THIÊN CHÚA BA NGÔI
VÀ SỰ THÁNH THIỆN CỦA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Michele Chronister

WHĐ (11.6.2022) - Khi còn là một học sinh trung học, tôi thường xuyên thảo luận về thần học với bố của tôi. Trong khi tôi là một đứa trẻ thích về thần học, (sau này, tôi đã theo học thần học tại trường đại học), còn bố tôi lúc ấy đang học thần học trong một chương trình đào tạo mục vụ giáo dân. Chính bố cũng là người đầu tiên nói với tôi về tính tương hợp giữa gia đình và Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tuy nhiên, khi nói về tính tương hợp giữa gia đình nhân loại và Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta đừng quên nhìn nhận rằng cách nói này có những giới hạn nhất định, vì tự nó, ngôn ngữ và hình ảnh của con người không thể diễn tả một cách thấu đáo về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Gia đình như một cộng đoàn của các ngôi vị

Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, có 3 Ngôi vị nhưng chỉ có một bản tính duy nhất, đó là bản tính thần linh. Trong khi đó, một gia đình nhân loại bao gồm những cá vị và mỗi cá vị lại mang bản tính con người khác nhau. Ngoài ra, cả Ba Ngôi luôn hiệp nhất với nhau: Chúa Cha luôn ở trong Chúa Con, Chúa Con luôn ở trong Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần luôn ở trong Chúa Cha và Chúa Con, đây là điều không thể có trong gia đình nhân loại.

Thật thế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rằng, dù có hiệp nhất, và hoàn hảo đến đâu thì gia đình vẫn luôn bao hàm những sự khác biệt, thậm chí lộn xộn! Trong gia đình vẫn có đó những quan điểm, sở thích ​​khác nhau giữa vợ-chồng, cha mẹ-con cái, và anh chị em với nhau; vẫn có đó những bất đồng, dù lớn dù nhỏ, xảy ra trong cuộc sống; và vì thế, vẫn luôn đòi hỏi những sự cố gắng liên lỉ hàng ngày, nhờ đó, mỗi người biết đặt ý muốn cá nhân sang một bên để có thể hoà hợp, làm vui lòng, và chiều theo muốn tốt lành của người khác.

Hơn nữa, do hậu quả của sự Sa ngã nguyên tổ, gia đình của chúng ta luôn bị thách thức bởi những yếu đuối, sai phạm của nhau. Có ích kỷ, có bất hòa, có những buổi sáng gắt gỏng và những đêm mất ngủ. Nhưng chúng ta không ngã lòng, thất vọng, vì chúng ta có thể chiêm ngắm, cầu nguyện, và phó thác để cảm nghiệm gia đình cần sống như thế nào theo mẫu gương của sự hiệp nhất, và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi

Sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được ngụ ý trong toàn bộ Phúc âm. Chẳng hạn như Chúa Giêsu đã từng khẳng định: "Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10, 30); Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9) Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 27); Khi Đấng Bàu Chữa đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí sự thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta” (Ga 15, 26); và Ðức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa” (Lc 4, 1-2a); … Nhưng động lực của mối tương quan hiệp nhất này là gì?

GiáoCông giáo cho chúng ta biết rằng, chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc. Chúa Cha là Đấng sinh thành, Chúa Con là Đấng được sinh ra, và Chúa Thánh Thần là Đấng xuất phát. Đây là sự đơn giản hóa mầu nhiệm phong phú và cao sâu về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng, khi Giáo hội nói rằng chân lý của đức tin là một “mầu nhiệm”, thì không ngụ ý theo cách mà một người mẹ khăng khăng với đứa con của mình: Đó là chân lý bởi vì mẹ đã nói như vậy!” Đúng hơn, Giáo hội có ý muốn nhìn nhận rằng, có những chiều sâu rộng của đức tin mà con người không thể đạt đến tận cùng, vì đó vốn là những điều vượt trên mọi điều chúng ta có thể hiểu được theo cách thức phàm nhân.

thế, đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là một thực thể trừu tượng, xa vời đến độ chúng ta không thể hình dung. Nhờ ân sủng của Bí tích Rửa tội, Kitô hữu được kết hiệp và được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tên gọi của bài Giáo lý này là "Thần hóa", mà với tôi, sau lần đầu tiên được nghe trình bày trong một lớp thần học tại trường đại học, đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Thánh Athanasiô đã có câu nói rất nổi tiếng, "Thiên Chúa đã trở thành con người, để con người có thể trở thành Thiên Chúa". Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ trở nên thần thánh, mà là chúng ta sẽ được cuốn vào một sự kết hiệp yêu thương sâu sắc đến độ chúng ta được dự phần vào đời sống của chính Thiên Chúa.

Thật vậy, sự Nhập thể đã biến điều này thành hiện thực. Vì với sự Nhập thể, và sau đó là sự Thăng thiên, Chúa Kitô ngự trị nơi cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu Kitô đã không trút bỏ bản tính nhân loại của Người, nhưng đã mang nhân tính ấy về với Chúa Cha. Đây chính là niềm hy vọng cho vận mệnh cuối cùng của cuộc đời chúng ta.

Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi

Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là sự sống của tình yêu ra khỏi mình để hướng tới người khác: Từ đời đời Chúa Cha hướng về Chúa Con, yêu thương Chúa Con bằng Tình Yêu khôn tả là chính Chúa Thánh Thần. Tình yêu này không phải là về những cảm giác hạnh phúc, mà là về một niềm vui sâu thẳm, vô tận, một niềm vui chỉ có thể có được khi trao tặng tất cả, và tuôn đổ không ngừng cho người mình yêu.

Trong đời sống gia đình bất toàn của chúng ta, tình yêu trao tặng của Ba Ngôi là mẫu mực mà chúng ta được kêu gọi để hướng tới. Nhưng làm sao có thể hiện thực hoá tình yêu này, nhất là nơi những gia đình tan vỡ, dang dở?

Trước hết, khi noi gương tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi không có nghĩa là chúng ta phớt lờ những hành vi không xứng hợp của người khác sang một bên; cũng không có nghĩa là chúng ta chấp nhận những sai phạm, bất công, bạo hành từ vợ / chồng, cha mẹ hoặc con cái chẳng hạn. Tình yêu không chỉ đòi hỏi lòng thương xót, mà còn cầnsự công bằng. Do đó, mục đích tối hậu là chúng ta nhắm tới sự thánh thiện của cả chúng ta lẫn thành viên trong gia đình.

Thứ đến, bất kỳ hình thức gắn kết nào với nhau đều phải được mô phỏng theo tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Yêu thương là chấp nhận, tôn trọng và hài hòa trong chính sự khác biệt của nhau. Điều này không có nghĩa là các gia đình sẽ luôn hoà thuận, nhưng sự bất đồng quan điểm không phải là để thắng trong khi tranh cãi, mà là để giành được trái tim của nhau; sự khác biệt ý thích trong cách sống không phải để thoả mãn chính mình, mà là để cảm thông, thấu hiểu và bù đắp cho nhau.

Cuối cùng, gia đình là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, không có nghĩa là biến gia đình thành một hình tượng cao cả hơn là thực tại nó muốn phản ánh. Gia đình không phải là mục tiêu cuối cùng, nhưng chỉ là một phần trong cuộc hành trình của chúng ta tiến về quê trời, nơi tất cả sẽ được hiệp nhất trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mối liên kết bền chặt, trọn vẹn, và hoàn hảo hơn bất kỳ mối tương quan nào của con người trên trái đất này.

***

Vẫn biết rằng, đời sống gia đình luôn trải qua thách đố, sóng gió, chông chênh nhưng với niềm tin tưởng, cậy trông, chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi, xin Người đồng hành, nâng đỡ, và đưa bước chúng ta trên hành trình dẫn đến:

- sự hiệp nhất trọn vẹn của Ba Ngôi, là điều mà mọi gia đình muốn nhắm tới;

- tình yêu trao tặng của Ba Ngôi, là mẫu mực mà mọi gia đình muốn noi theo, 

- và sự thánh thiện tuyệt đối của Ba Ngôi, là lý tưởng mà mọi gia đình muốn đạt được, vì đây cũng chính là mục đích mà mỗi chúng ta được tạo dựng, được thánh hoá, được cứu chuộc và được mời gọi để trở thành.  

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, xin giúp chúng con mỗi ngày cảm nghiệm sâu hơn mầu nhiệm khôn dò về chính Ngài ngay trong thực tại cuộc sống gia đình thường ngày.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (9. 6. 2022)