Thánh
Giuse PHẠM QUANG TÚC
Nông dân (1843 - 1862)
Ngày tử đạo: ngày 1 tháng 6
Tôi sẽ không trốn bằng bất cứ cách nào, vì nếu tôi
trốn sẽ làm khổ cho người khác.
Chào đời năm 1843 tại họ Hoàng Xá, xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng
Yên (nay là Hải Hưng), Giuse Phạm Quang Túc là một thanh niên chất phác đạo hạnh,
sống trong một gia đình cần cù với ruộng đồng. Thân phụ không muốn cho con trai
theo nghề nông, nhưng khuyến khích, rước thầy về dạy chữ Hán và mong ước lo liệu
cho chú Túc theo nghiệp khoa bảng.
Năm 1861, sắc chỉ cấm đạo phủ xuống các làng mạc Công giáo, mọi người, mọi
nhà. Ruộng vườn, gia sản, trâu bò... bị tàn phá, tịch thu, phân chia cho lương dân. Gia đình chú Túc cũng cùng
chung số phận. Việc học hành, kinh sử vì thế bị gián đoạn.
Mùa xuân năm 1862, anh Túc bị bắt khi vừa tròn 19 tuổi. Sau
đó, anh bị biệt giam bốn tháng tại ngục Đông Khê, phủ Khoái Châu. Người nhà đút
lót tiền bạc để giúp anh tìm cách trốn khỏi ngục nhưng anh khẳng khái từ chối:
“Tôi sẽ không trốn bất cứ cách nào, vì nếu tôi trốn sẽ làm khổ cho người
khác. Chúa muốn thế nào? Tôi xin vâng như thế!”
Năm 1862, anh Túc được dẫn độ về ngục thất thị trấn Hưng
Yên. Những màn dọa nạt, tra khảo, dụ dỗ không làm lay chuyển tâm hồn sắt son của
người thanh niên anh hùng đức tin, không thể làm gì hơn, các quan lập án xin xử
trảm quyết đệ về kinh đô Huế.
Vị chứng nhân đức tin Phạm Quang Túc chịu xử trảm ngày
01/06/1862, đời vua Tự Đức. Tại tòa lập án phong chân phước, ông Hưng đã làm chứng:
“Tôi đi theo anh Túc ra tới pháp trường. Anh luôn sốt sắng cầu nguyện và miệng
không ngớt xưng danh cực thánh Đức Chúa Giêsu. Sau đó, anh Túc bị chém đầu, tôi
đã mai táng thi thể tử tế.”
Chính bà Linh thuật lại: “Tôi nhìn thấy đầu của người tôi
tớ Chúa bị lý hình tung lên cao cho quan giám sát thấy, để bẩm trình với quan
thượng là họ đã thi hành bản án. Linh hài được cải táng về nhà thờ xứ Ngọc Đồng.”
Chứng nhân đức tin Giuse Phạm Quang Túc được nâng lên
hàng chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.