THÀNH LẬP HÀNG GIÁO PHẨM TIẾP NỐI TINH THẦN CỦA ĐỨC CHA LAMBERT
Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
DẪN NHẬP
Giáo hội Công giáo Việt Nam đang tiến hành Hồ sơ xin phong
thánh cho Hai Vị Tôi Tớ Chúa: Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha
François Pallu[1]. Ngày 15.06.2022 vừa qua, tại
Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, đã diễn ra nghi thức đón nhận Di Cốt
và lễ giỗ 343 năm, ngày Đức cha Lambert được Chúa gọi về với Ngài. Hiện tại, Di
Cốt của Vị Tôi Tớ Chúa được đặt tại Nhà nguyện cổ Tiểu chủng viện Thánh Giuse
Sài Gòn để cho mọi người đến kính viếng và cầu nguyện[2].
Hai vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội tại Việt Nam đã để lại nhiều công trình
bền vững cho Giáo hội Công giáo Việt Nam đến ngày nay, cách đặc biệt, là Đức
cha Pierre Lambert de la Motte[3], người kiến tạo và thiết lập
Hàng giáo sĩ bản xứ Việt Nam.
Ngoài việc thành lập Dòng Mến Thánh Giá ngày 19.02.1670, việc
thiết lập đặt nền móng bền vững cho Tòa nhà Giáo hội Việt Nam là việc thiết lập
Hàng giáo sĩ bản xứ, để từ đó, Hàng Giáo phẩm của Giáo hội Công giáo Việt Nam
được thành lập, đây là công trình chính yếu và mang tính bền vững cho công cuộc
truyền giáo và xây dựng Giáo hội Việt Nam. Chính Đức thánh cha Alexandre VII với
Tông sắc Super Cathedram và của Bộ
Truyền giáo qua văn kiện Instructions
1659 đã định cách rõ ràng cho công việc rất hệ trọng này. Với Tông sắc Super Cathedram, Đức Alexandre VII viết:
“Để cho việc phong chức linh mục cho người
bản xứ được dễ dàng hơn và để cho đạo Công giáo được thiết lập cách vững chắc
hơn, với sự chúc lành của Thiên Chúa, với uy tín và nội dung của sắc lệnh này,
Ta cho phép và ban quyền cho Hiền huynh, với tư cách là Đại diện Tông tòa, chỉ
trong vòng bảy năm, được miễn trừ cho các giáo sĩ nói trên trong Giáo phận của
Hiền huynh không cần phải hiểu biết tiếng Latinh, miễn là họ phải biết đọc tiếng
Latinh và hiểu biết những giải thích theo Giáo luật về Thánh lễ và về các nghi
thức đổi với việc cử hành các Bí tích trong Giáo hội. Trong những điều kiện
trên, những giáo sĩ địa phương sẽ có thể được tiến chức vào mọi chức thánh, kể
cả chức Giám mục”. Với văn kiện Instructions
1659, Bộ Truyền giáo viết: “Lý do
chính thúc đẩy Thánh bộ đã cử Chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ Giám mục, là
để Chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách việc giáo dục thanh
niên, giúp họ đủ khả năng nhận lãnh chức linh mục. Chư huynh sẽ phong chức cho
họ và cử họ đi khắp miền rộng lớn ấy, mỗi người làm việc trong quốc gia của
mình; ở đó họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa nhờ Chư huynh ân cần chăm sóc. Vậy
Chư huynh hãy luôn đặt trước mắt mục đích này là tuỳ sức có thể, hãy làm thế
nào để đưa dẫn được nhiều người và là những tâm hồn có nhiều khả năng đạt đến
chức thánh, đào tạo và huấn luyện họ, rồi truyền chức linh mục khi họ đã sẵn
sàng”[4]
Khi đề cập đến vấn đề tấn phong Giám mục cho người bản xứ, Huấn thị năm 1659 viết:
“Trong sổ những người mà Chư huynh đã
truyền chức linh mục, sẽ có những người xứng đáng được đề cử lên chức Giám mục.
Tuyệt đối cấm ngặt Chư huynh không được ban chức cao trọng đó cho một người
nào, nhưng hãy báo cáo cho Thánh bộ biết rõ danh tánh, đức độ, tuổi tác của họ,
cũng như những chi tiết cần thiết khác như: nơi chon Chư huynh có thể tấn phong
Giám mục cho họ, Giáo phận Chư huynh có thể trao cho họ cai quản và nhiều vấn đề
khác, sẽ được bàn tới sau này”[5].
Quả vậy, khi đặt nền tảng cho công trình truyền giáo bằng việc thiết lập Hàng
giáo sĩ bản xứ Việt Nam, Đức cha Lambert đã đặt nền trên “Đá” vững chắc, góp phần
xây dựng “Ngôi nhà Giáo hội Việt Nam” đứng vững và tồn tại trước mọi phong ba,
bão táp, để Giáo hội Việt Nam tồn tại, phát triển và trổ sinh nhiều hoa trái, đặc
biệt với sự kiện Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt
Nam, nhờ đó Giáo hội Việt Nam không ngừng được kiện toàn, lớn mạnh và trưởng
thành cho đến hiện tại.
Như thế, thiết lập Hàng giáo sĩ bản xứ không chỉ là công
trình thiết yếu mang tính cách “sống còn” đối với Giáo hội Việt Nam, đặc biệt
trong giai đoạn bách hại đẫm máu, nhưng Đức cha Lambert còn chuẩn bị nền tảng,
làm tiền đề cho việc thành lập Hàng Giáo phẩm, đây là hai sự kiện đặc biệt quan
trọng có liên hệ chặt chẽ không thể tách rời trong quá trình phát triển và trưởng
thành của Giáo hội Việt Nam.
Trước hết, [I] chúng ta sẽ thoáng nhìn tổng quát các chặng
đường lịch sử của Giáo hội Việt Nam; [II] để trải qua dòng lịch sử ấy, chúng ta
sẽ đọc lại bối cảnh lịch sử của tiến trình thành lập Hàng giáo sĩ bản xứ Việt
Nam khởi đi từ Đức cha Pierre Lambert de la Motte; [III] và khởi đi từ Hàng
giáo sĩ ấy, Hàng Giáo phẩm Giáo hội Công giáo Việt Nam chính thức được Đức
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII thành lập ngày 24.11.1960.
I. TỔNG QUÁT DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM
Tiến trình hình thành và phát triển của Giáo hội Việt Nam từ
khởi thủy tạm phân chia với 5 giai đoạn chính yếu:
1. Giai đoạn khai phá,
tạm tính từ 1533-1659, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn mở đường (1533-1614) và
giai đoạn xây nền móng (1615-1659).
2. Giai đoạn hình thành,
từ 1659-1802: được đánh dấu bằng việc thiết lập 2 Giáo phận Tông tòa đầu tiên:
Đàng Ngoài (Tonkin) và Đàng Trong (Cochinchine) năm 1659 với hai Giám mục Đại
diện Tông tòa: Pierre Lambert de la Motte và François Pallu.
3. Giai đoạn thử
thách, từ 1802-1886 với cuộc bách hại đẫm máu qua các triều đại Minh Mạng
(1820-1841); Thiệu Trị (1841- 1847), Tự Đức (1847-1883) cùng với hai phong trào
Văn Thân và Cần Vương.
4. Giai đoạn phát triển,
từ 1886-1960, được đánh dấu với hòa ước Giáp Thân 1884, đây là thời kỳ đạo Công
giáo được sống trong hòa bình và được củng cố lại từ đống đổ nát của thời bách
hại, cho đến sự kiện thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam năm 1960.
5. Giai đoạn trưởng
thành, từ khi Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập đến nay[6].
Các giai đoạn của dòng lịch sử này làm nên bức tranh toàn cảnh
và cũng chính là khung nền cho tiến trình thiết lập Hàng giáo sĩ bản xứ và Hàng
Giáo phẩm Việt Nam.
II. TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP HÀNG GIÁO SĨ BẢN XỨ
VIỆT NAM
1. Bối cảnh chính trị - xã hội Việt Nam[7]
Bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam ở thời kỳ công cuộc truyền
giáo trước và sau khi thành lập Giáo hội Việt Nam với công trình truyền giáo và
cuộc vận động Tòa Thánh của cha Alexandre de Rhodes, từ đó đưa đến việc hai vị
giám mục Đại diện Tông tòa tiên khởi: Pierre Lambert de la Motte và François
Pallu, đó là thời Nhà hậu Lê. Chính trị xã hội thời kỳ này rất bất ổn, tình trạng
tranh giành quyền lực, nhiều cuộc tranh chấp, lật đổ, chiếm đoạt ngai vàng, chế
độ quân chủ phong kiến suy đồi. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi Nhà Lê, lập
nên triều Mạc. Một tướng lĩnh của nhà Lê là Nguyễn Kim với chủ trương “Phò
Lê-diệt Mạc” đã đánh chiếm vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Vạn Lại, lập triều “Lê
Trung Hưng”, đưa đến tình trạng Bắc triều - Nam triều[8].
Năm 1545, Nguyễn Kim qua đời, hai người con trai của ông là
Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng còn bé, quyền hành tạm thời trao vào tay cho Trịnh
Kiểm là con rể của Nguyễn Kim. Với tham vọng quyền bính, Trịnh Kiểm tìm cách
thâu tóm quyền lực, Nguyễn Uông bị giết hại bởi anh rể Trịnh Kiểm. Nguyễn Hoàng
lo sợ, nên vận động xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa và từng bước xây dựng lực lượng
riêng. Dần dần, Trịnh-Nguyễn trở thành hai thế lực thù địch và chiến tranh giữa
anh em cùng một nhà liên tiếp xảy ra suốt gần nửa thế kỷ, với 7 trận đánh lớn
vào những năm 1627, 1630, 1643, 1648, 1655, 1661, 1672, nhưng bất phân thắng bại.
Cuối cùng, đất nước bị chia đôi thành hai vương quốc: Đàng Ngoài (Tonkin) thuộc
quyền các Chúa Trịnh và Đàng Trong (Cochichine) thuộc các Chúa Nguyễn. Sông
Gianh (Linh Giang) được chọn làm ranh giới. Chính với bối cảnh chính trị xã hội
này, Hai Giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong được thành lập sau này.
Bản đồ Đàng Ngoài và Đàng Trong do cha Đắc Lộ vẽ năm 1651
2. Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) với công
cuộc truyền giáo và việc thành lập Hội Thầy giảng
2.1. Hoạt
động truyền giáo của cha Alexandre de Rhodes
Ngày 18.01.1615, đánh dấu sự hiện diện của các thừa sai Dòng
Tên cho công cuộc truyền giáo ở Việt Nam, khởi đi từ Hội An - Quảng Nam, với
cha Francesco Buzomi. Ngày 07.12.1624, cha Alexandre de Rhodes lần đầu tiên đến
Việt Nam tại Đàng Trong; Ngày 19.03.1627, ngài bắt đầu cuộc hành trình truyền
giáo tại Đàng Ngoài đến tháng 05.1630. Tại Đàng Ngoài, năm 1629, cha Đắc Lộ bắt
đầu công việc lập Hội Thầy giảng[9]; Từ tháng 02.1640 -
03.07.1645, cha Đắc Lộ trở lại hoạt động truyền giáo tại Đàng Trong; Ngày
20.12.1645, từ Macao, cha Đắc Lộ xuống tàu đi về châu Âu và từ ngày 27.06.1649
đến năm 1654 ngài ra sức vận động xin Tòa thánh gởi Giám mục đến Việt Nam; Năm
1655, cha Đắc Lộ được bề trên Dòng Tên cử đi truyền giáo tại Ba Tư (Iran) và
ngài qua đời ngày 05.11.1660, tại Ispahan
Cha Alexandre de Rhodes
2.2.
Thành lập Hội Thầy giảng
Trước hết, về tên gọi, các tài liệu lịch sử hiện nay chưa có
sự thống nhất cách gọi tên đối với tổ chức đang được nói đến. Tùy mục đích sử
gia nhắm đến mà có những tên gọi: “Tu Hội Thầy giảng”[11],
hay “Tổ chức Thầy giảng”[12] hoặc “Tổ chức Giáo lý viên”[13]?... Nhưng nhiều tài liệu
khác gọi là Hội Thầy giảng. Chúng tôi tạm sử dụng tên gọi này theo cách gọi của
phần đông các tác giả[14]. Hội Thầy giảng được chính
thức thành lập do cha Alexandre de Rhodes, nhằm đặt “Nhóm cộng tác viên” này
vào một hệ thống tổ chức, dựa trên khuôn mẫu đời sống của tu sĩ Dòng Tên với 3
lời khấn hứa. Tại Đàng Ngoài, Hội Thầy giảng với tiến trình thành lập vào năm
1629, với các Thầy giảng đầu tiên: Phanxicô Đức, Anrê Tri, Inhaxiô Nhuận[15]. Khi biết mình sẽ bị Chúa
Trịnh trục xuất vào tháng 05.1630, tại Kẻ Chợ, trong thánh lễ cuối cùng ngày
27.04.1630, cha Đắc Lộ đã tổ chức cho 4 thầy: Phanxicô Đức, Anrê Tri, Inhaxiô
Nhuận và Antôn tuyên khấn trước cộng đoàn ba điều: (1) Sống độc thân, không kết
hôn để dâng hiến cho sứ vụ tông đồ truyền giáo và cho đến khi có các thừa sai trở
lại; (2) Sống khó nghèo, để làm của chung tất cả những tặng phẩm giáo dân đem đến
để trợ cấp các thầy; (3) Vâng phục các thừa sai hoặc người đại diện trong việc
truyền giáo, mở mang Nước Chúa[16]. Mục đích ban đầu khi thành
lập Hội Thầy giảng nhằm đào tạo các thừa sai người Việt, để truyền giáo cho người
Việt. Bên cạnh đó, các thầy phụ giúp các thừa sai trong công tác mục vụ, hay
coi sóc, mở rộng và thiết lập các cộng đoàn tín hữu mới khi các thừa sai bị trục
xuất.
Về cơ cấu tổ chức[17],
ba bậc Thầy giảng gồm: Tập sinh, là những người đang tập sự được gọi là Chú[18];
bậc Khấn
tạm với những người được cử đi hoạt động ở các họ đạo, nhưng chưa khấn
trọn, được gọi là các Kẻ văn hay Kẻ giảng[19];
bậc Khấn
trọn, là những thầy đã trải
qua sát hạch về đức hạnh, học vấn, kiến thức và được tuyên khấn long trọng với
ba lời khấn, họ chính thức được gọi là Thầy - Thầy giảng. Các thầy sống chung
trong một nhà, có một thầy đứng đầu[20]
và được huấn luyện bởi các thừa sai Dòng Tên. Buổi sáng với giờ suy gẫm,
thánh lễ, các giờ kinh, nghe đọc truyện về vị thánh mừng kính hôm ấy và trong
ngày với các giờ học tập, đọc sách thiêng liêng, làm việc chung, đi thăm viếng
giáo dân...[21]
Chính Hội Thầy giảng này đã đóng góp rất nhiều thành quả cho
công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, nhất là khi thiếu vắng các thừa sai do việc
cấm cách, bách hại. Đặc biệt Hội Thầy giảng được xem như tiền chủng viện, là
cái nôi, là nền tảng khởi đầu. Chính cha Alexandre de Rhodes đã giới thiệu các
thầy giảng với Bộ truyền giáo, sau đó, Đức cha Pierre Lambert de la Motte bắt đầu
tiến trình thiết lập Hàng giáo sĩ bản xứ Việt Nam qua việc phong chức cho các
linh mục Việt Nam là các thầy giảng: Giuse Trang, Luca Bền, Gioan Huệ,
Bênêđictô Hiền.. Trong giáo trình Lịch sử Giáo hội Việt Nam, được soạn cho Đại
Chủng viện Sài Gòn, cha Augustinô Nguyễn Văn Trinh đã xác quyết: “Tất cả các linh mục Việt Nam đầu tiên đều được
chọn trong số các thầy giảng”[22].
2.3. Cuộc
vận động của cha Alexandre de Rhodes với Tòa Thánh
Trước khi nói đến cuộc vận động của cha Đắc Lộ dẫn đến việc
Tòa thánh bổ nhiệm hai Giám mục đến Việt Nam cho mục đích thiết lập Hàng giáo
sĩ bản xứ, chúng ta cần quay ngược dòng thời gian với những vấn đề truyền giáo
liên quan đến Quyền bảo hộ của Bồ Đào Nha tại châu Á, ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm
Giám mục và phong chức linh mục cho người bản xứ.
Khi đề cập đến vấn đề này, sử gia A. Brou trong bài “Les origines du clergé dans l'Inde. Le
clergé goais” đã viết: “Việc chậm trễ
trong công việc thiết lập Hàng giáo sĩ và Hàng Giáo phẩm ở đây hơi bất thường.
Không nói đến những thế kỷ đầu tiên mà Tân giám mục tách ra từ giám mục cũ để lập
địa phận, hầu như không theo một hình thức nào cả. Nhưng ngay cả trong thời
phát kiến địa lý này, việc sai phái các Giám mục đến các thuộc địa, cũng chỉ từ
10 đến 20 là cùng, mà có khi lại còn sớm hơn. Những người Tây Ban Nha đến
Philippines từ năm 1568, thì vào năm 1581, Manila đã có Giám mục. Còn về phần Bồ
Đào Nha, chúng ta không biết có lý do gì đưa đến sự chậm trễ này. Quần đảo
Acores được khám phá từ năm 1432, nhưng chỉ có Giám mục thuộc Angra vào 100 năm
sau, tức năm 1534. Cũng năm đó, địa phận Sao-Thomé, bao gồm Angola và Congo chỉ
được thành lập sau 40 năm khai phá. Braxin cũng phải mất 50 năm mới có được một
Giám mục ở San Salvador (1550); trong khi ở Saint Domingue đã có Giám mục từ
năm 1520; Cuba từ năm 1525; Mexicô từ năm 1527. Đổi với quyền bảo hộ Bồ Đào
Nha, xem ra, người ta không vội vã gì ở vùng truyền giáo Á châu. Những linh mục
đầu tiên đến châu Á từ năm 1501 Goa bị chinh phục và trở thành trung tâm vào
năm 1510. Lẽ ra, phải thiết đặt nơi đây một Giám mục, nhưng Lisboa tỏ ra dửng
dưng. Việc bổ nhiệm Giám mục nơi đây chỉ được quyết định vào năm 1521, nhưng việc
tấn phong chỉ được thực hiện 11 năm sau, tức năm 1532 và ngài chết trước khi
lên đường đến Giáo phận Goa. Phải chờ đến 5 năm sau, tức năm 1537, tu sĩ dòng
Phanxicô Jean d'Albuquerque mới đáp tàu lên đường và năm sau đó, Goa mới có
Giám mục của mình. Ba năm sau đó mới có chủng viện đào tạo linh mục”[23].
Chính do tình trạng này, thánh Phanxicô trong công cuộc truyền
giáo cho Ấn Độ và Nhật Bản đã phải viết cho vua Jean III của Bồ Đào Nha về
trách nhiệm truyền giáo theo quy định của Quyền bảo hộ, thậm chí, thánh
Phanxicô còn đe dọa nhà vua trước tòa án của Thiên Chúa. Thánh nhân viết: “Xin đức vua đừng do dự cũng đừng dửng dưng
một ngày nào nữa. Mọi sự may mắn bây giờ đã là chậm trễ lắm rồi... gần như tôi
nghe biết bao nhiêu tiếng kêu từ lòng đất Ấn Độ vang lên tới trời để buộc tội đức
vua vì đã hành động quá keo kiệt đổi với miền đất thuộc địa này, khi mà vùng đất
này đã mang lại đầy ứ trong kho tàng của vua, nhưng vua chỉ ban cho một phần rất
nhỏ cho nhu cầu tôn giáo và tinh thần quá lớn lao”. Với tất cả lòng nhiệt
thành, năm 1549, thánh Phanxicô viết cho vua Bồ Đào Nha những lời đầy cay đắng:
“Kinh nghiệm đã dạy cho hạ thần là, đức
vua không có đủ trách nhiệm và không thi
hành đủ quyền lực để làm phát triển niềm tin ở Ấn Độ, chỉ vì ngài chỉ biết thâu
tóm và chiếm hữu mọi sự giàu có của vùng đất Ấn Độ này”[24].
Chính từ những kinh nghiệm trên đây, với lòng yêu mến, gắn
bó cách sâu xa dành cho các tín hữu Đàng Trong và Đàng Ngoài mà cha Alexandre
de Rhodes đã thổ lộ: “Đó là ngày mồng
03.7.1645, thân xác tôi rời bỏ Đàng Trong, nhưng linh hồn tôi thì không, cả
Đàng Ngoài cũng không kém. Thật ra, cả hồn lẫn xác tôi đều ở cả hai nơi và tôi
không nghĩ tôi có thể rời bỏ mãi được”[25]. Sau khi bị trục xuất
ra khỏi Đàng Trong, cha Đắc Lộ đã hoạt động tích cực và đem lại hiệu quả hơn
cho Giáo hội Việt Nam, bằng cách ra sức vận động tại Rôma, từ năm 1649-1654, với
nhiều Thỉnh nguyện thư đệ trình lên Đức Thánh cha Innocentê X và Bộ Truyền
giáo, để xin gởi Giám mục đến Việt Nam cho mục đích quan trọng và “mang tính sống
còn cho Giáo hội truyền giáo còn non trẻ và bị bách hại tại Việt Nam” là lo
phong chức linh mục cho người bản xứ:
- Thỉnh nguyện thư
ngày 02.08.1650[26],
gởi lên Thánh bộ Truyền giáo. Ngoài ra, còn có hai thỉnh nguyện thư khác được
gởi lên Đức Innôcentê X vào tháng 3.1651 và tháng 5.1652. Từng bước, cha Đắc Lộ
trình bày cho Tòa thánh thấy nhu cầu của Giáo hội tại Việt Nam, với khoảng
200.000 tín hữu và mỗi năm có thể tăng thêm 15.000 người. Nhưng chưa ai được chịu
phép Thêm sức, nhiều người chết mà không được chịu các Bí tích cuối cùng. Thêm
vào đó, là cuộc bách hại của chính quyền, và đã có nhiều người được phúc tử đạo.
Để giúp đỡ một Giáo hội như vậy, lẽ ra phải có từ 300 đến 400 linh mục cho nhu
cầu mục vụ và truyền giáo. Nhưng số các thừa sai để cử đi là không thể. Hơn nữa,
bối cảnh chính trị, xã hội và cuộc bách hại đạo ở cả hai vùng Đàng Trong - Đàng
Ngoài rất khốc liệt. Trong Thỉnh nguyện thư ngày 02.08.1650, cha Đắc Lộ viết: “Chúng tôi có lý do để sợ rằng, sẽ xảy ra ở
Giáo hội tại Annam, điều đã xảy ra tại Giáo hội Nhật Bản [...] khi các thừa sai
nước ngoài bị săn đuổi”.
- Thỉnh nguyện thư
ngày 04.07.1651[27],
cha Đắc Lộ so sánh Giáo hội Việt Nam với các vùng miền khác như: Giáo hội
Néo-Césarée có một Giám mục cho 17.000 tín hữu; Giáo hội Maronites tại Libanô
có một Tòa Thượng phụ và 12 Giám mục cho 100.000 tín hữu; Giáo hội Arménie có một
Giám mục cho 1.000 kitô hữu, trong khi đó, tại Việt Nam, con số các tín hữu khoảng
300.000 người, nhưng chưa có một Giám mục nào. Những so sánh này xem ra được Bộ
truyền giáo đồng tình. Bộ truyền giáo đề nghị cha Đắc Lộ gởi Thỉnh nguyện thư
lên Đức Innôcentê X, để xin Đức thánh cha thiết lập một tòa Thượng phụ[28] gởi đến Việt Nam 2 hoặc 3 Tổng
Giám mục, 12 Giám mục. Nhưng đề nghị này đã không được chấp thuận trong cuộc họp
của Đức Innôcentê X với Bộ Truyền giáo ngày 05.03.1652.
- Thỉnh nguyện thư
ngày 06.05.1652[29],
lần này, cha Đắc Lộ chỉ xin Tòa thánh gởi đến Việt Nam một Giám mục, để
phong chức linh mục cho các thầy giảng. Cuối cùng, lời thỉnh cầu này được Đức
Innôcentê X chấp nhận.
Dù đạt được thành công bước đầu trong cuộc vận động, nhưng vẫn
còn nhiều khó khăn, phức tạp. Sau khi chấp nhận gởi Giám mục đến Việt Nam, trước
hết, Tòa thánh đề nghị cha Đắc Lộ làm Giám mục cho Việt Nam, nhưng điều này
không khả thi, vì phải theo Hiến luật của Dòng Tên và vì Dòng Tên đang làm việc
cho Quyền bảo hộ Bồ Đào Nha. Do đó, để tiếp tục công việc, cha Đắc Lộ được trao
nhiệm vụ đi tìm ứng viên Giám mục và cả nguồn tài chính cho dự án này. Trải qua
nhiều khó khăn, từ các mối liên hệ, nhất là với Hiệp hội Thánh Thể, Nhóm “Bons Amis”, danh sách các ứng viên từng
bước được chọn, được gởi lên Bộ truyền giáo và được Đức sứ thần Tòa thánh
Nicolas Bagni tại Paris tiến hành điều tra theo Giáo luật. Ngày 29.07.1658, Đức
thánh cha Alexandre VII đã công bố Tông sắc Apostolatus
Officium, chọn cha Pierre Lambert de la Motte làm Giám mục hiệu tòa Béryte
và cha François Pallu, Giám mục hiệu tòa Héliopolis[30].
Ngày 17.11.1658, Đức cha Pallu được Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ truyền giáo
Antonio Barberini tấn phong Giám mục tại Đền thờ Thánh Phêrô. Ngày 09.9.1659,
qua Tông sắc Super Cathedram[31],
Đức thánh cha Alexandre VII quyết định thành lập hai Giáo phận Tông tòa đầu
tiên tại Việt Nam: Đàng Trong và Đàng Ngoài[32]
theo đó, Đức cha Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Giám mục đại diện
Tông tòa Giáo phận Đàng Trong và Đức cha François Pallu, Giáo phận Đàng Ngoài.
Ngày 11.6.1660, cha Pierre Lambert được Đức Tổng Giám mục Vitor Le Bouthilier,
Tổng Giám mục Giáo phận Tours tấn phong Giám mục tại nguyện đường Dòng Đức Mẹ
đi Thăm viếng, ở Paris
Đức Thánh Cha Alexandre VII
3. Đức cha Pierre Lambert de la Motte với
công trình thiết lập Hàng Giáo sĩ bản xứ Việt Nam
Ngày 27.11.1660, Đức cha Lambert lên đường đi nhận sứ vụ
Giám mục Đại diện Tông tòa Giáo phận Đàng Trong. Tháp tùng với ngài có hai vị
thừa sai: cha Jacques Bourges
Từ Marseille[36], trải qua cuộc hành trình
gian khó, ngày 22.8.1662[37], Đức cha Lambert đặt chân đến
Ayutthaya là kinh đô của Xiêm La (Thái Lan) lúc bấy giờ. Do rất nhiều khó khăn
về chính trị, bách hại tôn giáo ở Trung Hoa và Việt Nam, dù đã tìm nhiều đường
và nhiều cách thế, nhưng Đức cha François Pallu và Lambert de la Motte không thể
trực tiếp đến Giáo phận được Tòa thánh trao phó và Ayutthaya trở thành như là
trung tâm truyền giáo cho các Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Bản đồ cuộc hành trình của Đức cha Pierre Lambert de la Motte năm 1660,
1661, 1662[38]
Cùng với Đức cha François Pallu, hai Giám mục đại diện Tông
tòa đầu tiên của Giáo hội Việt Nam cũng là hai vị đồng sáng lập Chủng viện thừa
sai và Hội Thừa sai Paris (La Société des Missions Étrangères de Paris - MEP).
Chủng viện Thừa sai Paris
Ngày 27.01.1664, Đức cha Pallu đến Ayutthaya cùng với bốn
linh mục gồm cha Louis Laneau, Chevreuil, Hainques, Brindeau[39] và một giáo dân
Philippe de Chameson-Foisy
Đức cha François Pallu[41]
(1626-1684)
Ngay khi Đức cha François vừa đến vùng truyền giáo, ngày
29.02.1664, hai Giám mục, cùng với các thừa sai tổ chức ngay Công nghị đầu tiên
của Giáo hội Việt Nam tại Ayutthaya[42],
đây là công việc rất quan trọng, không chỉ vạch ra đường hướng cho hoạt động
truyền giáo bằng cách cụ thể hóa văn kiện: Instructions
1659 - “Huấn thị năm 1659”[43] mà Thánh bộ Truyền giáo đã
trao và Chỉ thị cho hai Đức cha thực hiện.
Trao Huấn thị 1659, Léon Réni-Mel, 1968[44]
Công nghị này còn đặt nền tảng vững chắc cho công cuộc truyền
giáo tại Đàng Trong, Đàng Ngoài, Trung Hoa và Thái Lan[45].
Công nghị cho ra đời tập tài liệu: “Monita
ad Missionarios: Instructions aux Missionnaires”[46] - đã được Tòa Giám mục Kontum dịch sang
tiếng Việt với tựa đề: '“Nhắn nhủ các Thừa
sai ”[47], đây được xem như ‘Kim chỉ nam' cho các nhà truyền giáo tại
Á Đông và nhiều nơi trên thế giới. Công nghị cũng quyết định thành lập Chủng viện
cho mục đích đào tạo và thành lập Hàng Giáo sĩ bản xứ cho các Giáo hội địa
phương. Do đó, từ rất sớm, sau Công nghị này, Chủng viện đầu tiên của Giáo hội
Việt Nam được thiết lập tại Ayutthaya. Đức cha Lambert cho biết: “Chúa Quan
Phòng đã muốn chúng tôi cùng quyết định nhiều vấn đề vì ích lợi cho công cuộc
truyền giáo và để chúng tôi thống nhất với nhau cách sống.”[48]
Như chúng ta đã biết, Đức cha Pierre Lambert de la Motte là
ông tổ thành lập Dòng Mến Thánh Giá và người ta thường lầm lẫn, chỉ có các nữ
tu Mến Thánh Giá mới sống “Linh đạo về Con đường Thánh giá với Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của
lòng trí chúng con” mà thôi. Nhưng Đường hướng linh đạo Thập giá này không gì
xa lạ và là con đường mà chính Đức Giêsu đã vạch ra cho Giáo hội, cho mọi tín hữu,
tất cả các môn đệ phải đi: “Nếu ai muốn
theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng,
ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta,
thì sẽ được sự sống” (Mt 16,24). Chính vì thế, để thực hiện công cuộc truyền
giáo chung của Giáo hội tại Đàng Trong - Đàng Ngoài và công cuộc đào tạo Hàng
giáo sĩ bản xứ, Con đường Thánh giá là linh đạo, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt mọi
hoạt động và đời sống của Đức cha Lambert. Trong Công nghị Ayutthaya, một ước
muốn và là một dự án đã được Đức cha Pierre Lambert de la Motte đề xuất xin Tòa
thánh phê chuẩn đó là “Hội dòng Tông đồ” hay cũng có tài liệu gọi là “Hội dòng
Thánh Giá”[49] bao gồm Giám mục, linh mục,
tu sĩ, giáo dân. Đáng tiếc là “Dự án” này không được Tòa thánh phê chuẩn, có lẽ
vì nội quy sống quá khắc khổ: “Sổng theo
ba lời khuyên Phúc âm: nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục; Sổng từ bỏ, gắn bó tất
cả cuộc sổng cho công cuộc truyền giáo vì Nước Trời; Vâng phục hoàn toàn Tòa
thánh và Đức Giáo hoàng”[50].
Mục đích của luật sống mà Đức cha Lambert đề ra cho “Hội dòng Tông đồ” này là để
huấn luyện các thừa sai cách xứng hợp. Đây không những là khát vọng sống sâu xa
của Đức cha Lambert với “Linh đạo Thánh giá” theo con đường của Đức Giêsu Kitô
Chịu Đóng Đinh, ngài kể rằng: “Khi tự hỏi,
sau này tôi có thể đi tu như những vị tu sĩ không. Lúc ấy, tôi chợt nhận ra rằng:
mình không thấy vui thích gia nhập một nhà dòng nào, bởi vì các tu sĩ ấy xem ra
không có một đời sổng đủ hoàn thiện. Nhưng trong tâm trí tôi nảy sinh một ý tưởng
về một mẫu người phù hợp khác và tôi bị cuốn hút theo mẫu người ấy, đó là những
người mang tên Mến Thánh Giá.”[51]
Trở lại với bối cảnh chung của lịch sử Giáo hội thời Trung và cận đại, do sự
“Liên kết Thế quyền-Thần quyền”, Giáo hội ngày càng chịu ảnh hưởng và chạy theo
tinh thần thế tục, quyền bính trần thế, vật chất, vinh quang, hưởng thụ của cải
trần thế... Chính với bối cảnh này, giai đoạn cận đại và kéo dài đến Công đồng
Vaticano - II, Giáo hội thực hiện liên lỉ cuộc cải cách đời sống. Hơn nữa, ngay
tại Ayutthaya, Đức cha Lambert còn chứng kiến các thừa sai thuộc các Hội dòng với
lối sống buông thả, phóng túng, chạy theo những nhu cầu vật chất, làm kinh tế,
buôn bán như một thương nhân. Đó chính là lý do Công nghị Ayutthaya quyết định
thành lập “Hội dòng Tông đồ” với những kỷ luật nghiêm ngặt. Đức cha Pierre
Lambert đã họp Công nghị vì ba lý do sau: “Thứ nhất: nói chung, để đối phó với
những sự vô trật tự rất lớn và sự vô kỷ luật của các giáo sĩ triều và các hội
dòng tu sĩ trong khắp các nơi này; nói riêng, để tránh được các cái xấu trên và
tìm ra phương thế để khỏi rơi vào đó; Thứ hai: để giải quyết nhiều trường hợp hệ
trọng và khó khăn; Thứ ba: để thiết định một đường lối chung cho các thừa sai hầu
tất cả đều giống nhau nhất có thể, về cách hành động bên trong và bên ngoài.”[52]
Trong bức thư gửi hoàng thân Conti, khi loan tin về “Hội
dòng Tông đồ” được Công nghị Ayutthaya quyết định thành lập, Đức cha Lambert đã
mạnh mẽ chê đời sống buông thả của các thừa sai mà ngài đã gặp: “Chính để tránh khỏi mọi bất hạnh khốn nạn
như vậy [tức tình trạng buông thả của nhiều thừa sai] mà chúng tôi đã tin là phải
họp Công nghị và chúng tôi gửi về Rôma và về Pháp, hầu những ai sẽ tới đây sẽ
biết cuộc sống thanh sạch mà bậc sổng của chúng tôi đòi buộc”[53].
Và đây cũng chính là đường hướng linh đạo của Văn kiện Monita Ad Missionarios với 10 chương và 1 phụ lục, thì những chỉ thị
trong Instructions 1659 của Bộ truyền
giáo cho các thừa sai: Chương 1 và 2 nói về đời sống tu đức cá nhân của mỗi vị
thừa sai. Chương 3 và 4, về cách thức làm việc truyền giáo. Vậy chúng ta có thể
kết luận rằng: Linh đạo Thập giá, theo con đường và gương mẫu của Đức Giêsu
Kitô chịu đóng đinh, đó chính là linh đạo, là đường hướng vẫn luôn mang tính thời
sự đối với việc đào tạo không chỉ các thừa sai ngày xưa, mà nhất là trong bối cảnh
xã hội, với chủ nghĩa duy vật, tục hóa, hưởng thụ vật chất của con người trong
xã hội hiện đại nói chung và nơi hàng giáo sĩ, chủng sinh hiện nay.
Năm 1667, các thừa sai Pháp bắt đầu xây dựng Chủng viện
Thánh Giuse tại khu đất được vua Thái Lan ban cấp. Nhà Chủng viện với hai tầng,
tầng trên bằng gỗ làm nhà nguyện, tầng dưới bằng gạch làm phòng ở cho các thừa
sai.
Xây công trình chủng viện Ayutthaya
Chủng viện Ayutthaya
Bản đồ Ayutthaya, nơi có làng Cochincinois: số 3 và vị trí chủng viện
Ayutthaya
Liên quan đến việc thành lập Hàng giáo sĩ bản xứ, văn kiện Instructions 1659 của Bộ truyền giáo viết:
“Lý do chính thúc đẩy Thánh bộ cử Chư
huynh đến các xứ ấy với chức vụ Giám mục, là để Chư huynh, bằng mọi phương thức
có thể, lo đảm trách việc giáo dục thanh niên, giúp họ đủ khả năng nhận lãnh chức
linh mục. Chư huynh sẽ phong chức cho họ và cử họ đi khắp miền rộng lớn ấy, mỗi
người làm việc trong quốc gia của mình; ở đó họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa
nhờ Chư huynh ân cần chăm sóc. Vậy Chư huynh hãy luôn đặt trước mắt mục đích
này là tuỳ sức có thể, hãy làm thế nào để đưa dẫn được nhiều người và là những
tâm hồn có nhiều khả năng đạt đến chức thánh, đào tạo và huấn luyện họ, rồi
truyền chức linh mục khi họ đã sẵn sàng”[54].
Đức Thánh cha Alexandre VII, qua Tông sắc Super Cathedram còn mở ra một ưu tiên
truyền giáo cho việc thiết lập Hàng giáo sĩ bản xứ khi cho phép: “Để cho việc phong chức linh mục cho người bản
xứ được dễ dàng hơn và để cho đạo Công giáo được thiết lập cách vững chắc hơn,
với sự chúc lành của Thiên Chúa, với uy tín và nội dung của sắc lệnh này, Ta
cho phép và ban quyền cho Hiền huynh, với tư cách là Đại diện Tông tòa, chỉ
trong vòng bảy năm, được miễn trừ cho các giáo sĩ nói trên trong Giáo phận của
Hiền huynh không cần phải hiểu biết tiếng Latinh, miễn là họ phải biết đọc tiếng
Latinh và hiểu biết những giải thích theo Giáo luật về Thánh lễ và về các nghi
thức đổi với việc cử hành các Bí tích trong Giáo hội. Trong những điều kiện
trên, những giáo sĩ địa phương sẽ có thể được tiến chức vào mọi chức thánh, kể
cả chức Giám mục.”[55]
Đồng thời, Huấn thị 1659 cũng viết: “Trong
sổ những người mà Chư huynh đã truyền chức linh mục, sẽ có những người xứng
đáng được đề cử lên chức Giám mục. Tuyệt đối cấm ngặt Chư huynh không được ban
chức cao trọng đó cho một người nào, nhưng hãy báo cáo cho Thánh bộ biết rõ
danh tánh, đức độ, tuổi tác của họ, cũng như những chi tiết cần thiết khác như:
nơi chốn Chư huynh có thể tấn phong Giám mục cho họ, Giáo phận Chư huynh có thể
trao cho họ cai quản và nhiều vấn đề khác, sẽ được bàn tới sau này”[56].
Ngoài ra, Bộ truyền giáo còn chỉ thị cho các Giám mục Đại diện Tông tòa lo
mở trường để trau dồi văn hóa cho người địa phương và khi nói về công tác đào tạo
linh mục, Huấn thị viết: “Nếu trong các
trường đó, Chư huynh gặp thấy có những thanh thiếu niên tốt lành, đạo đức, nhiệt
thành và muốn được tận hiến, có khả năng theo học văn chương và có triển vọng sổng
ơn gọi linh mục, Chư huynh hãy nuôi dưỡng lòng nhiệt thành của họ, hãy làm thế
nào để họ có thể tiếp tục học tập và không bị lôi cuốn ngả theo đường khác. Sau
khi họ đã tiến bộ tốt về văn học lẫn đạo đức, Chư huynh có thể cho họ gia nhập
Hàng giáo sĩ, rồi đến thời gian thích hợp, hãy thử thách họ qua nhiều cuộc tĩnh
tâm, dò xét ý hướng cũng như ơn gọi đối với đời sống linh mục của họ, rồi sẽ
truyền chức thánh cho họ. Sau đó, sẽ cử họ đi rao giảng Tin mừng của Chúa Kitô
cho đồng bào của họ”.
Với những chỉ thị nêu trên, Chủng viện Ayutthaya đã được xây
dựng năm 1667 và khi chưa kịp đào tạo ứng sinh linh mục, như cha Alexandre de
Rhodes đã giới thiệu với Bộ truyền giáo trước kia: “đã có sẵn khoảng 100 thầy giảng (Les catéchistes) thuộc Hội Thầy giảng
mà tôi đã thành lập cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, họ có khả năng để được chọn
làm linh mục vì “họ rất xứng đáng với chức linh mục cả về đạo đức lẫn tài trí”.
Tại Đàng Trong, “cha Hainques hăng say hoạt
động dọc theo miền duyên hải từ Quảng Trị xuống Tuy Hòa, rất kết quả. Cha dạy
thần học cho hai thầy giảng Giuse Trang và Luca Bền. Năm 1667, cha gởi hai thầy
sang Ayutthaya để được phong linh mục”[57].
Do đó, ngày 31.03.1668, Đức cha Lambert đã phong chức linh mục cho thầy Giuse
Trang, 28 tuổi, vị linh mục tiên khởi người Việt Nam thuộc Đàng Trong. Sau đó,
thầy Luca Bền, người Đàng Trong cũng được Đức cha Lambert phong chức linh mục
năm 1669[58].
Ngày 24.02.1668, từ Đàng Ngoài, cha François Deydier đã gởi
hai thầy giảng Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ đến Ayutthaya và ngày 08.06.1668 Đức
cha Lambert đã phong chức linh mục cho hai thầy giảng này[59].
Đầu năm 1673, ngài truyền chức cho vị linh mục thứ ba người Đàng Trong là thầy
Manuel Bổn.
Tại Đàng Ngoài, cha François Deydier đã quy tụ các thầy giảng
và Chủng viện đầu tiên của Giáo hội Việt Nam được tổ chức trong khoang thuyền của
các thầy giảng. Con thuyền lênh đênh trên sông nước, cha Deydier và các thầy có
thể dễ dàng lẩn tránh sự dòm ngó của các quan chức địa phương, đồng thời ngài
có thể đi thăm các họ đạo và lo huấn luyện các thầy, để sau đó, gởi họ sang
Ayutthaya để tiếp tục theo học tại Chủng viện và được Đức cha Lambert phong chức
linh mục[60].
Trong chuyến đi kinh lý tại Đàng Ngoài (1669-1670), Đức cha
Lambert đã phong chức linh mục cho 7 thầy giảng là: Martin Mat, Antoine Van
Hoc, Philippe Nhum, Simon Kien, Jacques Van Chu và Vite Tri[61].
Đây là lễ truyền chức đầu tiên trên đất Việt Nam và đặc biệt là được cử hành
trong một khoang thuyền neo lênh đênh bên bờ sông cái ở Phố Hiến
Và khi đi kinh lý tại Đàng Trong lần thứ hai (1675-1676),
ngày 21.03.1676, Đức cha Lambert đã truyền chức linh mục cho thầy Louis Đoan
(68 tuổi), một nhà nho lỗi lạc người Đàng Trong. Ngày 18.07.1677, tại
Ayutthaya, Đức cha Lambert đã phong chức linh mục cho hai thầy giảng người Đàng
Ngoài: thầy Philiphê Trà và thầy Đôminicô Hảo. Đây là hai linh mục Việt Nam cuối
cùng được nhận chức thánh từ tay Đức cha Lambert. Như vậy, trong cuộc đời truyền
giáo, với vai trò là Giám mục, theo định hướng và mục đích của Tòa thánh, Đức
cha Pierre Lambert de la Motte là ông tổ thiết lập Hàng giáo sĩ bản xứ Việt
Nam, ngài đã truyền chức cho 15 linh mục Việt Nam, gồm 11 người Đàng Ngoài và 4
vị Đàng Trong. Sau khi giải quyết vấn đề cấp bách là thiết lập Hàng giáo sĩ bản
xứ cho Giáo hội Việt Nam, Đức cha Pierre Lambert cùng với các thừa sai, các
linh mục bản xứ và các thầy giảng đã tổ chức hai Công nghị trên đất Việt Nam để
tổ chức Giáo hội với các giáo đoàn cách quy củ, có hệ thống chặt chẽ, nhằm phát
triển cách bền vững, nhất là để có thể đương đầu với những khó khăn, thử thách
còn tiếp diễn sau này. Đặc biệt, để đặt ra những nguyên tắc nền tảng nhằm hướng
dẫn cho các hoạt động truyền giáo[63].
Công nghị tại Phố Hiến thuộc Đàng Ngoài ngày 14.02.1670. Đây
là lần đầu tiên hệ thống tổ chức Giáo hội Việt Nam được quy định thành luật với
33 điều khoản. Công nghị này chính thức nhận Thánh Giuse là Bổn mạng của Giáo hội
Việt Nam. Kết quả của Công nghị này được Đức thánh cha Clemente X phê chuẩn
ngày 23.12.1673 bởi sắc lệnh Apostolatus
Officium[64].
Công nghị Phố Hiến nhấn mạnh đến các điểm mục vụ quan trọng như: Đào tạo Hàng
Giáo sĩ bản xứ; lập Dòng Mến Thánh Giá tại Phố Hiến ngày 19.02.1670; những quy
định về vai trò, trách nhiệm các Thừa sai, các Linh mục bản xứ; tổ chức Địa phận,
tổ chức các xứ đạo, tổ chức Nhà Đức Chúa Trời và thiết lập quỹ bác ái giúp người
nghèo.v.v.[65]
Công nghị Đàng Trong tại Faifo - Hội An 15.01.1672. Công nghị
cho ra đời bản nội quy với 10 điều khoản, chính yếu dựa trên văn bản luật của
Công nghị tại Hội An, Đàng Ngoài, nhưng có một vài thay đổi cho phù hợp tình
hình Giáo phận Đàng Trong, hai khoản đầu có nói đến quyền của vị Giám mục Đại
diện Tông tòa[66]. Đức cha Lambert cũng thành
lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong tại An Chỉ vào tháng 12.1671.
Qua các Công nghị Ayutthaya 1664, Phố Hiến 1670 và Faifo - Hội
An 1672, Đức cha Lambert de la Motte và các thừa sai đã đặt nền tảng vững chắc
cho các hoạt động truyền giáo tại Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là cho việc
đào tạo Hàng Giáo sĩ bản xứ. Các ngài đã đưa ra một chương trình hoạt động,
chia giáo xứ và ấn định việc đào tạo chủng sinh qua tổ chức nhà Đức Chúa Trời.
Với tổ chức này, từ nay, mỗi giáo xứ ổn định thường có một “Tiểu chủng viện” để
ươm trồng ơn gọi. Những người có khả năng sẽ được chọn gởi lên Trường Latinh và
Trường Lý Đoán để được đào tạo thành linh mục, hoặc vào Trường Kẻ Giảng để trở
thành thầy giảng. Chính nhờ đó, Giáo hội Việt Nam không thiếu linh mục, kể cả
trong những giai đoạn bách hại đẫm máu, khi các thừa sai bị trục xuất.
Không kể các Chủng viện miền tại Ayutthaya-Thái Lan (1665),
Pondichery-Ấn Độ (1769-1782), rồi Penang-Malaysia (1807), đã có biết bao linh mục
xuất thân từ các Chủng viện trên đất Việt như:
+ Miền Nam tại Hà Tiên (1776), rồi Tân Triều-Biên Hòa
(1778), Mỹ Tho (1783) và Lái Thiêu (1789-1832)...
+ Miền Trung tại Thợ Đúc-Huế (1739-1750), rồi Bình Định- Quy
Nhơn với chủng viện ở Dinh Cát (1782), Hòa Ninh (1784), và An Ninh (1801-1820).
+ Miền Bắc có Chủng viện Nghệ An (1685), Kẻ Lô (1697), Kiên
Lao (1683), Kẻ Đốc-Bắc Ninh (1684), Lục Thủy-Bùi Chu (1686) và Kẻ Bùi (1773).
Trong quá trình phát triển, khi mỗi Giáo phận mới được thành
lập, lại đi kèm với Chủng viện mới. Vài con số thống kê sau đây cho thấy bước
phát triển của Hàng Giáo sĩ Việt Nam qua các giai đoạn: năm 1700: 43 linh mục;
năm 1800: 119 linh mục; năm 1900: 385 linh mục; năm 1933: 1.158 linh mục; năm
1963: 2.018 linh mục (393 linh mục dòng)[67].
Sự phát triển này thể hiện rõ nét hơn qua dấu ấn thành lập Hàng Giáo phẩm Việt
Nam ngày 24.11.1960. Và cho đến hiện tại, tính đến ngày 31.12.2021, theo Thống
kê gởi cho Tòa thánh, Giáo hội Việt Nam có 27 Giáo phận; 48 giám mục; 7056 linh
mục gồm: 4948 linh mục triều và 1817 linh mục Dòng; số chủng sinh: 4626; số
giáo dân: 7.294.713 tín hữu / 101.138.028 dân[68].
III. THIẾT LẬP HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM
Tiến trình thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam diễn ra trong
dòng thời gian khá dài, sau 300 năm (1659-1960) từ khi thành lập Giáo hội Việt
Nam và việc Đức Thánh cha Alexandre VII bổ nhiệm hai Giám mục tiên khởi cho
Giáo hội Việt Nam. Tiến trình này qua nhiều sự kiện và những yếu tố khá phức tạp
trong dòng lịch sử truyền giáo tại Việt Nam nói riêng và tại các vùng truyền
giáo trên thế giới nói chung. Tuy nhiên, cho dù phải mất đến 300 năm, vị Giám mục
tiên khởi người Việt Nam mới được tấn phong: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá
Tòng, ngày 11.06.1933 và sự kiện thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam ngày
24.11.1960, nhưng có thể nói rằng, công trình ấy đã được Đức cha Pierre Lambert
de la Motte đặt nền từ ban sơ của lịch sử Giáo hội Việt Nam. Trong tập tài liệu:
Vie de Mgr La Motte Lambert, Evêque de
Béryte, cha Jacques-Charles de Brisacier đã viết về Đức cha Pierre Lambert
de la Motte như sau: “Được rửa tội với
tên thánh Phêrô. Dường như Thiên Chúa quan phòng đã muốn dùng điềm báo tốt lành
đó, để nhấn mạnh việc sau này, khi Tòa thánh gởi các vị Đại diện Tông tòa đến
truyền giáo ở Trung Quốc và các xứ lân cận. Đức cha Lambert de La Mottte sẽ là
nền móng cho Hàng Giáo phẩm của các Giáo hội mới mẻ đó. Chính ngài sẽ làm cho
các dân tộc nhìn nhận và tôn kính quyền bính của Thánh Phêrô”[69].
Trong phần này, trước hết, chúng ta sẽ nêu rõ định hướng rất
rõ ràng của Tòa thánh ngay từ buổi ban đầu của việc thành lập Giáo hội Việt
Nam. Từ định hướng ấy, chúng ta tạm phân chia bối cảnh lịch sử của tiến trình
thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam qua hai giai đoạn chuẩn bị: Xa - Gần, trong
đó, chúng ta sẽ thấy việc thi hành những chỉ thị của Tòa thánh qua những dự án
tấn phong Giám mục Việt Nam, đặc biệt, chúng ta sẽ nhận ra gương mặt của Vị ứng
viên Giám mục Việt Nam đầu tiên: cha Giuse Phước (1659-1732); Chúng ta cũng sẽ
đề cập đến những can thiệp và những hoạt động của các Vị Giáo hoàng, của Thánh
bộ Truyền giáo qua những văn kiện và những hoạt động cụ thể, để dẫn đến sự kiện
thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam năm 1960.
1. Bối cảnh chuẩn bị xa cho việc thành lập
Hàng Giáo phẩm
1.1. Định
hướng ban đầu của Tòa thánh
Để xây dựng một Giáo hội địa phương bền vững, mục tiêu đầu
tiên của Tòa thánh là tạo lập Hàng Giáo sĩ bản xứ, nhằm từng bước trao chức vụ
Giám mục cho các linh mục người bản xứ và tiến tới việc thành lập Hàng Giáo phẩm
địa phương. Đối với Giáo hội Việt Nam, định hướng này được thể hiện rõ nét qua
cuộc vận động của cha Alexandre de Rhodes tại Rôma từ năm 1645-1654. Cha Đắc Lộ
đã xin Tòa thánh gởi các giám mục đến Đàng Trong và Đàng Ngoài, với mục đích
chính yếu, là phong chức linh mục cho người bản xứ Việt Nam, cụ thể với các ứng
viên thuộc Hội Thầy giảng mà cha Đắc Lộ đã thành lập trước đó[70].
Do đó, khi chính thức thành lập Giáo hội Việt Nam và bổ nhiệm
hai Giám mục tiên khởi cho Giáo hội Việt Nam qua Tông sắc Super Cathedram của Đức thánh cha Alexandre VII, ngày 09.09.1659,
cũng như qua Huấn thị 1659 (Instructions
1659) của Bộ truyền giáo, ngoài mục đích thiết lập Hàng giáo sĩ bản xứ, Đức
thánh cha và Tòa thánh đã cho thấy rất rõ ý định không chỉ tạo lập Hàng Giáo
sĩ, mà còn nhắm tấn phong Giám mục cho các linh mục Việt Nam. Huấn thị 1659 viết:
“Trong sổ những người mà Chư huynh đã
truyền chức linh mục, sẽ có những người xứng đáng được đề cử lên chức Giám mục.
Tuyệt đối cấm ngặt Chư huynh không được ban chức cao trọng đó cho một người
nào, nhưng hãy báo cáo cho Thánh Bộ biết rõ danh tánh, đức độ, tuổi tác của họ,
cũng như những chi tiết cần thiết khác như: nơi chon Chư huynh có thể tấn phong
Giám mục cho họ, Giáo phận Chư huynh có thể trao cho họ cai quản và nhiều vấn đề
khác, sẽ được bàn tới sau này”[71].
1.2. Dự
án đầu tiên cho việc bổ nhiệm Giám mục Việt Nam
Trước hết, với Đức cha François Pallu. Sau khi nhận sứ vụ
Giám mục Đại diện Tông tòa Giáo phận Đàng Ngoài, trong cuộc hành trình đến Giáo
phận mới, Đức cha Pallu đã soạn thảo tập tài liệu mang tên: “Góp thêm vào bản
Huấn thị” (Additions aux Instructions)[72], gởi cho các thừa sai tại
vùng Á Đông, trong đó có đoạn viết: “Chúng
ta phải giáo dục và chuẩn bị cho việc gia nhập Hàng Giáo sĩ và chức linh mục, tất
cả những ai chúng ta xét là có khả năng; Chúng ta phải tạo lập Hàng Giáo sĩ địa
phương và tùy theo sự tự do mà chúng ta có được, họ thi hành tất cả các chức
năng tông đồ”[73].
Năm 1678, tại Rôma, Đức cha Pallu đã đệ trình lên Đức thánh
cha Innôcentê XI (1676-1689) và Thánh bộ truyền giáo một dự án đề cử những giám
mục bản xứ. Ngài khẳng định: “Nếu tính cả các linh mục lại vào số những linh mục
bản xứ, thì có thể tìm được những ứng viên xứng đáng lãnh nhận chức Giám mục”[74]. Ngài cũng chỉ cho thấy những
lợi ích của việc bổ nhiệm các Giám mục bản xứ: “Trước hết, các Giám mục người địa
phương có thể đi lại dễ dàng trong xứ sở của mình, họ dễ dàng đến được với các
cộng đoàn tín hữu để ban phát các Bí tích, nhất là Bí tích Thêm sức, nhờ đó, niềm
tin của các tín hữu sẽ được củng cố; đàng khác, các thầy giảng sẽ được khích lệ
để chu toàn bổn phận và họ cũng được khuyến khích để dấn thân trong ơn gọi dâng
hiến; Hơn nữa, người bản xứ sẽ thấy sự quý trọng mà Giáo hội làm đối với người
đồng hương của họ. Do vậy, đạo Công giáo sẽ được họ đón nhận cách dễ dàng hơn;
Cuối cùng, các vua chúa và quan lại địa phương sẽ không còn ngờ vực các thừa
sai nước ngoài có ý đồ xâm lược đất nước của họ.”[75]
Tuy nhiên, Đức cha Pallu chỉ đề nghị các Giám mục Việt Nam: “Được tấn phong với chức năng là Giám mục hiệu
tòa, họ làm việc trong những vùng đất được Giám mục Đại diện Tông tòa phân định
và họ buộc phải tuân phục quyền của vị Đại diện Tông tòa[76]. Nhưng quan điểm của
Tòa thánh muốn rằng, các Giám mục địa phương sẽ được tấn phong phải là “những Giám mục bản xứ với “năng quyền” bình
thường, nghĩa là: “những Giám mục (có năng quyền) thực thụ tại một Tòa Giám mục
địa phương, với những trách nhiệm hoàn toàn riêng biệt của một Giáo phận mới,
được thành lập bởi Tòa thánh, là những Đại diện Tông tòa, ngang quyền với những
Đại diện Tông tòa người châu Âu”[77].
1.3.
Cha Giuse Phước, ứng viên Giám mục Việt Nam đầu tiên
Ngày 20.05.1686, Tòa thánh yêu cầu Đức cha François Deydier
chọn lựa một linh mục bản xứ làm Giám mục phó cho ngài với quyền kế vị: “Episcopo Ascalonensi detur facultas
eligendi sibi in coadjutorem inter sacerdotes nationales quem prae caeteris
optimum existimaverit”.[78] Năm 1687, Tòa thánh tiếp tục
thúc bách hai Đức cha François Deydier (tên Việt là Điển) và Jacques de Bourges
(tên Việt là Gia)[79] giới thiệu những ứng viên
Giám mục Việt Nam[80]. Chính với định
hướng của Tòa thánh như thế, ngay từ cuối thế kỷ 17, đã xuất hiện gương mặt vị ứng
viên Giám mục Việt Nam đầu tiên, cha Giuse Phước.
Là linh mục bản xứ thuộc nhóm các linh mục đầu tiên của Giáo
phận Đàng Ngoài. Sinh năm 1659 tại Thanh Hóa. Thầy Giuse Phước được gởi sang
Thái Lan, được đào tạo tại Chủng viện Ayutthaya. “Là một chủng sinh xuất sắc của
Thánh bộ và là hương vị ngọt ngào của Chúa Kitô. Thầy khá thông thạo về thần học”[81], được Đức cha Louis Laneau,
là Giám đốc chủng viện Ayutthaya hết lời khen ngợi và chính ngài đã phong chức
linh mục cho thầy Giuse Phước tại Ayutthaya vào năm 1689. Sau đó, cha Giuse Phước
trở lại Đàng Ngoài, phục vụ tại Thanh Hóa năm 1703, Nghệ An năm 1706. Trong cuộc
bách hại đạo Công giáo lúc bấy giờ, ngài bị bắt vào tháng 04.1717. Bị kết án tù
chung thân ngày 21.05.1717 và chết rũ tù ngày 10.02.1732, hưởng thọ 73 tuổi[82].
Năm 1691, chính Đức cha Louis Laneau đề cử cha Giuse Phước
lên Đức thánh cha Innôcentê XII (1691-1700) và Thánh bộ Truyền giáo như ứng
viên Giám mục Việt Nam đầu tiên, để xin tấn phong cho ngài. Tuy nhiên, nhiều
khó khăn do bởi ý kiến trái chiều và tế nhị của một số thừa sai châu Âu lúc bấy
giờ[83], do đó, đề nghị tấn phong
Giám mục cho cha Giuse Phước bị tranh cãi và kéo dài đến năm 1709 mà không đạt
được kết quả. Kể từ thời điểm này, dự án Giám mục cho người Việt Nam không còn
được nhắc tới, mãi cho đến thế kỷ XX khi Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng
được Đức thánh cha Piô XI tấn phong Giám mục ngày 11.06.1933 tại Đền Thánh
Phêrô.
1.4. Những
can thiệp của Tòa thánh
Mặc dù dự án Giám mục cho người Việt Nam không còn được nhắc
đến trong một thời gian dài, nhưng Tòa thánh vẫn theo đuổi định hướng này cách
xuyên suốt khởi đi từ lúc thành lập Giáo hội Việt Nam. Nhiều văn kiện của các
Giáo hoàng, của Bộ Truyền giáo đã mạnh mẽ can thiệp và thúc đẩy việc tạo lập
Hàng Giáo sĩ địa phương cho công cuộc truyền giáo và cho mục đích tấn phong
Giám mục cho người bản xứ để tiến tới thành lập Hàng Giáo phẩm, đưa Giáo hội tại
các vùng truyền giáo đạt đến tuổi trưởng thành thực thụ. Trong phần này, chúng
tôi chọn ba văn kiện tiêu biểu của các Giáo hoàng và của Thánh bộ Truyền giáo
như sau:
a/ Huấn thị Neminem profecto[84]
Một trăm tám mươi lăm năm (185) sau khi Huấn thị 1659 được
trao cho hai Giám mục đầu tiên, Bộ Truyền giáo cho ra đời Huấn thị Neminem profecto vào năm 1845, qua đó, Bộ
này đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tạo lập Hàng Giáo sĩ địa phương tại
các xứ truyền giáo.
Huấn thị Neminem
profecto nhắc lại lời của Huấn thị năm 1659 như sau : “Vào năm 1659, Đức
Giáo hoàng Alexandre VII đã yêu cầu Bộ Truyền giáo gởi những chỉ thị cho các Đại
diện Tông tòa trước khi họ đi đến các xứ Đàng Trong, Đàng Ngoài và Trung Hoa rằng:
“Lý do chính khi gửi các Giám mục đến những
miền trên là để các Giám mục Đại diện Tông tòa này, cổ gắng bằng tất cả mọi hoạt
động và mọi phương tiện, lo giáo dục các thanh niên người bản xứ, để họ có khả
năng thi hành chức vụ linh mục; họ sẽ được chính các ngài phong chức và sai đến
những vùng đất trong xứ sở bao la đó, để cộng tác vào công trình Kitô giáo, dưới
sự điều khiển của các Giám mục Đại diện Tông tòa”.
Neminemprofecto
cũng nhắc lại ý hướng ban đầu của Tòa thánh, được xác định trong Huấn thị 1659
rằng: “Theo ước nguyện lâu đời của Tòa thánh, các giáo sĩ địa phương phải trở
nên những người tự đảm trách tất cả các nhiệm vụ, điều hành mọi hoạt động và
sau đó cũng được nhận phẩm chức Giám mục”.
Đức Thánh cha Bênêđictô XV
Ngày 31.11.1919, Đức Thánh cha Bênêđictô XV ban hành Tông
thư Maximum Illud, trong đó ngài đặc
biệt nhấn mạnh đến việc phải thiết lập Hàng Giáo sĩ bản xứ, bằng những lời lẽ
khá đanh thép: “Linh mục bản xứ là người
có khả năng tuyệt vời để hội nhập chân lý vào các tâm hồn (acclimater la vérité
dans les âmes). Các thừa sai nước ngoài không được sử dụng họ duy nhất vào những
công tác thấp hèn như trợ tá cho các thừa sai ngoại quốc, nhưng phải liệu sao
cho họ có thể đích thân điều khiển các tín hữu của họ. Nhiều dân tộc đã văn
minh tiến bộ, đã có được những người tài giỏi trong mọi lãnh vực, chẳng lẽ họ
không có được các linh mục và Giám mục để tự điều hành Giáo hội địa phương của
họ hay sao?[86]”
Đức Bênêđictô XV cũng khiển trách nặng lời một số thừa sai như sau: “Thật đáng thương khi thấy những vị thừa sai
không hiểu phẩm chức của mình tới độ, đã lo lắng đặt quê hương trần thế của họ
lên trên cả quê hương Nước trời. Họ công khai và nhiệt tâm lo việc phát triển
thế lực, danh tiếng và vinh quang đất nước họ, trên mọi lợi ích khác. Những
thái độ này đối với việc tông đồ, như một bệnh dịch ghê tởm (comme une peste
affreuse).[87]”
Ngài còn viết: “Sẽ là tai hoạ nếu người của
Tòa thánh đem sức mình ra để thúc đẩy và củng cổ uy tín của mảnh đất quê hương
mà người đó đã bỏ lại phía sau, điều đó sẽ dễ dàng dẫn đến quan điểm cho rằng
Công giáo là tôn giáo của người ngoại quốc, người cải đạo sang Công giáo là người
không còn trung thành với dân tộc của mình, là người phục tùng đòi hỏi và sự thống
trị của quyền lực ngoại bang”. Bức Tông thư cũng phê phán sự phân biệt giai
cấp, chủng tộc của Giáo hội tại các miền truyền giáo lúc bấy giờ: “Những kẻ coi người bản địa là chủng tộc hạ
đẳng hay người có trí tuệ thấp kém là đã phạm sai lầm nghiêm trọng”.
c/ Thông điệp Rerum Ecclesiae[88]
Ngày 28.02.1926, Đức thánh cha Piô XI đã công bố Thông điệp Rerum Ecclesiae, qua Thông điệp này, vấn
đề Hàng Giáo sĩ địa phương được nhấn mạnh cách đặc biệt. Ngài xác định rõ: “[...] phải có Hàng Giáo sĩ địa phương để tự
đảm trách Giáo hội của họ”. Ngài loan báo: “đã đến lúc, Giáo hội địa phương phải tự đảm nhận sứ vụ truyền bá Phúc
âm”.
Qua Thông điệp này, Đức Piô XI đã lấy lại tư tưởng, định hướng
và ngay cả từ ngữ của Tông thư Maximum
Illud của Đức Bênêđictô XV. Ngỏ lời với các Giám mục Đại diện Tông tòa, những
người có trách nhiệm tại các xứ truyền giáo, Đức Piô XI nói: “Trước hết, Ta nhắc lại với quý chư huynh về
ích lợi lớn lao của việc thiết lập Hàng Giáo sĩ địa phương. Nếu quý Chư huynh
không làm hết sức mình cho công việc này, thì không những Ta coi như sứ vụ tông
đồ của quý Chư huynh chưa được chu toàn cách đầy đủ, nhưng quý Chư huynh còn
làm chậm trễ hơn nữa tiến trình thành lập và tổ chức Giáo hội tại các xứ truyền
giáo này”[89].
Như một nhà tiên tri của thời cuộc, Đức Piô XI đưa ra những tiên báo và lý luận
rất sâu sắc như sau: “Quý Chư huynh hãy
giả thiết rằng, sau một cuộc chiến tranh hay sau những biến cố chính trị, một
vùng đất truyền giáo nào đó được thay đổi chính quyền. Khi ấy, nhà cầm quyền
yêu cầu hoặc ra lệnh cho các thừa sai nước ngoài phải ra khỏi xứ sở của họ...
Khi ấy, thật là một thảm họa lớn cho Giáo hội, nếu như tại đó không có sẵn một
Hàng Giáo sĩ người bản xứ.[90]”.
Một cách mạnh mẽ và thẳng thắn, Đức Piô XI đã lên tiếng: “Quý Chư huynh tuyệt đối không thể tiếp tục
giam hãm các linh mục địa phương trong tình trạng như những thuộc cấp của mình,
chỉ với những thừa tác vụ thấp kém. Quả thật, các vị ấy có cùng một chức linh mục
như tất cả Chư huynh và cùng tham dự vào sứ vụ tông đồ hoàn toàn giống như những
giáo sĩ Âu châu khác”. “[...] Kinh nghiệm lâu dài minh chứng rằng: người dân ở
các khu vực phương Đông và phương Nam xa xôi thường không thấp kém hơn chúng
ta, họ có thể đứng ngang hàng với chúng ta, ngay cả trong lĩnh vực trí tuệ
Đức Thánh Cha Piô XI
Thêm vào đó, Đức Thánh cha Piô XII, trong Thông điệp Evangelii Praecones, ngày 02.06.1951
cũng đã minh định rõ ràng: “Giáo hội được
phép thành lập Hàng Giáo phẩm tại các địa phương nếu cần thiết. Đây là một
phương thức được chấp thuận trong hiện tại... ”[92][93]
Với ba văn kiện nêu trên, đặc biệt, với Tông thư Maximum Illud và Thông điệp Rerum Ecclesiae, Tòa thánh đã lên tiếng
và can thiệp mạnh mẽ cho sự phát triển của Hàng Giáo sĩ và việc thiết lập Hàng
Giáo phẩm tại các địa phương, trong đó có Việt Nam. Xét về nhiều mặt, các văn
kiện Maximum Illud và Rerum Ecclesiae chính là đỉnh điểm của một
loạt những cuộc cải cách tại các xứ truyền giáo. Qua Tông thư Maximum Illud và Thông điệp Rerum Ecclesiae, Tòa thánh không chỉ phê
phán những ràng buộc mang tính chính trị, chủ nghĩa quốc gia và những định kiến
về mặt chủng tộc tại các xứ truyền giáo, mà còn công nhận rằng: thay đổi trong
Giáo hội Công giáo bên ngoài châu Âu là tất yếu, bởi vì đến một ngày nào đó chế
độ thực dân và chiếm giữ thuộc địa sẽ phải sụp đổ. Thấy trước tình hình chính
trị xã hội của thế giới, hai vị Giáo hoàng Bênêđictô XV và Piô XI đã đưa ra những
dự kiến, các ngài còn lên kế hoạch để chống đỡ cho sự suy tàn của Giáo hội Công
giáo do “các thế lực” nắm giữ trong những hoàn cảnh mới. Đức Piô XI khẳng định:
“[...] người ngoài Châu Âu sẽ không còn bị
hạn chế trong các chức vụ tư tế, và trong một thời gian ngắn sắp tới, họ sẽ trở
thành những Giám mục đứng đầu Giáo hội tại các quốc gia của họ”[94].
Tinh thần cải cách qua các văn kiện trên đây như một luồng gió mới, đang thổi
vào thế giới Công giáo, đặc biệt tại các xứ truyền giáo; đó còn như là sự thể
hiện trước và như là nguồn cội tư tưởng và định chế của Công đồng Vatican II.
Thật vậy, qua Sắc lệnh “Ad Gentes”
Công đồng Vatican II đã xác quyết: “Xuất
phát từ Lời Thiên Chúa, các Giáo hội địa phương phải được phát triển trong cả
thế giới, tự mình thụ hưởng những tài năng riêng biệt và mức độ trưởng thành của
mình, họ phải có phẩm trật riêng, họp cùng dân tộc trung kiên của họ, phải có
những phương tiện tương xứng với tài năng, và cần thiết cho việc khuếch trương
một đời sổng công giáo hoàn bị”[95].
2. Bước chuẩn bị gần cho việc thiết lập Hàng
Giáo phẩm Việt Nam
Theo định hướng ban đầu, qua những chỉ thị, những tiếng nói
can thiệp mạnh mẽ về mặt lý thuyết với các văn kiện, khi thời điểm đã chín mùi,
Tòa thánh nhận thấy cần có những hoạt động cụ thể để thực hiện cuộc cải cách Giáo
hội tại các xứ truyền giáo, nhắm đến việc bổ nhiệm, trao quyền điều hành Giáo hội
cho các Giám mục bản xứ và tiến tới việc thiết lập Hàng Giáo phẩm địa phương. Tại
Việt Nam, bước đi đầu tiên của Tòa thánh là thiết lập Tòa Khâm sứ với vị đại diện
thường trực của Đức Giáo hoàng và của Tòa thánh, để giám sát và điều hành mọi
hoạt động của Giáo hội theo định hướng chung.
2.1.
Thiết lập Tòa Khâm sứ miền Đông Dương
Trải qua dòng lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, đã vài lần
Tòa thánh gởi các vị Khâm sai đi kinh lược các cơ sở tại Việt Nam, để nắm bắt
tình hình truyền giáo hoặc để giải quyết những khó khăn phát sinh trong công cuộc
truyền giáo[96]. Ngày 07.05.1737, Tòa thánh
đã bổ nhiệm Đức cha Le Beaume, Giám mục hiệu tòa Halicarnasse làm Khâm sai, đi
kinh lược Giáo phận Đàng Trong từ năm 1739-1740[97].
Ngày 26.11.1744, Đức thánh cha Bênêđictô XIV chỉ định Đức cha Hilario Costa di
Jesu[98], đi kinh lược Giáo phận
Đàng Trong, Cuộc kinh lý bắt đầu từ ngày 19.06.1747 đến 13.07.1747.
Năm 1922, Đức Piô XI đã chỉ định Đức cha Henry Lécroart[99], làm Khâm sai đi kinh lược
từ ngày 04.11.1922 đến 30.06.1923, để rà soát tình hình các giáo phận tại Đông
Dương, đặc biệt về cách tổ chức và chương trình đào tạo tại các Chủng viện,
cách riêng tại Việt Nam. Đỉnh cao của chuyến kinh lý là hai cuộc Hội nghị các
Giám mục: Đàng Ngoài, tại Phát Diệm với sự hiện diện của 11 Giám mục, từ ngày
04 đến 09.02.1923.
Cuộc họp các Giám mục Đàng Ngoài tại Phát Diệm dịp chuyến kinh lược của
Đức cha Lécroart, Đặc sứ Tòa Thánh từ ngày 4-9.02.1923.
Hàng 1: (từ trái sang phải) Đc. Bigollet - Ruiz de Azua - Gendreau - LÉCROART - Marcou - Munagorri - Cothonay
Hàng 2: Truxler - Ramond - Eloy - Gordalizza - de Cooman
Ở Đàng Trong, tại Sài Gòn với sự hiện diện của 7 Giám mục
vào ngày 20.06.1923 dưới sự chủ tọa của Đức Khâm sai Henry Lécroart. Những vấn đề lớn được đặt ra tại hai cuộc hội nghị, trong đó đáng quan tâm là: việc thiết lập Tòa Khâm sứ Miền Đông Dương; Thành lập Hội đồng Giám mục Đông Dương; Vấn đề đào tạo Hàng Giáo sĩ bản xứ và sự bình đẳng giữa các giáo sĩ Âu – Á
Cuộc kinh lý đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Giáo hội tại
Đông dương như: dự án thiết lập Tòa Khâm sứ tại Đông Dương; Vấn đề bình đẳng
giáo sĩ... Hội nghị các Giám mục đã tuyên bố: “Không thể chấp nhận sự trổi vượt về chủng tộc giữa các giáo sĩ. Phải có
sự bình đẳng giữa các linh mục Tây phương và Bản xứ, bởi vì, khi lãnh nhận chức
linh mục, không ai lãnh nhận nhiều hơn ai”[101]. Tuyên bố này
chính là bước hiện thực hóa chỉ thị của Đức Piô XI qua Thông điệp Rerum Ecclesiae: “Quý Chư huynh tuyệt đối
không thể tiếp tục giam hãm các linh mục địa phương trong tình trạng như những
thuộc cấp của mình, với những tác vụ thấp kém. Quả thật, các vị ấy có cùng một
chức linh mục như tất cả Chư huynh và cùng tham dự vào sứ vụ tông đồ hoàn toàn
giống như những giáo sĩ Âu châu khác”[102]. Với khuynh hướng
chuyển đổi Giáo hội Việt Nam từ một “Giáo hội truyền giáo” - có phần Tây hóa
ngay cả tên gọi của các Giáo phận - sang một “Giáo hội dân tộc”, Đức Khâm sai
Henry Lécroart đã báo cáo với đề nghị Bộ Truyền giáo đổi tên các Giáo phận Đông
Dương theo tên của thành phố có Tòa Giám mục. Đề nghị này được tán thành và Bộ
Truyền giáo, với sự chuẩn y của Đức Piô XI, đã ban hành Sắc lệnh đổi tên các Địa
phận Miền Đông Dương ngày 03.12.1924[103].
Sắc lệnh Đổi Tên Các Địa Phận Miền Đông Dương
Các Giám mục miền Đông
Dương trong Hội nghị dưới quyền chủ toạ của Đức cha Henri Lecroart, Giám quản
tông Tòa Đông Nam, và Thanh tra Tòa Thánh tại Đông Dương, đã xin Bộ Truyền Giáo
đổi tên các địa phận của miền, để từ nay, các địa phận sẽ lấy tên các thành phố
có Tòa Giám Mục, thay vì lấy tên theo miền dân sự. Các viên chức cao cấp của Bộ
Truyền giáo, sau khi suy nghĩ đắn đo, đã xét nên chấp thuận lời yêu cầu của các
vị Giám mục Đông Dương, trong phiên họp ngày 30.6.1924. Do đó:
- Địa phận Đông Đàng
Ngoài sẽ gọi là Địa phận Hải Phòng (Bắc kỳ).
- Địa phận Bắc Đàng
Ngoài sẽ gọi là Địa phận Bắc Ninh (Bắc Kỳ)
- Địa phận Trung Đàng
Ngoài sẽ gọi là Địa phận Bùi Chu (Bắc kỳ)
- Địa phận Tây Đàng
Ngoài sẽ gọi là Địa phận Hà Nội (Bắc kỳ)
- Địa phận Duyên hải
Đàng Ngoài sẽ gọi là Địa phận Phát Diệm (Bắc kỳ)
- Địa phận Nam Đàng
Ngoài sẽ gọi là Địa phận Vinh (Bắc kỳ)
- Địa phận Bắc Đàng
Trong sẽ gọi là Địa phận Huế (Trung kỳ)
- Địa phận Đông Đàng
Trong sẽ gọi là Địa phận Quy Nhơn (Trung kỳ)
- Địa phận Tây Đàng
Trong sẽ gọi là Địa phận Sài Gòn (Nam kỳ)
- Địa phận Cao Miên sẽ
gọi là Địa phận Nam Vang (Cao Miên)
- Địa phận Xiêm La sẽ
gọi là Địa phận Bangkok (Xiêm La)
- Tên các Địa phận của
Lào, Cao Bằng, và Lạng Sơn vẫn giữ y nguyên không thay đổi.
Đức Thánh Cha Piô XI,
trong buổi triều yết ngày 14.7.1924 đã chuẩn y và ban bố Sắc lệnh này.
Làm tại Rôma, Bộ Truyền
giáo
Ngày lễ thánh
Phanxicô Xavier, 03.12.1924
Ký tên và Đóng dấu
Hồng y G.M. Van
Rossum,
Bộ trưởng
Tổng Giám mục F. Marchetti-Selvagiani,
Thư ký
Với các hoạt động của Đức Khâm sai Henry Lécroart cùng với sự
vận động của một số nhân vật có thế giá trong Giáo hội và xã hội Việt Nam như:
Quan Thượng thư Giuse Nguyễn Hữu Bài, một tín hữu Công giáo nhiệt thành[104], ngày 20.05.1925, Đức
thánh cha Piô XI, “vị Giáo hoàng của các xứ truyền giáo”, đã ban hành Tông sắc Ex Officio Supremo, công bố việc thiết lập
Tòa Khâm sứ Đông Dương (Delegatio
Apostolica Indosinensis), trụ sở đặt tại Việt Nam bao gồm các vùng đất: Việt
Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Chủng viện Pénang ở Malaysia.
Sắc lệnh thành lập Tòa Khâm sứ Đông Dương của Đức Giáo hoàng Piô XI
Do nhiệm vụ Tông đồ
toi cao mà Thiên Chúa đã giao phó cho Ta, Ta đã suy nghĩ nhiều về việc quản trị
một cách tốt đẹp hơn những công việc thánh thiện, nhất là trong những miền đất
rất xa xôi đổi với trung tâm Công giáo chúng ta (Roma). Suy nghĩ như thế, nên
Ta ước mong sứ vụ truyền giáo được phát triển thêm tại vùng đất Đông Dương
(Indosinensis regio)[105].
Ta đã bàn tính với các Hồng y lãnh đạo của Thánh bộ Truyền giáo và vừa rồi đã
có một cuộc thăm viếng có tính cách Tông tòa trong những miền đất này. Do cuộc
thăm viếng này, Ta thấy rằng những nhu cầu thiêng liêng của sứ vụ truyền giáo
này thật là đặc biệt, nên cần phải có một sự góp ý rộng rãi.
Vì vậy, cho dầu cuộc
thăm viếng nói trên cho biết nhiều nhu cầu thiêng liêng, việc thăm dò ý kiến
luôn tiếp tục. Để danh xưng Kitô giáo được loan báo cách tường tận trong sứ vụ
truyền giáo rất phức tạp và khó khăn này, và được ghi khắc sâu đậm vào thế hệ
tương lai, sau khi xin ý kiến các Hồng y lãnh đạo của Thánh bộ Truyền giáo, Ta
nghĩ rằng đây là thời gian thích hợp để thành lập một Tòa Khâm sứ Tòa thánh
trong những vùng đất này. Bởi thế, cho Danh Thiên Chúa cả sáng và cho phần rỗi
của dân chúng Kitô giáo, do Tự sắc (Motu proprio), do sự hiểu biết và suy nghĩ
cẩn thận. và dựa trên thẩm quyền Tông đồ mà Thiên Chúa ban cho Ta, Ta quyết định
thành lập trên những vùng đất nói trên một Tòa Khâm sứ Tòa thánh mang tên Tòa
Khâm sứ Tòa thánh Đông Dương (Apostolica Delagatio Indosinensis); đồng thời, để
điều hành Tòa Khâm sứ này, Ta cũng đề cử một Đức Khâm sứ Tòa thánh, có cương vị
Giám mục. Ta quy định trong Tông thư này, và mong muốn nội dung của nó luôn được
vững bền, hợp pháp, hiệu nghiệm và mang lại những kết quả đầy đủ và trọn vẹn. Đồng
thời Ta cũng mong muốn rằng những ai mà Tông thư này có liên quan đến hay đã có
thể có liên quan đến, đều chấp hành Tông thư này cách rộng rãi, giờ đây và
trong tương lai; nếu sau này có điều gì xảy ra trái nghịch với Tông thư này, do
bất cứ ai hay bất cứ thẩm quyền nào một cách ý thức hay vô thức, thì theo
nguyên tắc, được xác định và vô giá trị. Tông thư này luôn có giá trị, không
quy chế và phẩm trật Tông tòa nào khác hay những điều gì khác có thể đi trái
nghịch với Tông thư này.
Làm tại Đền thờ Thánh
Phêrô, với Ấn Ngư phủ, ngày 20.5.1925, năm thứ 4, triều đại Giáo hoàng của Ta
Hồng y P. GASPARRI
Ngày 25.05.1925, Đức Piô XI bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Celse
Constatino Ayuti làm Khâm sứ thường trực đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam.
Tính từ thời điểm năm 1925 đến 1975, đã có 9 vị Khâm sứ của Tòa thánh làm việc
tại Việt Nam, mỗi vị có một sứ mạng đặc biệt tùy từng giai đoạn lịch sử của
Giáo hội và xã hội Việt Nam[106]. Khởi đầu, Tòa Khâm sứ được
thiết lập, đặt tại Huế.
Tòa Khâm sứ Đông Dương tại Phủ Cam – Huế
Tòa Khâm sứ đầu tiên được xây dựng tại Phủ Cam, bên cạnh triều
đình Huế vào năm 1925 với Đức Khâm sứ Celse Constantino Ajuti (1925-1928).
Đức Khâm sứ Celse Constantino Ayuti dịp tấn phong Giám mục Đức cha
Isodore Dumortier - Giám mục Đại diện Tông tòa Sài Gòn ngày 25.3.1926.
Hàng 1: (Từ trái) Đc. Bouchut - Allys - Dumortier - AYUTI - Grangeon -Perros - Gouin
Hàng 2: Sidot - Delignon - E. Hay
Đức Khâm sứ Victor Colombanus Dreyer - Hình giữa (1929-1936)
Đức Khâm sứ Victor Colombanus Dreyer tại Sài Gòn
Đức Khâm sứ Victor Colombanus Dreyer tại Chủng viện Làng Sông
(1936-1950)
Đức Khâm sứ Victor Colombanus Dreyer tại Chủng viện Làng Sông dịp lễ tấn
phong Giám mục Augustin Marie Tardieu
Đức Khâm sứ Victor Colombanus Dreyer dịp tấn phong Giám mục Gustave Georges
Vandale, tại Nhà thờ Chính tòa Hưng Hóa ngày 8.12.1936.
Đức Khâm sứ Antonin-Fernand Drapier. OP
Đức Khâm sứ John Dooley
Năm 1951, Tòa Khâm sứ dời ra Hà Nội và năm 1959 (Đức Khâm sứ
John Dooley); Sài Gòn với 5 vị: Giuseppe Caprio (1954-1959), Mario Brini
(1959-1961), Salvatore Asta (1962-1964), Angelo Palmas (1964-1969), Henry
Lemaĩtre (1969-1975)[107]. Các vị Khâm sứ đã góp phần
rất lớn cho việc phát triển của Giáo hội Việt Nam, cho việc xây dựng Hàng giáo
sĩ vững mạnh, việc tấn phong Giám mục Việt Nam và cho việc thiết lập Hàng Giáo
phẩm Việt Nam.
Đức Khâm sứ Mario Brini
Đức Khâm sứ Salvatore Asta thăm viếng tại Phú Lâm-Sài Gòn ngày
14.7.1963
2.2 Các
Giám mục Việt Nam tiên khởi[108]
Với định hướng chung của Tòa thánh cho các xứ truyền giáo,
những cuộc tấn phong giám mục cho Hàng Giáo sĩ bản xứ vào đầu thế kỷ XX này được
thực hiện liên tiếp. Trước khi được bổ nhiệm làm Khâm sứ tiên khởi tại Việt
Nam, Đức khâm sứ Celse Constantino Ajuti đã là Khâm sứ tại Trung Hoa. Với hoạt
động đắc lực của ngài, ngày 28.10.1926, sáu Giám mục của Giáo hội Trung Quốc được
Đức Piô XI tấn phong tại Rôma. Tại Việt Nam, rất nhanh chóng, sau 8 năm từ khi
thiết lập Tòa khâm sứ, vị Giám mục tiên khởi người Việt Nam được chọn và được Đức
thánh cha Piô XI tấn phong tại Đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, ngày 11.06.1933.
Ngày 11.6.1933, tại Đền thờ Thánh Phêrô
ĐGH Piô XI tấn phong Giám mục cho Đức cha G.B. Nguyễn Bá Tòng
cùng với 3 Giám mục Trung Hoa và 1 Giám mục Ấn Độ
(Đức cha G.B Tòng, người thứ hai tính từ Đức Giáo hoàng sang bên phải)
Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng
Liên tiếp sau đó: Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1935), Đức cha
Phêrô Ngô Đình Thục (1938), Đức cha Gioan Phan Đình Phùng (1940), Đức cha Tađêô
Lê Hữu Từ (1945).
Kể từ năm 1933, với Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng,
Tòa thánh đã từng bước chuẩn bị nhân sự Giám mục bản xứ đủ cho việc điều hành
Giáo hội Việt Nam. Tính đến thời điểm năm 1959, Giáo hội Việt Nam đã có 13 Giám
mục bản xứ và trong số 17 Giáo phận Việt Nam lúc bấy giờ, 10 Giáo phận được cai
quản bởi các Giám mục Việt Nam: Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng - Đa Minh Hồ Ngọc
Cẩn - Phêrô Ngô Đình Thục - Gioan Phan Đình Phùng - Tađêô Lê Hữu Từ - Đa Minh
Hoàng Văn Đoàn - Phêrô Phạm Ngọc Chi - Giuse Maria Trịnh Như Khuê - Giuse
Trương Cao Đại - Gioan Bt. Trần Hữu Đức - Phêrô Khuất Văn Tạo - Simon Hòa Nguyễn
Văn Hiền - Phaolô Nguyễn Văn Bình. Vào thời điểm này, Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục
đã được bầu làm niên trưởng Giám mục. Khi chính thức thành lập Hàng Giáo phẩm
ngày 24.11.1960, ngài là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và khi ấy, trong số
20 Giáo phận Việt Nam, có 18 Giáo phận được trao quyền điều hành cho các Giám mục
Việt Nam[109].
3. Thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam
Cho đến thời điểm giữa thế kỷ XX, trải qua dòng lịch sử 300
năm từ khi Giáo hội Việt Nam được thành lập với hai vị Giám mục tiên khởi, nhờ
công sức của các Thừa sai, sự quan tâm đặc biệt của Tòa thánh, nhất là với sự
khởi đầu và đặt nền móng kiên vững cho Tòa nhà Giáo hội Việt Nam qua việc thiết
lập Hàng giáo sĩ bản xứ và Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Trên nền tảng ấy, Giáo hội
Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ và như trong dịp lễ tấn phong
cho vị Giám mục người Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá
Tòng, trong cuộc tiếp kiến sau Đại lễ tấn phong ngày 11.06.1933, Đức Thánh cha
Piô XI đã nói: “Giáo hội Annam là con đầu lòng của Giáo hội tại Đông Dương”. Khởi
đi từ dấu mốc năm 1933 này, nhiều Giáo phận tại Việt Nam được thành lập và được
trao quyền điều hành cho các Giám mục Việt Nam; Tòa Khâm sứ miền Đông Dương đặt
trụ sở tại Việt Nam; nhiều hoạt động lớn được tổ chức như Công nghị miền Đông
Dương được tổ chức tại Hà Nội năm 1934[110].
Đặc biệt, một sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành đủ của Giáo hội Việt
Nam, cách riêng của Hàng giáo sĩ và Hàng Giáo phẩm Việt Nam, để như “dấu ấn”
Tòa thánh xác nhận, “đóng ấn” vào Tông sắc thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
đó là sự kiện Đại hội Thánh Mẫu năm 1959 tại Sài Gòn[111].
Năm 1959, vào dịp bế mạc Năm Thánh Mẫu quốc tế, kỷ niệm Bách
chu niên Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức (1858-1958) và mừng 300 năm thành lập Giáo hội
Việt Nam, các Giám mục quyết định tổ chức Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc từ ngày
15.2 đến ngày 18.2.1959. Đây là sự kiện đặc biệt đối với Giáo hội Việt Nam,
cách riêng cho việc thành lập Hàng Giáo phẩm.
Đại hội là sự thể hiện những nỗ lực, sự chủ động, trưởng
thành của các Giám mục, linh mục và giáo dân Việt Nam trong việc lãnh đạo, tổ
chức và điều hành. Lúc này, Đại hội hoàn toàn do các Giám mục, linh mục và giáo
dân Việt Nam đảm trách. Thành phần ban tổ chức với hai Giám mục Việt Nam đồng
Chủ tịch là: Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Sài Gòn và Đức cha
Tađêô Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm, Giám đốc Trung tâm Công giáo. Các Phó chủ
tịch gồm: Đức cha Giuse Trương Cao Đại, cha Giuse Phạm Văn Thiên, cha sở Nhà thờ
Đức Bà Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Huyền, Chủ tịch Công giáo Tiến hành Việt Nam,
ông Mai Văn Hàm, Phó chủ tịch Công giáo Tiến hành Việt Nam. Ngoài hai Tiểu ban
có một số thành viên là Giám mục như ban Bảo trợ và ban Cố vấn. Các ban khác đều
do linh mục và giáo dân Việt Nam đảm nhiệm.
Thánh lễ khai mạc Đại hội lúc 17g00 ngày 15.02.1959 do Đức
cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền chủ sự. Tất cả những diễn văn chào mừng Đức Hồng
y Đặc sứ Agagianian cũng do Đức cha Simon Hiền và cha Giuse Nguyễn Văn Thiên đại
diện phát biểu.
Đại hội Thánh Mẫu diễn ra thật long trọng từ Chúa nhật
15.02.1959 đến thứ Tư 18.02.1959 với sự chủ tọa của Đức Hồng y đặc sứ Gregorio
Pietro Agagianian, ngài thay mặt cho Đức thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Khách mời
quốc tế tham dự Đại hội với 20 Giám chức gồm: các Đức Tổng Giám mục, Giám mục,
các vị Khâm sứ tại Á Đông, các chức sắc thuộc các Giáo hội và các tôn giáo bạn[112]. Qua diễn tiến của Đại hội,
với những cuộc thăm viếng mục vụ tại Sài Gòn và các Giáo phận, Đức Hồng y đặc sứ
Agagianian đã chứng kiến một sức sống mãnh liệt trong lòng Giáo hội Việt Nam.
Qua những thông điệp, những diễn văn phát biểu trong Đại hội và qua những điện
văn báo cáo về Tòa thánh và những bức điện tín sau khi đã rời Việt Nam về lại
Rôma, Đức Hồng y đặc sứ đã hết lời khen ngợi Giáo hội Việt Nam, khen ngợi Hàng
giáo sĩ, đặc biệt các Giám mục Việt Nam. Cũng cần nói thêm rằng, khi đến Việt
Nam chủ tọa Đại hội Thánh Mẫu năm 1959, Đức Hồng y Gregorio Pietro Agagianian
đang là quyền Bộ trưởng Bộ truyền giáo. Năm 1960, khi thành lập Hàng Giáo phẩm
Việt Nam, ngài đã được Đức Gioan XXIII bổ nhiệm làm Bộ trưởng chính thức. Do
đó, cùng với Đức Gioan XXIII, Đức Hồng y Agagianian đóng một vai trò quan trọng
trong việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam và dĩ nhiên, chuyến kinh lý của
ngài trong dịp Đại hội Thánh Mẫu năm 1959 để lại trong ký ức ngài những dư âm
và nét đẹp về một Giáo hội trưởng thành, tràn đầy sức sống, để với sự kiện thiết
lập Hàng Giáo phẩm, Tòa thánh như đóng ấn xác nhận và đưa Giáo hội Việt Nam bước
vào một giai đoạn mới: giai đoạn trưởng thành của dòng lịch sử Giáo hội Việt
Nam.
Với diễn tiến lịch sử vừa nêu trên, khởi đi sự kiện thành lập
Giáo hội Việt Nam với hai giám mục tiên khởi được Tòa thánh bổ nhiệm: Đức cha
François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, những khởi đầu với nền móng đã được
thiết đặt do bởi Đức Alexandre VII, Bộ truyền giáo, cách trực tiếp với Đức cha
Lambert de la Motte, ông tổ của Hàng giáo sĩ bản xứ Việt Nam, giờ đây, điều kiện
cần và đủ để từ Hàng giáo sĩ ấy, việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam được
minh định. Quả vậy, thời gian đã chín mùi, với Tông sắc Venerabilium Nostrorum, ngày 24.11.1960, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII
đã quyết định thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam.
Tông sắc Venerabilium Nostrorum ngày 24.11.1960 của Đức Giáo hoàng
Gioan XXIII về việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam[113]
GIOAN GIÁM MỤC, tôi tớ
của các tôi tớ Thiên Chúa,
để muôn đời ghi nhớ
Chư huynh đáng kính,
là Hồng y Giáo hội Rôma, phụ trách tại Thánh bộ Truyền giáo. Sau khi tham khảo
ý kiến Hiền huynh MARIO BRINI Khâm sứ Tòa thánh tại Đông Dương, đã nghĩ đến việc
thiết lập Hàng Giáo phẩm tại Việt Nam là phù hợp và đem lại lợi ích lớn lao cho
Giáo hội. Ta đây rất đồng ý, sau khi suy xét cẩn thận và qua việc tham khảo ý
kiến của những người liên hệ, Ta lấy quyền Tông tòa mà quyết định và truyền thi
hành như sau: Tại Việt Nam sẽ thành lập ba Giáo tỉnh, tức là:
Giáo tỉnh Hà Nội gồm: Tổng
Giám mục Hà Nội, tới nay chỉ là Đại diện Tông tòa, với nhà thờ Chính tòa danh
hiệu Thánh Giuse, và thêm những Giám tòa thuộc hạt từ nay cũng hết là Đại diện
Tông tòa, để trở nên Giáo phận Chính tòa, tức là:
Lạng Sơn với nhà thờ
Chính tòa danh hiệu thánh Đa Minh Hiển tu; Hải Phòng và Bắc Ninh với hai nhà thờ
Chính tòa danh hiệu Nữ Vương rất thánh Mân côi; Hưng Hóa với nhà thờ Chính tòa
danh hiệu Đức Mẹ hồn xác lên trời; Thái Bình với nhà thờ Chính tòa danh hiệu
Thánh Tâm Chúa Giêsu; Bùi Chu với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Nữ Vương rất
thánh Mân côi; Phát Diệm với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Nữ Vương rất thánh Mân
côi; Thanh Hóa với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội; Vinh
với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời.
Giáo tỉnh Huế gồm: Tổng
Giám mục Huế, trước đây chỉ là Đại diện Tông tòa, với nhà thờ Chính tòa Danh hiệu
Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ, và thêm các Giám tòa thuộc hạt đã được trở thành Địa
phận Chính tòa: Qui Nhơn với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời; Nha
Trang với nhà thờ Chính tòa Chúa Giêsu Vua; KonTum với nhà thờ Chính tòa danh
hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Sau cùng, Giáo tỉnh Sài Gòn gồm: Tổng Giám mục
Sài Gòn, trước đây chỉ là Đại diện Tông tòa, với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức
Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, và thêm các Địa phận thuộc hạt trước kia chỉ là Đại diện
Tông tòa, tức là: Vĩnh Long với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Bà Thánh Anna Thân
Mẫu Đức Bà Maria; Cần Thơ với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Và các Địa phận mới được
thành lập: Đà Lạt với nhà thờ Chính tòa danh hiệu thánh Nicola Bari; Mỹ Tho với
nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội; Long Xuyên với nhà thờ
Chính tòa sắp được xây dựng.
Ta cũng truyền cho các
Giáo phận Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Huế, đến nay vẫn
do Hội Thừa Sai Paris và Dòng Đa Minh điều hành, và các Địa phận mới Đà Lạt, Mỹ
Tho, Long Xuyên, tất cả các Giáo phận kể trên từ nay sẽ trao cho Giáo sĩ Triều
Việt Nam quản nhiệm. Ta cũng ban cho các Giáo phận vừa nói và các Giáo phận
khác đã kể trên, cho các nhà thờ Chính tòa cũng như các Giám mục chính tòa được
mọi quyền lợi, danh dự, đặc ân thích ứng. Đổi với các Giám mục chính tòa, Ta
còn đặt thêm trọng trách và nhiệm vụ. Tất cả các Giáo phận trên đây sẽ tiếp tục
trực thuộc Thánh bộ Truyền giáo, còn các Giám mục lãnh đạo thì ta bổ nhiệm như
sau:
- Thân huynh đáng kính
Giuse Maria Trịnh Như Khuê, trước đây là Đại diện Tông tòa với hiệu tòa
Synaitana, từ nay là Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội.
- Thân huynh đáng kính
Vicentê Phạm Văn Dụ, Giám quản Lạng Sơn với hiệu tòa Bosetana từ nay là Giám mục
Chính tòa Giáo phận Lạng Sơn.
- Thân huynh đáng kính
Phêrô Khuất Văn Tạo, Giám quản Hải Phòng với hiệu tòa Caralliensi từ nay là
Giám mục Chính tòa Giáo phận Hải Phòng, kiêm Giám quản Giáo phận Bắc Ninh.
- Thân huynh đáng kính
Phêrô Nguyễn Huy Quang, Giám quản Hưng Hóa với hiệu tòa Claudiopolitana xứ
Isauria, từ nay là Giám mục Chính tòa Giáo phận Hưng Hóa.
- Thân huynh đáng kính
Đaminh Đinh Đức Trụ, Giám quản Thái Bình với hiệu tòa Cataquensi, từ nay Giám mục
Chính tòa Giáo phận Thái Bình.
- Thân huynh đáng kính
Giuse Phạm Năng Tĩnh, Giám quản Bùi Chu với hiệu tòa Bernicensi, từ nay là Giám
mục Chính tòa Giáo phận Bùi Chu.
- Thân huynh đáng kính
Phaolô Bùi Chu Tạo, Giám quản Phát Diệm với hiệu tòa Numida, từ nay là Giám mục
Chính tòa Giáo phận Phát Diệm.
- Thân huynh đáng kính
Phêrô Phạm Tần, Giám quản Thanh Hóa với hiệu tòa Justiniapoli bên Galatia, từ
nay làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Thanh Hóa.
- Thân huynh đáng kính
Gioan Baotixita Trần Hữu Đức, Đại diện Tông tòa ở Vinh với hiệu tòa Niciotana,
từ nay là Giám mục Chính tòa Giáo phận Vinh.
- Thân huynh đáng kính
Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, Đại diện Tông tòa tại Vĩnh Long với hiệu tòa
Saesinensi, từ nay là Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế.
- Thân huynh đáng kính
Phêrô Phạm Ngọc Chi, Đại diện Tông tòa tại Bùi Chu và Giám quản Tông tòa ở Qui
Nhơn với hiệu tòa Sozopolitana bên Haemimonto, từ nay là Giám mục Chính tòa
Giáo phận Qui nhơn.
- Thân huynh đáng kính
Marcel Piquet, Đại diện Tông tòa tại Nha Trang với hiệu tòa Erizê, từ nay là
Giám mục Chính tòa Giáo phận Nha Trang.
- Thân huynh đáng kính
Paul Seitz, Đại diện Tông tòa tại Kontum với hiệu tòa Catulensi, từ nay là Giám
mục Chính tòa Giáo phận Kontum.
- Thân huynh đáng kính
Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đại diện Tông tòa tại Cần Thơ với hiệu tòa Agnusiensi,
từ nay là Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn.
- Thân huynh đáng kính
Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Đại diện Tông tòa Sài Gòn với hiệu tòa Sagalassê, từ
nay là Giám mục Chính tòa Giáo phận Đà Lạt.
Và Ta đặt các Hiền tử:
- Giuse Trần Văn Thiện
làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Mỹ Tho;
- Antôn Nguyễn Văn Thiện
làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Vĩnh Long;
- Philipphê Nguyễn Kim
Điền làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Cần Thơ;
- Micae Nguyễn Khắc Ngữ
làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Long Xuyên.
Trong các Địa phận mới
này, thuộc Giám mục Chính tòa, cũng như Tổng Giám mục Chính tòa, nếu vì hoàn cảnh
sứ vụ hay địa phương, chưa thể thành lập Kinh sĩ hội, thì phải chọn lựa và thiết
lập ban Cố vấn Giáo phận theo Giáo luật, và một khi Kinh sĩ hội được thành lập,
ban Cố vấn tức khắc chấm dứt nhiệm vụ. Các Giám mục trong trách vụ mục tử, cần
phải đặc biệt lưu tâm đến việc đào luyện thanh niên có triển vọng lên chức linh
mục: họ là mục tử tương lai của giáo dân. Ngân quỹ Giám tòa làm bởi tài sản
Giáo phận hiện có, lợi tức Giám tòa, tặng vật dân chúng tự nguyện dâng cúng và
tiền Bộ Truyền giáo trợ cấp. Việc cai quản và điều hành Giáo phận, quyền lợi
Giáo sĩ và Giáo dân, bổ nhiệm vị Đại diện Kinh sĩ hội khi trống ngôi và các việc
khác, sẽ chiếu Giáo luật để thi hành.
Tông sắc này sẽ được
niêm ấn chì và Ta truyền cho vị Khâm sứ Tòa thánh tại Đông Dương mà Ta đã nói
trên đây, phải đích thân hay ủy nhiệm người khác thi hành, miễn là người ấy có
chức vụ trong Giáo hội. Nếu trong thời gian thi hành, Vị khác sẽ nhận chức vụ
Khâm sứ Tòa thánh tại Đông Dương, thì Vị ấy sẽ thi hành mệnh lệnh của Ta. Vị
thi hành phải thận trọng lập biên bản đầy đủ khi việc đã hoàn tất và nhanh
chóng đệ lên Bộ Truyền giáo các văn kiện đã ký nhận chắc chắn. Ta quyết định,
Tông sắc này có hiệu lực ngay tức khắc và mãi về sau, do đó, tất cả những gì được
ấn định trong Tông sắc này phải được những người có liên quan tôn trọng, thực
thi và như thế là có hiệu lực. Không một luật lệ nào nghịch lại có thể ngăn cản
hiệu lực của Tông sắc này: chính Tông sắc này hủy bỏ các luật lệ ấy. Vì thế bất
kỳ ai, ở chức vị nào, hữu ý hay vô tình nghịch lại những điều Ta vừa truyền
trên đây, thì Ta luận phi và kể là vô giá trị.
Đàng khác, không ai được
phép hủy bỏ hay giả mạo Tông sắc này của Ta và nếu công bố hoặc là ấn loát hay
viết tay thì những bản đó phải được người có trách nhiệm trong Giáo hội đóng ấn
và đồng thời phải mang chữ ký của một Vị chính thức quản lý văn kiện thì mới
đáng tin cậy. Nếu ai dám khinh dể hay khước từ cách nào toàn Tông sắc này, thì
hãy biết rằng sẽ bị những hình phạt Giáo luật đã ra cho những người không tuân
lệnh các Đức Giáo hoàng.
Làm tại Roma, cạnh đền thờ Thánh
Phêrô
Ngày 24.11.1960 Năm thứ ba Triều
đại của Ta
Giáo hoàng Gioan XXIII
Ký tên
DOMINICUS Card.
TARDINI,
Quốc vụ Khanh.
GREGORIUS P. Card.
AGAGIANIAN,
Tổng Trưởng Bộ Truyền
Giáo.
Franciscus Tinello,
Nhiếp chính Chưởng ấn Tông tòa.
Franciscus A.
Ferretti,
Tổng Lục sự Tông tòa.
Albertus Serafini,
Tổng
Lục sự Tông tòa.
* Ghi tại Chưởng ấn Tông tòa, cuốn 105, (col
CV) sổ 31.
Tông sắc Venerabilium
Nostrorum trên đây là tiếng nói quyết định của Tòa thánh, công nhận sự trưởng
thành và phát triển của Giáo hội tại Việt Nam. Từ con số khoảng 200.000 tín hữu
khi Giáo hội Việt Nam được thành lập năm 1659, đến năm 1960, khi Tòa thánh thiết
lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, số các tín hữu đã lên đến 2.096.540. Từ 2 Giáo phận
Đàng Trong và Đàng Ngoài vào năm 1659, đến khi thành lập Hàng Giáo phẩm, Giáo hội
Việt Nam đã có 17 Giáo phận Tông tòa và qua Tông sắc Venerabilium Nostrorum, Tòa thánh đã thành lập thêm 3 Giáo phận mới:
Đà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên. Giáo hội Việt Nam lúc bấy giờ đã có 20 Giáo phận
Chính tòa, trong đó 18 Giáo phận được trao cho các Giám mục người Việt Nam cai
quản
Sau khi đón nhận tin vui từ Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và
Tòa thánh, niềm vui nhanh chóng lan tỏa trong toàn Giáo hội Việt Nam và trong
tâm hồn các tín hữu. Nhiều cuộc Đại lễ liên tiếp diễn ra: Thánh lễ Tạ ơn được cử
hành trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn ngày 18.12.1960 do đức Khâm
sứ Mario Brini chủ sự; Đại lễ tấn phong Giám mục ngày 22.01.1961 cho bốn đức
cha: Antôn Nguyễn Văn Thiện, Giám mục Vĩnh Long; Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Giám mục
Long Xuyên; Giuse Trần Văn Thiện, Giám mục Mỹ Tho; Philipphê Nguyễn Kim Điền,
Giám mục Cần Thơ. Ngày 02.04.1961, dịp lễ Phục sinh, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn
Bình nhận chức Tổng Giám mục Sài Gòn tại Nhà thờ Chánh tòa. Sau đó, ngày
12.04.1961, Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục nhận chức Tổng Giám mục Huế tại Nhà thờ
Chánh tòa Phủ Cam. Và nhiều cuộc đại lễ khác tiếp diễn trong lòng Giáo hội Việt
Nam vào những thời gian này.
THAY LỜI KẾT
Với tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa, lòng biết ơn đối với
các bậc tiền nhân, đặc biệt trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam đang tiến hành Hồ
sơ xin phong thánh cho hai Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam: François
Pallu và Pierre Lambert de la Motte, nhìn lại dòng lịch sử, cách đặc biệt với
diễn tiến của sự kiện thành lập Hàng giáo sĩ bản xứ và tiến tới việc thiết lập
Hàng Giáo phẩm Việt Nam, cho dù với biết bao nỗi thăng trầm, khó khăn, đôi khi
rất phức tạp và tế nhị, nhưng theo dòng thời gian ấy, ân sủng của Thiên Chúa đã
và đang không ngừng tuôn đổ trên quê hương và trên Giáo hội tại Việt Nam thân
yêu.
Chính qua tiến trình lịch sử lâu dài và nhiều khó khăn như
thế, sự kiện thành lập Hàng giáo sĩ và Hàng Giáo phẩm Việt Nam, nhờ công khó,
tinh thần trung kiên, hiệp thông, yêu mến Giáo hội của Các Tiền Nhân, đặc biệt
với Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Vị Tôi Tớ Chúa, Đấng mà chúng ta không
ngại xác định là “Ông Tổ” của Hàng giáo sĩ bản xứ để từ đó, thành quả lớn lao mà
Thiên Chúa và Tòa thánh ban tặng cho Giáo hội tại Việt Nam, đó là Hàng Giáo phẩm
Việt Nam ngày càng trở nên kiên vững, để từ 2 Giáo phận và 2 Giám mục ban đầu,
đến nay, chúng ta có được 27 Giáo phận, 48 Giám mục; 7.056 linh mục; 4.626 chủng
sinh và 7.294.713 tín hữu.
Trong bầu khí của Thượng Hội đồng Giám mục hiện nay, chúng
ta nhận ra tính “Hiệp hành” của Giáo hội Việt Nam từ khởi sự cho đến hiện tại,
tinh thần “hiệp hành” đã và đang được kiện toàn qua dòng lịch sử, giữa mọi
thành phần Dân Chúa, từ các Giám mục tiên khởi, các thừa sai, các Giám mục và
linh mục bản xứ Việt Nam, các tín hữu Công giáo cùng với đất nước và dân tộc Việt
Nam. Như Tông thư Maximum Illud, Đức
Giáo hoàng Bênêđictô XV viết: “Làm sao một
dân tộc có thể cảm nhận cách đầy đủ rằng, Giáo hội hoàn toàn thuộc về họ, chứ không
phải là một tổ chức ngoại lai, nếu Giáo hội chỉ có thể điều khiển do một Hàng
Giáo phẩm bên ngoài vào? Hơn nữa, mục đích của công cuộc truyền giáo sẽ không đạt
được, nếu không thiết lập Hàng Giáo phẩm địa phương”[114].
Trong Sứ điệp Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II gởi các Giám mục Việt Nam,
ngày 24.11.1985, dịp mừng Ngân khánh kỷ niệm thành lập Hàng Giáo phẩm
(1960-1985), ngài viết: “Quyết nghị thiết
lập ba Giáo tỉnh: một ở miền Bắc, một ở miền Trung và một ở miền Nam với ba Tòa
Tổng Giám mục Hà Nội, Huế và Sài Gòn, bao gồm 20 Giáo phận mới, quả là một dấu
chỉ hiển nhiên nói lên niềm cảm quý mà Đức cổ Giáo hoàng Gioan XXIII ca ngợi
lòng nhiệt thành và những đức tính đặc biệt của hàng Giám mục và Giáo sĩ Việt
Nam, cũng như nói lên sự xác tín của ngài trước công lao mục vụ tại địa phương
đã tới mức trưởng thành”. “Lịch sử là quá khứ, nhưng là bài học cho hiện tại
và hướng mở đến tương lai”. Những bài học lịch sử, những gương mẫu của các thừa
sai, đặc biệt của hai vị Giám mục tiên khởi: François Pallu và Pierre Lambert
de la Motte vẫn luôn là gương mẫu, là sự khích lệ, là hướng đi cho tinh thần
“Hiệp hành”, cho công cuộc đào tạo Hàng giáo sĩ và kiện toàn hơn nữa Hàng Giáo
phẩm và Giáo hội Việt Nam hôm nay.
Có lẽ sẽ không thừa khi nhắc lại đoạn trích trong tác phẩm Vie de Mgr La Motte Lambert, Evêque de
Béryte, cha Jacques-Charles de Brisacier đã viết về Đức cha Pierre Lambert
de la Motte: “Được rửa tội với tên thánh
Phêrô. Dường như Thiên Chúa quan phòng đã muốn dùng điềm báo tốt lành đó, để nhấn
mạnh việc sau này, khi Tòa thánh gởi các vị Đại diện Tông tòa đến truyền giáo ở
Trung Quốc và các xứ lân cận. Đức cha De La Mottte sẽ là nền móng cho Hàng Giáo
phẩm của các Giáo hội mới mẻ đó. Chính ngài sẽ làm cho các dân tộc nhìn nhận và
tôn kính quyền bính của thánh Phêrô”[115].
Quả thật, trong Sứ điệp
ngày 14.01.1961 gởi Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
viết: “Từ nay hầu hết các địa phận ở Việt
Nam sẽ do các Giám mục bản quốc quản trị. Sự kiện đó minh chứng một cách hùng hồn
sự trưởng thành và khả năng của Hàng giáo sĩ bản xứ nay đã đông đúc và được huấn
luyện đầy đủ. Sự kiện đó còn minh chứng rằng: những Huấn dụ, những Chỉ thị do
các Vị Giáo hoàng La Mã ban bổ qua các Thông điệp Truyền giáo đã có hiệu quả dồi
dào, và đã được khắp nơi tuân theo một cách trung thành; nhất là trong những
năm gần đây, qua các thông điệp “Maximum Illud” của Đức Bênêđictô XV, “Rerum Ecclesiae” của Đức Piô XI,
“Evangelii Praecones” và “Fidei
Donum” của Đức Piô XII, và sau cùng Thông
điệp mới nhất “Princeps Pastorum” của
Ta”[116].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
01. Tài liệu tại kho lưu trữ của Thánh bộ Truyền giáo -
Arch. Prop. S.R.C.G.
02. Tài liệu tại kho lưu trữ của Hội Thừa sai Paris - AMEP.
03. Christopho BORRI, Relation de la Nouvelle mission des
Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine, Lille, 1631.
04. Alexandre de RHODES, Voyages
et Missions, Paris 1653.
05. Alexandre de RHODES, Divers voyages et missions, Tome
II, Paris 1653.
06. A. BONIFACY, Les
débuts du christianisme en Annam. Des origines aux commencements du XVIHe
siècle, Hanoỉ, imprimerie tonkinoise, 1930.
07. L.-E. LOUVET, La Cochinchine religieuse, Tome 1 và 2,
Paris Ernest Leroux Éditeur, 1885.
08. P.-Y. MANGUIN, Les Portugais sur les côtes du Việt-Nam
et du Campa. Etudes sur les routes maritimes et les relations commerciales
d'après les sources portugaises (XVIe, XVIIe et XVIIIe siècles), Édition EFEO,
Paris 1972.
09. Joseph Nguyễn HUY LAI, La tradition religieuse,
spirituelle et sociale au Vietnam. Sa confrontation avec le christianisme,
Édition Beauchesne, Paris 1981.
10. Nguyễn HỮU TRỌNG, Le clergé national dans la fondation
de l'Église au Vietnam. Les origines du clergé vietnamien, Saigon, Nxb. Tinh
Viet, 1959.
11. G. ZUCCHELLI, Les missionnaires franciscains au Vietnam,
France, imprimerie Repro-Technic Gaillot à Grasse, 1985.
12. Romanet du CAILLAUD, Essai sur les Origines du
Christianisme au Tonkin et dans les autres pays annamites, Paris 1915.
13. Henri CHAPPOULIE, Aux origines d'une Églige romaine dans
toutes les parties du monde, Amsterdam, 1716.
14. Henri CHAPPOULIE, Aux origines d'une Église, Rome et les
Missions d'Indochine au XVIIe siècle, Paris 1943.
15. Les MEP, Les Missions étrangères trois siècles et demi
d'histoire et d'aventure en Asie, Éd. Pérrin, 2008.
16. Adrien LAUNAY, Documents historiques relatifs à la
société des Missions-Etrangères, Paris, Ed. Bloud et Gay, 1904.
17. Adrien LAUNAY, Histoire générale de la société des
Missions- Etrangères, Tome 1, 2, 3, Téqui, Libraire-Éditeur, 1894, rééditées
par les MEP 2003.
18. Adrien LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine,
Tome 1, 2, 3, Anciennes Maisons Charles Douniol et Retaux, P. Téqui successeur
1924, rééditées par les MEP 2000.
19. Adrien LAUNAY, Histoire
de la mission du Tonkin, Librairie Orientale et Américaine, Éd. Maisonneuve
frères 1927, rééditées par les MEP 2000.
20. Gilles VAN GRASDORFF, La belle histoire des Missions étrangères 1658-2008, Éd. Pérrin,
2007.
21. Jean GUENNOU, Les missions étrangères, Paris, 1963.
22. François FAUCONNET-BUZELIN, Aux sources des Missions étrangères, Pierre Lambert de la Motte,
1624-1679. Éd. Pérrin 2006.
23. Les MEP, Lettres
de Monseigneur Pallu, écrites de 1654 à 1684, Les Indes Savantes 2008.
24. Monita ad
Missionarios: Instructions aux Missionnaires de la S. Congrégation de la
Propagande, rédigée à Ayuthia (Siam) 1665 par François Pallu et Pierre
Lambert de la Motte, rééditées par les AMEP, 2000.
25. Alain FOREST, Les
missionnaires franẹais au Tonkin et au Siam, XVIIe-XVIIIe
siècles, Tome 2, Éd. L'Harmattan, 1998.
26. André MARILLIER, Nos
pères dans la foi, Notes sur le clergé catholique du Tonkin de 1666 à 1765,
Tome 1, 2, 3. Églises d'Asie, Série histoire 1995.
27. Đức Thầy Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám mục tiên
khởi Việt Nam, rút từ Nam Kỳ Địa Phận, Imprimerie de la Mission, Tân Định-Sài
Gòn 1934.
28. Trần ANH DŨNG, Hàng
Giáo phẩm Công Giáo Việt Nam 1960- 1995, Đắc Lộ Tùng Thư, 1996.
29. La Documentation
Catholique.
30. Revue d'Histoire des Missions, Tome VII-1930.
31. A. Brou, Saint Franzcois Xavier, Paris 1922.
32. Phan PHÁT HUỒN, Việt
Nam Giáo sử, quyển 1 và 2, Cứu Thế Tùng thư, Sài Gòn-Việt Nam 1958, 1962.
33. Nguyên HỒNG, Lịch
sử truyền giáo tại Việt Nam, tài liệu in Ronéo.
34. Lê NGỌC BÍCH, Giám
mục người nước ngoài qua chặng đường 1659-1975 với các Giáo phận Việt Nam,
NXB Tôn Giáo 2009.
35. Tòa Giám Mục Kon Tum, Khơi Nguồn Tiến Bước, xuất bản năm 2004.
36. Lm. Aug Nguyễn Văn Trinh, Lược Sử Giáo Hội Việt Nam, ĐCV thánh Giuse, 1994.
37. Lm Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Nxb Tôn Giáo 2010.
38. Lm. Bùi Đức Sinh, OP, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, 2002.
39. Lm. Đỗ Quang Chính, SJ. Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615 - 1773.
40. Lm. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt
Nam, Nxb Tôn giáo, 2008.
41. Jacques-Charles de Brisacier, Vie de Mgr La Motte Lambert, Evêque de Béryte, P.1: Famile, École,
AMEP, Vol. 122.
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN, Số 132
(Tháng 11 & 12 năm 2022)
[1] Xem bài viết: Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha
Pierre Lambert de la Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong
thánh. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/vi-toi-to-chua-duc-cha-pierre-lambert-de-la-motte-nhung-thanh-qua-truyen-giao-va-tien-trinh-xin-phong-thanh-46112
[2] Xem bài viết: Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de la Motte, những thành quả
truyền giáo và tiến trình xin phong thánh. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/vi-toi-to-chua-duc-cha-pierre-lambert-de-la-motte-nhung-thanh-qua-truyen-giao-va-tien-trinh-xin-phong-thanh-46112
[4] Bộ Truyền giáo, Huấn thị 1659, Mục III: Tại nơi truyền
giáo - số 1. Đào tạo Hàng Giáo sĩ địa phương.
[6] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo, tháng 8.2010, tr 9-34.
[8] Bắc triều thuộc nhà Mạc, từ Thanh Hóa trở
ra, với triều đình ở Thăng Long và Nam Triều thuộc nhà Lê, từ Thanh Hóa trở vào
với triều định ở vùng Vạn Lại, nhưng quyền hành nằm trong tay của Nguyễn Kim.
[11] Lm. Đỗ Quang Chính, S.J., Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615 -1773,
trang 498: “tinh thần tu trì và công việc phục vụ các linh hồn của các thầy giảng
hơn là chú trọng tới khía cạnh pháp lý của đời tu”.
[12] Lm. Bùi Đức Sinh, OP, Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, 2002,trang
137 “một đoàn thể như một tu hội, có nội quy, có đào tạo và có lời khấn hứa”.
[13] Lm. Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo ở Việt Nam, tập 1, trang 189. “giúp giảng
đạo, giúp dạy giáo lý”.
[14] Hội Thầy giảng là tiền thân của Nhà Đức
Chúa Trời ở miền Bắc hoạt động tích cực cho đến năm 1954 với sự kiện di dân vào
Nam và kết thúc chính thức Hội Thầy giảng và dấu vết còn lại về Hội Thầy giảng
hiện nay là Tu Hội Nhà Chúa Nguyễn Duy Khang hay Tu hội Đắc Lộ tại Sài Gòn.
[16] Rhodes, Histoire du royaume du Tonkin,
trang 255-256 ; x. Lm. Bùi Đức Sinh, OP, Giáo
hội Công giáo ở Việt Nam, 2002, tr. 150.
[26] Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch Sử Thiết Lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Nxb
Tôn Giáo - Hà Nội 2010, tr. 12.
[27] X. Lm Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch Sử Thiết Lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo - Hà Nội 2010, tr. 12.
[28] Dự án và đề nghị của cha Đắc Lộ xem ra
không tưởng, không thể thực hiện. Theo lịch sử, lúc này trong Giáo hội chỉ có
năm hay bảy Tòa Thượng phụ ở những địa điểm quan trọng. Nhưng các nhà nghiên cứu
lịch sử cho rằng, mục đích cha Đắc Lộ xin thiết lập Tòa Thượng phụ ở Việt Nam
là để đưa công cuộc truyền giáo ở Việt Nam và vùng Đông Ấn (Indochine) thoát ra
khỏi quyền bảo hộ Bồ Đào Nha với Tòa Thượng phụ và Giám mục tại Goa, Macao hay
Malacca.
[29] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch Sử Thiết Lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo - Hà Nội 2010, tr. 13.
[30] Les Missions Étrangères, Trois siècles et demi d'histoire et
d'aventure en Asie, Édition Perrin, 2008, p. 9.
[31] AMEP,
vol. 247, p 45. Adrien Launay, Histoire
de la Mission de Cochinchine, Tome I, bản la ngữ, p. 9.
[32] Hai Giáo phận đầu tiên của Việt Nam được
phân chia theo địa giới chính trị xã hội do sự phân tranh giữa Chúa Trịnh ở
Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, với sông Gianh làm ranh giới. Giáo phận
Đàng Ngoài (Tonkin) cũng bao gồm 5 tỉnh miền tây nam Trung Quốc là: Vân Nam,
Quí Châu, Hồ Quảng, Quảng Tây, Tứ Xuyên và Lào ; Giáo phận Đàng Trong
(Cochinchine) gồm phần đất phía nam từ sông Gianh trở vào và vùng đất thuộc
Campuchia, cùng với các tỉnh Đông Nam Trung Quốc: Triết Giang, Phước Kiến, Quảng
Đông, Giang Tây, đảo Hải Nam và các đảo lân cận.
[33] Jean Guennou, Les missions étrangères, Paris, 1963, p. 69 ; François Fauconnet-
Buzelin, Aux sources des Missions
étrangères, Pierre Lambert de la Motte, Édition Perrin 2006, p. 72.
[35] Cha François Deydier làm Tổng Đại diện
cho giáo phận Đàng Ngoài từ 1666- 1679, rồi giám mục tiên khởi Giáo phận Đông Đàng
Ngoài từ 1679-1693.
[36] Franẹoỉs Fauconnet-Buzelin,
Aux sources des Missions étrangères,
Pierre Lambert de la Motte, p. 76.
[39] Adrien Launay lại không nhắc chi tới thừa
sai Chevreuil trong cuốn Histoire de la Mission de Siam (1662-1811), Paris,
Téqui, 1920, p. 7: “Ngài được tháp tùng bởi ba linh mục thừa sai Laneau,
Hainques và Brindeau, và bởi một giáo dân trợ tá, ông Chameson-Foisy”.
[43] Adrien Launay, Documents
historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, Paris, 1904, p.
27-35.
[46] Sđd,
p. 98. Xem Monita ad Missionarios:
Instructions aux Missionnaires de la S. Congrégation de la Propagande,
rédigée à Ayuthia (Siam) 1665 par François Pallu et Pierre Lambert de la Motte,
rééditées par les AMEP, 2000.
[49] Tên gọi này không chính xác và không đúng
theo quy định của Giáo luật liên quan đến Tu hội hay Dòng tu.
[50] Bản Nội quy của “Hội dòng Tông đồ” gồm 9
chương. Xem. AMEP, volume 169, p.
1-31. Adrien Launay, Histoire générale de
la Société des Missions Étrangères de Paris, Tome I, p. 110-113.
[55] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh
Tùng, Lịch Sử Thiết Lập Hàng Giáo phẩm Việt
Nam, Nxb Tôn Giáo - Hà Nội 2010, tr.27.
[59] Adrien Launay, Histoire de la Mission du Tonkin, p. 72. Xem. Lm. Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam, quyển
II, Nxb. Từ Điển Bách Khoa, Nxb. Hà Nội, 2009, tr. 136.
[61] Adrien Launay, Histoire de la Mission du Tonkin, p.140-141 ; Archivio Storico di Propaganda Fide, SOCP, Vol 3, p. 162r-163r.
[62] Lm. Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam, quyển II, Nxb. Từ Điển Bách Khoa,
Nxb. Hà Nội, 2009, tr. 162-163.
[63] X. Lm. Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam, quyển II, Nxb. Từ Điển Bách Khoa,
Nxb. Hà Nội, 2009, tr. 165.
[65] Hiệp hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá
và dòng nữ Mến Thánh Giá được Đức Giáo Hoàng Innôxentê XI công nhận qua sắc lệnh
“Cum Sicut” ngày 02.01.1679.
[66] Vì tại Việt Nam lúc bấy giờ đang có sự cạnh
tranh rất gay gắt giữa các thừa sai thuộc Bộ Truyền giáo và Dòng Tên thuộc Quyền
bảo hộ Bồ Đào Nha.
[68] Trích Bảng
Tổng kết Số liệu 27 Giáo phận (theo báo cáo Tòa thánh, tính đến hết ngày
31.12.2021).
[69] Jacques-Charles de Brisacier, Vie de Mgr La Motte Lambert, Evêque de
Béryte, P.1: Famile, École, AMEP,
Vol. 122.
[70] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo 2010, tr 18-26.
[71] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo 2010, tr 287.
[72] Additions
aux Instructions là tài liệu được Đức cha Pallu viết tại Ispahan (Ba tư)
trên đường đi đến Á Đông, được gởi cho các nhà truyền giáo tại Trung quốc, Đàng
Trong và Đàng Ngoài để chỉ dẫn cho những cuộc hành trình truyền giáo, những vấn
đề liên quan tại vùng đất truyền giáo, nhất là tại Đàng Ngoài. Tài liệu này
hoàn tất ngày 10.9.1662.
[74] AMEP,
vol. 204, tr. 435 ; vol. 274, tr. 56 ; Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, Tome I, p. 229-230, “Sur la
création d'évêques indigènes”.
[76] AMEP,
vol. 130, p. 285 ; vol. 249, p. 45, vol. 204, p. 435 ; vol. 274, p. 56; Adrien
Launay, Histoire de la mission du Tonkin,
p. 179 ; Adrien Launay, Histoire de la
mission de Cochinchine, Tome. I, p. 229-230.
[77] Alain Forest, Les missionnaires franẹais au Tonkin et au Siam, XVIIe-XVIIIe
siècles, Tome II, L'Harmattan, 1998, p. 168. “... des évêques titulaires d'un nouveau siège épiscopal local, responsables
à part entière d'un nouveau diocèse, créé par Rome; soit des Vicaires
apostoliques, à l'égal des Vicaires apostoliques d'origine occidentale”.
[78] AMEP,
vol. 204, p. 641 ; vol. 276, p. 388 ; Adrien Launay, Histoire de la mission du Tonkin, p. 453.
[79] Ngày 25.11.1679, Tòa thánh phân chia Giáo
phận Đàng Ngoài thành: Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) do Đức cha Jacques de
Bourges cai quản và Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) được trao cho Đức cha François
Deydier. Cả hai Đức cha De Boourges và Deydier đều là người Pháp, thuộc Hội Thừa
sai Paris (MEP).
[80] Cũng trong thời gian này, dự án Giám mục
bản xứ tại Trung Hoa được thành sự. Đức cha Lo-Wan-tsao, vị Giám mục tiên khởi
của Giáo hội Trung Hoa đã được tấn phong ngày 08.04.1685.
[81] AMEP,
vol. 854, p. 194 ; Adrien Launay, Histoire
de la mission du Tonkin, p.453 “Du projet de faire nommer évêque M. Joseph
Phuoc. Rapport de Mgr Laneau sur le Collège de Siam”.
[82] André Marillier, Nos pères dans la foi, Notes sur le clergé catholique du Tonkin de 1666
à 1765, Tome II, p. 21-22.
[83] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh
Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt
Nam, Nxb Tôn Giáo 2010, tr 51-57.
[84] Huấn
thị Neminem profecto được dịch và đăng trong báo L'Ami de la religion et du
roi, Paris, A. Le Clere, (Tờ báo đề cập đến những vấn đề về Giáo hội, về chính
trị và văn chương, phát hành ba số trong tuần), quyển 129, tháng 5.1846, tr.
301-307 và tr. 321-327.
[85] “Về việc truyền bá đức tin trong toàn thế
giới”. Bản dịch Tông thư bằng tiếng Pháp được in trong: La Documentation
Catholique, quyển 2, ngày 27.12.1919, tr. 802-807. Xem Repères pour la mission
chrétienne, Cinq siècles de tradition missionnaire. Perspectives acuméniques.
Textes réunis et introduits par Klauspeter Blaser, Nxb. Cerf/Labor et fides,
năm 2000, tr. 32-35.
[88] “Về
Sứ mệnh của Giáo hội”. Thông điệp này được dịch sang tiếng Pháp và in
trong: La Documentation Catholique, Tome XV, năm 1926, cột số 1411-1426.
[95] Vaticano II, Ad Gentes, số 6; Xem. Sứ điệp của Đức thánh Gioan-Phaolô II gởi Các
Giám mục Việt Nam, dịp mừng Ngân khánh Thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, ngày
24.11.1985.
[96] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo 2010, tr 74-79.
[98] Đức cha Costa là người Ý, thuộc dòng
Augustinô. Năm 1730, ngài đã làm Khâm sứ kinh lược ở Đàng Ngoài, sau đó được bổ
nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông tòa Đông Đàng Ngoài (1636-1754).
[99] Đức cha Henry Lécroart sinh ngày
04.11.1864 tại Lille, nước Pháp. Thuộc dòng Tên, chịu chức linh mục ngày
28.08.1897. Là nhà truyền giáo tại Trung Hoa từ năm 1901. Ngày 30.07.1917 được
bổ nhiệm làm Phó Giám Mục Đại diện Tông tòa, Hiệu tòa Anchialus. Ngày
23.12.1919, kế vị Giám mục Đại diện Tông tòa Giáo phận Tcheli thuộc khu Đông
Nam, tách lập từ Giáo phận Bắc Kinh, Trung Quốc. Ngài còn có tên Trung Hoa là
Lưu Khánh Minh (Liu Qinming). Đức cha Henry Lécroart qua đời ngày 17.08.1939.
[100] X. . Biên bản cuộc họp các Giám mục Đàng
Ngoài “Réunion des évêques du Groupe du Tonkin à Phát Diệm sous la présidence
de Monseigneur Lécroart, Visiteur Apostolique des missions d’Indochine” do vị
thư ký cuộc họp, Đức cha André Eloy, tên Việt là Bắc, Giám mục Đại diện Tông
tòa Giáo phận Vinh (1912-1946) ghi chép.
[101] Biên bản: “Réunion des évêques du Groupe
du Tonkin à Phát Diệm sous la présidence de Monseigneur Lécroart, Visiteur
Apostolique des missions d'Indochine”.
[103] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo 2010, tr 79-80.
[104] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo 2010, tr 86-88.
[106] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo 2010, tr 89-113.
[107] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo 2010, tr 83-88.
[108] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Nxb Tôn Giáo 2010, tr
113-151.
[110] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo 2010, tr 152-167.
[111] X. Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam,
Nxb Tôn Giáo 2010, tr 174-228.
[112] Hai mươi vị Giám chức gồm:
4 vị Philippines:
Đức cha Ruffino Santos, Tổng Giám mục Giáo phận Manila
Đức cha Edigio
Vagnozzi, người Ý, là Sứ thần Tòa thánh tại Philippines
Đức cha Alexandro
Alalia, Giáo phận Lipa - Đức ông Thomas Q. Avenido, Tổng Đại diện giáo phận
Dumaguete, đại diện cho Đức cha Epifanio Surban.
2 vị Malaysia: Đức
cha Michel Olcomendy, người Pháp, Tổng Giám mục Giáo phận Malacca-Singapore - Đức
cha Phanxico Chang, Giám mục Pénang.
2 vị Hàn quốc: Đức
cha Phaolo Ro, Giám mục Giáo phận Colbasa - Đức cha
Bartholomeo Kim,
Giám mục Giáo phận Chonju.
2 vị Thái Lan: Đức
cha Pierre Carreto, Giám mục Giáo phận Rajabury - Đức ông John Gordon, đại diện
cho Đức Khâm sứ tại Thái Lan và Malaysia.
2 vị Lào: Đức cha
Stephano Loosdregt, Giám mục giáo phận Vientiane - Đức cha Jean Arnaud, Giám mục
Giáo phận Thakhek.
2 vị Indonesia: Đức
cha Adriano Djajasepoetra, Giám mục giáo phận Jakarta và cha thư ký - Đức ông
Gaetano Alibrandi, Sứ thần Tòa thánh tại Indonêsia.
1 vị Trung hoa: Đức
cha Phaolo Yu-Pin, Cựu Tổng Giám mục Giáo phận Nam Kinh.
1 vị Pháp: Đức
cha Jean Rupp, Giám mục phó Paris.
1 vị Campuchia: Đức
cha Gustave Raballand, Giám mục giáo phận Nam Vang.
1 vị Hongkong: Đức
cha Loresso Bianchi, Giám mục giáo phận Hongkong.
1 vị Macao: Đức
cha Policarpo Da Costa Vaz, Giám mục giáo phận Macao và cha thư ký.
[113] Tông sắc VENERABILIUM NOSTRORUM ngày
24.11.1960 được công bố tại Việt Nam ngày 08.12.1960 và đăng trong Acta
Apostolicae Sedis năm 1961, số 7 ra ngày 01.07.1961, trang 346-350.
[114] Sylloge preacipiorum documentorum
recentium Summorum Pontificum et S.C de Prop. Fide, Urbaniana I, Roma, Typis
Polyglottis Vaticanis 1939, tr. 118.
[115] Jacques-Charles de Brisacier, Vie de Mgr La Motte Lambert, Evêque de
Béryte, P.1: Famile, École, AMEP,
Vol. 122.
[116] X. Lm Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch sử thành lập Hàng giáo phẩm Việt Nam, Nxb Tôn Giáo 2010, tr 261-266.