THÁNH GIUSE: MẠNH MẼ VÀ TĨNH LẶNG
Tác giả: Regis Martin
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: crisismagazine.com
WHĐ (22.12.2020) – Sự thánh thiện tuyệt đối trong cuộc đời Thánh Giuse mà chúng ta đánh giá một cách đúng đắn là cao hơn bất kỳ một phàm nhân hay chết nào khác. Chắc chắn là ngoại trừ Chúa Kitô của chúng ta và Mẹ Cực Thánh Vô Nhiễm của Ngài, là Đấng đã được đầy ơn phúc hơn nhiều so với những gì thánh Giuse có thể khao khát trở thành. Điều đó hẳn thật gây bối rối cho thánh Giuse, ngày này qua ngày khác, thấy mình “phải sống” giữa Ngôi Lời Nhập Thể và Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội! Có gì ngạc nhiên đâu khi thánh Giuse không nói lên được lời nào? Phải chăng sự trầm lặng đó vẫn là tấm danh thiếp của ngài?
Mặt khác, Thánh Giuse có bao
giờ là một người nói huyên thuyên không? Sự im lặng chắc chắn là hành trang mạnh mẽ của ngài trong suốt cuộc đời. Ngay
cả sau khi thiên thần hiện ra trong giấc mơ để khuyên ngài đừng từ chối cho
phép Đức Maria sống trong nhà của ngài, bởi vì đứa trẻ mà Mẹ sinh ra là Con
Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã từ trời xuống để “cứu dân Ngài khỏi tội lỗi”
(Mátthêu 1:21). Giuse vẫn không nói lời
nào. Thay vào đó ngài hành động,
với một sự nhanh nhạy đáng ngưỡng mộ và đáng kinh ngạc nhất. Nhưng đó
khó có thể là một điều dễ dàng đối với ngài. Tuy nhiên, khi nhẫn nhục chịu
đựng cụ thể như thế, ngài đã bộc lộ một trái tim chính trực và kiên quyết nhất. Thật
vậy, khi sẵn sàng phục vụ người phụ nữ mình yêu thương, thay vì đưa cô ấy ra
trước pháp luật, chúng ta thấy sự vĩ đại của người đàn ông, mà cuộc đời của ông
héo mòn trong nỗi nhớ về một lời hứa xa xưa được ban cho dân Thiên Chúa, mà
ngài với tư cách là một người con đích thực của dòng dõi Đavít đang khao khát
được thấy điều đó hoàn thành. Và giữa những chi tiết chán ngấy nhất của một
cuộc sống hoàn toàn bình thường, bị che giấu suốt những năm tháng ở Nadarét, ai
sẽ sớm được thấy tất cả những gì đã được Thiên Chúa hứa hẹn giữa Mẹ và Con của
Mẹ — những người mà ông, Giuse, đang được yêu cầu gìn giữ và bảo vệ bằng chính
cuộc sống của mình?
Tại
sao Giáo Hội lại áp dụng tất cả các tước hiệu đó cho một người không tiếng tăm
gì và khiêm tốn như Giuse? Không có vị thánh nào khác nơi thiên đàng bảo
trợ cho cả Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ. Cũng không có vị thánh
nào mà những người lao động, hoặc những người sắp chết, có thể chạy đến kêu cầu
với sự tin tưởng tuyệt đối, vì Ngài là đấng bảo trợ của họ? Chỉ có Thánh Giuse là người mà Giáo hội yêu cầu
chúng ta tôn vinh như là hình mẫu của sự dũng cảm chịu đựng và sự hoàn thiện,
và được coi như là Cha của tất cả những ai kêu cầu Ngài.
Tuy
nhiên, đối với tất cả điều đó, trong câu chuyện đáng kinh ngạc về ơn cứu độ của
chúng ta, phần riêng của Ngài được tỏ hiện ra rất nhiều, dù lờ mờ, trong câu
chuyện kể, nhưng chính ngài lại không kể nó. Chứng tỏ sự khiêm tốn thì
hùng hồn hơn cả lời nói. Tôi tự hỏi, điều gì đã đưa Ngài đến sự dâng hiến
cực độ như thế, trong sự dâng hiến đó, tất cả cuộc đời và từng khoảnh khắc cuộc
đời của Ngài là sự tận tụy hoàn hảo và không ngưng nghỉ đối với Mẹ Maria và Hài
nhi mầu nhiệm mà Mẹ cưu mang? Một sự
thuận phục mặc nhiên, chúng ta đừng quên, mà ngài không buộc phải gánh chịu, dù
bằng bất cứ cách nào?
Cha Jacques Philippe, trong một
cuốn sách nhỏ tuyệt vời mang tên Tự
do Nội tâm[1], nhắc
nhở chúng ta rằng kinh nghiệm về tự do
đích thực rất thường xuyên đòi hỏi phải chấp nhận điều mà chúng ta không thể
thay đổi. Cha gọi đó là “quy luật
nghịch lý của cuộc sống con người”, phát triển từ sự thừa nhận rằng “người ta không thể thực sự tự do trừ khi người
ta chấp nhận không phải lúc nào cũng được tự do”. Nói cách khác, những khoảnh khắc mà chúng ta có nhiều khả
năng trưởng thành trong tư cách một con người – nghĩa là mở rộng tầm thánh thiện
của chính mình, như nó vốn có - chính xác lại là những thời điểm mà chúng ta
không còn cơ hội để thao túng và làm chủ tình hình. Nhưng vì cuộc sống
chủ yếu là một ân huệ, vậy tại sao chuyện chúng ta không thể cai quản mọi thứ lại
trở nên quan trọng?
Ánh sáng của nghịch lý đó đổ trên cuộc đời của Thánh Giuse buốt thấu như
thế nào. Chẳng hạn, liệu chừng ngài có thể đã hình
dung ra được một tình huống nào khác mà trong đó, xét theo bề ngoài, Ngài mất tự
do hơn tình huống xuất phát từ việc vị hôn thê của Ngài sinh cho Ngài một đứa
con không thuộc về Ngài không? Để cam chịu một tình huống không phải chính
mình gây ra? Phải nói những dòng thoại của một kịch bản mà không phải do
chính Ngài viết? Phải chăng Ngài không có lựa chọn nào khác?
Cha Philippe nói với chúng ta rằng khi đối mặt với những hoàn cảnh mà
chúng ta không lựa chọn, đặc biệt là khi những hoàn cảnh đó có vẻ nguy hiểm và
xâm phạm, có ba khả năng xảy ra với chúng ta. Trước hết, là sự lựa chọn nổi
loạn, từ chối thẳng thừng và nổi loạn khi đối mặt với lệnh triệu tập mà chúng
ta không yêu cầu và không hoan nghênh. Cha Philippe nói, rút lui khỏi
thực tế trước mắt chúng ta “thường là phản
ứng đầu tiên, tự phát, của chúng ta trước khó khăn hoặc đau khổ. Nhưng điều đó
không bao giờ giải quyết được chuyện gì”.
Sau đó là chọn lựa từ chức,
có nghĩa như “một lời tuyên bố về việc
không còn quyền hạn gì nữa, không đi đến đâu. Đó có thể là một giai đoạn cần
thiết,” Cha nói thêm, “nhưng nếu dừng
lại ở đó thì cũng chỉ là vô ích.”
Điều đó để lại một lựa chọn
thứ ba, đó là một thái độ tiếp thu dẫn đến sự đồng ý thực sự và lâu dài. “Chúng ta đồng ý với một thực tế mà ban đầu
chúng ta coi là tiêu cực, bởi vì chúng ta nhận ra rằng điều gì đó tích cực có
thể nảy sinh từ đó”. Và phẩm chất
của niềm hy vọng ẩn giấu trong cử chỉ, cũng như trong việc Thánh Giuse sẵn sàng
mở rộng lòng tín thác, trở thành ân sủng, cuối cùng đem lại ơn cứu rỗi. Cha Philippe
xác quyết mạnh mẽ nhất về quan điểm này và đảm bảo với chúng ta rằng “điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng
ta không phải là những gì chúng ta có
thể làm được mà là nhường chỗ cho những gì Thiên Chúa có thể làm. Bí quyết
lớn lao của tất cả hoa trái và tăng trưởng thiêng liêng là học biết cách để cho
Thiên Chúa hành động.”
Đường học hành trong cuộc đời
của Thánh Giuse rất dốc đứng và nhanh vội biết chừng nào. Ngài phải học cách buông bỏ cuộc sống của
mình để cho Thiên Chúa đảm trách cuộc sống đó. Và Ngài phải làm điều đó
ngay lập tức; rồi thì, cứ như thế lặp đi lặp lại. Không có nhiều
người sẵn sàng buông bỏ con người mình nhiều như vậy. Thay vào đó, giống
như Eliot's Prufrock[2], họ thích một cuộc sống “được đong đếm bằng
từng thìa cà phê”. Thánh Giuse
không như vậy. Cuộc sống của ngài là dấu hiệu thực sự của sự thánh thiện. Cương
quyết dốc đổ mọi thứ, bởi vì không có gì ít ỏi hơn mà lại làm được việc. “Hầu hết mọi người”, Bernanos nói, “chỉ cam kết phần ít ỏi nhất của bản thân
trong cuộc đời, một phần bé xíu đến nực cười trong con người họ, giống như những
người giàu có bủn xỉn chỉ tiêu xài tiền lãi trên khoản thu nhập mà họ kiếm được. Một
vị thánh không sống dựa trên lợi tức của thu nhập của mình, hoặc ngay cả trên
thu nhập của mình; vị ấy sống bằng vốn liếng của mình, vị ấy cống hiến tất
cả tâm hồn của mình… Cam kết tất cả tâm hồn của mình! Ồ, đó không chỉ đơn
thuần là một hình tượng văn học.”
Và vì vậy, thánh Giuse, được nâng đỡ bởi đức tin do Thiên Chúa ban cho,
sẽ ra khơi trong bóng tối hoàn toàn. Và trong khi Ngài không thể nhìn thấy
bến cảng nơi mà sự ấm áp và an toàn đang vẫy gọi Ngài, Ngài vẫn không bị chìm,
nhờ ân sủng của sự cậy trông, trong niềm khao khát lớn lao của mình đến được bến
bờ bên kia. Giống như giọng nói trong Four Quartets[3] của
Eliot , Ngài sẽ nói với linh hồn mình, "Hãy tĩnh lặng ... / Vì ... vẫn còn niềm tin”
Nhưng niềm tin, hy vọng và tình yêu tất cả đều ở trong sự chờ đợi.
Hãy chờ đợi không ý kiến, vì bạn chưa sẵn sàng để suy nghĩ:
Như thế, bóng tối sẽ thành ánh sáng, và sự tĩnh lặng sẽ thành điệu múa.
(Tác giả Regis Martin là Giáo sư Thần học và Phó Khoa của Trung tâm Veritas về Đạo đức trong Đời sống Cộng đồng tại Đại học Phanxicô Steubenville. Ông có bằng cử nhân và tiến sĩ thần học tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô ở Rôma. Martin là tác giả của một số cuốn sách, bao gồm Still Point: Loss, Longing, and Our Search for God (2012) và The Beggar's Banquet (Đường Emmaus). Cuốn sách gần đây nhất của ông, cũng được xuất bản bởi Emmaus Road, có tên là Witness to Wonder: The World of Catholic Sacrament.)
[1] ND: Trải nghiệm sự tự do của những người con của Thiên Chúa, cuốn
Tự do Nội tâm khiến người ta khám phá
ra rằng ngay cả trong những hoàn cảnh bên ngoài bất lợi nhất, chúng ta vẫn sở hữu
trong mình một không gian tự do mà không ai có thể lấy đi được, bởi vì Thiên
Chúa là nguồn gốc và bảo đảm của nó. Nếu không có khám phá này, chúng ta sẽ
luôn bị hạn chế theo một cách nào đó và sẽ không bao giờ nếm được hạnh phúc thực
sự. Tác giả Jacques Philippe phát triển một chủ đề đơn giản nhưng quan trọng:
chúng ta có được quyền tự do trong lòng mình tỷ lệ thuận với sự phát triển của
chúng ta trong đức tin, đức cậy và đức mến. Tác giả giải thích rằng sự
năng động giữa ba nhân đức đối thần này là trọng tâm của đời sống thiêng liêng,
và ông nhấn mạnh vai trò then chốt của nhân đức hy vọng (đức cậy) trong sự trưởng
thành nội tâm của chúng ta. Được viết theo phong cách đơn giản và hấp dẫn,
cuốn Tự do nội tâm tìm cách giải
thoát cõi lòng và trí não để sống tự do thực sự mà Chúa mời gọi mỗi người.
[2] ND: Bản tình ca của J. Alfred Prufrock, thường được gọi
là Prufrock, là một bài thơ của nhà thơ người Mỹ T.S. Eliot, bắt đầu
viết từ tháng 2 năm 1910, viết xong năm 1911 và in lần đầu ở tạp chí Poetry (Chicago) bốn năm sau đó
(tháng 6 năm 1915). Bản tình ca... là một vở kịch về
"nỗi đau đớn của văn học," nó thể hiện ở dạng một độc thoại đầy kịch
tính, và đánh dấu sự bắt đầu sự nghiệp văn học Eliot như là một nhà thơ có ảnh
hưởng. Với vẻ chán nản, hối tiếc và sự khát khao nhận thức, một mặt nào đó cũng
giống như vở kịch Hamlet với "to
be, or not to be" (tồn tại hay không tồn tại). Chủ đề của Bản tình ca… là không thể yêu. Từ
không thể yêu đến không thể sống cũng chẳng xa xôi gì, và bài thơ kết thúc bằng
lời "ta chết chìm" (we drown).
[3] ND: Bốn khúc tứ tấu (tiếng Anh: Four Quartets)
– là một trường ca gồm 4 phần: Burnt Norton (1935), East
Coker (1940), The Dry Salvages (1941) và Little Gidding (1942) của nhà thơ Mỹ
đoạt giải Nobel Văn học năm 1948 T. S. Eliot. Đây là tác phẩm thể hiện quan niệm
thơ ca và triết học của Eliot được hình thành trong những thập niên 20, 30, (thế
kỷ XX) tiêu biểu là tác phẩm Ngày thứ tư
lễ tro. Eliot kết hợp ở đây khái niệm về linh hồn bất tử của Kitô giáo với
cách giải thích khoa học những phạm trù như thời gian, nơi chốn, sự vô tận, sự
chuyển hoá liên tục thành những hình thái khác nhau của đời sống…