TÌNH YÊU MANG THƯƠNG TÍCH
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
WGPMT (01.04.2024) – "Chúa Giêsu kêu gọi mọi người sống tình yêu vô điều kiện, đến mức yêu cả kẻ thù của mình". Lời kêu gọi ấy xem ra phi lý, nhất là với những ai hiểu tình yêu như một tình cảm, cảm xúc. Thế nhưng tình yêu là điều gì lớn lao hơn thế. Đó là không gian yêu thương và đón nhận để chúng ta có thể khám phá sự thật về chính mình, phát triển những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta. Nhưng tình yêu luôn luôn là bước đi mạnh bạo và liều lĩnh. Bất cứ ai yêu thương đều có nguy cơ thất vọng và bị tổn thương.
Chính ở đây mà tôi có thể trả lời câu hỏi về tương lai của đức tin tôn giáo. Tôi tin vào một đức tin mang thương tích. Ở tâm điểm niềm tin Kitô giáo là một cảnh đặc biệt trong Tin Mừng thánh Gioan, về cuộc gặp gỡ giữa thánh Tôma và Chúa Kitô Phục sinh. Trong tâm hồn Tôma cũng như trong tâm trí nhiều người ngày nay, đức tin và nghi ngờ xung đột nhau. Chỉ khi Chúa Giêsu cho xem những thương tích của Ngài thì Tôma mới kêu lên: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.
Thế giới của chúng ta đầy rẫy những thương tích. Tôi xác tín rằng những ai khép mắt lại trước những thương tích của thế giới, thì người ấy không có quyền nói: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con! Một tôn giáo mà không biết gì đến những nỗi đau và khốn cùng của con người, thì tôn giáo ấy chỉ là thuốc phiện của nhân dân. Một Thiên Chúa không mang thương tích là Thiên Chúa đã chết. Khi ai đó ngỏ ý tặng cho tôi Thiên Chúa của họ, tôi hỏi: "Đó có phải là Thiên Chúa tình yêu, mang thương tích vì những đau khổ của thế giới không? Tôi không muốn tin vào bất cứ Thiên Chúa nào khác”.
Những suy tưởng trên được rút ra từ bài phát biểu của Đức Ông Tomas Halik khi nhận giải Templeton danh giá 2014. Ông nhắc đến hình ảnh Chúa Kitô phục sinh cho Tôma xem những thương tích của Ngài để làm nổi bật dung nhan Thiên Chúa là Tình Yêu mang thương tích. Có sự trùng hợp đầy ý nghĩa ở đây vì câu chuyện này (Ga 29,19-31) cũng là Tin Mừng được công bố trong Chúa nhật tôn vinh Lòng Chúa thương xót. Tuy nhiên cần phải đọc lại toàn bộ trình thuật để hiểu rõ hơn về lòng thương xót.
Trước hết, những thương tích trên thân mình Đấng Phục sinh phơi bày tội lỗi của con người. Những thương tích ấy từ đâu mà có? Lại chẳng phải vì những âm mưu thâm độc của hàng ngũ lãnh đạo Do Thái, sự thỏa hiệp của Philatô, sự hung dữ của quân lính và sự đồng lõa của đám đông hay sao? Không chỉ thế, có cả những tội lỗi của các môn đệ Chúa Giêsu nữa: sự phản bội của Giuđa, sự hèn nhát của Phêrô, sự sợ hãi của các môn đệ bỏ Thầy mà chạy trốn! Ngày nay trong lòng Hội Thánh đang có khuynh hướng nhân danh lòng thương xót để ngó lơ tội lỗi, coi như không có! Thế nhưng lòng thương xót đích thực đâu phải thế: không phải là phủ nhận nhưng là mời gọi mỗi người nhìn nhận nỗi cùng khốn của mình do tội lỗi gây ra. Không nhìn nhận sự cùng khốn của mình thì cần chi đến lòng thương xót?
Một đàng, những thương tích của Đấng Phục sinh phơi bày tội lỗi nhân gian, nhưng đàng khác phơi bày mà không trả đũa, trái lại Ngài thanh tẩy tội lỗi chúng ta bằng tình thương tha thứ: “Bình an cho các con”. Chính ở đây lòng thương xót phá vỡ vòng xoáy của hận thù. Mô-típ quen thuộc trong phim ảnh là sự trả thù và mô-típ ấy vừa phản ánh vừa cổ võ cách hành xử quen thuộc của thế gian: tố cáo nhau về đủ thứ tội – trên bình diện cá nhân cũng như tập thể, và kèm theo sự tố cáo là trả thù. Rồi đối phương cũng lại trả đũa như thế!
Những ai cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ trở thành những sứ giả của lòng thương xót: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha” (20,22-23). Đã hẳn những lời này được dành riêng cho các linh mục khi cử hành Bí tích Hòa Giải, nhưng cũng có thể hiểu rộng ra cho mọi Kitô hữu: đã cảm nhận được lòng Chúa thương xót thì hãy chia sẻ lòng thương xót ấy cho anh chị em của mình: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19).
Nguồn: giaophanmytho.net