TÍN HỮU GIÁO DÂN TRONG SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI

Mai Tâm

I. Người giáo dân trong Giáo Hội

a) Công đồng chung Vatican II về giáo dân

Một trong những chủ đề của Công đồng chung Vatican II được đặc biệt quan tâm đó là vấn đề về vị trí và nhiệm vụ của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và trong xã hội. Vấn đề này đã được đề cập đến một cách rộng rãi, trực tiếp hoặc gián tiếp, trong hầu hết các văn kiện của Công đồng, và một cách đặc biệt trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, Ánh sáng muôn dân (Lumen Gentium / LG), Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, (Gaudium et Spes / GP), Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem / Aa)...

Công đồng nhấn mạnh: Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông có tính cách thừa sai trong đó bao hàm tính đa dạng về ơn gọi và tính hiệp nhất nảy sinh từ bí tích Thánh Tẩy. Người ta đã nói đến một nền thần học về Giáo Hội của Công đồng Vatican II trong đó một nền thần học về “bậc giáo dân” đã được triển khai một cách rộng rãi và là nguồn cảm ứng cho một ‘cung cách mới' trong các quan hệ giữa giáo sĩ và giáo dân, trong đó giáo dân không còn chỉ được xem là những đối tượng của hoạt động mục vụ của giáo sĩ mà còn là những cộng tác viên quý giá và không thể thiếu đối với sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội trong thế giới. Công đồng khẳng định: “Công việc tông đồ của người giáo dân và thừa tác vụ mục vụ bổ sung cho nhau” (Bài phát biểu của Hồng y Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh phụ trách giáo dân, tại buổi tọa đàm lần thứ V do Cộng đoàn Emmanuel tổ chức, ngày 26.1.2010, về chủ đề ‘Linh mục và giáo dân trong sứ vụ', số 1 và 2)

b) Giáo luật và Giáo lý về giáo dân

Đối với các tín hữu giáo dân muốn có những kết luận gọn nhẹ làm hành trang giáo lý để mang theo trong cuộc sống đa đoan của mình, có lẽ không gì súc tích và cô đọng hơn là những điều khoản của Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (GLHTCG) và của Giáo luật (GL) về vấn đề này:

Trước hết, Giáo luật khẳng định: bí tích Thánh Tẩy biến chúng ta thành các tín hữu, được hiệp thân với Đức Kitô, kết thành Dân của Chúa (x. Gl. 204).

Và “Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo Hội, có các thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là Giáo Sĩ; còn các người khác được gọi là Giáo Dân” (số 207).

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), được soạn tiếp theo sau Công đồng Vatican II, được ban hành năm 1992, khẳng định về sự bình đẳng giữa giáo sĩ và giáo dân về phẩm giá và hành động: “Giữa tất cả các Kitô hữu, do việc họ được tái sinh trong Đức Kitô, có sự bình đẳng thực sự về phẩm giá và hoạt động, nhờ đó, tất cả mọi người, tùy theo địa vị và nhiệm vụ riêng của mỗi người, cộng tác vào việc xây dựng Thân Thể Đức Kitô” (số 872; xem Gl. 208; Hiến chế Ánh sáng muôn dân [Lumen Gentium], số 32).
Như vậy, vị trí trong Giáo Hội và vai trò trong xã hội của người giáo dân như được đề cập đến trên đây trong các văn kiện của Công đồng chung Vatican II, hay trong các điều khoản của Giáo luật, của Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo quả là rõ ràng. Sự hiện hữu trong Giáo Hội của hai bậc giáo sĩ và giáo dân là do chính Đức Kitô thiết lập. Do phép Thánh Tẩy và phép Thêm Sức, mọi tín hữu, giáo sĩ và giáo dân, đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Tất cả làm thành một Giáo Hội có một sứ vụ nhất định do chính Đức Kitô giao phó.

II. Ơn gọi riêng của tín hữu giáo dân trong sứ vụ của Giáo Hội

Sứ vụ Đức Kitô trao cho Giáo Hội đó là: “Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16, 15). Sứ vụ rao giảng Tin Mừng này chính là lý do tồn tại của Giáo Hội. Điều này cũng có thể có nghĩa là không thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội trở thành một Giáo Hội không còn sức tỏa sáng. Như Đức Giêsu trong sứ vụ công khai của Người, Giáo Hội được mời gọi rao giảng Tin Mừng, -hay Tin Mừng hóa trật tự trần thế-, không phải chỉ bằng lời mà còn, và nhất là, bằng hành động và bằng chính cuộc sống của mình.

Sứ vụ của Giáo Hội liên quan tới tất cả mọi thành phần của Dân Chúa, giáo sĩ cũng như giáo dân, tùy theo điều kiện của mỗi người: “Theo điều kiện của mỗi người, họ được kêu gọi thực hành sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo Hội chu toàn trong thế giới” (Gl. 204).

Tuy nhiên, mỗi thành phần Dân Chúa lại có những ơn gọi riêng để chu toàn sứ vụ này. Số 898 của sách GLHTCG nói rõ về ơn gọi riêng của mỗi người, ở đây, của người giáo dân:

“Ơn gọi riêng của giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế có liên hệ mật thiết với họ và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ có nhiệm vụ đặc biệt là soi sáng và xếp đặt những thực tại trần thế có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng được thực hiện và phát triển theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo hóa và Đấng Cứu Chuộc” (xem LG 31),

hay nói cách khác:

“làm thấm nhập và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Phúc Âm; và như vậy họ làm chứng cho Đức Kitô đặc biệt khi điều hành các sự việc thế trần cũng như lúc thi hành các chức vụ trên đời” (Gl. 225).

Gl. 225 còn khẳng định:

“Xét vì các giáo dân, cũng như mọi tín hữu khác, được Thiên Chúa ủy thác làm việc tông đồ do phép Thánh Tẩy và phép Thêm Sức, nên họ có nghĩa vụ tổng quát và có quyền lợi xét như từng cá nhân hoặc kết hiệp thành hiệp hội, phải làm sao để sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới biết đến và đón nhận. Nghĩa vụ này lại càng thôi thúc hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo dân, người ta mới có thể nghe Tin Mừng và biết Đức Kitô”.

Trong khi thi hành nghĩa vụ của mình: “Các giáo dân [...phải lo sao cho mọi hành động của họ được thấm nhập bằng tinh thần Tin Mừng, và họ phải để ý đến đạo lý do quyền giáo huấn của Giáo Hội đề ra...” (Gl. 227).

Và GLHTCG còn nói rõ: “Giáo dân hãy nhớ rằng trong mọi lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa” (số 912; xem LG 36).

Ơn gọi riêng của giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế có liên hệ mật thiết với họ và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa, hay làm cho các mối quan hệ do nghề nghiệp, do cuộc sống thường ngày của giáo dân với xã hội được thấm nhuần Tin Mừng, phản chiếu gương sáng của Đức Kitô vốn là Đường, là sự Thật và là sự Sống.

Đã hẳn, người tín hữu giáo dân cũng có trách nhiệm tham gia đông đảo và tích cực vào sinh hoạt của giáo xứ, như trong các hội đoàn dành cho các giới, các lứa tuổi, trong các ca đoàn phục vụ lễ sáng, lễ chiều, trong các ban dạy giáo lý, ban phụng vụ, ban tài chính...

Nhưng, như Giám mục Yves Le Saux, phụ trách giáo phận Mans, phát biểu tại buổi tọa đàm về chủ đề ‘Linh mục và giáo dân trong sứ vụ', được tổ chức tại Roa ngày 26/1/2010: cũng phải nhìn nhận rằng việc tham gia này của người giáo dân, nếu chỉ dừng lại ở đó, thì chưa đủ nếu không nói là còn có thể làm người ta quên lãng sự thật này là môi trường ưu tiên của sự dấn thân với tính cách tín hữu giáo dân là, và phải là, đời sống gia đình, đời sống nghề nghiệp, trong môi trường xã hội, chính trị, hiệp hội, và rằng đòi hỏi đầu tiên của ơn gọi người tín hữu giáo dân là làm tỏa sáng sự sống Thiên Chúa người kitô hữu đã lãnh nhận qua bí tích Thánh Tẩy ngay trong xã hội, nhất là trong một xã hội còn chưa được biết đến Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô.

Từ đó, giám mục cảnh báo về một nguy cơ có thực đối với người giáo dân khi người ta tìm cách giới thiệu một dung mạo đã và đang tích cực phục vụ trong cơ cấu của Giáo Hội hay giáo xứ làm gương mẫu cho lớp người giáo dân dấn thân của Giáo Hội. Vẫn theo giám mục: Gương mẫu đích thực phải là kẻ sống trọn vẹn sự sống của phép Thánh Tẩy giữa thế gian, để biến đổi thế gian. Như vậy, mối hiểm nguy có thể chờ đợi người giáo dân sống trong thế gian không chỉ là chết chìm trong thế gian, mà ngược lại, còn có thể là chạy trốn vào nhà mặc áo, dưới tháp chuông nhà thờ nhiều khi với lý do ngay lành là phục vụ nhà thờ, giáo xứ!

Dĩ nhiên, lời cảnh báo này hoàn toàn không có ý phủ nhận giá trị của việc người giáo dân tích cực tham gia các công việc của giáo xứ. Việc tham gia này cũng là sự đóng góp cần thiết cho việc chu toàn sứ vụ của Giáo Hội với tính cách một giáo xứ. Lời cảnh báo ở đây muốn nhấn mạnh đến tính cách riêng, tính cách ưu tiên của nhiệm vụ người tín hữu giáo dân, do ơn gọi riêng của mình, phải chu toàn là “làm thấm nhập và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Phúc Âm” (Gl 225).

III. Việc đào tạo tín hữu giáo dân

Để thi hành ơn gọi riêng của mình một cách có hiệu quả và theo đúng những gì Chúa Giêsu Kitô chờ đợi, người tín hữu giáo dân cần phải được đào tạo. Việc đào tạo này là điều cần thiết, bởi vì dưới cái nhìn của Công đồng, “công việc tông đồ chỉ đạt tới kết quả mỹ mãn nhờ việc huấn luyện đầy đủ và chuyên biệt” (Aa, số 28).

Sắc lệnh Tông đồ giáo dân (Aa) đã dành trọn chương VI để kê khai, một cách khá tỉ mỉ, hầu như tất cả những gì được bao hàm trong việc đào tạo này: từ nền tảng, nguyên tắc, nội dung, người chịu trách nhiệm, cách thức, đến thời gian, các phương tiện...

Trước tiên, việc đào tạo phải được đặt nền tảng trên các nguyên tắc do Giáo Hội đề ra “căn cứ trên tính chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa lòng đời, và phải đặc biệt thích nghi với đời sống thiêng liêng của họ (số 29). Nhưng căn bản và cũng là điều kiện cho mọi hoạt động tông đồ có hiệu quả là:

“Tiên vàn, người giáo dân phải học sao cho biết chu toàn sứ mệnh của Chúa Kitô và của Giáo Hội bằng sống đức tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, vì Thánh Thần là Đấng làm cho Dân Chúa được sống, Đấng thôi thúc mọi người yêu mến Thiên Chúa Cha cũng như mến yêu thế giới và nhân loại trong Ngài. Việc huấn luyện như thế phải được coi là căn bản và là điều kiện cho mọi hoạt động tông đồ có hiệu quả” (28).

Cùng với một “đời sống đức tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc”, người giáo dân cũng cần phải được đào tạo để có được một sự hiểu biết vững chắc, đầy đủ và thích hợp về giáo lý, thần học, luân lý, về cả triết học, giáo dục, văn hóa tổng quát cũng như kỹ thuật và thực hành tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh và khả năng (xem số 28).

Một nguyên tắc khác nữa của việc đào tạo này là:

“đào tạo con người toàn diện cho phù hợp với nhân cách và hoàn cảnh của mỗi người. Thực vậy, giáo dân nhờ việc hiểu biết thấu đáo về thế giới hiện đại, họ phải là một phần tử thích nghi với xã hội và với nền văn hóa riêng của họ. Để việc giao tế với người khác được tốt đẹp, cần phải phát huy những giá trị nhân bản thực, nhất là cách sống chung thân thiện, cộng tác và đối thoại với mọi người” (29).

Đối với Công đồng, tất cả các sinh hoạt của giáo xứ, giáo phận, hay của Giáo Hội nói chung như các hội đoàn công giáo tiến hành, các khóa học tập, các kỳ đại hội, các cuộc tĩnh tâm, linh thao, những buổi họp mặt định kỳ, những buổi thuyết trình cũng như sách báo và những sách giải thích: tất cả đều là những phương thế giúp người giáo dân trau giồi thêm kiến thức về Thánh Kinh cũng như về giáo lý công giáo, giúp họ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cũng như giúp họ hiểu biết những hoàn cảnh sống của thế giới để khám phá và sử dụng những phương pháp thích ứng nhất (x. 32).

Các sáng kiến trong Giáo Hội nhằm nâng việc đào tạo này thành khoa học như việc thành lập các trung tâm, các viện cao đẳng, các khóa học lâu dài, nhằm mục đích đào tạo này cũng đã được Công đồng đề cao. Thậm chí, Công đồng còn cổ võ việc thiết lập các “trung tâm thu thập tài liệu và nghiên cứu cho hết mọi hoạt động tông đồ, không những về khoa thần học mà cả về các khoa học khác như nhân chủng học, tâm lý học, xã hội học, phương pháp học, để phát triển tài năng của giáo dân nam cũng như nữ, giới trẻ cũng như giới trưởng thành” (32).

Công đồng đã nhìn công việc đào tạo này như một điều kiện thiết yếu để người giáo dân có thể chu toàn ơn gọi riêng của mình trong sứ vụ chung của Giáo Hội.

“Như thế, người giáo dân mới dấn thân vào chính thực tại của trật tự trần thế một cách tích cực và sâu xa cũng như đảm đương vai trò của mình trong việc điều hành trật tự trần thế một cách hữu hiệu. Đồng thời, như một phần tử sống động và là chứng nhân của Giáo Hội, họ làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động ngay giữa lòng trần thế” (29).

Điểm cần được đặc biệt lưu ý trong vấn đề đào tạo người tín hữu giáo dân được sắc lệnh Tông đồ giáo dân đề cập tới chính là vai trò của gia đình và giáo xứ trong việc đào tạo này cũng như trong việc thực thi sứ vụ của Giáo Hội cùng với các tín hữu giáo dân.

1. Gia đình

a) Công việc đào tạo của gia đình

Công đồng, trong sắc lệnh Tông đồ giáo dân, nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong việc đào tạo người tín hữu giáo dân làm tông đồ:

“Trong gia đình, bậc cha mẹ phải lo dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu nhận biết tình thương yêu thương của Thiên Chúa đối với hết mọi người, và dần dần, nhất là bằng gương sáng, phải dạy cho chúng biết lo lắng đến những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của người lân cận. Như vậy toàn thể gia đình và đời sống chung của gia đình phải nên như trường huấn luyện đầu tiên cho việc tông đồ” (30).

Gia đình ở đây được hiểu là một cộng đồng gồm ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em... là những tín hữu đang hàng ngày nỗ lực sống cuộc sống mới được tiếp nhận qua bí tích Thánh Tẩy. Gia đình ấy sẽ là ngôi trường đầu đời, và mỗi thành viên của gia đình sẽ là những mục tử đầu tiên dạy con người sống cuộc sống làm người và làm người tín hữu. Điều này càng dễ thấy nơi gia đình công giáo Việt Nam, nơi ngay từ khi còn nằm trên cánh tay mẹ, hay ông bà nội, ngoại, đứa bé đã được học làm dấu Thánh giá, dấu của sự cứu độ, được dạy bập bẹ những danh thánh “Giêsu”, “Maria”, “Giuse”... Và chỉ có tại gia đình, đứa bé mới có cơ may được ở giữa những người thân yêu trong một buổi cầu nguyện, được dạy để biết chắp hai tay trước ngực, biết ngước mặt lên bàn thờ chìm trong bầu khí trang nghiêm với những bức tượng, bức ảnh đẹp, sống động giữa những hoa, những nến...để có được một khoảnh khắc, dù mới chỉ là ngỡ ngàng, về một khung cảnh vượt ra khỏi khung cảnh thường ngày. Đứa trẻ, trong những giờ phút đầu đời này, mặc dù chưa “biết” gì, chưa “ý thức” được gì, nhưng đã được cưu mang trong lòng sốt sắng, lòng yêu thương, lòng tin cậy của cả gia đình nơi Thiên Chúa, dĩ nhiên, với điều kiện đây thực sự là một buổi cầu nguyện trong gia đình, mà không phải là một buổi đọc kinh theo thói quen, mỗi người mỗi góc, trước một bàn thờ với những tượng ảnh được bầy biện cho có!

Người tín hữu trước tiên được mời gọi sống và thể hiện bí tích Thánh Tẩy. Bí tích Thánh Tẩy trước tiên là dìm mình trong cái chết và sống lại của Đức Kitô để đón nhận và sống sự sống mới. Sự sống mới ấy “không phải là một bí quyết để có được cuộc sống tốt, cũng không phải là một thái độ rộng lượng phi thường, cũng không phải là một nền luân lý, đạo đức, một loạt các xác tín. Sự sống mới ấy, chính là sự sống Thiên Chúa đã được ban cho trong bí tích Thánh Tẩy để được sống trong cuộc sống của mỗi người” (Gm. Yves Le Saux, sđd.).

Gia đình tín hữu chính là nơi vun trồng sự sống mới được tiếp nhận qua bí tích Thánh Tẩy này và được sống trước tiên bằng con tim, cảm xúc, bằng quan hệ của tình thương yêu, của hiệp thông với Thiên Chúa, với Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, với các thành viên của Hội Thánh, với mọi người, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần.

Gia đình còn là vườn ươm và vun trồng hạt giống của lòng tin thành cây tươi tốt sum suê. Mỗi thành viên trong gia đình đều có thể kinh nghiệm mối quan hệ sống động của lòng tin, lớn lên và trưởng thành trong sự sống mới, qua đời sống cầu nguyện, qua việc nhắc nhở nhau chịu các bí tích, qua việc cùng nhau chuẩn bị và tham dự bí tích và giúp nhau sống niềm tin nơi Thiên Chúa trong cuộc đời...

Gia đình, nơi truyền đạt lòng tin, cũng là nơi giáo dục tình người, vì qua tình yêu thương tự nhiên giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, gia đình là trường học dạy người ta ra khỏi chính mình để quan tâm đến người khác. Chẳng mấy khó khăn để nhận ra ảnh hưởng trên tâm lý, cuộc sống của một con người sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu vắng người cha, mồ côi mẹ, hay tình trạng con một...

Qua gương sáng của các thành viên trong gia đình trong việc sống cuộc sống làm người tín hữu, đứa trẻ bắt đầu được đào tạo ngay từ thiếu thời, đã biết thực thi bác ái, tham gia các công việc từ thiện để chia sẻ nỗi đau khổ của người anh em mình và rộng lòng giúp đỡ những anh em thiếu thốn, để có tinh thần đối thoại với người khác, để hiểu được “ý nghĩa đích thực” và “giá trị” của của cải, mối quan hệ của của cải với mục đích của đời người, biết quan tâm đến “công ích” theo “học thuyết luân lý và xã hội của Giáo Hội”, như các nghị phụ Công đồng chờ đợi và đòi hỏi (x. Aa, số 31).

b) Công việc tông đồ của gia đình

Tại gia đình, ngay từ thiếu thời, người tín hữu đã có thể chia sẻ, tham dự vào công việc rao giảng Tin Mừng của gia đình. Thực vậy, sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội được thực thi không chỉ bằng lời mà bằng cả hành động, bằng cuộc sống thấm nhuần Tin Mừng. Với các thành viên, qua cuộc sống của mình, hàng ngày phải sống trong, và sống với, đủ mọi thứ quan hệ xã hội, quan hệ láng giềng, khu xóm, quan hệ tại cơ quan, xí nghiệp, xưởng làm, quan hệ làm ăn, bạn bè... gia đình quả là môi trường thuận lợi cho việc thực thi sứ vụ của Giáo Hội. Việc thực thi này càng có hiệu quả khi gia đình trở thành nơi đầu tiên để các thành viên của gia đình bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm để tìm ra một thái độ đúng đắn theo Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội. Qua việc sống các mối quan hệ với xã hội xung quanh theo tinh thần của Tin Mừng, qua lối sống đặt nền tảng trên sự kính trọng lẫn nhau, hòa thuận, thương yêu và nhường nhịn lẫn nhau...của các thành viên, gia đình đang làm chứng thực sự cho Đức Kitô, tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội.

Như vậy, tại gia đình, con người không chỉ được học để trở thành người tông đồ sau này của Chúa mà đã được tham gia ngay vào công việc tông đồ này. Gia đình vừa là trường học, vừa là chủ thể thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô qua lối sống thấm nhuần Tin Mừng của gia đình.

Bởi vậy, Giáo Hội ngày càng đặt trọng tâm vào vai trò của gia đình trong việc giáo dục tín hữu và trong việc thi hành sứ vụ của Giáo Hội. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong một sứ điệp gửi Đức hồng y Ennio Antonelli, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, nhân dịp cuộc gặp gỡ các giám mục phụ trách Ủy ban giám mục về gia đình và sự sống của châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, tổ chức tại Bogota (Colombia), từ 28/3 đến 1/4 vừa qua, đã bày tỏ niềm hy vọng ở các gia đình tín hữu trong việc rao giảng Tin Mừng, khi ngài viết: “Giáo Hội có thể trông chờ ở các gia đình kitô hữu khi kêu gọi gia đình là một chủ thể đích thực của việc truyền giáo và tông đồ và khi mời gọi gia đình ý thức về sứ vụ quý giá của họ trong thế giới”.

c) Mục vụ gia đình

Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thời đại đang có rất nhiều những cạm bẫy khiến gia đình không còn là mình, không còn cơ hội để các tình cảm trên đây triển nở, để quan tâm đến nhau và do đó, ngày càng có nguy cơ đi đến chỗ tan vỡ. Sứ vụ tông đồ và truyền giáo của các gia đình kitô hữu chỉ có thể được thực thi một cách có hiệu quả “khi gia đình luôn được đặt nền tảng trên sự kết hiệp không thể phân ly giữa một người nam và một người nữ, khi gia đình thể hiện tới cùng sứ vụ của mình là một tế bào sống động của xã hội, vườn ươm các nhân đức, trường dạy sự sống chung trong xây dựng và hòa bình, khí cụ của sự đồng tâm và môi trường ưu tiên trong đó, một cách vui tươi và có trách nhiệm, đời sống con người được tiếp nhận và bảo vệ, từ khởi đầu cho tới lúc kết thúc tự nhiên của nó” (ĐGH Bênêđictô XVI, sđd.).

Để đạt tới mục đích này, gia đình cũng cần phải được đào tạo. Đức giáo hoàng đã nói đến việc “Tin Mừng hóa” gia đình và ngài mong mỏi “tất cả những ai bằng cách này hay bằng cách khác, hiến mình cho việc tin mừng hóa gia đình,” cũng được đào tạo một cách đầy đủ và kỹ lưỡng. Việc cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để tiếp tục bảo vệ sự sống con người và gia đình trong toàn vùng cũng là điều quan trọng cần được quan tâm.

Việc đào tạo này, tại nhiều nơi, đã trở thành một khoa học. Viện Gioan - Phaolô II đào tạo chuyên gia về gia đình là một ví dụ điển hình cho việc đào tạo này.

Viện, được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập vào năm 1981 tại Roma, quy tụ sinh viên từ khắp nơi trên thế giới, từ Italia, Slovaquia, Israel, Liban, Mêxicô, Chili... để được đào tạo về mục vụ gia đình, để “đào sâu kiến thức về chân lý của hôn nhân và gia đình, dưới ánh sáng của đức tin, với sự trợ giúp của các khoa học nhân văn, nhằm phát triển một hoạt động mục vụ với chất lượng luôn luôn được nâng cao”... Sau hai năm học và làm luận án, các học viên sẽ ra về với bằng Thạc sĩ “Khoa học về hôn nhân và gia đình”, để rồi, tại xứ sở của họ, họ sẽ mở các trung tâm hay hoạt động tại các trung tâm mục vụ gia đình, các cơ sở tiếp nhận các bà mẹ gặp khó khăn, các khóa chuẩn bị hôn nhân...

Mục vụ gia đình hẳn cũng phải là niềm hy vọng của gia đình tín hữu hôm nay.

2. Giáo xứ

a) Tín hữu giáo dân và giáo xứ

Giáo xứ là nơi đầu tiên tiếp đón người tín hữu khi bước ra khỏi gia đình để được tiếp tục việc đào tạo làm người rao giảng Tin Mừng. Tổ chức giáo xứ chính là nơi người tín hữu giáo dân sống một cách cụ thể ‘tính cách thuộc về' Hội Thánh của Đức Kitô, tính cách thành viên của Giáo Hội: sau khi chào đời, đứa trẻ được đưa tới nhà thờ, nơi tập hợp cộng đoàn Giáo Hội tại một địa phương nhất định để sống cuộc sống Giáo Hội, để nhận bí tích Thánh Tẩy, trở thành con cái Thiên Chúa và thành viên của Giáo Hội qua cộng đoàn giáo xứ. Tên tuổi, ngày tháng chịu Thánh Tẩy của thành viên mới được ghi trong sổ rửa tội được lưu giữ tại giáo xứ. Và cũng tại đây, cùng với các thành viên của giáo xứ, người tín hữu này được tham dự các bí tích theo từng giai đoạn lớn lên và trưởng thành của đời người: bí tích Hòa Giải và Thánh Thể khi tới tuổi khôn, bí tích Thêm Sức ghi dấu ấn Chúa Thánh Thần, bí tích Hôn Nhân khi bước vào cuộc sống gia đình, bí tích Xức dầu bệnh nhân khi đau ốm và khi nhắm mắt xuôi tay, được cộng đoàn tiễn đưa tới nơi an nghỉ chờ ngày sống lại.

Cả một quá trình làm người và làm người kitô hữu diễn ra tại đây, cùng với những con người còn hơn là máu mủ ruột thịt vì đã trở thành “anh em” của Đức Giêsu bởi mối liên lạc được xây dựng trên ý của Thiên Chúa (xem Mt12, 46-50), dưới sự hướng dẫn và đồng hành của người được Chúa Kitô tuyển chọn để là sự hiện diện của Người giữa cộng đồng. Ở đây, trong giáo xứ, mọi thành viên của Giáo Hội không chỉ là những tín hữu “thiêng liêng” mà là những con người cụ thể, gặp gỡ nhau, chia sẻ những vui mừng và khó khăn cụ thể hàng ngày, hàng tuần...của cuộc sống làm người và làm người tín hữu.

Như vậy, qua việc cử hành các bí tích và các việc đạo đức của Giáo Hội, giáo xứ thực sự là nơi sống và lớn lên với sự sống mới cũng là sự sống của thành viên của Hội Thánh với Đức Kitô là đầu và mọi tín hữu là chi thể. Bởi vậy, việc tham dự vào đời sống giáo xứ là điều căn bản và cần thiết đối với việc đào tạo người tín hữu giáo dân thành người rao giảng Tin Mừng. Sắc lệnh Tông đồ giáo dân kêu gọi giáo xứ phải tổ chức làm sao để người tín hữu ngay từ tuổi niên thiếu “được tham dự vào đời sống cộng đoàn giáo xứ nơi họ đang sống thế nào để họ ý thức được mình là một thành phần sống động và hoạt động của toàn thể Dân Thiên Chúa. Các linh mục phải luôn nhớ đến việc huấn luyện tông đồ này trong khi giảng dạy giáo lý, trong các bài giảng, trong việc coi sóc linh hồn cũng như trong tất cả mọi hoạt động mục vụ khác”.

b) Giáo xứ và công việc tông đồ

Nhưng để giáo xứ có thể đóng đúng vai trò của mình, mọi thành phần của cộng đoàn giáo xứ, linh mục, tu sĩ, giáo dân cũng phải được đào tạo để có một cái nhìn thần học và mục vụ vượt lên trên cái nhìn thuần túy hay nặng tính cách bàn giấy hoặc pháp lý. Giáo xứ không thể được xem như là nơi cộng đồng có chung một ngôi nhà thờ để tụ họp hàng ngày hay hàng tuần, nơi cất giữ và cấp các giấy tờ... Cách nhìn này chỉ có thể cản trở giáo xứ trở thành nơi đào tại tín hữu trở thành tông đồ và cản trở chính công việc tông đồ của giáo xứ.

Hồng y Odilo Scherer, Tổng giám mục Sao Paulo (Brasil), trong một bài báo đăng trong tạp chí O São Paulo của Tổng giáo phận (ZENIT.org, thứ hai 15/11/2010), trong khi kêu gọi các tổ chức và cơ cấu mục vụ phải có sự trở lại với sứ vụ thừa sai của Giáo Hội, đã có những đoạn nhắc nhở về ý nghĩa thâm sâu của giáo xứ:

“Giáo xứ là bộ mặt dễ thấy nhất và cụ thể của Mầu nhiệm Giáo Hội, ‘bí tích cứu độ' trong thế gian: giáo xứ là một cộng đồng những người đã chịu phép Thánh Tẩy, được tập họp nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, sống lòng tin, lòng cậy trông và lòng mến”.

Và hồng y nhắc nhở:

Trong giáo xứ, chính là toàn thể Giáo Hội thực hiện sứ vụ Đức Kitô giáo phó: “Loan báo và đón nhận Lời Chúa: làm chứng về sự sống mới được tiếp nhận trong bí tích Thánh Tẩy, tìm kiếm và biểu lộ sự thánh thiện: tổ chức và thực thi tình bác ái mục vụ, nhân danh Chúa Giêsu, Đấng Mục tử nhân lành, và theo gương Người”.

Hồng y Scherer kết luận:

“Giáo xứ là Giáo Hội ‘ở cơ sở', nếu cuộc sống và sứ vụ của Giáo Hội được thực thi ở giáo xứ. Nếu không, Giáo Hội sẽ chỉ còn là một loạt những thể chế mà không đi tới được với dân chúng và với những con người cụ thể”.

Những lời kêu gọi này, cũng như cách nhìn của Công đồng về sứ vụ của Giáo Hội, về trách nhiệm của người tín hữu đối với sứ vụ này và sự cần thiết của công việc đào tạo người giáo dân, đã đặt toàn thể Giáo Hội trước sự cấp bách phải bảo vệ và củng cố tính bền vững của gia đình, sự canh tân giáo xứ theo chiều hướng trở thành một định chế ngày càng dấn thân vào công việc rao giảng Tin Mừng.

Kết luận

Xin dùng lời Kêu Gọi của sắc lệnh Tông đồ giáo dân làm kết luận cho bài viết này:

“Thánh Công Đồng nhân danh Chúa hết sức kêu mời tất cả các giáo dân, hưởng ứng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, Đấng giờ đây đang tha thiết mời gọi họ.

Ước gì giới trẻ hiểu rằng lời mời gọi này được đặc biệt gởi tới họ và ước gì họ vui mừng và quảng đại đón nhận.

Quả thật chính Chúa một lần nữa nhờ Thánh Công Đồng này, mời gọi tất cả các giáo dân hãy kết hợp với Người ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những gì của Người cũng là của chính mình (x. Ph 2,5), họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi của chính Người và một lần nữa Người sai họ đi tới các thành và những nơi Người sẽ đến (x. Lc 10,1). Như thế giáo dân hãy chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa, cộng tác vào cùng một công cuộc tông đồ của Giáo Hội bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Những cộng tác viên phải luôn luôn thích nghi với những đòi hỏi mới của thời đại và không ngừng ra sức phục vụ Chúa bởi biết rằng khó nhọc của mình không phải là uổng phí trong Người (x. 1Cor 15,58) (số 33).

WHĐ (7.7.2020)
Trích
Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 68 (tháng 11 & 12 năm 2011)