TÍNH BẠO LỰC CỦA MÙA GIÁNG SINH
WHĐ (31.12.2020) – Các đồ
trang trí Giáng sinh đã ra mắt sớm năm nay. Ngay sau Halloween, chúng
bắt đầu xuất hiện ở các khu phố và các dãy phố mua sắm. Cái cớ là vào năm
2020 — một năm hỗn loạn và rắc rối đủ kiểu vì Coronavirus, xung đột chủng tộc
và các cuộc bầu cử gây tranh cãi, việc trang trí sớm là một cách giáo dục để
mang lại những "rung cảm Giáng sinh" tốt đẹp về hòa bình, tình yêu và
niềm vui. Nhưng việc cử hành lễ Giáng sinh theo kiểu ngọt ngào bề ngoài có
thể che khuất một thực tế quan trọng, nếu không muốn nói là gây thất đảm: theo
phụng vụ, mùa Giáng sinh rõ ràng là nói đến bạo lực.
Hình ảnh: Thảm sát hài nhi vô tội của Peter Paul Rubens
Chắc chắn rồi, Ngày Lễ Giáng
Sinh kỷ niệm sự vô tội của hài nhi Giêsu – Chúa Kitô – tình yêu của Thiên Chúa được
thể hiện trong sự Nhập thể, và sự bình an do Emmanuel mang lại. Nhưng ta
hãy xem xét ba trong số những ngày lễ trực tiếp sau đó: lễ Thánh Stêphanô (26 tháng 12), lễ Các Thánh Anh Hài
(28 tháng 12) và lễ Thánh Tôma Becket (29 tháng 12), tất cả đều kỷ niệm những
người đau khổ vì vị Hoàng tử Bình an. Những ngày lễ này, cũng như ngày lễ
Thánh Gioan Tông đồ bị bắt và lưu đày (ngày 27 tháng 12), là một lời nhắc nhở rằng
sứ điệp Lễ Giáng sinh luôn ở trong tình trạng căng thẳng gay gắt với thế giới.
Thánh Stêphanô là vị tử đạo đầu tiên vì đức tin Kitô giáo. Là một phó tế của Hội Thánh các Tông đồ ở Giêrusalem trong những ngày tháng sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Kinh thánh cho chúng ta biết Thánh Stêphanô “được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân” (CvTđ 6:8). Trong Công vụ Tông Đồ chương sáu và bảy, chúng ta đọc thấy rằng các thành viên của hội đường trong thành phố nhận thấy đức tính và uy quyền thiêng liêng của ngài gây bẽ bàng và bực bội, vì vậy họ đã âm mưu giết ngài. Các quan chức hội đường “sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra” (CvTđ 6: 12-13).
Stêphanô thách thức và quở
trách những người tố cáo mình, nói rằng “Hỡi
những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống
lại Thánh Thần” (CvTđ 7:51). Ông nhắc nhở họ về sự đồng lõa của tổ
tiên họ trong việc bắt bớ các nhà tiên tri, mà đỉnh điểm là sự phản bội và giết
hại Chúa Kitô, “Cha ông các ông thế nào,
thì các ông cũng vậy. Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ
đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành
những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy” (CvTđ 7: 52-53). Bị xúc phạm bởi những
lời này, một đám đông chống đối Stêphanô đã mang ông ra ngoài thành phố và ném
đá ông cho đến chết. Stêphanô, theo bước chân của Đấng Cứu Độ mình, đã chết
trong lúc cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa
Giêsu, xin nhận lấy hồn con,” và “Lạy
Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” (CvTđ 7: 58-60).
Trong câu chuyện của Stêphanô, chúng ta thấy rằng Lễ Giáng sinh không chỉ
nói về lòng bác ái và lòng nhân ái, mà còn nói về sự thật của Chúa Kitô cho những
ai cần nghe. Stêphanô không nghĩ nhiều đến những người mà có lẽ ngài làm mất
lòng bằng những lời lẽ hùng hồn công kích tội lỗi của những kẻ ngược đãi ngài. Bám
chặt vào vinh quang của Thiên Chúa và
vào Tin Mừng, ngài dường như ít quan tâm đến “sự nhạy cảm mục vụ”. Cung
cách tiếp cận này đưa đến một kết thúc không giống như một bộ phim về kỳ nghỉ
Hallmark dễ thương, nhưng lại giống như một bộ phim của Ingmar Bergman đầy vẻ u
ám, khó chịu, trong đó nhân vật chính bị chết một cách không chút gì trang trọng.
Có lẽ điều đáng lo ngại hơn nữa (ít nhất là đối với những người bên ngoài Giáo hội) là lễ các Thánh Anh Hài Vô Tội, tôn vinh những con trẻ đã bị sát hại nhằm thực thi một sắc lệnh của Vua Hêrôđê xứ Giuđêa. Hêrôđê, một người của dòng dõi Êđom, biết rằng quyền cai trị của ông đối với dân Do Thái là rất bấp bênh. Hơn nữa, những lời tiên tri trong Kinh thánh nói về một người cai trị Ítraen sẽ sinh ra ở Bêlem Éphrata “Phần ngươi, hỡi Bêlem Ephrata nhỏ bé nhất trong hàng các bộ tộc Giuđa. Chính tự nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta, Vị có mệnh thống lĩnh (sơn hà) Ítraen.” (Mica 5: 1), một ngôi sao sẽ “xuất ra từ Giacóp” để “bóp nát trán Môáp” và không thể chiếm đoạt được Êđôm “Một ngôi sao (mọc) lên từ Giacóp, một vương trượng xuất tự Ítraen; người đã đập tan màng tang Moáp và (sọ) con cái Set. Êđom sẽ thành đất chiếm, Sêir sẽ thành đất chiếm trên quân thù, Ítraen giương cao lực lượng. Ðấng thống trị xuất từ Giacóp, Ngài sẽ tru diệt mọi kẻ bỏ thành trốn tránh”. (Dân số 24: 17-19).
Hêrôđê chào đón, trong một buổi
tiếp kiến, Ba vị đạo sĩ từ phương Đông, những người đã cảnh báo ông về khả
năng những lời tiên tri này sẽ sớm được ứng nghiệm. Đáp lại, Hêrôđê, kẻ
tàn bạo không có giới hạn (hắn đã hành quyết một số thành viên trong gia đình
mình), ra lệnh giết tất cả trẻ em dưới hai tuổi sống ở vùng lân cận
Bêlem. Mặc dù Thánh Gia trốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng này qua lời cảnh
báo của thiên thần cho Giuse chạy trốn đến Ai Cập, nhưng khoảng hai mươi ba
mươi con trẻ, "Các Thánh Anh Hài Vô Tội ", bị tàn sát theo lệnh của
Hêrôđê.
Do đó, trong những ngày đầu tiên của đời mình, Chúa Hài Đồng đã chứng kiến một
tiền lệ mà ở đó thủ đoạn chính trị, khi bị tước bỏ đạo đức, dẫn đến sự tàn ác bạo
lực như thế nào. Các “Thánh Hài nhi Vô tội”, mà Giáo hội gọi là những vị tử
đạo vì các ngài đã chết cho Chúa Kitô, cho chúng ta thấy rằng một xã hội không
có Thiên Chúa có khả năng sát hại ngay cả những thành viên vô tội nhất của nó. Đây
không hẳn là câu chuyện mà chúng ta muốn suy ngẫm khi uống rượu nóng đánh trứng
và xem các trận đấu ném bóng bowling.
Cuối cùng, đó là Thánh Tôma
Becket, một chính trị gia trở thành giáo sĩ dưới thời trị vì của Henry II ở Anh
vào giữa thế kỷ 12. Là người bạn đồng hành thân thiết của Henry trong suốt
thời thơ ấu, Becket được đề cử và xác nhận là Tổng giám mục Canterbury, vị trí
giáo hội cao nhất trên thế giới. Henry cho rằng Becket sẽ ưu tiên những
tham vọng chính trị của nhà vua hơn những tham vọng của Giáo Hội.
Tuy nhiên, khi khoác lấy chiếc
áo choàng của tổng giám mục, Becket đã chấp nhận sống khổ hạnh và cầu nguyện. Thay
vì đi những nước cờ theo các mục tiêu chính trị của Henry, ngài đã làm thất bại
các nỗ lực của nhà vua nhằm thống trị Giáo Hội, và thậm chí phải chạy khỏi
vương quốc trốn đến nội địa châu âu trong vài năm để thoát khỏi cơn thịnh nộ của
vị Quân Vương. Năm 1170, Becket trở lại, nhưng ngay sau đó đã đối chọi với
Henry một lần nữa. Bốn trong số các hiệp sĩ của nhà vua đã diễn giải những
lời nói của Henry ra như mệnh lệnh giết Becket. Họ đến Canterbury, chạm
trán với tổng giám mục, và chém ngài đến chết trước bàn thờ.
Becket là một minh chứng cho sự độc lập của Giáo hội trước những cuộc tấn
công chính trị chống giáo hội. Ngài cũng nhắc chúng ta rằng lòng sùng kính
của chúng ta đối với Chúa Kitô có thể làm suy yếu các mối tương quan thân thiết
nhất của chúng ta. Đối mặt với lựa chọn phục vụ Chúa Kitô hoặc
bạn của mình là vua, Becket đã chọn Chúa vĩnh cửu của mình, và trả giá bằng mạng
sống của mình.
Đối với một nền văn hóa ngày
càng thế tục, Giáng sinh được hiểu là lễ kỷ niệm hòa bình, tình yêu và sự trong
trắng. Những bộ phim Giáng sinh nổi tiếng, âm nhạc và những sự việc đáng
ghi nhớ của chúng ta đều phản ánh điều này. Chắc chắn, có một số sự thật
dành cho nền văn hóa đó. Chúng ta kỷ
niệm sự ra đời của Chúa Kitô, Hoàng tử Bình An vô tội mà việc nhập thể của Ngài
biểu lộ tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tuy nhiên, Chúa Giáng Sinh
có lẽ cũng giống như một câu chuyện về đau khổ, nghèo đói và bị ngược đãi.
Chúa Giêsu sinh ra trong hoàn
cảnh nghèo khó, xa nhà, chung quanh là thú vật nuôi nhốt và những người xa lạ. Mặc dù Ngài vô tội và được gửi đến vì hòa
bình và tình yêu, nhưng người ta đã nhắm giết Ngài ngay từ hơi thở đầu tiên của
Ngài. Những ngày lễ của Thánh Stêphanô, các Thánh Anh Hài và Thánh
Tôma Becket nhắc nhở chúng ta rằng dù
chúng ta cố gắng chào đón Chúa Kitô vào cuộc sống của mình bao nhiêu đi nữa,
chúng ta vẫn giữ trong lòng mình sự cậy mình kiêu hãnh chống lại sự xuất hiện của
Ngài. Thánh Stêphanô nhắc nhở chúng ta rằng Kitô giáo không chỉ ban tặng cho thế gian ân sủng, mà còn trao ban một
sự thật quở trách tội lỗi của thế gian đó. Các Thánh Anh Hài vô tội nhắc
nhở chúng ta rằng chúng ta sẽ sử dụng tội
lỗi và bạo lực khi chúng ta nhận thấy ý muốn cá nhân của mình bị đe dọa. Thánh
Tôma Becket nhắc nhở chúng ta rằng các
quyền tự do tôn giáo của chúng ta, vốn khó tìm, vẫn luôn bị các thế lực bên
ngoài đe dọa.
Đừng để Giáng sinh, ngay cả
trong năm 2020 đầy náo động này, là cái
cớ cho khuynh hướng thoát ly thực tế. Đúng vậy, Chúa Hài đồng, Thánh
Stêphanô, Các Thánh Hài Nhi và Thánh Tôma Becket đều đại diện cho hòa
bình, tình yêu và sự vô tội. Các ngài cũng đại diện cho sự
căng thẳng sâu sắc giữa Vương quốc của Thiên Chúa và vương quốc của loài người. Trong
câu chuyện về một người chồng và người vợ nghèo tìm nơi trú ẩn trong một đêm
đen tối, cô đơn ở Bêlem, và nhà vua của họ lại lên kế hoạch giết con của họ luôn
có một sự lo lắng không yên giữa hai thực tại: nỗi khát khao được cứu chuộc và
thói xấc xược, ngạo mạn, ích kỷ của con người đối với Thiên Chúa.
Để
đón Giáng sinh đúng nghĩa, chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giêsu không đến trần
gian trong một bộ phim dễ chịu đạt chuẩn Hallmark, nhưng trong một biến cố đau
buồn. Ánh sáng của Chúa Kitô chiếu
vào bóng tối, chớ không phải làm ngơ bóng tối đó. Món quà tình yêu được thực
hiện nơi Hài Nhi Giêsu đã đến với một giá rất đắt. Và vì thế, bây giờ
chúng ta cũng phải trả một giá đắt để thể hiện tình yêu như Chúa.