THIÊN CHÚA KHÔNG YÊU CẦU NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ CHÚNG TA CÓ THỂ CHO ĐI.
(Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII Thường Niên năm A)
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập
từ: catholicexchange.com
WHĐ (13.11.2020) - Chúng tôi rao
giảng Chúa Kitô không chỉ đến một lần, mà còn rao giảng Ngài đến lần thứ hai,
vinh quang hơn nhiều so với lần đầu tiên. Lần đầu tiên Ngài mặc khải ý
nghĩa của sự kiên nhẫn chịu đựng của Ngài; lần thứ hai Ngài mang theo
vương miện của vương quốc Thiên Chúa.” – Thánh Cyrilô thành
Giêrusalem.
Mátthêu 25:
14-30:
14 "Vì chưng cũng nhưng người kia trẩy đi xa, gọi tôi tớ lại mà ký thác của cải mình cho họ. 15 Người thì được ông trao cho năm nén vàng; người khác: hai; và người thứ ba: một nén; mỗi người tùy theo tài lực của mình. Ðoạn ông trẩy đi. Ngay đó 16 người lĩnh năm nén ra đi doanh lợi bằng vốn đó và gây lời được năm nén khác. 17 Cũng vậy, người có hai nén đã gây lời được hai nén khác. 18 Còn người lĩnh một nén, thì đi đào đất giấu bạc của chủ. 19 Ðằng đẵng mãi lâu sau, chủ các tôi tớ ấy đến mà tính sổ với họ. 20 Người đã lĩnh năm nén tiến lại nộp thêm năm nén khác, mà rằng: "Thưa ngài, ngài đã trao tôi năm nén; này tôi đã gây lời được năm nén khác đây!" 21 Chủ nói với người ấy: "Tốt lắm! Tôi tớ lương hảo và trung trực! Ít, mà ngươi đã trung trực thì ta sẽ đặt ngươi cai nhiều; hãy vào trong hoan lạc của chủ ngươi". 22 Người đã lĩnh hai nén cũng tiến lại mà nói: "Thưa ngài, ngài đã trao tôi hai nén; này tôi đã gây lời được hai nén khác đây". 23 Chủ nói với người ấy: "Tốt! tôi tớ lương hảo và trung trực! Ít, mà ngươi đã trung trực thì ta sẽ đặt ngươi cai nhiều; hãy vào trong hoan lạc của chủ ngươi". 24 Cả người lĩnh một nén cũng tiến lại mà nói: "Thưa Ngài, tôi đã biết Ngài là một người hà khắc, không gieo mà gặt, không vãi mà thu; 25 nên tôi sợ và tôi đã giấu dưới đất nén vàng của ngài: Này đây, xin ngài nhìn lấy của ngài". 26 Ðáp lại, chủ nói với nó: "Tôi tớ bất hảo và lười biếng! Ngươi đã biết ta không gieo mà gặt, không vãi mà thu? 27 Vậy thì phải đặt bạc của ta nơi ngân hàng và khi ta đến, ta thu hồi lại mà có lãi chứ! 28 Vậy hãy cất lấy nén vàng nó giữ mà ban cho người có mười nén. 29 Vì mọi kẻ có, thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ không có, thì điều có cũng bị giựt mất. 30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, thì hãy đuổi nó ra tối tăm bên ngoài: ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!".
Chúa Giêsu Kitô là ông chủ trong dụ ngôn, còn chúng ta
là những người tôi tớ. Bạn có nghĩ mình là người tôi tớ không? Thiên
Chúa đã ban cho mỗi chúng ta một số “nén
vàng” nhất định. (Bằng một lối nói hai nghĩa, từ ngữ “nén vàng” trong ngôn ngữ gốc được dùng để
chỉ một khoản tiền lớn, bằng sáu ngàn quan, tức là sáu ngàn đồng bạc, một đồng
bạc = tiền một ngày công, còn trong ngôn ngữ hiện nay thì lại ám chỉ một phạm trù các kỹ năng và những tài năng
to lớn hơn nhiều).
Sự trở lại của Chúa Kitô trong ngữ cảnh của dụ ngôn này có ba ý nghĩa:
1. Giêrusalem sẽ bị hủy diệt một lúc nào đó
sau khi Chúa Giêsu lên trời,
2. Ngài trở lại vào ngày cuối cùng của lịch
sử - có thể là ngày mai hoặc có thể là trong một nghìn năm nữa, nghĩa là không
ai biết trước.
3. Ngài đến với mỗi chúng ta vào cuối cuộc đời,
một khoảnh khắc bí nhiệm dành cho mỗi người.
Và vì vậy, chúng ta có một khoảng thời gian không xác định để đầu tư
những “nén vàng - tài năng” đó và làm
cho chúng gia tăng của cải Nước trời - hay không.
"Vậy ai là
người quản lý trung thực, khôn ngoan, chủ sẽ đặt trên nô bộc của ông, để phân
phát phần thực phẩm cho phải thời? 43 Phúc cho tôi tớ đó,
chủ đến mà gặp nó đang làm như thế! 44 Ta bảo thật các
ngươi: chủ sẽ đặt người ấy cai quản tất cả của cải nhà mình. 45 Nhưng
nếu tên đầy tớ ấy nghĩ trong lòng: Chủ ta trễ lâu mới về; và ta tra tay đánh đập
tớ trai, tớ gái, và ăn uống say sưa, 46 chủ tên đầy tớ ấy
sẽ đến vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ khai trừ nó, cho nó
đồng phận cùng những kẻ bội tín." 47 "Ðầy tớ nào đã
biết ý chủ mình, mà lại không dự bị sẵn sàng hay không làm theo ý chủ, thì sẽ
ăn đòn nhiều hơn. 48 Còn kẻ không biết, nhưng đã làm điều
đáng phải đòn, thì sẽ ăn đòn ít hơn." "Kẻ được cho nhiều, thì cũng bị
hỏi nhiều; và kẻ được gởi nhiều thì cũng bị đòi hỏi nhiều hơn" (Luca: 12, 42-47, để đối chiếu).
Số phận đời đời của chúng ta phụ thuộc trực
tiếp vào mức độ khả năng của chúng ta đã đóng góp vào sự phát triển của Nước Trời. Sẽ
không có chỗ cho lời bào chữa: nếu chúng ta đã cố gắng đầu tư các nén vàng – tài năng của mình, chúng ta sẽ
được chào đón vào Nước Trời mãi mãi, “Hãy
đến! hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy lĩnh lấy làm cơ nghiệp Nước đã dọn
cho các ngươi từ tạo thiên lập địa” ( Mátthêu 25: 34, để đối chiếu). Nếu
không, chúng ta sẽ bị ném vào ngục tối, “Còn
tên đấy tớ vô dụng kia, thì hãy đuổi nó ra tối tăm bên ngoài: ở đó sẽ phải khóc
lóc và nghiến răng!" (Mátthêu 25: 30).
Phán xét cùng tận
Thoạt nhìn, có lẽ khía cạnh nổi bật nhất của dụ ngôn này là Nước trời
mang tính dứt khoát. Chúa Giêsu nói một cách rõ ràng, thậm chí bằng hình ảnh,
về thiên đàng và hỏa ngục,“Và chúng sẽ phải
vào cực hình đời đời” (Mátthêu 25: 46). Vì Chúa Giêsu là Chúa tể của sự sống,
cái chết và lịch sử, nên không có gì che giấu được với Ngài. Tuy nhiên, một
cách nhìn khác sẽ cho thấy một điều gì đó còn ấn tượng hơn: đó là Ngài mong muốn
tất cả chúng ta đến và ở với Ngài trên thiên đàng, “còn kẻ lành thì được vào sự sống đời đời" (đd trên)
Chúa Kitô là Thầy.
Trước hết lưu ý rằng tài năng của chúng
ta phải được đầu tư thay mặt nhà vua,
vì cuối cùng chúng ta sẽ phải trả lại chúng cho nhà vua. Tài năng của
chúng ta phải gia tăng tài sản trong Vương quốc của Chúa Kitô. Chúng ta được kêu gọi sử dụng tài năng của
mình để mở rộng và bảo vệ Nước Chúa, cổ võ các giá trị đích thực của con người
(công lý, sự sống, vẻ đẹp và hòa bình), rao truyền tin mừng về sự cứu độ trong
Chúa Giêsu Kitô, để mang càng nhiều người càng tốt vào Vương quốc này (mà đang
hiện hữu ở đây, trên trần gian này, trong Giáo hội), để vượt qua các thành trì
còn lại của tội lỗi và lòng tham, và phá bỏ mọi công việc của ma quỷ. Trong
mức độ tôi sử dụng tài năng của mình cho những mục đích này, tôi sẽ đạt được mục
đích của đời mình, làm vui lòng đức vua và chứng tỏ mình là thần dân xứng đáng
của vua, là người đã quản lý một cách có trách nhiệm những ân huệ lớn lao mà
tôi đã nhận được. Và kết quả là tôi sẽ được thưởng xứng đáng; phần
thưởng sẽ tương xứng với sự siêng năng của tôi. Chúa Kitô luôn nói về phần thưởng,
“Vì mọi kẻ có, thì sẽ được cho thêm mà
nên dư dật” (Mátthêu 25: 29).
Thứ hai, hãy lưu ý đến điều Giáo hội luôn hiểu về các nén vàng: mọi ân huệ chúng ta nhận được từ
Thiên Chúa, khởi đi từ ơn hiện hữu, bao gồm tất cả khả năng của thể xác và trí
óc chúng ta, mở rộng ra đến giáo dục, văn hóa, đức tin, các bí tích, ơn gọi, và
mọi cơ hội và nguồn lực trong phạm vi ảnh hưởng của cá nhân chúng ta - từ tiền
bạc đến khả năng cảm thụ nghệ thuật, từ thiên tài sáng tạo đến năng lực thể chất,
từ tự do ngôn luận cho đến chính thực tại thời gian mà chúng ta không thể xác định. Nói
cách khác, chúng ta đã nhận được mọi thứ từ Thiên Chúa, và chúng ta
có thể tự do nhận lấy tất cả các ân huệ của mình và phung phí chúng, chôn chúng
vào hố sâu buông thả, sợ hãi, lười biếng và tham lam (chẳng hạn như đứa con
hoang đàng, không kể đến người đầy tớ thụ động trong dụ ngôn này), hoặc trao lại
những nén vàng cho Thiên Chúa bằng cách khiến chúng hoạt động cho Vương quốc của
Ngài, “Thiên Chúa muốn để con người tự định
liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Sáng Tạo và nhờ tự do kết hiệp với Người,
con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc" ( x. GS 17 ).
"Con người có lý trí, nên giống Thiên Chúa; con người được dựng nên có tự
do và làm chủ các hành vi của mình" (T. Irênê, chống lạc giáo 4,4,3) (Giáo
lý Công giáo số 1730).
Không có gì thoát khỏi kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, vì vậy mọi thứ đều là cơ hội để xây dựng hoặc phá
bỏ mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, “Con người có thể tiến tới trên đường hoàn thiện hoặc thoái lui và phạm
tội. Tự do là đặc tính của hành vi nhân linh. Vì có tự do, nên con người được
khen ngợi hay bị chê trách, có công hay có tội” (GLCG số 1732). Trong dụ
ngôn này, Chúa Giêsu Kitô còn nhắm xa hơn: hãy tận dụng thời gian và mọi cơ hội
để làm lợi những khả năng Thiên Chúa trao ban nhằm tìm kiếm Nước Thiên Chúa
vĩnh cửu. Ngài nhắn nhủ chúng ta: “Hãy sắm
cho mình những ví tiền sẽ không hề cũ nát, kho tàng không hao vơi trên trời,
nơi trộm không lai vãng, và mối mọt không nhấm nát” (đối chiếu: Luca 12:
33). Điều này có nghĩa: Anh em hãy sống
vì những gì bền lâu! Hãy phấn đấu cho những giá trị nhân bản và Kitô giáo
đích thực! Đừng ngại đặt tất cả mọi thứ làm ưu tiên hàng đầu cho Thiên
Chúa và cho Giáo hội! Đối với những người khác, thời gian là tiền bạc; đối
với anh em, thời gian là Nước trời.
Chúa Kitô là Bạn
hữu.
Chúa Kitô đã nói với chúng ta rõ ràng chừng nào trong các sách Tin mừng! Ngài
không che giấu chân lý cứu độ của mình trong những bộ trang phục thần học phức
tạp; Ngài không bóp méo sự thật chỉ vì sợ xúc phạm đến thói tật quá nhạy cảm
của chúng ta cứ coi mình là trung tâm; Ngài không tham lam giữ thói ích kỷ
đó. Thiên Chúa muốn cứu chúng ta và dạy chúng ta con
đường sống viên mãn; Chúa Kitô là tác nhân quảng đại của sự cứu độ đó.
Người đầy tớ lười biếng trong dụ ngôn đã thất bại, chính vì anh ta có
quan niệm không đúng về ông chủ. Anh ta tự xem mình như một nô lệ sợ hãi
ông chủ, thậm chí cho rằng ông chủ có thể phẫn nộ với anh ta (vì ông chủ chỉ
giao cho anh ta một nén vàng và giao nhiều nén hơn cho những người đầy tớ
khác). Anh ta nghĩ ông chủ của mình là một người đốc công khắt khe chỉ biết
mỗi việc thúc bách làm việc; sứ mệnh mà anh ta được giao phó dường như quá
đòi hỏi, quá phi lý.
Thực ra trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những cảnh ngộ nhiều lúc
không được như lòng mong muốn. Tâm trạng này của người đầy tớ cũng là tâm trạng
của các môn đệ khi xưa và của mỗi người chúng ta hôm nay, nào là lối suy nghĩ
và thực tế xã hội hoàn toàn xa lạ với lời giảng dạy của Tin Mừng; nào là ốm
đau; bệnh tật; con cái hư hỏng; buôn bán không gặp thời; thất vọng vì những
gương xấu trong cuộc đời; hay chính những chuyện tốt ta muốn làm mà cũng không
được... Những trái ý ấy luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, nó theo chúng ta như
hình với bóng, khiến chúng ta phải nghi ngại và tự phòng thủ. Việc tin tưởng vào Thiên Chúa đồng nghĩa với
việc thoát ra khỏi vùng an toàn của chúng ta, nên đôi khi chúng ta đâm ra
nghi ngờ hơn. Chúng ta có thể rơi vào sự lừa dối tương tự. Chúng ta cực kỳ
dễ bị tổn thương bởi điều đó, và nó sẽ tạo
cho chúng ta một cái cớ dễ dàng để chìm đắm trong sự lười biếng và tự
thương hại của mình. Diễn giả và tác giả cuốn sách Attitude for Success -
Thay thái độ đổi cuộc đời, Keith D. Harrell nói: “Một thái độ sống tích cực sẽ giúp bạn luôn lạc quan, yêu đời, tự tin để
nhẹ nhàng lướt qua mọi gian nan, thử thách trong cuộc sống. Ngược lại, một thái
độ sống tiêu cực sẽ đóng chặt bạn vào những suy nghĩ, cách nhìn phiến diện, vị
kỷ, tự ti, đau khổ và dễ dàng dẫn đến thất bại, bất hạnh. Thái độ của bạn ảnh
hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống và quyết định kết quả của mọi việc bạn
làm”. Là Kitô hữu chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ vì biết chắc rằng
Cha trên trời luôn chăm sóc, dẫn đưa, và Ngài là Đấng toàn năng. Khi nghi ngờ
là chúng ta chối bỏ sự toàn năng của Thiên Chúa, và như vậy chúng ta như sóng
biển nhấp nhô, không cảm nhận được sự vững tâm và bình an.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Một tâm lý nấm mồ phát triển và từ từ biến những người Kitô hữu thành những xác ướp trong một viện bảo tàng. Vỡ mộng với thực tế, với Hội Thánh và với bản thân mình, họ trải nghiệm một cám dỗ ở lại trong một thái độ u buồn vô vọng, níu kéo con tim như “liều thuốc quí nhất của quỉ”. Vốn được kêu gọi toả ánh sáng và truyền sự sống, rốt cuộc họ bị giữ chặt trong những cái chỉ sinh ra bóng tối và mệt mỏi nội tâm và dần dần làm tan đi mọi nhiệt tình tông đồ. Về tất cả chuyện này, tôi lặp lại: Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng!” (Evangelii Gaudium, Niềm Vui của Tin Mừng, chương Hai, mục II, số 82-83).
Trái tim Chúa Giêsu đau đớn hơn vì một ít những điều như thế, “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên
Chúa và tin vào Thầy” (Gioan 14: 1). Chúa Giêsu đã chứng minh rằng Ngài
hoàn toàn đáng tin cậy. Khi sống trong niềm tin cậy, chúng ta sẽ hiểu điều
thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy vui luôn
trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Philíphê 4: 4).
Thiên Chúa đã tạo dựng ra chúng ta để nhận biết và yêu mến Ngài, để sống
trong tình bạn của Ngài bây giờ và cho mãi mãi, “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ
làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi
Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Gioan 15:15). Thiên Chúa đã hạn chế sự
toàn năng của mình khi trao ban cho chúng ta tình bạn này, bởi vì tình bạn đòi
hỏi tự do, và tự do có nghĩa là con người có thể từ chối tình bạn với Thiên
Chúa. Nhưng chúng ta không có gì phải nghi ngờ và sợ sệt Thiên Chúa, chúng
ta không có gì để mất khi bước theo Ngài, “Anh
em đừng sợ! anh em quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Matthêu 10, 31). Chúng ta
sẽ đạt được mọi thứ bằng cách chấp nhận lời mời gọi thương yêu của Ngài. Hãy vui hưởng cuộc sống và những “nén vàng
- tài năng” mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, đầu tư chúng mãi mãi cho vương
quốc của Ngài và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ yêu cầu ở chúng ta
nhiều hơn những gì chúng ta có thể cho đi.
Chúa Kitô trong
cuộc đời tôi.
Cuộc đời tôi là một sứ mệnh. Chúa đã giao cho tôi trách nhiệm
thực sự; những gì tôi làm đều quan trọng, cho tôi và cho những người
khác. Đôi khi điều này khiến tôi cảm thấy bị áp lực - nhưng đó không phải
là điều Chúa muốn. Chúa muốn tôi
phó thác nơi Ngài, thực hiện một bước liều cần thiết, lao ra vực sâu với sự tin
tưởng hoàn toàn vào Ngài.
Lạy Chúa, xin hãy
mở rộng trái tim của con! Gia tăng niềm tin nơi con! Chúa xứng đáng với
mọi sự tin tưởng, mọi tình yêu, mọi hy sinh. Con cảm tạ Chúa đã ban cho
con một vài nén vàng. Xin hãy giúp con làm cho những nén vàng đó sinh ích
lợi…
Có bao nhiêu người
phung phí cuộc sống của họ, lạy Chúa! Cũng giống như con đã phung phí cuộc
đời con trước khi Chúa đến giải cứu con…. Chúa rất kiên nhẫn với
con. Chúa ban cho con nhiều thời gian. Và tất cả những gì Chúa yêu cầu
là con cố gắng hết sức để phục vụ Chúa, làm vui lòng Chúa, và tôn vinh Chúa bằng
cách phát huy hết tiềm năng của con và giúp đỡ càng nhiều người khác càng tốt. Bằng
cuộc sống của con, xin cho Nước Chúa trị đến…