Thư của Bộ Giáo sĩ gửi các linh mục

07/06/2012

Thư của Bộ Giáo sĩ gửi các linh mục

Thư gửi các linh mục

Các linh mục thân mến,

Vào ngày lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu sắp tới (15 tháng Sáu 2012), như thường lệ, chúng ta sẽ cử hành Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự thánh hóa các linh mục.

Kiểu nói trong Kinh Thánh: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh!” (1 Tx 4,3), tuy nói với mọi Kitô hữu, nhưng lại nhắm đến các linh mục chúng ta cách riêng, vì chúng ta đã đón nhận lời mời gọi “thánh hóa chính mình” và trở nên những “thừa tác viên thánh hóa” anh chị em chúng ta. Trong trường hợp của chúng ta, có thể nói “ý muốn này của Thiên Chúa” được nhân đôi và nhân lên đến vô tận, và chúng ta phải tuân hành thánh ý ấy trong mọi việc chúng ta làm.

Đây là vận mệnh tuyệt vời của chúng ta: chúng ta không thể nên thánh nếu không giúp anh chị em mình nên thánh, và không thể giúp anh chị em mình nên thánh, nếu trước hết chúng ta không nỗ lực thánh hóa chính mình.

Khi dẫn đưa Giáo hội vào Ngàn năm mới, Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta rằng “lý tưởng nên trọn lành”, vốn phải được đặt ra cho mọi người, thật ra lại là bình thường: “Hỏi người dự tòng: ‘Bạn có muốn lãnh nhận bí tích Rửa tội không?’ cũng có nghĩa là hỏi họ: ‘Bạn có muốn nên thánh không?” [1]

Chắc chắn trong ngày chúng ta thụ phong linh mục, trong tim ta cũng vang lên cùng một câu hỏi ấy của bí tích rửa tội, đòi chúng ta tự mình trả lời; nhưng câu hỏi ấy cũng được giao phó cho chúng ta gửi đến các tín hữu cùng với nét đẹp và tính quý giá của câu hỏi ấy.

Điều này không có nghĩa là chúng ta không ý thức về những thiếu sót của chính mình, hoặc về những lỗi lầm của một số linh mục đã làm ô danh chức linh mục trước mặt thế giới.

Mười năm sau –vì tình hình càng ngày càng trầm trọng hơn– chúng ta phải làm vang lên trong tim mình những lời của Đức Gioan Phaolô II vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2002, một cách mạnh mẽ và khẩn thiết hơn:

“Vào lúc này đây, là linh mục, chúng ta bị tác động sâu xa vì tội lỗi của một số anh em chúng ta đã phản bội ơn thánh chức, buông theo cả những biểu hiện tệ hại nhất của mysterium iniquitatis (mầu nhiệm sự ác) đang hoạt động trong thế gian. Họ đã gây ra gương mù nghiêm trọng, để lại hậu quả là một bóng tối ngờ vực bao trùm mọi linh mục tốt lành khác, đang trung thành thực thi sứ vụ của mình một cách liêm chính, và thường khi phải hy sinh đến độ anh hùng. Đang khi Giáo Hội bày tỏ sự quan tâm đến các nạn nhân và cố gắng đáp ứng từng hoàn cảnh đau thương này theo sự thật và công lý, thì tất cả chúng ta –ý thức về sự yếu đuối của con người, nhưng tín thác nơi quyền năng chữa lành của ơn thánh Chúa–, được mời gọi ôm lấy “mysterium Crucis” (mầu nhiệm thập giá), và dấn thân hơn nữa để tìm kiếm sự thánh thiện. Chúng ta phải cầu xin Chúa quan phòng thôi thúc chúng ta nhiệt tâm khơi lại lý tưởng toàn hiến cho Chúa Kitô vốn là nền tảng chính yếu của sứ vụ linh mục” [2].

Là những thừa tác viên của lòng Chúa thương xót, chúng ta biết rằng việc tìm kiếm sự thánh thiện luôn có thể khởi đầu lại bằng tâm tình sám hối và ơn tha thứ. Nhưng chúng ta cũng cảm thấy phải cầu xin điều ấy, trong tư cách cá nhân linh mục, nhân danh mọi linh mục và cho mọi linh mục [3].

Đức tin của chúng ta còn được củng cố thêm qua lời Giáo Hội mời gọi chúng ta bước qua cánh cửa Đức Tin một lần nữa, cùng với mọi tín hữu.

Như chúng ta biết, Cánh cửa Đức Tin là tựa đề Tông Thư mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 12 tháng Mười 2012. Sẽ thật hữu ích khi chúng ta suy tư về bối cảnh của lời mời gọi này.

Lời mời gọi này diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II (11 tháng Mười 1962) và kỷ niệm 20 năm công bố Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (11 tháng Mười 1992). Hơn nữa, Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới sẽ được triệu tập vào tháng Mười 2012 với chủ đề Tân Phúc âm hóa để truyền bá đức tin Kitô giáo.

Vì thế, chúng ta được yêu cầu đào sâu về từng “chương” này:

– về Công đồng chung Vatican II, để Công đồng được đón nhận một lần nữa như “ân phúc lớn lao được ban cho Giáo Hội trong thế kỷ hai mươi”: “một la bàn chắc chắn để chúng ta định hướng trong thế kỷ đang bắt đầu”, “một sức mạnh lớn lao để thực hiện sự canh tân Giáo Hội vốn luôn cần thiết” [4].

– về Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, để sách này được thực sự đón nhận và sử dụng như “một công cụ chắc chắn và hợp pháp phục vụ tình hiệp thông trong Giáo Hội và như một qui tắc chắc chắn để giảng dạy đức tin” [5];

– về việc chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới để Thượng Hội đồng thực sự là “một cơ hội thuận tiện đưa toàn thể Giáo hội vào một thời kỳ suy tư đặc biệt và tái khám phá đức tin” [6].

Giờ đây, để khởi đầu công việc này, chúng ta có thể suy niệm vắn tắt về chỉ dẫn của Đức Giáo Hoàng, mà tất cả đều hướng vào chỉ dẫn ấy:

“Chính tình yêu Chúa Kitô đổ tràn đầy tâm hồn chúng ta và thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng. Ngày nay cũng như thời xưa, Chúa sai chúng ta đi khắp các nẻo đường thế giới để công bố Tin Mừng của Người cho mọi dân tộc trên trái đất (x. Mt 28,19). Bằng tình yêu thương, Chúa Giêsu Kitô lôi kéo con người thuộc mọi thế hệ đến với Người: mỗi thời, Người triệu tập Giáo Hội, ủy thác cho Giáo Hội việc loan báo Tin Mừng bằng một mệnh lệnh luôn luôn mới mẻ. Ngày nay cũng vậy, Giáo Hội cần dấn thân quyết liệt hơn cho công cuộc Tân Phúc âm hóa để tái khám phá niềm vui đức tin và lòng nhiệt thành thông truyền đức tin” [7].

“Con người thuộc mọi thế hệ”, “Mọi dân tộc trên trái đất”, “Tân Phúc âm hóa”: đứng trước chân trời phổ quát như thế, linh mục chúng ta phải tự hỏi làm thế nào và ở nơi đâu những khẳng định ấy có thể liên kết với nhau và đứng vững.

Vì thế, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhắc lại rằng chính Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã mở đầu bằng một cái nhìn bao quát, nhìn nhận rằng “con người có ‘khả năng’ đón nhận Thiên Chúa” [8]; nhưng Sách ấy làm như thế bằng cách chọn trích dẫn đoạn văn sau đây của Công đồng chung Vatican 2:

Ý nghĩa cao cả nhất (“eximia ratio”) của phẩm giá con người là con người được mời gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực thế, sở dĩ con người hiện hữu là do Thiên Chúa đã vì yêu thương (“ex amore”) mà tạo dựng con người, và cũng vì yêu thương (“ex amore”) mà luôn luôn gìn giữ con người; và con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác đời mình cho Đấng tạo dựng mình. Tuy nhiên, có nhiều người đương thời với chúng ta không hề nhận ra hoặc công khai từ khước mối liên kết mật thiết và sống động này với Thiên Chúa” (“hanc intimam ac vitalem coniunctionem cum Deo”). [9]

Với đoạn văn trích dẫn trên đây và với lối diễn đạt chọn lọc phong phú như thế, làm sao chúng ta có thể quên rằng, các Nghị phụ muốn ngỏ lời trực tiếp với những người vô thần, khẳng định rằng ơn gọi của họ có phẩm giá vô biên, mà họ đã lìa bỏ? Và các Nghị phụ đã nói như thế bằng chính những lời dùng để mô tả kinh nghiệm Kitô giáo, ở mức độ mầu nhiệm cao nhất!

Tông Thư Porta Fidei (Cánh cửa Đức Tin) cũng bắt đầu bằng lời quả quyết rằng kinh nghiệm này “dẫn vào đời sống kết hiệp với Thiên Chúa”, nghĩa là cho chúng ta được chìm đắm vào ngay trong mầu nhiệm trung tâm của đức tin mà chúng ta được mời gọi tuyên xưng: “Tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Ba Ngôi –Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần– chính là tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng là Tình yêu” (nt., số 1) .

Tất cả những điều ấy phải vang vọng đặc biệt trong tâm trí chúng ta, giúp chúng ta biết được đâu là thảm họa trầm trọng nhất của thời đại chúng ta.

Các nước theo Kitô giáo không còn bị cám dỗ ngả theo một thứ chủ thuyết vô thần tổng quát (như trong quá khứ), nhưng có nguy cơ trở thành nạn nhân của một chủ thuyết vô thần đặc thù vốn là hệ quả của sự quên lãng vẻ đẹp và sự nồng cháy của Mạc Khải Ba Ngôi.

Ngày nay, đặc biệt là các linh mục, trong việc phụng tự và sứ vụ thường nhật của mình, là những người phải đưa mọi sự đến sự Hiệp Thông Ba Ngôi: chỉ khi khởi đi từ sự hiệp thông ấy và dìm mình vào sự hiệp thông ấy, các tín hữu mới có thể thực sự khám phá Dung nhan Con Thiên Chúa và biết được Người vẫn ở cùng chúng ta, mới có thể thực sự chạm tới tâm hồn mọi người và tới quê hương mà tất cả chúng ta được kêu gọi đến đó. Chỉ như thế các linh mục chúng ta mới có thể phục hồi được phẩm giá của con người ngày nay, ý nghĩa những tương quan giữa con người với nhau và ý nghĩa đời sống xã hội, và mục đích của toàn thể tạo thành.

“Tin nơi một Thiên Chúa duy nhất là Tình yêu”: không thể tái loan báo Tin Mừng thực sự nếu các Kitô hữu chúng ta không có khả năng gây ngạc nhiên và thúc đẩy thế giới một lần nữa bằng cách loan báo Bản Chất của Thiên Chúa chúng ta là Tình Yêu, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa - vốn diễn tả bản chất ấy và đưa chúng ta vào cuộc sống của chính Ba Ngôi.

Thế giới ngày nay, với những rách nát ngày càng đau thương và đáng lo ngại, cần đến Chúa Ba Ngôi, và Giáo Hội có nhiệm vụ loan báo Người.

Để có thể chu toàn nhiệm vụ này, Giáo Hội phải kết hiệp chặt chẽ với Chúa Kitô và không bao giờ lìa xa Người; Giáo Hội cần các vị thánh ở lại “trong trái tim Chúa Giêsu” và là những chứng nhân hạnh phúc về Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Và để phục vụ Giáo Hội và thế giới, các linh mục phải là những vị thánh!

Vatican, ngày 26 tháng Ba 2012

Lễ Truyền Tin cho Đức Trinh Nữ Maria


Hồng y Mauro Piacenza

Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ


Celso Morga Iruzubieta

TGM hiệu tòa Alba Marittima

Thư ký

–––––––––––––––––––––––––––––––

[1] Tông thư Novo millennio ineunte , số 31

[2] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thư gửi các linh mục Ngày thứ năm Tuần Thánh 2002

[3] BỘ GIÁO SĨ, Linh mục, thừa tác viên của lòng Chúa thương xót. Trợ giúp các linh mục giải tội và linh hướng, 9 tháng Ba 2011, 14-18; 74-76; 110-116 (linh mục như hối nhân và người môn đệ tinh thần)

[4] x. Porta fidei, số 5

[5] x. Nt., số 11

[6] Nt., số 5
[7] Nt., số 7

[8] Phần Một. Chương I

[9] Gaudium et Spes, số 19 và Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 27.

(Đức Thành dịch theo bản tiếng Anh của clerus.org)

LỊCH PHỤNG VỤ