LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
Tháng 10 năm 2020
DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT
Quý Cha và quý Tu
sĩ rất thân mến,
Nhân ngày Thế Giới
Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến toàn thể Giáo Hội Sứ điệp
với chủ đề “Dạ, con đây, xin hãy sai con
đi” (Is 6,8) để đánh thức nơi mỗi kitô hữu niềm đam mê và lòng nhiệt
thành đem Tin Mừng cho toàn thế giới. Phần tôi, trong Thư Chung gửi gia
đình Giáo phận dịp Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2019, tôi đã bày tỏ lòng mong
ước được thấy “mọi người nỗ lực vun trồng trong Giáo phận một Mùa Xuân Truyền Giáo”[1] và
trong Thư Chung hướng dẫn việc cử hành Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường (2019),
tôi cũng nói lên lòng xác tín là để làm cho thế giới nhận biết được tình yêu của
Chúa thì cách giới thiệu tốt nhất chính là con đường của Lòng Thương Xót.[2] Gần
đây[3], tôi
lại có Văn thư gửi toàn thể Giáo phận về quyết định thành lập bốn Hội Giáo
Hoàng Truyền Giáo để thúc đẩy toàn thể Giáo phận nuôi dưỡng tinh thần và dấn
thân cho việc truyền giáo.
Để đáp lại lời mời
gọi của Đức Thánh Cha và tiếp tục những tâm tình đã bày tỏ trong các Thư Chung
nói trên, tôi xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi suy tư qua đề tài “Dấn thân truyền giáo với Lòng Thương
Xót”.
1. Giáo phận với thao thức truyền giáo
Trong Ngày Thường
Huấn vừa qua (24-25/9/2020), tôi đã chia sẻ nhiều điều với quý Cha có mặt, đặc
biệt tôi xin quý Cha, nhất là quý Cha Chánh Xứ, trong việc tổ chức đời sống và
hoạt động mục vụ cần nhắm đến việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ thành Cộng đoàn
Thánh thiện, Cộng đoàn Hiệp nhất, Cộng đoàn Bác ái và Cộng đoàn Truyền
giáo. Bốn yếu tố trên đây nối kết chặt chẽ với nhau, nhưng trong bối cảnh
của Tháng Mười, Tháng được Giáo Hội dành riêng để thúc đẩy mọi thành phần dân
Chúa cầu nguyện và cộng tác tích cực vào công cuộc truyền giáo của toàn thể
Giáo Hội, tôi muốn có đôi suy tư riêng về khía cạnh Truyền giáo.
- Thách đố dấn thân truyền giáo
Trong suốt năm
qua, cuộc sống của thế giới đã bị xáo trộn và bị ghi đậm bởi những dấu ấn của
nhiều đau khổ và thử thách do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước tiên, phải nói đến
số người bị lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh, gây ra những đau khổ, buồn phiền
và lo lắng cho những người thân trong gia đình và cho xã hội; tiếp theo là những
người bị thất nghiệp, bị phá sản tạo ra cảnh thiếu thốn và nợ nần cho nhiều gia
đình; những người hay nhóm người lợi dụng hoàn cảnh để làm giàu trên sự khốn khổ
của tha nhân, những nhóm tội phạm làm cho xã hội thêm bất ổn; nhiều quốc gia đã
lợi dụng dịch Covid-19 để chèn ép hay hạn chế các sinh hoạt tôn giáo một cách bất
công; những người rơi vào tình trạng thất vọng, đánh mất niềm tin ngày càng gia
tăng. Hoàn cảnh này của thế giới đã được Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo ví
như hoàn cảnh của các môn đệ gặp cơn cuồng phong giữa biển cả (x. Mc 4,35-41):
“Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập.
Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh
và mất hướng… Chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm. Đau đớn
và cái chết làm cho chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của con người.[4]
Tuy nhiên, bên cạnh
những bóng tối làm thế giới hoảng sợ, người ta cũng chứng kiến nhiều mảng sáng,
nhiều hình ảnh tốt đẹp in đậm màu hy vọng, chẳng hạn, các tín hữu ở nhiều nơi vẫn
nỗ lực vun trồng đức tin và sống đời đạo đức, nhất là qua việc thực thi đức ái,
dù giữa bao khó khăn của cuộc sống hằng ngày; nhiều linh mục và tu sĩ đã dấn
thân tìm mọi phương cách giúp giáo hữu sống Đức Tin, trợ giúp người khó khăn;
nhiều bác sĩ, nhân viên y tế và các thiện nguyện viên xả thân phục vụ bệnh nhân
trong những hoàn cảnh rất nguy hiểm; những nghĩa cử bác ái được thể hiện với
lòng nhân hậu ở khắp nơi, nhất là trong các giáo xứ. Đó là những dấu chỉ sống động
về sự hiện diện của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót đang thách đố sự dấn
thân truyền giáo của mọi tín hữu, nhất là các linh mục và tu sĩ.
Thế giới hôm nay
vẫn còn biết bao người lao đao khốn khổ vì cuộc sống khó khăn, bao người đau yếu
và cô đơn, bao người đang chán nản tuyệt vọng vì đã lìa bỏ Chúa hay vì chưa bao
giờ biết Chúa! Trong hoàn cảnh này, lời mời gọi của Thiên Chúa đối với ngôn sứ
Isaia lại vang lên cách mạnh mẽ và khẩn thiết thách đố cho mọi con cái của
Chúa, nhất là các linh mục và tu sĩ: “Ta
sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (Is 6,8). “Lời kêu gọi này xuất
phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo
Hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay.”[5] Như
ngôn sứ Isaia năm xưa, hôm nay chúng ta cũng cần sẵn sàng và hân hoan thưa lên:
“Dạ, con đây, xin hãy sai con đi.”
(Is 6,8).
- Linh mục và Tu sĩ là muối men của Cộng đoàn Truyền giáo
Đối với các linh
mục và tu sĩ, lời thưa “Dạ, con đây, xin
hãy sai con đi” không chỉ diễn tả tinh thần truyền giáo của cá nhân linh mục
hoặc tu sĩ, mà còn thách đố về khả năng làm cho cộng đoàn của mình trở
thành cộng đoàn truyền giáo, trong đó mỗi thành viên luôn ý thức mình là chứng
nhân của Chúa Giêsu trước mặt mọi người, nhất là những người chưa biết Chúa. Điều
này đòi mỗi linh mục và tu sĩ không những phải có ý thức về trách nhiệm truyền
giáo mà còn phải mang trong mình nhiệt huyết truyền giáo lớn mạnh bắt nguồn từ
lòng say mến Chúa Giêsu và lòng xác tín Chúa Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại
đang mong chờ. Do đó, điều mà mỗi linh mục và tu sĩ khao khát nhất là làm sao mọi
người gặp được Chúa Giêsu và khám phá được niềm vui và sự an bình từ cuộc gặp gỡ
đó.
Ngày nay khi nhìn
vào thế giới người ta thường liệt kê ra hàng trăm vấn đề: bất công, bạo lực,
chiến tranh, nghèo đói… rồi tìm cách giải quyết các vấn đề dựa theo suy nghĩ
loài người với các phương tiện trần thế, tưởng mình có thể giải quyết các vấn đề
của nhân loại mà không cần Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Đây là căn bệnh trầm trọng
nơi nhiều con cái Giáo Hội mà ĐHY Suhard đã nói đến hơn 60 năm trước khi còn là
Tổng Giám mục Paris: “Tình trạng Giáo Hội và thế giới ngày nay rất nghiêm trọng,
không phải chỉ vì nhiều đám đông dân chúng không tin Thiên Chúa, nhưng nhất là
vì có nhiều tâm hồn tận hiến sống như những người vô thần. Họ sống cuộc sống hằng
ngày, thiết lập chương trình và dự tính như thể Thiên Chúa không hiện diện
trong cuộc đời của họ”.[6]
Là linh mục và tu
sĩ, chúng ta cần tự hỏi lòng mình xem có thực sự xác tín Chúa Giêsu là Đấng Cứu
Thế và là kho tàng quý giá nhất mà chúng ta có thể dâng tặng cho thế giới
không? Chúng ta có thực sự muốn giới thiệu Chúa Giêsu cho tha nhân, nhất là các
anh chị em chưa biết Chúa không? Bao nhiêu phần trăm các sinh hoạt mục vụ và thời
giờ của chúng ta dành cho anh chị em chưa biết Chúa?
2. Lòng thương xót là con đường tốt
nhất để đi vào lòng người
Làm sao để đụng
chạm tới lòng những người đau khổ và thất vọng, những người tội lỗi, nhất là những
người chưa bao giờ biết Chúa? Những người đau khổ, thất vọng và tội lỗi thường
có khuynh hướng đóng cửa lòng lại, còn những người xa lạ với Chúa, hoặc đã từng
từ khước Chúa, lẩn tránh Chúa hay đơn giản chỉ vì không thể tưởng tượng được
Chúa như thế nào. Đây chính là hoàn cảnh của nhân loại sau tội nguyên tổ: “Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo
trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối
trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi
con người và hỏi: Ngươi ở đâu? Con người thưa: Con nghe thấy tiếng Ngài trong
vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” (St 3,8-10). Thiên
Chúa đi tìm loài người lầm than (trần truồng) và tội lỗi (lẩn trốn
Chúa). Đây chính là con đường của lòng thương xót. Vì vậy, con đường để
chúng ta đến với nhân loại khổ đau và xa cách Chúa chắc chắn không thể là con
đường nào khác ngoài con đường chính Chúa đã dùng để đến với nhân loại.
- Thế giới thiếu thốn lòng thương xót
Thế giới đang
khao khát những dấu hiệu của lòng thương xót, nhưng đây lại là điều thiếu thốn
nhất. Xã hội ngày nay sinh hoạt và tổ chức theo não trạng hưởng thụ, thành
công, lợi nhuận, danh vọng, chức quyền nên những đức tính nhân bản thiết yếu
như cảm thông, tha thứ, hiền dịu, hy sinh ngày càng bị coi thường. Bầu khí của
xã hội xem ra cũng tác động đến nhiều con cái Chúa, kể cả linh mục và tu sĩ. Có
câu nói người ta hay nghe từ môi miệng nhiều mục tử: “Đấy là luật, nếu không đáp ứng được thì đừng trở lại!” Câu trả lời
này của mục tử có thể dồn nhiều người vào chân tường, vào ngõ cụt và tuyệt vọng!
Người ta kể có một
nữ tu, đã vất vả nhiều ngày tháng mới đưa được một đôi vợ chồng rối đến gặp cha
xứ để xin giúp đỡ, nhưng họ đã nhận được câu trả lời tương tự, kèm theo thái độ
hờ hững, lạnh nhạt. Vợ chồng này đã trở về với lời thề sẽ không bao giờ gặp
“ông cha” và sẽ không bao giờ đến nhà thờ, rồi họ tiếp tục đi chùa. Tôi còn nhớ
năm xưa bên Roma, cha Giám đốc Học viện nơi tôi trọ học cũng có một câu nói
tương tự, nhưng các linh mục sinh viên thưa lại: “Nếu cứ theo luật mà làm thì chúng con không cần có cha giám đốc”. Ở
đâu cũng có luật, có truyền thống, nhưng ở đâu cũng có việc giải thích để áp dụng
luật và truyền thống. Việc giải thích và áp dụng tùy thuộc vào tấm lòng của người
giải thích và áp dụng. “Lòng mà không sáng, nhìn đâu cũng thấy tối”. Lòng không
yêu thương, trái tim khô cằn. Lòng ngại khó, nhìn đâu cũng thấy phiền hà. Lòng
biết xót thương, tâm địa bao dung và cảm được cả những nỗi khổ thầm kín. Suy nghĩ
đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện trong cuốn “Nhật ký Truyền Giáo”[7]:
Sáng nay mình dâng lễ ở nhà ông Hai Hiếu.
Ông Hai ở giữa lương dân, thậm chí cả vợ và con cháu cũng là lương dân. Ông nghỉ
đạo 70 năm rồi. Trong chuyến viếng thăm lần trước, mình đã tìm hiểu nguyên nhân
nghỉ đạo của ông.
+ Tại sao ông Hai
nghỉ đạo lâu thế?
+ Hồi xưa con ở
Trà Lồng. Có một lần con đi lễ trễ, bị ông cố Quimbrôtz bắt nằm xuống, đánh một
trận chảy máu đít. Con sợ, con giận, con bỏ đạo luôn cho đến bây giờ. Hồi ấy,
con mới có 19 tuổi.
+ Tại sao ông Hai
đi lễ trễ vậy?
+ Thì nhà con ở
sâu trong ruộng, con đi sớm không được.
- Mặc lấy lòng thương xót của Chúa
Chúa Kitô, Con
Thiên Chúa, đã xuống thế làm người để chung chia thân phận làm người, đã chịu
khổ hình, chịu chết trên thập giá, tất cả chỉ vì xót thương nhân loại lầm than
tội lỗi. Vì vậy, để mọi người hiểu biết và đón nhận Chúa Kitô, các môn đệ của
Chúa, trước tiên là linh mục và tu sĩ, phải là hiện thân của Chúa Kitô, Đấng “Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng
tôi, Người đã từ trời xuống thế” (Kinh Tin Kính). Lòng thương xót phải là
nét đặc trưng và khuôn vàng thước ngọc cho hành động của mỗi linh mục và tu sĩ:
thông hiểu và cảm thông những khó khăn của người khác trong hoàn cảnh cụ thể của
họ, xót thương người nghèo cũng như người giàu, người bệnh tật cũng như người
khỏe mạnh, người bị áp bức cũng như người quyền thế, người thành công và người
thất bại: thương yêu tất cả, không phân biệt; thương yêu người này mà không
ghét bỏ người kia, bênh đỡ người này mà không cần chửi bới người nọ, đón nhận
người tốt lành mà không xua đuổi người tội lỗi.
Tinh thần lòng
thương xót của Đấng Cứu Thế đòi các linh mục và tu sĩ phải cẩn thận rà xét lòng
mình để nhận diện các tình cảm, ý nghĩ thầm kín ẩn nấp trong lòng để thay đổi
chúng theo tinh thần lòng thương xót của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế:
“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc,
người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng
thương xót chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà
để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,12-13).
“Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc,
giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh
hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than
vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9,35-36).
Kính thưa quý Cha
và quý Tu sĩ, để thấm nhuần được lòng thương xót của Chúa trong đời sống và
trong cung cách đối xử với tha nhân, chúng ta cần say mến Chúa Giêsu đến độ
không cần gì ngoài tình nghĩa của Người như thánh Phaolô đã diễn tả trong thư gửi
tín hữu Philiphê: “Những gì xưa kia tôi
cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất
cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu,
Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức
Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9). Xin Đức Mẹ dẫn dắt chúng
ta đến với Chúa Giêsu và học nơi Con của Mẹ lòng nhân hậu và khiêm nhường (x.
Mt 11,29).
Thân mến chào quý
Cha và quý Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc