TÀI LIỆU
TUẦN LỄ CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU HỢP NHẤT
TỪ 18 – 25/01/2024
Văn phòng Đối thoại
Đại kết và Liên tôn/ HĐGMVN
Chuyển ngữ từ: christianunity.va
Mục lục BẢN VĂN KINH THÁNH CHO NĂM 2024 GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ CỦA NĂM 2024 SUY NIỆM KINH THÁNH VÀ CẦU NGUYỆN CHO BÁT NHẬT (18-25/1/2024) |
BẢN VĂN KINH THÁNH CHO
NĂM 2024
(Lc 10, 25-37)
25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức
Giêsu để thử Người rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời
đời làm gia nghiệp ?" 26 Người đáp : "Trong Luật đã viết
gì ? Ông đọc thế nào ?" 27 Ông ấy thưa : "Ngươi phải yêu mến
Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí
khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính
mình." 28 Đức Giêsu bảo ông ta : "Ông trả lời đúng lắm. Cứ
làm như vậy là sẽ được sống."
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên
mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" 30
Đức Giêsu đáp : "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị
rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc
người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống
trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32
Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà
đi. 33 Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy,
cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu
đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của
mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền,
trao cho chủ quán và nói : "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm
bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." 36 Vậy
theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị
rơi vào tay kẻ cướp ?" 37 Người thông luật trả lời :
"Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giêsu
bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
(Bản dịch Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
GIỚI THIỆU
CHỦ ĐỀ CỦA NĂM 2024
Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của
ngươi…
và người thân cận như chính
mình” (Lc 10, 27)
Tài liệu của Tuần
cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất năm 2024 được chuẩn bị và biên soạn bởi
nhóm Đại kết đến từ Burkina Faso do cộng đoàn sở tại Chemin Neuf (CCN)[1]
linh hoạt. Chủ đề được chọn: «Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi…
và người thân cận như chính mình» (Lc 10, 27). Các anh chị em đến từ Tổng Giáo
phận Công giáo Ouagadougou, các Hội Thánh Tin Lành, các tổ chức Đại kết và CCN ở
Burkina Faso đã hết sức quảng đại cộng tác với nhau trong việc chuẩn bị những lời
cầu nguyện và suy niệm, đã trải nghiệm công việc chung này như một hành trình
hoán cải đại kết thực thụ.
Yêu mến Đức Chúa và người thân cận trong thời kỳ khủng hoảng an ninh
Burkina Faso nằm ở
Tây Phi thuộc vùng Sahel, bao gồm các quốc gia láng giềng Mali và Niger. Quốc
gia này có diện tích 174.000 km² với 21 triệu dân, thuộc gần 60 dân tộc khác
nhau. Về mặt tôn giáo, khoảng 64% dân số là tín đồ Hồi giáo, 9% theo tôn giáo
truyền thống Phi châu và 26% theo Kitô giáo (20% Công giáo, 6% Tin Lành).
Ba nhóm tôn giáo này hiện diện ở khắp các vùng miền của đất nước và ở hầu hết
trong mỗi gia đình.
Burkina Faso hiện
đang trải qua một cuộc khủng hoảng an ninh trầm trọng, ảnh hưởng đến tất cả các
cộng đoàn tín hữu. Sau một cuộc tấn công thánh chiến kinh hoàng diễn ra ở vành
đai đất nước này năm 2016, tình hình an ninh ở Burkina Faso và kéo theo đó là
tình trạng gắn kết xã hội của đất nước này đã xấu đi đáng kể. Đất nước này đã
chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố, tình trạng phi luật pháp
và nạn buôn người khiến hơn 3.000 nạn nhân thiệt mạng và gần 2 triệu dân phải
di tản trong nước. Hàng ngàn trường học, trung tâm y tế và tòa thị chính phải
đóng cửa, phần lớn các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và giao thông đã bị phá hủy.
Các cuộc tấn công nhằm vào một số nhóm dân tộc nhất định đã làm trầm trọng thêm
nguy cơ xung đột giữa các cộng đồng với nhau. Trong bối cảnh bất ổn nghiêm trọng,
sự gắn kết xã hội, hòa bình và đoàn kết dân tộc đang bị xói mòn.
Các Giáo hội Kitô
đã trở thành mục tiêu cụ thể của các cuộc tấn công vũ trang. Các linh mục, mục
sư và giáo lý viên đã bị sát hại trong các giờ cử hành phụng tự, và số phận của
tất cả những con tin bị bắt cóc vẫn chưa được xác nhận rõ ràng. Tại thời điểm
này, hơn 22% lãnh thổ quốc gia không còn thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước. Ở
những vùng này, người Kitô hữu không còn có thể thực hành tôn giáo của mình một
cách công khai nữa. Do khủng bố, phần lớn các Giáo hội Kitô ở miền Bắc, miền
Đông và Tây Bắc đất nước đã bị ngăn cấm. Không còn bất kỳ việc cử hành phụng tự
công khai nào của Kitô giáo ở nhiều khu vực này. Ở những nơi vẫn còn việc thực
hành phụng tự với sự bảo vệ của cảnh sát, thường là ở các thành phố lớn, các giờ
cử hành phụng tự phải rút ngắn vì lý do an ninh.
Phải thừa nhận rằng,
bất chấp nỗ lực của cả Nhà nước lẫn các cộng đồng tôn giáo, đất nước này ngày
càng trở nên bất ổn khi các nhóm cực đoan khủng bố trỗi dậy và không ngừng sinh
sôi nảy nở. Nhưng bất chấp tất cả, tình liên đới giữa các Kitô hữu, các tín đồ Islam và những tín đồ theo các tôn giáo truyền thống được tăng cường và thắt
chặt. Các nhà lãnh đạo tôn giáo nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho hòa bình, gắn
kết xã hội và hòa giải. Chẳng hạn, để đạt mục đích này, Ủy ban Đối thoại giữa
các Kitô hữu và người Islam của Hội đồng Giám mục Công giáo Burkina Faso và
Niger nỗ lực rất nhiều nhằm thúc đẩy đối thoại và cộng tác liên sắc tộc cũng
như liên tôn.
Đáp lại lời kêu gọi
của chính phủ cầu nguyện cho hòa bình, gắn kết xã hội và hòa giải, các cộng
đoàn địa phương tiếp tục tổ chức cầu nguyện hàng ngày và ăn chay. Đã có thêm
nhiều sáng kiến đến từ các Giáo hội Công giáo và Tin Lành khác nhau nhằm trợ
giúp những người phải di tản. Các cuộc gặp gỡ suy tư và nâng cao nhận thức đã
được tổ chức nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu rộng hơn về tình hình thực trạng cũng
như giá trị của tình huynh đệ, đồng thời đưa ra các chiến lược nhằm khôi phục
hòa bình lâu dài. Niềm hy vọng này được thể hiện trong câu ngạn ngữ truyền thống
của người Mossis[2]:
“Dù cuộc chiến thuộc kiểu loại nào, mang tính chất gì và kéo dài bao lâu thì thời
khắc giao hòa sẽ đến”.
Lời mời gọi cùng
cộng tác cho việc chuẩn bị các văn bản của Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp
nhất năm 2024 cổ võ các Giáo hội khác nhau ở Burkina Faso bước đi, cầu nguyện
và cùng làm việc trong tình yêu thương lẫn nhau qua những thời điểm khó khăn
này đối với đất nước của họ. Tình yêu Đức Kitô hợp nhất tất cả các Kitô hữu trở
nên lớn mạnh hơn sự chia rẽ của họ, và các Kitô hữu ở Burkina Faso dấn thân đi
theo con đường yêu mến Thiên Chúa và người thân cận của họ. Họ tin tưởng rằng
tình yêu Thiên Chúa sẽ mạnh hơn tình trạng bạo lực hiện đang hoành hành và gây
đau khổ cho đất nước của họ.
Trung tâm điểm của tình yêu
trong đời sống Kitô hữu
Tình yêu được khắc
sâu vào “ADN” của đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa là Tình Yêu, và “tình yêu của Đức
Kitô mang chúng ta đến với nhau trong sự hợp nhất”[3].
Chúng ta khám phá căn tính chung của mình qua việc trải nghiệm tình yêu của
Thiên Chúa (x. Ga 3, 16) và chúng ta vén mở căn tính ấy cho thế giới qua tình
yêu chúng ta dành cho nhau (Ga 13, 35). Trong đoạn Tin Mừng được chọn cho Tuần
cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất năm 2024 (Lc 10, 25-37), Chúa Giêsu tái khẳng
định giáo huấn truyền thống Do Thái giáo trong sách Đệ Nhị Luật 6, 5: “Ngươi
hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực,
và hết trí khôn ngươi” và trong sách Lêvi 19, 18b: “Ngươi phải yêu người thân cận
như chính mình”.
Trong đoạn Tin Mừng
này, một người thông luật đã hỏi ngay Chúa Giêsu: «Ai là người thân cận của
tôi?» Câu hỏi nhằm biết được bổn phận tình yêu cần thực thi tới mức độ nào là
chủ đề tranh luận giữa các nhà thông luật. Theo truyền thống, bổn phận này được
coi là chỉ áp dụng đối với dân Israël và ngoại kiều. Sau này, dưới tác động của
sự xâm lược của các thế lực ngoại bang, điều răn này được coi là không áp dụng
đối với lực lượng chiếm đóng. Theo thời gian, khi Do Thái giáo bị phân mảnh,
đôi khi nó được coi là chỉ áp dụng cho phe phái của mình. Vì vậy, câu hỏi mà
người thông luật này hỏi Chúa Giêsu là một câu hỏi khiêu khích. Chúa Giêsu trả
lời bằng một dụ ngôn cho thấy tình yêu vượt xa những mức độ mà người thông luật
mong đợi.
Nhiều tác giả
Kitô giáo của các thế kỷ đầu như Origen, Clêmentê thành Alexandria, Gioan Kim
Khẩu và Augustinô đã nhìn thấy trong dụ ngôn này quỹ đạo của kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa dành cho nhân loại. Họ nhìn thấy nơi con người từ Giêrusalem xuống
hình ảnh của Ađam - nghĩa là của toàn thể nhân loại - từ thiên đàng xuống thế
gian, với những nguy hiểm và chia rẽ, và nơi những kẻ cướp hình ảnh của các thế
lực thù địch thế gian đang tấn công chúng ta. Họ nhìn thấy nơi chính Đức Kitô,
Đấng chạnh lòng thương, đến trợ giúp người bị nạn sắp tắt thở, chữa lành vết
thương và đưa người ấy đến nơi an toàn trong một quán trọ, nơi họ nhìn thấy
hình ảnh của Giáo hội. Cuối cùng, họ thấy lời hứa trở lại của người Samari là
hình bóng về lời hứa sẽ trở lại của Chúa.
Các Kitô hữu được
kêu gọi hành động như Đức Kitô qua việc yêu mến như người Samari nhân hậu, chạnh
lòng thương và thấu cảm với những người đang cần sự trợ giúp bất kể bản sắc tôn
giáo, sắc tộc hay xã hội của họ. Điều khuyến khích chúng ta trợ giúp người khác
không phải là bản sắc chung mà là tình yêu đối với “người thân cận” của chúng ta.
Tuy nhiên, viễn cảnh yêu người thân cận mà Chúa Giêsu trình bày với chúng ta
đang bị suy yếu trong thế giới ngày nay. Chiến tranh ở nhiều khu vực, sự mất
cân bằng trong quan hệ quốc tế và sự bất bình đẳng gây ra bởi những điều chỉnh
về cơ cấu do các cường quốc phương Tây hoặc các tác nhân bên ngoài khác áp đặt
đã ngăn cản khả năng yêu thương như Đức Kitô. Chính qua việc học cách yêu
thương nhau vượt lên trên những khác biệt mà các Kitô hữu có thể trở thành “những
người thân cận”, giống như người Samari trong Tin Mừng.
Con đường Đại kết
Chúa Giêsu đã cầu
xin để tất cả các môn đệ của Người nên một (x. Ga 17,21), để các Kitô hữu không
bao giờ đánh mất niềm hy vọng, không ngừng cầu nguyện và nỗ lực làm việc cho sự
hợp nhất. Các Kitô hữu hợp nhất với nhau nhờ tình yêu Thiên Chúa trong Đức Kitô
và nhờ kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Họ cùng nhận ra kinh
nghiệm đức tin này nơi người khác khi họ cùng nhau cầu nguyện, cử hành và phục
vụ Thiên Chúa. Tuy nhiên, tất cả những điều này vẫn là một thách đố trong mối
quan hệ giữa các nhánh Giáo hội và hệ phái, kể cả ở Burkina Faso. Việc thiếu hiểu
biết và thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các Giáo hội có thể ngăn cản việc dấn
thân trên con đường Đại kết. Một số người lo ngại rằng Đại kết có thể khiến họ
đánh mất căn tính tôn giáo và ngăn cản “sự phát triển” của Giáo hội mình. Nhưng
sự cạnh tranh giữa các Giáo hội này trái ngược với lời cầu nguyện của Chúa
Giêsu. Giống như thầy tư tế và thầy Lêvi trong đoạn Tin Mừng, các Kitô hữu thường
bỏ lỡ cơ hội gắn kết với anh chị em mình do sợ hãi. Trong Tuần cầu nguyện cho các
Kitô hữu hợp nhất này, chúng ta cầu xin Thiên Chúa trợ giúp và chữa lành những
vết thương của chúng ta, để chúng ta có thể tiến bước trên con đường Đại kết với
niềm tin tưởng và hy vọng.
Sự hợp nhất Kitô giáo nhằm
phục vụ hòa bình và hòa giải
Bối cảnh cụ thể của
Burkina Faso phản ánh nhu cầu đặt tình yêu vào trung tâm điểm của việc tìm kiếm
hòa bình và hòa giải. Việc tìm kiếm này thường bị đe dọa bởi sự đánh mất các
giá trị và cảm thức thuộc về nhân loại cũng như sự suy giảm sự quan tâm đến lợi
ích chung, tính trung thực, tính toàn vẹn và lòng yêu nước. Đối mặt với
những thực tế này, đòi hỏi làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa càng cấp bách hơn.
Chuyển từ chia rẽ sang hợp nhất ở Burkina
Faso
Các cộng đoàn
Kitô hữu ở Burkina Faso nỗ lực sống lời mời gọi yêu thương ngang qua việc tiếp
nhận lẫn nhau. Điều này thể hiện một cách cụ thể trong Tuần lễ cầu nguyện cho các
Kitô hữu hợp nhất. Các cộng đoàn Kitô hữu đã tận tụy cống hiến cả nhân lực lẫn
tài chính để dịch bản Kinh Thánh Đại kết bằng tiếng Pháp (Traduction eucuménique de la Bible - dịch bản Kinh Thánh Đại kết)
sang các ngôn ngữ địa phương, từ đó góp phần vào việc đưa các Kitô hữu đến
“quán trọ” Lời Chúa (x. Lc 10, 34). Ngoài ra, họ còn viếng thăm nhà thờ của
nhau và cùng nhau tham dự các giờ cử hành phụng tự. Họ mang Đức Kitô đến với
anh chị em mình qua việc chữa lành vết thương cho những ai rơi vào cảnh nghèo
khó và đau khổ.
Nhưng như một câu
ngạn ngữ Phi châu: “một cây không che hết cánh rừng”. Những ví dụ tích cực về Đại
kết này không được làm cho chúng ta quên rằng vẫn còn nhiều trở ngại ngăn cản sự
hợp nhất. Cho dù có những nỗ lực của các Giáo hội để trở thành “người thân cận”
của tất cả những ai tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, các Giáo hội ở Burkina Faso
vẫn không ngừng nỗ lực để yêu mến nhau thực sự như Đức Kitô đòi hỏi chúng ta. Tuy
nhiên, đôi khi các Giáo hội đối xử với nhau như người Samari và dân Do Thái khi
xưa đã làm, bị chia rẽ về văn hóa và về tín lý và duy trì những mối quan hệ
không mấy thân tình hay mang tính thù địch. Sự thiếu liên đới dai dẳng này làm
tình hình xấu đi, và họ nhận ra sự cần thiết phải hoán cải Đại kết để có thể đổ
dầu và rượu chữa lành vết thương của nhau.
Các Giáo phụ thường nhìn thấy nơi quán trọ trong dụ ngôn người Samari nhân hậu hình ảnh của Giáo hội. Giống như người Samari nhân hậu đưa người bị thương đến quán trọ, Đức Kitô trao những người bị thương và những người thiếu thốn nhất trên thế giới cho các Giáo hội của chúng ta, để các Giáo hội có thể săn sóc những nỗi đau của họ và giúp họ chữa lành. Sứ mạng phục vụ thế giới này cũng là con đường hướng tới sự hợp nhất, vốn là một món quà Thiên Chúa ban tặng cho dân Ngài.
TUẦN LỄ CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU HỢP NHẤT
TỪ 18 – 25/01/2024
SUY NIỆM
KINH THÁNH VÀ CẦU NGUYỆN CHO BÁT NHẬT (18-25/1/2024)
Ngày thứ I
Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: «Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?» (Lc 10, 25)
Lạy Chúa, xin giúp cho đời sống chúng
con luôn quy hướng về Chúa
Đoạn Kinh thánh liên quan
Rm 14, 8-9
Tv 103, 13-18
Suy niệm
«Tôi phải làm gì
để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?» Câu hỏi then chốt được một người thông
luật hỏi Chúa Giêsu chất vấn hết thảy những ai tin vào Thiên Chúa. Điều này quyết
định đến ý nghĩa đời sống của chúng ta ngay ở trần gian này cũng như nơi cuộc sống
vĩnh hằng. Ở những chỗ khác trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu cho chúng ta định
nghĩa tối hậu về sự sống đời đời: «… là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và
chân thật, và nhận biết Ðấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô» (Ga 17, 3). Nhận biết Thiên Chúa
nghĩa là khám phá và chu toàn thánh ý Ngài trong đời sống chúng ta. Mỗi người
chúng ta khao khát một cuộc sống trọn vẹn và chân thành, và đây cũng là điều
Thiên Chúa mong muốn cho chúng ta (x. Ga 10, 10). Thánh Irênê đã nói: «Vinh
quang của Thiên Chúa là con người được sống và sống dồi dào».
Rất thường xuyên,
những thực tại hiện sinh của cuộc sống, được đánh dấu bằng sự chia rẽ, ích kỷ
và đau khổ, khiến chúng ta xa rời việc tìm kiếm Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã kinh
qua sự nhiệm hiệp mật thiết với Chúa Cha, Đấng hằng ước mong đong đầy sự sống đời
đời cho hết thảy con cái của Ngài. Chúa Giêsu là «đường» dẫn đưa chúng ta đến với
Chúa Cha, là cùng đích của chúng ta.
Vì thế, việc tìm kiếm sự sống đời đời đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn, đồng thời làm cho chúng ta gần nhau hơn và nhất là đưa chúng ta đến cận kề nhau hơn trên con đường hợp nhất các Kitô hữu. Chúng ta hãy mở lòng ra với sự thân tình và sự cộng tác cùng các Kitô hữu thuộc tất cả các Giáo hội, qua việc cầu nguyện để một ngày nào đó tất cả chúng ta có thể cùng nhau quy tụ quanh bàn tiệc của Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa là
Thiên Chúa hằng sống, Chúa đã dựng nên chúng con để chúng con được sống và sống
dồi dào, xin giúp chúng con nhận ra nơi anh chị em mình niềm khát mong cuộc sống
vĩnh cửu. Và khi chúng con quyết tâm bước theo Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dẫn
đưa tha nhân đến với Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
Ngày thứ II
Người thông luật thưa : «Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và yêu mến người thân cận như chính mình.» (Lc 10, 27)
Lạy Chúa, xin giúp con yêu Chúa, yêu người thân cận và yêu chính bản thân với tất cả con người của con
Đoạn Kinh thánh liên quan
Đnl 10, 12-13
Tv 133
Suy niệm
Câu trả lời mà
người thông luật đưa ra cho Chúa Giêsu có vẻ đơn giản, được trích từ Mười Điều
Răn nổi tiếng. Tuy nhiên, yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận như chính
mình chẳng dễ chút nào.
Lệnh truyền phải yêu mến Thiên Chúa đòi hỏi sự dấn thân trọn vẹn và kéo theo sự từ bỏ chính mình hoàn
toàn, bằng việc dâng hiến trọn vẹn con tim và trí khôn của mình nhằm thực thi
thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta có thể xin ơn noi gương Đức Kitô, Đấng đã hoàn
toàn tự hiến chính mình khi thưa: «Xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha»
(Lc 22, 42). Người cũng thể hiện tình thương bao la đối với hết mọi người, kể cả
kẻ thù của mình. Chúng ta không được chọn người thân cận của mình. Yêu mến người
thân cận nghĩa là chú tâm đến nhu cầu của người ấy, chấp nhận những bất toàn của
họ và khích lệ niềm hy vọng và khát vọng của người ấy. Chính thái độ này mà
chúng ta cần phải có đối với những truyền thống riêng biệt của nhau khi cùng bước
đi trên con đường hợp nhất các Kitô hữu.
Lời mời gọi yêu mến người thân cận «như chính mình» nhắc nhở chúng ta phải chấp nhận những gì chúng ta là, ý thức về ánh nhìn đầy trắc ẩn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta; xem chúng ta là những thụ tạo yêu quý của Ngài; nhắc nhớ chúng ta phải tôn trọng chính mình; và bình an với chính bản thân mình. Tương tự như vậy, mỗi người chúng ta có thể xin ơn yêu mến và tiếp nhận Giáo hội hay cộng đoàn của chúng ta, với những khiếm khuyết, bất toàn và phó thác mọi sự trong tay Chúa Cha, Đấng đổi mới chúng ta qua tác động của Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin giúp
chúng con hiểu biết Chúa cách sâu xa hơn, để chúng con có thể yêu mến Chúa bằng
cả con người của chúng con. Đồng thời, xin ban cho chúng con một quả tim thanh khiết
để yêu người thân cận như chính mình. Nguyện Thánh Thần Chúa làm cho chúng con
nhận ra Chúa hiện diện nơi anh chị em, và xin giúp chúng con yêu mến nhau bằng chính
tình yêu vô điều kiện mà Chúa đã dành cho chúng con. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng con. Amen.
Ngày thứ III
Ai là người thân
cận của tôi? (Lc 10, 29)
Lạy Chúa, xin mở rộng tâm lòng chúng con cho những người chúng con không nhìn thấy
Đoạn Kinh thánh liên quan
Rm 13, 8-10
Tv 119, 57-63
Suy niệm
Người thông luật
muốn chứng tỏ mình có lý qua việc tin rằng người thân cận mà ông được mời gọi
yêu mến là người cùng tôn giáo và đồng bào của ông. Đây là bản năng tự nhiên của
con người. Nhìn chung, những người chúng ta mời đến nhà đều có cùng địa vị xã hội,
cùng quan điểm sống và những giá trị giống như chúng ta. Bản năng của con người
thúc đẩy chúng ta yêu quý những gì quen thuộc với mình hơn. Điều tương tự cũng
diễn ra nơi các cộng đoàn Giáo hội của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu dẫn dắt người
thông luật và toàn bộ thính giả của ông đi sâu hơn vào truyền thống của họ, nhắc
nhở họ về bổn phận tiếp nhận và yêu mến tất cả mọi người, bất kể tôn giáo, văn
hóa và địa vị xã hội của họ.
Tin Mừng dạy
chúng ta chẳng có gì đặc biệt khi yêu mến những người giống như chúng ta. Chúa
Giêsu dẫn chúng ta tới một cái nhìn tổng thể và triệt để hơn về ý nghĩa của việc
làm người. Dụ ngôn minh họa một cách hoàn toàn hữu hình những gì Đức Kitô mong
đợi nơi chúng ta: ước mong chúng ta mở rộng trái tim và bước theo chân Người,
qua việc yêu mến người khác như Người yêu chúng ta. Quả thật, Chúa Giêsu trả lời
người thông luật bằng một câu hỏi khác cho thấy điều quan trọng không phải là
biết «ai là người thân cận của tôi», mà là «ai đã tỏ ra mình là người thân cận
của người đang cần trợ giúp này».
Thời đại bất ổn, bất an và sợ hãi của chúng ta phải đối mặt với một thực tế mà sự ngờ vực và sự không chắc chắn đánh dấu các mối quan hệ. Đây là thách đố của dụ ngôn ngày hôm nay: Tôi là người thân cận của ai?
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa
rất mực yêu thương, Đấng đã khắc ghi tình yêu vào tâm khảm chúng con, xin giúp
chúng con can đảm nhìn xa hơn bản thân mình, và nhận ra người thân cận nơi những
ai khác biệt với chúng con, để có thể thực sự bước theo Chúa Giêsu Kitô, người
anh em và là bạn hữu của chúng con. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen.
Ngày thứ IV
Ước mong chúng ta đừng bao giờ quay lưng lại với những ai đang cần trợ giúp
Đoạn Kinh thánh liên quan
Is 58, 6-9
Tv 34, 15-22
Suy niệm
Có lẽ thầy tư tế
và thầy Lêvi tránh qua bên kia mà đi, là vì lý do tôn giáo chính đáng nên không
đến trợ giúp người bị thương: có lẽ họ đang chuẩn bị thực hiện một số nghi lễ
tôn giáo nào đó và có nguy cơ bị ô uế trong nghi lễ nếu người bị thương qua đời.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, Chúa Giêsu chỉ trích các nhà lãnh đạo tôn
giáo, những người đặt luật lệ tôn giáo lên trên bổn phận bắt buộc phải luôn làm
điều thiện.
Phần mở đầu của bản
văn được chọn cho Tuần Cầu nguyện chỉ cho chúng ta thấy người thông luật muốn
chứng tỏ mình có lý như thế nào. Thầy tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn nhận thấy
việc họ đã làm là chính đáng. Là Kitô hữu, chúng ta sẵn sàng phá vỡ quy định đến
mức nào? Có thể xảy ra việc chúng ta bị cận thị, do những điều kiện đòi hỏi của
Giáo hội và về văn hóa, ngăn cản chúng ta nhìn thấy những gì cuộc sống và chứng
tá của các anh chị em chúng ta từ các truyền thống Kitô giáo khác biểu lộ. Qua
việc mở rộng tầm nhìn để cảm thấy tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ nơi anh
chị em của chúng ta từ các truyền thống Kitô giáo khác, chúng ta trở nên gần
gũi hơn với họ và do đó có thể kết hợp sâu sắc hơn với họ.
Dụ ngôn này của Chúa Giêsu không chỉ kêu gọi chúng ta làm điều thiện; dụ ngôn cũng kêu gọi chúng ta mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Chúng ta có thể học điều gì là tốt và thánh thiện không chỉ từ những người có cùng nhãn quan tôn giáo và cùng hệ phái với chúng ta, mà còn thường từ những người khác biệt với chúng ta. Người Samari nhân hậu thường là người mà chúng ta không mong đợi.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu
Kitô, khi chúng con đồng hành với Chúa trên con đường hợp nhất, xin đừng để mắt
chúng con quay đi chỗ khác, nhưng hãy giúp chúng con mở rộng tầm nhìn ra thế giới.
Khi chúng con rảo bước trên đường đời, xin giúp chúng con biết dừng lại để chăm
sóc những người bị thương, và nhờ đó chúng con cảm nghiệm được Chúa hiện diện
trong họ, Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
Ngày thứ V
Ông
ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại (Lc 10,
34)
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra những vết thương và tìm thấy niềm hy vọng
Đoạn Kinh thánh liên quan
Ge 2, 23-27
Tv 104, 14-15,
27-30
Suy niệm
Người Samari nhân
hậu làm những gì có thể trong khả năng của mình: anh săn sóc bằng cách lấy dầu và rượu đổ lên vết thương nạn
nhân và băng bó lại, rồi đặt người ấy
trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hơn thế nữa, anh còn hứa
hoàn trả chi phí chăm sóc sức khỏe cho người ấy. Khi chúng ta nhìn thế giới qua
nhãn quan của người Samari, mọi cảnh huống đều có thể là cơ hội để trợ giúp những
người gặp khó khăn. Đó là cách biểu lộ tình yêu. Gương người Samari nhân hậu
khích lệ chúng ta tự vấn chính mình về sự đáp lại người thân cận. Anh trao cho
nạn nhân rượu và dầu, cứu giúp và cho người ấy niềm hy vọng. Chúng ta có thể
trao ban những gì cụ thể để góp phần vào việc chữa lành thế giới đang bị tổn
thương?
Thế giới bị tổn thương này bị thống trị bởi sự bất an, bất ổn, sợ hãi, ngờ vực và chia rẽ. Đáng tiếc thay, những chia rẽ này cũng tồn tại giữa các Kitô hữu. Trong khi cử hành các bí tích hoặc các nghi thức chữa lành, hòa giải và an ủi khác, qua việc thường dùng dầu và rượu, đôi khi chúng ta vẫn cố chấp chia rẽ làm tổn thương thân thể Đức Kitô. Bằng cách hàn gắn sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, chúng ta góp phần hàn gắn sự chia rẽ giữa các dân tộc.
Cầu nguyện
Lạy Chúa là
nguồn mạch ân sủng,
là suối nguồn tình yêu và mọi thiện hảo,
xin giúp chúng
con nhận ra nhu cầu của người thân cận.
Xin chỉ cho thấy
những gì chúng con có thể làm để chữa lành tha nhân.
Xin biến đổi
chúng con để chúng con có thể yêu mến tất cả anh chị em mình.
Xin giúp chúng
con vượt qua những trở ngại do chia rẽ, để chúng con có thể xây dựng một thế giới
hòa bình vì lợi ích của mọi người. Chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã canh tân
công trình sáng tạo của Ngài và dẫn đưa chúng con đến một tương lai đầy hy vọng,
Chúa hằng sống và hiển trị hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Amen.
Ngày thứ VI
Ngài đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc (Lc 10, 34)
Lạy Chúa, xin làm cho các Giáo hội của chúng con trở nên những “quán trọ” tiếp nhận những người cần sự trợ giúp
Đoạn Kinh thánh liên quan
St 18, 4-5
Tv 5, 11-12
Suy niệm
Người bị rơi vào
tay kẻ cướp đã được một người Samari săn sóc. Vượt lên những thành kiến và tục
lệ, người Samari này nhìn thấy người đang gặp nạn và đưa nạn nhân về quán trọ. Hôm
sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: «Nhờ bác săn sóc cho
người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại
bác» (Lc 10, 35).
Trong mọi xã hội
loài người, lòng hiếu khách và tình liên đới là điều cần thiết, đòi hỏi chúng
ta phải tiếp đón khách ngoại kiều, những người di cư và những người vô gia cư.
Tuy nhiên, khi chúng ta sống trong bầu khí mất an ninh, nghi ngờ và bạo lực,
chúng ta có xu hướng mất lòng tin vào người thân cận. Lòng hiếu khách là một chứng
tá mạnh mẽ cho Tin Mừng, đặc biệt trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo và văn hóa.
Tiếp nhận “người khác” và được tiếp nhận lại cũng là trọng tâm của cuộc đối thoại
Đại kết. Các Kitô hữu được kêu gọi dựng các quán trọ để người thân cận của
chúng ta có thể tìm thấy Đức Kitô. Lòng hiếu khách như vậy là dấu chỉ tình yêu
mà các Giáo hội của chúng ta dành cho nhau và cho tất cả mọi người.
Khi chúng ta theo
Chúa Kitô như môn đệ, vượt lên trên các truyền thống tín phái và chọn thực hành
lòng hiếu khách đại kết, chúng ta không còn là những người xa lạ nữa, nhưng trở
nên những người thân cận với nhau.
Cầu nguyện
Lạy Cha rất mực
yêu thương, nơi Chúa Giêsu, Cha đã cho chúng con thấy ý nghĩa đích thực của lòng
hiếu khách, qua việc săn sóc nhân loại mỏng giòn của chúng con.
Xin giúp chúng
con trở thành một cộng đoàn tiếp nhận những ai cảm thấy bị bỏ rơi và lạc lõng, bằng
cách xây dựng một mái ấm mà mọi người đều được tiếp đón.
Xin giúp chúng
con nên gần gũi nhau hơn, khi chúng con tặng ban cho thế giới tình yêu vô điều
kiện của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, trong sự hợp nhất của Chúa
Thánh Thần, đến muôn đời. Amen.
Ngày thứ VII
Chúa Giêsu hỏi: «Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?» (Lc 10, 36)
Lạy Chúa, xin chỉ chúng con
cách đáp ứng cho người
thân cận
Đoạn Kinh thánh liên quan
Pl 2, 1-5
Tv 10, 17-18
Suy niệm
Phần cuối dụ
ngôn, Chúa Giêsu hỏi người thông luật: «trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người
thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?» Người thông luật trả lời: «Chính
là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy». Ông ta không nói «đó
là người Samari», và chúng ta có thể hình dung do sự thù địch giữa người Samari
và người Do Thái, nên ông ta khó chấp nhận câu trả lời như vậy. Chúng ta khám
phá người thân cận của mình nơi những người mà chúng ta ít mong đợi nhất, và
ngay cả nơi những người mà chúng ta gặp khó khăn để xướng tên hay chân nhận xuất
xứ của họ. Trong xã hội hiện nay của chúng ta, nơi nền chính trị đảng phái thường
khiến những người có bản sắc tôn giáo khác nhau chống lại nhau, Chúa Giêsu kêu
gọi chúng ta qua dụ ngôn này hiểu được tầm quan trọng của ơn gọi của chúng ta
phải vượt qua ranh giới và những bức tường ngăn cách.
Giống như người
thông luật này, chúng ta được mời gọi suy gẫm về cách chúng ta thực hành đời sống
của mình: vấn đề không chỉ là biết liệu chúng ta có làm điều tốt hay không, mà
là liệu chúng ta có hờ hững và lơ là với việc thực thi lòng trắc ẩn hay không,
như thầy tư tế và thầy Lêvi đã làm.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Chí
Thánh,
Đức Giêsu Kitô con Chúa đã đến ở giữa chúng con,
để chỉ cho
chúng con nẻo đường của lòng trắc ẩn.
Nhờ Thánh Thần
Chúa,
xin giúp chúng
con noi gương Chúa Giêsu,
chăm lo cho
nhu cầu của tất cả con cái Chúa
và nhờ đó,
trong tình hiệp nhất,
trở thành chứng
tá Kitô giáo
cho tình yêu
và lòng Chúa xót thương.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
Ngày thứ VIII
Ðức Giêsu bảo ông ta: «Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy». (Lc 10, 37)
Lạy Chúa, xin làm cho tình huynh đệ của chúng con trở thành dấu chỉ của Nước Thiên Chúa
Rm 12, 9-13
Tv 41, 1-2
Với những lời
này: «Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy», Chúa Giêsu sai mỗi người và mỗi
Giáo hội của chúng ta đi sống trọn vẹn giới răn yêu thương của Người. Được Chúa
Thánh Thần soi dẫn, chúng ta được sai đi trở thành «những Kitô khác», đến với
nhân loại đang đau khổ, lầm than qua lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Giống như
người Samari nhân hậu trước người bị thương, chúng ta có thể chọn không khước từ
những người khác biệt chúng ta, nhưng trái lại, chọn phát triển một nền văn hóa
gần gũi và nhân hậu.
Lời mời gọi hãy
đi và làm điều tương tự của Chúa Giêsu vang vọng thế nào trong cuộc đời tôi? Nó
mang ý nghĩa gì đối với mối tương quan của tôi với các thành viên của các Giáo
hội khác? Làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau làm chứng cho tình yêu Thiên
Chúa trong đức ái? Với tư cách là sứ giả của Đức Kitô (x. 2 Cr 5, 20), chúng ta
được mời gọi hòa giải với Thiên Chúa và với nhau, để tình huynh đệ có thể bén rễ
sâu và phát triển trong các Giáo hội chúng ta cũng như nơi các khu vực bị ảnh
hưởng bởi các xung đột liên cộng đồng như Sahel.
Một khi lòng tin tưởng và sự thân thuộc tăng triển, chúng ta sẽ sẵn sàng bộc lộ những vết thương của mình hơn, kể cả những vết thương trong Giáo hội, để tình yêu của Đức Kitô có thể chạm đến và chữa lành chúng ta qua tình yêu và sự chăm sóc mà chúng ta dành cho nhau. Cùng nhau làm việc cho các Kitô hữu hợp nhất giúp tái thiết các mối tương quan, để bạo lực phải nhường chỗ cho tình liên đới và hòa bình.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con cảm tạ Cha vì hồng ân Thánh Thần, Đấng trao ban sự sống, mở lòng chúng con với nhau, giải quyết các xung đột và củng cố mối tương quan hiệp thông giữa chúng con. Xin giúp chúng con lớn lên trong tình yêu hỗ tương và trong ước muốn loan báo sứ điệp Tin Mừng một cách trung thành hơn, để thế giới có thể được quy tụ trong sự hợp nhất, và đón nhận Hoàng Tử Thái Bình. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.