WHĐ (31.08.2023)Cuộc họp thường niên của các doanh nhân Pháp trong 2 ngày 28-29.08 trong khuôn khổ diễn đàn mùa hè của liên minh MEDEF “La Rencontre des Entrepreneurs de France, LaREF đã diễn ra tại trường đua Longchamp. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã gửi tới các tham dự viên một Sứ điệp, do Đức Tổng Giám mục Matthieu Rougé của Nanterre tuyên đọc vào chiều ngày 28.08.2023.

Dưới đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:


SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC DOANH NHÂN PHÁP

Paris, ngày 28-29.08.2023

Tôi rất vui khi có thể gửi đến anh chị em, quý doanh nhân Pháp thân mến, sứ điệp ngắn gọn này nhân Cuộc họp thường niên của anh chị em. Khi nghĩ đến những nhà điều hành doanh nghiệp, thì từ đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là từ Công ích”. Thật vậy, ngày nay chẳng thể hình dung được bất kỳ sự cải thiện nào về Công ích, có nghĩa là, về đời sống kinh tế và xã hội, về công lý, và về điều kiện sống của những người nghèo nhất, mà lại không coi các doanh nhân như những tác nhân của sự phát triển và hạnh phúc. Anh chị em là động lực thiết yếu của sự giàu có, thịnh vượng, và hạnh phúc của cộng đồng.

Thời điểm chúng ta đang trải qua không hề dễ dàng với bất kỳ ai, và thế giới kinh doanh cũng đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí rất nhiều, vì những lý do khác nhau, trong đó có cuộc chiến phi lý, và trước đó là những năm tháng hết sức khó khăn của đại dịch. Doanh nhân đau khổ khi việc kinh doanh gặp khó khăn, và càng đau khổ hơn khi doanh nghiệp thất bại và phải đóng cửa. Các phương tiện truyền thông ít khi đưa thông tin về những khó khăn và nỗi đau của các doanh nhân phải đóng cửa doanh nghiệp và bị phá sản mà không phải do lỗi của họ. Sách Gióp dạy chúng ta rằng bất hạnh không đồng nghĩa với sai lầm, bởi vì bất hạnh cũng xảy đến người công chính, và thành công không đồng nghĩa trực tiếp với đức hạnh và sự tốt lành. Bất hạnh ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cả người tốt lẫn người xấu. Giáo hội hiểu nỗi đau khổ của doanh nhân tốt lành, Giáo hội hiểu nỗi đau khổ của anh chị em. Giáo hội chào đón anh chị em, Giáo hội đồng hành với anh chị em, và Giáo hội cảm ơn anh chị em. Ngay từ đầu, Giáo hội cũng đã chào đón các thương gia, tiền thân của các doanh nhân hiện đại. Trong Kinh Thánh và các Tin Mừng, cũng đề cập đến tiền bạc, buôn bán, và trong số những câu chuyện hay nhất về lịch sử cứu độ chúng ta cũng thấy những câu chuyện nói về kinh tế: đồng xu, tài năng, địa chủ, người quản lý, viên ngọc quý. Trong Tin Mừng Luca, người cha của đứa con hoang đàng được trình bày như một người giàu có, có lẽ ông là một địa chủ. Cũng thế, người Samaritanô nhân hậu có thể là một thương gia; ông ấy dừng lại bên người bị thương bên đường, chăm sóc, rồi đưa nạn nhân vào một quán trọ, và trả cho chủ quán 2 đồng tiền.

Ngày nay, một trong những cách thế quan trọng để tham gia vào Công ích là tạo công ăn việc làm, nghề nghiệp cho mọi người, nhất là cho giới trẻ - hãy tin tưởng người trẻ: họ cần việc làm, và anh chị em cần họ. Mỗi công việc mới được tạo ra đều là tài sản chung, không dừng lại ở việc gửi vào ngân hàng để tạo ra lãi suất tài chính mà được đầu tư để những người mới có thể làm việc, và kiếm sống xứng nhân phẩm hơn. Việc làm là một điều gì đó quan trọng về mặt pháp lý. Quả thực, nếu đúng là lao động làm cho con người cao quý, thì càng đúng hơn đó là chính con người làm cho lao động trở nên cao quý hơn. Chính chúng ta, chứ không phải máy móc, mới là giá trị đích thực của công việc.

Doanh nhân cũng là người lao động. Họ kiếm sống nhờ công việc, sống bằng cách làm việc, và họ vẫn là doanh nhân chừng nào họ còn làm việc. Khi doanh nhân ngừng làm việc, họ trở thành nhà đầu cơ hoặc người thực lợi và thay đổi nghiệp vụ. Doanh nhân tốt, giống như “người mục tử nhân lành” trong Tin Mừng, không giống vớingười làm thuê”, vì họ biết rõ công nhân và công việc của công nhân dưới quyền mình. Một trong những khủng hoảng nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta là việc doanh nhân mất kết nối với công việc của công ty mình, và do đó, mất kết nối với các công nhân của mình, những người bị trở nên “vô hình” (Pierre Y. Gomes). Anh chị em trở thành doanh nhân vì một ngày nọ, anh chị em bị cuốn hút bởi mùi của công xưởng, bởi niềm vui khi được chạm tay vào sản phẩm của mình, và bởi sự hài lòng khi thấy dịch vụ của mình hữu ích: đừng bao giờ quên rằng, đây là ơn gọi của anh chị em. Và về điểm này, anh chị em giống Thánh Giuse, giống Chúa Giêsu, những Đấng đã dành một phần cuộc đời mình làm thợ thủ công: “Ngôi Lời đã trở thành một người thợ mộc”. Người biết mùi thơm của gỗ.

Một lời cuối cùng. Vốn đầu tiên trong kinh doanh của anh chị em chính là bản thân anh chị em: con tim, lương tâm, đức tính, ý chí sống, và sự công bằng của anh chị em. Vốn nhân lực, đạo đức và tinh thần này có giá trị cao hơn vốn kinh tế và tài chính. Ngày nay, những thách thức mới của xã hội phức tạp của chúng ta không thể giải quyết được nếu không có những doanh nhân giỏi. Anh chị em có thể trải nghiệm công việc của mình như một ơn gọi, như một nhiệm vụ đạo đức, và như một định mệnh hiện sinh. Nhưng chỉ kinh doanh thôi thì chưa đủ, kinh tế còn quá ít đối với anh chị em: sự sáng tạo và cải tiến của anh chị em cũng cần thiết trong xã hội dân sự, trong cộng đồng, và trong việc chăm sóc công trình sáng tạo. Nếu không có các doanh nhân mới, hành tinh của chúng ta sẽ không chống lại được tác động của chủ nghĩa tư bản. Cho đến nay, anh chị em đã thực hiện được một số việc, một số trong anh chị em đã làm được rất nhiều: nhưng thế vẫn chưa đủ. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn cấp bách, hết sức cấp bách: chúng ta phải, anh chị em phải, làm nhiều hơn nữa: con cái sẽ cảm ơn anh chị em, và tôi cũng thế.

Tôi cầu xin cho công việc và nỗ lực của anh chị em sinh hoa kết trái dồi dào và lâu bền, đồng thời tôi xin gửi đến anh chị em lời chào thân ái nhất.

Từ Vatican, ngày 13. 07. 2023

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (29. 08. 2023)