THÁNH GIUSE VÀ CÁC NẠN NHÂN ĐẠI DỊCH COVID-19
Xuân Giang
WGPBC (09.11.2021) - Thánh cả
Giuse được Giáo hội và toàn thể các Kitô hữu qua mọi thời đại tôn sùng như một
người công chính, một gương mẫu sáng chói về đức tin và lòng đạo đức chân chính
sâu xa. Ngài trở thành vị bảo trợ thần thế của Giáo hội Công giáo, quan thầy của
hầu hết các giới: bổn mạng các gia trưởng trong gia đình, gìn giữ người sống đời
trinh khiết, mẫu mực những người lao động...
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối diện với đại dịch
Covid-19 kinh hoàng, Thánh cả Giuse có liên hệ đặc biệt với các nạn nhân ít nhiều
chịu ảnh hưởng, đến nỗi ngài là vị Thánh chúng ta cần đến trong cơn đại dịch[1]. Ở đây, chúng ta sẽ dừng lại
chiêm ngắm Thánh cả Giuse ở ba khía cạnh: Mẫu gương của đời sống thầm lặng, đón
nhận Thánh ý Thiên Chúa trong vâng phục đức tin và quan thầy phù hộ kẻ mong
sinh thì.
Mẫu gương của đời sống
thầm lặng
Các sách Tin Mừng không ghi lại bất cứ lời nói nào của Thánh
Giuse trong suốt cuộc lữ hành đức tin. Ngài là người cha trong bóng tối[2], khiêm tốn, tận tụy phục vụ
Thánh Gia, trung thành gìn giữ Đấng Cứu Thế trong giai đoạn đầu của công trình
cứu độ[3]. Điều mà thế giới nhìn thấy
trong con người Thánh Giuse là sự im lặng. Thánh nhân đã âm thầm lắng nghe, suy
tư, ngẫm nghĩ và tìm hiểu Thánh ý Thiên Chúa trong tất cả mọi biến cố đã xảy ra
với lòng kính sợ và tin tưởng, phó thác. Như thế, Thánh Giuse có thể dạy cho
con người biết thinh lặng để thấy mình đối diện với Thiên Chúa, để chiêm ngắm
những mầu nhiệm của Chúa và để yêu mến nhiều hơn.
James Martin, SJ cho rằng mẫu gương và sự bảo trợ của Thánh
Giuse đến thật đúng lúc. Vào thời điểm mà đại dịch toàn cầu đã buộc hàng triệu
người sống trong nhà, cách ly, và cô đơn, chúng ta có thể xem Thánh Giuse như
là khuôn mẫu của đời sống thầm lặng. Và vì chắc chắn đã quen với khổ đau, nên
ta cũng có thể xem ngài là đấng bảo trợ, cầu bầu cho chúng ta vì ngài thấu hiểu
cuộc chiến đấu của chúng ta với bệnh tật.
Quả thật, cuộc đời âm thầm của Thánh Giuse thật gần gũi với
biết bao con người đang nỗ lực tìm cách vượt qua cơn đại dịch: những nhân viên
y tế ở tuyến đầu, mà những hy sinh âm thầm không được biết đến ngay cả với gia
đình của họ; những cha mẹ đơn thân không thể tâm sự cùng ai nỗi lo lắng khôn
nguôi về con cái mình; những người con có cha mẹ già sống trong nhà dưỡng lão
lo sợ vì sự lây lan của dịch bệnh giữa những cư dân cao tuổi; những người lao động
hầu như không đủ sống trước cuộc khủng hoảng kinh tế trong năm; những linh mục,
dù đã cử hành vô số đám tang cho các nạn nhân Covid và gia đình của họ, lo lắng
không thể an ủi họ như mong muốn; các nạn nhân Covid đang chết trong cô đơn,
than khóc trong thất vọng và đau khổ, tự hỏi không biết điều gì đang xảy ra[4].
Đón nhận Thánh ý
Thiên Chúa trong vâng phục đức tin
Tin Mừng xác nhận Thánh Giuse là người công chính (x. Mt
1,19). Cốt lõi của công chính theo nghĩa Thánh Kinh là nỗ lực thực thi Thánh ý
của Thiên Chúa (x. Mt 3,15). Cả cuộc đời thánh nhân đã hoàn toàn chấp nhận
buông bỏ những dự định riêng tư để cho dự tính của Thiên Chúa được thành toàn.
Rập theo đúng khuôn đức vâng phục nguyên thuỷ và cơ bản của đức tin, giống như
Mẹ Maria, Thánh cả Giuse đã tỏ ra sẵn sàng tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, mà
nhiều lần thiên thần đã loan báo cho ngài[5].
Linh mục Alfred Delp (1907-1945), tu sĩ dòng Tên, vị tử đạo
anh dũng trong chế độ diệt chủng Hitler đã phác hoạ chân dung vị dưỡng phụ Chúa
Cứu Thế một cách đúng đắn và đầy ấn tượng: “Thánh Giuse quả thực là người luôn
sẵn sàng tuân phục lên đường. Quy luật sống của thánh nhân là một người chỉ biết
phục vụ. Đối với Thánh Giuse, việc tuân hành mọi mệnh lệnh Thiên Chúa truyền dạy
là một điều tất nhiên. Tâm tình sẵn sàng tự nguyện phục vụ là bí quyết sống của
Thánh Giuse”[6]. Hơn hết, Thánh cả vui vẻ và
bình an chấp nhận cái chết như ngài đã từng quen vui tươi đón nhận mọi sự từ
bàn tay của Thiên Chúa. Chắc hẳn ngài thâm tín sâu xa rằng giờ phút Thiên Chúa
chọn lựa bao giờ cũng là giờ phút tốt nhất[7].
Thánh Giuse không đi tìm đau khổ nhưng ngài đón nhận những
thử thách trong sự vâng phục. Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ
nhưng trong và qua sự dữ, Thiên Chúa biến nó thành những gì lợi ích cho con người.
Đại dịch là một sự dữ không ai mong muốn nhưng chúng ta được mời gọi khám phá ở
đó những ơn lành của Thiên Chúa. Một cách nào đó, đại dịch cũng là cơ hội giúp
con người nhìn lại và điều chỉnh đời sống của mình. Nó dạy con người biết khiêm
tốn hơn, tập sống buông bỏ để hoàn toàn tín thác vào Chúa. Đây như một dấu chỉ
thời đại giúp nhân loại tỉnh thức và sám hối, là thời gian để có kinh nghiệm sống
nghèo, sống chậm. Thời gian chiến đấu với dịch bệnh cũng giúp con người được
giáo dục về tinh thần ý thức trách nhiệm, nhắc nhở họ về tình liên đới sẻ chia
lâu nay có vẻ nhạt nhoà, để biết thực thi lòng mến với anh chị em đồng bào, kiến
tạo một nền văn hoá quan tâm và chăm sóc...
Dẫu vậy, thật khó để nói với nạn nhân và nhất là gia đình những
người tử vong vì dịch bệnh về sự quan phòng của Thiên Chúa Tình Yêu. Tuy nhiên,
ngang qua những biến cố đau thương, mỗi người được mời gọi nhìn lên Thập giá để
cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa. Nơi đó, chúng ta có thể thắp lên niềm hy
vọng lớn lao. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người trong đau khổ, bàn tay
nhân lành của Ngài đang ân cần nâng đỡ con người. Thiên Chúa mà nhiều lúc tưởng
chừng như xa cách vắng mặt hay bất lực là một Thiên Chúa rất gần gũi để lắng
nghe những giãi bày, để chia sẻ những đớn đau với nhân loại. Quả thực, Ngài rất
dễ bị thương tích, không phải vì yếu đuối mà vì yêu thương. Thiên Chúa đã để
mình dễ bị thương tổn trước đau khổ của con người và Ngài muốn chia sẻ nỗi khốn
cùng của con người tới mức chấp nhận chết và chết trên thánh giá. Thiên Chúa chỉ
có một sự toàn năng duy nhất, đó là toàn năng trong tình yêu. Hay như Balthasar
thêm: “và là một tình yêu bị tước hết mọi vũ khí”[8].
Quan thầy phù hộ kẻ
mong sinh thì
Ngoài những ơn rất cao trọng thì Thánh Giuse còn là quan thầy
phù hộ các kẻ mong sinh thì. “Mong sinh thì” là từ cổ, chỉ khoảnh khắc tín hữu
Công giáo hấp hối, chuẩn bị đón nhận cái chết ở thế gian để bắt đầu cuộc sống
nơi Quê Trời. Đây là thời khắc mà người sắp qua đời cần hướng về việc dọn mình chết
lành[9]. Hội Thánh khuyên mọi người
hãy chuẩn bị cho giờ chết, hãy khấn xin Mẹ Maria chuyển cầu cho mình trong giờ
lâm tử và hãy phó thác cho Thánh cả Giuse, đấng là bổn mạng của ơn chết lành[10]. Kinh nghiệm thiêng liêng
cũng chỉ ra rằng giờ lâm tử là giờ chịu cám dỗ mạnh nhất. Đây là thời khắc mà
con người phải chiến đấu cam go và khốc liệt nhất.
Các sách Phúc Âm không kể lại cho biết về ngày giờ qua đời của
Thánh cả Giuse, cũng như không nói gì về cái chết của Mẹ Maria. Tuy nhiên, có
nhiều bằng chứng trong các trình thuật Tin Mừng cho ta nghĩ được là Thánh cả
Giuse đã qua đời trước khi Chúa Giêsu bắt đầu đời sống công khai. Chẳng hạn, tại
tiệc cưới Cana, Đức Giêsu và Mẹ Ngài cũng như các môn đệ đầu tiên của Ngài đều
có mặt, còn tên Thánh Giuse không hề được nhắc tới (x. Ga 2,1-12). Đặc biệt là
Tin Mừng Nhất Lãm không thấy nói đến Thánh cả ở trong đám bà con có lần đến gặp
Đức Giêsu khi Chúa khởi sự thi hành sứ mạng của Người (x. Mt 12,46; Mc 3,31; Lc
8,19). Một bằng chứng nữa là trong cơn hấp hối trên thánh giá, chắc chắn Đức
Giêsu đã không trao phó Mẹ Maria cho người môn đệ Gioan phụng dưỡng như Ngài đã
làm, nếu Thánh Giuse, người cha nuôi của Ngài, còn tại thế (x. Ga 19,26-27). Và
ngay cả trong cuộc hội họp tại nhà Tiệc ly đợi chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống
cũng vắng mặt Thánh cả Giuse (x. Cv 1,12-14).
Nhưng có một điều chắc chắn khó phủ nhận là Thánh cả đã từ
giã cuộc đời tạm bợ này trở về cõi vĩnh hằng trong ân nghĩa với Thiên Chúa.
Thánh cả được tiếp rước mãi mãi vào nhà Cha như phần thưởng xứng đáng dành cho
“người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà Thiên Chúa đã trao phó Thánh Gia để
ngài chăm nom như người cha lo cho người Con duy nhất của mình”[11]. Hơn nữa, không có gì làm
ta hoài nghi về việc Thánh cả Giuse có đặc ân là trong giờ lâm chung, được có
Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở bên cạnh. Chính vì thế, ngài là gương mẫu cái chết của
Kitô hữu.
Chết trong cơn dịch Covid-19 này quả thật là cái chết cô độc,
không thể có người thân yêu bên cạnh, không thể lãnh nhận các Bí tích, không thể
xưng tội, và khi trút hơi thở cuối cùng không nghe được một tiếng nói thân
thương nào ngoài tiếng nói của các bác sĩ và y tá trong bệnh viện, là những người
bị vắt kiệt sức lực[12]. Ở một cái nhìn nhân loại,
đó là một sự thiệt thòi quá lớn. Thế nhưng, người Kitô hữu thật có lý khi cầu
xin Thánh Giuse để họ được thanh thản ra đi tương tự như ngài. Còn cái chết nào
bình an hơn trên cánh tay cực thánh của Chúa và Mẹ. Sự hiện diện của hai gương
mặt Thiên quốc trong giây phút ấy là hạnh phúc lớn lao.
Không riêng gì các nạn nhân của đại dịch Covid-19, mỗi người
Kitô hữu cũng cần cầu xin Thánh cả Giuse để được ơn chết lành như ngài, và đặc
biệt là được Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu đến đón chờ. Nhưng để được như thế, trước
hết chúng ta phải cố gắng để cuộc đời mình qua đi trong tình mật thiết với Chúa
Giêsu và Mẹ Maria. Nghĩa là thái độ luôn tỉnh thức, mau mắn rộng mở tâm hồn khi
Chúa đến gõ cửa (x. Kh 3,20) và chuẩn bị dầu đèn sẵn sàng (x. Mt 25,1-13).
Khi thế giới đang phải vật lộn với cơn đại dịch, mỗi người
được mời gọi biết chạy đến với Thánh cả Giuse như mẫu gương thầm lặng để biết
khiêm tốn lắng nghe, chân thành tìm kiếm và mau mắn thi hành Thánh ý của Chúa
trong cuộc đời. Ngài sẽ dạy cho con người biết mở lòng ra ngoan ngoãn vâng theo
sự quan phòng của Thiên Chúa Tình Yêu. Nhất là với những mong sinh thì, sự trợ
giúp, cầu bầu của Thánh cả là nguồn an ủi rất lớn trong những giờ phút cuối
cùng của cuộc đời để hy vọng vào một cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
Người ta đang bàn nhiều về tương lai hậu đại dịch Covid-19 với
“trạng thái bình thường mới”. Chưa biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào nhưng chắc
chắn nhân loại sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách đố, đối với từng
cá nhân, mỗi gia đình và ngay cả đời sống đức tin của cộng đoàn. Noi gương
Thánh cả năm xưa đã không ngần ngại phó thác chính mình cũng như gia đình cho
Thiên Chúa, mỗi người cũng biết phó trọn đời mình và gia đình cho Thiên Chúa,
biết đón nhận trong tin yêu để bước đi trong hy vọng. Đặc biệt, xin với Thánh cả
Giuse, “người công chính”, người công nhân không biết mệt mỏi, người bảo vệ
nguyên vẹn tuyệt đối những gì đã được uỷ thác, luôn luôn gìn giữ, bênh vực và
soi sáng các gia đình[13].
Nguồn: gpbuichu.org (09.11.2021)
[1] x. James Martin, SJ, Vị Thánh chúng ta cần trong cơn đại dịch,
Đại Chủng viện Sao Biển chuyển ngữ từ worldmissionmagazine.com, trích theo https://giaophannhatrang.org/vi/news/triet-than-hoc-tu-duc/vi-thanh-chung-ta-can-den-trong-con-dai-dich-22080.html (29/7/2021).
[4] x. James Martin, SJ, Vị Thánh chúng ta cần trong cơn đại dịch,
Đại Chủng viện Sao Biển chuyển ngữ từ worldmissionmagazine.com, trích theo https://giaophannhatrang.org/vi/news/triet-than-hoc-tu-duc/vi-thanh-chung-ta-can-den-trong-con-dai-dich-22080.html (29/7/2021).
[6] Nguyễn Hữu Thy, Thánh Giuse - Người tôi trung của Thiên
Chúa, Trung tâm Mục vụ Công giáo Việt Nam Giáo phận Trier/CHLB Đức, 2014,
tr. 77-78.
[7] x. Jean Galot, SJ, Thần học Thánh Giuse, Thiên Hựu và Kim
Ngân chuyển ngữ, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 178. Tham khảo bản
dịch của Bonifaciô Maria, CRM.
[8] x. Michel Rondet, SJ, Lời thì thầm của Thiên Chúa hay Những
nẻo đường khác nhau trong hành trình tâm linh, Lm. Đặng Xuân Thành chuyển ngữ,
NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr. 59-60.
[9] Ban Từ Vựng Công Giáo - Ubglđt/Hđgmvn, Từ điển Công giáo,
NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2016, tr. 758-759.
[12] Bộ Truyền Thông Của Toà Thánh (biên tập), Mạnh mẽ trong
cơn khốn khó - Hội Thánh trong tình hiệp thông: Một nâng đỡ vững chắc trong thời
thử thách, Lm. Lê Công Đức, PSS chuyển ngữ, NXB Đồng Nai, 2020, tr. 6.
[13] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio
(22/11/1981), số 86.