Tìm hiểu tự sắc của Đức Thánh Cha về các bản dịch phụng vụ "Magnum Principium"

13/06/2018

TÌM HIỂU VỀ TỰ SẮC MAGNUM PRINCIPIUM

Ngày 9 tháng 9 năm 2017, Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố một Tông Thư dưới hình thức Tự sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô “Magnum Principium” (ký ngày 03-09-2017). Tông Thư sẽ có hiệu lực từ ngày 01-10-2017. Nội dung của Tông Thư là nhằm điều chỉnh bổ sung một số điểm của Điều 838 trong Bộ Giáo luật liên quan đến vấn đề dịch các bản văn phụng vụ sang các ngôn ngữ địa phương.

Kể từ Công đồng Vatican II, công việc dịch các bản văn phụng vụ đã được quy định bởi các quy luật và các hướng dẫn rất rõ ràng do cơ quan có thẩm quyền ban hành, đó là Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích; chẳng hạn: Huấn thị Comme le prévoit của Hội đồng thực thi Hiến chế Phụng vụ (ra ngày 25-01-1969) [và Huấn thị Varietates legitimae (25-01-1994) liên quan trực tiếp đến lãnh vực hội nhập văn hóa]; Bộ Giáo luật (năm 1983); Huấn thị Liturgiam authenticam (28-03-2001). Căn cứ vào những kinh nghiệm trong quá khứ, đôi khi cũng khó khăn, Đức Thánh Cha cho rằng “nay là lúc thích hợp để một số nguyên tắc có từ thời Công đồng được tái khẳng định rõ ràng hơn và đưa vào thực hành”.[1]

Một cách cụ thể, Tự sắc “Magnum Principium” nhằm xác định rõ hơn vai trò của Toà Thánh và của các Hội đồng Giám mục trong công việc tế nhị và phức tạp này, tức công việc chuyển dịch các ấn bản mẫu bằng tiếng Latinh sang ngôn ngữ địa phương (hiện đại), hoặc là những việc thích nghi liên quan đến các bản văn và nghi thức.[2]

Thay đổi nào tại điều 838 của Bộ Giáo luật (GL)?

Theo Giáo Luật số 838 trước đây, dựa trên quyết định của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Phụng vụ Thánh [số 22], có 3 cấp độ thẩm quyền trong việc điều hành phụng vụ:[3]

Toà thánh, có trách nhiệm: (1) Điều hành phụng vụ trong toàn thể Giáo Hội (ban hành luật phụng vụ); (2) Xuất bản các sách phụng vụ và đưa ra quyết định “thừa nhận” (recognitio) bản dịch của những sách này; (3) Canh chừng để mọi quy luật phụng vụ được cẩn thủ khắp nơi. Thẩm quyền trong lãnh vực này thuộc Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật Bí tích trừ ra những vấn đề thuộc giáo thuyết, cách riêng là giáo thuyết về các bí tích, thì thuộc Bộ Giáo thuyết Đức tin.

Hội Đồng Giám Mục, lo việc dịch thuật sách phụng vụ ra các sinh ngữ / tiếng bản xứ cũng như thích nghi chúng vào văn hóa địa phương - dân tộc, chuẩn bị những nghi thức riêng đáp ứng nhu cầu tại vùng lãnh thổ thuộc quyền các ngài. Đây là một số thích nghi trong thánh lễ thuộc trách nhiệm của Hội Đồng Giám Mục: Các cử chỉ và điệu bộ bên ngoài của tín hữu (Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma (QCSL), số 24, 43); Các cử chỉ tôn kính đối với bàn thờ và Sách Tin Mừng (QCSL 273); Bản văn các bài hát nhập lễ, chuẩn bị của lễ và hiệp lễ (QCSL 48, 74,87); Các bài đọc Kinh Thánh được dùng trong những hoàn cảnh đặc biệt (QCSL 362); Cách thức trao bình an (QCSL 82); Cách thức rước lễ (QCSL 160-161, 284); Chất liệu làm bàn thờ và đồ lễ, nhất là các bình thánh, cũng như chất liệu, hình thức và màu các phẩm phục dùng trong phụng vụ (QCSL 301, 329, 332, 342, 345-346, 349)…

Giám mục giáo phận, với tư cách người quản lý trước nhất các mầu nhiệm thánh và là thượng tế của đoàn chiên, ngài được Giáo hội giao cho trách nhiệm kiểm soát, gìn giữ và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ. Trong trách nhiệm đó, ngài điều hòa kỷ luật đồng tế, ra những quy định về việc phụ giúp linh mục tại bàn thờ, về việc cho rước lễ dưới hai hình, về việc xây dựng và xếp đặt trong nhà thờ trong giáo phận của ngài...[4] 

So với trước Công đồng Vatican II, Điều 838 của Bộ Giáo luật phản ánh và cụ thể hoá bước ngoặt mới trong việc điều hành phụng vụ của Giáo Hội. Thay vì quá nhấn mạnh sự hợp nhất trong phụng vụ đến độ chỉ sử dụng một ngôn ngữ duy nhất và một lễ nghi duy nhất ở khắp nơi có thể nguy hại cho sự dị biệt và đa dạng của các nền văn hoá địa phương, thì nay, Giáo Hội tôn trọng những sắc thái văn hoá khác nhau trong phụng vụ ngay cả trong bản dịch từ ấn bản mẫu La tinh [của các bản văn phụng vụ] ra ngôn ngữ bản xứ.     

Bảng đối chiếu dưới đây cho thấy những điểm thay đổi và bổ sung tại Giáo Luật số 838 so với Giáo Luật 838 trước đây [ở những chữ được in đậm] do Tự sắc mới mang lại. Những điểm bổ sung minh nhiên chỉ liên quan đến thẩm quyền hay vai trò của Toà Thánh và của HĐGM [nằm ở triệt 2 và triệt 3]:

Điều 838 trước đây

Điều 838 hiện nay

1. Việc điều hành phụng vụ tùy thuộc hoàn toàn vào quyền bính của Giáo Hội; trong thực tế thuộc quyền Tòa Thánh và, theo quy tắc luật định, thuộc quyền Giám Mục giáo phận.

 

2. Tòa Thánh có quyền điều hành phụng vụ trong toàn thể Giáo Hội, ấn hành các sách phụng vụ, duyệt y các bản dịch sách phụng vụ ra tiếng địa phương, và canh chừng để mọi quy luật phụng vụ được cẩn thủ khắp nơi.

 

 

 

3. Các Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền soạn thảo các bản dịch sách phụng vụ ra tiếng địa phương, thích nghi cách xứng hợp các bản dịch vào văn hóa địa phương theo những giới hạn đã xác định trong các sách phụng vụ, và ấn hành các bản dịch ấy sau khi được Tòa Thánh duyệt y.

 

 

4. Giám mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ, trong Giáo Hội đã được ủy thác cho Ngài và trong giới hạn thẩm quyền của Ngài.

 

1. Việc điều hành phụng vụ tùy thuộc hoàn toàn vào quyền bính của Giáo Hội; trong thực tế thuộc quyền Tòa Thánh và, theo quy tắc luật định, thuộc quyền Giám Mục giáo phận.

 

2. Tòa Thánh có quyền điều hành phụng vụ trong toàn thể Giáo Hội, ấn hành các sách phụng vụ, thừa nhận những thích ứng đã được Hội Đồng Giám Mục tán đồng / ưng chuẩn theo quy tắc của luật, và canh chừng để mọi quy luật phụng vụ được cẩn thủ khắp nơi.

 

3. Các Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền soạn thảo các bản văn của sách phụng vụ một cách trung thành trong ngôn ngữ địa phương, thích nghi cách xứng hợp theo những giới hạn, và ấn hành các sách phụng vụ cho những vùng miền các ngài đảm trách sau khi được Tòa Thánh xác nhận / phê chuẩn.

 

 

4. Giám Mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ, trong Giáo Hội đã được ủy thác cho Ngài và trong giới hạn thẩm quyền của Ngài.

 

Vai trò của Toà Thánh và của Hội Đồng Giám Mục

Căn cứ vào nội dung của Điều 838 mới, chúng ta nhận ra là đã có một chuyển biến mới mẻ trong vai trò của Toà Thánh và Hội Đồng Giám Mục liên quan đến tiến trình dịch các bản văn phụng vụ:

1)  Thứ nhất, “Magnum Principium” tái cân bằng thẩm quyền và trách nhiệm của hai bên: Tòa Thánh và Hội Đồng Giám Mục. Ở đây, trở lại với tầm nhìn của Vatican II, tức theo xu hướng tản quyền và chú trọng tập đoàn tính, Đức Phanxicô đã gia tăng quyền hạn cho Hội Đồng Giám Mục địa phương (xét như là cơ quan trung gian giữa Toà Thánh và các Giám mục)[5] và giảm thiểu vai trò của Toà Thánh với những can thiệp có thể xảy ra trong ý định kiểm soát phụng vụ khắp nơi. Đây là thực hành mà Công đồng Vatican II đã chủ ý bớt đi vì không muốn tập trung quyền bính về trung ương Toà Thánh theo kiểu vị tướng chỉ huy ra lệnh và các thuộc cấp phải răm rắp tuân theo. Tất nhiên, Bộ Phụng Tự thánh và Kỷ luật các Bí tích vẫn nắm giữ thẩm quyền ngăn chặn các bản dịch có vấn đề và “canh chừng để mọi quy luật phụng vụ được cẩn thủ khắp nơi” (GL 838#2).

2)  Thứ hai, điểm nổi bật và cần thiết tuyệt đối được Đức Phanxicô nêu ra ở đây chính là một “sự hợp tác thường xuyên” và một tinh thần “tin tưởng lẫn nhau” trong thái độ tôn trọng phần việc riêng của nhau giữa Toà Thánh và Hội Đồng Giám Mục.[6] Để góp phần làm cho sự hợp tác với nhau được thuận lợi và dễ dàng: i] Về phía Toà Thánh, có hai hạn từ diễn tả vai trò, hành động mang tính giáo luật hay sự can thiệp của Toà Thánh, đó là “thừa nhận” (recognitio) và “phê chuẩn” (confirmatio) sách phụng vụ trước khi được ban hành sử dụng.[7] Toà Thánh thừa nhận những thích ứng đã được Hội Đồng Giám Mục tán đồng / ưng thuận theo quy tắc của luật (GL 838#2). Nói cách khác, các thích ứng, kể cả không nằm trong dự liệu của ấn bản mẫu, do Hội Đồng Giám Mục thiết lập và tán đồng, còn Toà Thánh “thừa nhận” công trình này.[8] Việc xem xét và thẩm định những thích ứng như thế là một phương cách bảo toàn và chiếu toả sự hợp nhất nền tảng của Nghi thức Roma;[9] ii] Về phía Hội Đồng Giám Mục, như từng được Công đồng Vatican II trao phó,[10] và bây giờ, thẩm quyền và hoạt động của Hội Đồng Giám Mục liên quan đến bản dịch là: chuẩn bị và thích ứng [vì tuỳ thuộc vào văn hoá – truyền thống của mỗi dân tộc] nhưng vẫn trung thành (fideliter) với bản văn gốc theo nguyên tắc hàng đầu của Huấn thị Liturgiam authenticam; tán đồng; và xuất bản. Sau đó, thẩm quyền của Toà Thánh chỉ là phê chuẩn “công trình” này (GL 838#3).   

3)  Thứ ba, trong việc làm rõ vai trò và trách nhiệm của Hội Đồng Giám Mục, tự sắc “Magnum Principium” nhấn mạnh nhiều hơn mục tiêu của Công đồng Vatican II là nhắm đến sự thích ứng hơn là đồng nhất các bản văn và nghi thức cử hành phụng vụ vì phụng vụ được cử hành bằng tiếng bản xứ và diễn ra trong bối cảnh văn hoá địa phương.[11] 

Quy trình hay thủ tục trước đây, từ năm 1563, theo sau Công đồng Trento, là trao cho Tòa Roma quyền ban hành và duyệt xét tất cả những sách phụng vụ chính yếu bằng tiếng La tinh thuộc Nghi thức Roma (Sách nguyện Roma; Sách lễ Roma; Sách Lễ nghi Giám mục; Tử đạo thư…). Lúc bấy, khỏi phải lo dịch thuật ra bất kỳ ngôn ngữ nào vì khắp Giáo Hội Công giáo La mã chỉ sử dụng một ngôn ngữ duy nhất là La tinh. Sau Công đồng Vatican II, thủ tục này đã thay đổi, những sách phụng vụ này được ban hành và xuất bản bằng tiếng La tinh trong một ấn bản mẫu [gọi là edition typica] bởi Toà Thánh, cụ thể là bởi Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật Bí tích. Hội Đồng Giám Mục sẽ xúc tiến dịch văn bản phụng vụ ra tiếng địa phương từ ấn bản mẫu La tinh với sự can thiệp của Toà Thánh khi đem trình lên Toà Thánh để được duyệt y.[12] Trong tiến trình này, đã từng xảy ra là có hàng loạt những tùng phục cả thoả mãn lẫn không thoả mãn từ phía các Hội Đồng Giám Mục cùng những sửa chữa và thay đổi phát xuất từ Toà Thánh, có khi lên đến hàng ngàn điểm. Với Tự sắc “Magnum Principium”, thủ tục trên có một số thay đổi nữa như chúng ta đã bàn ở trên.

Ảnh hưởng của Tự sắc “Magnum Principium”

Với Tự sắc mới này, từ nay:

·    Tất cả các tài liệu phụng vụ phải được chuyển dịch trong ánh sáng của tự sắc “Magnum Principium”.

·    Phải điều chỉnh lại điều 64, §3 của Tông hiến “Pastor Bonus” (1989); Duyệt lại một vài số của “Quy chế Tổng quát về Sách lễ Roma” và “Prænotanda” (Những điều cần biết trước) về các sách phụng vụ (2002); Huấn thị “Liturgiam authenticam” cũng phải được giải thích theo ánh sáng của GL 838 mới; Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích “cũng sẽ thay đổi các quy tắc riêng của mình trên cơ sở kỷ luật mới và trợ giúp các Hội Đồng Giám Mục thực thi nhiệm vụ của các ngài”.[13] 

·   Quyền hạn và trách nhiệm dịch thuật nặng nề được trao phó cho Hội Đồng Giám Mục để đặc nét của mỗi ngôn ngữ vẫn được bảo vệ an toàn, đồng thời ý nghĩa của bản văn gốc vẫn giữ được trọn vẹn và trung thành. Do vậy, phương pháp dịch thuật “tương đương năng động” được nêu trong Huấn thị Comme le prévoit  (25-01-1969) xem ra sẽ được áp dụng rộng rãi hơn phương pháp dịch “tương đương hình thức” vốn theo sát mặt chữ La tinh. Thật ra, theo logic bình thường của quá trình hội nhập văn hoá, chắc chắn ở nhiều chỗ, chúng ta cũng phải lựa chọn phương pháp dịch “tương đương năng động” hơn là “tương đương hình thức”. Toà Thánh chỉ can thiệp ở giai đoạn chót của quá trình dịch thuật mà thôi và công trình dịch thuật này được thực hiện và hợp tác trước tiên bởi các Hội đồng Giám mục.

·         Chính Hội Đồng Giám Mục ấn hành các sách phụng vụ cho những vùng miền các ngài đảm trách sau khi được Tòa Thánh xác nhận / phê chuẩn (confirmatio). Hạn từ xác nhận / phê chuẩn này không nên hiểu là một sự can thiệp của Toà Thánh trong tiến trình dịch thuật mà là hành động thuộc thẩm quyền qua đó xác nhận sự tán đồng / ưng thuận của các Giám mục. Điều này giả định có việc lượng giá tích cực về sự trung thành và thích hợp của bản văn được dịch ra từ các ấn bản mẫu.[14]

Tất cả những thay đổi trên sẽ khiến cho Hội Đồng Giám Mục thêm gánh nặng và áp lực khi muốn đạt được 2/3 số phiếu đồng thuận của các thành viên trong Hội đồng trước khi đệ trình bản dịch lên Toà Thánh.[15] Điều này có nghĩa là các ngài sẽ phải xét duyệt bản dịch phụng vụ một cách cẩn trọng hơn vì không thể chỉ dựa vào Roma nữa.[16] 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS


[1] Trích lại từ [bản tin của TGP Sài Gòn] Minh Đức, “Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tự sắc về vấn đề dịch các bản văn phụng vụ” trong http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170911/39850

[2] Ibid.; Xc. Arthur Roche (Thư ký của Bộ Phụng tự Thánh và Kỷ luật Bí tích), “Chú giải Motu Proprio Magnum Principium  từ https://press.vatican.va/content/salastampa/en/bollettino/pubblico/2017/09/09/170909a.html

[3] Xc. Phan Tấn Thành, Giải thích Giáo Luật quyển 4: Nhiệm vụ Thánh hoá của Giáo Hội, 9

[4] Xc. Giáo Luật, số 387; Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma [= QCSL], số 387; Vatican II, Christus Dominus, số 15; Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật Bí tích, Circular Letter to the Presidents of Episcopal Conferences (March 15, 1994), số 1; Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 19; Notitiae 37 (2001): 397-399).

[5] Tự sắc Ecclesiae santae 1, 41 #1, 06-08-1966, AAS 58 (1966) 757-787.

[6] Xc. Arthur Roche, “Chú giải Motu Proprio Magnum Principium”. 

[7] Để hiểu rõ nghĩa của “recognition” tại sao không nên dịch là “duyệt lại” hay “duyệt y”, xin đọc thêm: John M Huels, Liturgy and Law (Montréal: Wilson & Lafleur, 2006), 54.

[8] Ibid.

[9] Xc. Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 39-40; Huấn thị Varietates legitimate (25 -01-1994).

[10] Xc. Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 36 # 4; 39-40.

[11] Xc. Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 40.

[12] Xc. Xc. Frederick R. McManus, New Commentary on the Code of Canon Law, ed. John P. Beal – James A. Coriden – Thomas J. Green (NY – NJ: Paulist Press, 2000), 1012-1015; QCSL, số 392.

[13] Xc. Arthur Roche, “Chú giải Motu Proprio Magnum Principium”. 

[14] Xc. Ibid.

[15] Xc. Giáo Luật, số 455 # 2; Vatican II, Christus Dominus, số 38.

[16] Xc. Joan Frawley Desmond, “Magnum Principium: A US Perspective” trong National Catholic Register từ http://www.ncregister.com/daily-news/magnum-principium-a-us-perspective 

LỊCH PHỤNG VỤ