THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU: CÁNH HOA HY VỌNG

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 30/09/2021

WHĐ (30.9.2021) - Nhân dịp bế mạc Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ra tông thư kêu gọi toàn thể Hội Thánh tiến bước vào Thiên Niên Kỷ mới với một ý thức lớn lao hơn nữa về sứ mạng làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Trong thông điệp đó, Thánh Giáo Hoàng đề cập đến Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu như là một chuyên gia về “Khoa học Tình Yêu” (scientia amoris)[1]. Mười năm sau, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc lại danh hiệu đặc biệt đó đồng thời ngài triển khai linh đạo thiêng liêng của vị thánh trẻ Dòng Cát Minh trong cái nhìn đức tin[2]. Khi khẳng định rằng “Khoa học đức tin” và “Khoa học Tình Yêu” luôn luôn song hành và bổ túc cho nhau[3], Đức Bênêđictô XVI trước là bày tỏ sự ngưỡng mộ của cá nhân ngài đối với Thánh nữ Têrêxa, sau là giáng tiếp tuyên dương ngài như một vị thánh lỗi lạc về “Khoa học Đức Tin” (scientia fidei). Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đồng quan điểm với hai vị tiền nhiệm, xác tín rằng đức tin Kitô Giáo không chỉ rao giảng về tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng còn hướng lòng trí những kẻ tin tìm đến ánh sáng chân lý đích thật[4]. Con người ta vốn dĩ phải cần đến cả đức tin và lý trí để đạt đến chân lý. Têrêxa sống tròn đầy ý nghĩa đời chị trong ân sủng Thiên Chúa vì chị biết tận dụng cả con tim và khối óc để tìm kiếm Ngài.

Không còn nghi ngờ gì nữa, là bậc thầy trong lĩnh vực “Khoa học Đức Mến” và “Khoa học Đức Tin”, cuộc đời và gương sáng của Thánh Têrêxa chứa đựng cả một kho tàng những bài học vô giá. Kinh nghiệm nên thánh của chị giúp chúng ta tìm ra hướng giải quyết và sự cảm thông nâng đỡ mỗi khi sóng gió ập đến thử thách đức tin và lòng yêu mến của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta tự hỏi, liệu rằng chị thánh có điều gì nhắn nhủ với chúng ta về nhân đức trông cậy hay không?

Tình hình dịch bệnh Covid-19 không ngừng tấn công tàn bạo lên cộng đồng nhân loại khiến cho nhiều quốc gia phải đối diện với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhiều gia đình phải tan tác đổ vỡ, nhiều mảnh đời gần như kiệt quệ tan nát, thậm chí nhiều người còn đánh mất cả niềm tin và rơi vào tuyệt vọng tối tăm. Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi “giữ vững niềm hy vọng” và “quảng đại tiếp lửa hy vọng” dường như đã trở thành thông điệp cấp bách diễn tả đường hướng mục vụ của nhiều vị chủ chăn Hội Thánh, điển hình như Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn[5]. Trong lúc chúng ta tưởng chừng mất hết tất cả, Thiên Chúa vẫn không ngừng ban “mưa hoa hồng” giúp chúng ta đủ sức vượt qua những thời khắc “dầu sôi lửa bỏng”. Têrêxa thành Lisieux chính là đóa hoa thanh khiết mà Chúa ban tặng cho chúng ta. Mặc dù chị thánh lúc nào cũng tự coi mình là một nụ hoa bé bỏng, không hương, không sắc, nhưng ngày nay chúng ta có đầy đủ bằng chứng để nói rằng bông hoa ấy không chỉ đượm đầy sắc hương Đức Tin và Đức Ái và còn ngào ngạt cả hương thơm Cậy Trông Phó thác nữa. Để hiểu rõ hơn hành trình hy vọng của Thánh Têrêxa, chúng ta hãy cùng nhau lược lại một số biến nổi bật trong cuộc đời dương thế của ngài.  

Đức Tin: Đảm bảo cho hành trình Hy Vọng

Dựa trên nền tảng Thánh Kinh, cụ thể là những lời khuyên bảo của tác giả thư Hipri và tác giả thư Titô, Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo định nghĩa đức cậy hay đức hy vọng “là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần, chứ không vào sức mạnh riêng của chúng ta.” (GLHTCG, 1817). Mặc dù đây là câu định nghĩa về nhân đức cậy nhưng nội dung thì đề cập đến cả hai nhân đức đối thần còn lại, đức tin và đức mến.  Ba nhân đức đối thần Tin – Cậy – Mến gắn bó chặt chẽ, hòa quyện và bổ túc cho nhau.  

Thông thường, khi nói đến hy vọng là nói đến “khát khao” về một “tương lai tốt đẹp”. Nói đến cậy trông là nói đến “cậy nhờ” và “trông mong”. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta không thể giản lược nhân đức cậy trông Kitô Giáo thành một đặc tính tâm lý tình cảm như “lạc quan yêu đời” chẳng hạn. Đức cậy là một nhân đức đối thần, và vì thế, cũng giống như đức tin và đức mến, nhân đức này có nguồn gốc, động lực và đối tượng không phải là bất cứ thứ gì chóng qua của đời này nhưng là chính Thiên Chúa (x. GLHTCG, 1840).

Quả thực Thiên Chúa vì lòng xót thương hải hà mà ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta có khả năng tham dự tích cực vào sự sống thần linh của Ngài. Các nhân đức đối thần giúp chúng ta sống xứng hợp với phẩm giá là “nghĩa tử”, là con Chúa (x. GLHTCG, 1812). Nước trời và hạnh phúc trường tồn là những điều thiện hảo đáng để chúng ta ước ao. Tuy không dễ gì đạt được nhưng chúng ta vẫn cứ hy vọng những điều ấy, là vì sao? Là vì chúng ta tin vào quyền năng của Cha trên trời, tin vào lời hứa của Đức Kitô Đấng đã thí mạng để cứu chúng ta, và tin vào sức mạnh biến đổi của Chúa Thánh Thần[6]. Niềm hy vọng Kitô Giáo đặt trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa và được củng cố nhờ mặc khải đức tin.

Những bản văn tự thuật do Thánh Têrêxa để lại đã dệt nên một bản tình ca trác tuyệt. Bản tình ca ấy đánh động hàng triệu tâm hồn là vì nó kể lại câu truyện của một đức tin dạt dào tinh thần hy vọng. Khi nhận thấy mình đã trưởng thành đủ và đã trọn đời tận hiến cho Chúa trong Dòng Cát Minh, Têrêxa nhìn lại chặng đường đã qua, chị thấy mình dạn dĩ hơn nhiều, chủ động hơn trong tương quan với Chúa, nên chị mạnh dạn công khai những tâm sự chị đã chôn kín từ lâu. Đối với chị, Chúa Giêsu là Chúa, là Mục Tử, là Cha, và đặc biệt nhất là hôn phu. Chị biết mình được Chúa yêu chiều quan tâm, nên chị hoàn toàn tin tưởng và phó thác. “Chúa nhân lành đã rất cưng chiều con,” chị đã viết cho Mẹ Agnes de Jesus như thế, “con chỉ muốn ghi lại những cảm nghĩ của con về những ơn lành Chúa nhân từ đã đoái thương ban cho con… Khi nhìn lại, con thấy đời con ứng nghiệm đúng như lời Thánh Vịnh 23: ‘Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi không còn thiếu gì,… tôi không còn lo sợ nỗi gì’”[7]. Tin tưởng vào quyền năng của Vị Mục Tử Nhân Lành, và lòng thương xót của Cha Trên Trời, Têrêxa hoàn tất bản tình ca cuộc đời với trọn lòng biết ơn: “Tất cả là hồng ân.”

Khiêm Hạ: Biểu hiện của Hy Vọng

Lớn lên trong gia đình đạo hạnh, Têrêxa không chỉ ý thức rất cao về đặc ân được “làm con Chúa” nhưng còn nỗ lực hết sức để không phí phạm ân huệ Chúa ban. Ngay từ những dòng đầu tiên của tác phẩm “Truyện Một Tâm Hồn”, chúng ta dễ dàng bắt gặp một Têrêxa khiêm tốn, vâng lời và nhất là một Têrêxa vô cùng nhạy cảm trước khối ân tình bao la của Thiên Chúa. “Con viết những mẩu truyện tâm hồn này… trong sự vâng phục một cách đơn sơ… Việc con đang làm đây chẳng qua là xướng lên bài ca về Lòng Chúa Xót Thương… để ca ngợi những đặc ân Chúa Giêsu đã ban xuống cho linh hồn con.”[8]

Hoàn toàn không chút giả tạo, Têrêxa tự nhận mình như một bông hoa dại bé nhỏ ẩn mình trong vườn của Chúa Giêsu. Têrêxa không hề có ý phân bì hay trách móc, ngược lại, chị lấy làm mãn nguyện trước ơn mặc khải Chúa thương ban. Mấy ai có được diễm phúc nhận ra chân lý cao siêu mà Têrêxa đã đón nhận: Để làm vui lòng Chúa thì bất cứ việc làm gì dù là lớn hay bé đều đáng được thi hành với một tình yêu lớn nhất có thể. “Chúa Giêsu dạy cho con biết mầu nhiệm này, và con hiểu hoa nào Chúa dựng nên cũng đều đẹp cả; hoa hồng sặc sỡ cũng như đóa huệ trắng ngần không át hương thơm của cánh hoa đồng thảo bé cỏn con, hay vẻ đơn sơ quyến rũ của bông cúc trắng tinh... Chúa muốn dựng nên những vị đại thánh ví như đóa hồng hay đóa huệ. Ngài cũng đã dựng nên những vị thánh nhỏ hơn như những bông hoa đồng thảo hay hoa cúc dại trắng nằm an phận dưới gót chân để làm đẹp mắt Chúa. Sự thánh thiện hệ tại việc thi hành ý Chúa và sống đẹp lòng Ngài.”[9]

“Tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa” trong mọi hoàn cảnh cuộc đời là con đường nên thánh của chị nữ tu Nhà Kín Lisieux. Mất mẹ khi vừa tròn 4 tuổi; phải xa lìa người mẹ thứ hai là chị gái Paulin khi mới lên 9; lâm bệnh nặng suýt chết năm 10 tuổi; bất lực vì không thể ở gần bên chăm sóc cho người Cha già đau nặng khi chị mới nhập Dòng; rồi phải đón nhận tin thân phụ qua đời trong bệnh tật lẻ loi; giữa những tình cảnh bi đát đó, Têrêxa vẫn một lòng tìm kiếm thánh ý Chúa mà thôi. Ngài hoàn toàn tin rằng Chúa muốn những gì là tốt đẹp nhất cho những kẻ Chúa yêu. Chị đã không cậy vào sức riêng mà chỉ dựa vào ơn Chúa. Còn điều gì khác có thể minh chứng hùng hồn hơn cho một tâm hồn trông cậy phó thác cho bằng một tâm hồn khiêm hạ đơn sơ? Thông điệp sống trong sáng mạch lạc của “Bông hoa nhỏ Têrêxa” hoàn toàn phù hợp với sứ điệp Tin Mừng. Dù cho cuộc đời có thăng trầm thay đổi ra sao đi nữa, “chúng ta cũng hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng” là vì chúng ta tin tưởng vào những gì Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã hứa (x. Rm 8, 28-30) và hãy nhớ rằng Chúa là “Đấng hoàn toàn tín trung” (x. Hr 10, 23). Thiên Chúa “đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. [Nhờ] ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hằng trông đợi” (x. Tt 3, 6-7).

Đức Ái: Tiếng gọi của Hy Vọng

“Truyện Một Tâm Hồn” không chỉ cung cấp cho chúng ta dữ liệu về cuộc đời và di sản tinh thần của vị Thánh nữ chúng ta rất mực mến mộ, mà còn được mệnh danh là một “kho tàng tuy nhỏ nhưng lại vô cùng vĩ đại”, đó là lời bình luận sáng ngời về Tin Mừng mà Thánh nữ đã sống trọn vẹn. Đức Bênêđictô cho rằng “Truyện Một Tâm Hồn” cũng chính là “Truyện Một Tình Yêu”. Câu truyện đó đã được kể lại một cách chân thực, giản dị và mới mẻ đến mức nó có thể chinh phục hầu như tất cả những ai đọc nó. Chẳng phải tình yêu này đã tràn ngập toàn bộ cuộc đời của Têrêxa, ngay từ thuở thơ ấu cho đến khi lìa đời là gì? Tình yêu này có một khuôn mặt cụ thể, có danh tính rõ ràng, và đó là Chúa Giêsu. Thánh nữ của chúng ta đã liên tục nói về Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta hãy xem lại những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của chị Thánh, để đi sâu vào trọng tâm những giáo huấn mà chị để lại cho chúng ta.”[10]

Đức ái không chỉ hướng chúng ta về Thiên Chúa nhưng còn hướng chúng ta đến tha nhân nữa. Vì chưng ai càng yêu Chúa thì càng dễ nhận ra Chúa nơi những kẻ Chúa thương yêu vì thế họ không thể khước từ yêu Chúa trong tha nhân. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (x. Ga 14, 15). Và “đây là điều Thầy truyền dạy anh em: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 15,12). Đức mến là giới răn tiên quyết Chúa truyền dạy chúng ta tuân giữ vì đức mến tác động mạnh mẽ lên mọi khía cạnh cuộc đời của kẻ theo Chúa: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 4-7). “Không có đức mến, chúng ta chẳng là gì hết” (x. 1 Cr 13, 2) và những việc chúng ta làm “chẳng có ơn ích gì cả” (x. 1 Cr 13, 3). Đức mến cao trọng hơn mọi nhân đức (x. 1 Cr 13,13).

Khi quyết định dấn thân vì ơn gọi “là con tim trong cung lòng Hội Thánh”, Têrêxa ý thức rất rõ con đường chị sắp dấn thân vào. Con đường yêu thương sẽ cho phép chị chu toàn mọi mơ ước và nguyện vọng, kể cả giấc mơ được vĩnh viễn thuộc về Chúa. Quả thực, việc thực thi tất cả các nhân đức được nên sinh động và được gợi hứng bởi đức mến. Đức mến là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14); là mô thể của các nhân đức; liên kết và phối hợp cả đức tin và đức cậy (x. GLHTCG, 1827).

Cầu Nguyện: Sức mạnh của Hy Vọng

Chỉ hai năm sau ngày nữ tu Têrêxa được tuyên Thánh (1925), Đức Piô XI tuyên bố đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo (1927). Dù cho chị Thánh chưa hề thoát ly ra khỏi nội vi đan viện và cũng chưa một lần đặt chân đến miền đất “dân ngoại” nhưng chị xứng đáng được tuyên dương như một nhà truyền giáo thực thụ. Tâm hồn truyền giáo của chị được biểu lộ qua thao thức “vì phần rỗi các linh hồn” và qua tình yêu mãnh liệt chị dành cho các tội nhân. Nếu như đức cậy của chúng ta thôi thúc chúng ta mong ước phần rỗi và hạnh phúc thiên đàng cho chính bản thân trước thì đức cậy nơi tâm hồn Thánh Têrêxa quá sức vĩ đại. Đức cậy ấy thôi thúc chị lo lắng cho phần rỗi linh hồn của tha nhân.  Chị không ngần ngại nhận lấy trách nhiệm làm “mẹ các linh hồn”[11] để nhờ Chúa cứu lấy các linh hồn ấy bằng thật nhiều hy sinh và nguyện cầu.

Chúng ta còn nhớ biến cố năm 1887, lúc Têrêxa mới có 15 tuổi. Cô bé Têrêxa lo lắng cho phần rỗi người tử tù tên Pranzini.

Con mong rằng mọi loài thụ tạo hợp ý cùng con khẩn nài ơn thánh cho các tội nhân. Từ đáy lòng con,… con cầu nguyện cho kẻ có tội… Con vững tâm tin Chúa thứ tha cho tử tù Pranzini bất hạnh này và con tin tưởng như thế, cho dù anh không xưng tội và không hề tỏ ra một dấu nào cho thấy anh ta hối cải… Con hoàn toàn tín thác vào lòng thương xót hải hà của Chúa Giêsu… Sau ngày Pranzini bị xử, con cầm ngay tờ báo “La Croix”. Con vội vã mở ra và… con xúc động đến rơi lệ,... Pranzini lên đoạn đầu đài, chuẩn bị đưa đầu vào máy chém, bỗng nhiên được ơn trên thúc đẩy, anh quay lại cầm lấy cây Thánh giá do Linh mục giơ lên và anh hôn lên những vết thương thánh đến ba lần... Con đã được “Dấu chỉ” con xin, dấu chỉ ấy khích lệ con [tiếp tục] cầu nguyện cho kẻ có tội… Kể từ ân huệ độc nhất này, lòng mong ước cứu rỗi các linh hồn của con mỗi ngày một lớn thêm.[12]

Phần rỗi của tử tù Pranzini không phải là do Têrêxa cứu lấy. Chị ý thức rất rõ điều này. Chị chỉ dùng lời cầu nguyện và sự hy sinh của mình để diễn tả niềm cậy trông chị đặt nơi Thiên Chúa toàn năng. Chúa cứu anh ta. Dấu lạ đến từ đời sống cầu nguyện cũng lại là sức mạnh củng cố đức tin của Têrêxa và khích lệ chị cầu nguyện nhiều hơn nữa.

Kết: Lời nguyện Hy Vọng

Kết thúc chặng đường dương thế khi vừa tròn 24 tuổi, chị nữ tu người Pháp khép nhẹ bờ mi, cánh tay buông thõng bên mạn giường làm rơi vãi xuống sàn nhà những cánh hồng còn đọng sương mai. Tất cả những ai ngắm nhìn “Bông Hoa Nhỏ Têrêxa” cũng có thể cảm nhận được hương thơm nhân đức của một vị thừa sai đức tin, vị tông đồ đức mến, và vị sứ giả hy vọng.

Đọc lại hồi ký cuộc đời của Thánh Têrêxa, nhất là bí quyết nên thánh bằng “con đường thơ ấu thiêng liêng” của chị, chúng ta hoàn toàn bị thuyết phục bởi nhận xét vô cùng xác đáng của ba vị Giáo Hoàng. Tình yêu hỷ xả tràn ngập tâm hồn thơ bé của thánh nữ. Nơi trái tim nhỏ bé mà vĩ đại ấy, lời Chúa Giêsu trở nên hoàn toàn ứng nghiệm: “Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người thông thái, nhưng đã mặc khải cho những kẻ bé mọn” (x. Mt 11, 25). Chị hiểu ra rằng ai càng hạ mình xuống thì càng gần Ngôi Lời Nhập Thể, mẫu mực hoàn hảo về nhân đức tự hạ. Ai càng gần Thiên Chúa Tình Yêu nhiều thì càng rành rẽ hơn về khoa học của “con tim”, và nhờ đó sẽ được Đấng là Chân - Thiện - Mỹ soi sáng để trở nên bậc thầy về khoa học “khôn ngoan”. “Bông Hoa Nhỏ” đơn sơ của Dòng Cát Minh không chỉ dùng chính cuộc đời để diễn tả đức tin và lòng yêu mến của chị đối với Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương nhưng còn có khả năng làm lan tỏa niềm hy vọng chan chứa nơi trái tim chị đến những tâm hồn chới với vì tuyệt vọng lo âu.

Trong lúc tinh thần và thể xác chúng ta kiệt quệ rã rời, chúng ta hãy nhớ đến hình ảnh cánh hoa nhỏ bé đơn sơ mang tên Têrêxa Hài Đồng Giêsu và học lấy “linh đạo thơ ấu thiêng liêng” của ngài. Vì chưng đó chính là bí quyết giúp cho ngài vượt qua “đêm đen đức tin” mà vẫn giữ được “niềm trông cậy vững chắc” rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta giữa giông tố cuộc đời (x. Dt 6, 18). Lời nguyện hy vọng là lời nguyện theo suốt cuộc đời của chị. Chị đã không một phút nào ngưng bám vào Chúa Giêsu, tình yêu vĩnh cửu của đời chị: “Giêsu, con yêu mến ngài!



[1] ĐTC Gioan Phaolô II, Novo Millennio Ineunte- Tông Thư Khởi Đầu Ngàn Năm Thứ Ba, số 42.

[2] ĐTC Bênêđictô XVI, Bài Giáo Lý - Tiếp Kiến Chung Hàng Tuần, Thứ Tư 06/04/2011.

[3] ĐTC Bênêđictô XVI, Diễn từ đúc kết kỳ tĩnh tâm Giáo Triều Rôma, Thứ Bảy 19/03/2011.

[4] Xem ĐTC Phanxicô, Thông Điệp Lumen Fidei – Ánh Sáng Đức Tin, 29/06/2013, số 32. 

[5] Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, Thư Gửi Gia Đình Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ngày 31/08/2021, tại https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-gui-gia-dinh-tong-giao-phan-hay-nam-giu-niem-hy-vong-danh-cho-chung-ta-64108

[6] Tham khảo Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, II-II, 17.1.

[7] Tham khảo Truyện Một Tâm Hồn - Storia di un’anima, Francois-Marie Lethel, OCD biên tập, Roma: Edizioni OCD, 2015, tr.41. Bài viết sử dụng các trích dẫn từ bản tiếng Ý, từ đây sẽ viết tắt “TMTH”.

[8]  TMTH, tr.35 & 38.

[9]  TMTH, Phần Mở Đầu, tr.37.

[10] ĐTC Bênêđictô XVI, Bài Giáo Lý - Tiếp Kiến Chung Hàng Tuần, Thứ Tư 06/04/2011.

[11] TMTH, Lời Nguyện Dâng Lên Chúa Giêsu, tr. 257.

[12] TMTH, Thủ Bản A, tr. 133-134.