúng
ta đến việc bỏ qua khả năng đi tới một mức độ không thể vãn hồi, cũng không giới
hạn vấn đề đơn thuần chỉ là một ý thức hệ sinh thái. Nếu chúng ta đang đối mặt
với một cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay, thì vấn đề không chỉ nằm ở chỗ
môi trường. Thế nên, các biện pháp được tìm kiếm là những gì có khả năng hài
hoà con người và vấn đề xã hội trong tình trạng nguy cấp. Nếu một yếu tố “mang
tính chính trị” có thể được phân định trong giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, nó
bao gồm một nỗ lực để tránh khỏi các ý thức hệ đang đe doạ xã hội chúng ta hiện
nay. Trên thực tế, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn tìm cách tránh khỏi sự phân chia
kết cấu xã hội thành những đảng phái đối nghịch vốn tương tác với nhau bằng những
lời nói và động thái bạo lực. Thật vậy, điều quan trọng là phải xem xét rằng cuộc
khủng hoảng đặc trưng cho bối cảnh chính trị của chúng ta có liên quan đến sự
phân cực và cực đoan hóa ngày càng tăng trong các lĩnh vực chính trị, cũng như
các cuộc khủng hoảng về khí hậu, môi trường, xã hội và kinh tế.
Vì vậy, cả hai văn kiện Laudato Si' và Laudate Deum đều phải
được đọc từ nhãn quan của một vị Giáo Hoàng luôn muốn tránh xa khỏi những ý thức
hệ chính trị, điều luôn tự phô trương trong cấu trúc xã hội của chúng ta. Trong
những văn kiện trên, Đức Giáo Hoàng phát triển một chủ thuyết hoạt động Kitô
giáo, đặt nền tảng trên sự đối thoại và cộng tác giữa những con người đến từ những
bối cảnh xã hội và tôn giáo khác nhau.
Trong một cách thức tương tự với cha Teilhard, Đức Giáo
Hoàng luôn lưu tâm đến những gì mà bối cảnh hiện tại thể hiện. Kể từ khủng hoảng
đại dịch năm 2019 đến thách thức về biến đổi khí hậu ngày nay, Đức Thánh Cha nhìn
nhận một cách không nghi ngờ rằng ‘“mọi thứ đều được kết nối với nhau” và
“không ai được cứu một mình”’ (LD 19). Trong sự liên quan rõ ràng với những gì
người đã viết trong thông điệp Fratelli Tutti [21], Đức Phanxicô không
chỉ khẳng định về sự liên kết của mọi thành phần trên Trái Đất trong mức độ mà
Thiên Chúa đã nối kết chúng ta một cách không thể phân ly với vạn vật, mà còn
chắc chắn về những hệ quả của quy tắc này: sự thật về việc mọi thụ tạo được nối
kết có ảnh hưởng đến cách thức chúng ta hành động. Nếu chúng ta quen thuộc với
quy tắc toàn thể vốn chi phối toàn bộ hệ sinh thái, chúng ta sẽ không thể hành
động theo cách thức tàn bạo khiến chúng ta bị tách biệt khỏi những thụ tạo
khác. Thay vì những cư xử và thái độ hung bạo, chúng ta có thể mang những dữ liệu
được cung cấp bởi cộng đồng khoa học tới một sự hội nhập, ở đó chúng ta có thể
thảo luận và hợp tác vì ích chung. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể xây dựng
sự hiệp nhất và yêu thương vốn mang đến ý nghĩa cho một thế giới đang phát triển.
Thế nhưng, chúng ta chưa nhìn đến một khía cạnh khác mà
trong đó Đức Giáo Hoàng nhìn về cha Teilhard. Theo nhà khảo cổ-sinh vật học
dòng Tên, giống như việc Thiên Chúa tạo dựng bằng cách hiệp nhất, Đức Thánh Cha
cũng tìm cách để phát triển tình huynh đệ giữa những người trong mọi tôn giáo
và sắc tộc. Henri de Lubac đã cho rằng nhãn quan của Teilhard giống một “môn
siêu hình học của sự hiệp nhất” [22]. Thần học gia người Pháp,
người bảo vệ Teilhard cách mạnh mẽ trong Giáo hội và có ảnh hưởng cách đặc biệt
lên tiến trình đào tạo tri thức của Jorge Bergoglio. Từ công trình của người
anh em dòng Tên, Henry đã chỉ cho chúng ta một tầm nhìn đặc biệt trong việc
phát triển con người được thúc đẩy bởi Kitô giáo. Sự tiến bộ, thay vì diễn ra bằng
sự đối đầu của những lời khẳng định và phủ định dữ dội về các quan điểm được nắm
giữ hệ tại ở chuyển động của sự hội nhập hướng đến sự hiệp thông, cho phép chúng
ta tiến tới việc giải quyết các vấn đề mà chúng ta gặp phải ngày nay, đồng thời
khiến chúng ta giữ gìn được căn tính riêng biệt của mỗi người.
Với việc nhìn nhận mức độ nghiêm trọng của hiện trạng, đồng
thời tránh khỏi những thái quá của ý thức hệ khải huyền, Đức Phanxicô cho thấy
rằng người rất quân bình trong quan điểm của mình. Trong việc đón nhận những
đóng góp đến từ cộng đồng khoa học, người thể hiện sự sẵn lòng để làm việc với
tất cả mọi người có thiện chí phát triển công nghệ chân chính và cổ võ quá
trình chuyển đổi năng lượng cách cẩn trọng.
Kết luận
Trong chuyến tông du mới đây đến Mongolia của mình, Đức Giáo
Hoàng đã nhắc về cha Teilhard. Hướng đến Trung Quốc, nơi mà vị khảo cổ-sinh
thái học dòng Tên đã từng sống, và cũng gần vị trí mà cha Teilhard đã soạn thảo
tác phẩm nổi tiếng Thánh Lễ trong Thế Giới (Mass on the World),
chính vị linh mục ấy đã gợi nhớ về chiều kích vũ trụ nơi Bí tích Thánh Thể.
Trong bối cảnh không thể cử hành Thánh Lễ với bánh và rượu, cha Teilhard đã
sáng tác lời kinh nguyện nổi tiếng mà ở đó toàn thể thụ tạo được dâng hiến cho
chính Tạo Hoá của chúng, đồng thời thể hiện công trình yêu thương của Người.[23]
Trong bài viết này, chúng ta đã tìm cách để thể hiện sự nối
kết giữa Đức Phanxicô và cha Teilhard nơi sự suy tư của Đức Giáo Hoàng về khủng
hoảng khí hậu thời đại này. Trong sự cảnh tỉnh của Teilhard, Đức Phanxicô đã
đón nhận một tầm nhìn sinh thái học bắt nguồn từ nền tảng Kinh Thánh Do Thái –
Kitô giáo. Đó là một nền sinh thái học chảy tuôn từ linh đạo của thánh
Phanxicô, một cái nhìn mầu nhiệm mời gọi chúng ta cảm nhận đầy đủ sự hoà hợp
vào trong thế giới mà không thuộc về chúng ta, nhưng được tạo dựng bởi Thiên
Chúa. Trong ánh sáng của sự nguy cấp về môi trường mà chúng ta đang đối diện,
điều này thúc nhắc chúng ta cùng hợp tác và thảo luận với nhau để bảo vệ ngôi
nhà chung được giao phó cho chúng ta. Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng dành cho
việc sống tiết chế hơn trong việc sử dụng và sản xuất các mặt hàng cũng thể hiện
nền linh đạo này trong bối cảnh hiện tại.
Chúng ta có thể kết luận bằng việc trích dẫn một đoạn Kinh
Thánh thể hiện sự tán tụng Đấng Tạo Hoá được đặt trên môi miệng của ngôn sứ
Đaniel (x. Đn 3, 52-88). Lời ca của Đaniel vang vọng trong tâm hồn chúng ta, gọi
mời chúng ta hành động như một Hội Thánh lữ hành. Bất cứ khi nào chúng ta rao
truyền, “Chúc tụng Chúa đi, mọi công trình của Chúa; muôn ngàn đời, hãy ca tụng
suy tôn! […] Chúc tụng Chúa đi, mặt trời với mặt trăng…” (Đn 3, 57-62), chúng
ta đang hiệp thông với mọi loài thụ tạo khác. Bất cứ khi nào chúng ta kêu mời
“các tinh tú trên trời,” “mọi loài chim chóc,” và muôn loài “kình ngư cùng thuỷ
tốc” để khong khen lời chúc tụng Thiên Chúa, giọng ca của chúng ta vang lên như
một phần của bản hoà tấu vũ hoàn. Hợp nhất sâu sắc với các thụ tạo khác, chúng
ta cảm nhận một sự kết hợp hài hoà nơi công trình của Thiên Chúa. Điều này liên
hệ đến tình huynh đệ mang tính vũ trụ, điều được thánh Phanxicô trải nghiệm
trong sự huyền bí của mình và cũng là điều mà cha Teilhard đã thấy trong sự tiến
hoá của vũ trụ. Điều này cũng gắn với sự kỳ vĩ của công trình tạo hoá, của vẻ đẹp
Đất Mẹ, vốn luôn chào đón chúng ta. Bắt đầu với sự huyền bí này, chúng ta được
mời gọi cộng tác với công trình của Thiên Chúa. Bằng việc làm như thế, chúng ta
có thể mở rộng Hội Thánh vượt ra khỏi biên giới nhân loại và bỏ đi sự tự đóng
kín trong chính cộng đồng của mình. Bài ca của Đaniel kết hợp dân Thiên Chúa
đang lữ hành với toàn thể công trình tạo dựng.
Nền sinh thái học được cổ võ bởi học thuyết của Đức Giáo
Hoàng vốn được đặt nền tảng trên linh đạo Thánh Kinh này. Thay vì ném chúng ta
vào vực thẳm của ý thức hệ biến đổi địa chất, nền sinh thái này thúc nhắc chúng
ta tin tưởng rằng bằng hành động có trách nhiệm của mình, chúng ta có thể góp
công bảo tồn và gìn giữ ngôi nhà chung của chúng ta. Trong sự hiệp thông với
toàn thể thụ tạo, chúng ta có thể tiếp tục hành trình chăm sóc và tôn trọng
Trái Đất, điều được đánh động bởi niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Lời ca tụng dành cho Thiên Chúa không chỉ đóng kín chúng ta trong sự tiêu cực của
việc đối diện với khủng hoảng, nhưng khuyến khích chúng ta tin tưởng vào sự đổi
mới, điều sẽ triển nở từ sự cộng tác của chúng ta với công trình của Thiên
Chúa.
Quang Sáng
Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com
(08.12.2023)
[2] Trong vấn đề này, người ta phải nhớ về điều Đức
Phanxicô đã nói với Rabbi Abraham Skorka, trong việc thiết lập một sự khác biệt
rõ ràng giữa một nhà lãnh đạo NGO và một nhà lãnh đạo Cộng đoàn hay Hội Thánh.
Từ ngữ then chốt để hiểu sự khác biệt giữa họ và giữa những kế hoạch của họ là
“thánh thiện,” điều mở ra cho một chiều kích “siêu việt”: x. J. M. Bergoglio –
A. Skorka, Về Thiên Đàng và Trần Thế. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về đức tin,
gia đình và Hội Thánh trong thế kỷ 21, London, Bloomsbury, 2013, 38f.
[13] Đây là lý do tại sao sự xuất hiện của loài người
trong vũ trụ lại thiết lập một “cuộc cách mạng” trong các tiến trình tiến hoá
và trong vận mệnh của nó: x. Id., Il posto dell’uomo nella natura. Il gruppo
zoologico umano, Milan, Il Saggiatore, 1970, 46f.
[22] x. H. de Lubac, Il pensiero religioso del padre
Teilhard de Chardin, Milan, Jaca Book, 1983, 274f.
[23] x. A. Spadaro, “‘Ngụ cư ở ngôi nhà Trần Thế và ôm lấy
Thiên Đàng’. Francis’ apostolic journey to Mongolia”, in Civ. Catt. En, October
2023, https://www.laciviltacattolica.com/inhabiting-the-earthly-home-and-embracing-heaven/