THÁNH LỄ VÀ BỐN BÀI HỌC QUAN TRỌNG NHẤT THỜI THƠ ẤU

Michael P. Foley

WGPVL (21.07.2023) - Bốn mục đích chính của Thánh lễ cũng là bốn điều quan trọng nhất để dạy cho con cái chúng ta và cho cả chính chúng ta.

Một trong những câu hỏi của Sách Giáo lý Baltimore cũ là, “Thánh lễ được dâng lên vì những mục đích gì?” Câu trả lời được đưa ra gồm bốn ý:

- Thứ nhất, để tôn thờ Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Chúa của chúng ta.

- Thứ hai, để tạ ơn Thiên Chúa vì muôn hồng ân của Người.

- Thứ ba, để cầu xin Thiên Chúa ban xuống ơn lành cho mọi người.

- Thứ tư, để đền tạ cho sự công bình của Thiên Chúa vì những tội lỗi đã phạm đến Người[1].

Tôn thờ, tạ ơn, cầu xin và đền tạ - việc đề cập đến bốn mục đích này đã xuất hiện trong nhiều sách lễ cổ xưa và vẫn là một nét đặc trưng quen thuộc của bất kỳ bài giáo lý truyền thống nào về Thánh lễ. Tuy nhiên, điều thường bị bỏ qua là mối quan hệ của các mục đích này với cuộc sống cụ thể của chính chúng ta với tư cách là con người. Chính xác thì bốn điều này liên quan đến lợi ích về mặt tâm lý, cảm xúc và tinh thần của chúng ta như thế nào?

Một cách để tiếp cận câu hỏi này là xem xét bốn điều quan trọng nhất mà chúng ta đã học cách để nói lên khi còn nhỏ: “Tôi yêu bạn”, “Cảm ơn”, “Làm ơn” và “Tôi xin lỗi”. Bốn câu nói đơn sơ này không chỉ có khả năng hướng dẫn cả người trẻ lẫn người già trên con đường hướng tới hạnh phúc của con người; chúng cũng cung cấp một phép loại suy hữu ích cho những gì xảy ra trong mọi Hy tế của Thánh lễ.

Những bài học cho cuộc sống

Ngôn ngữ ở phía đông vườn địa đàng ban đầu vốn là phương tiện được định ra dành để gọi tên chính xác cho các tạo vật (như chúng ta thấy với Ađam và các con thú), nhưng nó đã trở thành một tấn bi kịch khi thường xuyên trở thành phương tiện để thao túng hoặc che khuất thực tại. Việc nói “Tôi yêu bạn”, “Cảm ơn”, “Làm ơn” và “Tôi xin lỗi” đều có thể trở thành những hành động vô cùng thiếu thành thật và thậm chí là lợi dụng, nhưng tôi cho rằng thực tế hiển nhiên là khi mọi bậc cha mẹ tử tế đều truyền đạt những điều này đối với con mình, thì đó không phải là trang bị cho chúng những công cụ để thao túng.

Mặc dù chúng ta nói về tầm quan trọng của việc dạy con cái mình “nói” làm ơn và cảm ơn, nhưng mục tiêu cuối cùng của chúng ta thực sự là để con cái mình tự nói lên những lời đó và nắm bắt được ý nghĩa của chúng. Khi một người mẹ bắt con trai mình xin lỗi cô em gái vì đã giật tóc cô bé ấy, người mẹ đó thường không bằng lòng với một câu “xin lỗi” lạnh lùng và một cái lườm đầy thách thức mà không hề tỏ ra hối hận. Rõ ràng mục tiêu của người mẹ đó là làm cho cậu bé hiểu rằng cậu đã làm sai để cậu có thể cảm thấy thực sự hối hận về hành động của mình và tìm cách sửa chữa sự bất công, chứ không chỉ đơn giản là thốt ra một chuỗi âm thanh nào đó. Và điều này cũng đúng với ba điều khác mà người mẹ đó đã hướng dẫn con mình “nói”.

Do đó, tiềm ẩn trong mục tiêu nuôi dạy những đứa trẻ biết nói “Tôi yêu bạn”, “Cảm ơn”, “Làm ơn” và “Tôi xin lỗi” là một điều gì đó hơn là một thói quen lịch sự tầm thường, hơn là một sự tuân thủ hoặc đồng thuận vô nghĩa theo quy ước xã hội. Bằng cách nào đó, mục đích là để định hình một tâm hồn trẻ thơ thành kiểu người biết yêu thương, biết ơn, tôn trọng và khi cần thiết, quyết tâm sửa đổi một cách đầy hối lỗi. Điều này có lẽ là vì những đức tính như vậy không chỉ tự chúng là sự lựa chọn thích đáng, mà chúng còn dẫn đến việc gặt hái được những nhân đức khác.

Ví dụ, một người biết tầm quan trọng của sự hối lỗi, thì cũng biết tầm quan trọng của việc trao ban sự tha thứ (điều vốn không phải là chuyện đơn giản); và một người thực sự biết ơn sẽ dễ có khuynh hướng bao dung với người khác hơn. Chắc chắn, một trong những lý do tại sao cả người có đức tin và không có đức tin đều nhận thấy rằng, trong dụ ngôn về người đầy tớ mắc nợ không biết thương xót, anh ta thật đáng trách là vì đã vi phạm trắng trợn cả hai nguyên tắc thông thường này[2].      

Vì vậy, đằng sau những cách diễn đạt đơn giản như thế là một nền nhân học luân lý đúng đắn, một bản phác thảo bao quát về việc thế nào là sống đẹp. Nói một cách lý tưởng, một người có khả năng nói “Tôi yêu bạn” có nghĩa là người đó có khả năng cam kết, tận tụy và hy sinh bản thân. Một người có khả năng nói “cảm ơn” có nghĩa là người đó nhận ra, như chúng ta sẽ thấy, món quà vô giá về sự hiện hữu của anh ta và món nợ của anh ta đối với một thế giới rộng lớn hơn mà anh ta không tạo ra.

Một người có khả năng nói “làm ơn” có nghĩa là người đó nhìn nhận sự lệ thuộc của anh ta vào một thực tại bên ngoài anh ta và từ chối nguyên tắc cho rằng mình luôn là kẻ mạnh hơn, là vượt thắng chủ nghĩa vị kỷ thấp hèn vốn đang bỏ mặc anh ta, một chủ nghĩa mà theo cách diễn giải của Sr. Walter Scott là một tến khốn nạn hèn hạ chỉ biết quy tất cả về chính mình. Và cuối cùng, một người có khả năng nói “Tôi xin lỗi” (hoặc trong những tầm mức nhỏ hơn là “Xin bỏ qua cho tôi”) có nghĩa là tạo ra bước đột phá khó khăn nhưng quan trọng để đạt đến sự hiểu biết về bản thân một cách vừa không tâng bốc vừa không khoa trương, là lấy hết can đảm để thừa nhận lỗi lầm của mình và quyết tâm khắc phục chúng.

Ngược lại, một người không được giáo dục về bốn câu nói cơ bản này và những khuynh hướng đằng sau chúng sẽ bị coi là một sự bất công nghiêm trọng, vì anh ta sẽ ngã lòng trong việc vượt thắng sự ích kỷ của mình, hoặc dẫn đến hậu quả tương tự như thế vì anh ta đã không nhận thức được sự thật về thân phận con người.

Bốn mục đích của Thánh lễ

Điều thú vị là bốn hướng đi dẫn đến sự phát triển đích thực của con người như trên có một điểm tương đồng đáng chú ý với thần học truyền thống về Thánh lễ. Cụ thể, nói “Tôi yêu bạn” ở nhà cũng tương tự như hành động thờ phượng diễn ra trong Thánh lễ, nói “Cám ơn” cũng giống như việc tạ ơn, nói “làm ơn” cũng tương tự như việc cầu xin và nói “Tôi xin lỗi” cũng giống như việc đền tạ.

Khi Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như một của lễ sống động, thì của lễ đó bao gồm một hành động thờ phượng vô tận đối với Chúa Cha, một hành động thờ phượng vô tận của việc tạ ơn Người, của việc cầu xin hoặc khẩn cầu thay cho chúng ta, và của việc đền tạ (hay còn được gọi là việc làm nguôi lòng hay chuộc tội) cho tội lỗi nhân loại. Về phần mình, bốn thành phần của hành vi thờ phượng trọn hảo này lại được Chúa Kitô tái hiện diện qua trung gian là linh mục của Người trong mỗi Thánh lễ. Và chúng ta, những tín hữu, tham dự Thánh lễ để được dự phần và được nuôi dưỡng nhờ những mục đích này. Chắc chắn là những hành động sùng kính của chúng ta không giống với những hành động của Chúa chúng ta. Ví dụ, sự chuộc tội của Chúa Kitô không bao gồm việc “Tôi xin lỗi” theo cách mà chúng ta phải làm, vì Người không có gì để phải tỏ lòng hối tiếc. Nhưng nỗ lực ít ỏi của chúng ta để bù đắp cho những lỗi tội của mình nơi một hành động chuộc tội đã trở nên có hiệu quả nhờ lòng bao dung vô bờ của Đấng đã chịu đóng đinh và phục sinh vì chúng ta, và từ đó sự gắn kết giữa Chúa Giêsu và chúng ta trở nên vô cùng sâu đậm.

Bốn sự khuấy động

Vì vậy, một lý do tại sao phép loại suy này lại có ý nghĩa là vì nó chỉ ra rằng Hy tế Thập giá - và mở rộng ra là Hy tế trên Bàn thờ - góp phần mạnh mẽ vào sự hoàn thiện siêu nhiên đối với tiềm năng tự nhiên hướng về điều thiện nơi chúng ta, cũng như phục hồi bản chất của chúng sau khi nó rời bỏ tình trạng hoàn hảo ban đầu.

Để minh chứng thêm cho điều này, chúng ta chỉ cần xem xét phạm vi cảm xúc cơ bản của con người dưới ánh sáng từ bốn “sự khuấy động” (perturbationes) của linh hồn: niềm vui, ước muốn, sợ hãi và đau buồn. Cách phân loại hữu ích này đã được Cicero sử dụng[3], chính ông đã mượn nó từ các nhà Khắc kỷ, và sau đó được các nhà tư tưởng Kitô giáo như Thánh Augustinô tiếp thu[4]. Bốn cảm xúc mà Cicero nói đến có mối quan hệ đáng chú ý với bốn câu nói mà chúng ta đã thảo luận cùng với bốn mục đích của Thánh lễ - chúng vốn không được sắp xếp ngay ngắn với nhau theo cùng một cách thức, nhưng các hành động thờ lạy, tạ ơn, cầu xin và đền tạ sẽ hoàn thiện những bản năng cơ bản nhất của chúng ta về niềm vui, ước muốn, sợ hãi và đau buồn.

Ước muốn

Ví dụ, ở cấp độ tự nhiên, khát vọng cá nhân thô sơ được nhân bản hóa và thăng hoa bằng hành động nói lời “Làm ơn” cách đơn giản và chân thành. Thay vì giành lấy những gì chúng ta muốn, chúng ta nhận ra được ranh giới của quyền sở hữu và khiêm tốn yêu cầu vẽ lại ranh giới đó; và khi làm như vậy, chúng ta từ bỏ tính bạo tàn của thói áp bức để đổi lấy sự nhã nhặn của phép lịch sự. Vì vậy, cầu xin ở mức tốt nhất là sự thăng hoa của ước muốn, không phải theo nghĩa kìm nén ham muốn tình dục của S. Freud mà theo nghĩa nguyên thủy là làm cho ước muốn trở nên cao thượng hoặc đáng quý.

Chính cảm giác thăng hoa này được thể hiện ở mức độ cao nhất trong Thánh lễ, nơi ước muốn cá nhân được hoàn thiện một cách siêu nhiên qua lời cầu xin đầy lòng vị tha đến mức tột cùng mà chúng ta thực hiện không chỉ cho chính mình mà còn cho tất cả mọi người, như Sách Giáo lý Baltimore nhắc nhở chúng ta. Điều này khác xa rất nhiều so với chủ nghĩa duy vật bịa đặt theo kiểu “Lời cầu nguyện của Jabez”, một tác phẩm của Bruce Wilkinson, trong đó các Kitô hữu được khuyến khích cầu nguyện cho những thứ rẻ tiền của cuộc sống này như thể họ chẳng có khao khát vĩnh cửu nào cả. Ngược lại, Thánh lễ hướng đến việc vừa mở rộng vừa sắp xếp lại các ước muốn của chúng ta để một mặt, những điều tốt đẹp hơn được ưu tiên hơn những điều thấp kém, và sau đó vượt trên cả những điều tốt đẹp đó về phương diện khác.

Điều này đặc biệt rõ ràng trong các Lời Tổng nguyện của Sách lễ Triđentinô dành cho các Chúa nhật sau Lễ Hiện xuống, một mùa trong năm phụng vụ tương ứng với kỷ nguyên của Giáo Hội. Các Lời Tổng nguyện này gợi lại một điểm cốt yếu mang tính định kỳ về việc tái định hình và nâng cao ước muốn của các tín hữu. Chẳng hạn, ngoài việc xin bạn cho những điều ta ước nguyện, các lời Tổng nguyện này còn cầu xin biến đổi điều chúng ta ước muốn: “làm cho chúng con yêu mến điều Chúa truyền dạy” (Chúa nhật XIII), “gắn chặt vào trái tim chúng con lòng yêu mến Danh Chúa” (Chúa nhật VI), “xin chúng con biết cầu xin những điều đẹp lòng Ngài” (Chúa nhật IX),... Và một khi ước muốn của chúng ta đã được biến đổi hoặc chuyển sang những điều tốt đẹp hơn muôn phần như thế, Giáo Hội tiếp tục quả quyết rằng Thiên Chúa là Đấng cao vượt trên hết mọi sự sẽ ban cho chúng ta, như đã được nhắc đến trong Lời Tổng nguyện của Chúa nhật XI, những điều mà “lời chúng con cầu xin chẳng dám kêu lên”. Toàn bộ nền thần học về ước muốn, lời cầu xin và tính siêu việt như thế có lẽ không còn được diễn đạt một cách đẹp đẽ và cô đọng hơn ở nơi đâu khác ngoài Lời Tổng nguyện của Chúa nhật V sau Lễ Hiện Xuống:

Lạy Chúa, Đấng đã chuẩn bị cho kẻ yêu mến Chúa những điều tốt đẹp vượt quá trí hiểu: xin đổ vào lòng chúng con tình yêu của Chúa, để chúng con biết yêu mến Chúa trong mọi sự và trên hết mọi sự, từ đó có thể đạt được những lời hứa của Chúa là những gì vượt trên hết điều chúng con có thể ước mong.

Điều này còn cần đến một nổ lực hơn nữa để mở ra các giả định đầy sắc thái của Lời Tổng nguyện liên quan đến mục đích sau cùng này nơi lòng trí con người và mối liên hệ của nó với trật tự được tạo ra cũng như với Đấng đã tạo ra trật tự đó; bấy nhiêu cũng đủ để nói rằng lời “làm ơn” trong khao khát của con người ở đây đang được chuyển sang một cấp độ hoàn toàn mới.

Sợ hãi và đau buồn

Mặt khác, nỗi sợ hãi và đau buồn đều được đề cập đến trong hành động xin lỗi và sửa đổi, cho dù chỉ khi những hành động đó là chân chính. Một lời xin lỗi không hoàn hảo chỉ bắt nguồn từ động cơ sợ hãi: Tôi xin lỗi bạn không phải vì tôi thực sự xin lỗi mà vì tôi sợ những gì bạn sẽ làm với tôi nếu tôi không xin lỗi. Ngược lại, lời xin lỗi hoàn hảo đi kèm với cảm xúc đau buồn: Tôi thấy rằng tôi đã làm tổn thương bạn theo một cách nào đó và phần tôi, tôi thực sự đau buồn vì sự việc này.

Nhưng một lời xin lỗi hoàn hảo cũng bao hàm nỗi sợ hãi, không phải sợ bị trả thù như trường hợp trước mà là sợ bị người thân xa lánh. Thánh Tôma phân biệt hai loại sợ hãi: một sự sợ hãi kiểu nô lệ, giống như một nô lệ sợ bị chủ trừng phạt; và một sự sợ hãi đáng quý hay khiêm cung[5], như nỗi sợ của một người chồng sợ làm điều gì đó với vợ mình vì sợ rằng cô ấy sẽ không tôn trọng anh ta, chứ không phải vì sợ rằng cô ấy sẽ đánh anh ta vì những gì anh ta đã làm. Trong khi nỗi sợ hãi kiểu nô lệ có vị trí của nó trong cuộc sống này (thậm chí nó đủ để thực hiện một hành động ăn năn sám hối, mặc dù đây là một hành động không hoàn hảo), nhưng rõ ràng nó thấp kém hơn nỗi sợ hãi với lòng khiêm cung vốn được thúc đẩy bởi một tình yêu to lớn hơn là sự tự vệ đơn thuần.

Và với sự thờ phượng Thiên Chúa cũng vậy, điều này giả định trước một sự đau buồn vì những bất công mà chúng ta đã phạm phải và một nỗi sợ hãi rằng chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta yêu mến và là Đấng đã làm rất nhiều điều cho chúng ta. Đúng vậy, nỗi sợ hãi đó có khi cũng bao hàm nỗi sợ hãi đơn thuần là phải sa hỏa ngục, linh cảm cho biết nếu tôi ngủ nướng vào ngày Chúa nhật thay vì tham dự Thánh lễ thì tôi đang phạm tội trọng; và nỗi sợ hãi đó, mặc dù có thể là cơ bản, cũng có thể thành công trong việc đưa tôi đến Thánh lễ và thậm chí mở ra cho tôi những ân sủng mà tôi có thể lãnh nhận được ở đó. Nhưng như Thánh Augustinô đã từng nhận xét một cách dí dỏm, “những người sợ phạm tội chỉ vì hỏa ngục, thì không phải là sợ phạm tội, mà là sợ bị thiêu đốt.” Giống như một người trưởng thành về mặt cảm xúc được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi cao quý hơn là nỗi sợ hãi kiểu nô lệ, thì một người trưởng thành về mặt thiêng liêng cũng sợ sức tàn phá nội tại của tội lỗi và ảnh hưởng của nó đối với tình bạn thân thiết giữa anh ta với Đấng Tạo Hóa, hơn là sự phán xét bên ngoài đang chờ đợi anh ta vào cuối cuộc đời mình.

Niềm vui

Cuối cùng, sự khuấy động của niềm vui đi kèm với những hành động chân thành như nói “Tôi yêu bạn” và “Cảm ơn”. Thật vậy, tình yêu không phải lúc nào cũng đi kèm với niềm hân hoan phấn khởi, vì những cam kết của tình yêu thường mang theo nỗi buồn và khó khăn. Tuy nhiên, theo một cách kỳ lạ, ngay cả nỗi đau của tình yêu cũng tốt hơn là sự vắng mặt của tình yêu (giả sử rằng chúng ta đang nói về tình yêu có trật tự và không phù phiếm), và chỉ nhờ tình yêu mà niềm vui đích thực mới được trải nghiệm.

Điều này cũng đúng đối với lòng biết ơn, mặc dù điều này không dễ để chúng ta nhận ra như trước đây. Đối với những nhà tư tưởng như Immanuel Kant, việc phải nói lời cảm ơn là một dịp đáng buồn hơn là đáng vui, vì theo tính toán của ông, lòng biết ơn nghĩa là mắc nợ, và mắc nợ là mối đe dọa đối với quyền tự chủ cá nhân, đối với nền triết học Kant và nền dân chủ tự do hiện đại.

Tuy nhiên, như Cha Paul McNellis S.J. đã chỉ ra rằng, một lối tư duy theo chủ nghĩa pháp chế như vậy đã bỏ qua tác động giải phóng mà các mối quan hệ rộng rãi của con người tạo nên đối với cá nhân[6]. Đối với người xưa, phản ứng thích hợp đối với sự phụ thuộc lẫn nhau của con người là kiền thành (pietas), đó là lòng tận tụy cao quý đối với gia đình, đất nước của một người và cuối cùng là đối với Thiên Chúa của người đó. Đây là một “món nợ” mà người ta rất vui mừng khi có được, vì nó dựa trên sự dư dật của cải mà người ta đã nhận được một cách không cân xứng. Hơn nữa, hành động ghi nhớ những lợi ích như thế chính là nguồn gốc của lòng biết ơn cách vui vẻ. Theo lời của Seneca:

Người vô ơn nhất là người đã quên đi điều thiện ích... không có khả năng trở nên một người biết ơn nếu người đó mất hết trí nhớ[7].

Do đó, lòng biết ơn không chỉ là một thành phần quan trọng trong phẩm chất đạo đức của một người, nó còn là biểu hiệu của khả năng lưu giữ thực tế nơi một người, nghĩa là khả năng ghi nhớ chính xác những lợi ích thực sự mà người đó đã nhận được từ người khác và đáp lại một cách phù hợp.

Và không cần phải nói, tất cả những điều này đều có ý nghĩa sâu sắc đối với việc tạ ơn Thiên Chúa trong Thánh lễ, một hành động tưởng niệm (anamnesis) ghi nhớ sơ đẳng nhất dành cho Người; và do đó tái hiện lại điều tốt đẹp nhất từng được ban tặng trong lịch sử loài người. Không có gì ngạc nhiên khi Thánh Tôma Aquinô lại xem lòng biết ơn là một nhân đức bắt nguồn từ tình yêu, một nhân đức hoàn toàn hợp lý mà không có giới hạn[8]. Và thật thích hợp và tốt đẹp biết bao khi những lời cuối của Thánh lễ, trong cả nghi thức cũ và mới, đều đơn giản là “Tạ ơn Chúa”.

Kết luận

Sự so sánh của chúng ta giữa mục đích của Thánh lễ và bốn điều tuyệt vời mà chúng ta học được khi còn nhỏ cũng mang lại một sự hiểu biết sâu sắc sau cùng về tầm quan trọng của Hy tế Thánh Thể. Việc nghĩ rằng “tham dự” Thánh lễ là một gánh nặng pháp lý do Giáo Hội áp đặt lên chúng ta là lối suy nghĩ cũng nghèo nàn như việc nghĩ rằng cung cách cư xử chỉ là sự mở rộng quyền lực và sự thất thường của bậc cha mẹ. Dù không mang đầy đủ ý nghĩa, nhưng cách cư xử này lại là công cụ định hướng cho chúng ta theo trật tự đã được định sẵn, và khi được sử dụng đúng cách, chúng sẽ giúp phát huy hết tiềm năng của chúng ta trong tư cách là con người. Cũng vậy, sự tôn thờ, tạ ơn, cầu xin và đền tạ mà chúng ta thực hiện trong Thánh lễ hướng chúng ta đến Đấng tạo dựng nên con người chúng ta, tất cả không chỉ thúc đẩy tiềm năng bẩm sinh của chúng ta mà còn khơi dậy khả năng kết hiệp với chính Thiên Chúa của chúng ta.

Để có thể nói những câu “Tôi xin lỗi,” “Tôi yêu bạn,” “Làm ơn,” và “Cảm ơn” với Thiên Chúa là Cha qua trung gian của Người Con và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần thì không chỉ là đặc ân duy nhất dành cho một tạo vật thấp hèn; đó còn là một hành động biến đổi đều đặn. Và với điều đó, chúng ta chỉ có thể nói, Deo gratias (Tạ ơn Chúa).

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
(theo: CatholicEducation Resource Center)
Nguồn: giaophanvinhlong.net (21.07.2023)



[1] The New Saint Joseph Baltimore Catechism no. 2, explained by Rev. Bennet Kelly, C.P. (NY: Catholic Book Publishing Co., 1969) no. 361, p. 173.

[2] Mt. 18:23–34.

[3] De finibus 3.10.35; Disputationes Tusculanae 4.6.11.

[4] Confessions 10.13.22.

[5] Cf. Summa Theologiae II-II.19.4f, also I-II.67.4.ad 2; II-II.7.1.

[6] "Rights, Duties, and the Problem of Humility," in Gladly to Learn and Gladly to Teach: Essays on Religion and Political Philosophy in Honor of Ernest L. Fortin, A.A., eds. Michael P. Foley and Douglas Kries (Lanham, MD: Lexington Books, 2002), pp. 125–143. The following paragraphs on gratitude are deeply indebted to Fr. McNellis’ article.

[7] De beneficiis 3.1, trans. John W. Basore, Loeb Classical Library (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1935), pp. 128–9.

[8] Summa Theologiae II-II.106.6.ad 2.