Thư của Đức Bênêđictô XVI nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ĐGH Gioan Phaolô II

10/11/2020


THƯ CỦA ĐỨC NGUYÊN GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

NHÂN DỊP KỶ NIỆM MỘT TRĂM NĂM NGÀY SINH CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

(18.05.2020)

WHĐ (10.11.2020)Nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI viết một bức thư cho Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, nguyên là Tổng giám mục Tổng giáo phận Kraków. Hiển nhiên là không ai có thể nói về Đức Gioan Phaolô II cách sâu sắc và đúng đắn cho bằng Đức Bênêđictô XVI.

***

Sinh nhật thứ một trăm của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (18.05.2020)

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chào đời ngày 18 tháng Năm, 100 năm trước, tại thị trấn Wadowice nhỏ bé thuộc Ba Lan. Sau hơn một thế kỷ bị ba cường quốc láng giềng là Phổ, Nga và Áo chia cắt, cuối Thế chiến thứ nhất Ba Lan đã giành lại được độc lập. Sự kiện lịch sử này làm nảy sinh niềm hy vọng lớn lao nhưng cũng đòi hỏi nhiều hy sinh gian khổ khi chính quyền mới trong quá trình xây dựng lại đất nước vẫn luôn cảm thấy áp lực từ hai cường quốc Đức và Nga. Chính trong bối cảnh tuy bị áp bức nhưng trên hết được ghi dấu bởi niềm hy vọng như thế, chàng trai trẻ Karol Wojtyla đã lớn lên. Anh sớm mất mẹ, mất anh trai và cuối cùng mất cả cha nữa, người cha mà nhờ đó anh có được lòng đạo đức sâu xa và sốt mến. Chàng trai trẻ Karol đặc biệt ham thích văn học và kịch nghệ. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh đã chọn học những môn này.

“Để tránh bị trục xuất, mùa thu 1940 anh vào làm việc tại mỏ đá của nhà máy hóa chất Solvay” (x. Ân sủng và Mầu nhiệm). “Mùa thu 1942, anh quyết định dứt khoát vào Chủng viện Kraków, đây là Chủng viện được Đức Tổng Giám mục Sapieha của Kraków bí mật thành lập tại Tòa Giám Mục của ngài. Với vỏ bọc là một công nhân nhà máy, Karol bắt đầu học thần học từ những giáo trình cũ và cứ thế, đến mùng 1 tháng 11 năm 1946, anh đã được thụ phong linh mục”. (x. sđd.). Dĩ nhiên Karol không chỉ nghiên cứu thần học nơi sách vở nhưng còn qua kinh nghiệm bản thân về những tình huống khó khăn mà anh và đất nước anh đã trải qua. Đây phần nào là đặc điểm của cả đời sống và công việc của anh. Anh nghiên cứu sách vở, nhưng những vấn đề sách vở đặt ra lại trở thành thực tại mà anh trải nghiệm cách sâu xa và sống động. Với tư cách một Giám mục trẻ – là Giám mục phụ tá từ năm 1958 và sau đó là Tổng Giám mục Kraków từ năm 1964 – Công đồng Vaticanô II trở thành trường học cho toàn bộ cuộc đời và công việc của ngài. Các vấn đề quan trọng xuất hiện, đặc biệt liên quan đến tài liệu gọi là phác thảo số 13 mà sau này sẽ trở thành Hiến Chế Gaudium et Spes (Giáo Hội trong Thế Giới ngày nay), cũng là những vấn đề của chính ngài. Những lời giải đáp được Công đồng khai triển sẽ dọn đường cho sứ vụ Giám mục và sau này là sứ vụ Giáo Hoàng của ngài.

Khi Đức Hồng Y Wojtyla được chọn là Đấng kế vị thánh Phêrô vào ngày 16.10.1978, Giáo Hội đang trong tình hình bi đát. Các ý kiến bàn cãi về Công đồng được trình bày trước công chúng như sự tranh luận về chính Đức tin, khiến dường như tước mất tính chắc chắn không thể sai lầm và kiên định của Công đồng. Chẳng hạn, tình hình này được một linh mục quản xứ vùng Bavaria nhận xét như sau: “Rốt cuộc, chúng ta rơi vào một niềm tin sai lầm”. Cảm giác chẳng có gì là chắc chắn nữa, mọi chuyện đều có vấn đề, đều bị xới lên thậm chí còn trầm trọng hơn bởi phương cách thực hiện cải tổ phụng vụ. Cuối cùng, dường như chính phụng vụ tạo ra phụng vụ. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI với lòng nhiệt thành và quyết tâm đã bế mạc Công đồng nhưng ngay sau đó ngài đã phải đương đầu với những vấn đề còn thúc bách hơn mà chung cuộc là chất vấn về sự tồn tại của chính Giáo Hội. Các nhà xã hội học đã so sánh tình hình của Giáo Hội vào thời điểm đó với tình hình của Liên bang Xô Viết thời Gorbachev, thời kỳ cơ cấu quyền lực của Nhà nước Xô Viết sụp đổ trong quá trình cải cách.

Do đó, về bản chất, một nhiệm vụ hầu như bất khả thi đang chờ đợi vị Giáo hoàng mới. Tuy nhiên, ngay từ giây phút đầu tiên, Đức Gioan Phaolô II đã khơi dậy lòng nhiệt tình mới mẻ dành cho Đức Kitô và Giáo hội của Người. Trong bài giảng tại buổi lễ đón nhận sứ vụ Giáo hoàng, ngài nói: “Đừng sợ ! Hãy mở ra, hãy mở rộng cánh cửa cho Đức Kitô !” Lời mời gọi và cung bậc này sẽ là nét đặc trưng cho cả triều đại giáo hoàng của ngài và khiến ngài trở thành người khôi phục sự tự do cho Giáo hội. Điều kiện đủ để chuyện này xảy ra đến từ thực tế là vị tân Giáo hoàng xuất thân từ một quốc gia đã tích cực tiếp nhận Công đồng: hân hoan đón nhận sự đổi mới về mọi mặt chứ không phải là thái độ ngờ vực và không chắc chắn về mọi thứ.

Đức Giáo hoàng đã đi khắp thế giới, thực hiện 104 chuyến tông du mục vụ. Bất cứ nơi nào ngài đến, Tin Mừng được loan báo như thông điệp của niềm vui. Bằng cách này ngài giải thích nghĩa vụ bảo vệ những gì là Thiện hảo và phải dành cho Đức Kitô.

Trong 14 Thông điệp của mình, ngài đã trình bày thấu đáo đức tin và giáo huấn của Giáo hội một cách nhân văn. Việc này không khỏi gây ra những tranh cãi trong Giáo hội Tây phương vốn đang bị che phủ bởi sự ngờ vực và không chắc chắn.

Việc quan trọng lúc này dường như là xác định cho được điều gì thực sự là cốt lõi, để từ đây nhìn tới, chúng ta có thể đọc được thông điệp chứa đựng trong các văn bản khác. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó vào giờ sinh thì của ngài. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời vào giây phút đầu tiên của lễ kính Lòng Chúa thương xót mới được thiết lập. Trước tiên tôi xin thêm một nhận xét cá nhân ngắn gọn, nhưng xem ra là khía cạnh quan trọng trong con người và công việc của Đức Giáo hoàng. Ngay từ đầu, Đức Gioan Phaolô II đã được đánh động sâu xa bởi thông điệp của nữ tu Faustina Kowalska thuộc Kraków. Chị đề cao Lòng Chúa Thương Xót và xem đó là điều cốt lõi thiết yếu của đức tin Kitô giáo. Chị hy vọng ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót sẽ được thiết lập. Sau khi tra cứu, Đức Giáo hoàng chọn ngày Chúa Nhật thứ hai mùa Phục sinh. Tuy nhiên, trước khi quyết định dứt khoát, ngài đã xin ý kiến của Bộ Giáo lý Đức tin để xem ngày đó có phù hợp hay không. Chúng tôi trả lời là không thể bởi lẽ với một ngày lễ truyền thống cổ xưa và đầy ý nghĩa như Chúa Nhật “in Albis”, là Chúa Nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh, thì không nên chồng chất thêm các ý tưởng mới. Chắc chắn chẳng dễ dàng gì để Đức Thánh Cha chấp nhận câu trả lời của chúng tôi. Tuy nhiên, ngài đã hết sức khiêm tốn chấp nhận lần đầu và còn chấp nhận lần thứ hai câu trả lời phủ định của chúng tôi. Cuối cùng, ngài đề nghị giữ nguyên Chúa Nhật thứ hai mùa Phục sinh với dạng thức lịch sử của ngày lễ nhưng bao gồm Lòng thương xót của Thiên Chúa vào ý nghĩa nguyên thủy của ngày lễ này. Những trường hợp tương tự như vậy thường xảy ra và tôi thật sự ấn tượng trước sự khiêm tốn của vị Giáo hoàng vĩ đại này, ngài từ bỏ những ý tưởng đã ấp ủ khi không được sự đồng thuận của các cơ quan chính thức phải được hỏi ý kiến theo các chuẩn mực đã được quy định.

Khi Đức Gioan Phaolô II trút hơi thở cuối cùng lìa đời, Giờ Kinh Chiều I của lễ kính Lòng Thương Xót cũng vừa kết thúc. Sự việc này làm sáng tỏ giờ sinh thì của ngài: ánh sáng lòng thương xót của Chúa chiếu tỏa như một thông điệp an ủi trước cái chết của ngài. Trong cuốn sách cuối cùng của ngài nhan đề “Ký ức và Căn tính”, được xuất bản trước khi ngài qua đời, Đức Giáo Hoàng một lần nữa tóm tắt thông điệp về Lòng Chúa thương xót. Ngài cho thấy mặc dù nữ tu Faustina đã chết trước khi cuộc đại chiến khủng khiếp lần thứ hai bùng nổ nhưng đã đưa ra câu trả lời của Chúa cho cuộc xung đột không thể chịu đựng nổi này. Như thể qua nữ tu Faustina, Đức Kitô muốn nói rằng: “Cái ác sẽ không đạt được chiến thắng chung cuộc. Mầu nhiệm Phục Sinh khẳng định rằng cuối cùng sự thiện sẽ khải hoàn, sự sống sẽ chiến thắng cái chết và tình yêu sẽ đánh bại hận thù”.

Trong suốt cuộc đời, Đức Giáo hoàng đã tìm cách thủ đắc cho mình điều cốt lõi khách quan của đức tin Kitô giáo, là giáo lý về ơn cứu độ, và giúp người khác thủ đắc điều đó. Qua Chúa Kitô phục sinh, lòng thương xót của Chúa được dành cho mỗi cá nhân. Mặc dù điều cốt lõi này của đời Kitô hữu chỉ được trao ban cho chúng ta trong đức tin, nhưng nó cũng có ý nghĩa triết học, bởi lẽ nếu lòng thương xót của Chúa không có thật, chúng ta sẽ phải lần mò tìm lối trong một thế giới ở đó người ta không thể nhận ra sức mạnh tối thượng của sự thiện chống lại cái ác. Vượt lên trên ý nghĩa lịch sử khách quan này, nói cho cùng, điều thiết yếu đối với mỗi người là phải nhận ra rằng chung cuộc lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn sự yếu đuối của chúng ta. Hơn nữa, tại điểm này, chúng ta cũng có thể thấy được sự hiệp nhất nội tại giữa sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II và những ý tưởng căn bản của Đức Thánh Cha Phanxicô: Đức Gioan Phaolô II không phải là người khắt khe về mặt luân lý theo như cách mô tả phiến diện của một số người. Khi đặt trọng tâm nơi lòng Chúa thương xót, ngài mang đến cho chúng ta cơ hội chấp nhận những đòi hỏi luân lý đối với con người, ngay cả khi chúng ta không thể nào đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi ấy. Bên cạnh đó, những nỗ lực đạo đức, do chúng ta thực hiện dưới ánh sáng của lòng Chúa thương xót, chứng tỏ có một sức mạnh có thể chữa lành những yếu đuối của chúng ta.

Trong khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II hấp hối, quảng trường Thánh Phêrô đông nghẹt người, đặc biệt là giới trẻ, họ muốn gặp Đức Thánh Cha của họ lần cuối. Tôi không thể quên khoảnh khắc Đức Tổng Giám Mục Sandri thông báo cho biết Đức Giáo hoàng đã ra đi. Nhớ nhất là thời khắc khi hồi chuông báo tử của Đền Thờ Thánh Phêrô ngân vang. Trong ngày ngài được an táng, có rất nhiều biểu ngữ với dòng chữ “Santo subito!” Tứ phía vang dội tiếng kêu đó khi [linh cữu] Đức Gioan Phaolô II được rước ngang qua. Không chỉ từ quảng trường mà cả trong giới trí thức người ta cũng thảo luận về ý tưởng dành danh hiệu “The Great” – “Vĩ Đại” cho Đức Gioan Phaolô II.

Từ “thánh” biểu thị lãnh vực thuộc Thiên Chúa, còn từ “vĩ đại” liên quan đến chiều kích nhân loại. Theo tiêu chuẩn của Giáo hội, có thể công nhận một vị thánh bởi hai tiêu chí: các nhân đức anh hùng và một phép lạ. Hai tiêu chí này có liên quan chặt chẽ. Vì thuật ngữ “nhân đức anh hùng” không hiểu theo nghĩa một thành tích Olympic nhưng đúng hơn là điều gì đó trở nên hữu hình nơi và qua một người nên đây không phải là công việc của người ấy, nhưng là công việc của Thiên Chúa; nơi người ấy và qua người ấy công việc của Thiên Chúa được dễ dàng nhận ra. Đây không phải là kiểu đua tranh xem ai đạo đức hơn, nhưng là kết quả của việc từ bỏ sự cao cả của chính mình. Vấn đề là người ấy để Thiên Chúa hoạt động trên mình, và vì vậy công việc và quyền năng của Thiên Chúa trở nên hữu hình qua người ấy.

Điều tương tự cũng thích hợp với tiêu chí phép lạ: ở đây cũng vậy, điều đáng quan tâm không phải là xảy ra việc gì đó giật gân lạ thường mà là sự mặc khải hữu hình về lòng nhân từ chữa lành của Thiên Chúa, vượt khỏi mọi khả năng thuần túy con người. Người mở lòng ra với Chúa và được Chúa ngập tràn, đó là một vị thánh. Người ra khỏi chính mình, cho chúng ta thấy và nhận ra Chúa, đó là một con người thánh thiện. Kiểm tra điều này hết sức có thể theo các thủ tục pháp lý là mục đích của hai tiến trình tuyên chân phước và phong thánh. Trong trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, cả hai tiến trình đều được thực hiện nghiêm túc theo các quy định thích đáng. Vì vậy giờ đây, ngài đứng trước chúng ta như người Cha, làm cho chúng ta thấy được lòng thương xót và nhân lành của Thiên Chúa.

Có khó khăn hơn để định nghĩa cho đúng thuật ngữ “vĩ đại”. Trong quá trình lịch sử kéo dài gần 2.000 năm của các triều giáo hoàng, danh hiệu “vĩ đại” đã chỉ được dành cho hai vị Giáo hoàng: Đức Lêô I (440 – 461) và Đức Grêgôriô I (590 – 604). Trong trường hợp của cả hai vị, từ “vĩ đại” có thêm nghĩa chính trị, nhưng thêm nghĩa đó là vì có gì đó trong mầu nhiệm của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình thông qua thành công chính trị của các ngài. Bằng đối thoại, Đức Lêô Cả đã có thể thuyết phục Attila, Hoàng tử của xứ Huns, tha cho Rôma – thành phố của các Hoàng tử Tông đồ Phêrô và Phaolô. Không có vũ khí, không có sức mạnh quân sự hay chính trị, nhưng với sức mạnh đức tin kiên vững của mình, ngài đã thuyết phục được tên bạo chúa đáng sợ tha cho Rôma. Trong cuộc đấu tranh giữa tinh thần và quyền lực trần thế, tinh thần tỏ ra mạnh mẽ hơn. Thành công của Đức Grêgôriô I không ngoạn mục bằng, nhưng đã nhiều lần có thể bảo vệ Rôma chống lại người Lombardia –trong trường hợp này cũng vậy, có sự đối lập giữa tinh thần và quyền lực trần thế, để rồi tinh thần giành được chiến thắng.

Nếu so sánh cả hai câu chuyện với trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, chúng ta sẽ thấy rõ mười mươi là có sự tương đồng. Đức Gioan Phaolô II cũng chẳng có quyền lực quân sự hay chính trị. Trong cuộc thảo luận về tình trạng tương lai của Châu Âu và nước Đức vào tháng 2 năm 1945, người ta nói rằng cần phải xét đến ý kiến của Đức Giáo hoàng. Stalin liền hỏi: “Giáo hoàng thì có được bao nhiêu sư đoàn?” Đúng vậy, Đức Giáo hoàng chẳng có sư đoàn nào cả. Tuy nhiên, sức mạnh của đức tin hóa ra lại là lực lượng rốt cuộc đã giật sập được hệ thống quyền lực của Liên Xô vào năm 1989 và tạo ra một khởi đầu mới khả dĩ. Không thể chối cãi rằng đức tin của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II là một yếu tố thiết yếu trong sự sụp đổ của các thế lực. Và vì vậy, sự vĩ đại xuất hiện nơi Đức Lêô I và Đức Grêgôriô I chắc chắn cũng được nhìn thấy ở đây, nơi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Chúng ta hãy mở ngỏ cho câu hỏi liệu tính ngữ “vĩ đại” hay “cả” sẽ thịnh hành hay không. Đúng là đối với tất cả chúng ta, sức mạnh và lòng nhân lành của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình nơi Đức Gioan Phaolô II. Trong khi Giáo hội một lần nữa phải chịu sự áp bức của cái ác, đối với chúng ta ngài là dấu chỉ của niềm hy vọng và lòng cậy tin.

Lạy thánh Gioan Phaolô II yêu dấu, xin cầu cho chúng con!

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
Từ: catholicnewsagency.com
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (Tháng 7 & 8 năm 2020)

 

LỊCH PHỤNG VỤ