Thánh Rôbertô Bellarminô
THÁNH RÔBERTÔ BELLARMINÔ NÓI VỀ HOA TRÁI CỦA VIỆC
CHAY TỊNH
Tác giả: Thánh Rôbertô Bellarminô [1]
WHĐ (13.02.2024) – Sự
cần thiết của việc chay tịnh có hai mặt, bắt nguồn từ luật thiêng liêng và luật
nhân loại. Về luật thiêng liêng, tiên tri Giôen nói:
Ngôn ngữ tương tự cũng
được tiên tri Giôna sử dụng, làm chứng rằng dân Ninivê đã tuyên bố nhịn ăn và mặc
áo vải gai để xoa dịu cơn giận của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không có bất cứ điều luật
xác thực nào về việc chay tịnh. Điều tương tự cũng có
thể học được từ những lời của Chúa chúng ta trong Tin Mừng Thánh Mátthêu: “Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch,
chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng
hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả
lại cho anh” (Mt 6: 17-8).
Cũng vậy, Thánh Augustinô đã nói trong bức thư gửi
Casulanus:
“Trong các sách Tin mừng và các thư, cũng như trong toàn bộ Tân Ước, tôi
thấy việc chay tịnh là một giới luật. Nhưng vào những ngày nhất định,
chúng ta không buộc phải chay tịnh; và Chúa của chúng ta hoặc các tông đồ không
ấn định những ngày cụ thể chúng ta phải nhịn ăn” Thánh
Augustinô, Thư 36, ch. 11.
Thánh Lêô cũng nói
trong bài giảng về việc ăn chay:
“Những gì là hình bóng
của những điều trong
tương lai đã qua đi, những gì chúng biểu thị đã được hoàn thành. Nhưng lợi ích
của việc chay tịnh không bị loại bỏ trong Tân Ước; nếu được tuân giữ cách đạo hạnh, việc ăn chay luôn có lợi
cho cả linh hồn và thể xác. Và
bởi vì những lời 'Ngươi phải thờ phượng Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và phục vụ
một mình Ngài'... đã được ban cho các Kitô hữu để họ hiểu
biết, vì vậy trong cùng một Sách thánh, giới luật liên quan đến việc ăn chay
không thể coi như bị bỏ qua.” Thánh Lêô Cả, Bài giảng thứ tư trong tháng 12 ăn
chay, ch. 2.
Ở đây Thánh Lêô không có ý nói rằng các Kitô hữu phải ăn chay vào cùng thời điểm mà người Do Thái đã quen ăn chay. Nhưng giới luật ăn chay được ban cho người Do Thái phải được các Kitô hữu tuân giữ theo quyết định của các mục tử của Giáo hội, về thời gian và cách thức.
Hoa trái của việc ăn chay
Những hoa trái và lợi
ích của việc ăn chay có thể dễ dàng được chứng minh. Đầu tiên, chay tịnh hữu
ích nhất trong việc chuẩn bị tâm hồn để cầu nguyện và chiêm ngắm những điều
thiêng liêng, như thiên thần Raphael đã nói: “Cầu nguyện kèm với cả chay tịnh và làm phúc cùng với đức nghĩa thì quí
hơn là giàu có mà ở bất công” (Tôbia 12; 8). Vì vậy, trong
bốn mươi ngày, Môsê đã chuẩn bị tâm hồn mình bằng cách ăn chay trước khi ông định
nói chuyện với Thiên Chúa.
Tôi không thể không
trích dẫn những lời của Thánh Gioan Kim khẩu (Chrysostom): “Ăn chay là chỗ dựa của linh hồn chúng ta: nó
cho chúng ta đôi cánh để bay lên cao và tận hưởng sự chiêm ngắm cao cả nhất.”
Một ưu điểm khác của
việc ăn chay là nó chế ngự xác thịt; và việc ăn chay như vậy đặc biệt làm hài
lòng Thiên Chúa, bởi vì Ngài hài lòng khi chúng ta đóng đinh xác thịt cùng những
tật xấu và dục vọng của nó, như Thánh Phaolô đã dạy chúng ta trong thư gửi tín
hữu Galát: “Những ai thuộc về Chúa Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào
thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5:24); và vì lý do này, chính ngài nói: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng,
kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9: 27). Và
về phương diện này, những lợi ích của việc ăn chay được toàn thể Giáo hội hát lên
khi cầu nguyện: “Điều độ trong ăn uống chế
ngự tính kiêu ngạo của xác thịt.”
Ăn chay tôn vinh Chúa
Một lợi ích khác là
khi chúng ta ăn chay vì Thiên Chúa thì chúng ta tôn vinh Ngài qua việc ăn chay của
mình. Vì vậy, thánh Tông đồ Phaolô nói trong thư gửi cho người Rôma: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em
hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên
Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng
Ngài” (Rm 2: ). Trong
tiếng Hy Lạp, “cách thức thờ phượng xứng hợp” (logiken latreian) là “sự thờ phượng
hợp lý”; và Thánh Luca nói về việc thờ phượng này khi nhắc đến nữ tiên tri
Anna: “Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng
được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ,
những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2: 37).
Công đồng Nixê gọi việc ăn chay trong Mùa Chay là “một
tặng vật tinh sạch và trang trọng, do Giáo hội dâng lên Thiên Chúa.” Thánh
Lêô, trong bài giảng thứ hai về việc ăn chay, nói: “Để chắc chắn nhận được tất cả hoa trái của nó, hy lễ chay tịnh là việc xứng
đáng nhất được dâng lên Thiên Chúa, Đấng ban tất cả những hoa trái đó.”
Chay tịnh làm đẹp lòng Thiên Chúa
Ưu điểm thứ tư của
việc chay tịnh là đền bù tội lỗi. Nhiều ví dụ trong Kinh thánh chứng minh điều này. Dân Ninivê làm hài
lòng Thiên Chúa bằng cách ăn chay, như Giôna làm chứng. Người Do Thái cũng làm
như vậy, vì nhờ kiêng ăn cùng
với tiên tri Samuel, họ đã làm hài lòng
Thiên Chúa và chiến thắng kẻ thù của mình. Vị vua độc ác Aháp, bằng cách ăn chay
và mặc áo vải gai, đã phần nào làm Thiên Chúa vui lòng. Vào thời của Giuđith và
Esther, dân Israel được Thiên Chúa thương xót không bằng sự hy sinh nào khác
ngoài việc ăn chay, khóc lóc đau buồn và than khóc vì tội lỗi.
Đây cũng là giáo lý không
thay đổi của các Giáo Phụ. Tertullianô nói: “Khi chúng ta ăn chay, thì việc ăn chay của chúng ta làm hài lòng Thiên
Chúa.” Thánh Cyprianô nói: “Chúng ta
hãy làm nguôi cơn giận của một Thiên Chúa bị xúc phạm bằng cách ăn chay và khóc
lóc, như Ngài đã khuyên bảo chúng ta.” Thánh Ambrôsiô cũng nói: “Ăn chay là cái chết của tội lỗi, tiêu diệt tội
ác của chúng ta và là phương thuốc cứu rỗi chúng ta.” Thánh Giêrônimô nhận
xét: “Ăn chay và mặc áo vải gai là vũ khí
sám hối, là sự trợ giúp cho tội nhân.” Thánh Augustinô cũng nói: “Không ai ăn chay để được khen ngợi, nhưng để
được tha tội.”
Ân huệ của Thiên Chúa
Cuối cùng, việc nhịn
ăn là có công, và rất mạnh mẽ trong việc nhận được những ân huệ của Thiên Chúa.
Bà Anna, mặc dù hiếm muộn, nhưng bằng cách nhịn ăn đã xứng đáng có một đứa con
trai. Vì vậy, Thánh Giêrônimô giải thích những lời Kinh Thánh này như sau: “Bà khóc và không ăn, và do đó, bà Anna, nhờ
kiêng khem, đã xứng đáng sinh được một con trai.” Sarah, trong ba ngày ăn
chay, đã được giải thoát khỏi ma quỷ, như chúng ta đọc trong sách Tôbít.
Nhưng có một đoạn đáng
chú ý trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu về việc ăn chay: “Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không
ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và
Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:
17). Những từ “sẽ trả lại cho anh” có nghĩa là “sẽ ban cho anh một phần thưởng,”
vì chúng trái ngược với những từ khác này: “Làm
bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy
là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt
6: 16). Vì vậy, những kẻ đạo đức giả, bằng cách ăn chay của họ, nhận được phần
thưởng của họ rồi: là lời khen ngợi của con người; còn những
người công chính, bằng cách ăn chay, cũng nhận được phần thưởng của họ: là lời
khen ngợi của Thiên Chúa.
Có nhiều chứng từ của
các Giáo Phụ về điểm này. Khi thánh Gioan chuẩn bị viết sách Tin Mừng, ngài đã
ăn chay trọng thể để xứng đáng nhận được ơn viết cho hay. Tertullianô nói: “Việc ăn chay giúp đạt được sự hiểu biết từ
Thiên Chúa ngay cả về những điều mầu nhiệm của Ngài.”
Chúng Ta Nên Kiêng Ăn Như Thế Nào
Như vậy, ở đây, chúng
ta đã thấy sự cần thiết và hoa trái của việc ăn chay. Bây giờ tôi sẽ giải thích
ngắn gọn cách thức mà chúng ta phải nhịn ăn, để việc nhịn ăn của chúng ta có thể
hữu ích trong việc giúp chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp và nhờ đó có thể chết
một cái chết tốt đẹp.
Nhiều người nhịn ăn
vào tất cả các ngày do Giáo hội chỉ định: vào các buổi canh thức, vào những Ngày
Bốn Mùa (tuần chay ba ngày: thứ 4,6,7 sau ngày 13 tháng 12 mùa Vọng, sau Chúa
nhật 1 mùa chay, sau lễ Hiện xuống vào mùa Hạ và sau ngày 14 tháng 9 vào mùa
Thu) và suốt Mùa Chay. Và họ cũng có thể nhịn ăn theo ý mình trong Mùa Vọng, để
họ có thể sốt sắng chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Giáng Sinh; hoặc vào các ngày Thứ
Sáu, để tưởng nhớ Cuộc Thương Khó của Chúa chúng ta; hoặc vào các ngày thứ Bảy,
để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria.
Mục đích chính của việc
ăn chay là hãm dẹp thân xác để tinh thần được mạnh mẽ hơn. Vì mục đích này,
chúng ta phải tuân theo chế độ ăn uống đạm bạc và không cần ngon
miệng. Và Giáo Hội, mẹ của chúng ta, chỉ ra điều này, vì mẹ ra lệnh cho chúng
ta chỉ ăn một bữa “đầy đủ” trong ngày, và khi đó không được ăn thịt. Bây giờ,
điều này chắc chắn không được tuân giữ bởi những người, mà trong những ngày ăn
chay của họ, vẫn ăn nhiều trong một bữa, như những ngày khác khi họ ăn bữa chiều
và bữa tối cùng nhau; và những người, trong một bữa ăn đó, chuẩn bị rất nhiều
món gồm các loại cá khác nhau và những thứ khác để làm thỏa mãn khẩu vị của họ,
đến nỗi dường như đó không phải là bữa tối dành cho những người than khóc và ăn
chay, mà là một bữa tiệc cưới vốn sẽ tiếp tục hầu như suốt đêm! Những người nhịn
ăn như vậy chắc chắn không thu được hoa trái gì từ việc ăn chay của họ,
dù ít nhất.
Những người tuy có thể
ăn uống điều độ hơn, nhưng trong những ngày ăn chay, họ lại không
kiêng trò chơi, tiệc tùng, cãi vã, bất hòa, ca hát dâm bôn, cười đùa quá mức;
và điều tồi tệ hơn nữa là phạm tội giống như những ngày bình thường thì cũng
không hái được hoa trái nào.
Những người đạo hạnh nào
muốn việc ăn chay của mình làm đẹp lòng Chúa và hữu ích cho bản thân thì nên
tránh những tội lỗi này và những tội lỗi tương tự khác. Khi đó, họ có thể hy vọng
được sống tốt lành và chết một cách thánh thiện.
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: catholicexchange.com
(23.02.2023)
[1] Thánh Rôbertô Bellarminô (1542-1621)
là một tu sĩ Dòng Tên người Ý và là Hồng y Tổng giám mục của Giáo hội Công
giáo. Được công nhận là một trong những trí thức hàng đầu trong thời đại của
mình, Thánh Rôbertô Bellarminô đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Phản Cải
cách. Ngài được phong thánh năm 1930 và lễ kính Ngài vào ngày 17 tháng 9.