DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT
Trụ sở Trung ương
“Thánh Thể, Nguồn Mạch và Khuôn Mẫu của Sự Hiệp Hành”[1]
Prot. 50/24/443 MO letters to the Order

Anh Chị Em thân mến,

Khi kỳ họp thứ hai của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục diễn ra, với sự tham gia và hỗ trợ của một số anh chị em Đa Minh, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để Chúa Thánh Thần thổi hơi trong và qua Thượng Hội đồng, tiếp tục đồng hành cùng toàn thể Dân Chúa trên hành trình đức tin và trong cuộc sống này. Chúng ta hãy đồng hành cùng Thượng Hội đồng bằng tâm tình cầu nguyện.

Cần một nhà giảng thuyết Dòng Đa Minh để giải thích về một vị Giáo hoàng Dòng Tên![2] Đây là tiêu đề của bài báo trên tạp chí America sau khi người anh em của chúng ta, cha Timothy Radcliffe, đã hướng dẫn khóa tĩnh tâm kéo dài ba ngày cho các tham dự viên của Thượng Hội đồng.

Đức Thánh cha Phanxicô, trong lá thư gửi Dòng Anh Em Thuyết Giáo nhân dịp kỷ niệm 800 năm sinh nhật trên trời của Thánh Đa Minh, đã ghi nhận rằng: “Lòng nhiệt thành của Thánh Đa Minh đối với Tin Mừng và sự khao khát một đời sống tông đồ đích thực đã dẫn Thánh Đa Minh đến việc nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống chung… Lý tưởng huynh đệ này được thể hiện qua phương thức quản trị bao gồm, trong đó mọi người đều tham gia vào quá trình phân định và đưa ra quyết định phù hợp với vai trò và thẩm quyền của họ, thông qua các công hội ở mọi cấp độ. Quá trình ‘hiệp hành’ này đã giúp Dòng thích nghi đời sống và sứ mạng của mình với những thay đổi của các bối cảnh lịch sử, đồng thời duy trì sự hiệp thông huynh đệ. Chứng tá của tình huynh đệ Tin Mừng, như một lời chứng ngôn sứ về kế hoạch tối thượng của Thiên Chúa nơi Đức Kitô cho sự hòa giải và hiệp nhất của gia đình nhân loại, vẫn là yếu tố nền tảng của đặc sủng Dòng Đa Minh và là trụ cột trong nỗ lực của Dòng nhằm thúc đẩy sự đổi mới đời sống Kitô hữu và lan tỏa Tin Mừng trong thời đại của chúng ta” (PG, 6).

Chúng ta một lần nữa được nhắc nhở rằng mục tiêu của một Thượng Hội đồng, đặc biệt là Thượng Hội đồng Giám mục, là đào sâu và củng cố sự hiệp thông[3] trong Giáo hội. Người ta có thể phân định rõ tầm quan trọng của linh đạo Thánh Thể đối với một Giáo hội hiệp hành, vì ân sủng (res tantum) của Thánh Thể là hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau[4]. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng, bản chất sự hiệp hành của Giáo hội thường được biểu hiện và bày tỏ qua Bí tích Thánh Thể, “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu”[5]. Đây là mối liên hệ mà tôi hy vọng sẽ khám phá trong lá thư này và mời anh chị em cùng suy gẫm trong khi cùng đồng hành với Thượng Hội đồng đang diễn ra qua lời cầu nguyện của chúng ta.

Hiệp Hành: “Cùng Nhau Bước Đi” Hướng Tới Sự Hiệp Thông

Hiệp hành là cách sống và cách làm việc (modus vivendi et operandi[6]) của Giáo hội; đó là cách chúng ta phân định ý muốn của Thiên Chúa vì lợi ích của Giáo hội, trong cuộc lữ hành vượt không gian và thời gian, thông qua lịch sử và sự tiến bộ của con người thuộc mọi nền văn hóa khác nhau. Hiệp hành là đặc tính của một Giáo hội lữ hành luôn bước đi trong sự hiệp thông với Chúa Cha, lòng trung thành với Đức Kitô và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, trong lá thư gửi các tín hữu tại Êphêsô, đã nói rằng các thành viên của Giáo hội là σύνοδοι (những người bạn đồng hành trên đường), nhờ ân sủng của Bí tích Rửa tội và tình bạn với Đức Kitô[7]. Nhận thấy cũng rất hữu ích khi phân biệt giữa tinh thần hiệp hành và sự kiện hiệp hành.

1) “Tinh thần hiệp hành” (hiệu lực của hiệp hành), nghĩa là một tinh thần chung thúc đẩy sự hiệp thông của Giáo hội ở mọi lúc; Sự hiệp hành được biểu hiện một cách bình thường nhưng sâu sắc trong cộng đoàn Thánh Thể.

2) “Khoảnh khắc hiệp hành”, “Sự kiện hiệp hành” (tính hiệp hành hiệu quả), hay sự biểu hiện cụ thể của tinh thần này khi một cộng đoàn Giáo hội (Giáo xứ, Dòng tu, Giáo hội địa phương hay Giáo hội hoàn vũ) được triệu tập bởi thẩm quyền hợp pháp (Linh mục Chánh xứ, Bề trên, Giám mục, Giáo hoàng) để quyết định các vấn đề gây tranh cãi (chẳng hạn, các dị giáo trong những thế kỷ đầu) hoặc cùng nhau phân định những điều tốt lành cho cộng đoàn (canh tân, v.v.); và sau đó thẩm quyền hợp pháp (Bề trên, Hội đồng Cố vấn, Giám mục, Giáo hoàng) dựa trên lợi ích chung để đưa ra các quyết định. Mục tiêu của những cuộc họp như vậy là củng cố sự hiệp thông[8]. Ví dụ về những sự kiện hiệp hành như: Thượng Hội đồng Giám mục, Công đồng chung, … Và một cách căn bản và sâu sắc, gia đình như là Giáo hội tại gia cũng là những “sự kiện hiệp hành’ đặc biệt.

Tiến trình Phân định và quyết định của Giáo hội

“Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”[9] (Cv 15,28). Đây là thời điểm quan trọng đáng chú ý trong lịch sử của Giáo hội. Đối diện với những bất đồng và chia rẽ, Giáo hội đã đưa ra một quyết định theo cách chưa từng có. Giacôbê, người đứng đầu cộng đoàn Giêrusalem, đã tuyên bố phán quyết mạnh mẽ này. Đây là kết quả đầu tiên của quá trình phân định cộng đoàn đầy khó khăn của Giáo hội sơ khai, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cùng với các tông đồ Phêrô và Phaolô.

Trước thời khắc quan trọng này, để phân định và chọn người thay thế Giuđa Ítcariốt, dưới sự lãnh đạo của Phêrô, các tông đồ đã dùng phương pháp bầu chọn như các Thượng tế Do Thái thời xưa, đó là bốc thăm. Họ đã đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng về người được chọn: “Cần phải chọn một người đã cùng chúng ta đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng chúng ta làm chứng rằng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Họ đã cầu nguyện để xin sự hướng dẫn, nhưng khi đến lúc phải chọn giữa ông Giuse và Mathia, họ đã quay về cách thức bắt thăm. Như vậy, quyết định được đưa ra không phải là kết quả của một quá trình phân định nội bộ cộng đoàn mà là một hành động khách quan và bên ngoài nhằm phân định ý muốn của Thiên Chúa, tương tự như cách thức được sử dụng trong Cựu Ước: “Và [Aharon] sẽ bắt thăm để xem con nào dành cho Thiên Chúa và con nào dành cho Adadên” (Lv 16,8)[10]. Thiên Chúa là Đấng siêu việt và vô hình, Đấng biểu lộ ý muốn của mình qua một vật thể vô tri để không bị can thiệp bởi yếu tố cảm tính của con người và những sai lầm trong phán xét.

Khi thi hành nhiệm vụ trong vai trò của một Bề trên Tổng quyền, tôi luôn mong muốn được tránh khỏi việc đưa ra những quyết định khó khăn; nếu như bản Hiến pháp của chúng ta cho phép việc “bắt thăm” như một phương thức hợp pháp để đưa ra quyết định! Thế nhưng, việc chọn Mathia là lần bắt thăm cuối cùng mà chúng ta thấy trong Tân Ước. Sau lễ Hiện Xuống, đã có một sự thay đổi cốt cán trong cách đưa ra quyết định nhờ sự hiện diện nội tại của Chúa Thánh Thần, Đấng đóng “vai trò chủ động” trong đời sống Giáo hội. Vì lý do này, sách Công vụ Tông đồ được nhiều học giả Kinh Thánh gọi là “Công vụ của Chúa Thánh Thần”. Tại Công đồng Giêrusalem, Giacôbê, người đứng đầu cộng đoàn Giêrusalem, đã tuyên bố phán quyết của mình: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này” (Cv 15,28). Một quyết định quan trọng không còn được đưa ra bằng cách tìm kiếm lý lẽ khôn ngoan bên ngoài ý muốn của Thiên Chúa nữa, nhưng được quyết định thông qua quá trình đối thoại sâu sắc và phân định cách kiên nhẫn của cộng đoàn dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để xác định điều gì thực sự tốt cho cộng đoàn. Vì “Thần Khí Sự Thật sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13) nay “ở trong họ” (1 Cr 3,16). Sau lễ Hiện Xuống, “cách thức tông đồ” để đưa ra quyết định, “trong sự hiện diện của Chúa”, là sự phân định cộng đoàn. Một phần không thể thiếu của toàn bộ quá trình đưa ra và thực hiện quyết định của cộng đoàn, trước hết vị đại diện gửi thư thông báo cho các cộng đoàn về quyết định chung, sau đó, cộng đoàn chọn và cử đại biểu đi nhận thư (Cv 15, 22-32).

Linh Đạo Thánh Thể và Hiệp Hành

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau cho ta thấy những yếu tố giúp chúng ta lớn lên trong đời sống hiệp hành của Giáo hội. Hai người đã cùng nhau bước đi (synodoi), giống như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ khi Người sai họ đi rao giảng Nước Trời. Tuy nhiên, hai môn đệ trên đường Emmau đang rời khỏi Giêrusalem, rời khỏi cộng đoàn các tông đồ, vì họ đã mất niềm hy vọng: “Chúng tôi đã hy vọng rằng Người sẽ là Đấng cứu chuộc Israel.” Sau đó, Chúa Giêsu cùng đi với họ, giải thích Kinh Thánh cho họ và bẻ bánh trước mặt họ. Lắng nghe Lời Chúa đã giúp họ mở mang tâm trí và việc bẻ bánh đã phục hồi niềm hy vọng nơi họ!

Giáo hội, cộng đoàn những người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, làm cho bản chất hiệp hành của mình trở thành hiện thực và sống động trong việc cử hành Thánh Thể, một cuộc cử hành sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa và với nhau. Thánh Thể thực sự là lương thực via te cum, nuôi dưỡng cho dân lữ hành của Thiên Chúa. Cộng đoàn Thánh Thể tìm cách phát triển trong sự hiểu biết sâu sắc hơn về đức tin và tình yêu lớn lao hơn đối với Chúa: “Bất cứ khi nào Giáo hội cử hành Thánh Thể, các tín hữu phần nào sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau: ‘mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người’” (Lc 24,31)[11]. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng bản chất hiệp hành của Giáo hội thường được thực hiện và biểu lộ trong Thánh Thể, “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu”.[12]

Cộng đoàn Thánh Thể (synaxis) là biểu hiện cơ bản nhất và do đó là phổ quát nhất của đời sống hiệp hành. Trong đó, chúng ta tìm thấy các yếu tố thúc đẩy sự hiệp hành cách hiệu quả nhất – affectus synodalis. Vì vậy, những khía cạnh nổi bật của linh đạo Thánh Thể phải thấm nhuần vào các biểu hiện khác nhau của đời sống hiệp hành.

Tụ họp nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Lễ bắt đầu với dấu Thánh giá và lời khẩn cầu với Ba Ngôi Thiên Chúa. Một tập họp được quy tụ nhân danh Thiên Chúa có nghĩa là các cử hành của việc tập họp này được thực hiện nhân danh Chúa. Theo một nghĩa sâu sắc, Giáo hội trở thành Bí tích, dấu chỉ của Đức Kitô vì Giáo hội là hiện thân của Chúa: “Vì ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Vì vậy, khi sự chia rẽ nảy sinh hoặc ranh giới gãy đổ trở nên rõ ràng trong một cộng đoàn vì những khác biệt về quan điểm hay niềm tin, đó là lúc cộng đoàn phải tạm dừng và cân nhắc cẩn thận liệu việc tuân theo những chia rẽ bất đồng đó có thực sự được thực hiện nhân danh Thiên Chúa và có biểu lộ sự hiện diện của Đức Kitô trong cộng đoàn hay không.

Hòa giải.
Một cộng đoàn được tụ họp nhân danh Chúa Ba Ngôi thúc đẩy sự hiệp thông qua sự giao hòa với Thiên Chúa (hòa giải theo chiều dọc) và với nhau (hòa giải theo chiều ngang). Lời thú tội (confessio peccati) tôn vinh tình yêu thương xót của Thiên Chúa và thể hiện mong muốn không để khuynh hướng chia rẽ của tội lỗi cản trở sự hiệp nhất: “Vì vậy, nếu khi dâng của lễ nơi bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có điều bất bình với mình, thi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy trước đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Trong bài giảng khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục năm 2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô đã chỉ ra rằng con đường tốt nhất cho việc Tân Phúc âm hóa là sự hòa giải[13]. Hòa giải cũng là con đường tốt nhất để chữa lành các mối quan hệ bị rạn nứt và hàn gắn những trái tim tan vỡ. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta dâng lễ vật và nhận ra mình có điều bất hòa với anh chị em, hãy đi làm hòa với họ trước đã, rồi mới trở lại dâng lễ vật (Mt 5,23-24). Thánh Thể là Bí tích của sự hiệp thông và hiệp nhất. Chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta bắt đầu Thánh lễ với nghi thức sám hối, bằng cách xin ơn tha thứ và hòa giải. Và ngay trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, chúng ta trao cho nhau dấu hiệu bình an của Chúa Kitô. Res tantum, nghĩa là ân sủng trọn vẹn của Thánh Thể, sẽ bị cản trở nếu chúng ta chưa thực sự hoàn toàn hòa giải.

“Hòa giải theo chiều ngang” là khi cả hai người đang có những xung khắc, bất hòa với nhau, sẵn sàng hạ mình và quyết định bước đi trên con đường hướng tới một tương lai được chữa lành, được nâng đỡ bởi một ký ức được chữa lành.

Cha Jim Campbell, OP, là một người Mỹ từng phục vụ cho Không quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ II và đã tham gia vào việc ném bom nguyên tử tại Nhật Bản. Ngay cả sau khi cha gia nhập Dòng, cha vẫn bị ám ảnh bởi những gì cha đã làm trong thời gian còn là lính. Khi gặp một tu sĩ Đa Minh người Nhật, cha Oshida, cha Campbell đã đến và xin lỗi: “Cha Oshida, tôi đã ném bom dân tộc của cha trong chiến tranh, giờ đây, tôi đến để xin lỗi.” Cha Oshida trả lời: “Tôi từng là thành viên của đơn vị Phòng không Nhật Bản; chúng tôi đã cố bắn hạ các anh, và tôi cũng xin lỗi vì chúng tôi đã bắn trượt!” Nhận ra rằng cha Oshida đang bịa ra câu chuyện, cha Campbell đã phì cười; và họ đã ôm nhau![14] Điều này đã giải thoát cho cha Campbell, người đã bị lương tâm dày vò, khi nhận ra rằng, trong mọi xung đột, tất cả những người tham gia đều liên quan đến cùng một tội lỗi, vì vậy chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho mình hoặc cho người khác.

Tuy nhiên, nếu không thể hòa giải vì đối tượng bên kia có thể đã ra đi, hay đã chết hoặc đơn giản là từ chối làm hòa, thì ta phải chọn theo con đường tha thứ. Một vị thánh đã từng nói: “Tha thứ biến hoàn cảnh tội lỗi thành cơ hội của ân sủng”[15]. Chúng ta cần nhận ra rằng tha thứ là cách để kiểm soát sự bình an tâm trí và hạnh phúc của mình. Chúng ta không nên chờ đợi đối phương – người xúc phạm mình phải xin lỗi, nếu không, chúng ta sẽ tự đặt sự bình an nội tâm của mình vào tay của kẻ đã làm tổn thương mình. Làm như vậy, nếu người gây tổn thương đã chết thì sao? Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể tha thứ vì chúng ta sẽ không bao giờ nhận được lời xin lỗi từ người đó hay sao? Một người khôn ngoan đã nói: “Tha thứ là thả tự do cho một tù nhân, và nhận ra rằng tù nhân đó chính là mình!”

Chăm chú lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe nhau.

Trong buổi cử hành Thánh Thể, chúng ta lắng nghe Lời Chúa được công bố và giải thích trong bài giảng. Về bản chất, việc giảng Lời Chúa là đối thoại: để bài giảng thực sự truyền tải sứ điệp của Thiên Chúa, người giảng và người nghe phải cùng suy ngẫm về Lời Chúa; để bài giảng chạm đến trái tim của mọi người, người giảng phải lắng nghe một cách chăm chú hoàn cảnh sống của họ. Cấu trúc đối thoại này trong phụng vụ là mô hình cho cuộc đối thoại của việc phân định cộng đoàn: để thực sự phân định ý muốn của Chúa cho cộng đoàn chúng ta, trước khi lắng nghe nhau, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa trong sự cầu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm.

Một trong những phép lạ đầy kinh ngạc mà Chúa Giêsu đã thực hiện là chữa lành một người câm: trước tiên, Người “đặt ngón tay vào tai anh ta, sau đó chạm vào lưỡi anh ta và nói: ‘Ephphatha!’, hãy mở ra!” (Mc 7,31-37). Rõ ràng, chúng ta không thể nói nếu không nghe. Thực tế, hầu hết những người câm không nói được không phải vì lưỡi họ có vấn đề, mà vì họ bị điếc, không nghe được.

Không ai có thể phát ra âm thanh nếu không được nghe trước. Cách đây vài năm, tại Đại học Santo Tomas ở Manila, hơn hai nghìn bệnh nhân điếc đã được tặng máy trợ thính miễn phí bởi một quỹ từ thiện. Tôi đã tận mắt chứng kiến những khuôn mặt ngây thơ của những đứa trẻ khiếm thính bừng sáng lên trong sự ngạc nhiên khi chúng bước vào thế giới của âm thanh! Dường như chúng cảm thấy ngộ nghĩnh khi lần đầu tiên nghe thấy điều gì đó! Sau đó, chúng được dạy để phát ra những âm tiết đầu tiên: “Ma-ma, Pa-pa.” Khả năng những đứa trẻ này có thể nói được những từ đó phần lớn phụ thuộc vào khả năng chúng đã nghe những từ đó. Chúng không thể nói nếu chúng chưa từng nghe.

Tất cả những ai đã lãnh Bí tích Rửa tội đều được mời gọi trở thành người rao giảng Lời Chúa[16], thậm chí họ được mời gọi thay mặt cho Giáo hội để giảng Lời Chúa. Nhưng một người chỉ có thể nói nhân danh Giáo hội nếu trước tiên họ lắng nghe Lời Chúa và những gì Giáo hội dạy trong sự vâng phục. Vì làm sao có thể nói đúng nếu chưa nghe đúng? Làm sao có thể nói về Thiên Chúa nếu không trò chuyện với Chúa hoặc lắng nghe Chúa trong chiêm niệm và cầu nguyện?

Hiệp thông

Ân sủng (res tantum) của Bí tích Thánh Thể là sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau.[17] “Thánh Thể nảy sinh sự hiệp thông và nuôi dưỡng sự hiệp thông”[18]. Sự ra đời của Giáo hội vào ngày Lễ Ngũ Tuần là một sự kiện mà mọi người, theo nghĩa đen, từ những con đường khác nhau đã quy tụ lại. Khả năng được ân sủng của Giáo hội “ekklesia” là để đón nhận sự đa dạng, để thực sự trở thành công giáo (katholikos), đã đưa nhiều dân tộc từ “những con đường và lối sống khác nhau” đến một hướng đi duy nhất như những người đầu tiên được biết đến là thuộc về Con Đường, hodos (Cv 9:2; 19:9, 23; 22:4; 24:14, 22).[19]

Nghi thức Hiệp lễ bắt đầu với Kinh Lạy Cha. Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Ngài không chỉ dạy chúng ta cách liên đới với Thiên Chúa như Cha, mà còn dạy chúng ta đối xử với nhau như anh chị em. Trong lời cầu nguyện với Cha, Chúa Giêsu tiết lộ cho chúng ta ý muốn của Ngài, rằng tất cả chúng ta có thể nên một, rằng chúng ta có thể hiệp thông với Ba Ngôi và với toàn thể nhân loại. Tin Mừng Gioan trình bày ngắn gọn sứ mệnh của Chúa Giêsu: “… vì Đức Giêsu sẽ chết thay cho dân, và không chỉ cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Chúng ta thấy lời cầu nguyện và sứ mệnh của Chúa Giêsu tiếp tục được hoàn trọn trong thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội, ngay từ khi Giáo hội mới được thành lập. Trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta đọc rằng “cộng đoàn các tín hữu chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32).

Thánh Tôma, người anh em chúng ta, đã dạy rằng Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa ba chiều, tương ứng với quá khứ, hiện tại và tương lai. Về hiện tại, Thánh Thể biểu thị: “Sự hiệp nhất Giáo hội, trong đó mọi người được quy tụ nơi Bí tích này; và theo nghĩa này Thánh Thể được gọi là ‘Hiệp lễ’ hoặc ‘Synaxis’. Vì Thánh Đamascênô nói (De Fide Orth. iv) rằng ‘Thánh Thể được gọi là Hiệp lễ vì chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô qua Thánh Thể. Qua Thánh Thể, chúng ta tham dự vào nhân tính và thiên tính của Chúa, và qua Thánh Thể, chúng ta được liên kết và hiệp nhất với nhau”[20] Do đó, đối với Thánh Tôma, res tantum hay ân sủng của Bí tích Thánh Thể là sự hiệp thông, sự hiệp nhất Giáo hội. Vì vậy, chúng ta có thể nói cách chính xác rằng việc cử hành Bí tích Thánh Thể của chúng ta, dấu hiệu của giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, vẫn còn, theo một nghĩa nào đó, chưa trọn vẹn bao lâu chúng ta, những người đã được rửa tội, còn bị chia rẽ bởi hận thù hoặc xa cách với nhau.[21]

Sứ vụ

Ite, missa est. Hiệp thông hướng đến việc được sai đi, hướng đến sứ vụ. Người lãnh nhận Mình Thánh Chúa được thúc đẩy để chia sẻ, để mang Chúa Giêsu đến cho người khác. Tương tự, hiệp thông mang tính hiệp hành luôn ra khỏi chính mình, hướng đến sứ vụ, để rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất (Cv 1,8), vì làm sao hiệp thông có thể thực sự mang tính hiệp hành khi nó thôi không còn là “trên đường đi”.

Sự hiệp nhất một lòng một ý của cộng đoàn tín hữu tiên khởi (Cv 4,32) là một lý tưởng cho toàn thể Giáo hội. Thánh Augustinô cụ thể hóa sự hiệp nhất đó: “để nên một lòng một ý trên đường về với Thiên Chúa”[22]. Đối với Augustinô, sự thống nhất tâm trí và trái tim, tức là hiệp thông, vẫn còn thụ động, không có mục đích rõ ràng. Do đó, ngài thêm: trên đường về với Thiên Chúa. Hiệp hành, cùng nhau bước trên đường đi, thấm nhuần khái niệm hiệp thông với sự chuyển động và năng động. Mỗi “khoảnh khắc hiệp hành”, từ một chương trình của cộng đoàn nhỏ đến một Thượng Hội đồng Giám mục hoặc một Công đồng Chung, đều là cơ hội tràn đầy ân sủng cho sự phát triển và tiến bộ. Khi các thành viên Thượng Hội đồng tụ họp để phân định câu trả lời cho các vấn đề mà Giáo hội đang phải đối mặt, họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau cho đến khi đạt được sự đồng thuận. Mỗi kết luận của Thượng Hội đồng là một bước tiến chung khác cho cộng đoàn Giáo hội liên quan.

Nguyện xin hành trình cùng nhau của chúng ta dẫn chúng ta nhận ra Chúa Phục Sinh đang đồng hành với chúng ta trên suốt đường đi, Bánh từ trời chúng ta bẻ ra và chia sẻ, Tình Yêu luôn cháy bỏng trong lòng chúng ta, mở lòng ra với Thánh Kinh, và thúc giục chúng ta loan báo những gì chúng ta đã thấy, đã nghe và đã chạm đến — LỜI SỰ SỐNG.

Người anh em của anh chị em,

Tu sĩ Gerard Francisco Timoner III, O.P.
Bề trên Tổng quyền

Sr. Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Hà, OP

Chuyển ngữ từ: op.org

Nguồn: daminhtamhiep.net

________________________________

[1] Một số ý tưởng trong bức thư này là một phần chia sẻ của tôi trong tài liệu Tính Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội (2018) của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_en.html

[2] https://www.americamagazine.org/faith/2023/10/12/timothy-radcliffe-dominicans-synod-jesuits-246278

[3] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Apostolica Sollicitudo, II.

[4] Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, q. 73, a. 4, resp.

[5] Lumen Gentium – Ánh sáng Muôn dân, 12

[6] Ủy ban Thần học Quốc tế, Hiệp hành trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội (2018), số 6. Xem thêm số 3: “‘Thượng Hội Đồng’ là một từ cổ kính và đáng kính trong Truyền thống của Giáo Hội, mang ý nghĩa sâu xa nhất từ Mạc Khải. Từ này được ghép bởi giới từ συν (cùng với) và danh từ όδός (con đường), chỉ con đường mà Dân Chúa cùng nhau bước đi. Đồng thời, nó cũng chỉ về Chúa Giêsu, Đấng tự giới thiệu mình là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6), và thực tế cho thấy rằng, những người Kitô hữu, môn đệ của Ngài, ban đầu được gọi là ‘những người theo Đường’ (x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22). Có thể tra cứu văn bản gốc tại: https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_en.html.

[7] Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Ephesios IX, 2; Franz Xaver Funk (ed.), Patres apostolici I, Tübingen: H. Laupp, 1901, trang 220.

[8] Đức Phaolô VI, Apostolica Sollicitudo, II, 1.b. Mặc dù tài liệu này liên quan cụ thể đến Thượng Hội Đồng Giám Mục, mục tiêu của một cuộc họp mang tính đồng hành vẫn giống nhau ở mọi cấp độ của một họp Thượng Hội đồng.”

[9] Mặc dù có bản dịch sát nghĩa hơn, đó là “Vì Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên anh em một gánh nặng nào lớn hơn ngoài những điều cần thiết này”, nhưng văn bản Hy Lạp truyền tải một sự phân định và quyết định do Thánh Thần hướng dẫn bởi các tông đồ, điều này được diễn đạt một cách tự do hơn nhưng vẫn rõ ràng là “chúng tôi đã quyết định, Thánh Thần và chúng tôi…”

[10] Thực hành của người Do Thái về việc rút thăm (casting of lots) được thực hiện “trước nhan Chúa”; chẳng hạn, Giôsuê đã rút thăm khi chia đất cho người Israel (Gs 18,6, 8, 10). Thật vậy, chính Chúa, chứ không phải sự ngẫu nhiên mù quáng, là Đấng quyết định: “Người ta rút thăm trong túi, nhưng mọi quyết định đều do Chúa mà đến” (Cn 16,33).

[11] Ecclesia de Eucharistia, 6

[12] Lumen Gentium, 12

[13] Benedict XVI, Homily, Opening Liturgy, Synod of Bishops 2012.

[14] Timothy Radcliffe, Take the Plunge: Living Baptism and Confirmation (London: Bloomsbury, 2012) p. 129.

[15] St. Julian Eymard, Rule of Life, 9.

[16] Benedict XVI, Verbum Domini, 94.

[17] Thomas Aquinas, Summa Theologiae III, q. 73, a. 4, resp

[18] John Paul II, Encyclical Letter Ecclesia de Eucharistia, 40.

[19] “hē hodos” là một tên gọi độc đáo mà thánh Luca dành cho các Kitô hữu đầu tiên như một nhóm. See Joseph Fitzmyer, SJ, ‘The Designation of Early Christians in Acts and their Significance’ in To Advance the Gospel, 2nd edition, Grand Rapids: W.B. Eerdmans, 1998, pp. 320-321..

[20] Thomas Aquinas, Summa Theologiae III, q. 73, a. 4, resp.

[21] St. Julian Eymard Rule of Life of the Congregation of the Blessed Sacrament, 38

[22] Trong một số phiên bản của Luật Thánh Augustinô, chúng ta đọc: et sit vobis anima una et cor unum (Công Vụ 4,32) in Deo. Trong phiên bản này, “in Deo” (cách sở hữu) chỉ vị trí tĩnh. Tuy nhiên, Regula ad servos Dei (PL 32) sử dụng “in Deum” (cách đối cách) biểu thị sự chuyển động, tức là “hướng về Thiên Chúa”. Ở đây, tôi đề xuất để suy tư phiên bản với ý nghĩa “động”, tức là “in Deum”, mà Thánh Augustinô đã sử dụng để giải thích “sống trong sự hiệp nhất” có nghĩa là gì: Et quid est, in unum? Et erat illis, inquit, anima una et cor unum in Deum. (Enarrationes in Psalmos, 132,2, PL 36) và trong lá thư của ngài gửi các nữ tu viết khoảng năm 434, nơi ngài sử dụng cùng một biểu thức: Primum propter quod estis in unum congregatae, ut unanimes habitetis in domo, et sit vobis cor unum et anima una in Deum (Epistola 211, 5, PL 33; tất cả các văn bản Latin đều từ Nuova).