THƯ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GỬI CÁC GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO
GIA ĐÌNH: ƠN GỌI TÌNH YÊU VÀ SỨ VỤ THƯƠNG XÓT
Anh chị em rất thân mến trong Đức Kitô,
Vì quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình Công
giáo trong thế giới ngày nay, từ ngày 4 đến ngày 25 tháng 10 năm 2015, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục để bàn về Gia đình,
sau đó, ngày 8 tháng 4 năm 2016, ngài đã ban hành Tông huấn Niềm vui của Tình
yêu để hướng dẫn Dân Chúa trong việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Tiếp nối
giáo huấn của Đức Thánh Cha, trong Thư Chung đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã
đề nghị một lộ trình mục vụ cho 3 năm (2017-2019) với chủ đề gia đình ở ba khía
cạnh khác nhau. Nay, chúng tôi muốn gửi đến anh chị em bức tâm thư để chia sẻ
những “vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng” của anh chị em trong đời sống
gia đình, cũng như đồng hành với anh chị em trong việc xây dựng gia đình Công
giáo trong ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh.
VẺ ĐẸP CỦA GIA ĐÌNH
1. Hôn nhân và gia đình gắn liền với chiều dài của
cả lịch sử nhân loại, từ lúc tạo thành cho đến tận thế (x. St 4; Kh 21,2.9). Những
câu chuyện về gia đình xuất hiện rất nhiều trong Kinh Thánh Cựu Ước. Đến thời
Tân Ước, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong khung cảnh
mái ấm gia đình Nazarét, khiêm tốn vâng lời Thánh Giuse và Đức Maria. Khi thi
hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến đời sống gia
đình: dấu lạ đầu tiên Người thực hiện là tại tiệc cưới Cana để giúp đôi tân hôn
vượt qua khó khăn (x. Ga 2,1-11); Người chia sẻ tình bạn với gia đình ông
Lazarô (x. Lc 10,38); đến thăm gia đình ông Phêrô (x. Mc 8,14); chia sẻ nỗi niềm
với các gia đình đang chịu thử thách (x. Mc 5,41; Lc 7,14-15). Tất cả đều nói
lên vẻ đẹp và tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình trong chương trình của
Thiên Chúa.
Thật vậy, chính Thiên Chúa đã tạo dựng người nam
và người nữ, liên kết cả hai nên một (x. St 2,24; Mt 19,4), một sự hòa hợp sâu
xa, cả thân xác lẫn tinh thần, nhờ tình yêu tự nguyện trao ban. Nhờ đó, đôi vợ
chồng trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa tình yêu và tham dự vào công
trình tạo dựng của Ngài bằng việc sinh sản và giáo dục con cái. Tóm lại, “Hôn
nhân Kitô giáo phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người, được
thể hiện trọn vẹn trong sự kết hợp giữa người nam và người nữ, họ hiến thân cho
nhau trong một tình yêu độc hữu và sự trung thành trong tự do, để thuộc trọn về
nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh. Họ được thánh hiến nhờ bí tích
trao ban ân sủng để xây dựng một Hội Thánh tại gia và là men của đời sống mới
cho xã hội” ( Niềm vui của tình yêu, 292).
2. Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì cho đến nay, rất
nhiều gia đình Công giáo tại Việt Nam đã sống và thể hiện vẻ đẹp này, thực sự
là Hội Thánh tại gia khi dựng xây gia đình mình thành cộng đoàn thờ phượng,
ngôi nhà hiệp thông, mái ấm nuôi dưỡng và phát triển tình yêu. Những gia đình
này đã và đang góp phần rất lớn vào đời sống Hội Thánh bằng việc cống hiến cho
Hội Thánh những Kitô hữu nhiệt thành và đạo đức, vun trồng ơn gọi linh mục và
tu sĩ. Bản thân các giám mục chúng tôi cũng được lớn lên trong các gia đình đạo
đức, nhờ đó hạt giống ơn gọi được nuôi dưỡng và lớn lên trong cuộc đời. Chính
vì thế, chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với các gia đình, đồng thời
xác tín rằng gia đình thực sự là con đường Hội Thánh phải đi, và mọi kế hoạch mục
vụ của Hội Thánh phải khởi đi từ gia đình (Đại hội Dân Chúa Việt Nam, 2010).
NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO GIA ĐÌNH NGÀY NAY
3. Tuy vậy, chúng ta không thể phủ nhận thực tế
này là tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia
tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối;
một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống
chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường...Vậy,
đâu là nguyên nhân dẫn đến những tình trạng đáng buồn trên? Chúng ta có thể làm
gì để giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và thử thách, làm mới lại vẻ đẹp của hôn
nhân và gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa?
4. Theo Kinh Thánh, ngay từ đầu, gia đình đã bị tổn
thương trầm trọng vì tội lỗi. Tương quan vợ chồng được định hình bằng sự thèm
muốn và thống trị hơn là yêu thương và phục vụ (x. St 3,16). Tương quan giữa
anh chị em trong gia đình cũng bị đổ vỡ nặng nề như Kinh Thánh kể lại: Cain giết
em trai mình là Abel, các con của tổ phụ Giacóp ghen tị và tìm cách làm hại người
em là Giuse, các con vua Đavít tàn sát lẫn nhau...
Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong suốt chiều dài
lịch sử nhân loại và ở mỗi thời đại, lại có những thách đố mới. Trong Tông huấn
Niềm vui của tình yêu, Đức giáo hoàng Phanxicô chỉ cho chúng ta thấy những
nguyên nhân gây tác động tiêu cực trên đời sống gia đình ngày nay.
5. Trước hết là những khó khăn về mặt kinh tế và
xã hội. Trong ba thập niên qua, khi đất nước chuyển từ kinh tế tập trung sang
kinh tế thị trường, đời sống kinh tế phát triển nhưng khoảng cách giàu nghèo
cũng gia tăng rất nhanh và rất lớn. Có những người quá nghèo, không công ăn việc
làm, không nhà ở, nên cũng không dám kết hôn. Gắn với kinh tế thị trường là
tình trạng di dân đã trở thành phổ biến tại Việt Nam, gây tác động lớn trên đời
sống gia đình, nhất là những tác động tiêu cực. Vì hoàn cảnh, chồng phải đi làm
xa, để vợ và các con ở lại quê nhà; hoặc hai vợ chồng đi làm xa, để các con lại
cho ông bà chăm sóc; hoặc cả gia đình đưa nhau lên thành phố, sống trong những
khu lao động chật chội. Tất cả đều gây tác động cụ thể trên đời sống vợ chồng
cũng như việc giáo dục con cái. Ngoài ra, tình trạng nghiện ngập (ma túy, rượu
chè, cờ bạc) cũng như nạn bạo hành đang gieo rắc đau khổ trên biết bao gia
đình, không những gây khó khăn cho đời sống kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp
lên sự bình an và hạnh phúc của cả nhà.
Bên cạnh đó, trong thời đại toàn cầu hóa ngày
nay, chúng ta không thể không quan tâm đến những tác động của văn hóa thời đại
trên các gia đình, cách riêng những gia đình trẻ. Đó là nền văn hóa đề cao cá
nhân đến mức cực đoan, ai cũng coi bản thân mình là nhất, từ đó dẫn đến xung đột
giữa các thành viên và làm suy yếu những mối liên kết trong gia đình. Đó còn là
nền văn hóa đề cao lối sống hưởng thụ, chỉ muốn tiêu xài và thụ hưởng chứ không
muốn nhận trách nhiệm. Nền văn hóa này biến quan hệ tình dục thành món hàng mua
vui, nhìn người khác như dụng cụ và phương tiện cho mình thỏa mãn, chứ không phải
một chủ thể để tôn trọng và yêu thương. Đó cũng là nền văn hóa chủ trương sống
nhanh, sống gấp, do đó người ta chỉ muốn những quan hệ mau qua mà không muốn
cam kết lâu dài.
6. Hậu quả là tình trạng ly thân, ly dị, gia đình
đổ vỡ ngày càng nhiều, để lại những tổn thương tâm lý nặng nề trên đôi bạn, nhất
là những tác động xấu trên con cái, từ đó ảnh hưởng đến đời sống chung trong xã
hội và Hội Thánh. Đức giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định: “Ly dị là một điều xấu
và số lượng các vụ ly dị ngày càng gia tăng là điều rất đáng lo ngại. Vì thế,
không nghi ngờ gì nữa, nhiệm vụ mục vụ quan trọng nhất của chúng ta đối với gia
đình là phải củng cố tình yêu của đôi bạn, giúp họ chữa lành những vết thương,
để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại chúng
ta” (Niềm vui của tình yêu, 246).
HỠI GIA ĐÌNH, HÃY TRỞ THÀNH HỘI THÁNH TẠI GIA
7. Đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và vì hạnh
phúc của các gia đình, chúng tôi tha thiết xin anh chị em hãy kiến tạo gia đình
mình thành Hội Thánh tại gia, nghĩa là ngôi nhà thờ phượng, mái ấm tình yêu,
ngôi trường giáo dục.
Gia đình là ngôi nhà thờ phượng khi gia đình tràn
ngập sự hiện diện của Chúa. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của anh chị em khi mọi
người trong nhà cầu nguyện chung, lắng nghe Lời Chúa và mời Chúa đến thăm: “Này
Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ
dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Do đó việc lập
bàn thờ và cầu nguyện chung trong gia đình là điều rất quan trọng với gia đình
Công giáo. Những giờ cầu nguyện chung liên kết mọi người trong Chúa, giúp chúng
ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố gia đình, cùng nhau vượt qua
những khó khăn trong cuộc sống và trở nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời.
Đây là kinh nghiệm sống động của biết bao gia đình Công giáo để lại cho chúng
ta, cũng là lời khuyên nhủ chí tình của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Cầu nguyện
trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục
sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên
Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những
nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết
sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác, cầu xin Đức
Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những
phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Niềm
vui của tình yêu, 318).
Càng sống trong một thế giới xa lạ và thậm chí
thù nghịch với đức tin Công giáo, gia đình tín hữu càng phải là “những lò lửa đức
tin sống động và chiếu sáng” giữa thế gian. Đây chính là cách chúng ta thực thi
chức tư tế do Phép Rửa “trong việc lãnh nhận các bí tích, trong kinh nguyện và
tạ ơn, qua chứng từ đời sống thánh thiện, sự từ bỏ, lòng bác ái sống động”
(Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1657).
8. Gia đình còn là mái ấm của tình yêu và lòng
thương xót. Trong thông điệp Niềm vui của tình yêu, Đức giáo hoàng Phanxicô
dành phần lớn của chương bốn để suy tư về tình yêu trong hôn nhân, dựa vào Bài
ca Đức Ái (1Cr 13). Theo đó, gia đình là nơi mỗi chúng ta cảm nghiệm, học tập
và vun đắp tình yêu chân thật.
Đó là tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người
khác như họ là;
tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời
nói nhưng bằng hành động cụ thể;
tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả
của người khác;
tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình
hơn người khác;
tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi;
tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;
tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để
thông cảm và tha thứ hơn là soi mói;
tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ
không vui vì sự thất bại của họ;
tình yêu chịu đựng, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét
đoán và nói xấu;
tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống
trị nhưng tôn trọng người khác;
tình yêu hi vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ
đường thẳng bằng những nét cong;
tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực.
9. Là mái ấm tình yêu và lòng thương xót, gia
đình phải là nơi đón nhận và trân trọng sự sống. Tự bản chất, tình yêu vợ chồng
hướng đến việc sinh sản. Con cái không phải là điều gì đó được thêm vào cách ngẫu
nhiên, nhưng phát xuất từ chính tâm điểm của tình yêu, là hoa trái và sự phong
phú của tình yêu. Chính vì thế, gia đình được coi là cung thánh của sự sống. Vì
giá trị tối thượng của sự sống và vì quyền sống của con người ngay từ giây phút
khởi đầu, không ai và không điều gì có thể biện minh cho việc tước đoạt sự sống
của các thai nhi. Trong hai thập niên qua, chúng ta phải đau lòng nhìn nhận rằng
tình trạng phá thai ngày càng trở thành phổ biến và gia tăng tại Việt Nam, kể cả
trong một số gia đình Công giáo. Với ơn Chúa, anh chị em hãy can đảm dứt khoát
với hành động phá thai, trở thành người xây dựng nền văn minh tình thương và
văn hóa sự sống, thay cho nền văn minh thù hận và văn hóa chết chóc.
Trong mái ấm của tình yêu và lòng thương xót,
không thể không nói đến bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Không ai
trong chúng ta tự ban sự sống cho mình nhưng đều đón nhận sự sống từ Thiên Chúa
qua cha mẹ. Vì thế, nếu sự sống là hồng ân lớn lao nhất chúng ta lãnh nhận, thì
hiếu thảo với cha mẹ cũng phải là bổn phận căn bản của đạo làm con. Không lạ gì
trong Mười Điều Răn, bổn phận thảo kính cha mẹ chỉ đứng sau điều răn thờ phượng
Chúa và dẫn đầu những điều răn khác trong tương quan với tha nhân. Lòng hiếu thảo
này được thể hiện qua sự vâng phục cha mẹ (x. Cn 6,20-22), cũng như qua trách
nhiệm trợ giúp cha mẹ về vật chất và tinh thần khi các ngài về già hoặc đau yếu
(x. Hc 3,2-6).
Cũng ở đây, cần phải nói đến bổn phận chăm sóc
người cao tuổi, vốn là nét đẹp truyền thống trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy
nhiên, trong thời đại quá đề cao thành công vật chất và hiệu năng sản xuất ngày
nay, người ta có khuynh hướng coi người già như gánh nặng của xã hội và muốn loại
ra bên lề. Chúng ta cần phải có cách nhìn tích cực hơn về vai trò của người cao
tuổi. Thật vậy, người già là ký ức của lịch sử, sợi dây nối kết các thế hệ, người
truyền lại kinh nghiệm và sự khôn ngoan cho con cháu. Vì thế, một gia đình
không biết trân trọng người già thì gia đình đó đang trên đà suy thoái; ngược lại,
gia đình tôn quý người cao tuổi là gia đình có tương lai bền vững.
10. Gia đình cũng là ngôi trường giáo dục đầu
tiên và căn bản. Ngày nay, nói đến giáo dục, người ta thường chỉ nghĩ đến giáo
dục tại học đường mà quên rằng giáo dục là bổn phận đầu tiên và cao cả nhất,
cũng là quyền ưu tiên của gia đình, nhất là về mặt nhân bản, đạo đức và đức tin
tôn giáo.
Gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy những giá trị
nhân bản. Những năm tuổi thơ trong gia đình sẽ hình thành những khuynh hướng
căn bản, ăn rễ sâu và kéo dài trong suốt cuộc đời còn lại. Gia đình cũng là nơi
trẻ thơ tập sống mối liên hệ với người khác, tập lắng nghe và tôn trọng tha
nhân; nhờ đó, khi bước vào đời sống xã hội, các em sẽ sống tử tế và hòa hợp với
mọi người, thay cho lối sống ích kỷ và chỉ tìm cách thống trị người khác.
Song hành với giáo dục nhân bản là giáo dục đạo đức.
Trong bối cảnh xã hội được coi là xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức, chúng ta
càng phải quan tâm hơn đến lãnh vực này. Chính các bậc cha mẹ phải tập cho con
những thói quen tốt, hình thành những nguyên tắc và luật lệ trong đời sống, học
cách sử dụng tự do cách khôn ngoan và đúng đắn. Để được như thế, cha mẹ cần tạo
được sự tin tưởng của con cái và cách giáo dục tốt nhất chính là cách sống và
gương sáng hằng ngày của cha mẹ.
Trong lãnh vực này, thiết nghĩ cần phải có cái
nhìn đúng đắn và tích cực về việc sửa dạy con cái. Việc sửa dạy đích thực không
phát xuất từ sự giận dữ nhưng từ tình yêu thương, giúp trẻ ý thức rằng làm sai
sẽ dẫn đến hậu quả xấu, do đó phải biết xin lỗi và đền bù những thiệt hại gây
ra. Việc sửa dạy như thế phải đi đôi với việc nhìn nhận những điều tốt lành con
cái làm, để khuyến khích chúng. Ngoài ra, trong thời đại ngày nay, các bậc cha
mẹ không thể không lưu tâm đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Phải
giúp con cái tập làm chủ những phương tiện này thay vì làm nô lệ của thế giới ảo
đến nỗi xa rời thế giới thực, không quan tâm con người thật ngay trong gia
đình.
Ngoài ra, với các bậc cha mẹ Công giáo, lãnh vực
rất quan trọng phải quan tâm là giáo dục đức tin. Có thể nói gia đình là nơi mỗi
chúng ta khám phá ý nghĩa và cảm nhận vẻ đẹp của đức tin. Đã hẳn đức tin là ơn
ban của Chúa chứ không do chúng ta, thế nhưng cha mẹ là khí cụ Chúa dùng để làm
cho mầm sống đức tin đó lớn lên và phát triển. Vì thế cha mẹ hãy tập cho con
ngôn ngữ đức tin từ những việc nhỏ bé nhất như tập làm dấu Thánh Giá, đọc kinh
Lạy Cha và Kính Mừng, hôn ảnh Chúa và Đức Mẹ...Hạt giống gieo xuống tuy nhỏ bé
nhưng mai này sẽ thành cây to (x. Mt 13,31-32). Đừng quên rằng trẻ em cần những
biểu tượng, hành động, chuyện kể, hơn là những lý luận trừu tượng. Vì thế, những
giờ kinh gia đình và những việc đạo đức có giá trị hơn nhiều bài giáo lý. Đồng
thời, để phát triển đời sống đức tin nơi con cái, cha mẹ cũng cần khuyến khích
con tham gia các lớp giáo lý và sinh hoạt đạo đức tại giáo xứ. Những sinh hoạt
này không những giúp con cái chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết đức tin, mà
còn làm phát triển nơi các em ý thức về Hội Thánh cũng như những kỹ năng sống
trong xã hội.
GIA ĐÌNH VÀ SỨ VỤ THƯƠNG XÓT
11. Chúa Giêsu một đàng đưa ra lí tưởng rất cao về
đời sống hôn nhân và đàng khác, Người lại bày tỏ sự cảm thông và gần gũi trước
những yếu đuối của con người như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người
nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, các gia đình Công giáo được kêu
gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình khác: “Nhờ ân sủng của bí tích Hôn nhân,
các gia đình Kitô hữu là chủ thể chính của mục vụ gia đình, nhất là khi họ cống
hiến chứng tá đầy vui tươi của đôi vợ chồng và gia đình, Hội Thánh tại gia” (Niềm
vui của tình yêu, 200). Với trách nhiệm chủ chăn, chúng tôi xin gửi đến anh chị
em những đề nghị sau đây:
Đồng hành với những gia đình di dân: Ngày nay, vì
hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai
trong những thành phố lớn. Chỉ có một số ít thành công, còn phần lớn gặp nhiều
khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức
tin, nhiều khi họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới.
Vì thế, chúng ta phải mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận
cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được
vun trồng, và tin tưởng bước tới tương lai ngay giữa những khó khăn thử thách.
Đồng hành với những cặp hôn nhân khác đạo: Tại Việt
Nam, tỷ lệ người Công giáo chỉ là 7%, hơn nữa các bạn trẻ ngày nay không còn sống
trong những ngôi làng hoặc khu vực tập trung người Công giáo, nhưng sống và làm
việc trong những môi trường chỉ có rất ít người Công giáo, do đó việc kết hôn
giữa người Công giáo và người ngoài Công giáo sẽ gia tăng. Trong những gia đình
này, có những khó khăn riêng do việc không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến
việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình.
Vì thế, chúng ta cần đồng hành với những gia đình này, để nâng đỡ người (vợ hoặc
chồng) Công giáo trong đời sống đức tin, hơn thế nữa, để họ có thể làm chứng
cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người trong gia đình.
Đồng hành với những gia đình bị đổ vỡ: Hội Thánh
luôn mong muốn các đôi vợ chồng sống chung với nhau đến trọn đời. Ly thân và ly
dị chỉ được xem như lối thoát cuối cùng, sau khi mọi nỗ lực hòa giải đã thất bại.
Tuy nhiên nhiều người rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh bất đắc dĩ chứ không
hoàn toàn do lỗi riêng của họ. Vì thế chúng ta cần cảm thông và đồng hành hơn
là loại trừ họ, cách riêng trong việc nuôi dạy con cái, vì trẻ thơ chính là
thành phần chịu thiệt thòi nhiều nhất do những cuộc ly thân và ly dị: “Chăm sóc
cho những người như thế không làm cho đức tin của cộng đoàn và việc làm chứng
cho sự bất khả phân li của hôn nhân bị suy yếu đi, trái lại, chính trong sự
chăm sóc này mà cộng đoàn thể hiện đức ái của mình” (Niềm vui của tình yêu,
243).
12. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo
hoàng Phanxicô dạy: “Thương xót không phải là một từ trừu tượng nhưng là một lối
sống. Nói về lòng thương xót là một chuyện, còn sống lòng thương xót lại là
chuyện khác. Dựa vào lời Thánh Giacôbê Tông đồ, chúng ta có thể nói: thương xót
mà không có việc làm thì coi như đã chết”. Trong truyền thống lâu đời của Hội
Thánh, những công việc của lòng thương xót gồm những việc về phần xác và về phần
hồn. Những việc về phần xác là: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới
ăn mặc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn
xác kẻ chết. Những việc về phần hồn là: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ
mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta,
cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Anh chị em hãy làm gương cũng như tập cho con cái
làm những việc của lòng thương xót. Chính những công việc đó sẽ huấn luyện con
cái chúng ta trở nên những con người có lòng thương xót, biến đổi gia đình
chúng ta thành ngôi nhà của lòng thương xót, góp phần làm chứng và giới thiệu
dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
13. Ngoài ngôi nhà của mỗi gia đình, chúng ta còn phải quan tâm đến ngôi nhà chung của mọi gia đình là trái đất, “người chị mà chúng ta đang chung phần sự sống, người mẹ tuyệt vời luôn mở rộng vòng tay ôm ấp chúng ta” (Laudato si, 1). Trái đất này “đang kêu khóc vì những tổn hại chúng ta gây ra do việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng những tài nguyên Thiên Chúa ban tặng” (Laudato si, 2). Ngày nay, người dân Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do tình trạng ô nhiễm môi sinh. Cá chết dọc bờ biển miền Trung, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long... là những điều được mọi người quan tâm. Các nhà khoa học cho thấy con người là thủ phạm chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu qua việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cách thiếu trách nhiệm. Các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực để đạt đến thỏa thuận chung về việc giảm bớt khí thải nhà kính.
Đây là vấn đề rất lớn, đòi hỏi những chính sách ở
tầm vĩ mô, tuy nhiên các giám mục Á châu cho rằng các gia đình có thể đóng góp
hữu hiệu vào việc chăm sóc môi trường sống bằng những việc nhỏ bé hằng ngày: tiết
kiệm nước, dùng loại đèn ít tiêu hao năng lượng, rút dây khỏi ổ cắm điện khi
không sử dụng, không đốt lá và rác thải, không xả rác ngoài đường phố, không sử
dụng hóa chất độc hại trong canh tác và sản xuất... Nếu mỗi gia đình đều ý thức
và giữ gìn như thế, thì những việc nhỏ bé hằng ngày trong mỗi gia đình sẽ trở
thành nguồn lực lớn trong việc chống ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai, ô nhiễm
không khí, và giữ gìn môi trường sống trong lành cho mọi người, hôm nay cũng
như thế hệ mai sau.
*****
14. Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Cha trên trời, cội nguồn mọi ân phúc, và thưa với Ngài:
Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu,
là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất.
Tạ ơn Cha đã thương ban cho gia đình nhân loại,
mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất.
Xin Cha ban ơn Phúc-Âm-hóa mọi gia đình,
giúp đưa ánh sáng Tin Mừng Cứu độ,
là ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an,
vào mọi lãnh vực đời sống gia đình chúng con.
Cho gia đình trở nên cái nôi của sự sống,
mái ấm của tình thương bao dung và hợp nhất,
ngôi trường giáo dục nên người tốt và hữu ích,
thành trì che chở phẩm giá của mọi người.
Cho mọi tư tưởng và việc làm của vợ chồng,
mang lại an hòa hạnh phúc cho gia đình.
Cho các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ,
nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người.
Xin Thánh Gia Thất phù hộ gia đình chúng con,
vững vàng tin yêu trong mọi gian lao thử thách,
và loan báo Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống mới,
cho mọi gia đình, bây giờ và mãi mãi. Amen.
Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ, ngày 20 tháng 11
năm 2016
Tổng thư ký HĐGMVN
(đã ký)
+Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục GP. Mỹ Tho
Chủ tịch HĐGMVN
(đã ký)