TẠI SAO NGƯỜI TA ĐẾN GIÊRUSALEM?

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

WHĐ (25.02.2021) – Tháng 7 năm 2017 quả là một dịp rất đặc biệt cho tôi. Đặc biệt vì tôi được hiện diện trên mảnh đất thánh Giêrusalem, nơi mà ngày xưa Thầy Giêsu đã nhiều lần lui tới giảng dạy, chịu khổ nạn, phục sinh và lên trời.

Câu hỏi đầu tiên Thầy Giêsu muốn tôi trả lời: “Tại sao con đến đây và con đến đây để làm gì?” Đó là lời thức tỉnh để tôi định vị lại ước mong hay khát khao của mình khi bước vào mảnh đất thánh thiêng này. Vì Giêrusalem là một nơi quá đặc biệt, nên thánh địa này có thể mời gọi người ta đến đây với nhiều mục đích khác nhau:

1. Đi thăm quan

Đó cũng là lý do mà rất nhiều người đã đặt chân đến đây. Một thành phố cổ kính và xinh đẹp với nhiều chi tộc Israel đan quyện nên một lịch sử cứu độ. Hệ thống thành lũy và những nơi thánh thiêng của nhiều tôn giáo tụ hợp tại thành Giêrusalem tạo cho du khách nhiều cảm nhận đặc biệt khác nhau. Họ muốn trải qua những ngày dạo bước đến mọi ngóc ngách của từng con đường nhỏ hẹp, từng khu phố chật chội và từng khu vực tôn giáo khác nhau.

Nơi đây, họ cũng bắt gặp được rất nhiều dân tộc trên thế giới đổ về đây hằng ngày. Nói chung thành Giêrusalem lúc nào cũng đông người bởi vẻ đẹp bên ngoài và sự thánh thiêng bên trong của nó. Thánh thiêng không chỉ đối với người Kitô giáo mà còn đối với các tôn giáo khác.

2. Đi hành hương

Hành hương (Pilgrimage)[1] có một lịch sử tôn giáo từ thời xa xưa. Khi đó người Do Thái hành hương về Đền Thờ đầu tiên của họ tại Giêrusalem (được xây 957 TCN) để mừng ba lễ lớn: Vượt Qua (the Feast of Unleavened Bread, hay Passover), Lễ Ngũ Tuần (the Feast of Weeks, hay Pentecost), và Lễ Lều (Feast of Tabernacles, hoặc Festival of Ingathering). Trên đường đi, họ hát những bài hành hương, hoặc thánh vịnh. Chẳng hạn, “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa. Chân chúng ta đã đứng nơi cửa tiền đình, Giêrusalem.” Tv 122,1-2.

Để tìm hiểu rõ hơn về thuật ngữ này, tôi được chuyên viên Kinh Thánh Cao Gia An SJ, giải thích như sau: Trong tiếng La-tinh cổ, “người hành hương”, pelegrīnus, thường được dịch là “người khách lạ”, “người lữ hành”. Thật ra, pelegrīnus là từ được tạo nên bởi hai thành tố: “per” nghĩa là “ngang qua”, và “ager” nghĩa là “cánh đồng”. Người hành hương, theo nghĩa đen của từ, là người đi ngang qua cánh đồng. Qua cánh đồng, rồi sẽ đến đâu? Xã hội thời cổ được xây dựng theo kiểu: băng qua một cánh đồng, người ta sẽ chạm đến một thành phố nào đó. Nơi phải băng qua là những vùng hoang vu trống vắng. Nơi đến là chốn con người tụ họp và sinh sống; đó là chốn của gặp gỡ, của tình bạn và tình người, của những điều mà người ra đi muốn tìm kiếm. Hành hương là chuyến hành trình băng ngang qua nhiều cánh đồng của cuộc đời, để có thể đến được và chạm được điều mà cả đời người khát mong và tìm kiếm.

Như thế, sau khi Chúa Phục Sinh, Kitô giáo nhanh chóng vượt ra khỏi vùng đất Palestine đến mọi miền trên thế giới, nhất là vùng trời Châu Âu. Nhanh chóng nhiều người muốn hành hương về Đất Thánh để đi lại những nơi Chúa Giêsu đã hiện diện. Qua đó, họ có thể hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn.

Thời Trung cổ (TK. 5-15) những chuyến đi của Kitô hữu Châu Âu không thuần túy là thăm quan những địa điểm thánh. Về chiều kích liên hệ đến bí tích hòa giải thì hành hương như một phương thế đền tội của hối nhân. Đó không hẳn là những tội nhẹ, nhưng là tội nặng (strong sins). Chẳng hạn cha giải tội có thể ra việc đền tội là đi đến một nơi thánh nào đó. Khi đến nơi, hối nhận sẽ nhận được giấy chứng nhận và trở về với tâm hồn tự do. Trong thời Thập Tự Chinh nếu người ta phạm lỗi gì đó, họ cũng có thể chọn giải pháp đi hành hương.

Thành thánh Giêrusalem nói riêng và đất nước Israel hiện nay quả là một nơi tuyệt vời để các tín hữu đi hành hương. Từ nhiều thế kỷ qua, thành thánh đón nhận vô số đoàn hành hương đến từ khắp năm Châu. Nói chung lúc nào cũng có nhiều người ước ao đi hành hương đất thánh. Họ muốn đi lại những bước đường mà Chúa Giêsu đã đi qua. Tâm tình thiêng liêng của các tín hữu được thắp lửa yêu mến hơn khi được chiêm ngắm, đụng chạm và cảm nghiệm một Thiên Chúa thật gần gũi với con người.

Bởi thế hằng năm người người trẩy hội lên Đền Thánh để ít là một lần trong đời được hòa vào từng khu phố, con đường, từng lùm cây ngọn cỏ, từng ngôn ngữ văn hóa mà chính thầy Giêsu đã sống và hiện diện.

Tiếc là vì Covid-19, mọi đoàn hành hương không thể đến đây. Chúng ta hy vọng thế giới thoát khỏi đại dịch, và sớm mở cửa để nhiều người có cơ hội hành hương. Họ lên đường đến đây để bước theo thầy Giêsu, đi lại những con đường của Thầy để xin được ơn hiểu biết thâm sâu, yêu mến nhiều hơn và theo sát Thầy hơn.

3. Ở với Thầy Giêsu nơi thành thánh Giêrusalem

Có lẽ đây là lý do để nhiều người đến Giêrusalem: mong ước trải qua những ngày ở với Thầy nơi đất thánh. Chính thành thánh Giêrusalem cũng là một món quà Thiên Chúa dành cho con người, để qua đó nhiều thứ nơi đây trở nên chất liệu sống động cho những giờ cầu nguyện của con người với Thiên Chúa. Cụ thể và sống động vì tất cả thành thánh có thể là những biểu tượng với nhiều ý nghĩa và với bề dày lịch sử thánh để Thiên Chúa muốn trao cho người thao viên như tôi những thông điệp tình yêu.

Từ bức tường thành kiên vững, cổng thành tứ phía cho đến góc phố con đường, từ những nơi thánh cho đến mảnh đất trong thành, đều có thể giúp người ta gặp Đức Giêsu. Hơn nữa từ cử chỉ của đoàn người hành hương cho đến khách thăm quan du lịch, từ người già cho đến em nhỏ, từ giới tôn giáo cho đến người thường dân, đều có thể cho người hành hương nhận ra lời mời gọi thống thiết của Thầy Chí Thánh. Thầy Giêsu mời người ta ở với Thầy để Thầy kể cho nghe những sự kiện, biến cố và thông điệp vốn gắn liền với từng địa danh nơi đây. Nhờ đó, người hành hương tạo được mối tương quan giữa với thầy Giêsu cao sâu hơn.

Lạy Chúa Giêsu, do nhiều lý do chúng con không thể đến được Đất Thánh. Tuy nhiên trong Mùa Chay năm nay, con muốn bước theo Ngài vào thành thánh Giêrusalem. Nơi đó, xin cho con cùng đi với Ngài trong Cuộc Thương Khó và được ở với Ngài trong vinh quang. Amen.

Kỳ tới: Câu Chuyện Bức Tường Thành Giêrusalem



[1] Đi "Hành hương" có mục đích gì? Một ít người đi hành hương để "cầu nguyện bằng đôi chân", họ có kinh nghiệm bằng các giác quan rằng cả cuộc đời mình là một cuộc hành trình dài tiến về cùng Thiên Chúa. Trong Cựu ước dân Israel hành hương lên Đền Thờ Giêrusalem. Các Kitô hữu thời Trung cổ cũng hành hương đến các nơi thánh, đến Giêrusalem, đến Rôma, đến mộ các thánh tông đồ… Kitô hữu đi bộ khi hành hương thường để đền tội, và thường người ta bị thúc đẩy bởi ý nghĩ sai lầm rằng những việc tự động hãm mình có thể làm cho mình nên công chính trước mặt Chúa. Ngày nay đã đổi mới, Kitô hữu đi hành hương để tìm sự bình an và sức mạnh xuất phát từ các nơi thánh. Nhiều người sống cô đơn lẻ loi, họ muốn ra khỏi cảnh tẻ nhạt đều đều hằng ngày, muốn được thoát thân khỏi những cái thừa thãi để nhẹ nhõm đi đến với Chúa. (Youcat số 276. Bản dịch của Lm Antôn Nguyễn Mạnh Đồng.)