TIN MỪNG MATTHÊÔ:
ĐÀO SÂU KIẾN THỨC VỀ CHU KỲ PHỤNG VỤ NĂM A
Tác giả: Ronald D. Witherup
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn
Minh Chính
WGPQN (12.12.2022) - Từ khi cải cách phụng vụ
sau Công đồng Vatican II, cứ mỗi ba năm thì chu kỳ các bài đọc Chúa Nhật lại bắt
đầu với Tin Mừng Matthêô. Đối với những người thường xuyên rao giảng Lời Chúa
thì có lẽ đây là một thách thức. Có thể nói cái gì mới hơn không? Có thể hiểu
hơn về những gì đã khá quen thuộc rồi không? Bài viết này đề nghị những con đường
mới để theo đuổi suốt năm phụng vụ Thánh Matthêô.
Trước khi lên đường, nên lưu ý ngay từ đầu rằng quan trọng
là hướng đi. Mỗi năm phụng vụ mới, dù khá quen thuộc, nhưng cũng cho ta một cơ
hội mới để đào sâu kiến thức về những gì mà ta đã biết rồi. Thực tế, điều đó có
nghĩa là chúng ta được mời gọi để một lần nữa cởi mở chính mình ra và ngạc
nhiên về những điều mà ta cho rằng mình đã biết rõ.
Một cách để đào sâu về Thánh Matthêô là sử dụng những nguồn
tài liệu mới như bạn đồng hành trong năm nay. Trong khi những cuốn chú giải lập
lại những thông tin cơ bản, những cuốn sách mới cho ta những cái nhìn mà ta
chưa từng nghĩ trước đó. Về Matthêô, tôi đề nghị ba nguồn mới: các chú giải của
Brendan Byrne trong “The Paulist Biblical
Commentary” (Paulist Press, 2018); David R. Bauer, “The Gospel of the Son of God: An Introduction to Matthew” (IVP
Academic, 2019); và nhiều tính kỹ thuật hơn là cuốn R. Alan Culpepper, “Matthew: A Commentary” (Westminster John
Knox, 2022). Không có gì sai khi đọc lại các nguồn hữu ích đã sử dụng trong quá
khứ song việc tiếp cận những trình bày mới về Tin Mừng khiến cho việc tận dụng
những nhãn quan học thuật mới trở nên xứng đáng với nỗ lực, giúp ta khám phá
Matthêô sâu xa hơn.
Thay vì đưa ra một bản tóm những phần khác nhau của Tin Mừng
Matthêô, tôi đưa ra vài con đường để suy tư sâu hơn về “Tin Mừng đầu tiên” này
– gọi như thế vì đây là Tin Mừng được xếp đầu tiên trong Tân Ước – được gán cho
Thánh Matthêô, người môn đệ hành nghề thu thuế của Đức Giêsu (cf. 9:9).
Bối cảnh và trình thuật
Lời khuyên đầu tiên xem ra có tính trần tục và quá hiển
nhiên song thường bị bỏ qua. Vì Matthêô là Tin Mừng “xếp theo trật tự” nên nhiều
nhà giảng thuyết thường tập chú vào những phần nổi bật. Đầu tiên trong số này
là 5 “bài giảng” lớn, hay diễn từ, bắt đầu với Bài Giảng Trên Núi lừng danh
(các chương 5-7; rồi 10, 13, 18 và 23-25). Từ thời cổ, năm giáo huấn này của Đức
Giêsu đã thu hút các nhà chú giải như là những dấu cấu trúc. Nhưng tiếp cận này
đã bỏ qua một đặc điểm quan trọng: Matthêô trước hết và trên hết là một trình
thuật, không chỉ đơn giản là bộ sưu tập giáo huấn tâm linh và đạo đức.
Nhà giảng thuyết sẽ phải chú ý hơn đến bối cảnh của mỗi đoạn
trích Tin Mừng được sử dụng suốt năm phụng vụ. Cái gì đi trước cái gì đi sau một
đoạn Tin Mừng có thể giúp đóng khung nhiệm vụ của đoạn ấy trong Tin Mừng. Câu
chuyện kéo dài từ bản gia phả (cf. 1:1-17) cho đến Đại Ủy Nhiệm (28:16-20), từ
ông Abraham cho đến vương quốc cánh chung. Đây là lời loan báo về “Emmanuel” —
Thiên Chúa ở cùng chúng ta — mà sự hiện diện được bảo đảm ngay sau khi Ngài trở
về với Chúa Cha (1:23; 18:20; 28:20).
Khi trình thuật này được mở ra, nó mạc khải rằng Đức Giêsu
là người Con trung thành và vâng phục của Thiên Chúa trong cả Lời (đặc biệt là
5 diễn từ) và hành động (vô số những phép lạ). Mọi điều trong Tin Mừng đều ở đấy
để củng cố cho căn tính này, là hiện thực của những gì được các ngôn sứ loan
báo. Chú ý đến lược đồ bao quát này có thể giúp cho nhà giảng thuyết thấy được
những đoạn riêng lẽ nối kết hay nâng đỡ trình thuật. Nó đạt đỉnh trong cuộc khổ
nạn và phục sinh của Đức Giêsu (các chương 26-28), trình bày ngài như là người
con đích thực của Thiên Chúa vì đã tự nguyện chấp nhận ý Chúa Cha khi chịu đau
khổ và chết đi để cứu dân Ngài. Câu chuyện Đấng Emmanuel Cứu Thế xảy ra trọn vẹn
như thế (1:21; 26:28; 27:54).
Chiến thuật thứ hai để giảng Tin Mừng Matthêô là tìm kiếm
các chủ đề xuất hiện thường xuyên trong diễn biến câu chuyện về Đức Giêsu.
Không có Tin Mừng Nhất Lãm nào có tính khái quát. Mỗi Tin Mừng có những điểm nhấn
riêng biệt, đem lại cho nhà giảng thuyết điểm thuận lợi duy nhất mà từ đó có thể
hiểu nhãn quan của Tin Mừng Matthêô. Trong số nhiều chủ đề có thể, tôi chỉ ra bốn
chủ đề.
Đặc tính người môn đệ
Matthêô không chỉ tập chú vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và
là Con Thiên Chúa. Ông cũng chen vào chủ đề người môn đệ. Đây là điều rõ ràng
theo hai cách. Trước hết, Matthêô là Tin Mừng duy nhất sử dụng từ “Giáo Hội”
(tiếng Hy Lạp là: ekklēsia), đầu
tiên là khi nhìn nhận Phêrô là tông đồ thứ nhất (cf. 16:18) và rồi khi nói đến
toàn thể cộng đoàn các môn đệ (18:17). Đức Giêsu nói rõ trong trọng tâm Bài Giảng
Trên Núi khi dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha (6:9-13) rằng Ngài đang thành lập một
cộng đoàn mới dựa trên đức tin chứ không phải máu huyết (12:48-50).
Thật ra, có thể xem 5 diễn từ như giáo huấn đặc biệt về bản
tính người môn đệ. Các môn đệ được mời gọi giống như con trẻ (chứ không phải là
trẻ con), để theo chân Đức Giêsu bằng cách vác thập giá, phục vụ hơn là được phục
vụ, và tham dự vào sứ vụ của Đức Giêsu như rao giảng, chữa lành và – sau khi Đức
Giêsu về với Chúa Cha – là dạy dỗ (cf. 28:20).
Không giống như đặc tính các môn đệ trong Tin Mừng Marcô,
trong Tin Mừng Matthêô họ dễ nhận thiên tính của Đức Giêsu hơn (cf. 14:33;
16:16), dù đôi khi “kém tin” (6:30; 14:31) hoặc sa vào những nghi ngờ, thậm chí
vào giai đoạn cuối (28:17). Matthêô nhấn mạnh những đặc tính môn đệ nào đó. Một
đặc tính đó là họ không phải là một tổ chức tự nguyện (8:18-22). Đức Giêsu đã
phải kêu gọi các môn đệ và họ phải tự do đáp trả và đi theo (4:18-22). Hơn nữa,
các môn đệ cần từ bỏ các mối quan hệ trần thế (10:37-39) và của cải vật chất để
theo Đức Giêsu (10:8). Quan trọng hơn hết, họ phải sẵn sàng chịu đau khổ vì Tin
Mừng (10:16-19).
Các môn đệ được mời gọi là “muối” và “ánh sáng” trong thế
gian (cf. 5:13-14), và họ được sai đi để loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu và kêu
gọi mọi người sám hối. Rủi thay, cũng như trong Marcô, khi thời khó khăn đến,
ngay cả các môn đệ khá mẫn cảm này cũng tránh xa Đức Giêsu trong lúc cần thiết
(26:56). Làm môn đệ không hề dễ dàng.
Luân lý của Nước Trời
Một chiều kích mạnh trong Tin Mừng Matthêô là nhãn quan luân
lý. Chìa khóa để mở nó là Bài Giảng Trên Núi. Hầu hết các nhà chú giải đều xem
diễn từ này là tài liệu nền tảng của Kitô giáo. Nó xuất hiện không chỉ trong
chú giải Tin Mừng thứ nhất này mà còn trong các bài đọc Mùa Chay, khi các Kitô
hữu được mời gọi thống hối, sửa đổi và hoán cải. Thậm chí bối cảnh của bài giảng
cũng quan trọng. Đức Giêsu giảng nó ở trên đỉnh núi – nơi hiện diện và mạc khải
của Thiên Chúa, nhắc nhớ lại việc ông Môisê nhận lãnh lề luật – và thính giả gồm
các môn đệ ở hàng đầu tiên vây quanh là “đám đông” (5:1).
Có nhiều đặc điểm nổi bật. Nó bắt đầu với Bát Phúc (thật ra
là chín chứ không phải tám), nêu tiêu chuẩn cao cho tất cả môn đệ Đức Giêsu và ám
chỉ sự đau khổ trong tương lai vì danh Đức Giêsu. Nó cũng bao gồm một loạt những
chú giải lề luật tận căn – “các ông nghe
nói rằng, nhưng ta nói rằng …” — điều này đòi hỏi các môn đệ phải theo một
“sự công chính” cao hơn (5:20). Bài giảng kết thúc với ví von về hai ngôi nhà
trái nghịch nhau, một xây trên cát và một xây trên đá. Chỉ có nền tảng vững chắc
mới có thể giữ cho ngôi nhà đứng vững qua thời gian, tượng trưng cho nhu cầu
người tín hữu phải đâm rễ sâu vững chãi trong các nguyên tắc luân lý. Ở giữa
bài giảng là giáo huấn về cầu nguyện, nổi bật lên trong Kinh Lạy Cha, mời gọi
ta làm theo ý Chúa chứ không phải ý mình.
Nếu bài giảng hiện thực cho luân lý theo Matthêô thì nó
không chứa đựng tất cả luân lý ấy. Tin Mừng nầy được lấp đầy bằng các giáo huấn
quan trọng khác, gồm cả nhu cầu tha thứ cho tha nhân, duy trì hôn nhân và tránh
ly dị, đồng thời cũng cảnh báo việc Con Người đến để phán xử, thời gian mà
chúng ta sẽ bị tính đến vì điều mình đã làm hay không làm theo sứ điệp Tin Mừng.
Chúng ta cũng sẽ không bỏ qua bản tính cụ thể của lời khuyên
Matthêô. Nhược điểm chính, trong mắt tác giả Tin Mừng, là khi ta nói điều này
nhưng làm điều khác. Thói giả hình là tối kỵ. Điều này không chỉ chống lại nhóm
lãnh đạo Do Thái giáo, nhưng áp dụng cho tất cả các người có đầu óc tôn giáo
nghĩ rằng mình có thể làm trọn lề luật của Chúa bằng mồm hơn bằng hành động.
Matthêô cảnh báo rằng nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” thôi thì chưa đủ để vào nước trời
(cf. 7:21; 25:11-12). Hơn nữa, phải trung thực trong lời nói “Có thì nói có, không
thì nói không” (5:37). Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi việc dối trá đã
thành đặc điểm tiêu chuẩn cho các ý thức hệ chính trị, và nơi mà việc đăng tin
vô danh trên truyền thông đại chúng dẫn đến mọi điều gian dối, trong bối cảnh ấy
thì việc phục hồi quan điểm đạo đức thật sự là điều sống còn. Matthêô đã chỉ ra
cách.
Ngày phán xét đang đến
Một trong những bổn phận thách thức nhất khi giảng Tin Mừng
Matthêô là làm sao tiếp cận được vấn đề phán xét. Chủ đề này nổi lên trong nhiều
hình ảnh. Một hình ảnh là ẩn dụ cây sinh trái tốt hoặc trái xấu. Gioan làm phép
rửa, tiền hô của Đức Giêsu như là Đấng Cứu Thế, cũng đã rao giảng rằng nếu cây
không sinh trái tốt, nó sẽ bị chặt đi và ném vào lửa (cf. 3:10). Đức Giêsu cũng
nói bóng gió về điều này (12:33; 13:23). Bài Giảng Trên Núi cũng âm vang giáo
huấn này (7:16-20).
Những lời cảnh báo về ngày phán xét xuất hiện nhiều lần
trong Tin Mừng và như tiếng kêu thức tỉnh để hành động đúng với đức tin. Chủ đề
cũng đạt đỉnh trong câu chuyện phán xét cừu và dê (cf. 25:31-46), minh họa những
hành động cụ thể của chúng ta đối với những người đang cần đến mình, hoặc tốt
hoặc xấu khi chúng ta sống sứ điệp Tin Mừng. Thánh Matthêô sử dụng ngôn ngữ khải
huyền đặc trưng của Do Thái giáo để hình dung mối đe dọa này (lửa không hề tắt,
nghiến răng, khóc than), tất cả là những đặc điểm tiêu chuẩn trong ngày của
Ngài.
Ơn cứu rỗi phổ quát
Hầu hết các học giả xem Matthêô có tính Do Thái nhất trong
các Tin Mừng. Có nhiều điểm khẳng định điều này, chẳng hạn như những trích dẫn
hiện thực điều được loan báo trong Cựu Ước (e.g., 1:22-23; 26:54; 27:9), nhấn mạnh
đến “lề luật và các ngôn sứ” (7:12), và lối diễn tả “Nước Trời”, cách nói vòng
vo để chỉ triều đại của Thiên Chúa. Matthêô tán dương sứ mệnh cứu rỗi của Đức
Giêsu như sứ mệnh được hiến dâng cho toàn thể nhân loại. Matthêô có một nhãn
quan phổ quát.
Chủ đề này được gợi lên cách kín kẻ trong tước hiệu của Đức
Giêsu là “con cháu Abraham” (1:1), nhân vật mà Thiên Chúa đã hứa cho làm “cha của
nhiều dân tộc” (Stk 17:4) và là người đứng đầu gia phả của chính Đức Giêsu (cf.
Mt 1:2). Nó được tiếp nối trong các câu chuyện giống như việc chữa lành người
tôi tớ của viên bách quan (8:5-13). Đức Giêsu ngạc nhiên khi thấy một viên bách
quan Rôma, một người không phải người Do Thái, đến xin Ngài chữa lành cho người
đầy tớ của mình. Trước khi đáp ứng lời cầu xin, Đức Giêsu đã khen ngợi lòng tin
của ông khi nói: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có
lòng tin như thế” (8:10). Ngài tiên báo rằng Nước Trời sẽ không chỉ có dân
Israel mà tất cả những người sẽ đến từ phương Đông phương Tây.
Đức Giêsu cũng cảnh báo các thính giả Do Thái của mình rằng
họ không thể chỉ dựa vào di hệ từ Abraham để bảo đảm vào Nước Trời (cf. 3:9). Cần
nhiều hơn thế nữa. Song đức tin đòi hỏi phải hoán cải và tuân theo những tiêu
chuẩn đạo đức cao hơn nữa của Nước Trời.
Người nữ đối trọng với viên bách quan là người đàn bà Canaan
đến từ miền Tyrô và Sidon (cf. 15:21-28). Một lần nữa Đức Giêsu chạm trán với đức
tin bên ngoài ranh giới Israel. Thoạt tiên, lời cầu xin chữa lành đứa con gái bị
quỷ ám của bà đã bị Đức Giêsu từ chối, Ngài nhấn mạnh rằng mình chỉ được sai đến
với “chiên lạc nhà Israel” (15:24). Nhưng chứng kiến lòng thành của bà đối với
mình, Đức Giêsu khen ngợi lòng tin của bà và đứa con gái bà được chữa lành cách
lạ lùng.
Đỉnh điểm của chủ đề này được tìm thấy trong lệnh truyền cuối
cùng của Đức Giêsu phục sinh cho các môn đệ (trên một đỉnh núi!). Đức Giêsu bảo
họ ra đi và “làm cho các dân tộc trở thành môn đệ” [tiếng Hy Lạp là: panta ta ethnē], rửa tội cho họ nhân
danh Cha, và Con và Thánh Thần” (28:19).
Chúng ta không nên bỏ qua việc đưa chủ đề này vào trong bối
cảnh riêng của chúng ta. Nơi đâu mà người Công Giáo muốn thu hẹp đức tin và hạn
chế chỉ trong số ít tín hữu thì Đức Giêsu của Matthêô nới rộng vòng vây để bao
trùm lên hết những ai muốn vác lấy thập giá và đi theo Ngài.
Những sai lầm cần tránh
Giảng Tin Mừng Matthêô vừa thích thú vừa thách thức. Tuy
nhiên, tôi nghĩ nên tránh vài sai lầm chung chung. Trước hết, đừng chỉ đọc
Matthêô như một Tin Mừng giống như các tin mừng khác, thậm chí như các Tin Mừng
Nhất Lãm. Hãy cố đi vào khuôn khổ hay vũ trụ của Matthêô và nhận ra cách ông cố
truyền đạt cho cộng đoàn của mình những chân lý về Đức Giêsu mà ông nhận ra.
Thứ đến, hãy cố gắng tránh mọi chú giải có tính bài Do Thái.
Chẳng hạn, câu khủng khiếp trong 27:25 không phải là lời nguyền rủa người Do
Thái vì sự liên quan của vài lãnh đạo Đền Thờ trong cái chết của Ngài. Thật ra,
đây là câu mai mỉa, đặt người Do Thái một lần nữa dưới sứ mệnh của Đức Giêsu là
cứu rỗi dân Ngài.
Thứ ba, mặc cho cấu trúc của sách Bài Đọc, hãy cố giữ một bức
tranh rộng lớn hơn của những đoạn trích riêng lẽ cho hợp với trình thuật tổng
thể của Matthêô. Từ Chúa Nhật này sang Chúa Nhật khác, có thể đi theo một đường
thẳng và phân định những chủ đề đan xen nhau, đây là điều đặc biệt của Tin Mừng
này.
Thứ tư, hãy đọc bản văn trước
hết, rồi xem các chú thích của cuốn Kinh Thánh, và sau khi suy tư, hãy tra một
vài cuốn chú giải. Không gì thay thế được sự tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng mỗi bài giảng chỉ truyền đạt một phần
nào sứ điệp Tin Mừng. Hãy lấy ra và chọn điều gì thích hợp nhất cho bối cảnh của
riêng bạn cũng như hãy nhận thấy rằng mình cần phải để sang một bên vài ý tưởng
tuyệt vời. Bạn có thể lấy lại chúng trong ba năm nữa!
Nguồn: gpquinhon.org