Giuse Nguyễn Công
Đoan, SJ
WHĐ -- Bước vào Mùa Chay Hội Thánh mời chúng ta “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, “hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”.
Đặc biệt năm nay nhà giảng thuyết đặc biệt là CÔ VY tí hon, chẳng ai thấy hay
biết mặt mũi ra sao, không mời mà tới, đi thì thầm vào tai mọi người, nhắc lời
Hội Thánh công bố hôm đầu Mùa Chay. Từ kẻ quyền thế hét ra lửa khi dể mọi người,
tới người vô gia cư bên hè phố, từ kẻ mọi người bái phục đến người chẳng ai biết
là đang có mặt trên cõi đời này. Người ta đã đón nhận lời rao giảng ấy như thế
nào? Chúng ta, những người tin Thiên Chúa, tin vào ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta đón nhận
như thế nào? Nhiều người tự hỏi hoặc hỏi chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu lúc này?” “Bạn
còn tin Thiên Chúa được không?”
Bước vào Tuần Thánh là tột đỉnh của Mùa Chay,
chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Giê-su Con Thiên
Chúa làm người đang hấp hối trên thập giá, trần truồng, ngộp thở, bất lực, cô
đơn đến nỗi phải thốt lên lời cầu nguyện bi thảm nhất trong sách Thánh Vịnh, là trường dạy tín hữu cầu
nguyện: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của
con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Tv
21/22, 1). Những kẻ sát nhân đắc thắng đứng nhìn, nghe thế còn chế nhạo. Thiên
Chúa như vẫn thinh lặng. Với chút hơi và sức lực còn lại, Đức Giê-su thét lên một
tiếng rồi tắt thở (X. Mt 27, 45-50; Mc, 15,33-37).
Tiếng gào, tiếng thét Con Thiên Chúa thốt lên
trên thập giá phát ra từ nét chạm cuối cùng của Thiên Chúa để nặn thành “con người giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27; 2,7). Đó cũng là tiếng Thiên
Chúa quát nạt những kẻ chống lại Đấng Người đã xức tấn phong (Tv 2,5); đó là tiếng thét của Sam-son
khi xô đổ tòa nhà để tiêu diệt quân thù bằng chính cái chết của mình (Tl 16,30). Đó là tiếng thét xung trận của
Con Thiên Chúa để tiêu diệt chính cái chết đã ầm ĩ thét gào khiêu khích, trong
khi Thiên Chúa im lặng và Con Thiên Chúa thì “như con chiên bị đem đi giết không hề mở miệng” (53, 7): “Hỡi tử thần, Ta là cái chết của ngươi đây!”
(Điệp ca 1, Kinh chiều thứ Bảy Tuần Thánh; x. Is 25, 8; Hs 13, 14; 1Cr 15,55).
Thiên Chúa lên tiếng ngay sau đó: “bóng tối bao phủ… đất rung chuyển, đá vỡ tung” (Mt
27, 45-51) như khi Thiên Chúa hiển linh trên núi Xi-nai (Xh 19,16-18), núi Kho-rép (1V 19,11-12).
Và chiến thắng theo ngay: “mồ mả bật tung và nhiều người thánh đã qua đời trỗi dậy”; viên sĩ
quan chỉ huy cuộc hành quyết kêu lên: “Quả
thật người này là Con thiên Chúa”. “Đám
đông đã tụ họp để xem cảnh tượng này thì đấm ngực ra về”. Hai người môn đệ
thế giá trong bóng tối bỗng ra ánh sáng: ông Giu-se người A-ri-ma-thê đi gặp
Phi-la-tô để xin lãnh xác Đức Giê-su; ông Ni-cô-đê-mô mang một trăm cân mộc dược
đến tẩm liệm. (x. Mt 27,45-54; Mc 15, 39-45; Lc 23,44-52; Ga
19,38-40).
Tiếng thét cuối cùng ấy cũng là tiếng chào đời của
một con người mới vừa được sinh ra từ nỗi đau sinh con (x. Ga 16,21-22). Maria Ma-đa-le-na đứng khóc trước cửa ngôi mộ đã mở
toang, hai thiên thần ngồi bên trong, ở nơi đã đặt xác Đức Giê-su, mỗi vị một đầu,
như để đánh dấu rõ ràng là “xác Người không còn ở đây”, lên tiếng hỏi bà : “Này người đàn bà, sao bà khóc?” Chúa
Giê-su đến sau lưng, bà chưa nhận ra thì Chúa hỏi: “Hỡi người đàn bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” (Ga 20, 12-15). Con người mới đã có đó rồi, nỗi đau sinh con đã qua
rồi, sao bà còn khóc?
Tiếng thét ấy cũng là tiếng reo của Thiên Chúa vừa
hoàn thành công trình tạo nên con người thật sự giống hình ảnh Thiên Chúa, để từ
nay mọi người thuộc dòng dõi A-dong có thể “lột
bỏ con người cũ”,“mặc lấy Con Người Mới
đã được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa, trong sự công chính và thánh thiện
đích thật” (Ep 4,22-24; Cl 3, 9-10; x. Rm 6, 1-11).
Tại sao công trình tạo dựng con người bắt đầu từ
chương đầu sách Sáng Thế mà bây giờ mới hoàn tất trên thập giá? Công trình đã bị
xáo trộn từ “cây biết lành biết dữ”,
do “bàn tay sần sùi” của Xa-tan đã xúi con người nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa
và muốn nên như Thiên Chúa bằng cách đoạt lấy quyền tự mình định đoạt cái gì là
tốt cái gì là xấu.
Từ đó Thiên Chúa phải uốn nắn lại con người cho
nên giống hình ảnh Thiên Chúa:
Trên thập giá khi buông Con Một trong tay loài người và
để mặc cho loài người đối xử tùy ý, thì Thiên Chúa đã tự định nghĩa rõ ràng: Thiên Chúa là Tình Yêu (Ga 3,16)
Và Con Thiên Chúa
đã đứng về phía loài người mà đáp lại bằng sự tin tưởng hoàn toàn vào Tình Yêu của Thiên Chúa và
dám chấp nhận cả cái chết để bày tỏ tình
yêu đối với Thiên Chúa (Ga 14,31).
Khi tôn vinh Người
Con đã hạ mình vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chết và chết trên thập giá, Thiên Chúa đã xác nhận: Tình Yêu mạnh hơn cái chết, vì Thiên Chúa
Tình Yêu là Thiên Chúa hằng sống và tự mạc khải bằng sự sống chứ không phải bằng
cái chết. (Ed.33,11).
Suốt Mùa Chay và đặc biệt trong “Canh Thức Vọng
Phục Sinh”, Hội Thánh mời chúng ta ôn lại lịch sử cứu độ để nhận biết mình cần
được cứu khỏi quyền lực của tội lỗi và sự
chết, và Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ, ơn giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết,
trong Con Một yêu dấu của Thiên Chúa, Đấng đã sinh xuống làm người anh em của
chúng ta trong thân phận con người; đã chết để xóa bỏ tội lỗi và sống lại để
ban sự sống vĩnh cửu làm cho chúng ta nên anh em của Ngài trong vinh quang của
Thiên Chúa: “Cha của Thầy cũng là Cha của
anh em” (Ga 20, 17).
Vào Mùa Phục Sinh, chúng ta nhìn lại vài giai đoạn trong lịch sử cứu độ để nhận ra sư phạm của Thiên Chúa trong hành trình uốn nắn con người cho nên giống hình ảnh Thiên Chúa, để từ nay sống đời sống mới do Chúa Ki-tô Phục Sinh đem cho chúng ta:
1- Áp-ra-ham, người bạn của Thiên Chúa (Is 41,8; Đn 3, 35)
2- I-xa-ác, món quà trao đổi giữa hai người bạn
3- Gia-cóp – Ít-ra-en: người vật lộn với Thiên Chúa
4- Dòng dõi Ít-ra-en, cục đất sét cứng trong tay thợ gốm
5- Mô-sê, người trung gian bị vạ lây
6- Giê-rê-mi-a, người mẫu « chân dung người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa”
7- Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, hình ảnh toàn hảo của Thiên Chúa, trưởng tử giữa toàn thể thọ tạo, “con người mới” đúng hình ảnh của Thiên Chúa.
1- Áp-ra-ham, người bạn của Thiên Chúa
Sau khi con người đã được tạo thành giống hình ảnh
Thiên Chúa làm hỏng công trình vì không tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa, khiến
cho thế giới loài người đầy bất công, hận thù, máu và nước mắt (St 3-6). Cuộc tái lập sau nạn Hồng Thủy,
khởi từ gia đình của một người công chính là No-ê, cũng thất bại (St 9-11), Thiên Chúa đã đến tìm giữa
loài người một người bạn dám tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa và đáp lại vô điều
kiện.
ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ
hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ
làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi
ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.
Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi ;
Ai nhục mạ ngươi,
Ta sẽ nguyền rủa.
Nhờ ngươi, mọi
gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”
Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông.
Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran. (St
12,1-4).
Thiên Chúa đề nghị ông rời bỏ mọi an toàn hiện tại
và mọi bảo đảm cho tương mà ông có tại xứ sở, họ hàng và nhà cha để ra đi, hướng
về một miền đất và một tương lai mà ông không nắm được bảo đảm nào trong tay
ngoài lời Thiên Chúa hứa.
Miền đất Chúa bảo ông đi tới thì ông cũng chưa biết
tên, chưa biết ở phương nào, Thiên Chúa bảo “sẽ chỉ cho”
Thiên Chúa hứa cho ông thành một dân lớn khi mà
ông đã già và người vợ yêu quí duy nhất của ông cũng chẳng còn sinh con được nữa.
Ông ra đi trắng tay, cả hiện tại lẫn tương lai đều
không ở trong tay ông. Ông chỉ có lời hứa của Thiên Chúa là tất cả. Ông có đem
một người cháu theo, nhưng ít lâu sau người cháu cũng chia tay với ông để ông
thật sự ra khỏi cả họ hàng.
Ông tin vào lời của Thiên Chúa mà ra đi. “Ông ra đi mà không biết mình đi đâu” (Hr 11,8).
Nhiều năm sau, một đêm dưới mài lều tăm tối,
Thiên Chúa lại đến nói với ông. Bảo ông “đừng
sợ!” vì ông đang trằn trọc băn khoăn tới tột cùng vì thấy mình sắp ra khỏi
cuộc đời trên miền đất lạ, chỉ có lời hứa để ôm theo, chẳng để lại dòng dõi
nào; cơ nghiệp gầy dựng bấy lâu chẳng còn ai trong họ hàng để hưởng, phải trao
cho một người lão bộc trung thành. Ông đơn sơ bộc lộ nỗi lòng cho Thiên Chúa.
Thiên Chúa nhắc lại lời hứa, bảo đảm bằng một lời
thề độc theo phong tục thời đó: nếu không giữ lời hứa thì sẽ bị phân thây xé
xác. Ông Áp-ra-ham cũng nhắc lại lòng tin: “Ông
tin vào Thiên Chúa” (St 15,6).
Rồi ông tiếp tục bước đi trong ánh sáng và sức mạnh
của lòng tin. Thử thách và phiền muộn lại đến từ phía khác. Ông vẫn chung thủy
với bà vợ già Sarah và yêu bà nhất trên đời; bà cũng yêu ông và không muốn ông
phải thất vọng vì sự son sẻ của mình. Bà
đề nghị giải pháp đơn giản thời đó là nhờ Ha-ga, cô nô lệ của bà mang thai hầu
bà. Ông cũng chiều ý bà. Kết cục giải pháp của bà chỉ gây sầu muộn cho bà, ưu
phiền cho ông và khổ cho cô nô lệ, khổ cho cả cái bào thai cô mang hầu bà trong
bụng mình. Khi ấy Ông đã 86, bà thua ông mười tuổi (St 16, 16).
Mười bốn năm Thiên Chúa thinh lặng như thể đã bằng
lòng với giải pháp giản đơn của bà Xa-ra, rồi một hôm Người lại đến gặp ông Áp-ra-ham: “Năm tới Xa-ra vợ ngươi sẽ sinh cho ngươi một
đứa con trai…” Tin này đã làm ông “cười bò xuống” đất. Thiên Chúa bảo đảm bằng
cách đổi tên cho cả ông lẫn bà, và đặt tên sẵn cho đứa con : “ngươi sẽ đặt tên cho nó là I-xa-ác” [Ông
Cười] (X. St 17, 1-22).
Ít lâu sau Thiên Chúa lại đến gặp ông ngay tại cửa
lều, nhận bữa ăn thịnh soạn mà ông kêu bà cùng hối hả dọn mời, dưới bóng cây cổ
thụ rợp bóng che lều cho ông. Sau đó, Người nhắn khéo cho bà ngồi nghe ở trong
lều, sau lưng ông đang đứng hầu bên ngoài, rồi Người nhắc lại tin mừng đã nói với
ông. Bà cười lăn trong lều. (St 18,
1-15)
Rồi ngày vui nhất đời đã tới, khi “Ông Cười” do
chính bà mang thai, sinh ra để đem tiếng cười cho mọi người. Ông đã tròn 100,
bà đã chín chục. Ba năm sau, ngày cai sữa cho I-xa-ác, bà dứt khoát xóa bỏ kế
hoạch đã lỗi thời của bà, để chỉ có một “Ông Cười” ở trong nhà: bà không nhận đứa
con do người nô lệ mang thai giùm là con của bà nữa. Bà thẳng tay ra lệnh cho
ông đuổi “đứa nô lệ và con của nó đi”.
Ông chần chừ nhưng Thiên Chúa lại bắt ông phải theo lệnh bà. Ông đành nhìn người
nô lệ nước mắt đầm đìa cõng đứa con ngơ ngác ra khỏi nhà (St 21, 1-21). Những vết hằn của đau thương oán hận gieo vào từ
trong bụng mẹ sẽ khiến nó lớn lên “đúng
là một con lừa hoang, nó giơ tay chống lại mọi người, mọi người chống lại nó…”
(St 16,12).
Ngày ấy tiếng cười của ông như một bản nhạc từ
cung trưởng đã bị đổi qua cung thứ, như để chuẩn bị đón giờ Chúa sẽ đòi lại
chính tiếng cười Ngài đã cho ông.
Giờ ấy đến khi Thiên Chúa lại đến gọi tên ông hai
lần, chỉ để nói với ông: Người gọi ông : “Áp-ra-ham !” Ông thưa
: “Dạ, con đây !” Người phán : “Hãy đem con của ngươi, đứa con
một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà
dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”
(St 22,1-2)
Lời Thiên Chúa hôm nay như đưa ông về điểm khởi đầu:
lại trắng tay. Đứa con do người nô lệ sinh cho ông đã bị vợ ông bắt phải đuổi
đi. Đứa con do vợ yêu của ông sinh cho ông thì Thiên Chúa đòi lại. Lời “trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” âm vang
lời đã nghe mấy chục năm trước “đi tới miền
đất ta sẽ chỉ cho”.
Lần này ông không có gì để nói với Thiên Chúa.
Ông không cười cũng không khóc, chỉ lặng lặng dậy sớm và chuẩn bị mọi thứ, rồi
dẫn con đi. Lần trước ông đi ba năm mới tới miền đất Thiên Chúa chỉ cho ông[1], lần
này thì ông đi ba ngày mới tới ngọn núi Thiên Chúa chỉ. Ông chất củi từ trên
lưng lừa sang vai con, ông thì một tay cầm dao một tay cầm lửa. Hai cha con
cùng đi lên núi. Sự thinh lặng chỉ bị ngắt quãng vì mẩu đối thoại giữa hai cha
con. Mẩu đối thoại nghe mà đứt ruột vì đây là lần đầu và lần cuối ta được nghe
I-xa-ác ngây thơ tin tưởng gọi “cha ơi”,
trong khi người cha biết mình đang dẫn con đi đâu, nên âu yếm “cha đây, con của cha ơi!” và một lần nữa
“con của cha ơi!” Rồi hai người tiếp
tục đi cùng nhau.
Lên tới nơi Thiên Chúa chỉ, ông tự tay lập bàn thờ,
xếp củi lên, rồi tự tay trói con lại, đặt lên bàn thờ. Hai cha con vẫn im lặng.
Ông đưa tay ra cầm lấy con dao thì Sứ Thần Thiên Chúa đột ngột phá tan sự thinh
lặng, gọi tên ông hai lần dồn dập. Ông thưa: “Này con đây!” Lệnh mới của Thiên Chúa: “Đừng đưa tay hại đứa trẻ!...” Lưỡi dao nằm yên đó, nhưng đã mở trái
tim ông cho Thiên Chúa xem: “Ta thấy lòng
ngươi rồi…”
Ông đã chứng tỏ rằng ông “yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả trái tim, bằng tất cả mạng sống và bằng
tất cả những gì ông có”. “Đứa con của
ông, đứa con một của ông, đứa con yêu dấu của ông, ông cũng không từ chối Thiên
Chúa”, nó nằm trên bàn thờ chứ không nằm trong tim của ông. Thiên Chúa mới
là phần gia nghiệp của ông, là tất cả của ông và lấp đầy trái tim ông. Ông thật
sự là “người bạn của Thiên Chúa”.
Thiên Chúa còn gọi lần nữa để nhắc lại lời hứa
ông đã nghe dưới ánh sao năm xưa.
Ông lại thinh lặng ôm theo lời hứa đi xuống núi,
rồi cùng với hai người tôi tớ. Lần này ông biết mình phải đi đâu và ở đâu: “Ông lên đường đi về phía Bơ-e Se-va. Ông cư
ngụ tại đó”.
Thiên Chúa sẽ truyền cho dòng dõi ông yêu mến Thiên Chúa như ông đã yêu mến (Đnl 6, 5). Nhưng họ có giống ông được không thì lại là truyện dài nhiều tập trong lịch sử.
2. I-xa-ác,
món quà của tình bạn giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham
Trình thuật “hiến tế I-xa-ác” vừa đọc kết thúc với
hình ảnh Áp-ra-ham quay lưng xuống núi một mình, không thấy kể Áp-ra-ham cởi
trói, đem con xuống khỏi bàn thờ… rồi đi về phía Bơ-e-Sê-va và định cư ở đó.
Không thấy nhắc đến bà Xa-ra, cũng không nhắc đến I-xa-ác nữa.
Nhiều năm sau, khi bà Xa-ra chết với tuổi thọ một
trăm hai mươi bảy, ta mới được nghe tiếp câu chuyện lời hứa về một miền đất: nó
cũng vẫn còn trong cõi đợi chờ. Ông phải đi mua một phần đất để chôn bà.
Cả trong đám tang này cũng không thấy I-xa-ác xuất hiện.
Khi ông Áp-ra-ham đã lớn tuổi lắm ta mới lại nghe
kể ông Áp-ra-ham sai người lão bộc về quê cũ của ông để tìm vợ cho I-xa-ác. Khi
người lão bộc dẫn cô Rê-béc-ca về thì lại chỉ thấy I-xa-ác đón từ giữa cánh đồng
và đưa vào lều của bà mẹ Xa-ra quá cố, ở đó cậu cưới nàng làm vợ, cậu yêu nàng
và cậu được an ủi về nỗi buồn mất mẹ (St
24, 63-67).
Điều trùng hợp lý thú là I-xa-ác và It-ma-en, đứa
con do nàng Ha-ga sinh cho Áp-ra-ham, đã bị bà Xa-ra đuổi đi lại cùng nhau lo
mai táng ông Áp-ra-ham bên cạnh bà Xa-ra. Sau đó thì I-xa-ác định cư ở gần cái
giếng La-khai Rô-i, nơi thiên sứ đã đón gặp Ha-ga, khi nàng chạy trốn bà chủ
Xa-ra, để bảo nàng quay về tùng phục bà, cho đứa con trong bụng nàng được sinh
ra trong nhà ông Áp-ra-ham. Nghệ thuật kể chuyện đạt tới đỉnh cao để truyền đạt
sứ điệp. Ta đừng thắc mắc thêm kẻo thành “vẽ rắn thêm chân” làm hỏng bức tranh.
Rê-béc-ca cũng chịu thân phận hiếm muộn giống bà
Xa-ra. I-xa-ác tha thiết khẩn nài Thiên Chúa, và Thiên Chúa cho bà một cặp song
sinh, Ê-sau và Gia-cóp. Nhưng ông thì cưng Ê-sau là đứa ra trước, thích lang
thang săn bắn. Bà thì cưng Gia-cóp, đứa ra sau, tối ngày bám váy mẹ ở nhà. Từ
trong bụng mẹ, Gia-cóp đã mưu đoạt vị trí trưởng nam. Khi I-xa-ác đã lòa, thì
bà vợ yêu dấu từng làm ông khuây nỗi buồn mất mẹ, nay sắp đặt để giành quyền
trưởng nam cho cục cưng của bà. Rồi sợ Ê-sau trả thù đứa em, bà lại tỉ tê xúi
ông I-xa-ác sai Gia-cóp về quê ngoại.
Trong câu chuyện của gia đình Ap-ra-ham, I-xa-ác
như một cái bóng mờ, hết được mẹ ấp[2] thì
lại có vợ ủ cho tới chết. I-xa-ác chỉ thật sự có mặt trong truyện hiến tế, cưới
vợ, khấn xin cho vợ có con và cuối cùng là việc thừa kế do bà vợ dàn xếp. Ông
chỉ như cái gạch nối giữa Áp-ra-ham và Gia-cóp trong gia đình. Trong tương quan
giữa Áp-ra-ham với Thiên Chúa thì ông là món quà “bọc điều” trao tay giữa Thiên
Chúa và Áp-ra-ham để nối kết tình bạn. Nhưng chính ở điểm này thì ông lại trở
thành hình bóng của Con Một Thiên Chúa, người con nối lại tương quan giữa loài
người với Thiên Chúa.
Sách Tin Mừng Mát-thêu vận dụng một cách nhẹ nhàng kín đáo mà
phải tinh mắt mới nhận ra. Tin Mừng này mở đầu với nguồn gốc của Đức Giê-su
Ki-tô. Bản gia phả nói lên nguồn gốc về phía loài người, trong đó Áp-ra-ham và
Đa-vít được đặt làm cột mốc, vì hai ông tổ này đã nhận được hai lời hứa của
Thiên Chúa: lời hứa cho Áp-ra-ham một dòng dõi đông như sao trời cát biển, và
cho Đa-vít có dòng dõi mãi mãi làm vua. Lời sứ thần báo cho ông Giu-se con vua Đa-vít (Mt 1, 20-25) giải thích nguồn gốc Đức
Giê-su về phía Thiên Chúa. Ông Giu-se con vua Đa-vít lại là con ông Gia-cóp, giống
ông Giu-se trong Cựu ước.
Lời hứa cho Áp-ra-ham được thực hiện mở đầu với người con một
yêu dấu I-xa-ác, sau khi hiến tế thì Thiên Chúa bảo đảm lại lần nữa là dòng dõi
đông như sao trời cát biển mà Thiên Chúa đã hứa xuất phát từ người con duy nhất
này.
Lời hứa cho Đa-vít có vẻ như bế tắc từ cuộc lưu đày
Ba-by-lon, vì từ đó chẳng có ai trong dòng dõi Đa-vít lên làm vua nữa.
Chúa Giê-su phục sinh sai “bà
Maria Ma-đa-lê-na và một bà khác cũng tên là Maria: “đi báo cho anh em của Thầy
rằng họ phải đi về Ga-li-lê, ở đó họ sẽ gặp Thầy”. Ngay sau đó thì chúng ta
được biết “anh em của Chúa Giê-su” chính
là Mười Một Tông Đồ còn lại: Mười
một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã
truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy,
nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến
gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy
anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ
nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ
tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế.”
Ngọn núi Đức Giê-su đã truyền
cho các ông đến ở xứ Ga-li-lê vọng lại “ngọn núi Thiên Chúa đã chỉ cho
ông Áp-ra-ham” ở xứ Mô-ri-gia để hiến tế người con một yêu dấu, ở đó Thiên
Chúa đã khẳng định lại lời hứa cho ông “làm
cha vô số dân tộc” (St 17,6) và “dòng
dõi đông như sao trời cát biển” (St
22,1-18). Trên ngọn núi Chúa Giê-su truyền cho nhóm mười một đi đến ở xứ
Ga-li-lê, Chúa Phục Sinh tuyên bố lời Thiên Chúa hứa cho Đa-vít đã thành tựu
nơi Ngài, là Con Vua Đa-vít. Lời hứa cho Áp-ra-ham dòng dõi đông như sao trời
cát biển cũng được thực hiện nơi Ngài. Các môn đệ đã thành anh em của Ngài phải
ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ tức là thành anh em của Chúa. “Đức Giê-su con ông Giu-se” đã tìm được
anh em của mình, đến phiên họ phải “đi
tìm anh em của mình” như ông Giu-se con ông Gia-cóp trong Cựu Ước (St 37.39-45).
Trong Sách
Tin Mừng thứ tư thì “cái bóng mờ” I-xa-ác lại sáng như trăng rằm. “Cái bóng
I-xa-ác” có mặt xuyên suốt như “hình in chìm” phía sau hình nổi của Đức Giê-su
Ki-tô, Con Một của Thiên Chúa. Khởi từ danh hiệu đầu tiên ông Gio-an Tiền Hô giới
thiệu Đức Giê-su với đám đông dân chúng: “Đây
là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” cho tới cảnh “Đức Giê-su tự vác lấy thập giá của mình, đi
tới Gôn-gô-tha”.
Đây là Con Chiên
của Thiên Chúa vang lên như loan
báo sự thực hiện lời Áp-ra-ham nói với I-xa-ác con một yêu dấu của ông trong mẩu
đối thoại ngắn ngủi mà đứt ruột khi hai cha con cùng đi lên núi: “Thiên Chúa sẽ tự lo liệu cho mình một con
chiên để làm của lễ toàn thiêu” (St
22, 8). Con chiên Thiên Chúa tự lo liệu cho mình chính là Con Một của Thiên
Chúa: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian
đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,
16). Niềm vui khiến ông Áp-ra-ham cười bò, bà Xa-ra cười lăn cũng vang lên ở
chương thứ tám trong cuộc tranh luận về ai là con của Áp-ra-ham, ai con của
Thiên Chúa: “Ông Áp-ra-ham là
cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy
và đã mừng rỡ.” (8, 56).
Cả cuộc đối thoại giữa Áp-ra-ham và con một yêu dấu
lại vang lên đằng sau cuộc đối thoại của Đức Giê-su, Con Một của Thiên Chúa với
Cha, khi giờ đã đến: “Bây giờ,
tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ
này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin
tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh
Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (12,27-28).
Cuối cùng, cảnh I-xa-ác vác củi, hai cha con cùng đi lên núi, hiện lên như cái bóng khi “Chính Đức Giê-su vác lấy thập giá của mình đi ra, đến nơi gọi là Núi Sọ” (19,17) với lời giải thích trước của Đức Giê-su: “Anh em sẽ bị phân tán, để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (16,32).
3. Gia-cóp /
“Ít-ra-en, kẻ đấu với Thiên Chúa và với người ta”
I-xa-ác mờ như một gói quà “bọc điều” trao tay
qua lại giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham, còn Gia-cóp nổi lên hoạt náo như một con
người vật lộn với mọi người và với cả Thiên Chúa để dành phần phúc cho mình
ngay từ trong bụng mẹ.
Cặp song sinh này từ trong bụng mẹ đã đụng nhau.
Khi sinh, thì “đứa ra trước đỏ hoe, toàn thân như một cái áo choàng bằng lông,
nên gọi tên là Ê-sau; đứa ra sau nắm
gót chân đứa ra trước, như muốn kéo lại để dành ra trước, vì thế gọi là Gia-cóp [kẻ níu gót].
(còn tiếp)