TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI
Antonio Spadaro,
SJ.
La Civiltà Cattolica
Khi Đức Phanxicô bắt đầu triều giáo hoàng, ý tưởng đầu
tiên của ngài là “tình huynh đệ”. Ngài đã gật đầu trước công chúng đang tụ họp
tại quảng trường thánh Phêrô và khẳng định về mối tương quan giữa giám mục và
giáo dân như là “con đường huynh đệ”, nói lên mong ước: “Chúng ta hãy luôn luôn
cầu nguyện cho nhau, hãy luôn cầu nguyện cho toàn thể thế giới trở nên một tình
huynh đệ cao cả.”[2]
Tựa đề của thông điệp này là một lời trích được tiếp từ những
lời khuyên của thánh Phanxicô Assisi. Nó nhắm đến một tình huynh đệ
không chỉ mở rộng đến nhân loại, mà còn với trái đất này, trong sự hòa hợp hoàn
toàn với thông điệp Laudato Si’.[3]
Tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội
Fratelli Tutti đề
cập đến cả tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Cả hai điều này là sự điệp trọng
tâm của thông điệp. Chủ nghĩa hiện thực xuyên suốt các trang thông điệp làm tan
biến bất cứ sự trống rỗng lãng mạn nào luôn luôn rình rập mỗi khi chúng ta nói
về tình huynh đệ. Đối với Đức Thánh Cha, tình huynh đệ không chỉ là một cảm
xúc, một tình cảm hay một ý tưởng – cho dù cao quý đến đâu, mà thật sự còn bao
hàm một kết quả, một hành động (tự do hành động): “Tôi có thể là anh em của
ai?”
Vì vậy, tình huynh đệ được hiểu như là đảo ngược tâm
lý khải huyền đang thịnh hành, một cách tiếp cận thực tại đang chống lại thế giới,
tin rằng nó đối lập với Thiên Chúa, có nghĩa là thần tượng. Cho nên, cần phải
tiêu diệt nó càng sớm càng tốt để mau đến thời cùng tận. Đối mặt với vực sâu khải
huyền, không còn anh chị em nữa, chỉ còn những kẻ bội giáo hoặc các vị tử đạo.
Tuy nhiên, chúng ta không phải là các chiến binh hay những kẻ bội giáo, tất cả
chúng ta là anh chị em.
Tình huynh đệ không đốt cháy thời gian cũng không làm
mù mắt và linh hồn. Thay vào đó, nó chiếm lĩnh thời gian, cần có thời gian cho
một cuộc tranh cãi và hòa giải. Tình huynh đệ dùng tận thế để đốt cháy thời
gian. Nó đòi hỏi thời gian buồn chán. Ganh ghét là cảm xúc thuần túy. Tình
huynh đệ là thứ làm cân bằng những người khác biệt. Nó tiết kiệm thời gian
chính trị, hòa giải, gặp gỡ, xây dựng xã hội dân sự và quan tâm. Chủ nghĩa cơ bản
sẽ xóa sổ nó như một trò chơi video.
Đó là lý do tại sao vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại
Abu Dhabi, Đức Phanxico và Aḥmad al-Tayyeb, đại Imam của al-Azhar, đã ký một
tuyên ngôn lịch sử về tình huynh đệ. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo đã nhìn nhận
nhau là huynh đệ và cố gắng có cùng cái nhìn về thế giới hôm nay. Vậy, hai nhà
lãnh đạo đã hiểu điều gì? Họ hiểu rằng giải pháp thật sự duy nhất có thể bất chấp
và kiềm chế giải pháp tận thế là tình huynh đệ. Thật cần thiết phải
tái phám phá lời Phúc Âm mạnh mẽ này, được bắt nguồn từ lời kêu gào của Cách Mạng
Pháp, nhưng trật tự hậu cách mạng đã bỏ rơi cho đến khi bị loại bỏ khỏi từ điển
kinh tế chính trị. Nó đã được thay thế bằng một từ yếu hơn: tình đoàn kết,
xuất hiện 22 lần ít hơn so với tình huynh đệ xuất hiện 44 lần trong Fratelli
Tutti. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong một sứ điệp rằng: “Trong
khi tình đoàn kết là nguyên tắc xây dựng xã hội làm cho không công bằng thành
công bằng, tình huynh đệ cho phép công bằng ôm trọn những con người khác nhau.”[4]
Nhìn nhận tình huynh đệ sẽ làm thay đổi quan điểm của
chúng ta, làm đảo lộn chúng. Đây là một sứ điệp mạnh mẽ về giá trị chính trị. Tất
cả chúng ta đều là anh chị em, vì vậy, tất cả mọi công dân đều có quyền và
nghĩa vụ như nhau. Dưới cái bóng của quyền và nghĩa vụ mọi người đều hưởng công
lý.
Vì vậy, tình huynh đệ là nền tảng vững chắc để sống
“tình thân xã hội”. Đức Phanxicô phát biểu tại Havana năm 2015 đã gợi nhắc rằng
ngài đã một lần viếng thăm khu nghèo nhất ở Buenos Aires. Cha xứ của họ đã giới
thiệu một nhóm bạn trẻ đang xây dựng một vài tòa nhà: “Đây là kiến trúc sư, là
người Dothái, là người cộng sản, là người Công giáo thực hành, là…” Đức Thánh
Cha bình luận rằng tất cả họ đều khác nhau, nhưng họ đều làm việc với nhau vì
công ích. Ngài gọi thái độ này là “tình bằng hữu xã hội”, biết cách kết hợp quyền
với bổn phận vì công ích, sự đa dạng với việc nhìn nhận tình huynh đệ cội nguồn.
Tình huynh đệ không biên giới
Fratelli Tutti mở
ra việc gợi lên một tình huynh đệ cởi mở cho phép mỗi người được nhìn nhận, có
giá trị và được yêu thương bất chấp sự gần gũi thể lý vượt ra khỏi nơi mà họ được
sinh ra và đang sống trên thế giới. Lòng trung thành với Thiên Chúa luôn luôn tỉ
lệ thuận với tình yêu thương tha nhân. Tỉ lệ này là tiêu chuẩn cơ bản của thông
điệp này: bạn không thể nói bạn yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh
chị em mình. “Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không
thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).[5]
Ngay từ đầu, thông điệp này làm sáng tỏ bằng cách nào
mà thánh Phanxicô Assisi mở rộng tình huynh đệ không chỉ đối với con người - đặc
biệt là những người bị bỏ rơi, ốm đau, bệnh tật, bất hạnh ra khỏi quê quán, quốc
gia, màu da và tôn giáo, mà còn đối với mặt trời, biển và gió (x. các số 1-3).
Vì vậy, viễn cảnh này là toàn cầu và phổ quát. Và vì vậy, đây cũng là sự phóng
khoáng của các trang thông điệp của Đức Phanxicô.
Thông điệp này không thể tách rời khỏi sự bùng phát bất
ngờ của đại dịch Covid-19. Đức Thánh Cha viết rằng, vượt ra ngoài những phản ứng
khác nhau bởi các quốc gia khác nhau, không có khả năng làm việc chung đã xuất
hiện cho dẫu chúng ta có thể tự hào về siêu nối kết. Ngài viết: “Nhờ trời,
rốt cuộc, chúng ta không còn suy nghĩ kiểu ‘bọn chúng’, ‘bọn nó’, mà chỉ còn là
‘chúng ta’” (FT, 35).
Sự phân rã giữa cá nhân và cộng đồng
Bước đầu tiên mà Đức Phanxicô thực hiện là biên soạn một
hiện tượng học về các trào lưu thế giới hiện nay không thuận lợi cho việc phát
triển tình huynh đệ phổ quát. Bước khởi đầu này của sự phân tích của Đức
Bergoglio thường là - nếu không phải luôn luôn – những gì ngài học được từ các
bài Linh Thao của thánh Inhaxiô Loyola, mời gọi chúng ta cầu
nguyện, hình dung cách Thiên Chúa nhìn thế giới này.[6]
Đức Thánh Cha quan sát thế giới và có ấn tượng chung rằng
một cuộc phân rã thực sự đang phát triển giữa cá nhân và cộng đồng nhân loại
(x. số 30). Đó là một thế giới không học hỏi được gì từ những thảm kịch của thế
kỷ 20, cái mà không có cảm thức lịch sử (x. số 13). Dường như có một sự thụt
lùi. Giữa những xung đột và chủ nghĩa dân tộc, nhận thức xã hội đã mất đi (x. số
11) và công ích dường như là thứ ít chung nhất về hàng hóa. Chúng ta đơn độc
trong một thế giới toàn cầu hóa và cá nhân thắng thế hơn chiều kích cộng đồng của
sinh tồn (x. số 12). Mọi người đóng vai trò khách hàng hoặc khán giả, và kẻ mạnh
nhất được ưu ái.
Vì vậy, Đức Thánh Cha xếp các mảnh ghép với nhau để
minh họa những vở kịch của thời đại chúng ta. Miếng ghép đầu tiên là chính trị.
Trong vở kịch này, những từ vĩ đại như dân chủ, tự do, công lý và hiệp nhất đã
mất đi ý nghĩa đầy đủ của nó và ý thức lịch sử, tư tưởng phê phán, đấu tranh vì
công lý và những cách thức hội nhập đã biến mất (x. các số 14 và 110).
Nhận định của Đức Phanxicô về tình trạng chính trị hiện
nay đôi khi rất khắt khe: “chính trị không còn là cuộc thảo luận lành mạnh
liên quan đến những kế hoạch dài hạn nhằm cải thiện điều kiện dân sinh và gia
tăng thiện ích chung nhưng chỉ là các mánh khóe của thị trường, nhắm đến kết quả
tức thời hòng tìm cách hữu hiệu nhất để triệt hạ người khác” (FT 15).
Mảnh ghép thứ hai là văn hóa vứt bỏ. Khi bị giảm thiểu
vào thị trường, chính trị thúc đẩy việc loại bỏ toàn cầu và thứ văn hóa xuất
phát từ nó (x. các số 19 – 20).
Bức tranh tiếp tục bao gồm việc tôn trọng nhân quyền,
đấy là điều tiên quyết trong việc phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia
(x. số 22).
Mảnh ghép thứ tư là đoạn quan trọng dành riêng cho vấn
đề di dân. Nếu quyền không di cư phải được tái khẳng định, thì đúng là não trạng
bài ngoại quên rằng những người di cư phải là tác nhân chính trong việc tự nâng
mình dậy. Họ bị xem như “kém giá trị, kém quan trọng và kém nhân văn.” Vì vậy,
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Đối với các Kitô hữu, não trạng và lối
hành xử như vậy là điều không thể chấp nhận được” (số 39).
Và, miếng ghép thứ năm là những mối nguy mà truyền
thông hôm nay gây nên. Với những nối kết kỹ thuật số, khoảng cách được rút ngắn,
nhưng thái độ khép kín và bất khoan dung lớn mạnh tạo nên những “cảnh tượng” được
mang vào đời sống bởi các phong trào hận thù. Thay vào đó, chúng ta cần “những
cử chỉ thể lý, những biểu cảm trên khuôn mặt, những khoảnh khắc thinh lặng,
ngôn ngữ cơ thể, kể cả mùi hương, tay run, mặt đỏ, mồ hôi đổ…, vì tất cả những
tiểu tiết này đều nói lên điều gì đó và là một phần trong giao tiếp giữa con
người với nhau” (số 43).
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha không tự giới hạn mình khi
đưa ra một mô tả khô khan về thực tế và bi kịch thời đại chúng ta. Những nô tả
của ngài là một bài đọc đắm chìm trong tinh thần tham dự và đức tin. Tập chú
vào chiều kích xã hội, chính trị và văn hóa, quan điểm của ngài bám rễ vào thần
học. Việc giảm thiểu chủ nghĩa cá nhân nổi lên ở đây là hậu quả của tội lỗi.
Kẻ ngoài cuộc đang trên đường
Bất chấp những bóng đen được mô tả trong các trang của
thông điệp này, Đức Phanxicô muốn nêu lên những nẻo đường hy vọng nói với chúng
ta về một khát khao viên mãn, một khát vọng lấp đầy trái tim và nâng cao tinh
thần hướng tới những thực tại cao cả (x. các số 54 – 55).
Trong một nỗ lực tìm kiếm một tia sáng và đưa ra những
con đường hành động, Đức Phanxicô dành riêng một chương nói về dụ ngôn Người
Samari nhân hậu (x. các số 63 – 68). Lắng nghe Lời Chúa là bước đi nền tảng để
phân định bi kịch thời đại chúng ta một cách Tin Mừng và tìm những phương cách
giải quyết.
Vì vậy, người Samari nhân hậu trở thành khuôn mẫu xã hội
và dân sự. Đón nhận hay khướt từ kẻ bị thương bên lề đường định rõ tất cả các dự
án kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Thật vậy, Đức Thánh Cha không dừng lại
ở cấp độ lựa chọn các nhân, nhưng ngài dự doán hai lựa chọn này ở cấp độ chính
sách nhà nước. Và dĩ nhiên, ngài hướng về cấp độ cá nhân vì lo sợ rằng nhiều
người có thể cảm thấy bị loại trừ hoặc không có trách nhiệm.
Tư duy và tạo ra một thế giới hiếu khách: một cái nhìn
toàn diện
Bước thứ ba mà Đức Phanxicô thể hiện trong lộ trình của
ngài là đưa chúng đến với những gì chúng ta có thể định nghĩa là “vượt khỏi”;
có nghĩa là “nhu cầu vượt quá chính mình”. Nếu màn kịch được mô tả trong chương
đầu là sự cô đọc của người tiêu dùng bị bao bọc bởi chủ nghĩa cá nhân và sự thụ
động của người khán giả, chúng ta phải tìm một lối thoát ra.
Vì vậy, điều cơ bản là không ai có thể trải nghiệm những
giá trị cuộc sống nếu không có những khuôn mặt cụ thể để yêu thương. Đây là một
bí mật về sự tồn tại đích thực của con người (x. FT 86). Tình yêu tạo ra những
nhịp cầu và mở rộng sự tồn tại. Nhưng, việc thoát ra khỏi chính mình này không
dừng lại ở mối tương quan với một nhóm nhỏ hoặc các tương quan trong gia đình;
thật không thể hiểu chính mình nếu thiếu đi một mạng lưới liên hệ rộng rãi hơn
với người khác làm cho chúng ta phong phú hơn (x. FT 88 – 91).
Tình yêu mở ra cho “sự vượt khỏi” và “lòng hiếu khách”
là nền tảng cho hành động mà khả dĩ thiết lập tình thân xã hội và tình huynh đệ.
Tình thân xã hội và tình huynh đệ không loại trừ nhưng đón nhận toàn bộ.
Chúng không quá chú trọng đến những đặc điểm thể lý hay đạo đức, hoặc như Đức
Thánh Cha viết, các nhóm dân tộc, xã hội và văn hóa (x. FT 95). Tình trạng căng
thẳng này hướng đến một “hiệp thông hoàn vũ” hoặc “một cộng đồng những anh chị
em biết đón nhận và chăm sóc cho nhau” (FT 96). Sự cởi mở này mang khía cạnh địa
lý, nhưng thậm chí khía cạnh tồn vong.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chính Đức Thánh Cha nhận
thấy mối hiểm nguy về một sai lầm, về chủ nghĩa phổ quát sai lạc của những ai
không yêu dân tộc mình. Đó cũng là một nguy cơ mạnh mẽ của một chủ nghĩa phổ
quát độc đoán và trừu tượng nhắm đến đồng nhất hóa, tiêu chuẩn hóa và thống trị.
Bảo về sự khác biệt là tiêu chuẩn của tình huynh đệ chân chính mà không đồng nhất,
nhưng đón nhận và khẳng định những khác biệt, làm chúng có giá trị. Chúng ta là
anh chị em bởi vì cùng một lúc chúng ta bình đẳng và khác biệt. Chúng ta cần giải
phóng chính mình khỏi cảm giác rằng chúng ta phải như nhau.”[7]
Tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương
Đức Thánh Cha kêu gọi một cuộc thay đổi tận căn về nhận
thức không chỉ ở cấp độ liên vị và quốc gia, mà còn những mối quan hệ quốc tế,
đó là điều chắc chắn về mục đích phổ quát liên quan đến các của cải trên trái đất.
Nhận thức này làm thay đổi bức tranh toàn cảnh và “chúng ta có thể khẳng định rằng
vì không được khước từ quyền hưởng dùng tài nguyên trên lãnh thổ đối với những
người túng quẫn đến từ nơi khác, nên mỗi quốc gia cũng thuộc về người nước
ngoài” ( FT 124).
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng điều này cũng phỏng đoán một
cách khác để thấu hiểu các mối quan hệ quốc tế. Vì vậy, sự lôi cuốn về tầm quan
trọng của chủ nghĩa đa phương rất rõ ràng với sự lên án thực sự về các tiếp cận
song phương mà các cường quốc và các doanh nghiệp lớn dùng để giao dịch với các
nước nhỏ hơn hoặc nghèo hơn để kiếm lợi nhuận lớn hơn (x. FT 153). Điều chính yếu
là “ý thức mình có trách nhiệm về sự yếu kém của người khác trong khi theo đuổi
xây dựng một vận mệnh chung” (số 115). Quan tâm đến người yếu kém là điểm mấu
chốt của thông điệp này.
Một con tim mở ra với toàn thế giới
Đức Phanxicô cũng nói về những thách đố mà chúng ta phải
đối mặt đến nỗi tình huynh đệ không chỉ ở lại nơi ý tưởng mà còn ở nơi xác thịt.
Đầu tiên là vấn đề di dân, được phát triển xung quanh
4 động từ: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và làm cho hội nhập. Thật vậy, “đây
không phải là các chương trình trợ giúp từ trên xuống, mà là cùng nhau đảm nhận
cuộc hành trình thông qua bốn hành động này” (số 129).
Đức Phanxicô đưa ra những chỉ dẫn rất chính xác (x. số
130). Cụ thể là ngài tập chú vào chủ để về quyền công dân như nó được nêu
trong Văn Kiện Về Tình Huynh Đệ Con Người Vì Hòa Bình Thế Giới Và
Chung Sống được ký kết tại Abu Dhabi (04/02/2019). Nói đến quyền công
dân là chống lại ý tưởng “thiểu số”, thứ mang trong mình mầm mống chủ nghĩa bộ
tộc và sự thù địch, và thấy mặt mạ kẻ thù trên khuôn mặt của tha nhân. Cách tiếp
cận của Đức Thánh Cha có tính chất phá vỡ những thần học chính trị tận thế đang
lan rộng.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh một thực tế rằng sự xuất
hiện của những người đến từ bối cảnh văn hóa và cảnh đời khác nhau thật sự là một
món quà cho những ai tiếp đón họ; và cũng là một cuộc gặp gỡ giữa con người và
các nền văn hóa tạo nên cơ hội làm giàu và phát triển. Điều này có thể xảy ra nếu
người được phép là chính mình.
Tiêu chí chỉ đạo của bài diễn thuyết luôn luôn giống
nhau: nâng cao nhận thức rằng hoặc chúng ta tự cứu mình hoặc không ai làm. Bất
kỳ thái độ “triệt tiêu” và chủ nghĩa cô lập đều là trở ngại cho sự phong phú
hơn cho cuộc gặp gỡ.
Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa tự do
Đức Thánh Cha tiếp tục thông điệp của mình bằng việc
dành riêng một chương nói về chính trị tốt nhất, chúng được đặt lên để phục vụ
thiện ích chung đích thực (x. số 154). Và ở đây, ngài đối diện trực tiếp với vấn
đề về sự đối đầu giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa dân túy, thứ mà dùng những
người yếu thế, “dân”, trong cách mị dân. Đức Phanxicô muốn làm sáng tỏ một sự
hiểu lầm bằng cách dùng một trích dẫn rộng rãi trong một cuộc phỏng vấn nhân dịp
công bố những tác phẩm của ngài lúc ngài làm tổng giám mục Buenos Aires. Nó được
thuật lại toàn bộ ở đây vì tầm quan trọng của nó:
“‘Dân’ không phải là một phạm trù luận lý học, cũng
không phải là một phạm trù huyền nghiệm, nếu qua những từ đó chúng ta muốn nói
rằng mọi sự dân làm đều tốt, hoặc cho rằng người dân là thực tại ‘thiên thần’.
Đúng hơn, đó là một phạm trù huyền thoại […]. Khi bạn muốn giải nghĩa thế nào
là một dân tộc, bạn dùng các phạm trù luận lý để giải thích, bởi vì bạn phải
làm như thế. Nhưng nếu theo cách đó bạn sẽ không thể giải thích được ý nghĩa việc
thuộc về một dân tộc. Khái niệm ‘dân’ có ý nghĩa sâu xa hơn, không thể trình
bày bằng ngôn ngữ luận lý. Thuộc về một dân là tham dự vào căn tính chung phát
sinh từ các mối liên kết xã hội và văn hóa. Và đó không phải là cái gì có tính
tự động, nhưng là một quá trình chậm chạp và khó khăn… tiến tới một dự phóng
chung” (số 158).[8]
Vì vậy, phạm trù thần thoại này chỉ ra khả năng lãnh đạo
làm hài lòng người dân bằng các tính năng động văn hóa của mình và các xu thế lớn
quan trọng trong xã hội hướng đến việc phục vụ thiện ích chung; hoặc nó có thể
chỉ ra sự thoái hóa khi một người nào đó thay đổi khả năng thu hút sự đồng thuận
nhằm thắng cử và công cụ hóa một cách lý tưởng nền văn hóa dân tộc nhằm phục vụ
dự án cá nhân của chính mình (x. số 159).
Chúng ta cũng không nên nhấn mạnh phạm trù thần thoại
của dân tộc như thể nó là một biểu hiện lãng mạn mà vì thế chúng ta chối bỏ nó
để ủng hộ những cách diễn tả cụ thể hơn, có tính thể chế liên quan đến tổ chức
xã hội, khoa học và các thể chế xã hội dân sự.
Điều hợp nhất cả hai chiều kích thần thoại và định chế
là lòng bác ái, ngụ ý về một con đường thay đổi lịch sử nhằm kết hợp mọi thứ: định
chế, pháp luật, kỹ thuật, kinh nghiệm, giám định chuyên môn, phân tích khoa học,
thủ tục hành chính. Sự thật thì tình xóm giềng là một thực tế.
Vì vậy, để giải quyết các vấn đề, cần phải phát triển
tinh thần huynh đệ và sự tổ chức hiệu quả nhất. Hai điều này hoàn toàn
không đối nghịch nhau. Nó có thể đạt được mà không cần phải tưởng tượng rằng có
một công thức kinh tế có thể áp dụng đồng đều cho tất cả. Ngay cả những nghiên
cứu khoa học nghiêm ngặt nhất cũng có thể đề xuất các hướng hành động khác nhau
(x. các số 164 -165).
Các phòng trào bình dân đại chúng và các định chế quốc
tế
Vì vậy, Đức Phanxicô dừng lại ở các thể chế quốc tế mà
ngày nay suy yếu dần vì chiều kích kinh tế tài chính xuyên quốc gia có xu hướng
chiếm ưu thế hơn chính trị. Ở trong các tổ chức quốc tế, Liên Hiệp Quốc cần phải
được cải tổ nhằm ngăn chặn nó bị bất hợp pháp và “nhằm mang lại tính xác thực cụ
thể cho ý niệm về gia đình các dân tộc” (số 173). Tổ chức này có nhiệm vụ cỗ võ
thượng tôn pháp luật, bởi vì “công lý là điều kiện thiết yếu để đạt được lý tưởng
huynh đệ phổ quát” (ibid).
Nền chính trị tốt nhất không phụ thuộc vào kinh tế
Và rồi, Đức Phanxicô tập chú sâu sắc vào chính trị.
Ngài nhiều lần phàn nàn về mức độ phụ thuộc vào nền kinh tế, và điều này đối với
các mô thức kỹ trị chạy theo hiệu quả. Ngược lại, kinh tế nên có tầm nhìn rộng
lớn để nền kinh tế hội nhập vào một dự án chính trị, xã hội, văn hóa và đại
chúng nhắm tới lợi ích chung (x. các số 177 và 17).
Tình huynh đệ và tình thân xã hội không được tìm thấy
trong những điều không tưởng trừu tượng. Chúng đòi hỏi sự quyết định và khả
năng tìm ra những đường hướng nhằm đảm bảo khả năng thực sự của chúng. Và điều
này là việc thực thi đức ái cao cả (số 180). Do đó, tình yêu thương diễn tả
chính nó không chỉ là những mối quan hệ gần gũi, mà còn những mối quan hệ xã hội,
kinh tế và chính trị. Đây là điều mà Đức Thánh Cha gọi là “tình yêu thương mang
tính xã hội” (x. số 186).
Đức bác ai chính trị này bao hàm sự trưởng thành của một
ý thức xã hội nhờ đó “mỗi chúng ta hoàn toàn là một con người khi chúng ta thuộc
về một dân tộc, đồng thời chẳng có dân tộc thực sự nào lại không tôn trọng tính
cách riêng của các cá nhân” (số 182). Tóm lại, “dân tộc” và “con người” là các
thuật ngữ có tương quan với nhau (ibid).
Tình yêu thương mang tính xã hội và lòng bác ái chính
trị cũng được diễn tả trong sự mở ra hoàn toàn cho sự đương đầu và đối thoại với
tất cả, thậm chí những người đối lập chính trị, vì công ích nhằm có thể đạt được
ít ra một số vấn đề nhất định. Không cần sợ hãi xung đột xảy ra bởi những khác
biệt, đặc biệt vì “sự đồng nhất cũng là nguyên nhân gây ngột ngạt và suy đồi
văn hoá” (số 191). Và, chúng ta có thể sống điều này nếu các nhà chính trị
không ngừng xem mình là con người được mời gọi sống tình yêu trong những mối
tương giao liên vị hằng ngày (x. số 193) và nếu họ biết cách sống dịu dàng. Điều
liên kết giữa chính trị với sự dịu dàng xem ra chưa có tiền lệ, nhưng thật sự
có hiệu quả bởi vì sự dịu dàng là “tình yêu trở nên gần gũi và cụ thể” (số
194). Trong hoạt động chính trị, những người yếu đuối nhất phải gợi lên
trong ta tâm tình dịu dàng và có quyền chiếm hữu tâm hồn và con tim chúng ta
(ibid).
Đối thoại và văn hóa gặp gỡ
Đức Phanxicô tóm lược một vài động từ được sử dụng
trong thông điệp này bằng một chữ: đối thoại. Ngài viết: “Trong một xã hội đa
nguyên, không phải sự đồng thuận nhất thời, mà chính đối thoại mới là con đường
thích hợp nhất dẫn đến việc nhận ra những gì phải luôn được khẳng định và tôn
trọng (số 211).
Một lần nữa, có một cái nhìn đặc biệt về tình thân xã
hội được tạo nên bởi sự gặp gỡ thường xuyên của những khác biệt. Ngài nhấn mạnh
rằng đây là thời đại đối thoại. Mọi người trao đổi thông điệp trên mạng xã hội.
Chẳng hạn, đối thoại hay bị nhầm lẫn với việc sôi nổi trao đổi ý kiến, nhưng thực
tế, nó là một cuộc độc thoại mà tính chất công kích chiếm ưu thế. Ngài lưu ý
sâu sắc rằng đây là phong cách dường như thịnh hành trong bối cảnh chính trị, từ
đó phản ánh trực tiếp đời sống hằng ngày của con người (x. các số 200 – 202).
“Việc đối thoại xã hội đích thực giả thiết khả năng
tôn trọng quan điểm của người khác, chấp nhận rằng quan điểm ấy chứa đựng những
xác tín hoặc mối quan tâm chính đáng” (số 203).[9] Xét
cho cùng, đây là động lực của tình huynh đệ, đặc tính sống còn của nó, mà nó
“giúp tương đối hóa các ý tưởng, ít nhất là theo nghĩa đành phải chấp nhận sự
thật rằng một cuộc xung đột nảy sinh từ sự khác biệt về quan điểm và ý kiến sẽ
chiếm ưu thế hoàn toàn so với tình huynh đệ.”[10]
Hãy làm sáng tỏ điều này: đối thoại không có nghĩa là
thuyết tương đối. Khi Đức Phanxicô viết xong thông điệp Laudato Sí,
ngài khẳng định rằng nếu những gì được kể đến không là các chân lý khách
quan và các nguyên tắc vững chắc, nhưng thỏa mãn ước muốn cá nhân và nhu cầu tức
thời thì luật pháp sẽ chỉ được hiểu như những áp đặt độc đoán hay những
chướng ngại phải tránh mà thôi. Việc tìm kiếm những giá trị cao quý nhất luôn
luôn hiện hữu (x. các số 206 – 210).
Vì vậy, gặp gỡ và đối thoại trở thành một “nét văn hóa
gặp gỡ”; nó nói lên khát vọng của một người nhằm làm gì đó cho hết mọi người.
Nó không tốt cho chính nó, nhưng là một cách đạt tới lợi ích chung (x. các số
216 – 221).
Những lộ trình dẫn tới một cuộc gặp gỡ mới: xung đột
và giao hòa
Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi rằng một nền tảng
vững chắc cho các cuộc gặp gỡ phải được thiết lập và các tiến trình chữa lành
nên bắt đầu. Một cuộc gặp gỡ không thể được thiết lập dựa trên ngoại giao rỗng
tuếch, lời nói nước đôi, sự che giấu, những lối cư xử chẳng đáng kể,… Chỉ
có sự thật của các biến cố mới có thể làm nảy sinh nỗ lực hiểu biết lẫn
nhau và tìm kiếm một tổng hợp vì thiện ích của tất cả mọi người (x. các số
225-226).
Đức Thánh Cha tin rằng việc hòa giải đích thực thì
không lẩn tránh xung đột, nhưng đạt được trong chính xung đột, vượt qua xung đột
nhờ đối thoại và không nghi ngờ, chân thành và thương lượng cách kiên trì (x. số
244).
Mặc khác, tha thứ không tước mất quyền lợi của một người
trước một kẻ lạm dụng quyền lực, một tên tội phạm hoặc kẻ làm mất phẩm giá
chúng ta. Cần phải bảo vệ quyền lợi của con người một cách mạnh mẽ và gìn giữ
phẩm giá con người (x. số 241).
Trước tiên, chúng ta không được đánh mất ký ức về những
sai lầm lớn của lịch sử: “chúng ta rất dễ bị cám dỗ lật sang trang mới khi cho
rằng những điều đó đã xảy ra lâu rồi và chúng ta phải hướng đến tương lai. Vì
Chúa, xin đừng làm vậy! Không thể tiến bước nếu không nhớ lại quá khứ” (số
249).
Chiến tranh và án tử hình
Trong phần này, Đức Thánh Cha xem xét hai tình huống cực
đoan mà được người ta xem như là giải pháp cho các tình thế đặc biệt bi thảm:
chiến tranh và án tử hình. Ngài rất rõ ràng trong cách giải quyết hai vấn đề
này.
Đối với vấn đề chiến tranh, ngài nói rằng thật không
may chiến tranh không phải là bóng ma của quá khứ nhưng đã trở thành mối đe dọa
thường xuyên. Vì vậy, cần phải nói rõ rằng “chiến tranh là sự phủ định tất cả
các quyền và là cuộc tấn công gây thảm hại cho môi trường” (số 257).
Ngài cũng đề cấp đến lập trường của Giáo Lý Hội Thánh
Công Giáo nói về khả năng phòng vệ chính đáng bởi lực lượng quân đội được dự liệu
nhưng với giả định phải chứng minh là có điều kiện chặt chẽ của tính chính đáng
xét về mặt luân lý. Tuy nhiên, ngài nói rằng người ta rất dễ rơi vào việc giải
thích quá rộng quyền có thể tự vệ này. Ngày nay, việc phát triển vũ khí hạt
nhân, hóa học và sinh học và chưa kể đến các công nghệ mới với những ứng dụng rộng
khắp, chiến tranh đã có được sức mạnh hủy diệt không thể kiểm soát, gây hậu quả
tàn khốc cho bao dân thường vô tội (số 258). Vì vậy, Đức Thánh Cha kết luận rằng:
“chúng ta không còn được phép nghĩ rằng chiến tranh là một giải pháp, bởi vì những
tác hại do nó gây ra chắc hẳn bao giờ cũng lớn hơn lợi ích giả định được gán
cho nó. Trước thực tế này, ngày nay rất khó dựa vào các tiêu chí hữu lý, đã được
suy nghĩ thấu đáo trong các thế kỷ trước, để nói về khả năng gây ra một ‘cuộc
chiến tranh chính đáng’. Đừng bao giờ gây chiến nữa!” (ibid).
Việc đối phó với mối đe dọa của vũ khí hạt nhân và các
hình thức hủy diệt hàng loạt phải là việc chung và được phối hợp dựa trên sự
tin tưởng lẫn nhau. Một lần nữa ngài đề nghị rằng “với nguồn tài chính đổ vào
vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một ngân quỹ toàn cầu
để dứt khoát xóa bỏ nạn đói và giúp cho công cuộc phát triển ở các nước nghèo
nhất; có như thế, người dân ở đó mới không phải tìm đến các giải pháp bạo lực
hoặc gian dối và cũng không cần phải rời bỏ đất nước mình đi tìm một cuộc sống
xứng đáng hơn ở nơi khác” (số 262).
Về vấn đề án tử hình, ngài lấy tư tưởng của Thánh Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II trong số 56 của thông điệp Tin Mừng Sự Sống (Evangelium
Vitae): “án tử hình là không thỏa đáng xét theo quan điểm luân lý và không
còn cần thiết xét theo quan điểm hình luật.” Đức Phanxicô cũng dựa vào các học
giả như Lactantius, Đức Giáo Hoàng Nicôla I và thánh Augustinô ngay từ những thế
kỷ đầu của Giáo Hội đã chống lại án tử hình. Ngài nói rõ rằng “không thể chấp
nhận án tử hình” (số 263) và Giáo Hội quyết tâm đề nghị bãi bỏ án tử hình trên
toàn thế giới. Bản án cũng mở rộng đến án tù chung thân. Án chung thân được xem
như “một án tử hình kín đáo” (x. 268).
Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trong thế giới
Phần cuối bức thông điệp nói về các tôn giáo và vai
trò của chúng trong việc phục vụ tình huynh đệ. Các tôn giáo thu thập kinh nghiệm
và sự khôn ngoan qua hàng thế kỷ, vì vậy, các tôn giáo phải tham dự vào các cuộc
tranh luận công khai cũng như cả chính trị và khoa học (x. FT 275). Vì lý do
này, Giáo Hội không giới hạn mình chỉ ở lãnh vực riêng tư; cụ thể rằng “đúng là
các các giáo sĩ không nên tham gia vào chính trị đảng phái vốn là lĩnh vực
riêng của hàng giáo dân, nhưng các giáo sĩ cũng không thể khước từ chiều kích
chính trị của cuộc hiện sinh” (số 276). Do đó, Giáo Hội có vai trò xã hội nhằm
thúc đẩy tình huynh đệ phổ quát (ibid).
Đối với các Kitô hữu, suối nguồn nhân phẩm và tình
huynh đệ nằm trong Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô từ đó làm nảy sinh cả trong tư
tưởng lẫn hành động mục vụ, tầm quan trọng nền tảng của mối liên hệ, của cuộc gặp
gỡ, của hiệp thông phổ quát với toàn thể nhân loại (x. FT 277). “Bằng quyền
năng của Chúa phục sinh”, Giáo Hội “muốn hạ sinh một thế giới mới, nơi tất cả
chúng ta đều là anh chị em với nhau, nơi có chỗ cho tất cả những ai bị xã hội
loại bỏ, nơi công lý và hòa bình rực rỡ ánh huy hoàng” (số 278).
Lời kêu gọi cho hòa bình và tình huynh đệ
Thông điệp Fratelli Tutti khép lại với
một lời kêu gọi và hai lời cầu nguyện nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa và người đón nhận.
Thật vậy, lời kêu gọi là một đoạn trích dẫn từ tài liệu
trước đó được ký giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại giáo trưởng Ahmad Al-Tayyeb
tại Abu Dhabi, liên quan đến việc quả quyết rằng: “các tôn giáo không bao giờ cổ
võ chiến tranh, không kích động lòng hờn căm, sự thù địch và chủ nghĩa cực
đoan, cũng không xúi giục bạo lực hoặc đổ máu. Những tai ách này là hậu quả của
sự sai trệch khỏi giáo huấn tôn giáo. Chúng phát xuất từ sự thao túng chính trị
của các tôn giáo và từ những diễn giải của các nhóm người trong tôn giáo” (số
285).
Trong số các tài liệu tham khảo cho thông điệp này,
chúng ta chú ý rằng Đức Thánh Cha đặc biệt chọn Chân phước Charles de Foucauld,
“sau cùng, ngài muốn được là ‘người anh em của mọi người’. Tuy nhiên, chỉ bằng
cách tự đồng hóa với người nhỏ bé nhất, ngài mới trở thành người anh em của hết
mọi người” (số 287). Đối với Đức Thánh Cha, tình huynh đệ là không gian đích thực
cho Nước Thiên Chúa, trong đó Chúa Thánh Thần đến, cư ngụ và hoạt động.[11]
“ … cũng vậy, Philadelphia, thành phố của những người
anh em, sẽ trị vì”
Sau khi đọc thông điệp Fratelli Tutti, cố
gắng nhấn mạnh những chủ đề nền tảng, tôi muốn khẳng định bằng cách trích dẫn một
nhà văn Argentina Leopoldo Marechal, người hiểu rõ Đức Phanxicô và đã nói về
ngài khi tôi phỏng vấn năm 2013.
Leopoldo Marechal mô tả “Philadelphia, thành phố của
những người anh em” trong kiệt tác Adàn Buenosayres, một tác phẩm kể
về một chuyến đi ba ngày mang tính biểu tượng của nhà thơ Adàn trong phạm vi địa
lý của một Buenos Aires siêu hình. Người ta đặc biệt nhận ra sự ảnh hưởng nhà
thơ Dante trong cuốn thứ bảy của tiểu thuyết Viaje a la Oscura Ciudad
de Cacodelphia, một tác phẩm nhại rõ ràng về Hỏa ngục.
Tuy nhiên, chúng ta hãy đến Philadelphia; Marechal viết
rằng “thành phố vươn lên những mái vòm và những tháp chuông dưới bầu trời rực
sáng như khuôn mặt một đứa trẻ. Như hoa hồng giữa các loài hoa, như vàng oanh
giữa các loài chim, như vàng giữa các kim loại, Philadelphia – thành phố của những
người anh em, sẽ trị vì giữa các thành phố trên thế giới. Một đám đông dân
chúng bình an và hạnh phúc sẽ bước đi trên những nẻo đường: người mù được thấy
ánh sáng, ai từ chối sẽ khẳng định cái họ từ chối, kẻ tha hương sẽ bước đi trên
đất quê hương, kẻ bị kết án cuối cùng sẽ được giải thoát.”[12]
Leopoldo Marechal viết như hoa hồng giữa các loài hoa
vì vậy thành phố của những người anh em sẽ trị vì những thành phố trên thế giới.
Và với thông điệp này, Đức Phanxicô nhắm thẳng đến Nước Thiên Chúa trị đến. Khi
chúng ta đọc kinh Lạy Cha, lời kinh tỏ cho chúng ta thấy tất cả là anh chị em bởi
vì tất cả chúng ta là con cùng một Cha. Ý nghĩa của Nước Thiên Chúa là khả năng
của người Kitô hữu biết làm cho tin mừng của Phúc Âm sẵn sàng như là nguồn cứu
độ và viên mãn cho toàn thể nhân loại, cho cả người nam lẫn người nữ không loại
trừ một ai. Trong trường hợp này, đó là Tin Mừng của tình huynh đệ.
Lm. Gioan
Baotixita Nguyễn Kim Ngân
chuyển ngữ từ La Civiltà Cattolica
Nguồn: gpquinhon.org (18.10.2022)
[1] Các tham chiếu trong Thông điệp này được ghi chú bằng
số đoạn ở trong ngoặc.
[3] Có nhiều người lên tiếng nói liên quan đến việc sử dụng
từ ngữ giống đực “anh em” mặc dù Đức Thánh Cha đã chọn không nói đến người nữ.
Rõ ràng, tựa đề của thông điệp là một trích dẫn từ thánh Phanxicô Assisi và vì
vậy cần phải trung thành với bản gốc. Nhưng, không có nghĩa loại trừ ở đây. Thật
vậy, chúng ta có thể để ý gần đây tại Pháp trong một quan điểm về bản sửa đổi
hiến pháp sắp tới, Cao Ủy Về Bình Đẳng Nam Nữ đã đề nghị từ thay thế chữ
“adelphité” bằng “fraternité” (tình huynh đệ) nguyên gốc từ tiếng Hy-Lạp
nhưng nó không có nhiều nghĩa rộng giống đực riêng biệt. Nhằm tránh dùng một từ
mới, những người còn lại đơn giản đề nghị chữ “solidarity” (tình đoàn kết). Tuy
nhiên, chúng ta nhận thấy sự yếu ớt trong lựa chọn này. Xem J. L. NARVAJA,
“Libertà, uguaglianza, fraternità” (tự do, công bằng, tình huynh đệ),
trong Civiltà Cattolica 2018 II 394-399.
[4] PHANXICÔ, Bức Thư Gửi Giáo Sư Margaret Archer, President
of the Pontifical Academy of Social Sciences, April 24, 2017.
[5] Chủ đề này xảy ra liên tục trong suốt triều giáo hoàng của Đức Phanxicô
và trong những lời dạy của ngài. Một vài trang làm ví dụ: trong Tông huấn Amoris
Laetitia: “Thiên Chúa vốn ban cho gia đình công việc ‘gia hóa (domesticate)
thế giới và giúp mỗi người coi người đồng loại của mình như anh chị em” (số
183). Trong Gaudete et Exsultate, “Nói cách khác, giữa một rừng dày
đặc các mệnh lệnh và quy tắc, Chúa Giêsu soi tỏ mối lối đường giúp nhìn thấy
hai khuôn mặt, đó là khuôn mặt Chúa Cha và khuôn mặt của người anh em. Người
không trao thêm cho chúng ta hai công thức hay hai điều răn. Người trao cho
chúng ta hai khuôn mặt, hay đúng hơn, chỉ một mà thôi: đó là khuôn mặt của
Thiên Chúa được phản chiếu nơi nhiều khuôn mặt khác. Vì nơi mỗi anh chị em
mình, đặc biệt là những người bé mọn, yếu đuối, cô thế và những người túng thiếu,
chúng ta gặp thấy chính hình ảnh Thiên Chúa” (số 61). Trong Christus
Vivit: “Các con cứ chạy, vì ‘được Tôn Nhan đáng yêu thu hút, Đấng mà chúng
ta tôn thờ trong Thánh Thể và nhận ra Ngài nơi thân mình của những anh chị em
đang đau khổ” (số 299). Trong thông điệp Laudato Sí, chủ đề này lập
lại. Chẳng hạn, môn đệ của thánh Phanxicô Assisi là thánh Bônaventura nói với
chúng ta rằng: “Từ suy tư về nguồn cội của mọi sự, với lòng thành kính tràn đầy,
Ngài có thể gọi các loài thụ tạo, bất kể nhỏ bé cỡ nào, bằng cái tên là ‘anh’
hay ‘chị’” (số 11).
[8] A. SPADARO, “Le orme di un pastore. Una
conversazione con Papa Francesco”, in J. M. Bergoglio/Papa Francesco, Nei
tuoi occhi è la mia parola. Omelie e discorsi di Buenos Aires 1999-2013,
Milano, Rizzoli, 2016, XVI.
[10] D. FARES, “Pope Francis and Fraternity” (Đức
Thánh Cha Phanxicô và tình huynh đệ), Civ. Catt. En. Sept 2019 https://www.laciviltacattolica.com/pope-francis-and-fraternity.
[12] LEOPOLDO MARECHAL, Adàn Buenosayres,
Montreal, McGill-Queen’s University Press, 2014.