THÁCH THỨC CHỦ TRƯƠNG TẬN THẾ
Suy tư về đường hướng mục vụ của Đức
Thánh Cha Phanxicô
Antonio Spadaro, S.J.
laciviltacattolica.com
Chuyển ngữ: Minh Khôi
WHĐ (18.7.2020) –
Bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989. Từ đó trở đi người dân Bá
Linh bắt đầu tháo dỡ biểu tượng đã giam giữ họ suốt 30 năm; đó là thời điểm
tiêu biểu cho buổi hoàng hôn của chủ nghĩa toàn trị.
Ngày đó ghi dấu sự
khởi đầu một thời đại mới đầy hứa hẹn mang tính toàn cầu. Thế nhưng ngày nay,
như Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn nói với chúng ta, “thời đại mới” này lại được
ghi dấu bằng sự vô cảm và xung đột.
Bức tường Bá Linh
đã bị phá bỏ nhưng nhiều bức tường khác lại được dựng lên[1]. Khi gặp gỡ
một nhóm anh em Dòng Tên, Đức Giáo hoàng nói thẳng: “Có cả những bức tường ngăn
cách con cái với cha mẹ. Tôi nghĩ đến Hêrôđê. Thế nhưng với ma túy, chẳng có bức
tường nào ngăn cách cả”[2].
Khi Đức Phanxicô
nói về Hội Thánh như “bệnh viện dã chiến”, ngài không có ý sử dụng một hình ảnh
mang tính hấp dẫn và hiệu quả về tu từ. Điều hiện ra trước mắt ngài là “chiến
tranh thế giới thu nhỏ”. Cuộc khủng hoảng trên thế giới ngày nay xuất hiện dưới
nhiều hình thức và được diễn tả qua những xung đột, tranh chấp thương mại, những
rào cản, những khủng hoảng về di dân, những chế độ sụp đổ, những liên minh thù
nghịch, những con đường thương mại dẫn đến sự giàu có nhưng cũng dẫn đến nhiều
căng thẳng[3].
Ngăn cản sự diệt vong: đế quốc hay Hội Thánh?
Đâu là tâm điểm
trong lịch sử chúng ta đang sống? Cách đây ít năm Massimo Cacciari gợi ý một
con đường trong tác phẩm của ông, La
potere che frena. Tác giả suy tư về thần học chính trị trong ánh sáng của
Thư 2 Thessalonica (2, 6-7). Tác giả viết về khuôn mặt bí ẩn của katechon, nghĩa là người hoặc cái gì đó
“cầm giữ” và “nắm lấy”, chấm dứt hoặc thắng lại sự tấn công của tên Phản-Kitô[4].
Cách nào đó, nhiệm vụ của “người cầm giữ” có thể sánh như công việc của
Epimetheus, người anh của Prometheus: khi giấc mơ tiến bộ của Prometheus đã nhạt
nhòa thì công việc của người anh là điều hành vận mệnh của loài người, ngăn cản
những con tàu chứa đầy sự dữ trong thế giới.
Các Giáo phụ đã cố
gắng xác định xem thánh Phaolô nói về ai và cái gì có thể ngăn lại sự chấm dứt
của thế giới. Cách giải thích chiếm ưu thế là katechon (người cầm giữ) là đế quốc Rôma vì nó có quyền lực để giữ
xã hội gắn kết với nhau. Nhưng nhiệm vụ này cũng đòi hỏi một quyền bính thiêng
liêng. Với sự sụp đổ của đế quốc, Hội Thánh thừa hưởng vai trò này.
Ngày nay chúng ta
sống trong chiều kích toàn cầu mà thời đế quốc Rôma chưa biết tới. Và câu hỏi của
chúng ta là: đâu là nhiệm vụ của Hội Thánh trong bối cảnh phức tạp này? Xem ra
chỉ có một trong hai chọn lựa: một là loan báo sự tận cùng gần kề của thế giới
và đẩy nhanh tiến độ; hai là trở thành sức mạnh ngăn cản, chiến tuyến cuối cùng
chống lại tai ương khủng khiếp mà chúng ta bị cuốn vào do những quyền lực đang
điều hành hệ thống toàn cầu hoang dã, một hệ thống làm gia tăng những bất ổn
trong quan hệ, gây chiến tranh, chỉ lo bảo vệ tiền bạc. Liệu có giải pháp thứ
ba chăng? Đó là điều chúng ta nghiên cứu ở đây.
Nhiệm vụ của Hội Thánh khi đối diện với tận thế
(sự hủy diệt nhân loại)
Phải chăng Hội
Thánh là bệnh viện dã chiến theo nghĩa là Hội Thánh chữa lành những thương tích
sau khi thua trận, hoặc theo nghĩa Hội Thánh tiếp sức cho những cánh tay rời rã
để họ tiếp tục chiến đấu? Có những người hô hào đẩy nhanh cuộc chiến, lại có
người muốn xây dựng ghetto, nơi dành riêng cho những kẻ “thanh khiết” để chống
lại “đám đông quân gian ác”[5].
Còn Đức Phanxicô
thì sao? Trong tư cách Giáo hoàng Rôma, phải chăng nhiệm vụ của ngài là cố gắng
vươn tới một thế giới tốt đẹp hơn, một không tưởng? Hoặc phải chăng ngài nên
tránh bằng mọi giá thảm kịch hủy diệt thế giới? Phải chăng trái đất này là trái
banh đang bùng nổ nên phải đá nó đi để chỉ cho thấy trời mới đất mới? Hoặc phải
chăng trái đất này là bình sành đã vỡ nát và phải thu lại từng mảnh vụn bằng bất
cứ giá nào?
Đối với Đức Phanxicô,
nhiệm vụ của Hội Thánh không phải là thích nghi với thế giới, chính trị hay xã
hội, để nâng đỡ và giúp nó tồn tại; đây là điều ngài cho là “thói thế gian”.
Ngài cũng không có ý chống lại thế giới, chính trị hay xã hội. Đức Giáo hoàng
không khước từ thực tại nhân danh ngày tận thế theo nghĩa là thế giới này bị hủy
diệt và sẽ không còn đau khổ nữa. Đức Phanxicô không đẩy cơn khủng hoảng của thế
giới đến những hậu quả cực đoan bằng cách loan báo ngày tận thế gần kề, ngài
cũng không thu gom những mảnh vụn của một thế giới suy sụp bằng cách tìm kiếm
những liên minh hay sự cộng tác dễ chịu. Hơn thế nữa, ngài cũng không cố gắng
loại trừ cái ác vì ngài biết rằng đó là điều không thể: cái ác âm thầm chuyển động
và xuất hiện ở nơi khác thôi. Thay vào đó, ngài tìm cách trung hòa cái ác. Đó
chính là nét căn bản trong biện chứng của Bergoglio, và cũng chính là điểm then
chốt để chúng ta có thể hiểu được ngài.
Vai trò của Công giáo trong bối cảnh ngày nay
Từ quan điểm ngoại
giao, đây là lý do Đức Phanxicô có những lập trường liều lĩnh. Sự cẩn trọng
truyền thống về ngoại giao đi cùng với parrhesia
(sự mạnh dạn), tức là nói rõ ràng và thẳng thắn, kể cả tố cáo: chống lại thứ
chủ nghĩa tư bản chỉ lo tiền tệ; thường xuyên nhắc tới thảm kịch di dân mà ngài
coi là “nút thắt chính trị toàn cầu”[6]; ghi nhớ
“nạn diệt chủng” ở Armenia; và chính thức hóa những quan hệ với Palestine.
Những lời tố cáo
của ngài không ngừng vang lên – như “tiếng
kêu trong sa mạc”, để mượn lời tiên tri Isaia trong Kinh Thánh. Và trong
Thánh Lễ ở Santa Marta, vị “Giáo hoàng của lòng thương xót” không ngần ngại “nguyền rủa” những kẻ thúc đẩy chiến
tranh và thu lợi từ đó.
Đức Phanxicô chất
vấn vai trò mới của Công giáo trong bối cảnh ngày nay. Về vấn đề này ngài trình
bày một tầm nhìn chủ yếu mang tính thiêng liêng và Phúc âm về quan hệ quốc tế.
Kể cả khi nói về ngoại giao, như trong diễn văn ngày 3 tháng 5 năm 2018, ngài
nhấn mạnh “một nền ngoại giao bàn quỳ”, nghĩa là ngoại giao cắm rễ sâu và đặt nền
trên cầu nguyện.
Mọi sự đều dựa
trên chọn lựa đã được mô tả từ đầu. Nếu Đức Phanxicô muốn ngăn cản sự sụp đổ,
ngài chỉ có thể dựa trên luật lệ, những quyền lực hiện hành, sự trung gian giữa
các dân tộc và Hội Thánh, những luật lệ cho phép hệ thống tồn tại, đến mức cộng
tác với họ. Đàng khác, nếu ngài muốn đẩy nhanh việc tiến tới trời mới đất mới,
có lẽ ngài không có chọn lựa nào khác hơn là phá vỡ những gì đang nâng đỡ quyền
lực hiện hành và do đó, cấu hình lại thế giới.
Vì thế có sự xung
khắc trong cách giải thích. Có những người tấn công Đức Phanxicô vì họ tố cáo
ngài thỏa hiệp với thế gian. Thế nhưng thực tế là ngài tấn công cơ chế - cả
ngoài đời lẫn trong đạo – kể cả liệt kê những thống khổ nó tạo ra. Những người
ca tụng Đức Phanxicô cũng vậy, vì họ cảm thấy ngài nhạy bén trước thực tại của
thế giới và thương xót nó kể cả như thể không đưa ra lời xét đoán. Thế nhưng thực
tế là Đức Giáo hoàng nói rất mạnh, như ngài đã nói trong chuyến viếng thăm
Napoli, rằng tham nhũng “bốc mùi” và
trong lời tố cáo, ngài không chỉ chọn thái độ nửa vời.
Có một chuẩn mực thiêng
liêng mà chúng ta đừng bao giờ quên. Chuẩn mực đó đã khiến Chúa Giêsu vừa đón
tiếp người tội lỗi vừa xua đuổi những kẻ đổi tiền ra khỏi đền thờ. Chuẩn mực là
chính Chúa Giêsu. Có những người khi nhìn vào hai cử chỉ trên, cho rằng Chúa
mâu thuẫn - vì một đàng quá khắt khe và một đàng quá buông thả - bởi lẽ họ
không hiểu Tin Mừng của Chúa Kitô.
Nói đến đường lối
chính trị quốc tế của Đức Phanxicô là phải nói đến việc dìm mình trong tầm nhìn
thiêng liêng, được nuôi dưỡng bằng cảm thức sâu xa về tai họa có thể xảy ra và
về những sức mạnh của cái ác đang hoành hành trong thế giới. Đồng thời có sự
tín thác đặc biệt vào mầu nhiệm Thiên Chúa, sự tín thác đó giúp chúng ta chấp
nhận những bước nhỏ, những tiến trình, quyền bính thế gian, những cuộc nói chuyện,
thương thảo, vai trò của thời gian, trung gian[7].
Cách tiếp cận này dựa trên nhận thức rằng thế giới không được phân chia giữa thiện và ác, giữa đúng và sai. Chọn lựa không có nghĩa là tính toán xem những sức mạnh nào (đảng phái, chính trị, quân sự) mình cần liên minh và nâng đỡ để sự thiện chiến thắng. Cách tiếp cận này trong đối thoại ngoại giao đặt nền trên sự chắc chắn rằng vương quốc của sự thiện không thuộc thế giới này. Chính vì thế phải đối thoại với tất cả các bên. Quyền lực trong thế giới này dứt khoát không mang tính thánh thiêng. Dĩ nhiên các chính trị gia được kêu gọi nên thánh bằng cách làm việc cho công ích, nhưng dù thế chăng nữa, không có quyền lực chính trị nào là “thánh thiêng” cả.
Theo nghĩa đó, Đức
Phanxicô hoàn toàn dựa vào tương lai cánh chung và chỉ dựa vào đó mà thôi; ngài
tín thác vào một mình Thiên Chúa. Chính điều đó đã thúc đẩy ngài làm tất cả những
gì có thể để tập trung vào “sự hội nhập”, vào những gì dẫn đưa con người trên nẻo
đường sự thiện, kể cả ngay giữa những cám dỗ của thế gian này, dẹp sang một bên
ảo tưởng về “đế quốc thánh thiêng”. Theo lập luận đó, chẳng có ai là “hiện thân
của cái ác” cả. Điều đó có thể gây scandal vì nó mở ngỏ cánh cửa (đôi khi rất hẹp
nhưng vẫn là mở), kể cả trong những tình hình phức tạp về chính trị.
Chống lại cơn cám dỗ của Công giáo bộ tộc
Hiểu như thế,
năng lực dẫn dắt Đức Phanxicô làm việc để kiềm chế thế giới khỏi rơi vào vực thẳm
không nhất thiết dẫn ngài đến chỗ thỏa hiệp với các quyền lực hiện hành. Đây là
điểm tế nhị nhất trong lập luận của ngài vì đôi khi Hội Thánh cho rằng con đường
duy nhất để kiềm chế sự suy thoái là liên minh với một đảng phái chính trị chấp
nhận cho Hội Thánh tồn tại như là người ban tặng ý nghĩa. Điều này thường xảy
ra ở Italia. Và nỗi nhung nhớ quá khứ vẫn chưa hẳn đã hết. Nhưng Bergoglio
không tin vào thứ quyền lực đó. Cái thánh thiêng không bao giờ là sự chống đỡ
cho quyền lực. Và quyền lực cũng chẳng bao giờ là sự chống đỡ của cái thánh
thiêng.
Những chủ đề thường
được nhấn mạnh trong triều đại của Đức Phanxicô là sự bình đẳng, nhu cầu “đất
đai, nhà cửa, công ăn việc làm”, cũng như những chủ đề liên hệ đến tự do. “Chủ
nghĩa tương đối” được bày tỏ rõ nét trong nhiều khía cạnh xã hội. Lời kêu gọi
chống lại sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối chạm đến tâm điểm của phẩm giá
con người, và phẩm giá ấy thật mong manh nếu không có đất đai, nhà cửa, việc
làm. Điều đó không có nghĩa là Đức Phanxicô mơ về một thiên đàng trần thế nhưng
vì tầm nhìn của ngài là tầm nhìn đức tin, đặt nền trên Ngày Phán xét chung như
Tám Mối Phúc trong Tin Mừng mô tả cho chúng ta.
Theo đó, một đại
sứ ghi nhận rằng” ngôn ngữ của Đức Bênêđictô XVI là ngôn ngữ của phương Tây hiện
đại, một đàng nhìn nhận tính đa nguyên về thế giới quan trong xã hội đương đại,
đàng khác tố cáo sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối. Còn ngôn ngữ của Đức
Phanxicô, nhìn vào nhiều thách đố của văn hóa hiện đại, đồng thời xem xét tiến
trình phân cực xã hội và kinh tế đang gia tăng ở mức toàn cầu càng lúc càng mạnh”[8].
Đây là điểm thất
bại trong việc đối nghịch trần thế với Kitô giáo vì nhìn như những phạm trù
mang tính ý thức hệ và những quy chiếu trừu tượng. Không thể giam giữ Thần Khí
như thế. Tư tưởng Kitô giáo tự nó chỉ đối nghịch với tư tưởng thế tục nếu cái
thế tục bị biến thành hệ ý thức. Nhưng nếu chính tư tưởng Kitô giáo cũng trở
thành một hệ ý thức thì nó cũng chẳng ăn nhập gì với Chúa Kitô cả.
Trong thực tế,
như Đức Giáo hoàng nói ở Ai Cập, mọi sự đối nghịch khô cứng theo lớp bụi thời
gian đều thất bại. Minh triết đích thực thì “mở ra và chuyển động, khiêm tốn và
tìm tòi”[9]. Chỉ
có một sự đối nghịch duy nhất: hoặc là “văn minh của gặp gỡ” hoặc là “phản văn
minh của xung đột”. Vậy tôn giáo là gì? “Ánh sáng đa sắc màu của các tôn giáo
chiếu tỏa trên miền đất này”. Ánh sáng không làm cho các màu sắc đối chọi nhau nhưng
tiếp nhận các màu sắc trong tầm nhìn hòa hợp, không đối kháng. Nói cho cùng,
đây là vấn đề lớn ngày nay: chúng ta trải nghiệm tính đa dạng (được diễn tả) bằng
những ngôn từ đối kháng.
Trong diễn văn dịp
mừng ấn bản thứ 4.000 của tạp chí La
Civiltà Cattolica, Đức Phanxicô nói: “Hãy làm cho người ta hiểu ý nghĩa của
văn minh Công giáo, nhưng cũng phải làm cho người Công giáo hiểu rằng Thiên
Chúa hoạt động ở cả bên ngoài biên cương của Hội Thánh, nơi những nền văn minh
đích thực, bằng hơi thở của Thần Khí”. Và cũng trong diễn văn đó, ngài nói:
“văn hóa sống là văn hóa hướng tới chỗ mở ra, hội nhập, nhân rộng, chia sẻ, đối
thoại, cho đi và đón nhận trong một dân cũng như với các dân khác mà văn hóa đó
tiếp xúc”[10].
Với Bergoglio,
văn hóa có giá trị hơn nếu hiểu như một động từ hơn là một danh từ. Chỉ có động
từ mới diễn tả tốt điều đó. Cụ thể là mở ra, hội nhập, nhân rộng, chia sẻ, đối
thoại, cho đi và đón nhận. Bảy động từ diễn tả cả quá khứ, hiện tại, tương lai.
Bảy động từ có thể chỉ ra hoặc mời gọi hoặc diễn tả mệnh lệnh thúc đẩy hành động[11]. Động
từ đầu tiên là mở ra.
Ý tưởng về chủ
nghĩa dân túy Công giáo – hoặc tệ hơn nữa, chủ trương bản địa Công giáo – là những
điều xa lạ với Đức Giáo hoàng, vì Thiên Chúa mà ngài tìm kiếm là Đấng hiện diện
khắp nơi. Ý tưởng về “chủ trương bộ tộc” tức là muốn coi sách Tin Mừng và cả biểu
tượng Thánh giá là của riêng mình - ý tưởng đó đã lùi xa rồi. Những ý niệm về cội
rễ và căn tính không có cùng một nội dung đối với người Công giáo và thứ căn
tính tân - ngoại giáo. Vênh váo, ngạo mạn, thù hằn là những gì đi ngược lại với
Kitô giáo.
Thế chiến thứ ba
không phải là một định mệnh đã được định sẵn. Để tránh thế chiến, cần đến lòng
thương xót, và điều đó có nghĩa là phải bỏ đi những chủ trương bảo thủ cực đoan
và thích loan báo tận thế, được khoác bên ngoài bằng những trang phục uy nghiêm
và mặt nạ tôn giáo. Đức Phanxicô thách thức suy tư của những mạng lưới chính trị
thúc đẩy cái gọi là cuộc chiến cuối cùng và không thể tránh khỏi về mặt địa
chính trị. Cộng đoàn đức tin không bao giờ là cộng đoàn chiến tranh.
Cần phải thoát khỏi
cơn cám dỗ thần thánh hóa một quyền lực chính trị để sử dụng nó cho mục đích
riêng của mình. Do đó không thể chấp nhận thứ chủ thuyết thiên niên kỷ cho rằng
đây là giai đoạn chuẩn bị tận thế và sẽ có “cuộc chiến cuối cùng”. Nhấn mạnh đến
lòng thương xót như thuộc tính nền tảng nơi Thiên Chúa diễn tả nhu cầu hết sức
căn để này.
Chính vì thế Đức
Phanxicô không chấp nhận những suy tư thần học - chính trị cổ võ cho quân khủng
bố, để tránh việc đồng hóa Hồi Giáo (chân chính) với chủ nghĩa khủng bố Hồi
giáo. Ngài cũng không chấp nhận những suy tư thần học – chính trị hô hào “thánh
chiến” hoặc dựng hàng rào kẽm gai viện lý do để ngăn cản tận thế và bảo vệ “trật
tự”. Kẽm gai duy nhất đối với Kitô hữu là mão gai trên đầu Chúa Kitô!
Thánh Phanxicô trên tòa Phêrô
Bằng một cách thế
mang đầy chất Phúc Âm, khi nói về những kẻ khủng bố, Đức Phanxicô đã dùng một cụm
từ vừa bao hàm lời kết án vừa hàm chứa lòng thương cảm. Ngài gọi họ là “những
phạm nhân đáng thương”. Ngài đã dùng cụm từ này khi gặp gỡ những người tị nạn
và người trẻ khuyết tật tại Nhà thờ Công giáo La tinh ở Betania ngày 24 tháng 5
năm 2014. Như một dấu ấn, ngài nhìn thấy nơi tội nhân - trong trường hợp này là
những kẻ khủng bố - hình ảnh “đứa con hoang đàng” chứ không phải là hiện thân của
ma quỷ. Không phải là sai khi khẳng định rằng ngăn chặn kẻ tấn công bất lương
là quyền con người, nhưng cũng phải nhìn nhận “quyền của kẻ tấn công”, đó là
“quyền được ngăn chặn khỏi việc làm điều ác”. Bằng cách đó, chúng ta nhìn thực
tại trong viễn tượng hai mặt, vừa hàm chứa vừa không loại trừ kẻ thù và điều
thiện hảo cho họ.
Tình yêu đặc thù
nơi các Kitô hữu không chỉ là yêu thương “người thân cận” nhưng là yêu thương
“kẻ thù”. Khi chúng ta nhìn vào một người phạm tội ác kinh khủng bằng pietas (thương xót), thì điều vượt trội
là sức mạnh thâm sâu của Tin Mừng Chúa Kitô, tức là tình yêu thương kẻ thù. Đây
là điều không thể giải thích trên bình diện tự nhiên, có khi bị cho là scandal!
Thế nhưng đó chính là chiến thắng của lòng thương xót.
Không có lòng
thương xót ấy, Tin Mừng có nguy cơ trở thành một diễn từ mang tính xây dựng
nhưng chắc chắn không phải là diễn từ mang tính cách mạng. Chọn lựa của Đức
Phanxicô là chọn lựa của Chúa Kitô khi đứng trước vị đại pháp quan trong tác phẩm
Anh em nhà Karamazov của Dostoievski:
hôn lên môi người công bố án tử cho ngài; nụ hôn chẳng làm thay đổi được tâm
trí hắn, nhưng làm cho đôi môi ông ta rung lên và “đốt cháy con tim”.
Đức Giáo hoàng
cương quyết chống lại khuynh hướng coi Công giáo như một bảo đảm chính trị, “đế
quốc cuối cùng”, kế thừa những vết tích vinh quang, trụ cột chống đỡ sự suy
thoái khi đối diện với việc khủng hoảng lãnh đạo tại phương Tây. Nói cách đơn
giản, ngài đang lôi Kitô giáo khỏi cơn cám dỗ muốn làm người kế thừa đế quốc
Rôma, một di sản lẫn lộn quyền lực chính
trị với quyền bính thiêng liêng đã nhắc
đến trước đây. Ngài lôi quyền bính thiêng liêng khỏi bộ áo trần thế đã cũ kỹ và
gỉ sét. Áo dòng trắng ngài mặc – không có huy hiệu Giáo hoàng – mang Kitô giáo
trở lại với Chúa Kitô. Ngài không mặc áo đỏ, vốn là màu của hoàng triều theo
truyền thống và là cách thể hiện imitatio
imperii (bắt chước hoàng đế) của Giám mục Rôma.
Chúng ta đừng tự
lừa dối mình: sự đan xen giữa sacerdotium
(chức linh mục) và imperium (hoàng
đế) không phải dễ được làm sáng tỏ. Chúng ta cũng chẳng biết tiến trình đó rồi
sẽ đi đến đâu. Cần phải làm sáng tỏ những điều kiện và khả thể của tiến trình
này. Điều chắc chắn là Đức Giáo hoàng không còn đội triều thiên cho bất cứ ông
vua nào để coi ông ta như defensor fidei (người
bảo vệ đức tin). Vâng, Đức Giáo hoàng là vị lãnh đạo tôn giáo được thế giới
nhìn nhận, nhưng ngài là vị lãnh đạo bằng quyền lực mềm, có thể đề nghị một tầm
nhìn về thế giới tương lai.
Theo nghĩa đó
Thánh Phêrô là Thánh Phanxicô. Đối với một vài người, đây là một nghịch lý,
scandal, tảng đá gây vấp ngã khi họ nhìn vào triều đại giáo hoàng của Đức
Phanxicô. Hào quang của Thánh Phanxicô, một vị thánh nghèo, lại hòa với hào
quang của Đấng kế vị Thánh Phêrô, và dung mạo của hoàng đế Rôma mãi mãi bị bỏ
rơi. Thế nhưng nhờ đó mà khỏi trở thành Don Quixote de la Mancha, chiến đấu chống
lại cối xay gió trong thời đại chúng ta.
Có lẽ phải nhắc đến
Dante trong tác phẩm De Monarchia,
ông nối kết auctoritas (quyền bính)
thiêng liêng với paternitas (tình phụ
tử). Massimo Cacciari nhận xét thế này: “Người nắm quyền bính cao nhất trong Hội
Thánh lại là người khiêm tốn, nghèo khó, sống sát Phúc Âm. Điều đó có nghĩa là
trước mắt thế gian, Hội Thánh thật yếu đuối, trần trụi, chịu đóng đinh. Tắt một
lời: Thánh Phanxicô là ơn cứu độ của Hội Thánh, và chỉ bằng cách nêu cao thập
giá của thánh Phanxicô, Hội Thánh mới có thể giữ tình phụ tử đối với quyền bính
chính trị.”[12]
Hội Thánh phải
công khai tuyên bố Hội Thánh không phải là Thành trì của Thiên Chúa, và khước từ
mọi thỏa hiệp với bất cứ quyền lực chính trị nào, chỉ khi đó Hội Thánh mới có
thể được lắng nghe và nhìn nhận trong thế giới. Theo nghĩa đó, Paul Elie đã
đúng trong bài viết đăng trên New York Times, Francis, the Anti-Strongman. Ông viết: “Bây giờ là thời của kẻ mạnh:
Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Vladimir Putin ở Nga, Viktor Orban ở Hungary và
Donald Trump ở Hoa Kỳ, tất cả đều coi thường báo chí độc lập và những sức mạnh
khác dám chống lại nhà lãnh đạo tự mãn. Trong khung cảnh đó, Giáo hoàng
Phanxicô xuất hiện như người chống lại kẻ mạnh. Danh hiệu giáo hoàng của ngài gọi
về Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh bảo trợ cho người nghèo”[13]. Tông huấn
Gaudete et Exultate, được ban hành
sau đúng 5 năm Giáo hoàng của Đức Phanxicô, tập trung vào sự thánh thiện, và
ngài coi như tâm điểm trong cuộc “cải tổ” của ngài, chứ không chỉ là những chọn
lựa nhân sự trong Curia.
Đức Phanxicô muốn
trả lại cho Thiên Chúa quyền năng đích thực của Người là quyền năng hội nhập. Hội
nhập có nghĩa là “đem những khác biệt về thời đại, dân tộc, phong cách, tầm
nhìn, vào trong tiến trình kiến tạo”. Đức Giáo hoàng nói rõ điều đó ở Hàn Quốc
khi gặp gỡ các giám mục Á châu: căn tính không chỉ được hình thành bằng những
gì chúng ta bảo tồn, cũng không chỉ là quá khứ mà chúng ta cố gắng gìn giữ[14]. Với
Đức Giáo hoàng, thời gian của căn tính không chỉ là quá khứ nhưng còn là tương
lai. Căn tính không chỉ bày tỏ cái chúng
ta là, nhưng trên hết mọi sự là qua những gì chúng ta hi vọng. Căn tính được
xác định không phải qua việc bạn là ai nhưng là bạn hy vọng điều gì.
Điều này dẫn
chúng ta đến tầm nhìn về Hội Thánh dựa trên hy vọng và tương lai cánh chung, là
tương lai vượt trên trần thế này. Đức Phanxicô nhắc nhở các giám mục Hoa Kỳ:
chúng ta phải cẩn trọng để đừng rơi vào cơn cám dỗ “đánh đổi quyền lực bằng sức
mạnh thay vì sức mạnh của sự bất lực (thập giá) qua đó Thiên Chúa cứu độ chúng
ta”. Đừng bao giờ biến Thánh giá thành ngọn cờ cho những đấu tranh trần thế.
Bergoglio muốn giải
thoát các mục tử khỏi suy nghĩ rằng mình phải lâm chiến để bảo vệ một trật tự,
nếu không, Công giáo và cả thế giới sẽ lụi tàn. Kể cả sự bảo vệ cái gọi là
“phương Tây Kitô giáo” trong thực tế cũng là sự bại hoại (vì bị biến thành công
cụ) của luân lý Kitô. Trong một vài trường hợp người ta còn có thể đi xa đến mức
biện minh cho những quyền lợi kinh tế và địa chính trị bằng cách khoác cho nó bộ
áo bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại.
Ưu thế của quyền
bính thiêng liêng và sự chấm dứt của “Kitô giới”
Như thế, Đức
Phanxicô bày tỏ xác tín của ngài, xác tín được hình thành một phần qua việc đọc
Erich Prywara, một nhà thần học Dòng Tên: chúng ta đang ở thời điểm kết thúc kỷ
nguyên Constantinô và sự thực hiện của Charlemagne. Kitô giáo hiểu như bắt đầu
từ Constantinô với mối liên kết hữu cơ giữa văn hóa, chính trị, cơ chế và Hội
Thánh, Kitô giáo đó đang ở thời kết thúc. Prywara xác tín rằng – Đức Giáo hoàng
trích dẫn nhiều lần – châu Âu được sinh ra và lớn lên trong tương quan với, đồng
thời chống lại Sacrum Imperium (đế quốc thánh thiêng), vốn bắt rễ từ nỗ lực của
Charlemagne muốn tổ chức phương Tây như một quốc gia toàn trị.
Tuy nhiên sự chấm
dứt của Kitô giáo không có nghĩa là phương Tây tàn lụi nhưng nó mang trong mình
một nguồn lực thần học có tính quyết định vì sứ mệnh của Charlemagne đã chấm dứt.
Chính Chúa Kitô thực hiện công trình hoán cải này. Bức tường đã sụp đổ, bức tường
mà mãi cho đến nay đã ngăn cản Tin Mừng không vươn tới được những tầng ý thức
sâu xa nhất, và không thấm vào được tâm điểm các linh hồn[15].
Sự chấm dứt kỷ
nguyên Constantinô là “khả thể cho Hội Thánh tiếp tục bước đi trên những nẻo đường
Phúc Âm đã được khởi xướng bởi Phanxicô Assisi, Inhaxiô Loyola và Têrêxa
Lisieux, bẻ gãy hàng rào ngăn cản Phúc Âm với người nghèo, những người mà đối với
họ xem ra Kitô giáo luôn xuất hiện như hệ ý thức chính trị và bảo đảm cho sự
chiến thắng của giai cấp thống trị[16]. Tầm nhìn
này dẫn Đức Giáo hoàng đến chỗ yêu mến các Hội Thánh nhỏ bé, những Hội Thánh với
tỉ lệ Công giáo rất thấp so với dân số chung trong quốc gia. Thế nhưng những Hội
Thánh đó là hạt giống cho Hội Thánh hoàn vũ. Vì thế địa lý của Tòa Thánh – bao
gồm địa lý của Hồng y đoàn và các chuyến tông du – là địa lý mang tính mục vụ.
Do đó có sự khác
biệt rõ ràng giữa khung thần học-chính trị theo di sản Constantinô, muốn thiết
lập Vương quốc thần linh ở đây và bây giờ, với khung thần học-chính trị của Đức
Phanxicô vốn mang tính cánh chung, nghĩa là nhìn tới tương lai và tìm cách điều
hướng lịch sử tới Vương quốc Thiên Chúa, vương quốc công chính và hòa bình.
Trong khung của Constantinô, thần linh rõ ràng là phóng thể lý tưởng của quyền
lực hiện hành. Tầm nhìn đó làm phát sinh hệ ý thức chinh phục. Ngược lại, tầm
nhìn của Đức Phanxicô làm phát sinh tiến trình hội nhập.
Điều đó lại càng
đúng hơn cho ngày nay khi mà – trong một thế giới mới “vô trật tự” rất khó đoán
định – Công giáo có thể thu hút sự quan tâm về những vấn đề được cả thế giới
quan tâm như môi trường, di dân và tị nạn, tôn trọng phẩm giá con người. Ở đây
không hề là vấn đề cô lập Đức Phanxicô bằng thứ nhãn hiệu dễ dãi và hời hợt gán
cho ngài là “Giáo hoàng của Nam bán cầu”, của thế giới đang phát triển, như thể
để chống lại phương Tây tục hóa. Nhưng ngược lại, vấn đề ở đây là hiểu ra rằng
chính việc toàn cầu hóa của Hội Thánh đã làm thay đổi những vấn đề mà ở đó Công
giáo có thể tạo dấu ấn.
Ngày 9 tháng 5
năm 2016, trong một cuộc phỏng vấn của nhật báo La Croix, Đức Giáo hoàng nói về châu Âu như sau: “Vâng, châu Âu có
những cội rễ Kitô giáo. Kitô giáo có bổn phận tưới tắm những cội rễ đó, nhưng với
tinh thần phục vụ như rửa chân. Bổn phận của Kitô giáo với châu Âu là phục vụ”.
Ngài nói thêm: “Sự đóng góp của Kitô giáo cho văn hóa là sự đóng góp của Chúa
Kitô bằng việc rửa chân, nghĩa là phục vụ và hiến ban mạng sống”[17].
Và đây là sứ điệp
mạnh mẽ Đức Phanxicô gửi đến Hội Thánh Italia ở Florence năm 2015, trong bài diễn
văn dài cần được giữ gìn và chia sẻ chứ không phải để lưu trữ trong kho: “Chúng
ta sẽ không thấy được sự sung mãn của Thiên Chúa nếu không chấp nhận rằng Người
đã hủy mình ra không. Và do đó chúng ta sẽ chẳng hiểu gì hết về nhân bản Kitô
và lời lẽ của chúng ta sẽ là những lời đẹp đẽ, văn hóa cao, được chắt lọc,
nhưng không phải là những lời của đức tin, những lời làm vang lên mầu nhiệm hủy
mình ra không”[18].
Ưu phẩm của quyền
bính thiêng liêng là ưu phẩm của lòng thương xót. Một lần nữa Đức Phanxicô ngỏ
lời với các giám mục Italia: “Trước những sự ác và những vấn đề của Hội Thánh,
thật là vô ích nếu đi tìm giải pháp nơi chủ nghĩa bảo thủ và cực đoan, bằng
cách tái lập những thực hành lỗi thời và những hình thức không còn ý nghĩa.
Giáo thuyết Kitô không phải là một hệ thống khép kín, không thể nêu lên các câu
hỏi, nghi vấn, tìm kiếm; nhưng là giáo thuyết sống động, có thể khuấy động.
Giáo thuyết ấy mang một khuôn mặt sống, một thân thể chuyển động và phát triển,
giáo thuyết ấy được gọi là Đức Giêsu Kitô”.
Quyền năng của
Chúa Kitô chịu đóng đinh – và do đó quyền năng của thập giá, là quyền năng duy
nhất có thể cứu độ thế giới.
Bergoglio biết rằng
“dân tuyển chọn” cũng trở thành “phe phái” khi bước vào mạng lưới phức tạp của
những chiều kích tôn giáo, cơ chế, chính trị, khiến họ mất đi cảm thức về sự phục
vụ phổ quát và chống đối những người ở xa, những người không thuộc phe của họ,
những người bị coi là “thù nghịch”. Thuộc về một phe đương nhiên tạo nên kẻ
thù, chúng ta phải tránh cơn cám dỗ này[19]. Không có
công thức chính trị nào trực tiếp phát xuất từ Phúc Âm cả. Đàng khác, Phúc Âm
phân định và xét xử thế gian và những tiêu chuẩn của nó. Hai ví dụ: các nạn
nhân, kể cả trẻ em, phải chạy trốn đến nỗi mất mạng trên biển Địa trung hải, bị
biến thành phương thế để gây sức ép phải thay đổi các hiệp ước quốc tế; cũng
như ở biên giới Hoa kỳ- Mexicô, không thể chấp nhận việc tách ly trẻ thơ khỏi
cha mẹ chúng, dù được biện minh là phương thế răn đe việc di dân bất hợp pháp.
Tình huynh đệ nhân loại
Trong phần cuối của
những suy tư này, chúng ta trở lại với câu hỏi đã đặt ra từ đầu. Phải chăng Đức
Phanxicô loan báo và đẩy nhanh kết thúc (thế giới cũ), và hứa hẹn không tưởng về
một thế giới tương lai; hay phải chăng ngài đang thu góp những mảnh vụn của một
thế giới đang vỡ vụn? Hiển nhiên con đường của ngài không tương ứng với giả
thuyết nào. Có một nẻo đường thứ ba.
Đức Phanxicô
trình bày Hội Thánh như dấu chỉ chống đối trong một thế giới đã quá quen với
thói vô cảm. Ngài phản ứng trước hết và trên hết bằng cách xin cầu nguyện cho
thế giới và cho chính ngài. Rồi ngài phản ứng bằng cách đưa ra những hành động
mang tính sư phạm đối với những người con cái Thiên Chúa mà chưa biết mình là
con cái, do đó cũng không nhìn nhau như anh em. Ngài biết rằng sứ vụ của Hội
Thánh thuộc lãnh vực giáo dục và vì thế, cần kiên nhẫn và biết đợi chờ.
Ví dụ rõ nét cho
hành động này là cùng với Ahmed el-Tayeb, Đại Imam al-Ahzar, ký kết “Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại để phục vụ hòa bình thế giới và việc sống chung”, sự kiện
diễn ra tại Abu Dhabi ngày 4 tháng 2 năm 2019. Chúng tôi cho rằng tầm vóc của sự
kiện và tài liệu này chưa được hiểu cho thấu đáo. Trong Tài liệu đó, xuất hiện
ước muốn ngăn cản những lập trường chủ trương “thánh chiến” để đẩy nhanh tận thế,
đồng thời cũng không chỉ giới hạn liệu pháp chữa trị ở việc băng bó vá víu để
trì hoãn kết cục không thể tránh. Tài liệu này – không chỉ được ký chung nhưng
còn được Đức Giáo hoàng và Imam viết chung – không phải là tù nhân của sự vỡ mộng,
cũng không phải là tài liệu đi tìm cái không tưởng.
Tài liệu trên
trình bày thực tại thế giới là “một bối cảnh toàn cầu bị che phủ bởi sự bất định,
vỡ mộng, sợ hãi tương lai, và được điều hành bởi những lợi ích kinh tế ngắn hạn”.
Hai nhà lãnh đạo lên tiếng “nhân danh Thiên Chúa” nhưng các ngài không trực tiếp
đưa ra những tiền đề thần học đối xứng. Thay vào đó, các ngài khởi đi từ kinh
nghiệm gặp gỡ và từ thực tế là phát xuất từ niềm tin vào Thiên Chúa, các ngài
đã chia sẻ với nhau nhiều lần về “những niềm vui, nỗi buồn và những vấn đề của
thế giới hiện nay”. Và đây là điều đúc kết: “Đức tin dẫn tín hữu đến chỗ nhìn
thấy nơi người khác một người anh em, chị em cần được yêu thương và nâng đỡ.
Qua niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ, các thụ tạo và loài người
(bình đẳng trên nền tảng của lòng thương xót), các tín hữu được kêu gọi diễn tả
tình huynh đệ nhân loại bằng cách gìn giữ tạo thành và toàn thể vũ trụ và nâng
đỡ tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất và cần được giúp đỡ nhất”.
Tài liệu can đảm
đối diện với thách đố của “căn bệnh tôn giáo”, tức là biến sự thánh thiện thành
công cụ phục vụ cho hoạt động chính trị như là chính nghĩa thánh thiêng. Dưới
hình thức cực đoan và bạo lực nhất, căn bệnh này thúc đẩy các tín đồ đến chỗ “tạo
dựng” thế giới mới bằng bạo lực. Bằng cách đó, Tài liệu phi bác tầm nhìn tận thế
làm phát sinh khủng bố như khí cụ thực hiện thánh ý Thiên Chúa, được hiểu như sự
hủy diệt (thế giới). Thật vậy, đây là điểm cốt lõi của chủ nghĩa khủng bố nhân
danh tôn giáo. Cùng nhau, Đức Phanxicô và el-Tayeb cho thấy luận điệu tệ hại của
tầm nhìn này và cương quyết lôi tôn giáo ra khỏi đó.
Sự nhìn nhận tình
huynh đệ này được đặt nền trên tính siêu việt và niềm tin vào Thiên Chúa (do đó
mang ý nghĩa theo chiều dọc chứ không chỉ là chiều ngang). Đối với hai nhà lãnh
đạo đã ký kết, con người không tự cứu chính mình, như nền đạo đức thế tục chủ
trương. Tình huynh đệ không chỉ thuần túy là tình cảm hay xúc cảm, cũng không
chỉ là mệnh lệnh “Hãy yêu thương nhau”, cho dù quan trọng. Nhưng đó là sứ điệp
mạnh mẽ, mang cả giá trị chính trị. Từ đó, không phải ngẫu nhiên khi Tài liệu
trình bày suy tư về “quyền công dân”: tất cả chúng ta là anh chị em, do đó mọi
công dân đều có quyền và bổn phận như nhau, mọi người đều được đối xử công bằng.
Việc nói về “quyền công dân” như thế sẽ đẩy xa bóng ma ngày tận thế và những giải
pháp chính trị được đưa ra để tránh điều tệ hại nhất. Ý tưởng về “nhóm thiểu số”
sẽ không còn, ý tưởng vốn hàm chứa bên trong mầm mống của chủ nghĩa bộ tộc và sự
thù nghịch, chỉ nhìn thấy trên gương mặt người khác mặt nạ của kẻ thù.
Do đó sứ điệp này
mang tầm vóc toàn cầu: trong thời đại được ghi dấu bằng những bức tường, thù hận
và sợ hãi, sứ điệp này lật đổ lô-gích thế tục chủ trương xung đột là cần thiết.
Đức Giáo hoàng diễn tả điều này cách rõ ràng trong Sứ điệp ngày Hòa bình thế giới
2020: “Sợ hãi thường là nguồn của xung đột”; “bất tín và sợ hãi làm gia tăng
tính mong manh của những quan hệ và nguy cơ bạo lực”. Chúng ta phải bẻ gãy “thứ
lô-gích chết người đó”. Cách tiếp cận của Đức Phanxicô làm đảo lộn những thứ thần
học chính trị (tập trung vào tận thế) đang trải rộng cả trong Hồi giáo lẫn Kitô
giáo. Chưa phải là hết. Không hẳn là tình cờ khi Đức Phanxicô trích dẫn Tài liệu
Abu Dhabi 4 lần trong chuyến thăm Thái Lan và Nhật Bản. Ngài cũng trao Sứ điệp
đó cho Hòa thượng Phật giáo ở Bangkok, trích dẫn ở Hiroshima, nơi bom nguyên tử
đã hủy diệt biết bao người. Và đã có những âm vang đón nhận, hài hòa với Tài liệu
từ phía Phật giáo, Ấn giáo và Sikh.
***
Chúng tôi mở đầu
bài viết bằng hình ảnh bức tường Bá Linh và kết thúc bằng hình ảnh bom nguyên tử
ở Hiroshima. Hướng đi phải có để tránh thảm họa tận thế đã được khai triển. Nền
tảng của mọi sự nằm trong một câu của Tài liệu Abu Dhabi: “Đức tin dẫn các tín
hữu đến chỗ nhìn thấy nơi người khác một người anh em, chị em cần được nâng đỡ
và yêu thương”. Tình huynh đệ là thách thức đích thực cho chủ trương tận thế.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 117 (tháng 3 & 4 năm 2020)
[2] Francis, “Our little path:
Pope Francis meets the Jesuits in Thailand and Japan”;
http://www.laciviltacattolica.com
[3] Lần đầu tiên Đức Phanxicô
dùng cụm từ “bệnh viện dã chiến” để nói về Hội Thánh là trong cuộc phỏng vấn
tôi thực hiện vào đầu triều Giáo hoàng của ngài: A. Spadaro, “Intervista a Papa
Francesco” in Civ.Catt. 2013 III
449-477.
[5] Đây là luận đề của các tác
giả như Rod Dreher mà chúng tôi bàn đến trong A. Lind, “The Benedict Option:
What is the role for Christians in society today?” in Civ. Catt. En. 2018.
[8] P.Ferrara, Il mondo di
Francesco. Bergoglio e la politica internazionale, Cinisello Balsamo, San
Paolo, 2016, 21.
[9] Cf. Francis, Diễn văn trước
các tham dự viên Hội nghị quốc tế về hòa bình, Cairo, April 28, 2017.
[15] Cf. G.Zamagni, “Tra
Costantino e Hitler. L’Europa di Friedrich Heer”, Fine dell’era costantiniana. Retrospettiva genealogica di un concerto
critico, Bologna, il Mulimo 2012, 55-57.
[16] E. Prywara, L’idea d’Europa. La crisi di ogni politica
cristiana, Trapani, II Pozzo di Giabbcobe, 2013, 55.