Thánh
Emmanuel Lê Văn Phụng
Câu
họ (1796 - 1859)
Ngày
tử đạo: 31 tháng 7
Con
ơi, hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố giác cha.
Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm
1796 tại họ Đầu Nước (Cù Lao Giêng), tỉnh An Giang, thị xã Châu Đốc. Vì tính
tình cương trực, nhiệt thành chăm lo cho việc chung nên ông Phụng được giáo hữu
tín nhiệm bầu làm ông câu họ Đầu Nước.
Nhờ có nhiều tài đức, ông câu Phụng
vận động giáo dân toàn họ đạo góp công góp của, tái thiết nhà thờ họ khang
trang, thoáng mát và xây dựng nhà các dì dòng Chúa Quan Phòng. Ông đã biến họ Đầu Nước
thành nơi dung thân an toàn cho các thừa sai và hàng giáo sĩ bản quốc.
Ông câu Phụng
ước ao có linh mục ở lại họ đạo Đầu Nước để dâng Thánh lễ cho giáo dân. Trong những dịp lễ lớn, bằng
mọi cách, ông tìm rước cho bằng được một linh mục về dâng Thánh lễ hay cho các
bệnh nhân hấp hối được xức dầu. Trong thời gian có bệnh dịch, ông câu mua chiếc
thuyền con và chính tay ông cầm lái, rước cha đi khắp mọi nơi ban bí tích cho
con chiên trong giờ phút cận tử.
Quan huyện địa phương xét thấy sinh
hoạt đạo Chúa không gây mất trật tự hay nguy hiểm cho làng nước. Hơn nữa, nhà
quan vẫn thường nhận tài trợ của ông câu Phụng. Vì thế, khi nào có lệnh khám
xét hay truy lùng linh mục, quan huyện âm thầm cho người báo tin trước để ông câu
Phụng có đủ thời gian thông tin cho giáo hữu cất giấu ảnh tượng và đồ thờ phượng.
Chẳng may, trong vùng có hai tên
chuyên cờ bạc là Nên và Miêu. Hai tên này muốn lợi dụng cơ hội làm tiền nên
chia phiên nhau trèo lên cây xoài gần vườn nhà ông câu Phụng để theo dõi, quan
sát diễn biến trong nhà. Mùa Đông năm 1858, hai tên này phát hiện bóng dáng
linh mục thừa sai Pernot - Định tạm trú trong nhà ông câu Phụng.
Đêm đó, khi mọi người đã an giấc, thừa
sai Jean Pernot - Định mở cửa đi dạo trong sân sau, hít thở không khí trong lành và lần chuỗi Mân
Côi. Hai tên do thám nhìn thấy, vội vã chạy đi báo tin cho quan trấn thủ Châu Đốc.
Chúng tố cáo gia đình ông câu Phụng chứa chấp linh mục Tây dương và xin phái
ngay quan lãnh binh điều động bính lính đi bắt chứ đừng dùng quân lính của quan
huyện vì theo họ, quan huyện đã ăn tiền, thông đồng với người Công giáo và giúp
họ che đậy.
Sáng ngày 07/01/1859, ông câu Phụng
vẫn chưa hay biết có quan quân đến nhà. Khi cha Pernot - Định và cha Đoàn Công Quý, cha sở mới họ Đầu Nước, vừa dâng lễ
xong thì có người chạy đến đưa tin quan trấn thủ Châu Đốc đi thuyền và theo đường
bộ đang tiến đến bao vây nhà ông câu Phụng. Ông điềm tĩnh nhờ ông biện Vi đưa
hai cha đi trốn, nhưng cha Quý quyết định ở lại vì nghĩ rằng cha có thể hoà
mình vào đám đông mà trốn thoát.
Quan quân tràn vào nhà bắt trói và
hăm dọa đánh ông câu Phụng. Thấy thế, cha Quý động lòng thương nên tự nhận mình
là linh mục. Quan lãnh binh hạ lệnh bắt trói cha Quý, ông câu Phụng và 32 giáo
hữu giải về Châu Đốc. Tại công đường, ông câu hiên ngang xác nhận gia đình ông
đã đón tiếp, làm nơi ẩn náu cho các linh mục Tây dương.
Sáu tháng trong cảnh tù tội, dù bị
tra tấn, khuyên nhủ, dụ dỗ, ông câu vẫn cương quyết im lặng, không khai báo về
các thừa sai và không bỏ đạo. Chẳng hy vọng các tù nhân đức tin đổi ý, quan trấn
Châu Đốc gửi án về kinh xin vua Tự Đức xử giảo ông câu vì
tội chứa chấp linh mục.
Ngày 31/07/1859, hai vị được dẫn ra khỏi thành bằng cửa tả đến Cây Mẹt, xóm Chà Và. Ông câu Phụng trăng trối với các con hãy tha thứ cho những người đã tố cáo và xin chôn ông bên cạnh cha sở. Hai vị thầm lặng quỳ xuống và cha Quý ban Bí tích Giải tội cho ông câu Phụng. Sau ba tiếng chiêng lệnh, cha Quý bị chém đầu; ông câu Phụng bị xiết cổ bằng dây thừng. Ban chiều, quan trấn cho phép gia đình thân nhân rước thi hài ông câu Phụng về an táng trong nền nhà thờ họ Đầu Nước.
Ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng được nâng lên hàng chân phước ngày 02/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.