Photo by Tasha Jolley on Unsplash
TÌNH TRẠNG NÔ LỆ VÀ HỆ QUẢ CỦA NÓ
Patrick J. Ryan, SJ
La Civiltà Cattolica
WHĐ (22.11.2022) - Các tín hữu
Do Thái giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo đang đối diện với nạn phân biệt chủng tộc
và bất công xã hội.
Khoảng hơn ba thập kỷ trước, tôi
sống trong một căn nhà thuộc dòng Tên ở Ghana, nơi nhìn ra biển Đại Tây Dương và cảng đánh bắt Moree. Từ căn nhà đó, tôi có thể nhìn thấy trạm thông thương
buôn bán tên là Fort Nassau, vốn được đặt theo tên gia đình Orange-Nassau, một
gia tộc hoàng gia của Hà Lan. Các lái buôn người Bồ Đào Nha đã mua bán vàng và
nô lệ trên bờ biển Ghana này từ cuối thế kỷ 15, nhưng đến thế kỷ 17, người Hà
Lan chiếm được phần đất đó từ người Bồ Đào Nha, và tiếp tục tham gia vào việc
trao đổi vàng và nô lệ cho đến thế kỷ 18, khi họ bán lại quyền lợi đó cho người
Anh.
Cả ba cường quốc Âu châu đều giao
thương với dân cư ở Phi châu thuộc vùng ven biển và nội địa, những người này
bán cho họ các nô lệ - thường là những tù nhân trong chiến tranh. Có khoảng 18
triệu người dân Phi châu bị đưa ra khỏi châu lục này vào giữa những năm 1500 đến
1900, nhưng chỉ có 11 triệu người vượt được Đại Tây Dương; những người khác bị
bắt đi qua hoang mạc Sahara để đến vùng Bắc và Trung Phi hoặc băng qua Ấn Độ
Dương để đến các chợ nô lệ ở Tây Nam Á.[1]
Các học giả đã đưa ra một kết luận rằng quốc gia Brazil và vùng Caribbean tiếp
nhận hầu hết các nô lệ Phi châu trong khoảng thời gian này, nhưng cho đến năm
1860, lại có gần 4 triệu người gốc Phi châu sống trong cảnh nô lệ ở Hoa Kỳ.
Sự nô lệ là một thực tại gần như
đi cùng với lịch sử loài người, nhưng nó luôn biểu lộ trong các hình thái khác
nhau. Những tín hữu Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều hiểu biết được cả
hai thái cực của cảnh nô lệ, bao gồm cả việc bị nô dịch hoá và lẫn việc thống trị
các nô lệ. Liệu rằng chúng ta có thể thâu tập được những bài học gì từ truyền
thống đó để trang bị cho chúng ta ngõ hầu đương đầu với những hiện tượng của nạn
bất công và phân biệt chủng tộc còn đang tiếp diễn đối với thế hệ sau của những
người gốc Phi bị bắt làm nô lệ?
Cảnh nô lệ trong truyền thống của Israel
Các câu chuyện trong Sáng Thế ký
được xem như là đoạn mở đầu trong lịch sử cứu độ của dân Israel, cụ thể là
trình thuật rất dài về kinh nghiệm thoát ra khỏi đất Ai Cập và trở về Đất Hứa của
họ. Sáng Thế ký đưa ra những bài học về cách thức dân Israel trung tín trong thời
cổ đại, và cả hiện nay, hiểu biết về tình cảnh bị nô lệ của họ. Câu chuyện về sự
sáng tạo và sự sa đọa thời hậu Eden của dòng dõi Adam và Eva đã dẫn tới câu
chuyện của ông Noe trong việc tái lập một dòng giống mới sau trận đại hồng thuỷ.
Shem, con trai của Noe, được các truyền thống sau này xem như là nguồn gốc của
dân Semite, nhất là của dân Israel; tương tự như vậy, Japhet được coi như thuỷ
tổ của các dân tộc Âu châu, và đặc biệt là của người Hy lạp, vốn định cư ở phía
Đông Địa Trung Hải; Ham, đứa con trai thứ ba, được gắn với dân Ai Cập. Đó là đứa
con đã nhìn thấy “sự trần trụi của cha mình” (St 9:21), khi ông Noe uống quá
say ở trong vườn nho. Sáng Thế ký cho rằng Ham trở thành “cha của ông Canaan”
(St 9:18), đây là dân mà ông Abraham và ông Lót đã cư ngụ trong xứ của họ khi
các ông này lần đầu tiên đến đất hứa. Shem và Japhet được chúc lành bởi Noe,
nhưng Ham, và đặc biệt là con trai Canaan của ông, bị chúc dữ vào trong tình trạng
nô lệ, một sự đảo ngược đầy tính châm biếm đối với tình cảnh của Israel, vì sau
đó họ phải trở thành nô lệ trong đất Ai Cập (St 9:26). Ham không chỉ là cha của
Canaan mà còn của nhiều dân tộc thuộc khu vực thung lũng sông Nile, bán đảo
Sinai và vịnh Phi châu (St 10:6-7). Sáng Thế ký không hề đồng hoá Ham với những
người da màu ở Phi châu, thế nhưng nhà chú giải Sáng Thế ký người Do Thái cổ đại
– Bereshit Rabbah cho rằng Sáng Thế ký có thể bắt nguồn cho ý niệm phân biệt chủng
tộc.[2]
Sau câu chuyện về nguồn gốc loài
người, Sáng Thế ký chuyển trọng tâm câu chuyện đến với trình thuật ông Abraham
và dòng dõi của mình, bắt đầu với việc nhập cư vào đất hứa của tổ phụ này. Những
người nô lệ giữ các vai trò chủ yếu. Bà vợ son sẻ Sarah của Abraham đã hiến cho
tổ phụ “một tỳ nữ người Ai Cập tên là Hagar” để làm mẹ thay cho mình (St 16:1).
Thế nhưng, sau khi Sarah sinh ra Isaac tong lúc tuổi già, bà liền yêu cầu
Abraham “hãy đuổi mẹ con đứa nữ tỳ này đi” (St 21:10). Thiên Chúa đem đến cho
các con trai của Abraham những kinh nghiệm trong cảnh nô lệ và sự giải phóng bằng
việc cứu thoát họ trong lúc cận kề cái chết, đứa đầu tiên như một con oan dương
[dê thế tội] bị đuổi vào trong hoang địa cùng với mẹ của nó (St 21:8-21), và đứa
thứ hai được dâng hiến như một vật sát tế (St 22:1-19). Trong cả hai câu chuyện,
Thiên Chúa luôn chứng tỏ mình khoan dung hơn con người.
Tất cả những câu chuyện về nguồn
gốc trong Sáng Thế ký đều như là phần dẫn nhập để đến với lịch sử giải phóng
dân tộc Israel khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Trong các bản văn chính lục, Ngũ Thư
đã phân biệt giữa các nô lệ người Do Thái và các nô lệ dân ngoại. Các nô lệ người
Do Thái chủ yếu là những người nô lệ nam có nghĩa vụ làm việc để trả dần món nợ
của họ như một người lao động với hợp đồng trong thời gian hạn định, người ấy sẽ
được tự do vào năm thứ bảy (Xh 21:2). Trong lề luật sau này của người Israel,
các nô lệ ngoại quốc sẽ được đối đãi khác hơn. Bộ Thánh Luật trong sách Lêvi,
được viết sau cuộc lưu đày Babylon, hồi niệm về các tư tế đền thờ khi họ còn bị
lưu đày “bên bờ sông Babylon” (Tv 137:1). “Tôi tớ nam nữ mà (các) ngươi sẽ có,
phải là những người thuộc các dân tộc chung quanh các ngươi… các ngươi có thể bắt
chúng làm nô lệ mãi mãi, nhưng anh em các ngươi là con cái Israel, thì không ai
trong các ngươi được thống trị cách hà khắc” (Lv 25:44-46). Lương tâm của người
Israel không thoải mái với một sự phân biệt giữa một nô lệ người Do Thái và một
nô lệ nước ngoài – được hiểu theo mặt chữ là ‘eved kan’ani, “một nô lệ người Canaan”.
Trong sách Talmud cổ đại, có ít
nhất một sự biểu thị cho biết rằng việc giải phóng cho một nô lệ ngoại quốc được
xem là hành vi tốt lành. Solomon Zeitlin (mất năm 1976), một giáo sư nổi tiếng
trong lãnh vực truyền thống Do Thái, chú giải trình thuật trong sách Talmud về
cách thức vị tôn sư Eliezer ben Hyrcanus (thế kỷ I và II sau CN) giải thoát cho
một nô lệ ngoại quốc để tạo nên một minyan (một nhóm gồm mười người) cần thiết
cho việc phục vụ đền thờ. Sách Talmud ghi lại một sự phản đối dành cho việc giải
phóng nô lệ này, nhưng cuốn sách cũng ghi lại câu trả lời cho sự phản đối đó.[3] Sách chép rằng: “Bất cứ ai
giải phóng cho nô lệ Canaan của mình thì đi ngược lại với lề luật, vì có lời
chép về các nô lệ Canaan rằng ‘các ngươi
sẽ để chúng lại làm gia nghiệp cho con cái các ngươi mai sau; để con cái các
ngươi giữ chúng làm sở hữu. Các ngươi có thể bắt chúng làm nô lệ mãi mãi’
(Lv 25:46). Dù vậy, sau đó, làm sao tôn sư Eliezer có thể giải thoát cho người
nô lệ của mình, sách Gemarah (chú giải về sách Talmud được ghi trong sách
Mishnah) cho biết, “đó là một lề luật được
đặt ra cho một sự vi phạm, nhưng một lề luật được đặt ra để sinh ích cho nhiều
người thì phải khác đi, và người ta có thể giải phóng cho nô lệ của mình vì mục
đích này [sinh ích cho con người]’” (Berakhot 47b). Trong tình cảnh hợp
pháp như vậy, người ta có một mẫu thức hoàn hảo về phương diện đức tin và luân
lý của dân Israel để vượt xa hơn việc giữ gìn sát sao từng lời, từng chữ trong
kinh Torah.
Lề luật của người Do Thái nhằm hướng
đến sự giải thoát tất cả nô lệ xuất hiện chỉ trong thời đại sau này của lịch sử
Do Thái. Mặc dù người Do Thái có liên quan đến việc buôn bán nô lệ, nhưng chỉ ở
một quy mô nhỏ hơn so với các Kitô hữu và người Hồi giáo trong thời Trung Cổ,
và ở thế kỷ 19, Bertram Wallace Korn (mất năm 1979) – là một tôn sư và sử gia,
đã thuật lại cách thức từng người Mỹ gốc Do Thái thích nghi với môi trường văn
hoá ở phía Bắc và phía Nam nước Mỹ trong thế kỷ 19, ít là trong thời kỳ tiền nội
chiến. “Mặc dù người Do Thái ở
Philadelphia and New York hoàn toàn có thể chủ động trong việc bãi bỏ các phong
trào buôn bán nô lệ từ sớm, nhưng những thương gia, người bán đấu giá và các nhân
viên đại lý ở các tiểu bang phía Nam vẫn tiếp tục mua bán các nô lệ cho đến khi
kết thúc cuộc nội chiến.”[4]
Giáo phái Do Thái giáo cải cách,
được khởi nguồn từ Đức quốc cho đến Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ 19, tiêu biểu cho
niềm tin của một nhóm đông đảo nhất của cộng đồng Do Thái giáo Hoa Kỳ ngày nay.
David Einhorn (mất năm 1879), một giáo sĩ người Đức của phong trào này trong thời
kỳ đầu, đã tham gia vào những lập trường gây tranh cãi trong lúc khởi nghiệp của
mình ở Âu châu, điều này đã khiến ông bị buộc phải rời khỏi vị trí lãnh đạo các
nhà thờ cải cách ở Đức và Hungary. Sau khi di cư đến Maryland vào năm 1855, vị
giáo sĩ này liên tục lên án chế độ nô lệ từ bục giảng của mình, điều này khiến
ông nhiều lần phải chạy trốn khỏi sự bạo loạn của đám đông ở đó vào năm 1861,
đó là thời điểm cuộc nội chiến bắt đầu. Các nhà thờ ở Philadelphia và New York
tỏ ra được chào đón nhiều hơn.[5]
Những tiếng nói của người Do Thái
phản đối sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức vẫn tiếp tục được lắng nghe
cho đến tận ngày nay. Abraham Joshua Heschel (mất năm 1972), một vị giáo sĩ thời
sau này, đã hợp tác với Martin Luther King ở Selma, Alabama vào năm 1965. Ông
nói rằng: “Khi tôi bước đi trên đất
Selma, bàn chân tôi cũng cất lời cầu nguyện.” Con gái của Heschel, Susannah
Heschel mới đây đã gợi nhớ về cách thức cha của cô và Luther King cùng nhau
tham gia vào cuộc họp năm 1963 của Hội đồng Kitô giáo và Do Thái giáo quốc tế
trong lĩnh vực tôn giáo và chủng tộc. Heschel bắt đầu bài phát biểu của mình tại
cuộc họp với một lời mang tính tiên tri “Vào
kỳ họp đầu tiên về tôn giáo và chủng tộc, các tham dự viên là Pharaoh và Moses.
Kết quả của cuộc hội nghị tối cao đó đã không có cái kết. Pharaoh không sẵn
lòng từ bỏ. Thế nên, cuộc Xuất hành bắt đầu, nhưng còn rất lâu nữa mới được
hoàn tất.”[6]
Cảnh nô lệ trong truyền thống Kitô giáo
Các Kitô hữu, giống như người Do
Thái, xem chế độ nô lệ là điều đương nhiên, như một phần của hệ thống kinh tế
thế giới tại thời điểm của Chúa Giêsu và nhiều thế kỷ sau đó. Các thư Phaolô
trình bày những lời huấn dụ về việc các người vợ nên nghe theo những người chồng
của mình, con cái phải vâng phục cha mẹ chúng, và các người tôi tớ phải tuân lệnh
các ông chủ của mình. (Ep 6:5-9; Cl 3:22-41; Tm 6:1-2;Tt 2:9-10). Tuy nhiên,
trong bút tích của mình, thánh Phaolô tông đồ lại có một thái độ nhập nhằng khi
hướng đến tình trạng nô lệ. Thánh nhân cố gắng tránh né tạo một ấn tượng rằng
Kinh Thánh Kitô giáo xuất hiện để lật đổ đời sống xã hội trong các cộng đoàn
như ngài đã thấy nó ở nơi đế quốc Roma. Vì thế, trong thư thứ nhất gửi giáo
đoàn Côrintô, thánh Phaolô thúc đẩy những người tân tòng không tìm kiếm bất cứ
sự thay đổi nào trong tình trạng xã hội của mình. “Bạn là nô lệ khi được kêu gọi ư? Chớ bận tâm! Ngay cả khi có thể được
tự do, tốt hơn hãy lợi dụng thân phận nô lệ. Thật thế, người đang làm nô lệ mà
được Chúa kêu gọi, thì là người được Chúa giải phóng. Cũng vậy, người đang tự
do mà được kêu gọi, thì là nô lệ của Đức Kitô” (1 Cr 7:21-22). Thế nhưng,
ngay sau khi nói những lời này, thánh Phaolô liền nói rõ hơn, có lẽ ngài lưu
tâm đến khả năng những người Kitô hữu còn mắc nợ hoặc những thành viên nghèo khổ
khác của giáo hội phải tự bán mình làm nô lệ. Sự cứu chuộc khỏi tội lỗi bằng
cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, được kinh qua trong bí tích Thánh Tẩy,
ngăn cản bất cứ sự tự nguyện đón nhận nào của tình trạng nô lệ. “Thiên Chúa đã trả giá đắt để mà chuộc lấy
anh em. Anh em đừng trở nên nô lệ cho người phàm (1 Cr 7:23). Dù vậy, thánh Phaolô cuối cùng lại
quan tâm nhiều hơn đến tình trạng đời đời của những người trở lại đạo. “Thưa anh chị em, khi được Thiên Chúa kêu gọi
ở đại vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa” (1 Cr 7:24).
Khi thánh Phaolô viết những điều
này, ngài vẫn mong mỏi về ngày cánh chung sẽ đến thật sớm, khi đó Chúa Giêsu sẽ
tái lâm trong tư cách là Thiên Chúa và là Đấng Messia. Rút ra từ bối cảnh đó,
chúng ta thấy được đoạn Kinh Thánh trong thư thứ nhất Côrintô không hề ám chỉ sự
tán thành đối với cảnh nô lệ. Sự tái lâm kề cận của Chúa Giêsu là lý do để
thánh Phaolô cho rằng không nên có một Kitô hữu nào, dù là gốc Do Thái hay dân
ngoại, can dự tới việc thay đổi kinh tế xã hội hoặc tình trạng tôn giáo “Ai đang ở địa vị nào khi được kêu gọi, thì
cứ ở địa vị đó” (1 Cr 7:18-20).
Khác với những bức thư đầu tiên của
thánh Phaolô, lá thư gửi cho ông Philêmon thì nhắn nhủ cho một mình cá nhân ông
này, một người tín hữu được hoán cải nhờ Phaolô. Lá thư bàn về trường hợp đặc
biệt trong tình trạng nô lệ và sự giải phóng của một nô lệ tên là Onesimo. Anh
ta từng phục vụ cho Philêmon, sau đó đã bỏ đi cùng với Phaolô trong thời gian
tông đồ bị tù đày, và đang tìm chốn ẩn náu khỏi những kẻ truy lùng nô lệ. Thánh
Phaolô đang trong cảnh tù tội khi viết lá thư này, và điều này phải được giữ
trong tâm trí khi ngài cân nhắc nên viết gì về Onesimo để gửi cho Philemon.
Thánh nhân cũng chơi chữ trong tên gọi của người nô lệ, vì tên Onesimo trong tiếng
Hy Lạp nghĩa là “hữu ích.” Cuộc đời của Onesimo như một cuộc trốn chạy đầy hiểm
nguy của người nô lệ. Anh ta trở thành một Kitô hữu dưới sự bảo trợ của Phaolô
khi đang chạy trốn. Bằng cách gửi thư cho Philemon, thánh Phaolô gửi Onesimo lại
cho người chủ của hắn, những với một sự khác biệt lớn bằng việc chơi chữ trong
tên gọi của người nô lệ. “Tôi van xin anh
cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là
Onesimo, kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì này đã thành người hữu ích cho
cả anh lẫn tôi. Tôi xin gửi nó về cho anh, xin anh hãy đón nhận nó như người ruột
thịt của tôi.” (Plm 8-12)
Đang khi ở trong tù, Thánh Phaolô
cần một trợ tá [cho những công việc ở ngoài các cộng đoàn] và ngài mạnh mẽ mời
gọi Philemon giải phóng cho Onesimo vì trách vụ đó, “không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ,
thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với
anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em
trong Chúa” (Plm 16). Phép rửa của Onesimo đã biến đổi tương quan của anh với
ông Philemon một cách bất ngờ, không chỉ đơn thuần về phương diện con người
(“trong xác phàm”), nhưng còn về phương diện Kitô hữu (“trong Thiên Chúa”).
Thánh Phaolô đã khéo léo pha trộn thỉnh cầu về một người trợ tá với điều mà thuật
hùng biện cổ xưa gọi là praeteritio,
tránh né nói đến một vấn đề nhưng thực ra đang đề cập đến nó. “Tôi sẽ hoàn trả lại. Tôi khỏi cần nói với
anh là anh còn mắc nợ tôi: món nợ đó là chính anh” (Plm 19). Thánh nhân nhắc
nhở cho Philemon nhớ rằng ông và gia đình mình đã lãnh nhận phép Thánh Tẩy như
thế nào trong tay ngài. Thánh nhân tiếp tục, “Phải, thưa anh, xin anh cho tôi được hưởng niềm vui đó trong Chúa. Anh
hãy làm cho lòng trí tôi được phấn khởi trong Đức Kitô. Tôi viết thư này cho
anh với niềm tin tưởng là anh sẽ nghe theo. Tôi biết rằng anh sẽ còn làm hơn những
gì tôi xin” (Plm 20-21). Thánh Phaolô không chỉ là một tông đồ nhưng còn là
một nhà thương lượng tinh khôn.
Lá thư gửi cho ông Philemon không
kết thúc được tình trạng nô lệ trong lịch sử Kitô giáo; chúng ta không có bằng
chứng gì về cách thức Philemon đón nhận lá thư, ngoài một sự thật là nó được
lưu giữ. Mặc dù chế độ nô lệ bị suy tàn như một hiện tượng trong giới Kitô hữu
châu Âu sau khi hoàng đế Constantine lên ngôi vua, nhưng các cuộc chiến tại Địa
Trung Hải giữa các lực lượng của Kitô giáo và Hồi giáo trong phần cuối của
thiên niên kỷ thứ nhất và nửa đầu của thiên niên kỷ thứ hai dẫn đã đến việc các
tín hữu Hồi giáo bị bắt và làm nô lệ cho các Kitô hữu và ngược lại, các Kitô hữu
bị bắt và làm nô lệ cho người Hồi giáo.
Sau trận chiến Lepanto vào năm
1571, một chiến thắng vang dội của Kitô giáo trong cuộc giao tranh với đế quốc
Ottoman, các Kitô hữu đã chết vì là nô lệ trên chiến thuyền lớn trong đội quân
Ottoman nhiều hơn là những người Hồi giáo chết trên chiến thuyền trong đội quân
Liên minh thánh (giữa Áo quốc, Nga và Phổ quốc, năm 1815). Giovanni Bruni, Tổng
giám mục của vùng Bar (nay là Montenegro) đã chết trong tay của một thuỷ thủ
Công giáo Tây Ban Nha khi anh này xông vào tấn công tàu đô đốc Sultana của đội
quân Ottoman. Sự hăng say quá mức của người Tây Ban Nha trong việc cướp bóc và
chém giết đã khiến họ không quan tâm đến lời van xin tha mạng của Đức tổng giám
mục đang bị bắt làm nô lệ trên thuyền.[7]
Các giáo hoàng trong các thời kỳ
khác nhau đều lên án việc buôn bán chế độ nô lệ, nhưng nghịch lý thay, lại không
lên án chính việc thiết lập chế độ nô lệ. Cố thẩm phán John T. Noonan, Jr. (mất
năm 2017), một sử gia nổi tiếng trong sự phát triển của luật lệ và đạo đức, đã
bàn luận rằng học thuyết Công giáo cần thay đổi những điều liên quan đến chế độ
nô lệ, thay vì việc dạy những điều hợp pháp của cảnh nô lệ, hãy dạy những điều
bất hợp pháp.[8] Việc thay đổi cách giáo dục
này được trình bày một cách rõ ràng trong cuộc thảo luận về điều răn thứ bảy
(“Chớ lấy của người”) trong bản Giáo lý Hội Thánh Công giáo vào năm 1992. Điều
răn thứ bảy ngăn cấm các hành vi và dự tính với bất kỳ lý do nào – ích kỷ hoặc
ý thức hệ, mục đích thương mại hoặc chuyên quyền – dẫn đến tình trạng nô dịch
con người, khiến họ bị mua, bán và trao đổi như hàng hoá, bất chấp nhân phẩm cá
nhân của họ. Đây là một tội chống lại nhân phẩm con người và những quyền lợi
căn bản để làm giảm đi ảnh hưởng của bạo lực lên trên giá trị sản xuất và nguồn
lợi của họ. Thánh Phaolô đã nói trực tiếp cho một ông chủ Kitô giáo cách để đối
đãi với một nô lệ Kitô giáo “không phải
được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh
em rất thân mến… cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa” (Plm
16)[9]
Một ví dụ mạnh mẽ hơn về việc
thay đổi trong cách giáo dục có thể được nhìn thấy trong cuộc nói chuyện của Đức
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1992 trên hòn đảo Gorée ngoài khơi nước
Senegal. Gorée không chỉ là địa điểm lâu đời nhất của giáo hội Công giáo
Senegal, nhưng còn rất nổi tiếng vì là một “căn nhà của những nô lệ,” đây là điểm
khởi đầu cho nhiều thế hệ người Phi châu bị đưa đến vùng Caribê. “Trên đường đến Goreé, nơi người ta yêu để
có thể trao ban hoàn toàn con người cho lời tạ ơn, làm sao người ta có thể
không khỏi buồn phiền khi nghĩ đến những sự thật mà nơi này gợi lên. Việc viếng
thăm “căn nhà của những nô lệ” nhắc nhở chúng ta về các cuộc buôn bán người da
màu, đây là điều được Đức Thánh cha Pio II viết vào năm 1462, khi ngài nhắn nhủ
đến các giám mục truyền giáo đang chuẩn bị khởi đi Guinea, một nơi được như là
“tội ác lan tràn”. Trong suốt một thời đại lịch sử của vùng lục địa Phi châu,
những người đàn ông, đàn bàn và trẻ em da màu bị bắt đến nơi chật hẹp này – xa
rời quê hương, cách biệt với gia đình – để bị buôn bán như những món hàng… Những
người đàn ông, đàn bà và trẻ em đó là những nạn nhân của một hình thái thương mại
đáng xấu hổ, ở đó những người đã lãnh nhận phép rửa cũng tham gia vào, và ở đó
con người không hề sống đức tin của mình. Làm thế nào chúng ta có thể quên đi
những đau khổ lớn lao đối với những dân tộc bị trục xuất khỏi lục địa Phi châu,
bất chấp những quyền lợi cơ bản của con người. Làm sao chúng ta có thể quên được
những sinh mạng con người bị tiêu diệt bởi chế độ nô lệ.”[10]
Trong những điều Đức giáo hoàng
đã nói cho đến nay, ngài không hề vượt quá những lời kết án của các vị tiền nhiệm
trong vấn đề buôn bán nô lệ, mà không đụng chạm đến các giáo huấn của hội thánh
trong sự hợp pháp của tình trạng nô lệ. Thế nhưng, chính tại điểm này trong bài
phát biểu của mình, Đức giáo hoàng đã biểu lộ một quan điểm đạo đức mới. “Thật chính đáng để chúng ta thú nhận tội lỗi
trong chân lý và sự khiêm hạ, đây là tội lỗi của việc con người chống lại con
người, và con người chống lại Thiên Chúa,… Từ nơi trú ẩn đầy những thương đau của
người da màu này, chúng ta nài xin sự thương xót của Thiên Đàng,… Chúng ta phải
cùng nhau phản đối những hình thức mới đầy xảo quyệt của chủ nghĩa nô lệ, giống
như việc mại dâm có tổ chức, vốn thu lợi một cách đáng xấu hổ từ sự thương đau
của thế giới thứ ba.”[11]
Sự nô lệ trong truyền thống của Hồi giáo.
Vào thế kỷ thứ bảy, Muhammad và
những tín hữu Hồi giáo đầu tiên đã biết đến hiện tượng nô lệ. Fazlur Rahman (mất
năm 1988) một học giả Hồi giáo ở thế kỷ 20, đã ghi lại rằng “Kinh Qur’an (Koran) chấp nhận một cách hợp
pháp về sự thiết lập cảnh nô lệ, dù không thể ngay lập tức hình thành luật lệ
cho điều này, nhưng kinh Koran mạnh mẽ đề nghị và khuyến khích sự giải phóng
các nô lệ (9013; 889; 583), và trong thực tế, kinh Koran đã yêu cầu các tín hữu
Hồi giáo phải cho phép các nô lệ được chuộc lại sự tự do của mình bằng cách trả
dần dần khoản tiền đã giao ước (24,33).”[12] Từ ngữ thông dụng
nhất dành cho “nô lệ” ở Ả rập là “abd”.Thế nhưng, điều này thông thường rất khó
để nói rằng, ở trong kinh Koran liệu rằng từ “abd” trong tiếng Ả rập dùng để ám
chỉ một nô lệ hoặc một tôi tớ, trong cả thực tế hay nghĩa ẩn dụ, giống như ‘Abd
Allah (người tôi tớ của Thiên Chúa), hay nó thực sự ám chỉ một người cụ thể là
sở hữu của một người chủ. Những câu sau của điều mà nhiều người nghĩ là thiên đầu
tiên được mặc khải của kinh Koran (Surat al-’alaq, “The Surah of the Clotted Blood – Thiên kinh Giọt máu ngưng đọng”) được cho là để nói về Muhammad như là một tôi
tớ hoặc nô lệ của Thiên Chúa bị cấm tham dự vào việc thờ phượng bởi một người
Mecca ngoại giáo thù địch, được ghi nhớ bên ngoài kinh Koran như là Abu Jahl
(“cha đẻ của sự ngu dốt”). “Bạn đã bao giờ
thấy một kẻ cấm đoán một tôi tớ [hay nô lệ] khi anh ta đến thờ phượng chưa? Bạn
đã bao giờ thấy liệu rằng [kẻ cấm đoán] có được hướng dẫn hay chỉ bảo cách ngay
thẳng không?” (Koran 96 9-12).
Tác phẩm đầu tiên trong cuộc đời
của Muhammad, Ibn Ishaq’s Sirat Rasul Allah chứa đựng một trình thuật
tương tự về cách thức mà Bilal ibn
Rabah, một người nô lệ xứ Ethiopia, bị bách hại vì đức tin của mình. Bilal tin
nhận đạo Hồi trong khi vẫn còn bị bắt làm nô lệ cho một người đàn ông của bộ tộc
Quraysh có tên là Umayyah ibn Khalaf – một kẻ chống đối Muhammad và luôn đi ngược
lại với sứ điệp mà tiên tri này đang loan báo. “Umayyah từng đem Bilal ra ngoài vào thời điểm nóng nực nhất của một
ngày và ném anh ta xuống thung lũng giữa trời và đặt một tảng đá lớn lên ngực
anh ta; đoạn Umayyah nói với Bilal rằng, “mày sẽ ở lại đây cho đến khi chết hoặc
khi mày từ chối Muhammad và thờ lạy [các vị thần] al-Lat và al-’Uzza.”
Bilal đã đáp lời trong lúc chịu đựng điều đó, “[Tôi chọn] Điều thứ nhất, điều thứ nhất!” [13]
Waraqah ibn Nawfal, một người thân của bà vợ Muhammad (Khadijah), có lẽ là một
Kitô hữu hoặc ít là một người theo chủ thuyết độc thần, khích lệ Bilal khốn khổ
luôn kiên vững trong đức tin của mình. Waraqah trách mắng Umayyah rằng nếu
Bilal chết dưới sự tra tấn thì “tôi sẽ
xây cho hắn một lăng mộ.” Abu Bakr, được xem như là một tín hữu Hồi giáo đầu
tiên không thuộc gia đình vị tiên tri, đã chuộc Bilal khỏi tay Umayyah và trao
cho anh ta quyền tự do. Mặc dù là một người tự do của Abu Bakr, nhưng Bilal vẫn
gắn bó với gia đình của vị tiên tri và được đặt làm “thầy báo giờ” (thầy tu Hồi
giáo giữ việc báo giờ cầu nguyện cho tín đồ), một thành viên của nhà thờ hồi
giáo với nhiệm vụ kêu mời các tín hữu đến thờ lạy.[14]
Có nhiều từ ngữ khác nhau trong
các bản văn tiếng Arab của kinh Koran để ám chỉ các nô lệ, một số trong đó có cấu
trúc ngôn ngữ phức tạp và sự lưu truyền mang tính lịch sử. Từ “abd” đã nói ở
trên có hai thể số nhiều ‘ab?d and ib?d, từ thứ hai chỉ xuất hiện
đúng một lần trong kinh Koran (Koran 24:32). Trong ngôn ngữ Arab thông dụng của
người Ai cập, từ ‘ab?d’ thường được hét lên bởi lũ trẻ trên các đường phố ở
Cairo khi chúng thấy một du khách hoặc sinh viên da màu gốc Phi châu. Uyển ngữ
được dùng cho người nô lệ raqabah (pl. riq?b)
có nghĩa đen là “cái cổ”, nhưng thường được quy về một người nô lệ. Một mô tả nổi
tiếng về lòng sùng kính chân thật trong kinh Koran kể ra những việc làm tốt thể
hiện lòng đạo đức chân chính đó là “trao
tặng tài sản của mình, dù rất quý chuộng chúng, cho những người thân thích, trẻ
mồ côi, người nghèo khổ, những lữ khách, những người ăn xin, và dùng để [giải
phóng] cho những người nô lệ [nghĩa đen “những cái cổ”] thoát khỏi cảnh nô lệ.”
(Koran 2:177)
Một uyển ngữ riêng biệt được dùng
cho các nô lệ nữ, “những kẻ mà ngươi sở hữu trong tay,” xuất hiện trong nhiều
đoạn của kinh Koran, nhưng đặc biệt nhiều trong kỷ nguyên khi Muhammad lãnh đạo
Medina (622-632 scn). Luật lệ của kinh Koran cho phép người nam Hồi giáo kết
hôn với nhiều hơn một người vợ tự do, giới hạn tối đa là bốn, nhưng thậm chí sự
nhượng bộ này có vẻ như được nhắm đến việc cung ứng các trẻ nữ mồ côi trong thời
điểm chiến tranh. “Nếu ngươi sợ rằng mình
sẽ không thể đối xử công bằng với các kẻ mồ côi, thì hãy kết hôn với những ai
được coi là phù hợp với ngươi trong các kẻ nữ mồ côi – hai, ba, hoặc bốn. Tuy
nhiên, nếu ngươi sợ rằng mình không thể đối xử công bằng với chúng, thì chỉ kết
hôn với một – hoặc với những kẻ mà ngươi sở hữu trong tay. Theo cách này, ngươi
sẽ không đối xử bất công với họ.” (Koran 4:3). Việc tiến đến hôn nhân dành
cho một người đàn ông – vượt quá giới hạn của bốn người vợ - với một người vợ lẻ
là nô lệ được ràng buộc bởi những ngăn trở hợp pháp, và có thể dẫn đến một sự
tiêu tán gia tài khi người gia chủ qua đời. Con cái của người vợ lẻ được sinh
ra trong tự do, cũng như bất kỳ đứa con nào bà ta có thể sinh ra sau này, và
người nữ nô lệ ấy được hoàn toàn giải phóng khi người chủ của mình chết.[15]
Những vai trò của các nô lệ trong
xã hội Hồi giáo thời trung cổ, và quan trọng hơn là vai trò của các nô lệ được
giải phóng, không được nghiên cứu một cách đầy đủ. Trong văn học Hồi giáo,
không có một nô lệ được giải phóng nào đóng một vai trò lớn hơn Basra ở Iraq,
Rabi’ah al-’Adawiyyah (713-801), người phụ nữ được giải phóng cách đặc biệt.
Các tín hữu Hồi giáo còn lặp lại lời cầu nguyện của bà ta cho đến ngày hôm nay
và vài lời trong số đó có ẩn ý chính trị tinh tế được nhận biết cách đặc biệt bởi
các người nữ Hồi giáo. Câu chuyện của Rabi’ah thể hiện sự tự do của bà nơi
nghĩa vụ của mỗi tín hữu Hồi giáo trong việc cam đoan thực hiện chuyến hành
hương đến đất thánh Mecca vốn gắn liền với Abraham. “Tôi sẽ làm gì với căn nhà ấy? Quyền lực có nó chẳng có ý nghĩa gì với
tôi. Có sự thích thú gì nơi vẻ đẹp của Ka’bah? Điều tôi cần là Đấng nói tôi, ‘Bất
cứ ai bước về phía ta dù chỉ một gang tay,/ Ta sẽ tiến về phía kẻ ấy với khoảng
cách một cách tay.’ Tại sao tôi nên nhìn hướng về Ka’bah?”[16] Câu chuyện của
Rabi’ah gợi lên sự đánh giá của một người nghèo về lòng sùng mộ theo nghi thức,
và đặc biệt những lòng sùng mộ đó đang bị thương mại hoá bởi quyền lợi chính trị
và kinh doanh, vốn tập chú vào việc điều hành các chuyến hành hương đến Mecca
Những người nô lệ da màu – và đặc
biệt là những bị đưa đi băng qua hoang mạc Sahara để đến vùng Địa trung hải hoặc
băng qua Ấn Độ dương để đến với Tây Nam Á – đóng những vai trò rất riêng biệt
trong sự hình dung về/ của những người Hồi giáo. Alf layla wa-layla (Nghìn lẻ một đêm), tuyển tập những câu chuyện
ngắn tuyệt vời thời trung cổ, nói về những tấm lòng sùng mộ và cả những điều xấu
xa. Cốt truyện phân biệt chủng tộc của toàn bộ tuyển tập truyện tường thuật lại
cách thức Shahriyar, một vị vua Ba tư, nhận thấy mình bị phản bội bởi những người
vợ mình khi họ dám qua lại với những nô lệ da màu. Bằng việc quyết định không
tin tưởng một người vợ nào nữa, Shahriyar lên kế hoạch giết từng người vợ của
mình sau mỗi đêm ân ái. Kế hoạch đẫm máu của vị vua bị ngưng lại bởi một người
vợ khéo léo tên là Shahrazad, người đã kể cho vị vua nghe một nửa câu chuyện
vào mỗi đêm cho đến khi hắn chìm vào gấc ngủ, và bà ta tiếp tục câu chuyện ấy
vào đêm tiếp theo nhưng ngay sau đó lại tiếp tục bắt đầu một nửa câu chuyện
khác trước khi vị vua buồn ngủ. Vào cuối của “nghìn lẻ một đêm,” Shahrazad đã
thuyết phục được người chồng của mình ngừng việc giết các bà vợ.
Vào đêm thứ 468, Shahrazad bắt đầu
câu chuyện về một người da màu sùng đạo tên là Maymun bị bắt làm nô lệ ở Iraqi
– một thành phố của Barsa, một người với vẻ bất lực của mình lại minh chứng rằng
mình là người duy nhất có sức mạnh thật sự - sức mạnh dựa trên sự gần gũi của
anh với Thiên Chúa. Hai người cao trọng nhất ở Barsa đã dành rất nhiều thời
gian để cầu mưa trong ngày thứ Sáu tại thánh đường Hồi giáo đã nghe lỏm được lời
nguyện thầm được thốt ra từ người nô lệ Maymun: “Lạy Đấng là Chủ Tể và Chúa của
con, bao lâu Ngài còn chối từ những lời cầu nguyện của các tôi tớ Ngài… Con van
nài Chúa bởi tình yêu Ngài dành cho con, xin Ngài lập tức cho tràn ngập mưa xuống
trên chúng con!” Tức thì, bầu trời kéo mây, và mưa ngay sau đó. Ngày hôm sau, một
trong hai bậc vị vọng của Barsa sắp xếp để mua Maymun, hắn có thể thấy được lợi
nhuận lớn lao sinh ra từ phi vụ này. Sau đó, họ cùng nhau trở lại thánh đường
lúc trước nơi Maymun cầu nguyện một lần nữa. Người nô lệ thánh thiện đang phủ
phục cầu nguyện, thế nhưng anh không chỗi dậy nữa. Khi lời nguyện được chấp nhận,
Maymun trở về trong sự chết để đến với Chủ Nhân, là Thiên Chúa chân thật và duy
nhất.
Lời kết: Các tu sĩ dòng Tên và nạn buôn nô lệ
Các tu sĩ dòng Tên trên khắp thế
giới đã tham gia vào việc nắm giữ các nô lệ vào giữa thế kỷ 16 (thời điểm Dòng
được thành lập) và thế kỷ 19. Cho đến năm 1773, khi giáo hoàn Clement XVI giải
thể dòng Tên dưới áp lực từ các đan viện Bourbon, các tu sĩ dòng Tên ở các thuộc
địa tại Bắc Mỹ của Anh và Pháp, cũng như vùng Caribê đã sở hữu tới gần hai ngàn
người bị bắt làm nô lệ.
Sau năm 1805, dòng Tên được khôi
phục một phần ở Maryland, nay thuộc Hoa Kỳ. Các tu sĩ ở đây đã hợp tác với nhau
như một cộng đồng nắm giữ nhiều tài sản nhất trong suốt những năm bị giải thể,
họ tiếp tục sử dụng các nô lệ trong các đồn điền trồng cây thuốc lá của mình.
Các tu sĩ dòng Tên khác ở Âu châu, những người đã lập ra các cuộc truyền giáo ở
thung lũng sông Mississippi và Ohio, cũng canh tác các vùng đất với các lao
công là những nô lệ.
Các bề trên giám tỉnh dòng Tên tại
Mỹ và Canada hiện nay luôn khuyến khích các cuộc điều tra về lịch sử rõ ràng
hơn về vấn đề này, và cam kết rằng tất cả các tu sĩ dòng Tên tại Bắc Mỹ về một
tiến trình thừa nhận và chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ. Từ năm 2015, đại học
Georgetown đã thực hiện sự đền trả cho con cháu của 272 nô lệ bị sở hữu bởi
dòng Tên ở Maryland, những người bị bán cho các chủ đồn điền cây thuốc lá ở
Louisiana vào năm 1838, một vụ mua bán được thực hiện để bù đắp các khoản nợ của
trường đại học Georgetown lúc bấy giờ.
Chúng ta không thể chối từ quá khứ,
nhưng chúng ta có thể sống cho tương lai. Trong đêm trước khi bị ám sát vào
ngày 4 tháng Bốn năm 1968, Martin Luther King đã cổ võ những người ủng hộ bất bạo
động của ông ở Memphis để có một cái nhìn xa, đó là cái nhìn của Môsê ở trên đỉnh
Nebo khi nhìn về đất Hứa. Khi chúng ta cố gắn chuộc lỗi cho những gì nạn nô lệ
đã làm trong quá khứ, chúng ta cần ngước nhìn về tương lai. Tôi xin kết thúc với
lời cuối cùng của M. L. King vào đêm hôm ấy: “Tôi chỉ muốn thực hiện ý muốn của Thiên Chúa. Và Ngài để cho tôi đi
lên một ngọn núi. Và tôi có thể nhìn xa hơn. Và tôi nhìn thấy đất Hứa […] tối
nay, tôi muốn bạn biết rằng chúng ta, là một dân tộc, sẽ đi vào đất hứa […] Tôi
không hề lo lắng điều gì. Tôi không sợ bất kỳ ai. Mắt của tôi đã nhìn thấy vinh
quang của Thiên Chúa ở ngay phía trước.”[17]
Quang Sáng
Chuyển ngữ từ La Civiltà
Cattolica (17.10.2022)
[3] X. S. Zeitlin, “Chế độ nô lệ trong thời kỳ thịnh vượng chung thứ hai
và thời kỳ Tannaitic”, The Jewish Quarterly Review 53 (1963) 204.
[4] B. W. Korn, “Slave Trade. In the Americas”, trong Encyclopaedia
Judaica, 2 ed., 2007, vol. 18, 672. Từ nay về sau nguồn này sẽ được gọi là EJ,
với số tuyển tập và số trang cụ thể.
[6] A. Howard, A. Howard, “Rabbi Heschel’s daughter remembers her father
at Selma march”, Jewish Herald Voice (https://jhvonline.com/rabbi-heschels-daughter-remembers-her-father-at-selma-march-p20239-164.htm), ngày 20 tháng 11 năm 2015.
[7] X. N. Malcolm, Agents of Empire: Knights, Corsairs, Jesuits and Spies
in the Sixteenth-Century Mediterranean, New York, Oxford University Press,
2015, 167f.
[8] X. J. T. Noonan, A Church That Can and Cannot Change: The Development
of Catholic Moral Teaching, Notre Dame, Indiana, University of Notre Dame
Press, 2005, trang 121-123.
[10] Gioan Phaolô II, Diễn Văn Tại Cuộc Gặp Gỡ Cộng Đồng Công Giáo Đảo
Gorée, 22 Tháng Hai, 1992, trong www.vatican.va
[13] Ibn Ishaq, The Life of Muhammad: A Translation of [Ibn] Sirat Rasul
Allah của [Ibn] Ishaq, Lahore, Oxford University Press, 1955, 143f.
[15] Có nhiều biến thể về luật này trong các bối cảnh giáo phái Hồi giáo
khác nhau. Cf. J. Schacht, The Origins of Muhammadan Jurisprudence, Oxford,
Clarendon Press, 1950, 254-266.
[17] Toàn văn bài phát biểu này có sẵn trực tuyến tại www.afscme.org/about/history/mlk/mountaintop