Ủy ban Giáo dục Công Giáo
Hội đồng Giám mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2022 – 2023
Các con thân mến,
Ngày mùng 05 tháng 9 sắp tới đây,
có thể nói rằng, đó là ngày toàn quốc khai giảng năm học mới 2022 – 2023. Biết
rằng, dịch bệnh Covid đã dần dần được giảm xuống, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo
về sự xuất hiện của các biến thể mới, ảnh hưởng nhiều trên các trẻ em. “Cổng
Thông Tin Điện tử của Bộ Y Tế” vào những ngày cuối năm 2021 cho biết: theo các
chuyên gia y tế hàng đầu của Hoa Kỳ, trẻ em có thể là đối tượng lây nhiễm mới của
SARS-CoV-2. Những dự đoán này đã trở nên đáng lưu tâm hơn, khi trong những ngày
gần đây, Báo Lao Động đã có bài viết: “TPHCM: Trẻ nhập
viện do mắc COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại”. Như
vậy, vẫn còn đó một sự âu lo, dè chừng, thậm chí là sợ hãi, khi chúng ta bước
vào năm học mới. Bằng tâm tình của tác giả thánh vịnh 107, chúng ta hãy phó
dâng năm học mới này cho lòng thương xót và sự quan phòng của Chúa chúng ta: “Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng
Chúa; Người ra tay cứu họ thoát ngàn nỗi gian truân, sai lời Người đến, chữa
cho lành mạnh, cứu họ khỏi sa hố sâu. Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương
của Chúa, và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần” (Tv 107,
19-21).
1. Những hiện tượng mới của dịch bệnh
Một năm đã trôi qua, nhưng cha vẫn
còn nhớ thật rõ những xáo trộn đầy lo lắng cho các con khi bước vào năm học mới:
nào là học online, nơi thì khai giảng trực tuyến, lúc thì học qua sóng truyền
hình, …tất cả đều là những hình thức mới mẻ, lạ lẫm, nhưng cũng là những thách
đố quá lớn cho giáo viên lẫn học sinh. Chúng ta cầu mong cho những khó khăn ấy
đừng quay trở lại. Tuy nhiên, như cha đã viết ở trên, trong những ngày này,
chúng ta khởi đầu năm học mới cũng bằng một niềm vui không trọn vẹn. Các con sẽ
đến trường trong bối cảnh có nhiều hiện tượng mới của dịch bệnh: “Cảnh báo dịch bệnh
sốt xuất huyết đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp” (Cổng
thông tin điện tử Y Tế TPHCM, 22.4.2022 ); “Cảnh báo mới của
WHO về bệnh đậu mùa khỉ” (Báo Điện tử Chính phủ, 17.8.2022);
Số ca mắc mới COVID-19 trong nước xấp xỉ 3.000 ca/ngày (Báo Sức Khỏe và Đời Sống
17.08.2022); Các biến thể phụ mới của biến thể Omicron là BA.4, BA.5, BA.2.75,
BA.2.12.1 với khả năng lây nhanh, số ca mắc mới đang có xu hướng gia tăng trở lại
(Tuổi trẻ online, 16.8.2022). Để
ứng phó cho những tình huống đó, các nhà hữu trách đã có những kế hoạch tiêm ngừa
Vaccine tăng cường cho cộng đồng, đặc biệt là cho độ tuổi học sinh để chuẩn bị
đến trường. Trong bài giảng tĩnh tâm cho Giáo triều Rôma năm 2000, Đức Hồng Y
Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đã nói rằng: “Thiên Chúa viết thẳng trên những đường cong”. Chúng ta cám ơn
Chúa vì tất cả những điều tốt lành, mà qua cơn dịch bệnh, chúng ta đã nhận được.
Cha ước mong cho lời tạ ơn đó thúc đẩy các con biết chạy đến với Chúa Giêsu, nhất
là trong những lúc khó khăn hay sợ hãi, vì Người luôn ở với chúng ta. Người
không những chữa lành thân xác cho mọi người (x. Mt 4, 23), mà còn thêm nghị lực,
thêm sức sống, và là chỗ dựa vững chắc cho tất cả những người đang vất vả khó
nhọc (x. Mt 11, 28).
2. Định hướng cho năm học mới
Là những người có niềm tin vào
Chúa, ngoài việc thu nạp kiến thức văn hóa, xã hội, chuyên ngành, các con còn
phải cố gắng học hỏi thêm những điều bổ ích cho đời sống đức tin của mình.
Chúng ta rất cần những hoa trái của đức tin, nhưng nó lại tùy thuộc rất lớn vào
sự trưởng thành trong đời sống đạo của mình. Sự trưởng thành ấy lại tùy thuộc
hoàn toàn vào việc học hỏi nơi Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống
(x. Ga 14, 6). Trong năm học mới này, chúng ta hướng nhìn lên Chúa Giêsu là
trung tâm của tất cả nhận thức Kitô Giáo. Chúng ta không thể nhận biết và tin
vào Thiên Chúa Ba Ngôi nếu không có sự hiện diện của Chúa Giêsu (x. Lc 3,
21-22). Chúng ta cũng không thể biết, tin và sống trong Giáo hội mà loại trừ
Chúa Giêsu, vì trong sứ mạng được ủy thác cho mình, Giáo hội là Chúa Kitô được
tiếp tục (x. Mt 28, 20). Vậy, các con hãy bám chặt vào Chúa Giêsu, vì Người là
con đường duy nhất để dẫn đến Chúa Cha, vốn là mục tiêu cuối cùng và duy nhất của
đức tin Kitô giáo (x. Cv 4, 12). Mặt khác, chúng ta là những Kitô hữu. Danh
xưng này cũng nói lên toàn bộ linh đạo đời sống đức tin của mình, đó là luôn có
Chúa Kitô hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Muốn được như vậy, các
con phải siêng năng học hỏi và noi gương đời sống Người được mô tả trong phúc
âm, áp dụng vào chính cuộc sống hàng ngày của các con. Một thân cây muốn được vững
vàng trước gió lớn, nó phải được cắm rễ sâu vào lòng đất. Nếu các con muốn được
kiên vững trong đức tin, bảo đảm cho phần rỗi đời đời của mình, một cách nào
đó, đời sống chúng ta cũng phải được cắm sâu vào Chúa Kitô như vậy. Thánh
Phaolô chính là một chứng nhân sống động cho tất cả chúng ta về một nếp sống
như vậy, khi người nói với cộng đoàn Kitô hữu tại Galata rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà
là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Bằng một cuộc sống như thế,
cha tin rằng, chúng ta không những được bảo đảm phần rỗi đời đời, mà chúng ta
còn được an vui, thanh bình và hạnh phúc ngay trong cuộc sống hôm nay nữa.
3. Lời chào chúc nhân ngày khai giảng
Các
con thân mến, chỉ còn ít ngày nữa là tiếng trống khai trường sẽ vang lên để khởi
đầu cho năm học mới. Tiếng trống này sẽ khởi động lại cho một hành trình trau dồi
kiến thức và kỹ năng cho cuộc sống của các con. Cha nguyện ước cho tiếng trống ấy
cũng mang theo một niềm vui trọn vẹn, các con sẽ an bình đến trường trong sự
che chở của Chúa và Mẹ Maria. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 14.10.2020, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài giáo lý với lời mời gọi: “Hãy can đảm, hãy tiến bước bằng cầu nguyện.
Chúa Giêsu luôn ở cùng chúng ta”. Trong niềm xác tín ấy, cha cầu chúc các
con và gia đình luôn khỏe mạnh, bình an. Chúc các con học tốt, học giỏi, luôn
biết bám chặt cuộc sống của mình vào Chúa Giêsu và phúc âm của Người, vì “Đức Ki-tô Giê-su, niềm hy vọng của chúng ta”
(1Tm 1, 1).
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 31
tháng 8 năm 2022.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo