WHĐ (31/12/2024) - Vào cuối thế kỷ XVIII, một sự kiện quan trọng xảy ra trong lịch sử, là cuộc cách mạng Pháp (1789) đã loại bỏ ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo Rôma tại Pháp, chuyển dịch quyền lực lớn từ Giáo hội Công giáo Rôma sang Nhà nước. Đi cùng với cuộc cách mạng là bắt bớ và thảm sát các linh mục trên toàn đất Pháp.
Những người đứng đầu Giáo hội bị chính quyền cách mạng bắt giữ hoặc hành quyết, tài sản của nhà thờ bị tịch thu, các linh mục và giám mục thuộc quyền kiểm soát của chính quyền ở Paris chứ không phải Tòa thánh Rôma. Chính phủ cách mạng tịch thu các quỹ từ thiện của nhà thờ để cung cấp nguồn thu hằng năm cho các bệnh viện, cũng như cho các hoạt động giáo dục và cứu trợ người nghèo.
Cuộc cách mạng Pháp làm biến đổi sâu sắc tâm lý của người châu Âu. Sau cuộc cách mạng này, các nhà nước quân chủ tại châu Âu lung lay và lần lượt sụp đổ hoặc phải cải tổ để tiếp tục tồn tại. Giáo hội mất uy tín và quyền lực, tôn giáo dần tách khỏi quyền lực nhà nước trên toàn châu Âu.
- Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật khiến con người muốn loại bỏ Thiên Chúa, việc dạy giáo lý trong các trường Công giáo bị cấm, trẻ em không được giáo dục về đức tin, nhân bản như lúc trước.
- Ngày 03/12/1844, lễ kính Thánh Phanxicô Xavie, cha Gautrelet (S.J.) Giám đốc linh hướng của Chủng viện Dòng Tên đã khuyên các tu sĩ trẻ đang thao thức việc đi truyền giáo: “Hãy trở nên những nhà truyền giáo ngay trong thời gian còn đang học, bằng cách cầu nguyện, hy sinh, dâng công việc mỗi ngày để kết hợp với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể”, đây là họa ảnh đầu tiên của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện.
- Năm 1865, Chính phủ Pháp muốn phá Hội Thánh Công giáo tận gốc nên đưa ra 2 bản dự thảo luật: chống Công giáo và vô thần hóa nước Pháp. Họ cấm trẻ em và thanh thiếu niên học giáo lý, cấm các linh mục dạy trong các trường học, đe dọa xâm chiếm Tòa thánh, Đức giáo hoàng Piô IX kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện.
Năm 1870, hai linh mục Léonard Cross và Henri Ramièse (S.J.) quy tụ thiếu nhi và thanh thiếu niên, hướng dẫn các em tự nguyện tuân giữ việc thực hành cầu nguyện, tĩnh tâm, hy sinh, rước lễ:
+ Mỗi ngày thinh lặng một giờ dâng cho Chúa, làm việc một giờ, chơi một lần ngay thẳng hoàn toàn để cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng.
+ Rước lễ mỗi Chúa nhật để cầu nguyện cho Đức giáo hoàng.
+ Mỗi tối ghi vào sổ tay những việc đã làm như: cầu nguyện, hãm mình, dự lễ, rước lễ, giúp đỡ cha mẹ, …
Ý tưởng này được lan rộng nhanh chóng đến các trường học và các gia đình ở Pháp, Bỉ, Canada, Anh quốc và khắp cả thế giới Công giáo. Theo cách đó, những thiếu nhi cũng được tham gia vào việc cầu nguyện chung. Đức giáo hoàng Piô IX chúc lành cho các trẻ em mà ngài gọi là “Đạo quân riêng của Đức giáo hoàng” nhằm hỗ trợ Tòa thánh trong việc truyền giáo bằng sự rước lễ, dâng ngày, hy sinh để cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng, từ đó Hội Nghĩa Binh Đức Giáo Hoàng ra đời trực thuộc Hội Tông Đồ Cầu Nguyện. Năm 2016, hội này được Đức giáo hoàng Phanxicô canh tân, đổi tên thành Mạng lưới cầu nguyện và Thiếu Nhi Thánh Thể toàn cầu.
- Năm 1910, Qua sắc lệnh Quam Singulari, Đức thánh giáo hoàng Piô X khích lệ và cho phép thiếu nhi được rước lễ sớm (7 tuổi), mong các em chăm chỉ cầu nguyện và gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể.
- Năm 1917, để bảo vệ đền thờ thiêng liêng là tâm hồn của các em thiếu nhi, cha Albert Bassières (S.J.) chính thức thành lập Hội Nghĩa Binh Thánh Thể tại Pháp, dùng vũ khí tinh thần là 4 khẩu hiệu: Cầu nguyện, Rước lễ, Hy sinh và Làm tông đồ. Phong trào nhanh chóng lan rộng khắp Châu Âu.
PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM
- Năm 1929, nhận thấy hiệu quả tốt đẹp của Nghĩa Binh Thánh Thể ở Pháp, hai linh mục hội Xuân Bích là Léon Palliard (cha Lý) và Paul Urureau (cha Đoán) đã đem áp dụng vào việc giáo dục thiếu nhi Công giáo tại Việt Nam. Đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể đầu tiên được thành lập tại trường Thầy Dòng Éucole Puginier của các Sư huynh Lasan ở Hà Nội. Phong trào tỏ ra rất hiệu quả trong việc giáo dục thiếu nhi, được hàng giáo phẩm và giáo dân nhiệt liệt hưởng ứng. Nghĩa Binh Thánh Thể phát triển mau chóng khắp nơi trên toàn quốc:
+ Năm 1931 tại Huế, Sài Gòn
+ Năm 1932 tại Phát Diệm và Thanh Hóa
+ Năm 1935 tại Vinh và Vĩnh Long
+ Năm 1936 tại Qui Nhơn
+ Năm 1937 tại Thái Bình, Bùi Chu
+ Năm 1951 tại Mỹ Tho, Xuân Lộc, Phú Cường
- Năm 1934, Công đồng Đông Dương tổ chức tại Hà Nội đã giới thiệu: “Riêng đối với thiếu nhi nam nữ, chúng tôi xin giới thiệu Hội Nghĩa Binh Thánh Thể, vì không gì có sức hơn để đốt nóng lên trong tâm hồn thiếu nhi tinh thần và lòng mộ mến việc tông đồ” (Khoản 372).
- Ngày 20/07/1954, Hiệp định Giơnevơ đã chia đôi Việt Nam: từ vĩ tuyến 17 trở ra miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam là Việt Nam Cộng Hòa. Phong trào ở Miền Bắc tạm thời lắng đọng. Làn sóng di cư của hơn một triệu đồng bào Công giáo từ các giáo phận miền Bắc, mang theo cả Phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể và tiếp tục phát triển mạnh tại miền Nam.
- Năm 1957, các giám mục đề cử cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Tổng Tuyên Úy đầu tiên của Phong trào.
- Năm 1960 Đức thánh giáo hoàng Gioan XXIII thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, cha Micae được bổ nhiệm làm Giám mục Long Xuyên, và cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh được bổ nhiệm làm Tổng Tuyên Úy.
- Năm 1965, Hưởng làn gió mới của Công đồng Vaticanô II, Hội đồng Giám mục Việt Nam đổi danh xưng Nghĩa Binh Thánh Thể thành PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM và đưa phương pháp sinh hoạt trẻ vào như phương cách giáo dục mới theo lứa tuổi, với ý thức không chỉ dạy thiếu nhi cầu nguyện và siêng năng cầu nguyện mà qua phương pháp sư phạm mới và các sinh hoạt vui tươi, lành mạnh, chú tâm giáo dục đức tin, hướng dẫn thiếu nhi làm tông đồ, giúp các em sống đạo và hân hoan loan báo Tin Mừng.
- Năm 1972, Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể Toàn Quốc VỀ ĐẤT HỨA I được tổ chức ở Bình Triệu với sự hiện diện của 2.000 huynh trưởng từ các giáo phận trên “toàn quốc” (tại miền Nam) đánh dấu mốc trưởng thành của Phong trào.
Năm 1974, vì lý do sức khỏe, cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh xin từ chức, cha Giuse Vũ Đức Thông được bổ nhiệm thay thế.
- Ngày 22/08/1974, Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Chủ tịch Ủy ban Tông đồ Giáo dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam, phê chuẩn bản Nội Quy Mới gồm 8 chương và 77 điều xác định: Lời Chúa làm nền tảng và chất liệu để giáo dục thiếu nhi.
Từ 1965 đến 1975, Phong trào có khoảng 140.000 đoàn sinh, 3.800 huynh trưởng các cấp hoạt động trong 650 giáo xứ của 13 giáo phận miền Nam, trong đó 2 giáo phận đông nhất là Xuân Lộc với 40.000 đoàn sinh và Sài Gòn với 38.000 đoàn sinh.
- Sau biến cố 30/04/1975 tại miền Nam, mọi sinh hoạt hội đoàn Công giáo bị ngưng lại, giản lược các hoạt động tôn giáo, chỉ giữ lại sinh hoạt cốt lõi dưới hình thức các lớp giáo lý trong nhà thờ.
Khi lịch sử Việt Nam sang một trang mới, theo chân những người di tản, hàng trăm ngàn người Công giáo Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới, trong đó có các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam. Họ cũng gầy dựng Phong trào tại các trại tỵ nạn và hiện phát triển mạnh tại các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada, … vẫn giữ danh xưng Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam.
- Từ năm 1990, Phong trào được tái nhen nhóm ở nhiều nơi, hoạt động tuy âm thầm, nhưng không kém phần hiệu quả.
Tại Giáo phận Tp.HCM tháng 4/1999, đức Tổng giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chính thức thành lập Ban Mục Vụ Thiếu Nhi, bổ nhiệm cha Giuse Phạm Đức Tuấn làm trưởng ban cùng với 4 cha cố vấn và 15 cha đặc trách của 15 giáo hạt. Cha Giuse mời gọi các cha Tuyên úy và các cựu huynh trưởng họp mặt bàn bạc thảo luận để chuẩn bị tái lập Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, các ngài chọn Thiếu Nhi Thánh Thể làm phương tiện áp dụng vào việc giáo dục đức tin, cụ thể là việc học và dạy giáo lý cho thiếu nhi trong toàn giáo phận. Ngày 26.7.2003 vào dịp Lễ Chân phước Anrê Phú Yên, chính thức tái lập Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại Tổng Giáo phận Tp.HCM. Các giáo phận khác cũng từng bước hình thành TNTT.
- Trong Hội nghị lần thứ nhất tại Thái Bình (04/2016), Hội đồng Giám mục Việt Nam đề cử Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên đặc trách giới trẻ chính thức kiêm nhiệm Thiếu Nhi Thánh Thể. Ngày 20/09/2016, Đức cha Giuse đã quy tụ các cha Tuyên Úy toàn quốc, với sự hiện diện 23/26 giáo phận, Đức cha Giuse chia sẻ thao thức của Hội đồng Giám mục muốn thống nhất đường hướng giáo dục thiếu nhi theo tinh thần chung đúng với Nội Quy của Thiếu Nhi Thánh Thể. Ngài đề nghị các cha bầu chọn ban điều hành toàn quốc, kết quả:
+ Tổng Tuyên Úy: Cha Giuse Phạm Đức Tuấn (Tgp. Sài Gòn)
+ Tuyên úy Giáo tỉnh Hà Nội: Cha Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh (Tgp. Hà Nội)
+ Tuyên úy Giáo tỉnh Huế: Cha Đaminh Phan Phước (Tgp. Huế)
+ Tuyên úy Giáo tỉnh Sài Gòn: Cha Vicente Phạm Thế Hòa (Gp. Long Xuyên)
+ Tổng Thư Ký: Cha Phêrô Vũ Văn Thìn (Gp. Hải Phòng)
+ Truyền thông: Cha Giuse Nguyễn Văn Tuyên (Gp. Thái Bình)
Liên đoàn của các giáo phận hỗ trợ nhau trong việc giáo dục Thiếu Nhi Thánh Thể và huấn luyện huynh trưởng–giáo lý viên.
- Tháng 10/2017, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên được chọn đặc trách Giới trẻ và Thiếu Nhi Thánh Thể toàn quốc. Ngài cho áp dụng thử nghiệm Nội quy TNTT và Quy chế huấn luyện cho việc Giáo dục Thiếu nhi hôm nay. Năm 2017 kỷ niệm 100 năm (1917-2017) thành lập Nghĩa Binh Thánh Thể. Cả 3 miền tổ chức đại hội: miền Bắc (tại Gp. Thái Bình), miền Trung (tại Gp. Qui Nhơn), miền Nam (tại Gp. Xuân Lộc). Năm 2018, Đại hội toàn quốc kỷ niệm 100 năm, với sự hiện diện của 8 tổng giám mục và giám mục, hơn 100 linh mục tuyên úy và các trợ úy, hơn 3.000 huynh trưởng–giáo lý viên, được tổ chức ở La Vang trong 2 ngày 22-23/08/2018 với chủ đề “Thánh Thể – Nguồn sống” “Yêu thương – Hiệp nhất”.
- Sau hơn 2 năm thử nghiệm, tại cuộc họp toàn quốc của các Tuyên Úy và cấp lãnh đạo Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, với sự tham dự của 25/28 giáo phận, 42 cha Tuyên Úy, 37 huynh trưởng và huấn luyện viên đại diện Liên đoàn các giáo phận, Bản Nội Quy cùng với Quy Chế Huấn Luyện chính thức được thông qua với 2 bổ sung quan trọng:
+ Huynh trưởng phải là giáo lý viên
+ TNTT được chia làm 5 ngành: Chiên con (4-6 tuổi) tập cho trẻ làm quen với nhà thờ, với sinh hoạt cộng đoàn và các việc đạo đức, Ấu Nhi (7-9 tuổi), Thiếu Nhi (10-12 tuổi) Nghĩa sĩ (13-15 tuổi) và Hiệp sĩ (16-18 tuổi).
- Ngày 21/04/2019 Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên – đặc trách Ủy Ban Giới Trẻ và Thiếu Nhi đã chính thức phê chuẩn Bản Nội Quy và Quy Chế Huấn Luyện làm nền tảng cho sinh hoạt và công việc đào tạo nhân sự của TNTT.
KẾT LUẬN:
- Qua bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam từ nền tảng là Hội Tông Đồ Cầu Nguyện của các linh mục Dòng Tên, đã phát triển và lớn mạnh ở nhiều nơi trên thế giới hầu mưu ích cho thiếu nhi, giúp các em chống lại hiểm họa tục hóa trong thế giới hôm nay.
- Trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam hôm nay là thúc đẩy các huynh trưởng–giáo lý viên hăng say nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, giáo dục thiếu nhi cùng nhau làm chứng tá cho Tin Mừng; đồng thời không ngừng học hỏi, nghiên cứu và canh tân phương pháp giáo dục thiếu nhi cho phù hợp với những đòi hỏi của thời đại. Đó là sứ mạng cao cả, và là trách nhiệm của các huynh trưởng–giáo lý viên.
- Hiện diện và tồn tại gần một thế kỷ với nhiều thăng trầm trên hầu hết các giáo phận, Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam chính là dấu chỉ chúc lành của Thiên Chúa. Ngài còn muốn dùng Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, góp phần loan báo Tin Mừng của Chúa như phương tiện để chống lại hiểm họa tục hóa các em thiếu nhi mọi thời, mọi nơi như lời bài hát Thiếu Nhi Tân Hành Ca được cất lên “… Tuổi trẻ Việt Nam đem Chúa cho giới trẻ mọi nơi”.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024)