TẦM QUAN TRỌNG CỦA THÁNH GIUSE
Tác giả:
Linh mục Johann Roten, Dòng Mẹ Maria (SM)
Chuyển ngữ:
Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: udayton.edu
WHĐ (9.2.2021) – Lễ Thánh Giuse được nhắc đến lần đầu tiên trong lịch phụng vụ
Coptic vào thế kỷ thứ năm, và xuất hiện trong lịch Pháp vào ngày 19 tháng Ba (lần
đầu tiên) vào khoảng năm 800.
Sự có mặt của Thánh Giuse
trong câu chuyện Chúa Giáng Sinh là một nét quen thuộc trong mỗi khung cảnh
Giáng Sinh. Nhưng trong nhiều thế kỷ, Giáo Hội ít chú ý đến Ngài. Điều này đặc
biệt rõ ràng so với mối quan tâm đặc biệt đối với vai trò của Đức Maria trong kế
hoạch cứu độ. Mặc dù Giáo Hội khá nôn nóng nhấn mạnh tình phụ tử thiêng liêng của
Chúa Giêsu đến nỗi Thánh Giuse, người cha thay thế, đã bị quên lãng trong vùng
đất bóng tối. Chỉ đến thế kỷ XVI, việc khuyến khích sùng kính Ngài mới chính thức
được mở rộng. Vào khoảng thời gian đó, Thánh Giuse bắt đầu có mặt rộng rãi hơn
trong việc rao giảng cho giới bình dân như một người lý tưởng trong việc “nuôi
nấng và bảo vệ”. Năm 1870, Đức Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ của
Giáo hội Hoàn vũ.
Con người của Thánh Giuse, bạn
trăm năm của Đức Maria, là câu đố cho các nhà chú giải nhưng lại là niềm vui mừng
các nhà linh đạo. Các nhà chú giải vật lộn với con người của Ngài: Thánh Giuse lớn tuổi hơn Mẹ Maria, kết hôn trước
khi Ngài gặp Mẹ Maria, với bao nhiêu đứa con từ cuộc hôn nhân trước, và Chúa
Giêsu bao nhiêu tuổi khi Thánh Giuse qua đời? Các nhà chú giải vật lộn với nguồn gốc của Thánh Giuse: Ngài quê ở
Bêlem hay Nadarét; Ngài đã cùng gia đình chuyển từ Nadarét đến Bêlem, hay từ
Bêlem đến Nadarét? Một vấn đề khác giữa các nhà chú giải là tính cách của Thánh Giuse, và đặc biệt
là phản ứng của Ngài đối với việc mang thai của Mẹ Maria: Ngài nghi ngờ Mẹ
Maria không chung thủy; Ngài có phải là một người đàn ông nhân hậu và mong muốn
không để Mẹ Maria xấu hổ không; Ngài có biết về sự thụ thai đồng trinh và cảm
thấy không tương xứng với mầu nhiệm kỳ diệu đó; có phải Ngài tôn trọng lề luật
Cựu ước nhưng không muốn công khai vạch trần Đức Maria không? Cuối cùng, các
nhà chú giải phải vật lộn với gia phả
của Thánh Giuse. cha của Ngài là Giacóp, như được chỉ ra trong Mátthêu, hay là
Hêli, theo gợi ý của Luca?
Trong Tông huấn của mình Redemptoris Custos – Đấng Bảo Vệ Chúa Cứu Thế,
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cẩn thận tránh suy đoán về những chi tiết cụ
thể về tiểu sử và cuộc sống hàng ngày của Thánh Giuse. Tuy nhiên, Đức Giáo
Hoàng đưa ra nhiều hiểu biết liên quan đến mối quan hệ giữa Thánh Giuse và Mẹ
Maria. Sức mạnh của thông điệp của Đức Giáo Hoàng là mối tương quan giữa Đức
Maria và Thánh Giuse về cơ bản được tìm thấy trong ơn gọi chung của các ngài là
tận hiến cho Hài Nhi Thiên Chúa.[1]
Mặt khác, Thánh Giuse là một
trong những vị thánh bình dân nhất của thời hiện đại, đặc biệt là từ thời kỳ
sau cải cách. Ngài là vị thánh bảo trợ của nhiều quốc gia, chẳng hạn như Áo,
Canada, Mexico và Peru, và vì nhiều lý do: Ngài là vị thánh bảo trợ cho ơn chết
lành, sự trong trắng, trẻ mồ côi, hôn nhân và gia đình, người ở trọ và chủ nhà
trọ, người tị nạn, người gây quỹ, thợ mộc và tiều phu.
Các thánh và các nhà linh đạo
đã có ảnh hưởng trong việc đổi mới và làm sâu sắc thêm sự chú trọng đến Thánh
Giuse bằng lòng sùng kính và hiểu biết cá nhân của họ. Trong số này có Thánh Têrêsa Avila, Phanxicô Salêsiô và
Bernadette. Chúng ta hãy xem xét điều sau đây của Thánh Phanxicô Salêsiô: “Tôi không thấy gì ngọt ngào đối với trí tưởng
tượng của tôi hơn là được nhìn thấy trẻ thơ Giêsu trong vòng tay của vị thánh cả
này, kêu Ngài bằng những lời trẻ thơ cùng với một tấm lòng hiếu thảo và yêu
thương tuyệt đối”[2]. Nhà chú giải nào có thể bác bỏ lời suy niệm
này? Hoặc chúng ta hãy lấy lời cầu thay nguyện giúp này từ Bài thánh ca Akathistos[3].
Điều đó cho thấy một sự kết hợp tuyệt vời giữa sự nghi vấn ngay thật với lời ngợi
ca hành động siêu nhiên của Thiên Chúa:
“Lòng đầy hoang mang với những ý nghĩ nghi ngờ, Giuse khôn ngoan đã vô
cùng bối rối: Ngài luôn nhìn Mẹ như một trinh nữ, và bây giờ Ngài nghi ngờ Mẹ,
hỡi Đấng vô tội! Nhưng khi biết rằng sự thụ thai của Mẹ là bởi Chúa Thánh Thần,
Ngài kêu lên: Alleluia – Mừng vui lên”.
Lời Alleluia này tự nó là bằng chứng đầy đủ về sự thánh thiện tinh tế của
Thánh Giuse. Thánh Giuse quả là một vị thánh mạnh mẽ. Sự thánh thiện của Ngài có ba tầng
lớp bởi vì theo một nghĩa nào đó, sự thánh thiện này vừa có phần đóng góp vừa bao
gồm sự thánh thiện của cả Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đó là sự thánh thiện của
Thánh Gia.
Câu chuyện dân gian sau đây tại
thành phố Verona, nước Ý, nhấn mạnh ý tưởng này và nhắc nhở chúng ta một cách
hóm hỉnh về chỗ dựa vững chắc nơi vị thánh khiêm tốn này.
Xưa có một người tận hiến
riêng cho Thánh Giuse. Người đó dành hết mọi lời cầu nguyện của mình cho Thánh
Giuse, thắp nến tri ân Thánh Giuse, bố thí nhân danh Thánh Giuse; tóm lại, ông
không đến với thánh nào khác ngoài Thánh Giuse. Ngày hấp hối của ông đã đến, và
ông ra trước Thánh Phêrô. Thánh Phêrô từ chối cho ông vào thiên đàng, vì điều
duy nhất khiến ông có công nghiệp chỉ là những lời cầu nguyện mà ông đã cầu
trong suốt cuộc đời của mình với Thánh Giuse.
Người sùng kính Thánh Giuse
nói, “Vì con đã đến tận đây, ít nhất xin
hãy cho con gặp Ngài”.
Vì vậy, Thánh Phêrô đã cho
người đi mời Thánh Giuse. Thánh Giuse đến và thấy người sùng mộ mình đang ở đó,
Thánh Giuse nói: “Hoan hô. Vào ngay đi”.
“Con không được vào. Thánh Phêrô không cho phép con vào; vì Thánh Phêrô
nói rằng con chỉ cầu nguyện với Thánh Giuse mà không cầu nguyện với một vị
thánh nào khác”.
Thánh Giuse trả lời.
“Điều đó thì có gì khác đâu? Cũng vậy thôi mà, thôi cứ vào đi!”
Nhưng Thánh Phêrô vẫn tiếp tục
cản đường. Một cuộc tranh cãi lớn xảy ra sau đó, và cuối cùng Thánh Giuse nói với
Thánh Phêrô:
“Hoặc là ông bạn cho anh ta vào, hoặc tôi sẽ dẫn Vợ tôi, Con Trai tôi và
tôi sẽ chuyển Thiên Đàng đi một nơi khác”.
Đức Thánh Cha Phanxicô, vào
ngày 19 tháng Ba năm 2020, đã mời gọi các tín hữu khẩn cầu với thánh Giuse, đấng
bảo vệ các gia đình:[4]
Lạy thánh Giuse, đấng bảo vệ gìn giữ, xin bảo vệ đất nước chúng con.
Xin soi sáng cho những người chịu trách nhiệm về công ích để họ biết,
như Cha, chăm sóc cho những người được ủy thác cho trách nhiệm của họ.
Xin ban trí thông minh khoa học cho những người đang tìm các phương thức
phù hợp cho sức khỏe và thiện ích thể lý của các anh chị em.
Xin nâng đỡ những ai đang hy sinh vì những người nghèo khổ: các tình
nguyện viên, các y tá bác sĩ, những người ở tuyến đầu chăm sóc cho các bệnh
nhân, thậm chí với giá là sự an toàn của chính họ.
Lạy thánh Giuse, xin chúc lành cho Giáo hội: từ các thừa tác viên của
Giáo hội, xin làm cho Giáo hội trở thành dấu chỉ và dụng cụ của ánh sáng và
lòng tốt của Cha.
Lạy thánh Giuse, xin đồng hành với các gia đình: bằng sự thinh lặng cầu
nguyện của Cha, xin kiến tạo sự hòa hợp giữa các bậc cha mẹ và con cái, cách đặc
biệt là những người bé nhỏ nhất.
Xin gìn giữ những người cao niên khỏi sự cô đơn: xin giúp cho không ai bị
rơi vào sự thất vọng khi bị bỏ rơi và nản chí.
Xin an ủi những người yếu đuối nhất, ban ơn can đảm cho những người lung
lay, xin bầu chữa cho những người nghèo khổ.
Xin cùng với Đức Trinh nữ, Mẹ của chúng con, cầu Chúa giải thoát thế giới
khỏi mọi hình thức của đại dịch. Amen.
Chú thích của người dịch:
[1] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris
Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, số 7, đã nói: “Chính phải góp phần vào mầu nhiệm của Ngôi Lời
Nhập Thể mà ông Giuse và bà Maria đã lãnh nhận ơn thánh để họ vừa sống đặc sủng
trinh khiết vừa sống hồng ân hôn nhân đích thực.”
[3] Akathistos là bài thánh ca hay nhất mà Giáo Hội Byzantine
tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Trinh Nữ Maria, được long trọng công
bố tại Công đồng Êphêsô vào năm 431 (xem Byzantine Leaflet Series 1983, số 27).
Bài thánh ca đó ca tụng vai trò của Đức Trinh Nữ trong mầu nhiệm Nhập thể. Bài
thánh ca chẳng bao lâu đã trở thành một bài thánh ca tạ ơn sự chuyển cầu và
giúp đỡ của Mẹ Maria trên trời, và được cử hành trong suốt năm phụng vụ. Cuối
cùng bài thánh ca đã được ấn định đặc biệt cho Thứ Bảy tuần thứ năm Mùa Chay,
do đó được gọi là Thứ Bảy Akathistos. Vì bài thánh ca được xướng lên trong khi
cộng đoàn vẫn đứng, nên được đặt tên là Akathistos, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa
là một buổi lễ đứng.
[4] Người dịch thêm Lời khẩn cầu thánh Giuse của Đức Thánh Cha Phanxicô: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-phanxico-khan-cau-thanh-giuse.html