TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Soạn thảo: Lm. Giuse Phạm Quang Tòng

I. MỘT THOÁNG NHÌN

Thánh Tâm Chúa Giêsu là đối tượng của những lời cầu nguyện và những tuần chín ngày của người Công giáo, vì chúng ta tin rằng Thánh Tâm Chúa là biểu tượng cho sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Dọc theo các thế kỷ, nhiều vị thánh như thánh nữ Catarina Siêna hay thánh Phanxicô Salê đã suy niệm và viết về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa là một đòi hỏi để phổ biến nền “Văn minh tình yêu”. Việc cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu có nguồn phát sinh từ đâu và làm thế nào để thi hành việc cầu nguyện này?

“Mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta không chỉ là nội dung của việc phụng tự và lòng tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu: nó còn là nội dung của toàn thể linh đạo đích thực về lòng tôn sùng Kitô giáo. Vì vậy, cần phải nhấn mạnh rằng, nền tảng của việc tôn sùng này cũng cổ kính như chính Kitô giáo. Thật vậy, chỉ có thể trở nên Kitô hữu, khi cái nhìn của ta hướng đến Thập giá Đấng cứu độ chúng ta, ‘hướng đến Đấng mà họ đã đâm thâu qua’ (Ga 19,31; x. Dcr 12,10).” (Bênêđictô XVI)

1. Nguồn gốc và lịch sử lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa.

- Những lần hiện ra và Đền thánh Paray-le-Monial.

Năm 1673 tại Đền thánh Paray-le-Monial, Chúa Giêsu đã hiện ra với Marguerite Marie Alacoque, ngày lễ thánh Gioan tông đồ, người môn đệ yêu quý của Chúa Giêsu, thánh nhân tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly. Trong lần hiện ra này, Chúa Giêsu đã mặc khải cho Marguerite Marie những đường lối quan trọng để tôn sùng Thánh Tâm Ngài, và giúp cho Chị thông phần vào kế hoạch quan trọng mà Chúa dành cho Chị: “Cha muốn con là khí cụ phục vụ Cha để lôi kéo các tâm hồn đến với tình yêu của Cha.” Chúa nói với chị về “trái tim thần linh của Ngài rất đam mê yêu mến mọi người”, tuy nhiên rất bị thương tổn vì Ngài nhận được rất ít “tình yêu đáp lại”.

Như Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói, trái tim là “lò lửa trọng tâm” của hoán cải: Thánh Marguerite Marie được ơn cảm thấy tình yêu của Thiên Chúa lan tràn trong tâm hồn Chị như lò lửa Thánh Tâm Chúa Giêsu. Như thế, chúng ta có thể thấy trong Thánh Tâm Chúa sự phụng thờ tình yêu, là linh hồn của Kitô giáo.

Từ đó, Paray-le Monial che chở Đền thờ Thánh Tâm Chúa, là nơi đón tiếp nhiều đoàn hành hương và tĩnh tâm.

- Lễ mừng và Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Tiếp theo những lần hiện ra tại Paray-le Monial, nhiều Giáo phận trong nước Pháp và tại Âu châu đã quyết định cử hành một lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào “thứ sáu đầu tháng sau tuần bát nhật lễ Mình thánh Chúa”, như Chúa Giêsu yêu cầu. Bù lại, một sự chính thức công nhận đã đạt được vào năm 1765, năm mà lễ Thánh Tâm được Đức Giáo hoàng Clément thiết lập, theo nhiều lời yêu cầu từ các giám mục, các bề trên dòng tu và những nhân vật nhà nước.

Do đó, tháng Sáu là tháng của Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ trọng Thánh Tâm Chúa được cử hành vào thứ sáu thứ ba sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

- Thánh Marguerite Marie

Thánh Marguerite Marie sinh ngày 22/7/1647 và qua đời tại Paray-le Monial ngày 17/10/1690. Chị bước vào đời sống tu trì trong Hội dòng Thăm Viếng; khi còn là bé gái nhỏ tuổi, Chị đã muốn hiến thân mình cho Thiên Chúa. Được phong Chân phước năm 1864, Chị đã được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV phong thánh năm 1920.

“Sau đó, Người xin trái tim tôi, trái tim mà tôi đã xin Người nắm giữ. Điều Người đã làm là đặt trái tim của tôi vào Trái tim đáng tôn thờ của Người, trong đó Người đã làm cho tôi nhìn thấy trái tim của Người như một nguyên tử nhỏ, bị thiêu hủy trong lò lửa cháy sáng này, từ đó rút nó trở lại như một ngọn lửa cháy sáng dưới hình trái tim, Người đặt nó trở lại vào chỗ mà Người đã nắm giữ…” (Marguerite Marie).

- Hình ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Chúng ta gặp nhiều biểu tượng của Đức Kitô chứng tỏ Thánh Tâm của Ngài. Thánh Tâm này đã được đặt ở trên một thập giá, biểu lộ những đau khổ Ngài phải chịu vì chúng ta, với sự hiện diện đặc biệt của vòng gai. Nhưng khi tỏa sáng, bị bao quanh bởi ánh sáng hay những ngọn lửa, Thánh Tâm đó tiêu biểu đặc biệt cho tình yêu đốt cháy, tràn lan mà Chúa Giêsu mang đến cho mọi người.

“Và Ngài làm cho tôi nhận thấy phải tôn vinh “Trái Tim Thiên Chúa” dưới khuôn mặt của Trái tim bằng thịt này, mà Ngài muốn hình ảnh được trưng bày và được mang đến trên mình và trên trái tim, để khắc in tình yêu của Ngài vào đó và đổ tràn vào đó mọi ân huệ mà Ngài có tràn đầy và để tiêu diệt ở đó mọi chuyển động rối loạn. Và bất cứ ở đâu hình ảnh thánh thiện được trưng bày để được tôn vinh ở đó, thì Thánh Tâm sẽ tràn đồ ân sủng và phúc lành của Ngài.” (Marguerite Marie)

2. Cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu khi nào và thế nào?

Chúng ta hãy tôn vinh trái tim thần linh luôn nồng cháy này và ước muốn được mọi người yêu mến để họ được cứu giúp. Có nhiều lời cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Tâm thường được cầu nguyện trong những giây phút khó khăn, nhưng chúng ta cũng có thể phó dâng mình cho Thánh Tâm và an ủi Thánh Tâm bằng cách đọc một bản kinh tận hiến hay một kinh đền tạ.

- Những lời nguyện truyền thống với Thánh Tâm Chúa Giêsu: tuần chín ngày và kinh cầu kính Thánh Tâm.

- Lời cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu:

“Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn mạch mọi điều thiện hảo, con thờ lạy Chúa, con tin tưởng vào Chúa, con hy vọng nơi Chúa, con yêu mến Chúa và con hối hận vì mọi tội con đã phạm.

Con dâng lên Chúa tâm hồn đáng thương của con, xin Chúa làm cho tâm hồn con trở nên khiêm tốn, kiên nhẫn, trong sạch và hoàn toàn phù hợp với những ước muốn của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu tốt lành, xin làm cho con sống trong Chúa và Chúa sống trong con.

Xin bảo vệ con trong những cơn thử thách, xin an ủi con trong những khổ cực và thương đau.

Xin ban cho con sức khỏe thể xác, phép lành của Chúa trên mọi công việc con làm và ơn được chết lành. Amen.”

- Lời cầu nguyện của thánh Marguerite Marie:

“Lạy Cha muôn đời, con dâng hiến lên Cha Trái Tim Đức Giêsu Kitô, Con yêu quý của Cha, như chính Ngài đã tự hiến làm hy tế cho con.

Xin Cha nhận của lễ mà con đang dâng lên Cha, cũng như mọi ước muốn, mọi tình cảm, mọi âu yếm, mọi vận hành, mọi tác động, mọi hành vi của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Tất cả những điều đó là của con, vì chính Ngài đã hiến thân mình cho con, và con muốn trong tương lai con chỉ ước muốn mình Ngài.

Xin Cha nhận tất cả những điều đó để đền tạ những tội lỗi của con, và để tạ ơn vì những ơn lành Cha đã tặng ban.

Xin Cha nhận tất cả những điều đó, và nhờ những công nghiệp của Ngài, ban cho con mọi ân sủng con đang cần đến, và nhất là ơn bến đỗ đến cùng.

Xin Cha nhận tất cả những điều đó như biết bao hành vi yêu mến, tôn thờ, ca tụng mà con dâng lên trước Uy nghi thần thiêng của Cha, bởi chính nhờ Trái Tim Chúa Giêsu mà Cha có thể đáng được tôn vinh và ngợi khen.”


II. TRÁI TIM ĐỨC KITÔ.

Thánh Tâm đó là Trái tim Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là Người thật. Thiên Chúa yêu chúng ta! Đó là sứ điệp mà chúng ta phải lắng nghe!

Chớ gì vài hình ảnh này có thể nói với bạn: Thiên Chúa luôn mở rộng vòng tay chờ đợi bạn, Đức Giêsu đã hiến mạng sống Ngài cho bạn trên thập giá, Ngài là Đấng phục sinh và hôm nay Ngài vẫn muốn trao cho bạn tất cả tình yêu của Ngài!

“Thánh Tâm” là sự mặc khải tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Kiểu nói này rất phong phú ý nghĩa, nó gợi đến trái tim của Đức Giêsu Kitô, xác định Ngôi Con Thiên Chúa làm người: nói lên trong trái tim con người của Đức Giêsu, bốc cháy tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với con người. Như thế, Trái tim của Đức Kitô là sự hiển linh của tình yêu Thiên Chúa. Nhờ việc nhập thể của Ngài, trong đó đã lộ nguyên hình thập giá, Đức Giêsu biểu lộ tình yêu của Chúa Cha qua đời sống làm người của Ngài.

“Khi nhập thể, Con Thiên Chúa cách nào đó đã liên kết với tất cả mọi người. Ngài đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu thương bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. (Hiến chế Gaudium et Spes, s. 22).

Từ ngữ “trái tim” được mượn trong Cựu Ước và Tân ước để diễn tả sự sống thâm sâu của con người, đồng thời với trí khôn, ý muốn, và sự nhạy cảm của Ngài, cảm xúc tinh tế của hữu thể Ngài, khi Ngài tiếp xúc với Thiên Chúa.

“Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân… Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. (Gr 31,32-34).

Từ “trái tim” cũng được Thánh Phaolô sử dụng để diễn tả chiều sâu khôn dò của mầu nhiệm Đức Kitô, bởi lẽ nhân tính của Ngài cũng là nhân tính của Con Thiên Chúa, hướng đến sự hoàn hảo của Ngài, sẽ thông truyền cho chúng ta những phong phú thiên tính của Ngài.

Linh đạo Trái tim của Đức Kitô rất cổ kính. Nó ăn rễ sâu trong chính Tin mừng, sẽ nói cho chúng ta về trái tim của Chúa Giêsu, để mở ra trên Thập giá do lưỡi đòng của một tên lính, và từ đó máu và nước chảy ra, như “những dòng nước hằng sống”.

“Sau cái chết của Chúa Giêsu, quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra”. (Ga 19,32-34).

“Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giêsu đứng trong Đền thờ và lớn tiếng nói rằng: “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”.  (Ga 7,37-38)

Các giáo phụ của những thế kỷ đầu tiên, cả bên phương Đông lẫn phương Tây, đã nhìn thấy toàn thể Giáo hội đã vọt ra từ vết thương nơi cạnh sườn Đức Kitô (nước tượng trưng cho Thánh Thần và Phép Rửa, máu tượng trưng cho Thánh Thể).

“Bạn hãy uống nước bên cạnh Đức Kitô, bởi Ngài là đá tảng từ đó tuôn chảy những dòng nước.

Bạn hãy uống nước bên cạnh Đức Kitô, bởi Ngài là nguồn mạch sự sống.

Bạn hãy uống nước bên cạnh Đức Kitô, Ngài là dòng sông mà nước như thác đổ làm vui vẻ cả thành Thiên Chúa.

Bạn hãy uống nước bên cạnh Đức Kitô, bởi Ngài là sự bình an.

Bạn hãy uống nước bên cạnh Đức Kitô, bởi những dòng nước hằng sống vọt ra từ cạnh sườn Ngài.”

(Thánh Ambrôsiô)

Trên gian cung thánh của Đại thánh đường, tấm panô trang trí sau bàn thờ chính hay bức phù điêu dưới bàn thờ của nhà nguyện thánh Marguerite Marie, là cảnh cạnh sườn bị đâm thâu qua của Đức Kitô, rất thường được trình bày lại trong Đại thánh đường, bởi chính trên thập giá trước tiên mà Chúa Giêsu đã muốn chỉ cho chúng ta Trái tim của Ngài, mở ra vì yêu thương mỗi người chúng ta.

Cũng được trình bày như thế, việc hiện ra của Đức Kitô phục sinh đã được thánh Tôma tông đồ công nhận, khi Chúa chỉ cho ông Trái tim rộng mở của Ngài, và mời gọi chúng ta ngang qua Tôma, hãy tin tưởng vào cuộc chiến thắng của Trái Tim Ngài trên tội lỗi và trên cái chết.

“Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”. (Ga 20, 26-29)

Dọc các thế kỷ, Thánh Thần đã khơi dậy trong Giáo hội các vị thánh nam nữ đã đào sâu và phát triển linh đạo Thánh Tâm này: phần lớn được trình bày trong Đại thánh đường (các tượng khảm ảnh hay ghép kính màu) như thánh Giêtruđê, thánh Gioan Eudes, thánh Marguerite Marie, thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Thánh Charles de Foucauld.

Như thế, việc phụng thờ Thánh Tâm nhắc nhở: Tin mừng và Kitô giáo là một tôn giáo của tình yêu, mở ra cho hết mọi người.

“Tôi cố gắng minh chứng rằng, tôn giáo của chúng tôi hoàn toàn bác ái, hoàn toàn huynh đệ mà biểu tượng của nó là một Trái tim…” (Thư của Thánh Charles de Foucauld gửi cho cha Huvelin 15.7.1904).

“Thánh Tâm… dang rộng vòng tay để ôm ấp, ghì sát, kêu gọi mọi người và hiến thân cho mọi người, bằng cách trao hiến cho họ tình yêu của Ngài”. (Thánh Charles de Foucauld diễn tả bức tranh vẽ Thánh Tâm nơi tu hành của ngài tại Béni-Abbes).

Linh đạo của Thánh Tâm, đặc biệt với trường phái Pháp của thế kỷ thứ XVII (Bérule, Thánh Gioan Eudes…) nhắm đến việc phát triển một đời sống đức tin sâu xa trong việc nội tâm hóa: cư ngụ trong Thánh Tâm của Đức Kitô và làm cho trái tim chúng ta trở thành một nơi cư ngụ của Thiên Chúa, Chúa cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14,23)

“Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”. (Ga 15,4)

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với các anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”. (Ga 15,10)

“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”. (Kh 3,20)

Lời cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ mở chúng ta đến niềm tin tưởng và phó thác, để đáp lại tiếng kêu gọi của Chúa.

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”. (Mt 11,28-30).

“A, em thân mến của chị, từ khi Ngài cho chị hiểu về tình yêu của Trái tim Chúa Giêsu, chị quả quyết với em rằng, Ngài đã xua đuổi khỏi tâm hồn chị mọi sợ hãi. Sự nhớ lại những lỗi phạm của chị đã làm cho chị sống khiêm hạ, sẽ hướng dẫn chị không bao giờ dựa vào sức mạnh của chị, vì nó chỉ là sự yếu đuối, nhưng sự nhớ lại này còn nói với chị nhiều hơn về lòng thương xót và tình yêu”. (Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Thư 127, gửi cha Bellière).

Việc phụng thờ này lôi cuốn chúng ta đến nếp sống phù hợp với những chiều kích của Trái tim Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ nhờ hoán cải nội tâm, cầu nguyện, hiến thân mình và đền tạ cho những người tội lỗi.

- “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,5-11).”

Đó là ý nghĩa việc hiện ra nổi tiếng của Thánh Tâm với thánh Marguerite Marie tại Paray-le Monial năm 1673, nhằm nhấn mạnh đến tình yêu của Trái Tim này đối với mọi người và sự cần thiết phải đáp lại tiếng mời gọi để đền tạ những từ chối chống lại Ngài: “Đây là Trái Tim đã yêu thương con người biết bao, nhưng được rất ít người yêu thương lại”.

Ngày 23/08/1856, Đức Giáo hoàng Piô IX, theo lời yêu cầu của Hàng Giám mục nước Pháp, đã mở rộng Lễ Thánh Tâm cho toàn thể Giáo hội công giáo. Như thế, Ngài đã ghi lễ Thánh Tâm vào lịch phụng vụ toàn cầu, và chúc lành cho dự án xây dựng Đại thánh đường Thánh Tâm Montmartre.

Ngày 11/6/1899, Đức Giáo hoàng Lêô XIII hiến dâng nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Như vậy, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa đã trở nên phổ thông, nhất là vào thế kỷ XIX. Các thi sĩ Verlaine và Claudel đã ca ngợi Thánh Tâm. Sự thể hiện đầy hình ảnh của Thánh Tâm, cho dù còn có những thiếu sót về nghệ thuật, đã đi vòng quanh thế giới. Các Kitô hữu lo lắng về công bằng xã hội cũng gặp được ở đây nguyên tắc cho hoạt động của mình.

Năm 1950, Thông điệp của Đức Giáo hoàng Piô XII về phụng tự và lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, “Haurietis aquas in gaudio” (“Các bạn sẽ vui mừng đến kín nước nơi suối nguồn của Đấng cứu thế”, x. Is 12) đã làm nổi bật nền thần học về Thánh Tâm, biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa.

Gần chúng ta hơn, năm 1995, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập Lễ trọng thể kính Thánh Tâm Chúa như Ngày Quốc tế cầu nguyện cho việc thánh hóa các linh mục.

- “Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, đây sự nghiệp làm nên. Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt”. (Is 40,10-11)

- “Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta”. (Gr 3,15)

Tháng 8 năm 2011, trong những ngày quốc tế giới trẻ tại Madrid, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, đến lượt mình đã muốn hiến dâng những người trẻ trên toàn thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

- “Lạy Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin làm cho trái tim chúng con trở nên giống Trái Tim Chúa”. (Kinh cầu Thánh Tâm)

(“Thánh Tâm Chúa Giêsu”, bài giảng lễ của Đức cha Léonard, Tổng Giám mục Malines – Bruxelles, ngày 13/6/2011, tại Đền Thánh).

III. TÔN SÙNG THÁNH TÂM LÀ GÌ? NGÀY NAY SỐNG VIỆC TÔN SÙNG ĐÓ THẾ NÀO?

Năm 1975, kỷ niệm ba trăm năm việc hiện ra quan trọng của Chúa Giêsu với thánh Marguerite Marie đã không là việc tưởng nhớ một biến cố đã kết thúc trọn vẹn, nhưng là buổi bình minh của một hành động đa dạng cần phải nhanh chóng đụng chạm đến hàng nghìn các tâm hồn.

Mười lăm năm sau, kỷ niệm ba trăm năm Vị thánh nữ về với Chúa Cha, là một dịp may thứ hai cần nắm giữ, một dịp may để kiểm kê kho tàng Chúa đã ban cho Giáo hội, khi để lại cho Giáo hội Trái tim của Con Ngài. Những đặc sủng của Trái tim này đã được đặt vào bàn tay chúng ta để thực hiện công cuộc Tân Phúc âm hóa. Chúng ta cần phải biết kín múc tại giếng sâu Thần Khí Tình yêu này, ở đó “ta càng kín múc, nước càng dồi dào”.

Việc thực hành lòng tôn sùng này bao hàm bốn điều kiện:

1. Bị thuyết phục bởi tầm quan trọng của nó.

Tương lai của thế giới sẽ được xây dựng trên viên đá góc “bị những người thợ xây loại bỏ, nhưng quý giá trước mắt Thiên Chúa”, viên đá góc tường đó là Trái tim Chúa Giêsu.

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã nói với chúng ta nền tảng Tin mừng của việc tôn sùng này: Chúa Phục sinh đã hỏi Phêrô: “Anh có yêu mến Thầy không?”, khi trao cho ông việc chăm sóc đoàn chiên. Chính trong việc trao đổi giữa Chúa Giêsu và Phêrô, mà Giáo hội tìm thấy điểm tựa của mình.

2. Biết việc tôn sùng hệ tại ở điểm nào?

Những mặc khải mà Marguerite Marie nhận được tạo nên kinh nghiệm quy chiếu, giúp Giáo hội xác định cách rõ ràng “mũi nhọn” của việc tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu, là an ủi cách âu yếm trái tim Thiên Chúa đang bị thương tổn do tình trạng bỏ đạo hiện nay.

Khi dự bữa tiệc ly, Gioan, người môn đệ Chúa yêu quý, đã tựa đầu vào ngực Thầy mình, ông đã được mặc khải bi kịch Chúa phải chịu: một người trong Nhóm Mười Hai sẽ phản bội Thầy.

Suốt dòng lịch sử, Chúa Giêsu đã không ngừng than phiền về thái độ vô ơn của những bạn hữu mình, trong đó có chúng ta.

Thánh Marguerite Marie là người thông dịch được Chúa soi sáng cho biết sự than phiền này của Trái tim Chúa Giêsu. Sứ vụ của Chị thánh là làm cho toàn thể Giáo hội cảm nhận được sự cần thiết phải lấy “tình yêu đáp trả tình yêu” đối với Tình yêu Thiên Chúa bị khinh bỉ và phản bội, bằng cách ca ngợi, tạ ơn Ngài, tôn thờ Ngài trong Thánh Thể, và làm cho toàn diện đời sống của chúng ta hòa hợp với sự dịu dàng và khiêm nhường của Ngài.

Sự than phiền của Chúa Giêsu đã là sự than phiền của các ngôn sứ được diễn tả trong mọi trang Thánh Kinh, sự than phiền mà phụng vụ của Giáo hội đã nhận từ môi miệng Đấng chịu đóng đinh, đã bị bầm dập vì thái độ bất trung của chúng ta đối với Giao ước: “Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi, hãy trả lời Ta đi”. (Mk 8,3)

Đó là lời trách cứ của Chúa phục sinh đã nói với những cộng đoàn đang bắt đầu sống lỏng lẻo: “Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Ai sẽ nói lên, ở điểm nào Trái tim Chúa hiện đang bị đau khổ, do bóng tối tâm hồn của chúng ta đối với Trái Tim Ngài?

Chúng ta hãy làm việc để chúng ta được chữa lành cách âm thầm, nhằm đáp lại tiếng than phiền của Tình yêu.

Đó là con đường mà thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã vạch ra cho chúng ta: dâng hiến chúng ta cho Thiên Chúa trong một đà lực yêu thương, để an ủi Người vì đã tìm thấy nơi đang đổ xuống những dòng thác tình yêu như bị dồn nén trong Tình yêu của Ngài.

3. Chú ý đến những gì đang qua đi hôm nay.

Chúng ta đang sống trong thời đại của lòng thương xót. Không bao giờ được biểu lộ rõ ràng hơn tình trạng Đức Giêsu đã đến và cứu chuộc những gì đã hư mất. Đó là những con người đang bị xáo trộn dữ dội do những cảm nghiệm bị gây thương tổn nhiều nhất, được trả lại tại chỗ nhờ Tình Yêu. Chúng ta đang tham dự vào sự phát triển đời sống bí nhiệm của những người nhỏ bé.

Một tình yêu hoàn toàn đặc biệt của Trái Tim Chúa Giêsu hiện đang nở hoa nơi những con người mà Thần Khí làm cho tươi trẻ lại. Tin Mừng thường nói: “Chính từ Trái tim Chúa đã trào ra những dòng nước hằng sống”.

Việc tôn thờ Thánh Thể dẫn ta đến khám phá ra rằng, người nghèo thật sự, kẻ ăn xin tình yêu, lại là chính Ngài, kẻ bị quên lãng. Đôi mắt của chúng ta khi được chữa lành khỏi thương tích, sẽ khám phá ra vết thương sâu hoắm của Tình yêu Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Marto, thị chứng nhân Fatima, đã nói: “Phải khẩn cấp an ủi Chúa Giêsu!”.

4. Chiếu theo việc thực hành của Giáo hội.

- Lễ Trái tim Chúa Giêsu: một dịp tập thể diễn tả sự đau đớn của chúng ta vì đã xúc phạm quá nhiều đến Tình yêu của Thiên Chúa.

- Việc tôn thờ Thánh Thể sẽ tắm chúng ta, khi dòng nước tinh khiết phát xuất từ ngai toà Con Chiên.

- Sự phong phú được trải nghiệm từ những Thứ Sáu đầu tháng và sự hiệp thông trong tinh thần đền tạ.

- Giờ thánh, ở đó chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu trong cơn hấp hối của Ngài.

- Tận hiến cá nhân cho Trái tim Chúa Giêsu, trong đó người đã chịu Phép rửa hiến thân mình lại cho Đức Kitô “để yêu mến Ngài hết tâm hồn mình”.

- Giáo hội luôn biểu lộ sự tôn kính đặc biệt đối với những hình tượng của Chúa cứu thế, dành một giá trị hoàn toàn đặc biệt cho Trái tim Chúa Giêsu. Từ khi Tình yêu biến thành Trái Tim, thì hình ảnh trái tim “mặc khải những tư tưởng thầm kín của các tâm hồn” (Lc 2,34-35). Phải để hình ảnh trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu, như Mẹ Maria đã đón tiếp lưỡi đòng đó. Chúng ta hãy đặt hình ảnh Trái tim Chúa bị đâm thâu vào chỗ danh dự nhất tại nhà chúng ta.