Photo by: Shutterstock

Thế giới không tự động trở nên tốt đẹp hơn theo dòng thời gian... nếu thế thì sao?

Tác giả: Lm. Patrick Briscoe, dòng Đa Minh
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org

WHĐ (16.11.2020)Chúng ta vẫn bám vào ý tưởng rằng sự tiến bộ dẫu sao cũng là điều không thể tránh khỏi... nhưng không phải vậy. Tuy nhiên, Kitô hữu không có lý do gì để mất tinh thần.

Hầu hết mọi người có lẽ không nghĩ thế giới sẽ kết thúc. Không thèm quan tâm đến việc bàn luận lý thuyết về khả năng có một kịch bản tận thế nào đó, những người bình thường vẫn tiếp tục cuộc sống hàng ngày.

Cho đến năm 2020

Giờ đây, chúng ta hiểu một cách hoàn toàn mới mẻ những lời của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai của Chúa Nhật XXXIII Thường Niên năm A: “Khi người ta nói: "Bình an biết bao, yên ổn biết bao!", thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.” (1 Thessalônica 5: 3). Giờ đây, với một đại dịch toàn cầu, các mối tương quan chủng tộc căng thẳng, một cuộc bầu cử tổng thống căng thẳng và sôi nổi, sự bất ổn kinh tế và những tiết lộ đau đớn về lạm dụng tình dục trong Giáo hội, thảm họa quả thật là rất thật. 

Năm nay chắc chắn đặt ra một câu hỏi cần trả lời.

Quan điểm ngấm ngầm nổi trội của nền văn hóa chúng ta đó là mọi thứ luôn luôn trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta nói, khoa học sẽ cung cấp câu trả lời cho đại dịch coronavirus. Chúng ta nhận định: khoa chính trị học và việc thuyết trình dân sự sẽ giải quyết các tranh chấp nội bộ của chúng ta. 

Xin đừng hiểu nhầm tôi. Tôi cầu xin cho các nhà nghiên cứu sớm khẳng định được một loại vắcxin. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể lấy lại những ý tưởng đã mất về lợi ích chung để làm cho diễn ngôn chính trị của chúng ta sinh động. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng những điều này đã được số mệnh xác định. Trái ngược với cảm thức của nền văn hóa chúng ta về một chuyển dịch nào đó đang tiến về phía trước, tôi thấy cần phải thận trọng hơn.

Tôi nghĩ rằng Đức Nguyên Tổng Giám mục Charles Chaput của Philadelphia hiểu rất rõ về thời đại của chúng ta. Ngài chẩn đoán rằng: tự nền tảng, chúng ta có một khao khát tiến bộ. Ngài nói rằng:

“Là một nền văn hóa, chúng ta vẫn bám vào ý tưởng rằng sự tiến bộ dẫu sao cũng là chuyện không thể tránh khỏi, rằng khoa học và công nghệ một ngày nào đó sẽ giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng của kiếp người. Và các tầng lớp có ăn có học của chúng ta dường như sẵn lòng tin vào hầu hết bất cứ cái gì nhằm tránh phải đối mặt với khả năng có Thiên Chúa”.

Nhận thức chung của nền văn hóa của chúng ta là: nhờ thành tựu khoa học và công nghệ, cuộc sống sẽ luôn luôn tiếp tục trở nên tốt đẹp hơn.

Nhưng một số việc đang không trở nên tốt hơn. Bất chấp sự tiến bộ của ngành công nghiệp và vật chất, ngày càng có nhiều người bị trầm cảm và tự tử hơn bao giờ hết. Gia đình xưa nay liên tục bị phá hoại ngấm ngầm và bị tấn công. Ngay trong xã hội thế tục, có những lập luận gợi ý rằng tiến bộ hiện đại chỉ là một huyền thoại.

Nhưng còn những người tin Chúa thì sao?

Chúng ta có đứng chung một hàng với câu chuyện về sự tiến bộ kiểu này không?

Chúng ta có từ bỏ tất cả mọi hy vọng, đơn giản chỉ để chờ đợi Ngày Cuối Cùng không?

Kitô hữu tin rằng có một đích đến cho thế giới. 

Kitô hữu nghĩ rằng thế giới đang tiến về phía Chúa Kitô. Điều này không có nghĩa là cứ theo dòng gian thì sẽ có sự tiến bộ hiển nhiên về mặt đạo đức hoặc công nghệ. Nói đúng hơn, niềm tin này cho rằng Chúa Giêsu là sự hoàn thành lịch sử. 

Tập tục Kitô giáo tính năm tháng ngày giờ từ năm thứ nhất Công nguyên, năm của Chúa (Anno Domini), năm Chúa Giêsu mặc lấy thân xác và nhập thể làm người, việc này cho thấy hướng đi của thế giới. Thời điểm cuối cùng của dòng thời gian này không phải được tạo ra bởi sự chinh phục thiên nhiên hay sự kết thúc chiến tranh hay việc làm chủ những bí ẩn của vũ trụ tự nhiên. Dòng thời gian này sẽ kết thúc khi mọi sự đạt đến cùng đích của chúng, thành toàn nơi Chúa Kitô. Như Chúa đã nói trong Sách Khải Huyền, “Ta là Alpha và Omega, khởi đầu và kết thúc” (Khải huyền 21: 6). Đây là Ngày Cuối Cùng, khi mọi tạo vật được hoàn tất trong Chúa Kitô.

Người Kitô hữu chờ đợi Ngày Cuối Cùng với niềm khao khát.

Vào ngày này, tạo vật sẽ đạt được chiến thắng và Chúa sẽ đến trong vinh quang. Thánh Phaolô mô tả ngày này khi ngài nói với tín hữu Côrintô, “Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi.” (1 Côrintô 15: 51-52).

Người chết sẽ được sống lại. Chúng ta sẽ bị phán xét về điều tốt chúng ta đã làm và về điều tốt chúng ta đã không làm. Trời mới và đất mới sẽ được tôi luyện. Người công chính sẽ được cất nhắc lên hiển trị trên thiên đàng. 

Chúng ta đang sống trong hy vọng về ngày này. Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta, “Anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày” (1 Thessalônica 5:5). Chúng ta, những người thuộc về Chúa Kitô, những người đang chờ đợi Ngày Cuối Cùng này, hãy chờ đợi ngày đó trong tỉnh thức. 

Chúng ta không phải là những kẻ ngủ mê mệt. Chúng ta biết rằng chúng ta sẽ phải trả lời ở đời sau cho những hành động của chúng ta. Sống như người tỉnh thức, tận hiến cho Thiên Chúa của chúng ta và làm việc để cải thiện cuộc sống của những người khác ở đây và bây giờ, việc đó sẽ ghi dấu chúng ta là những người con của ban ngày. Đó là một cuộc thi. Chúng ta phải cố gắng xua đuổi bóng tối, không phải chỉ vì mục đích tiến bộ, nhưng là để làm cho ánh sáng của Chúa Kitô chiếu rọi.

Cuộc sống này có một phương hướng đối với người tin tưởng.

Cuộc sống này nhắm đến Chúa Kitô. Đức Joseph Ratzinger đã viết, “Vì trong chính bản thân mình, con người sống cùng với sự hiểu biết đáng sợ rằng: sức mạnh hủy diệt của họ thì vô cùng lớn, so với sức mạnh dựng xây của họ. Nhưng cũng chính con người biết rằng, trong Chúa Kitô, quyền năng dựng xây lại tỏ ra vô cùng mạnh mẽ hơn.” Nếu bỏ đi các phương thế của chúng ta, thì không có gì đảm bảo rằng nhân loại sẽ chấp nhận các lý do cần tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng lòng trắc ẩn thực thụ, hoặc sự tiến bộ đích thực của con người. Trong thực tế, dường như có nhiều bằng chứng hơn ủng hộ quan điểm của những người bất chấp đạo lý hoặc hoài nghi. 

Các tín hữu không cần phải lo lắng khi xẩy ra những bước lùi trong quá trình tiến bộ của loài người. Ngược lại, chúng ta vẫn tiếp tục sống trong hy vọng. Bước dịch chuyển lên phía trước của lịch sử vẫn tiếp tục diễn ra, và cuộc sống của chúng ta vẫn tràn đầy cơ hội để thúc đẩy lòng mến yêu mục tiêu của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô.