VĂN KIỆN
VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ NHÂN LOẠI
VÌ HÒA BÌNH THẾ GIỚI VÀ CHUNG SỐNG

Bản dịch của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

LỜI GIỚI THIỆU

Đức tin dẫn các tín hữu đến chỗ nhìn thấy nơi người khác là người anh chị em cần được hỗ trợ và được yêu thương. Qua niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã tạo thành vũ trụ, các loài thụ tạo và tất cả nhân loại bình đẳng do lòng thương xót của Ngài, các tín hữu được kêu gọi bày tỏ tình huynh đệ nhân loại này bằng cách bảo vệ tạo thành và toàn bộ vũ trụ, và hỗ trợ tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất và những người thiếu thốn nhất.

Giá trị siêu việt này được dùng làm điểm khởi đầu cho nhiều cuộc gặp gỡ với một bầu khí thân thiện và huynh đệ, nơi chúng ta chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và những vấn đề về thế giới hiện đại của chúng ta. Chúng ta đã làm điều này bằng cách xem xét sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật, những thành tựu trị liệu, kỷ nguyên số, các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông. Chúng ta đã suy tư về mức độ nghèo đói, xung đột và đau khổ của rất nhiều anh chị em ở những nơi khác nhau trên thế giới như hậu quả của cuộc chạy đua vũ trang, bất công xã hội, tham nhũng, bất bình đẳng, suy đồi đạo đức, khủng bố, phân biệt đối xử, cực đoan và nhiều nguyên nhân khác.

Từ các cuộc thảo luận huynh đệ và cởi mở của chúng ta, và từ cuộc gặp gỡ diễn tả niềm hy vọng sâu sắc vào một tương lai tươi sáng cho tất cả nhân loại, ý tưởng về một Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại đã được hình thành.

Đây là một văn bản đã được suy nghĩ trung thực và nghiêm túc để trở thành một tuyên bố chung của những khát vọng tốt lành và chân thành. Đây là một văn kiện mời gọi tất cả những người có niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào tình huynh đệ nhân loại liên kết và cùng nhau làm việc, để có thể phục vụ như một hướng dẫn cho các thế hệ tương lai nâng cao văn hóa tôn trọng lẫn nhau trong nhận thức về ân sủng thiêng liêng tuyệt vời, làm cho tất cả mọi người trở thành anh chị em.

VĂN KIỆN

Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra tất cả loài người bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và phẩm giá, và đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em để phủ đầy trái đất và làm cho những giá trị của sự tốt lành, tình yêu và hòa bình được biết đến;

Nhân danh sự sống con người vô tội mà Thiên Chúa đã cấm sát hại, khẳng định rằng bất cứ ai giết chết một con người thì giống như một người giết chết cả nhân loại, và bất cứ ai cứu một người cũng giống như một người cứu cả nhân loại;

Nhân danh người nghèo, người nghèo khổ, người bị gạt ra bên lề xã hội và những người thiếu thốn nhất mà Chúa đã truyền cho chúng ta giúp đỡ như một nghĩa vụ đòi hỏi tất cả mọi người, đặc biệt là những người giàu có và có phương tiện;

Nhân danh trẻ mồ côi, góa phụ, người tị nạn và những người bị lưu đày khỏi nhà và đất nước của họ; nhân danh tất cả nạn nhân chiến tranh, đàn áp và bất công; nhân danh kẻ yếu, người sống trong sợ hãi, tù binh chiến tranh và những người bị tra tấn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, không có sự phân biệt;

Nhân danh những người đã bị mất an ninh, hòa bình và khả thể chung sống, trở thành nạn nhân của sự hủy diệt, thiên tai và chiến tranh; nhân danh tình huynh đệ nhân loại bao trùm mọi người, liên kết họ lại và làm cho họ bình đẳng;

Nhân danh tình huynh đệ này bị xé nát bởi các chính sách của chủ nghĩa cực đoan và chia rẽ, bởi các hệ thống lợi nhuận không cùng hoặc bởi khuynh hướng ý thức hệ hận thù thao túng các hành động và tương lai của những người nam và nữ;

Nhân danh tự do mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại khi tạo dựng họ được tự do và phân biệt họ bằng món quà này.

Nhân danh công lý và lòng thương xót, nền tảng của sự thịnh vượng và viên đá góc của đức tin;

Nhân danh tất cả những người thiện chí hiện diện ở mọi nơi trên thế giới;

Nhân danh Thiên Chúa và mọi điều đã phát biểu cho đến nay; Al-Azhar al-Sharif và người Hồi giáo Đông và Tây, cùng với Giáo hội Công giáo và Công giáo Đông phương và Tây phương, tuyên bố việc chấp nhận văn hóa đối thoại như con đường; hợp tác với nhau là quy tắc ứng xử; hiểu biết nhau là phương pháp và tiêu chuẩn.

Chúng tôi, những người tin vào Chúa và tin vào cuộc gặp gỡ cuối cùng với Ngài và sự phán xét của Ngài, trên nền tảng trách nhiệm tôn giáo và đạo đức của chúng tôi và thông qua Văn kiện này, kêu gọi chính chúng tôi, các nhà lãnh đạo thế giới cũng như các nhà thiết kế chính sách quốc tế và kinh tế thế giới, hãy làm việc hết sức cố gắng để truyền bá văn hóa khoan dung và chung sống hòa bình; can thiệp sớm nhất để ngăn chặn sự đổ máu người vô tội và chấm dứt chiến tranh, xung đột, hủy hoại môi trường và sự suy giảm đạo đức và văn hóa mà thế giới hiện đang trải qua.

Chúng tôi kêu gọi các nhà trí thức, triết gia, nhân vật tôn giáo, nghệ sĩ, chuyên gia truyền thông và các nhà văn hóa ở mọi nơi trên thế giới, hãy khám phá lại các giá trị của hòa bình, công lý, sự tốt lành, vẻ đẹp, tình huynh đệ nhân loại và cùng tồn tại để khẳng định tầm quan trọng của những giá trị này như mỏ neo của sự cứu rỗi cho tất cả mọi người, và để thúc đẩy những giá trị đó ở khắp mọi nơi.

Khởi đi từ sự xem xét sâu sắc về thực tế hiện nay của chúng ta, định giá những thành công và liên đới với sự đau khổ, những thảm họa và thiên tai của nó. Tuyên bố này tin chắc rằng trong số những nguyên nhân quan trọng nhất của các cuộc khủng hoảng của thế giới hiện đại là một lương tâm con người kém nhạy cảm, một sự xa cách với các giá trị tôn giáo và chủ nghĩa cá nhân thịnh hành kèm theo triết học duy vật, thần thánh hóa con người và coi những giá trị trần tục và vật chất như những nguyên lý tối thượng và siêu việt.

Trong khi nhìn nhận những bước tích cực của nền văn minh hiện đại của chúng ta trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y học, công nghiệp và phúc lợi, đặc biệt là ở các nước phát triển, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, gắn liền với những tiến bộ lịch sử tuyệt vời và có giá trị như thế, lại tồn tại cùng lúc sự suy đồi đạo đức ảnh hưởng đến hành động quốc tế và suy yếu những giá trị tinh thần và trách nhiệm. Tất cả những điều này góp phần tạo nên một cảm giác thất vọng, cô lập và tuyệt vọng khiến nhiều người hoặc rơi vào vòng xoáy của chủ nghĩa vô thần, bất khả tri hay cực đoan tôn giáo, hoặc rơi vào chủ nghĩa cực đoan mù quáng và cuồng tín, cuối cùng khuyến khích các hình thức lệ thuộc và tự hủy hoại cá nhân hoặc tập thể.

Lịch sử cho thấy chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa cực đoan quốc gia và cả sự không khoan dung đã tạo ra trên thế giới, ở Đông hoặc Tây, những gì có thể được gọi là dấu hiệu của “chiến tranh thế giới thứ ba đang tiến hành bằng những trận chiến nhỏ”. Ở một số nơi trên thế giới và trong nhiều hoàn cảnh bi thảm, những dấu hiệu này đã bắt đầu rõ ràng một cách đau đớn, như trong những tình huống mà số lượng chính xác của nạn nhân, góa phụ và trẻ mồ côi không được rõ. Ngoài ra, chúng ta thấy, các khu vực khác chuẩn bị trở thành sân khấu của những xung đột mới, với sự bùng nổ căng thẳng và thu tích vũ khí và đạn dược, và tất cả điều này trong bối cảnh toàn cầu bị lu mờ bởi sự không chắc chắn, vỡ mộng, sợ hãi về tương lai và bị kiểm soát bởi lợi ích kinh tế hẹp hòi.

Chúng tôi cũng khẳng định rằng các cuộc khủng hoảng chính trị lớn, các tình huống bất công và thiếu công bằng trong phân phối tài nguyên thiên nhiên - điều mà chỉ một nhóm thiểu số giàu có được hưởng lợi, gây thiệt hại cho phần lớn các dân tộc trên trái đất - đã tạo ra, và tiếp tục tạo ra vô số người nghèo, bệnh tật và người chết. Điều này dẫn đến những cuộc khủng hoảng thảm khốc mà nhiều quốc gia khác nhau đã trở thành nạn nhân, mặc dù tài nguyên thiên nhiên của họ và sự tháo vát của những người trẻ tuổi đặc trưng cho các quốc gia này. Trước những khủng hoảng dẫn đến cái chết của hàng triệu trẻ em như thế, - do nghèo đói - lại là một sự im lặng không thể chấp nhận được ở cấp độ quốc tế.

Rõ ràng trong bối cảnh này, làm thế nào gia đình vốn là hạt nhân cơ bản của xã hội và nhân loại, có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc đưa trẻ em vào thế giới, nuôi dạy chúng, giáo dục chúng và cung cấp cho chúng sự huấn luyện đạo đức vững chắc và an toàn trong nước. Tấn công cơ cấu gia đình, nhìn gia đình với sự khinh thường hoặc nghi ngờ vai trò quan trọng của nó, là một trong những sự dữ đe dọa nhất trong thời đại của chúng ta.

Chúng tôi cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thức tỉnh nhận thức tôn giáo và sự cần thiết phải làm sống lại nhận thức này trong tâm hồn của các thế hệ mới, thông qua giáo dục vững chắc và tuân thủ các giá trị đạo đức và những huấn giáo tôn giáo ngay thẳng. Bằng cách này, chúng ta có thể đối mặt với những khuynh hướng cá nhân, ích kỷ, mâu thuẫn và cũng giải quyết chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa cực đoan mù quáng dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó.

Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của các tôn giáo là tin vào Thiên Chúa, tôn vinh Ngài và mời tất cả người nam và nữ tin rằng vũ trụ này tùy thuộc vào một vị Thiên Chúa Đấng cai quản nó. Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng đã hình thành chúng ta với sự khôn ngoan thiêng liêng của Ngài và đã ban cho chúng ta món quà sự sống để bảo vệ nó. Đó là một món quà mà không ai có quyền lấy đi, đe dọa hoặc thao túng để phù hợp với chính mình. Thật vậy, mọi người phải bảo vệ món quà sự sống này từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc tự nhiên. Do đó, chúng tôi lên án tất cả những hành vi đe dọa đến sự sống như diệt chủng, hành vi khủng bố, cưỡng bức di dời, buôn người, phá thai và trợ tử. Chúng tôi cũng lên án các chính sách thúc đẩy các thực hành này.

Hơn nữa, chúng tôi kiên quyết tuyên bố rằng các tôn giáo không bao giờ được kích động chiến tranh, thái độ thù hận, thù địch và cực đoan, cũng không được kích động bạo lực hoặc đổ máu. Những thực tại bi thảm này là hậu quả của việc làm sai lệch những giáo huấn tôn giáo. Chúng là kết quả của sự thao túng chính trị các tôn giáo và từ những diễn giải của các nhóm tôn giáo, trong quá trình lịch sử, đã lợi dụng sức mạnh của tình cảm tôn giáo trong tâm hồn của những người nam và nữ để thúc đẩy họ hành động theo cách thế không liên quan gì đến chân lý tôn giáo. Điều này được thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu chính trị, kinh tế, thế giới và thiển cận. Vì vậy chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng sử dụng các tôn giáo để kích động hận thù, bạo lực, cực đoan và cuồng tín mù quáng, và kiềm chế sử dụng tên của Thiên Chúa để biện minh cho các hành vi giết người, lưu đày, khủng bố và áp bức. Chúng tôi yêu cầu điều này trên cơ sở niềm tin chung của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng không tạo ra những người nam và nữ để bị giết hoặc để đánh nhau, cũng không để bị tra tấn hoặc bị làm nhục trong cuộc sống và hoàn cảnh của họ. Thiên Chúa, Đấng toàn năng, không cần phải được bảo vệ bởi bất cứ ai và không muốn Danh của Ngài bị sử dụng để khủng bố người dân.

Văn kiện này, phù hợp với các Tài liệu quốc tế trước đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng về vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng hòa bình thế giới, đề cao những điều sau đây:

Xác tín rằng những giáo huấn đích thực của các tôn giáo mời chúng ta tiếp tục cắm rễ nơi các giá trị của hòa bình; bảo vệ các giá trị của sự hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ nhân loại và chung sống hài hòa; thiết lập lại sự khôn ngoan, công bằng và tình yêu; và đánh thức lại nhận thức tôn giáo trong giới trẻ để các thế hệ tương lai có thể được bảo vệ khỏi lãnh vực tư duy duy vật và khỏi các chính sách nguy hiểm của lòng tham không kiềm chế và sự thờ ơ dựa trên luật của sức mạnh chứ không dựa trên sức mạnh của luật;

- Tự do là quyền của mỗi người: mỗi cá nhân được hưởng tự do tín ngưỡng, suy nghĩ, biểu đạt và hành động. Đa nguyên và sự đa dạng của các tôn giáo, màu da, giới tính, chủng tộc và ngôn ngữ là do Thiên Chúa muốn theo sự khôn ngoan của Ngài, qua đó Ngài tạo ra con người. Sự khôn ngoan thần linh này là nguồn gốc phát sinh quyền tự do tín ngưỡng và tự do trong khác biệt. Do đó, việc mọi người buộc phải tuân thủ một tôn giáo hoặc văn hóa nào đó nhất định phải bị từ chối, cũng như việc áp đặt lối sống văn hóa mà người khác không chấp nhận;

- Công lý dựa trên lòng thương xót là con đường phải theo để đạt được một cuộc sống xứng đáng mà mỗi con người đều có quyền;

- Đối thoại, hiểu biết và thúc đẩy rộng rãi văn hóa khoan dung, chấp nhận người khác và chung sống hòa bình sẽ góp phần đáng kể vào việc làm giảm thiểu nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường đè nặng lên một phần lớn nhân loại;

- Đối thoại giữa các tín đồ có nghĩa là đến với nhau trong không gian rộng lớn của tinh thần, nhân loại, các giá trị xã hội được chia sẻ và, từ đây, truyền tải những đức tính đạo đức cao nhất mà các tôn giáo hướng tới. Nó cũng có nghĩa là tránh các cuộc tranh luận không hiệu quả;

- Việc bảo vệ nơi thờ cúng - các hội đường, nhà thờ và đền thờ Hồi giáo - là một nghĩa vụ được bảo đảm bởi các tôn giáo, giá trị con người, luật pháp và các thỏa thuận quốc tế. Mọi nỗ lực tấn công các nơi thờ cúng hoặc đe dọa nó bằng các cuộc tấn công, đánh bom hoặc phá hủy, là một sự sai lệch khỏi các huấn giáo của các tôn giáo cũng như một sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế;

- Chủ nghĩa khủng bố là điều tệ hại và đe dọa an ninh của người dân, dù là ở phương Đông hay phương Tây, miền Bắc hay miền Nam, và truyền bá sự hoảng loạn, khủng bố và bi quan, nhưng điều này không phải do tôn giáo, ngay cả khi những kẻ khủng bố dùng tôn giáo làm công cụ. Đúng hơn, đó là do sự tích lũy những diễn giải không chính xác về các nội dung tôn giáo và do các chính sách liên quan đến đói nghèo, bất công, áp bức và kiêu hãnh. Đây là lý do tại sao cần phải ngừng hỗ trợ các phong trào khủng bố được thúc đẩy bằng tài chính, cung cấp vũ khí và chiến lược và bằng cố gắng biện minh cho các phong trào này kể cả qua các phương tiện truyền thông. Tất cả những điều này phải bị coi là tội phạm quốc tế đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Chủ nghĩa khủng bố như vậy phải bị lên án dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó;

- Khái niệm quyền công dân được đặt nền trên sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, theo đó tất cả đều được hưởng công lý. Do đó, điều quan trọng là phải thiết lập trong xã hội của chúng ta khái niệm công dân đầy đủ và từ chối việc sử dụng cách phân biệt từ ngữ “dân thiểu số” gây ra cảm giác cô lập và thấp kém. Sự lạm dụng của nó mở đường cho sự thù địch và bất hòa; hủy bỏ bất cứ thành công nào và lấy đi quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân bị phân biệt đối xử;

- Quan hệ tốt giữa Đông và Tây là điều cần thiết không thể chối cãi cho cả hai. Không được coi thường quan hệ này, để mỗi bên có thể được làm giàu bởi nền văn hóa của bên kia thông qua trao đổi và đối thoại hiệu quả. Phương Tây có thể khám phá ở phương Đông phương thuốc cho những bệnh tật tâm linh và tôn giáo bị gây ra bởi một chủ nghĩa duy vật thịnh hành. Và phương Đông có thể tìm thấy ở phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải thoát khỏi sự yếu kém, chia rẽ, xung đột và sự suy giảm khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Điều quan trọng là phải chú ý đến sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử là một thành phần quan trọng trong việc hình thành tính cách, văn hóa và văn minh của phương Đông. Điều quan trọng tương tự là củng cố sự ràng buộc của các quyền cơ bản của con người để giúp bảo đảm một cuộc sống xứng đáng cho tất cả người nam và nữ của Đông và Tây, tránh nền chính trị theo tiêu chuẩn kép;

- Đòi hỏi thiết yếu là phải công nhận quyền của phụ nữ được giáo dục và làm việc, và công nhận quyền tự do của họ để thực hiện các quyền chính trị của riêng họ. Hơn nữa, những nỗ lực phải được thực hiện để giải phóng phụ nữ khỏi những điều kiện lịch sử và xã hội đi ngược lại với các nguyên tắc của đức tin và nhân phẩm của họ. Cũng cần phải bảo vệ phụ nữ khỏi bị khai thác tình dục và không bị đối xử như hàng hóa hoặc như đồ vật giải trí hoặc lợi ích tài chính. Theo đó, phải chấm dứt tất cả những hành vi vô nhân đạo và thô tục hạ thấp phẩm giá của phụ nữ. Phải nỗ lực để sửa đổi những luật lệ ngăn cản phụ nữ được hưởng đầy đủ các quyền của họ;

- Việc bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em được lớn lên trong môi trường gia đình, được dinh dưỡng, giáo dục và hỗ trợ, là nhiệm vụ của gia đình và xã hội. Những nhiệm vụ như vậy phải được bảo đảm và được bảo vệ để chúng không bị bỏ qua hoặc bị từ chối đối với bất kỳ trẻ em nào ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tất cả những hành vi vi phạm nhân phẩm và quyền của trẻ em phải bị tố cáo. Điều quan trọng không kém là phải cảnh giác trước những nguy hiểm mà chúng phải đối mặt, đặc biệt là trong thế giới kỹ thuật số, và coi như là một tội ác, việc buôn bán sự vô tội của chúng và tất cả các vi phạm đến tuổi trẻ của chúng;

- Bảo vệ quyền của người già, người yếu, người tàn tật và người bị áp bức là nghĩa vụ tôn giáo và xã hội phải được bảo đảm và được bảo vệ thông qua luật pháp nghiêm ngặt và việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế có liên quan.

Hướng đến mục đích này qua sự hợp tác lẫn nhau, Giáo hội Công giáo và Al-Azhar tuyên bố và cam kết truyền đạt Văn kiện này đến các chính quyền, các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng, những người có tôn giáo trên toàn thế giới, các tổ chức khu vực và quốc tế thích hợp, các tổ chức trong xã hội dân sự, các tổ chức tôn giáo và các nhà tư tưởng hàng đầu. Chúng tôi cũng cam kết làm cho các nguyên tắc trong Tuyên bố này được biết đến ở tất cả các cấp khu vực và quốc tế, đồng thời yêu cầu các nguyên tắc này được chuyển thành các chính sách, quyết định, văn bản lập pháp, các khóa học và tài liệu được lưu hành.

Al-Azhar và Giáo hội Công giáo yêu cầu Văn kiện này trở thành đối tượng nghiên cứu và suy tư trong tất cả các trường học, trường đại học và viện đào tạo, do đó giúp giáo dục các thế hệ mới để mang lại sự tốt lành và hòa bình cho người khác, và là những người bảo vệ mọi nơi về quyền lợi của những người bị áp bức và người nhỏ bé nhất trong anh chị em chúng ta.

Tóm lại, nguyện vọng của chúng tôi là:

Tuyên bố này mong muốn tạo thành một lời mời hòa giải và tình huynh đệ giữa tất cả các tín hữu, giữa các tín hữu và những người ngoại giáo, và giữa mọi người thiện chí;

Tuyên bố này mong muốn là một lời kêu gọi đối với mọi lương tâm ngay thẳng từ chối bạo lực đáng trách và chủ nghĩa cực đoan mù quáng; một lời kêu gọi đối với những người trân trọng các giá trị của lòng khoan dung và tình huynh đệ được các tôn giáo thúc đẩy và khuyến khích;

Tuyên ngôn này làm chứng cho sự vĩ đại của đức tin vào Thiên Chúa kết hợp những tấm lòng bị chia rẽ và nâng cao tâm hồn con người;

Tuyên bố này mong muốn là một dấu hiệu của sự gần gũi giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, và giữa tất cả những người tin rằng Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta để hiểu biết nhau, hợp tác với nhau và sống như anh chị em yêu thương nhau.

Đây là những gì chúng tôi hy vọng và tìm cách đạt được với mục đích tìm kiếm một nền hòa bình phổ quát mà tất cả mọi người có thể tận hưởng trong cuộc sống này.

Abu Dhabi, 4/2/2019

Đức Thánh Cha                        Đại Imam của Al-Azhar
Phanxicô                                  Ahmad Al-Tayyeb

WHĐ (11.7.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 113 (tháng 7 & 8 năm 2019)