THÔNG DỊCH VIÊN LỜI CHÚA
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
WGPMT (08.5.2023) – Than phiền bài giảng của
các linh mục đã trở thành chuyện dài nhiều tập đến nỗi đi vào cả Tông huấn của
Giáo hoàng: “Tôi đặc biệt chú ý đến bài giảng lễ và việc chuẩn bị bài giảng vì
có quá nhiều lời ta thán về phận vụ quan trọng này, và chúng ta không thể không
biết đến… Chúng ta biết rằng người giáo dân dành cho bài giảng tầm quan trọng đặc
biệt, nhưng cả họ cũng như các thừa tác viên có chức thánh đều phải khổ sở vì
các bài giảng: giáo dân khổ vì phải nghe, còn người giảng thì khổ vì phải giảng”
(Evangelii Gaudium, 135). Trong câu
trích dẫn trên, Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ nói đến nỗi khổ của giáo dân
khi phải nghe giảng, mà còn nói đến nỗi khổ của các linh mục khi phải giảng! Mà
đây lại là điều ít người để ý đến.
Trong thực tế, các linh mục có những khó khăn khi giảng Lời
Chúa, những khó khăn mà các diễn giả khác không phải đối diện. Chẳng hạn cử tọa
không thay đổi. Một giáo sư dạy một môn học, ông biên soạn một giảng trình và cử
tọa của ông là các sinh viên, mỗi năm là một lớp sinh viên mới nên tuy giảng
trình vẫn thế (có thay đổi chút đỉnh) mà người nghe vẫn thấy mới. Hoặc một diễn
giả được mời thuyết trình trong hội nghị, ông biên soạn bài diễn văn công phu,
và vẫn bài ấy, ông trình bày tại những hội nghị khác với cử tọa khác, bài thuyết
trình của ông lúc nào cũng được người nghe coi là mới mẻ. Còn linh mục giảng Lời
Chúa thì sao? Cũng một cử tọa ấy, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác,
và nếu linh mục ấy phục vụ tại giáo xứ từ 5 năm trở lên thì lấy đâu ra cái mới!
Có khi vừa nghe mấy câu thì người ta đã xầm xì “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
Chưa hết, cử tọa của một giáo sư trên giảng đường là các
sinh viên cùng trình độ, cử tọa của một diễn giả về một đề tài là những người
quan tâm đến đề tài đó, vì thế họ có thể trình bày cách thích hợp với cử tọa.
Còn cử tọa của linh mục tại giáo xứ thì sao? Thưa, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình
độ, làm sao để thích hợp với mọi người? Trong Triết Kinh viện có câu: “Bất cứ
điều gì được đón nhận đều được đón nhận theo thể thức của người đón nhận”. Nếu
lấy câu đó áp dụng cho việc giảng lễ của các linh mục, sẽ thấy rất phức tạp.
Nói thế không phải để than thở, cũng không phải để bênh nhau
nhưng để có thể nói với nhau cách chân thành rằng dù có những khó khăn như thế,
anh em linh mục phải luôn cố gắng chu toàn trách nhiệm cao quý đã lãnh nhận, và
bài viết này mong được là sự chia sẻ thân tình trong bầu khí huynh đệ ấy.
Thông dịch viên
Để tìm một hình ảnh diễn tả việc giảng lễ của linh mục, tôi
nhớ đến một linh mục đàn anh đã qua đời. Có lần ngài kể cho tôi nghe chuyện một
người bạn cùng lớp ở chủng viện nhưng đã xuất tu, sau đó anh dồn sức học tiếng
Anh để làm thông dịch viên cho người Mỹ. Vị linh mục đàn anh ấy nói với tôi: hắn
học đến nỗi ho ra máu để làm thông dịch viên cho Mỹ, thế còn chúng ta học để
làm thông dịch viên Lời Chúa thì sao! “Thông dịch viên Lời Chúa”, tôi nhớ mãi cụm
từ ấy và muốn mượn hình ảnh này để suy nghĩ về nhiệm vụ giảng lễ của các linh mục.
Khi đất nước mở ra với các nước ngoài về hoạt động thương mại
cũng như giao lưu văn hóa, thông dịch viên trở thành một ngành nghề cần thiết.
Vậy, đâu là những phẩm chất cần thiết của một thông dịch viên giỏi?
Thông dịch viên giỏi là người phải thông thạo cả hai ngôn ngữ,
ngoại ngữ và ngôn ngữ bản xứ. Giỏi ngôn ngữ bản xứ nhưng kém ngoại ngữ đương
nhiên không thể thông dịch, nhưng giỏi ngoại ngữ mà yếu về ngôn ngữ bản xứ cũng
không thể là thông dịch viên tốt. Do đó, sở hữu vốn từ vựng rộng lớn trong cả
hai ngôn ngữ sẽ giúp thông dịch viên nhanh nhạy trong việc dùng từ chính xác và
sinh động.
Cùng với sự thông thạo ngôn ngữ, thông dịch viên giỏi còn phải
có kiến thức tổng quát và hiểu biết về văn hóa. Ngôn ngữ là phương tiện diễn tả
tư tưởng, tâm tình, cảm xúc bên trong, và ngôn ngữ gắn liền với văn hóa. Vì thế
nếu có sự hiểu biết rộng về lịch sử và văn hóa bản xứ cũng như nước ngoài,
thông dịch viên có thể hiểu sâu về những điều người ta muốn diễn tả và truyền đạt
cho người khác.
Ngoài ra, cũng như trong bất cứ lãnh vực nào khác, đạo đức
nghề nghiệp là đòi hỏi tất yếu. Trong ngành thông dịch, đạo đức nghề nghiệp trước
hết đòi hỏi sự trung thực, chuyển tải đúng những điều người khác muốn, không tự
ý thêm bớt điều gì. Cùng với sự trung thực là bảo mật thông tin, tác phong lịch
sự, nghiêm túc trong công việc.
Cuối cùng, thông dịch viên giỏi là người phải không ngừng
trau dồi khả năng. Ngôn ngữ và kiến thức là biển cả mênh mông và không ngừng tiến
triển, vì thế để là thông dịch viên giỏi, phải không ngừng trau dồi ngôn ngữ và
sự hiểu biết, nhờ đó mới có thể đáp ứng nhu cầu cách thích đáng.
Thông dịch viên Lời
Chúa
Lời của Chúa và lời của
đời
Thông dịch viên là cầu nối cho cuộc đối thoại giữa hai người
không cùng ngôn ngữ. Cũng thế, thông dịch viên Lời Chúa là cầu nối cho cuộc đối
thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người. Để phục vụ cuộc đối thoại ấy, linh mục
phải hiểu biết Lời Chúa, cụ thể là các bài đọc trong Thánh Lễ. Thông thường các
linh mục giảng lễ hay tự hỏi: “Tôi sẽ giảng điều gì để người nghe thấy hấp dẫn?”
nhưng thực ra câu hỏi đầu tiên phải là: “Lời Chúa muốn nói gì với dân của
Chúa?”, vì thế việc đầu tiên là phải đọc và tìm hiểu Lời Chúa qua các bài đọc.
Đức Phanxicô trong Tông huấn Evangelii
Gaudium (EG) cũng như Đức Bênêđictô XVI trong Verbum Domini (VD) đều nhấn mạnh đến
phần việc quan trọng này và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể (x. EG 150; VD 59):
- Phải đọc kỹ, chậm rãi, không
vội vã, để ý đến những từ ngữ được lặp lại nhiều lần cũng như để ý cấu trúc của
bản văn, mục đích là để tìm hiểu đâu là sứ điệp chính của trích đoạn mà ta đang
đọc.
- Phải liên hệ bản văn ta đang đọc
với giáo huấn của toàn bộ Kinh Thánh vì Chúa Thánh Thần không chỉ linh hứng một
phần nhưng là toàn bộ Kinh Thánh.
- Đồng thời bản thân linh mục phải
đọc bản văn Kinh Thánh như Lời Chúa nói với chính mình. Ai muốn rao giảng, phải
sẵn sàng để cho Lời chạm đến và làm cho Lời hình thành cụ thể trong đời sống của
mình, như thế mới có thể truyền đạt cho người khác điều mình chiêm ngắm; nếu
không sẽ có nguy cơ chỉ là tiên tri giả. “Người giảng dạy Lời Thiên Chúa ở bên
ngoài mà không nghe Lời ấy ở bên trong thì không thể mang lại hoa trái”
(Augustino).
Tiếp đến, giảng không chỉ là giảng cái gì nhưng còn là giảng
cho ai, vì thế cùng với việc hiểu biết Lời Chúa, linh mục còn cần phải hiểu biết
cử tọa và đời sống của họ: “Người giảng phải có khả năng nối kết sứ điệp của bản
văn Kinh Thánh với hoàn cảnh sống của con người, với một trải nghiệm đang kêu
gào ánh sáng Lời Chúa. Đây không phải là chuyện tính toán cơ hội nhưng là đòi hỏi
tôn giáo và mục vụ sâu xa” (EG 154). Chính điều này làm cho bài giảng lễ khác với
bài chú giải Kinh Thánh, và cũng có thể nói là thách đố lớn nhất của việc giảng
lễ, đòi hỏi linh mục phải vừa lắng nghe Lời Chúa vừa lắng nghe lời của đời, nhất
là tâm tư của những người mình được sai đến công bố Lời Chúa cho họ. Chính vì
thế, “Bài giảng là viên đá thử để đánh giá việc gần gũi của mục tử với giáo
dân” (EG 135).
Soạn giảng
Thông dịch viên là một nghề và đòi hỏi phải có đạo đức nghề
nghiệp, huống chi thông dịch viên Lời Chúa là một ơn gọi, thì linh mục giảng lễ
lại càng phải có tinh thần trách nhiệm lớn hơn, trách nhiệm trước mặt Chúa và
trách nhiệm với dân Chúa. Trách nhiệm ấy đòi hỏi linh mục phải chuẩn bị bài giảng
lễ cho chu đáo hết sức có thể: “Mỗi tuần nên dành một thời gian cá nhân hay tập
thể rất cần thiết cho trách nhiệm này, dù phải bớt thời giờ cho những công việc
khác, kể cả những việc thật quan trọng” (EG 145). Nếu không chuẩn bị bài giảng
cho tốt, linh mục giảng lễ sẽ làm mất thời giờ của cộng đoàn, tệ hơn nữa, còn
làm cho cộng đoàn chán ngán Lời Chúa và đời sống đức tin sa sút.
Lý do thường được viện dẫn để biện minh cho việc thiếu chuẩn
bị bài giảng là “không có giờ, quá nhiều việc phải lo”! Tuy nhiên nếu chúng ta
chân thành nhìn lại đời sống của mình, có lẽ vấn đề không phải là không có giờ
nhưng “đâu là ưu tiên hàng đầu của chúng ta?” Nếu ưu tiên hàng đầu là giảng Lời
Chúa thì chúng ta sẽ có thể sắp xếp thời gian thích hợp cho công việc này.
Lý do khác cũng hay được viện dẫn là “các bài đọc đã quá
quen, chẳng có gì mới nên không cần chuẩn bị”! Chúng ta quên rằng Lời Chúa luôn
mới mẻ và cuộc sống con người cũng không ngừng thay đổi. Hãy thử đọc những bài
giảng của Đức Bênêđictô XVI hoặc của Đức Phanxicô xem, cũng cùng một bài Tin Mừng
ấy, các ngài giảng nhiều năm và lần nào cũng cung cấp cái nhìn mới về Lời Chúa.
Vì thế viện dẫn lý do “đã quá quen” thực ra chỉ là để biện minh cho sự lười biếng
của mình.
Một bài giảng tốt là bài giảng tác động trên con người toàn
diện: soi sáng trí khôn, đánh động tâm hồn, thúc đẩy hành động. Vì vậy cần có
thời giờ chuẩn bị kỹ lưỡng bằng việc cầu nguyện, suy nghĩ, đào sâu, tìm kiếm
cách diễn tả. Nên tập trung vào một chủ đề hơn là trình bày quá nhiều ý tưởng rải
rác, thiếu liên kết, khiến người nghe khó lĩnh hội. “Một ý tưởng, một tâm tình,
một hình ảnh” là lời khuyên cụ thể của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nếu được, nên viết
ra vì khi viết, chúng ta có thể chọn những từ ngữ và cách diễn đạt thích hợp và
giúp người nghe dễ đón nhận hơn.
Thuyết giảng
Biên dịch chỉ cần dịch cho đúng và hay, thông dịch còn đòi hỏi
thêm là phải nói, phát âm chuẩn để người ta hiểu. Linh mục giảng lễ cũng thế,
phải nói sao cho người ta nghe được, hiểu được, cảm được: “Một số người nghĩ rằng
họ có thể trở thành những nhà giảng thuyết tốt vì họ biết phải nói cái gì,
nhưng lại chểnh mảng về việc phải nói
thế nào, cách cụ thể là khi trình bày bài giảng. Họ than phiền là người ta
không chịu lắng nghe hoặc không đánh giá họ cao, nhưng có thể là họ đã không
chú tâm đến cách trình bày sứ điệp” (EG 156). Vì thế, linh mục giảng lễ nên
quan tâm đến một số điều về thuyết giảng:
- Giọng nói: phát âm chuẩn, không
nói ngọng hoặc nói sai, không quá nhanh vì sẽ khó nghe, không quá chậm vì sẽ tạo
cảm giác mệt mỏi, hơn nữa là giọng nói có khả năng diễn đạt cảm xúc và chạm đến
tâm hồn người nghe.
- Ngôn ngữ thích hợp: không dung tục
vì đây là lời rao giảng trong khung cảnh phụng vụ, cũng không quá chuyên môn,
xa lạ với cử tọa. Ngôn ngữ giảng là ngôn ngữ đơn sơ, rõ ràng, tích cực: “Điều
thường xảy ra là các vị giảng thuyết sử dụng những ngôn từ có tính học thuật
nhưng không phải là ngôn từ thông dụng của người nghe. Đó là những thuật ngữ đặc
thù của thần học và giáo lý, nhưng phần đông các tín hữu lại không hiểu… Để có
thể giúp họ tiếp cận Lời Chúa, vị giảng thuyết phải lắng nghe, chia sẻ đời sống
của họ và chú tâm đến họ nhiều hơn” (EG 158).
- Thời lượng: giảng lễ là giảng
trong cử hành phụng vụ chứ không phải trong một giờ học hoặc hội thảo, vì thế
bài giảng lễ không thể quá dài. Hơn nữa, bài giảng quá dài có thể làm mất đi sự
hòa hợp giữa các phần phụng vụ cũng như nhịp điệu phụng vụ (x. EG 138). Không
thể ấn định cách quá máy móc về thời lượng bài giảng lễ, tuy nhiên cách chung
vì các linh mục làm việc tại các giáo xứ phải giảng thường xuyên mỗi Chúa nhật
(chưa kể hằng ngày) nên có thể chọn khung thời gian cho một bài giảng lễ Chúa
nhật là 7 – 10 phút.
- Tác phong: linh mục giảng lễ mang
trên người phẩm phục phụng vụ, giảng trong bầu khí cử hành phụng vụ, sau bài giảng
lễ là Phụng vụ Thánh Thể ... tất cả những điều đó bày tỏ ý nghĩa đặc biệt của
bài giảng lễ và vai trò đặc biệt của vị giảng lễ. Chính ý nghĩa và vai trò ấy
đòi hỏi vị giảng lễ phải có tác phong thích hợp. Nói cách khác, linh mục giảng
không chỉ bằng lời nói mà còn bằng ngôn ngữ không lời, và tác phong của ngài
trong toàn bộ cử hành phụng vụ đóng vai trò quan trọng. Một bài giảng tốt cùng
với việc cử hành sốt sắng và trang nghiêm chắc chắn sẽ mang lại ơn ích thiêng
liêng cho cộng đoàn dân Chúa.
Vun trồng vốn liếng
Trong chương trình đào tạo ở các đại chủng viện, Giảng thuyết là môn học thường được
xếp vào năm cuối của chương trình. Như thế, cách nào đó, việc giảng lễ của các
linh mục vừa là kết quả vừa thể hiện ra bên ngoài tất cả những điều linh mục đã
tiếp thu trong chương trình đào tạo. Nói như thế có nghĩa là bài giảng lễ của
các linh mục được hình thành trên nền tảng đã có trước, tức là kiến thức Kinh
Thánh và thần học, kinh nghiệm thiêng liêng và mục vụ, vốn sống và khả năng suy
tư của mỗi người. Đây là lý do giải thích tại sao cũng dựa trên cùng các bài đọc
nhưng các bài giảng lại được khai triển khác nhau.
Nền tảng ấy đã có nhưng không phải là một món hàng thủ đắc một
lần là xong, nền tảng ấy cần phải tiếp tục được củng cố và phát triển trong suốt
đời sống linh mục. Chính vì thế các linh mục được khuyến khích không ngừng học
hỏi: “Những kiến thức của các thừa tác viên thánh cũng phải thánh vì phát xuất
từ nguồn mạch thánh và quy hướng về cùng đích thánh. Vì thế kiến thức đó trước
hết được kín múc từ việc đọc và suy gẫm Thánh Kinh, đồng thời cũng tăng thêm hiệu
quả nhờ việc nghiên cứu những tài liệu của các Giáo phụ, các thánh Tiến sĩ và
các chứng từ khác của Thánh Truyền. Ngoài ra, để trả lời thỏa đáng cho những vấn
nạn của con người thời nay, các linh mục phải tìm hiểu thấu đáo những tài liệu
của Huấn Quyền, nhất là của các Công đồng và các Giáo hoàng, cũng như phải tham
khảo những tác giả thần học thời danh đã được Giáo Hội thừa nhận” (Presbyterorum Ordinis, 19).
Hơn thế nữa, chúng ta đang sống trong một thời đại mà tri thức
nhân loại phát triển rất nhanh, vì thế linh mục lại càng cần tự trau dồi:
“Trong thời đại ngày nay, văn hóa nhân loại và ngay cả các ngành học thánh đã
có những bước tiến mới, vì thế các linh mục phải không ngừng trang bị thật đầy
đủ kiến thức về Thiên Chúa và về con người, đó là cách tự chuẩn bị để có thể đối
thoại cách thích hợp hơn với những người đương thời” (Presbyterorum Ordinis, 19). Đây là lý do các Giáo phận cố gắng tổ
chức các khóa thường huấn hằng năm cho các linh mục. Tuy nhiên điều cần thiết
không kém là mỗi linh mục phải tự đào tạo, dành thời giờ để đọc sách và học hỏi
thêm.
* * *
Giảng lễ là tác vụ cao quý được trao ban cho các thừa tác
viên có chức thánh: “Mỗi người đều có bổn phận và nhiệm vụ liên quan tới Lời
Thiên Chúa: các tín hữu phải lắng nghe và suy niệm Lời; còn chỉ những ai đã nhận
được nhiệm vụ giáo huấn do Bí tích Truyền chức thánh hoặc những ai đã được trao
phó thi hành thừa tác vụ này, tức là các Giám mục, linh mục và các phó tế, thì
mới trình bày Lời Chúa” (VD 59). Câu trích dẫn này cho thấy giảng lễ vừa là đặc
ân dành riêng cho các linh mục và cũng là trách nhiệm nặng nề. Trách nhiệm ấy
đòi hỏi linh mục phải gắn bó mật thiết với Lời Chúa: “Chúa muốn sử dụng chúng
ta như những con người sống động, tự do và sáng tạo, hoàn toàn để cho Lời của
Người thấm nhập chúng ta, trước khi chúng ta truyền đạt Lời này; sứ điệp của
Chúa phải đi ngang qua vị giảng thuyết, không chỉ ngang qua lý lẽ của ngài
nhưng chiếm hữu trọn vẹn cuộc sống của ngài” (EG 151).
Câu hỏi mỗi linh mục phải đặt ra cho mình không phải là “tôi
giảng có hay không, có được người ta ca tụng không?” nhưng là “tôi đã cố gắng
làm hết sức mình chưa?” Hãy làm hết sức như thể kết quả hoàn toàn là do mình,
và phó thác nơi Chúa như thể mọi kết quả là từ nơi Chúa.
Nguồn: giaophanmytho.net (08.5.2023)