THƯỜNG HUẤN LINH MỤC LÀ CẦN THIẾT

Tác giả: Hồng Y Cahal B. Daly
Triết gia và thần học gia Ái Nhĩ Lan

WGPQN (05.10.2023) – Đào tạo linh mục bắt đầu trong chủng viện và không kết thúc ở đó. Đúng ra đây là một quá trình lâu dài liên quan đến mọi khía cạnh đời sống linh mục và sứ vụ của chúng ta. Chúng ta là linh mục từ ngày thụ phong, nhưng dần lớn lên trong chức linh mục, cũng như lớn lên trong sự thánh thiện riêng mình. Chúng ta lớn lên trong chức linh mục nhờ cộng tác với ân sủng Chúa, mà cao điểm là ân sủng bí tích của việc thụ phong linh mục. Thượng Hội đồng Giám mục về đào tạo linh mục năm 1990 nhấn mạnh rằng nền tảng của mọi việc đào tạo linh mục “được chứa đựng trong tính năng động của Bí tích Truyền Chức Thánh”. Chúng ta tạo không gian cho ân sủng của Thiên Chúa triển nở trong mọi khía cạnh của tính cách chúng ta qua lời cầu nguyện, cử hành Thánh Lễ, đọc Kinh thánh trong tinh thần cầu nguyện, trung thành đọc Kinh nguyện của Giáo hội hay Phụng vụ các Giờ kinh. Chúng ta cũng tạo ra không gian này bằng cách chăm sóc mục vụ cho giáo dân của mình, bằng mối quan hệ của chúng ta với giám mục và các linh mục đồng nghiệp của mình cũng như với các cộng tác viên giáo dân, bạn bè cũng như với chính gia đình mình. Chúng ta cũng mở rộng không gian này bằng cách học hỏi thần học và những gì thường được gọi là “Spiritual reading” (thực hành đọc các sách và bài viết về linh đạo để tiến triển về sự thánh thiện).

Hiện nay, học tập suốt đời được coi là cần thiết để đạt được sự thực hành phù hợp trong hầu hết mọi ngành nghề. Mặc dù chức linh mục là một ơn gọi độc nhất và không thể xếp vào các nghề nghiệp khác, tuy nhiên, thường huấn là cần thiết không kém để thi hành sứ vụ linh mục cách hiệu quả.

Trong tất cả những đặc tính cần có trong sứ vụ linh mục, và vì thế cũng trong việc đào tạo để làm sứ vụ, điều thiết yếu nhất là sự thánh thiện cá nhân. Hầu hết các chương trình và nguồn lực đào tạo linh mục phải hướng tới sự thánh thiện cá nhân. Điều này bao gồm việc siêng năng đọc sách và các khóa cập nhật về thần học và kinh thánh. Thần học tự nó là kết quả của việc nghiên cứu về Thiên Chúa tự mặc khải và suy tư về Thánh Kinh được Giáo hội thực hành qua các thời đại: chúng ta gọi điều sau là truyền thống (tradition). Karl Rahner nói rằng điều mà Giáo hội ngày nay cần trên hết là “thần học quỳ gối” (theology on its knees). Thần học là tôi tớ của đức tin. Thần học là tìm kiếm tâm trí của Giáo hội, điều là một với tâm trí của Đức Kitô.

Đây là loại thần học mà Yves Congar, Henri de Lubac, Hans Urs von Balthasar và những người khác đã gây cảm hứng cho Công đồng Vatican II và dẫn đến một trong những thời kỳ canh tân vĩ đại trong lịch sử Giáo hội. Sự đổi mới đó vẫn đang được diễn tiến. Kiểu thần học ấy vẫn còn hoạt động và có kết quả trong Giáo hội. Không có loại thần học nào khác thực sự mang lại sự sống. Việc đọc và học hỏi thần học cho chính mình là điều bắt buộc. Chia sẻ việc đọc như vậy với đồng nghiệp là điều hữu ích và cần thiết. Nhiều khóa bồi dưỡng về thần học và thánh kinh được tổ chức ở cấp giáo phận, quốc gia hoặc quốc tế. Những cuộc gặp gỡ các giáo sĩ, dù ở cấp giáo phận hay giáo hạt hay dưới sự bảo trợ của phong trào tâm linh này kia hoặc huynh đoàn giáo sĩ, tất cả đều rất hữu ích.

Khi chúng ta từ chối việc thường huấn (hay nói rằng nó không cần thiết!) là dẫn đến sự mất mát về mặt tinh thần của chính mình và của giáo dân mình. Nếu chúng ta không ngày càng đồng hóa mình nhiều hơn với căn tính linh mục của mình, thì chúng ta có thể không còn là linh mục nữa về mọi khía cạnh mà chỉ còn là danh xưng. Tài liệu hậu Thượng Hội đồng, Pastores dabo Vobis, nói về “một loại mỏi mệt nội tâm” có thể xảy ra trong cuộc đời của linh mục độ tuổi trung niên. Tài liệu xem thường huấn là đặc biệt phù hợp với tình trạng này. Ngày nay, khi các linh mục ngày càng ít hơn và già hơn, khả năng mệt mỏi, “stress” và “kiệt sức” ngày càng tăng; và do đó, nhu cầu thường huấn ngày càng lớn hơn bao giờ hết. Mặt khác, chính các linh mục lớn tuổi có thể là “nhà đào tạo” tốt nhất cho các linh mục trẻ, bằng gương sáng của chính họ, bằng lòng yêu mến chức linh mục và bằng sự nhiệt tình của chính họ đối với sứ vụ linh mục. “Sứ vụ theo nhóm hàng ngang” (Peer-group ministry) có nhiều cơ hội nhất giữa chính các linh mục, hoặc qua bí tích hòa giải được ban cho nhau, hoặc qua việc hướng dẫn thiêng liêng cho nhau. Đây là một môi trường tuyệt vời để thực hiện điều được gọi là “sự lây lan của tính thánh thiện” (contagion of holiness) giữa chính các linh mục với nhau.

Pastores dabo Vobis kết thúc bằng cách đặt mọi công cuộc đào tạo linh mục dưới sự bảo trợ của Đức Maria, “người đã đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa tốt hơn bất kỳ ai khác”. Mẹ là người tiếp tục “tỉnh thức nhìn theo sự phát triển của các ơn gọi và đời sống linh mục trong Giáo hội”.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: A New Ireland Memories and Reflections of Cardinal Daly
Nguồn: gpquinhon.org