TÀI LIỆU LIÊN QUAN TỚI CUỘC VẬN ĐỘNG CẢI CÁCH CHỮ
QUỐC NGỮ Ở VIỆT NAM VÀO ĐẦU THẾ KỶ XX
Chuyển ngữ: Nguyễn Nghị và Cao Tự Thanh
WHĐ (1.10.2020) –
Chữ
quốc ngữ theo mẫu tự Latin, do các thừa sai dòng Tên thuộc tỉnh dòng Lisbon (Bồ
Đào Nha) đã sáng chế khi tới Việt Nam vào đầu thế kỷ XVII để làm phương tiện
liên lạc trong công cuộc truyền đạt Công giáo cho người Việt Nam. Chữ quốc ngữ,
như vậy, khởi đầu là một phương tiện được dùng trong công cuộc truyền giáo.
Chữ quốc ngữ này,
với thời gian, đã trở thành một thứ tiếng thông dụng của người Việt Nam, công
giáo hay không công giáo, và từ 1930 trở thành chữ viết chính thức của người Việt.
Trước đó, vào đầu
thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa Pháp đề xướng cuộc vận động cải cách chữ quốc
ngữ ở Việt Nam. Nhưng cuộc vận động này đã thất bại. Một số tài liệu được giới
thiệu sau đây cho thấy một cách gián tiếp lý do của sự thất bại này.
Tập tài liệu này
gồm, ngoài một bản thảo văn thư mang số Z21G đề ngày 11. 4. 1907 của Giám đốc Tổng
nha Học chính gửi Toàn quyền Đông Dương và một bản thảo văn thư cũng của quan
chức này gửi các Chủ tịch Hội đồng Cải cách Học chính địa phương còn có một tập
sách nhỏ nhan đề Textes et Documents relatifs à la réforme du Quốc ngữ (Các văn
bản và tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ), F. H. Schneider,
Imprimerie Typo-Lithographique, Hà Nội, 1907, tất cả đều được lưu giữ tại Trung
tâm Lưu trữ Hải ngoại (Centre d’Archive d’Outre-mer - CAOM) ở Aix-en-Provence,
Cộng hòa Pháp, trong hồ sơ mang ký hiệu GGI 2625.
Ngoài bản thảo
hai văn thư là tài liệu đánh máy, quyển Textes et Documents relatifs à la
réforme du Quốc ngữ là một ấn phẩm lưu hành nội bộ của Tổng nha Học chính Đông
Dương, vì thế nên ít được phổ biến rộng rãi. Nhận thấy nhiều điểm trong nội
dung khoa học và quản lý nhà nước về vấn đề chính tả của nó vẫn còn những giá
trị thời sự nhất định, nên chúng tôi giới thiệu ở đây phần chủ yếu trong tập
sách để những người quan tâm biết thêm về cách suy nghĩ và lối ứng xử của nhiều
người nước ngoài hơn một trăm năm trước đối với chính tả tiếng Việt.
Bản dịch tiếng Việt
của tập tài liệu này đã được Nguyễn Nghị thực hiện với sự hợp tác của nhà Hán
Nôm học Cao Tự Thanh và đã được in trong phần Phụ lục của cuốn sách mang tựa đề
I và Y trong chính tả tiếng Việt, của Cao Tự Thanh, Nxb Văn Hóa – Văn
Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh - 2014.
Phủ Toàn quyền
Đông Dương
Giám đốc Tổng nha
Học chính
Văn phòng Tổng hợp
Số Z21G
Trích yếu: về việc
cải cách chữ Quốc ngữ
Cộng Hòa Pháp
Tự do – Bình đẳng – Huynh đệ
***
Hà Nội, ngày 11 tháng Tư 1907
Tổng Giám đốc Tổng
nha Học chính Đông Dương
Gửi ông Toàn quyền
Đông Dương tại Hà Nội
Kính gửi ông Toàn
quyền,
Tôi lấy làm vinh
hạnh gửi kèm theo thư này tập sách nhỏ “Các văn bản và tài liệu liên quan tới
việc cải cách chữ Quốc ngữ”, tập sách mà ông đã rất muốn cho phép xuất bản ở
Sài Gòn.
Tôi gửi kèm ở đây
bức thư tôi dự định viết cho các vị Chủ tịch Hội đồng Cải cách Học chính địa
phương dùng làm cơ sở cho các cuộc bàn luận sẽ được tổ chức sớm về cuộc cải
cách.
Ký tên (không
rõ).
Gửi ông Chủ tịch
Hội đồng Cải cách Học chính địa phương
Trích yếu: về việc
cải cách chữ Quốc ngữ
Ông Chủ tịch,
Ông và các thành
viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương sẽ nhận được từ người phụ trách
cơ quan Học chính tập sách nhỏ vừa được xuất bản với nhan đề “Các văn bản và
tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ”.
Tập sách này có mục
đích dùng làm cơ sở cho việc thảo luận cặn kẽ về việc cải cách do Hội đồng Cải
cách Học chính Đông Dương đề ra trong phiên họp năm 1906. Ông Chủ tịch Hội đồng
và tôi mong muốn quý vị đưa vấn đề quan trọng này vào chương trình nghị sự càng
sớm càng tốt, vì việc xuất bản các sách giáo khoa mới nên phải có giải pháp cho
vấn đề này trong thời gian ngắn nhất. Quý vị phải kết thúc công việc này trước
ngày 1. 6, tức thời điểm để đại biểu của mỗi Hội đồng sẽ họp với nhau để có sự
thỏa thuận cuối cùng về việc cải cách chữ Quốc ngữ.
Kính mong ông Chủ tịch nhận nơi đây sự kính trọng cao nhất của tôi.
Phủ Toàn quyền Đông Dương
Tổng Giám đốc Nha học chính
--------------------------------------
Textes et Documents relatifs à la réforme du Quốc ngữ
(Các văn bản và
tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ)
Hanoi 1907
I. Hội nghị quốc tế nghiên cứu về Viễn
Đông lần thứ nhất (Hà Nội, 1902)
Tiểu ban cải cách
việc phiên âm chữ quốc ngữ
Trích Biên bản
phân tích các phiên họp (Hanoi, F. H. Schneider, 1903), tr. 126 và tiếp theo.
Ông Pelliot trình
bày báo cáo của Tiểu ban cải cách việc phiên âm về dự án cải cách chính tả
Annam, do các ông Babonneau và Simonin đệ trình.
Tiểu ban đã họp
vào lúc 11 giờ ngày 6. 12, dưới quyền chủ tọa của ông Chéon. Có mặt: các ông
Babonneau, Cadière, Finot, Gerini, Hoàng Trọng Phu, Pelliot, Simonin.
Các thành viên của
Tiểu ban đã đồng ý với nhau là phải tuân thủ ba quy tắc sau đây trong khi làm
việc:
1. Chúng ta phải
cố sức trong mức có thể đưa ra một giá trị duy nhất cho một chữ và luôn luôn diễn
tả một âm (son) bằng cùng một chữ. Do đó, cần phải, chẳng hạn, bỏ việc sử dụng
chữ g ở đầu trong từ gang hay từ gi, bởi vì hai chữ đầu
này đọc rất khác nhau, và cũng phải ghi bởi cùng một chữ âm đầu của ca và
ke, bởi vì hai cách viết này có cùng một âm.
2. Cách ghi sử dụng
cho tiếng Annam nên gần với các cách ghi thường được dùng cho các ngôn ngữ
khác.
3. Vì con số các
tác phẩm, trong đó có một số rất tốt, đã được xuất bản với cách ghi cũ, nên
quan tâm đến các thay đổi do hai quy tắc trên ấn định một cách dứt khoát.
Phần trình bày về
các nguyên âm được đánh giá là tốt, dù sao cũng không có nhu cầu nghiêm trọng
phải chỉnh sửa một cách sâu sắc. Tuy nhiên, Hội đồng cho rằng dấu mũ của â đem
lại cho nguyên âm này một giá trị hoàn toàn khác với giá trị nó đem lại trong ô
và trong ê, do đó, nên thay â bằng a’. Hội đồng cũng
cho rằng phải bỏ hẳn thói quen mà vài tác giả vẫn có, trái với phương pháp của
linh mục de Rhodes, là lấy y thay i trong một số trường hợp (ky,
ly, my trong các bản đồ) mà không có gì biện minh được. Vấn đề dùng u trong
các từ như nguyên, thuyêt sẽ được gác lại cho đến khi có được thông tin
rộng rãi nhất...
Về các phụ âm, Tiểu
ban đề nghị những thay đổi sau:
1. -c (hay
c) sẽ có giá trị của ch hiện nay. Ch hiện nay gần với âm
ngạc điếc (palatale sourde) các nhà ngữ học thường phiên là c (hay c),
ngoài ra, đây còn là một âm nổ không phát âm bật hơi (explosive non aspirée) và
Hội đồng chỉ dành chữ h cho duy nhất các trường hợp chữ này ghi nhận một
sự phát âm bật hơi (aspiration). Cuối cùng, chữ c hiện nay được dùng
trong các từ như ca, và ở đó nó có cùng giá trị như k của từ ke,
sẽ bị bỏ và được thay thế bằng k, như vậy, chúng ta sẽ viết ká,
(cá), cợ (chợ), khác, (khách, lạ)
2. -d không
có gạch ngang sẽ có giá trị bình thường của d trong tiếng Pháp; đ hiện
nay, được viết có gạch ngang, sẽ không còn. Âm hiện nay được phiên bởi d sẽ
được phiên thành z.
3. -g luôn
giữ giá trị của âm họng kêu không phát âm bật hơi (gutturale sonore non
aspirée), ngay cả khi đứng trước i, bởi vậy, chúng ta sẽ viết ge
(ghe) chứ không phải là ghe, gi (ghi), chứ không phải ghi. Còn về
gi hiện được dùng để diễn tả âm ngạc kêu (palatale sonore ) tương ứng với
c (ch cũ) điếc của từ cợ (chợ), sẽ được thay thế bởi j,
chúng ta sẽ viết jả, (giả), chứ không phải giả.
4. -h luôn
có giá trị của một phát âm bật hơi (aspiration), sẽ không còn xuất hiện trong ghe,
từ nay sẽ viết là ge; trong từ chợ, được viết là cợ; khách,
được viết là khác; nhà, viết thành ña, nhưng ngược lại, sẽ còn được
giữ trong phép (luật), vì ph ở đầu vẫn còn duy trì một phát âm bật
hơi nhẹ và không hoàn toàn tương đương với f của tiếng Pháp.
5. -j thay
cho âm ngạc kêu (gutturale sonore) gi, chẳng hạn: jả thay vì giả.
6. -k được
dùng như hiện nay và thay chữ c hiện nay khi chữ c này có giá trị
của k, do đó, viết ká thay vì cá.
7. -nh hiện nay, ở đầu hay ở cuối, chỉ diễn tả một âm,
không có phát âm bật hơi, sẽ được phiên thành ñ, ñà chứ không phải nhà,
báñ (bánh), chứ không phải bánh.
8. -ph sẽ
được giữ lại bởi vì âm được diễn tả không đơn thuần là âm răng môi
(dento-labial) viết thành f trong tiếng Pháp, và vẫn giữ một chút phát
âm bật hơi nào đó.
9. -q,
không có âm nào khác ngoài âm k ở đầu, sẽ không còn, và được thay thế bằng
k. Sự phân biệt hiện nay giữa cua và qua có lý do của nó:
trong cua, dấu được đặt trên u, trong qua, dấu đặt trên a.
Nhưng không có lý
do nào để đánh dấu vị trí khác biệt này của dấu bằng cách thay đổi của âm đầu;
ngược lại, duy trì chữ u khi nó đóng vai trò nguyên âm được nhấn mạnh là
điều tự nhiên (kua thay vì cua hiện nay) và sẽ được thay thế nó bằng
bán nguyên âm w khi nó thực sự là một bán nguyên âm (kwa thay vì qua).
10. -s thích
hợp trong cách ghi hiện nay với âm xuýt gió (sifflante cérébrale); do đó, tốt
hơn nên được thay thế nó bằng s (s có dấu nặng ở dưới), khi không có chữ
s này, chúng ta có thể sử dụng s hiện nay.
11. -x hiện
nay diễn ta một âm rất gần với âm ngạc xuýt. Do đó, tốt hơn, nhưng không cần
thiết Hội đồng phải nhất trí theo ý kiến này, là thay thế x bằng c
(có dấu phẩy ở dưới), sẽ cho thấy rõ hơn cách đọc.
12. -z sẽ
thay thế d không có gạch ngang hiện nay, nhưng không muốn gán cho z một
giá trị tuyệt đối cố định mà chính âm Annam của nó không có.
Hệ thống ký hiệu
các giọng không dẫn đến một nhận xét nào riêng biệt. Bởi vậy, Hội đồng phiên đề
nghị với quý vị ước nguyện sau:
Thưa Hội nghị,
Xét tính cách tiện
lợi, cả về mặt thực tiễn lẫn khoa học, của việc phiên âm tiếng Annam một cách
đơn giản hơn và hợp lý hơn là cách phiên hiện nay đang được áp dụng,
Chấp thuận báo
cáo của Hội đồng phiên âm và bày tỏ ước nguyện các điều chỉnh được đề nghị được
Nhà nước toàn quyền Đông Dương phê chuẩn.
Đại úy Bonifacy
lên tiếng chống lại dự án của Hội đồng với hai loạt phản đối: 1. Về phương diện
khoa học, ông không cho rằng hệ thống của Hội đồng có những lợi điểm đáng kể
trên cách viết được chấp nhận hiện nay. Các giá trị của các chữ vẫn không kém ước
lệ hơn, nhưng trong khi chữ quốc ngữ dựa chủ yếu trên các cách đọc của các ngôn
ngữ Latin và ngày nay vẫn có thể tìm thấy được trong tiếng Italia, tiếng
Provencal, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, thì các cải cách của Hội đồng, đặc biệt
chữ w, đúng hơn, cũng chỉ là một sự vay mượn của phép viết của Anh, ông
không cho việc thay đổi này là một tiện lợi, và chẳng làm cách viết đơn giản
hơn chút nào. Ngoài ra, chữ ñ mà Hội đồng đề nghị thay cho cụm chữ nh
sẽ có cái bất tiện là làm cho dấu ngã này có hai giá trị khác nhau, bởi vì
dấu ngã cũng còn được đặt trên các nguyên âm để chỉ một trong các giọng của tiếng
Annam. 2. Về phương diện thực tiễn, quả là rất khó làm cho những người đã học
cách viết cũ quen được với cách viết chính tả mới, nhất là khi họ lại là những
người Annam; như vậy, để cách viết mới có kết quả, người ta sẽ phải ấn định
cách viết này trong các cơ quan hành chánh; và thế là nhiều người bản xứ vốn đã
bỏ nhiều thời gian để học cách đánh dấu cũ, bất thình lình bị lôi về lại điểm
xuất phát, buộc phải bắt đầu lại việc học lại cách viết hay bỏ cơ quan.
Ông Pelliot trả lời
là Hội đồng không xét đến khía cạnh viết theo tiếng Latin hay anglo-saxon, mà
chỉ tìm cách thống nhất một cách tối đa với các cách viết được nhiều các nhà ngữ
học nhất chấp nhận. Vả lại, dùng c để diễn tả âm ngạc điếc lại gần với một
số giá trị của c trong tiếng Ý hơn là giá trị của nó trong tiếng Anh. Về
tình trạng dấu ngã sẽ có hai giá trị, xem ra không thể có một chút lẫn lộn nào
giữa dấu ngã đặt trên một phụ âm, do đó không bao giờ có thể gợi lên một â giọng,
và dấu ngã nhấn mạnh đặt trên một nguyên âm, chữ ñ, ngoài việc được dùng
trong các cách ghi chép khoa học, nó vẫn còn được dùng trong tiếng Tây Ban Nha.
Cuối cùng, việc điều chỉnh cách viết tiếng Annam hẳn không thể không tạo nên một
sự khó chịu nhất thời cho những người đã học cách viết cũ, nhưng cũng đúng là,
mặc dù có sự dè dặt tương đối của Hội đồng, các thay đổi kể ra cũng khá nhiều
và quan trọng, nhưng quả là quá lời khi nói rằng những người đã học chữ quốc ngữ
cũng sẽ phải vất vả như vậy để làm chủ cách viết mới; để hiểu được cách viết mới
sẽ là công việc của mấy tiếng đồng hồ, và để sử dụng một cách không mấy khó
khăn sẽ là công việc của mấy ngày. Vả lại không có gì dễ dàng hơn là ấn định một
thời hạn nào đó cho phép cả hai hệ thống cùng tồn tại. Một cuộc cải cách như vậy
đã có thể xảy ra, đó là cuộc cải cách thay thế trong ngành hóa học cách ghi
nguyên tử (notation atomique) cho hệ thống các tương đương.
Linh mục Cadière
tuyên bố là về phương diện khoa học, cách viết do Hội đồng đề nghị chắc chắn là
cao hơn cách viết thông dụng, nhưng về phương diện thực tiễn, việc cải cách chữ
quốc ngữ tạo nên những khó khăn khá trầm trọng để phải từ bỏ mọi ý định cải
cách. Chính từ quan điểm này, linh mục đưa ra 6 vấn nạn: 1. Chúng ta không thể
loại bỏ các khó khăn gắn với cách viết chữ Annam và mọi hệ thống viết đều chỉ có
thể là không hoàn hảo. 2. Không nên gán cho chữ quốc ngữ những khiếm khuyết gắn
với chính ngôn ngữ Annam. 3. Nếu hệ thống do Hội đồng đề nghị có loại bỏ được một
số khó khăn, thì ngược lại, nó lại tạo nên một số khó khăn khác. 4. Việc cải
cách chữ quốc ngữ sẽ làm cho một số lớn sách không đọc được, như các từ điển của
Giám mục Taberd và của linh mục Génibrel, Le Cours và Sưu tập các văn
bản của ông Chéon. 5. Một số lớn người Annam, vốn không biết chữ Hán và
không biết kiểu viết nào khác ngoài quốc ngữ, sẽ rơi vào tình trạng mù chữ. 6.
Một số khổng lồ vật liệu nhà in sẽ trở nên vô dụng.
Ông Babonneau cho
rằng chữ quốc ngữ có những điểm bất thường không sao biện minh được và chướng đến
độ nhất thiết phải có một số điều chỉnh. Chẳng hạn, việc dùng chữ đ có gạch
ngang để có tác dụng của phụ âm d thông thường, và chữ d đơn giản
để có tác dụng của một phụ âm vốn chẳng có quan hệ gì với chữ d thông
thường, sẽ làm nản lòng những người mới bắt đầu và hoàn toàn không thể chấp nhận
được.
Ông Chéon, chủ tịch
Hội đồng phụ trách chữ viết, tuyên bố : mặc dù là tác giả của nhiều công trình
trong đó ông sử dụng chữ quốc ngữ, ông cũng xác tín, qua chính thực tiễn, về sự
cần thiết phải cải cách và việc chấp nhận dự án của Hội đồng là điều đáng làm về
mọi phương diện.
Ông Nocentini nhận
xét là tất cả các vấn nạn chống lại dự án của Hội đồng đều nảy sinh từ những mối
quan tâm thuộc lãnh vực thực tiễn, và tự hỏi liệu dự án có thể tập hợp được mọi
phiếu bầu, trong điều kiện là chỉ liên quan, ít ra là tạm thời, tới việc sử dụng
trong lĩnh vực khoa học mà thôi.
Ông Maitre gợi lại
một số vấn nạn do linh mục Cadière nêu ra. Các điều chỉnh được đề nghị có ảnh
hưởng rất hạn chế tới vật liệu in ấn. Các điều chỉnh này cũng không đẩy người
Annam vốn chỉ biết có chữ quốc ngữ vào lại tình trạng mù chữ, mà chỉ buộc họ phải
làm thêm một công việc phụ kéo dài mấy tiếng, quá lắm là mấy ngày.
Các điều chỉnh
này cũng không làm các sách bằng chữ quốc ngữ rơi vào tình trạng không đọc được
hơn là việc chấp nhận hệ thống của ông Visière đối với các công trình của các
nhà Hán học trước đó. Tuy nhiên, vì việc chấp nhận hệ thống mới xem ra phải
đương đầu trong việc sử dụng hiện tại với những phản đối dai dẳng, có lẽ sẽ
khôn ngoan hơn nếu chúng ta chấp nhận đề nghị của ông Nocentini là chỉ nhắm đến
việc sử dụng trong lĩnh vực khoa học.
Ông Chủ tịch
tuyên bố là Hội đồng đã được hướng dẫn trước tiên bởi ý muốn đưa ra một hệ thống
có thể dung hòa các đòi hỏi của logic với những đòi hỏi của thực tiễn và có thể
có giá trị như một hệ thống duy nhất. Do đó, Hội đồng đã tỏ ra rất là vừa phải
trong các đề nghị của mình.
Bá tước Pullé cho
rằng chắc chắn sẽ là đáng tiếc nếu có hai hệ thống tồn tại song song: tuy
nhiên, kinh nghiệm cũng cho thấy là một hệ thống có tính khoa học và mang tính
lý tính, rốt cuộc, sẽ luôn tự khẳng định mình và một cách rất nhanh chóng. Bởi
vậy chúng ta chẳng việc gì phải lo ngại khi chấp nhận đề nghị của ông
Nocentini.
Linh mục Cadière
nhắc lại là ông chỉ nêu lên những vấn nạn hoàn toàn thuộc lĩnh vực thực tiễn chống
lại dự án. Các vấn nạn này sẽ không còn nếu Hội nghị đề nghị một cách viết thuần
túy có tính khoa học. Về điểm này, dự án của Hội đồng đánh dấu một bước tiến bộ
hiển nhiên; nhưng xuất phát từ ước muốn dọn đường đi đến một hệ thống duy nhất
và dành mọi nhượng bộ có thể cho cách viết thông thường, thì hệ thống này chưa
đủ và cần phải được điều chỉnh. Nó chỉ có thể được sử dụng làm cơ sở cho một dự
án còn phải được đào sâu và dứt khoát hơn nữa.
Đại tá Gerini và
ông Pelliot ủng hộ ý kiến linh mục Cadière đưa ra.
Sau các cuộc tranh
cãi tạo ra bởi bản văn tiên khởi, Hội đồng phụ trách việc viết chữ quốc ngữ cho
đọc ước nguyện sau đây:
Hội nghị, xét lợi
ích về mặt khoa học mà một cách viết tiếng Annam đơn giản và có lý tính đem lại,
yêu cầu Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp ấn định, để sử dụng trong lĩnh vực khoa học,
một hệ thống có thể đáp ứng mọi điều kiện mong muốn, trên các cơ sở do Hội đồng
đề nghị.
Văn bản được chỉnh
lại như trên đây đã được tất cả các thành viên bỏ phiếu chấp nhận.
II. Hội đồng Cải cách Học chính địa phương Khóa họp năm 1906
Trích biên bản các phiên họp (Hà Nội, L. Gallois 1906), tr. 47 và 50.
A. Phiên họp thứ nhất ngày 21. 4. 1906
Chương trình nghị
sự là nghiên cứu việc cải cách chữ quốc ngữ.
Ông Nordemann, Chủ
tịch Hội đồng, trình bày là vào lúc chúng ta soạn thảo một số lớn sách giáo
khoa bằng tiếng Annam, thì việc nghiên cứu vấn để cải cách chữ quốc ngữ là điều
cần thiết. Ông Chủ tịch ôn lại lịch sử vấn đề và nhắc lại là từ các tác phẩm của
linh mục A. De Rhodes, xuất bản vào giữa thế kỷ XVII, chữ quốc ngữ đã trải qua
nhiều đợt chỉnh sửa. Từ điển Taberd (1838) đưa ra một cách viết rất khác. Các từ
điển của La Liraÿe và Theurel (1877) cũng có các cách ghi riêng của mình. Hội
nghị các nhà Đông phương học tại Hà Nội năm 1902 đã đưa ra một số điều chỉnh;
các quyết định của Hội nghị được sử dụng làm nền tảng cho Hội đồng nghiên cứu.
Hội đồng đã nhóm họp bốn lần và đã đi đến một thỏa thuận gần như hoàn toàn.
Ông Chủ tịch nhắc
lại rằng Hội đồng của Hội nghị tại Hà Nội do một người Annamitisant được mọi
người đánh giá cao là ông Chéon ngồi ghế chủ tọa.
Ông Nordemann giải
thích rằng Hội đồng đã quyết định trong dự án của mình để ý tới tính cách ích lợi
của việc Pháp hóa và của cả sự cần thiết phải quy tắc hóa và đơn giản hóa cách
thức ghi chép này. Các cải cách được đề nghị nhắm tám yếu tố, nhưng hai trong
tám yếu tố này đã không được sự nhất trí của Hội đồng.
Cách viết êi sẽ
thay thế cho ây, như trong A. de Rhodes.
Mọi người nhất
trí.
Chữ ă ngắn
(bref) sẽ có dấu ngắn (signe de la brève) ở tất cả chỗ nào có a ngắn, kể
cả do vị trí.
8 chấp nhận chống
lại 5.
Trong các nguyên
âm đôi (diphtongues) trong đó chữ thứ hai là i hay y, chúng ta sẽ
luôn luôn viết là i. Tuy nhiên, ông Nordemann đề nghị là uy và ui
phải khác biệt nhau.
Ông Maitre lưu ý
là trong trường hợp này việc sử dụng uy sẽ không biện minh được, và tốt
hơn hết là viết ui để cho thấy là chữ i được tách biệt hẳn.
Ông Chủ tịch ủng
hộ các nhận xét này, khi lưu ý rằng việc chấp nhân uy sẽ khiến cách viết
không sử dụng được trong các công trình khoa học.
Ông Nordemann nhấn
mạnh rằng đối với việc chấp nhận uy, chữ i với dấu tréma có nhiều
dấu khác nhau không có trong bộ chữ cùng cỡ.
Ông Maitre nói là
sẽ không có bất tiện lớn khi đánh dấu trên u.
Các ông Tissot và
Bouzat phát biểu cũng ý kiến này.
Hai ý kiến này đã
không hội đủ đa số phiếu. Đề nghị được gác lại.
B. Phiên họp thứ hai ngày 21. 4. 1906
Ông Chủ tịch
trình bày: vì Đại học đã tổ chức phiên họp khoáng đại và lấy dự án làm nội dung
cho một cuộc bàn luận, Hội đồng có thể chuyển sang việc xem xét các vấn đề thuộc
lĩnh vực khoa học: trước tiên, chúng ta có thể trở lại vấn đề chữ quốc ngữ.
Mọi người đồng ý
về đề nghị của ông Bùi Đình Tá chấp nhận cách viết do ông Maitre đưa ra, trừ việc
i tréma sẽ được thay thế bởi i có dấu mũ.
Ông Nordemann sau
đó đọc lại toàn bộ các đề nghị sau đây, liên quan đến các cải cách chữ quốc ngữ:
Các nguyên âm: â
sẽ viết là ê trước i.
ă sẽ có thêm dấu ngắn ở tất cả các nơi nó là âm ngắn.
i sẽ viết là i trong tất cả các trường hợp.
y bên trong các từ sẽ viết là y. Chúng ta sẽ
viết là i trong nguyên âm đôi ui.
Các phụ âm: đ sẽ
viết là d.
c, k, q, sẽ viết là k trong tất cả các từ có phụ âm
này,
các trường hợp đặc
biệt: cua = kua; qua = koa.
d, gi, sẽ viết là j.
x, sẽ viết là c (có dấu phẩy ở dưới).
h sẽ không còn khi đứng sau g hay ng trước
i hay e.
Quy tắc yêu cấu đặt
dấu trên hay dưới nguyên âm nổi trội (voyelle dominante) phải được tuân thủ một
cách nghiêm nhặt.
Các đề nghị này
đã được mọi người chấp nhận.
III. Quyết định ngày 16.5.1906 của Toàn
quyền Đông Dương về việc mở một cuộc thi soạn sách giáo khoa
(Trích đoạn liên
quan đến chính tả của các sách viết bằng chữ quốc ngữ)
Điều 8. Các sách
giáo khoa được soạn bằng tiếng Annam theo mẫu tự latinh (quốc ngữ ) phải chú ý
tới cách viết chính tả sau đây:
Các nguyên âm: âm
được phiên một cách không chính xác thành â sẽ được viết là ê trước
i;
ă sẽ có dấu ă ở bất cứ vị trí nào khi nó là
nguyên âm ngắn;
i sẽ luôn được viết là i; và i có dấu mũ
trong nguyên âm đôi ui;
y (bán nguyên âm của i) sẽ được viết như vậy
ở bên trong các từ;
Các phụ âm: đ sẽ
viết thành d;
c, k, q sẽ đồng loạt được viết thành k;
Trường hợp đặc biệt:
cua sẽ viết là kua và qua sẽ viết là koa;
d, gi sẽ được viết là j;
x sẽ viết là c (có dấu phẩy ở dưới);
h sau g hay ng (âm họng kêu hay mũi/gutturale
sonore ou nasale) trước i hay e sẽ bị bỏ;
Quy tắc về việc đặt
dấu ở trên hay dưới nguyên âm nổi trội phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
IV. Những bài viết liên quan tới việc cải
cách chữ quốc ngữ
A. Các bài viết của linh mục Cadière
Đăng trên Avenir
du Tonkin trong các số từ 24. 9 đến 17.10. 1906
Trong chừng mực có thể, các quyết định Hội đồng Cải cách Học chính địa phương, nhìn chung, đã làm hài lòng những ai quan tâm đến việc nâng cao trình độ luân lý và tinh thần của người Annam và quan tâm đến sự thịnh vượng của thuộc địa bao nhiêu thì cuộc cải cách của Hội đồng này đối với việc phiên âm chữ quốc ngữ lại đã làm ngạc nhiên bấy nhiêu những người đang nghiên cứu tiếng Annam. Tôi nghĩ, những ai có chút ảnh hưởng trong các vấn đề này đều có bổn phận lên tiếng và chỉ ra cho thấy cuộc cải cách này không có nền tảng và tồi tệ đến mức nào, hầu soi sáng “tôn giáo ” của các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương: danh dự của họ cũng như danh dự của các thành viên của Học chính và của cả thuộc địa đều liên quan.
Vấn đề cải cách
chính tả chữ quốc ngữ không phải là mới. Nó đã có từ thời hệ thống ra đời.
Chúng ta có thể thấy, trong các công trình cổ do các thừa sai ấn hành, trong
các thủ bản, là cách viết này đã có thay đổi, đã được cải cách qua các thế kỷ.
Cách viết thông dụng khi người Pháp tới Đông Dương không hoàn hảo. Nhiều tiếng
nói có thẩm quyền, các linh mục Legrand de la Liraye, Lesserteur, ông
Aymonnier, đã đưa ra những phê phán đúng đắn, đã đề ra những cải cách. Cách đây
vài năm, vấn đề lại được nêu lên lại. Tại Hội nghị các nhà Đông phương học tại
Hà Nội năm 1902, một Hội đồng do ông Chéon chủ tọa, đã xem xét vấn đề này. Người
ta đã xem xét tất cả mọi phê phán có hiểu biết đã được đưa ra cho tới thời điểm
này, người ta tìm cách thỏa mãn mọi ước muốn chính đáng đã được nêu lên, của
người bảo thủ cũng như của những người có quan niệm lật đổ. Dự án được đưa ra
và được chấp nhận trên nguyên tắc chưa tuyệt đối hoàn hảo. Dự án không thỏa mãn
tất cả mọi người. Nhưng dự án đã được những người có thẩm quyền trong vấn đề
tán thành. Chính những người chống lại cũng nhìn nhận dự án có một giá trị lớn
về phương diện khoa học. Và chúng ta có thể hy vọng những thành kiến sẽ dần dần
biến mất, các cản trở sẽ được vượt qua, những phần chi tiết còn khiếm khuyết sẽ
được hoàn chỉnh, sớm muộn người ta cũng sẽ chấp nhận một hệ thống latinh hóa phục
vụ cho người thông thái cũng như cho những người muốn học tiếng Annam chỉ để biết
và nói.
Nhưng niềm hy vọng
này đã tiêu tan. Cuộc cải cách do Hội đồng Cải cách Học chính địa phương chấp
nhận đã không thỏa mãn các ước muốn chính đáng người ta đã nêu lên. Cuộc cải
cách đã thần thánh hóa những lý thuyết hoàn toàn sai lầm. Nó gây nên sự lộn xộn
trong ngôn ngữ và trong cách viết, và do đó có hại cho việc học tiếng Annam, nó
chấp nhận những dị thường, nó giải quyết không tốt bằng hệ thống cũ vô số các sự
khác nhau tinh tế của ngôn ngữ. Xét về phương diện khoa học, cũng như thực tiễn
và sư phạm, cuộc cải cách này quả là một bước thụt lùi.
Phê phán và đánh
giá của tôi có thể là cường điệu. Những người trong số các đọc giả của tôi quan
tâm tới các vấn đề này và có kiên nhẫn để đọc tới cuối phần tranh luận của tôi,
dù vất vả đến đâu, sẽ nhận thấy là phê phán này là đúng và đánh giá như vậy là
chính xác.
Chúng ta hãy đi
vào chi tiết các điều chỉnh đã được chấp thuận.
1. “Âm được phiên
một cách không chính xác là â sẽ được viết là ê khi đứng trước i”
Trước đây, người
ta viết bây, cây, dây, lây, mây, vân vân, từ nay, sẽ viết là bêi,
kêi, lêi, mêi, vân vân.
Chúng ta sẽ để một
bên phụ âm của các hình thức khác nhau này, bởi nó không dính dáng gì ở đây, và
chúng ta sẽ chỉ xét đến âm của nguyên âm. Âm này có hai dạng được cấu thành bởi
hai yếu tố gắn chặt với nhau, â và y (từ nay là ê và i).
Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu yếu tố thứ nhất trong số hai yếu tố này. Yếu tố thứ
hai sẽ được xét đến ở đoạn khác. Về yếu tố thứ nhất, cho rằng cách ghi hiện nay
là sai quả là không đúng và phải viết thành ê lại càng không đúng.
Yếu tố thứ nhất
này, cho tới nay được phiên thành â, là âm ngắn. Chỉ việc nghe thôi cũng
đã cho chúng ta thấy điều này. Người Annam đầu tiên chúng ta gặp sẽ đưa ra cho
chúng ta bằng chứng. Các tác giả xác nhận sự kiện. Giám mục Taberd, trong cuốn Dictionnarium
Annamatico-latinum (Từ điển annam-latinh) của ông, trong lời tựa,
trang 3, viết: “à và â luôn luôn là âm ngắn” - và, ở trang 7, “đọc
một cách ngắn hơn và một cách gần như âm điếc và chìm (surdo và subobscuro)
[chữ â]”- Linh mục Vallot, trong Grammaire Annamite (Ngữ pháp annam),
tr. 9, viết: “ây luôn luôn là âm ngắn”. Và ông Chéon, trong tập Cours
(Giáo trình) của ông, tr. 6 “trong ay và ây, a và â
là những âm rất ngắn và ít nhiều khép lại”.
Âm ngắn và điếc,
đó là điều các tác giả và kinh nghiệm nói với chúng ta.
Bây giờ chúng ta
thử xem các tác giả đã giải thích thế nào về điều này, nghĩa là người ta đã so
sánh âm của â trong ây với âm nào trong tiếng Pháp.
Chúng ta đã được
thấy cảm nghĩ của Giám mục Taberd, â khắp nơi đều có âm điếc và hơi bị
chìm đi “modo quasi surdo et subobscuro”. Ở trang 7 của lời tựa, giám mục thêm:
y Hy Lạp tách âm tiết, như, v-g-cây, có tác dụng như thể câ-i”.
Dĩ nhiên, đây là một cách nói, bởi vì nguyên âm đôi ây, cũng như tất cả
các nguyên âm đôi của tiếng Annam không hề được tách ra hoàn toàn.
Nhưng rõ ràng là
đối với Giám mục Taberd, nguyên âm đôi ây, chỉ âm điếc và mờ của a thường
(âm này thay đổi nhiều, so sánh với Cheon, Cours, trang 5), tiếp theo là
âm i được đọc một cách rõ rệt hơn là trong nguyên âm đôi ai chẳng
hạn.
Cha Vallot, Grammaire,
trang 9 “ây có âm eil trong orteil” nghĩa là â được
đọc gần như è mở của tiếng Pháp – Ông Chéon, Cours, tr. 5: “â trong
các từ lây, lây, có âm như ê nhưng ngắn” - tr. 6 : “mây đọc
như âm tiết đầu của Meyer” – Ông Nordemann, Méthode de langue Annamite
(Phương pháp học tiếng Annam), tr. 3, đồng hóa â trong cây với
ê trong mê, về âm. – Cha Cadière, Phonétique Annamite (Ngữ âm
học tiếng Annam), tr. 8 “Nguyên âm đôi ây rất giống với âm ê và
đọc gần như âm tiết eil trong vermeil”.
Do đó, theo các
tác giả, chúng ta có thể so sánh âm â trong ây khi thì với một âm
điếc và mờ, khi thì với âm è mở, khi thì với âm é đóng.
Nếu giờ đây chúng
ta tìm hiểu các văn kiện cổ, chúng ta sẽ thấy rằng, khởi đầu, các tác giả chữ
quốc ngữ đã chấp nhận ba cách viết. Linh mục de Rhodes, trong Catechismus(Phép
giảng) in tại Roma năm 1651, viết êy thay cho ây [ấy
…là, tr. 6. –bêy, thay cho bây, vây, cũng vậy, tr. 28, 29, 57, - ai
nêi thay vì ai nấy, tr. 56; lêy thay cho lây (lấy),
tr. 11, - dêy thay cho dây, tr. 11, vân vân – Ông cũng dùng hoặc cho
chính các từ này, hoặc cho rất nhiều các từ khác chúng ta không cần nêu ra đây,
hình thức ây, và tôi nghĩ cách viết này chiếm ưu thế trong tác giả này.-
Cuối cùng, đôi lúc ông cũng dùng ei chẳng hạn quéi cho quấy [sai
lầm, quấy, không thích hợp], tr. 13.
Giải thích về các
hình thức khác nhau này không có gì khó. Vào buổi đầu, các thừa sai chưa có một
hệ thống nhất định. Nhiều âm của tiếng Annam chưa được cố định, chỉ đọc qua Catechismus
của linh mục de Rhodes và các thủ bản về sau cũng cho chúng ta thấy rõ điều
này. Đặc biệt, âm mà ngày nay chúng ta phiên là ây, trong chính tả, được
diễn tả thành êy, âi, êi, ei. Sự lẫn lộn giữa ê và â hay
giữa các nguyên âm khác còn đi xa hơn nữa, và chúng ta có các hình thức dêt thay
cho dât (đất), tr. 12, 28; cuên thay cho quân, tr. 5; tuêi
thay cho tuổi (năm), tr. 5; nhiêu, tr. 7, nhêo, tr. 5,
thay cho nhiêu (nhiều), vân vân.
Chính tả chưa cố
định, vậy thôi, chưa cố định bởi vì người ta chưa nhận ra một cách chính xác vô
số các âm rập rờn của tiếng Annam trong các hình thức khác nhau ở đó chúng xuất
hiện với tính cách các yếu tố.
Nhưng bởi vì linh
mục de Rhodes đã sử dụng đồng thời các hình thức êy, êi, ei, âi, ây, nên
chúng ta phải có sự chọn lựa. Nói cách khác, những người tiếp nối linh mục de
Rhodes phải chăng đã sai lầm mà lần lượt loại bỏ các hình thức êy, êi, ei,
âi, vốn xem ra cũng ít được chính linh mục de Rhodes sử dụng và cuối cùng dứt
khoát giữ lại hình thức ây?
Không, họ không lầm.
Trong ây, â
không hoàn toàn đáp ứng âm è mở hay é đóng như người ta tưởng;
â diễn tả một âm điếc và mờ, không rõ ràng, âm này, trên nguyên tắc, giống
eu trong deuil (tiếng Pháp), nhưng gần với giọng cổ hơn, và đồng
thời nhẹ hơn, bồng bềnh (flottant) hơn, ít dứt khoát hơn. Đó là “âm gần như âm
điếc và chìm” theo Giám mục Taberd.
Nghiên cứu về
hình dạng của một số hình thức sẽ chứng minh rộng rãi cho chúng ta điều này.
Các ngôn ngữ Mường
có họ hàng rất gần với tiếng Annam; các dân tộc nói tiếng Mường sống rải rác dọc
trên sườn hay trong các thung lũng cao của dãy Trường Sơn. Tại Quảng Bình, tôi
thấy có hai dân tộc sử dụng tiếng Mường. Một thay y hay i ở cuối
một số từ bằng n, một thay yếu tố cuối này bằng l.
Chúng ta thử xem
xem hai dân tộc này đã có tác động nào trên hình thức của tiếng Annam được
phiên thành ây.
Đối với dân tộc
thứ nhất:
Cân thay cho cấy; dân thay cho dậy; mân thay
cho mây; cân thay cho cây;
Và đối với dân tộc
thứ hai:
Kol thay cho cấy (cấy lúa); ti dil thay
cho dậy (thức dậy).
Các từ vựng do tạp
chí của Trường Viễn Đông Bác cổ cung cấp, tập V, tr. 358, 362 chỉ đưa ra một số
từ này. Nhưng từng ấy cũng đã rất đủ để chứng minh cho thấy rằng yếu tố đầu của
nguyên âm đôi là một âm điếc, vốn đã bị làm lệch đi đôi chút bởi yếu tố cuối, để
biến thành è mở, chỗ này, thành é đóng chỗ nọ - các yếu tố khác
nhau của các từ tác động lên nhau, các yếu tố này thay đổi nhiều hoặc ít các yếu
tố khác, và đến lượt mình, các yếu tố này đã bị thay đổi bởi các yếu tố khác –
âm điếc tái xuất hiện với bản chất riêng của nó khi yếu tố cuối bị thay đổi,
nghĩa là khi nguyên nhân đã gây ra sự thay đổi không còn.
Đừng nói là cách
đọc của các thị tộc đã được ghi không chính xác để bác lại. ây thay êl
hay ei còn có thể được, nhưng ên hay en thay cho ân
thì không thể được. Con, thay cho cây, được sử dụng tại nhiều
tỉnh ở Annam, cũng chứng mình điều này; o là một sự nhấn mạnh của â và
hình thức có tính cách địa phương con khiến nghĩ tới hình thức cân,
cũng chính là hình thức chúng ta có nơi người Mường ở Quảng Bình. Chúng ta luôn
gặp âm điếc và ngắn này trong cây và trong cân, nhưng mở và kéo
dài trong con.
Theo ý tôi, các sự
kiện này minh chứng một cách rõ ràng rằng yếu tố đầu của nguyên âm đôi ây đã
không bị biến đổi một cách sai lầm thành â như các thành viên của Hội đồng Cải
cách Học chính địa phương muốn nói, một cách hơi thiếu suy nghĩ, mà chính là âm
điếc “modo quasi surdo et subobscuro” mà Giám mục Taberd mô tả, âm mà chúng ta
sẽ gặp lại trong các hình thức khác có â.
Chúng ta thừ tìm
hiểu kỹ hơn một chút các tương đương của âm mà các tác giả đưa ra cho nguyên âm
đôi ây. Người thì bảo nguyên âm đôi này phải đọc như é khép kín,
người khác thì lại nói như è mở, có i theo sau. Xin độc giả bớt
chút thời giờ để tập đọc nhé! Mây được đọc hoặc như từ mê của tiếng
Annam thêm i, hoặc như từ Annam me thêm i. Hãy đọc hai phần
này một cách hết sức tách biệt, bằng cách tách một cách rõ ràng mê hay me
khỏi i. Đoạn đọc đi đọc lại nhiều lần bằng cách kéo lại càng ngày
càng gần nhau hai phần này nhưng vẫn luôn giữ một cách chính xác âm mê hay
me cho phần thứ nhất, điều này sẽ khó khăn đấy, cho tới khi nào bạn ráp
liền được hai phần, đặt hai phần này trong quan hệ phải có trong từ mây của
tiếng Annam. Hãy nói cho tôi biết âm bạn vừa đọc- trong khi vẫn giữ, như tôi
nói, âm mê hay me cho phần một – có giống với âm người Annam đọc
từ mây hay không? Không. Các tác giả chữ quốc ngữ không phải là không có
cái tai thính hay óc nhận xét tinh tế. Bởi vậy, nếu họ đã không giữ lại, sau
khi thử, các cách viết méi hay mei, ấy là vì họ đã xét thấy, và họ
có lý, như tôi đã cho thấy, là không thích hợp để diễn tả các yếu tố của từ.
Khi chúng ta nói
rằng ây đọc như ei hay êi, đó là một cách nói, gần giống
như khi chúng ta muốn giúp một người mới bắt đầu, như điều này thường xảy ra đối
với nhiều âm của tiếng Annam vốn không có tương đương chính xác trong tiếng
Pháp. Bởi vậy, âm được diễn tả bằng ây chỉ trở thành éi hay ei
đối với những cái tai không được rèn luyện, đối với một người nghe hời hợt,
hay đối với một ông thầy muốn hướng dẫn một học trò người Pháp vào buổi đầu mà
thôi. Thực ra, đây là âm điếc và mờ mà Giám mục Taberd nói đến.
Thú thực là khi
tôi thoạt nhìn thấy danh sách các cải cách được chấp thuận cho cách viết quốc
ngữ, cách viết éi thay cho ây xem ra đối với tôi là một trong những
cải cách có thể chấp nhận được. Ký ức về cách viết của linh mục de Rhodes đã có
ảnh hưởng trên tôi. Việc nghiên cứu vấn đề một cách có phương pháp đã thay đổi
hoàn toàn quan niệm của tôi. Cách viết dùng một â phải được duy trì.
Chính cách viết mới đã được chấp thuận mới không đúng.
Để chấm dứt cuộc
tranh luận về một chi tiết xem ra quá nhỏ bé này, tôi thấy cần phải tôn vinh sự
kiên nhẫn của những người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Chúng ta đã thấy những chao
đảo của cách viết thuở đầu, sự do dự của các tác giả. Những bước mò mẫm, ghi nhận,
so sánh, sự tế nhị của tai nghe, sự chính xác cần thiết sau đó để nhận diện, ấn
định dứt khoát cái yếu tố có một tính chất rất ư là thiếu rõ rệt này. Đừng tháo
bỏ công trình của những người đi trước nếu không phải là để chỉnh sửa, cải thiện
và hoàn chỉnh nó.
2. “A sẽ có dấu
ngắn ở trên khi a là một âm ngắn”. Chẳng hạn ít ra
là trong các hình thức ay, anh, ach, au. Cuộc cải cách quả là tuyệt vời
và nó đã lấp đầy một lỗ hổng của hệ thống hiện tại. Nhưng cũng nên nói rõ trong
các hình thức nào thì a là âm ngắn. Nếu để cho mỗi người tùy tiện theo ý
mình, theo khoa học, nhất là của người Annam, những người sẽ soạn ra các sách
giáo khoa cho các cuộc thi của các giáo viên làng hay tỉnh, người ta sẽ chỉ có
thể đi tới chỗ hỗn loạn. Đặc biệt, a ở cuối không được nhấn mạnh, của
các dạng bua, bia, bua, vân vân mà ông Chéon, Cours, tr. 4 nói là
ngắn và đúng là như vậy, liệu sẽ được đặt dấu để làm ngắn?
3. “i sẽ luôn được
viết là i”. Chúng ta sẽ viết i trong nguyên âm đôi “ui”
Văn bản không rõ
ràng. Bản báo cáo về các cuộc họp của Hội đồng cho chúng ta một ý tưởng khá
chính xác về các tác dụng của cải cách.
a. Như vậy, người
ta sẽ không còn viết y, ly, my, sy vân vân mà là i, li, mi, si
vân vân. Cần được chấp thuận một cách trọn vẹn.
b. Người ta sẽ
không còn viết cay, may vân vân mà viết kai, mai vân vân. Dấu đọc
ngắn (a) đủ để phân biệt các hình thức của cai, mai vân vân với a dài
và cay, may vân vân với a ngắn.
Trong tiếng
Annam, chúng ta có một loạt các nguyên âm đôi, trong đó yếu tố thứ hai là i.
Đó là ai, oi, ơi, ôi, ui và ay, ây, ngoài ra còn phải thêm ui của
một số hình thức do người Bắc Kỳ sử dụng. Yếu tố cuối này cũng có cùng tính chất
trong tất cả các hình thức này. Để chứng minh, chúng ta chỉ việc tìm tới các tiếng
nói của người Mường vốn biến yếu tố cuối này thành n hay l, dù
nguyên âm đứng trước là gì đi nữa.
Chẳng hạn, trong
tiếng Mường ở Quảng Bình, chúng ta có:
Pun pun và pul pul thay cho bụi, pan thay
cho vai,
Pan và pol hay pâl thay cho bay;
can thay cho cầy; puon hay puol thay cho bưởi, vân
vân.
Mặc dù yếu tố này
vẫn là vậy, về bản chất, trong tất cả các hình thức, tuy nhiên chúng ta cũng phải
phân biệt hai loại, tùy theo yếu tố thứ nhất của nguyên âm đôi là dài hay ngắn,
và chúng ta có loại ai, oi, ơi, ôi, ui và loại ay, ây, ui. Trong
loại thứ nhất, vì giá trị của nguyên âm nổi trội, và định luật hấp thụ, yếu tố
cuối dài hơn, nhẹ, mơ hồ hơn, đôi khi mở hơn; trong loại thứ hai, nó có âm khép
hơn, ngắn hơn, rõ hơn, rõ nét hơn, vì cũng các lý do ấy. Đó là điều mà những
người tạo ra chữ quốc ngữ đã muốn ghi nhận bằng cách đặt ở đó một i đơn
giản, ở đây một y, ngoại trừ đối với các hình thức ít được sử dụng hơn ui.
Làm sao diễn tả yếu
tố thứ hai này? Nhiều hệ thống được phép sử dụng. Hoặc duy trì hệ thống hiện tại;
hoặc ngược lại với hệ thống này, đặt i tại nơi hiện tại người ta dùng y,
và y vào chỗ hiện nay người ta viết i. Đó là hệ thống ông
Aymonnier đã hình dung trong Nos transcriptions (Cách phiên của chúng ta),
và đây là hệ thống Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã chấp nhận. Chúng ta có thể
biện minh – người ta có thể dùng cùng một dấu cho mọi trường hợp hoặc y,
hoặc i, như các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương đã
làm. Người ta có thể chấp nhận hệ thống này để đơn giản hóa, nhưng lại gặp phải
một khó khăn tôi sẽ trình bày sau.
c. Người ta sẽ
không còn viết luy, chuy, tuy, vân vân, mà là lui, chui, tui, vân
vân, với một dấu mũ trên i.
Khi liệt kê trên
đây các nguyên âm đôi với yếu tố cuối là i, tôi đã không đưa ra nguyên
âm đôi vốn cho tới nay được viết là uy. Ấy là vì nguyên âm đôi này hoàn
toàn khác với các nguyên âm đôi được liệt kê trước đó.
Trong ai, ay,
ây, oi, ôi, ơi, ui, ưi, chính yếu tố thứ nhất là yếu tố được nhấn mạnh,
đóng vai trò chủ chốt trong cách đọc. Yếu tố thứ hai, khi là i, khi là y,
không được nhấn mạnh. Trong uy, thì lại hoàn toàn ngược lại. Chính yếu tố
cuối, tức y (=i) lại được nhấn mạnh. Yếu tố đầu, tức u, là
một bán nguyên âm môi không có dấu, không phải bán nguyên âm thông thường chúng
ta tìm thấy trong qui hay trong ngui (đôi khi thay cho nguy),
mà là bán nguyên âm được làm dịu, nghĩa là có âm u trong tiếng Pháp hay
gần giống vậy. Qua đó, chúng ta thấy được sự khác biệt giữa các hình thức viết lui
và luy cho tới nay. Trong hình thức thứ nhất u được nhấn mạnh
và i vừa đủ để nhận ra; trong hình thức thứ hai, y là nguyên âm đầy
của từ, hoàn toàn như trong li (hay ly), nhưng có bán nguyên âm u,
được làm dịu bớt, đặt ở trước. Hai hình thức lui và luy này
là hoàn toàn khác nhau – tôi nói về cách đọc, bởi vì, theo từ nguyên học mà
nói, các hình thức ui và các hình thức uy lại có bà con rất gần
trong nhiều trường hợp. Nhưng đó không phải là vấn đề.
Trong các cuộc họp
lấy quyết định về các thay đổi trong hệ thống quốc ngữ, ông Nordemann đã nhấn mạnh
để sự khác biệt này phải được duy trì trong chữ viết. Nhưng một số thành viên,
khôn ngoan hơn theo lệ thường, còn đề nghị thêm dấu trên u trong các
hình thức có uy trong các sách xuất bản. Điều này có nghĩa là hoàn toàn
không biết gì về bản chất của nguyên âm đôi này, và tôi vui mừng khi thấy rằng
chân lý đã thắng.
Trong chính tả,
hoàn toàn không thể không duy trì sự khác biệt giữa các hình thức có ui và
các hình thức có uy.
Làm thế nào?
Chính để tạo sự khác biệt giữa hai hình thức này mà chữ quốc ngữ truyền thống,
luôn sử dụng chữ u để viết yếu tố đầu, đã sử dụng khi thì y, khi
thì i, để viết yếu tố cuối của nguyên âm đôi. Người ta đã phê phán một
cách chính đáng cách làm này. Về phương diện thực tiễn nó có cái lợi của nó.
Khi thấy chữ y ở cuối một từ, người ta biết là u đặt ở trước phải
được đọc mà không nhấn mạnh, và với âm của u trong tiếng Pháp hay gần
như vậy. Khi thấy i, người ta biết là u đặt ở trước phải được đọc
và nhấn mạnh, giống như với âm ou trong tiếng Pháp, trừ trường hợp của qui
và ngui (thay cho nguy) trong đó u có âm ou nhưng
không được nhấn mạnh.
Nhưng về phương
diện khoa học, cách làm này không biện minh được. Y trong luy có
cùng giá trị như i trong bi, li. Tại sao lại làm khác đi? Vả lại,
mọi thay đổi về âm hay về giá trị trong một yếu tố của một từ, đều phải được diễn
tả bằng sự thay đổi dấu diễn tả yếu tố này. Ở đây chính u có một giá trị
khác tùy theo các hình thức: sự thay đổi giá trị này của yếu tố thứ nhất được
chỉ ra bởi sự thay đổi hình thức của yếu tố theo sau, được diễn tả chỗ này bằng
i, chỗ nọ bằng y quả chẳng hợp lý chút nào. Những người sáng tạo
ra chữ quốc ngữ đã làm đúng khi tạo ra sự khác biệt về giọng và giá trị, nhưng
họ đã ghi nhận các giá trị này và các âm khác nhau này bằng một cách thức không
khớp với các quy tắc của khoa học hiện đại. Họ đã chấp nhận đưa vào hệ thống của
họ một sự dị thường và đã phạm một lỗi đi ngược lại logic.
Hệ thống mới lại
cũng vấp phải chính các lỗi này. Dù dùng y hay i với dấu mũ, sự dị
thường vẫn còn đó. Cũng một nguyên âm được diễn tả chỗ này bằng i thường,
(trong bi, mi, li, vân vân), chỗ nọ bằng i với dấu mũ (trong các
hình thức viết cho tới nay bằng uy.). Sự thiếu logic cũng vẫn còn: người
ta cho thấy sự thay đổi giá trị của yếu tố thứ nhất luôn bằng cách thay đổi yếu
tố thứ hai của nguyên âm đôi. Hệ thống mới do đó chẳng hơn gì hệ thống cũ. Ngay
cả cái lợi là xích lại gần với chính tả của tiếng Pháp cũng không có, bởi vì,
theo tôi biết, không có trường hợp nào trong đó việc đặt dấu mũ trên chữ i lại
chỉ một sự thay đổi của âm đi trước.
Trong các phiên họp
của Hội đồng, người ta đã nói đến việc dùng i với dấu tréma, để cho thấy
i trong các hình thức bằng uy là tách biệt một cách rõ ràng. Vẫn
là không nhận ra điều gì tạo nên sự khác biệt một cách căn bản giữa các hình thức
ui và hình thức uy. Cách viết cũng chẳng hay hơn.
Người ta đã nói đủ
cả về các sự dị thường, về những sự không hợp lý của chữ quốc ngữ! Cũng cần lưu
ý ở đây là các nhà cải cách hiện đại của chúng ta cũng vấp phải chính những khó
khăn vốn đã khiến các nhà chế tạo ra chữ quốc ngữ phải dừng lại, và đã giải quyết
các khó khăn này cũng theo một kiểu, nghĩa là cũng bởi các dị thường và không hợp
lý. Các nhà chế tạo ra chữ quốc ngữ có được các hoàn cảnh để được châm chước: họ
không muốn tạo ra một công trình của các nhà thông thái, họ chẳng biết gì về những
quy tắc của khoa học hiện đại. Trường hợp của các nhà cải cách ngày nay thì
không phải vậy.
Nhưng người ta sẽ
nói với tôi rằng người ta đâu có muốn làm công trình khoa học. Người ta thấy rõ
điều này. Nếu vậy thì tại sao lại thay đổi?
Chỉ có một cách
thức thực sự logic để giải quyết khó khăn: đó là chấp nhận cho các hình thức có
uy, hoặc chữ w hoặc u (với dấu tréma) để diễn tả yếu tố thứ
nhất của nguyên âm đôi. Người ta đã lùi bước trước sự cải cách triệt để này.
Người ta đã dừng lại giữa đường.
Điều người ta đã
làm không phải là một cải cách thực sự, mà chỉ là một sự thay đổi.
d. Người ta sẽ
không còn viết huynh, khuynh, khuya, mà viết là huinh, khuinh, khuia.
Hệ thống cổ truyền sử dụng hai cách viết này để diễn tả hai hình thức của các từ
này tùy theo các phương ngữ, một hình thức với bán nguyên âm u thông thường
có âm ou (huinh, khuinh, khuya), và một hình thức với bán nguyên
âm được làm nhẹ bớt, nghĩa là với âm u (huynh, khuynh, khuya).
Hình thức thứ hai này không còn trong hệ thống mới. Như vậy, hệ thống mới này
ít khả năng hơn hệ thống cũ để diễn tả các sự khác nhau tinh tế của ngôn ngữ
Annam.
4. “Y bán
nguyên âm của i sẽ viết như vậy ở bên trong các từ”
Hệ thống mới như
vậy có khuynh hướng phân biệt bán nguyên âm với nguyên âm, diễn tả bán nguyên
âm bằng y, nhưng chỉ bên trong các từ mà thôi, và nguyên âm bằng i.
Nguyên tắc thì tốt. Nhưng tại sao lại không áp dụng mọi nơi mọi chốn. i của
các hình thức có ai, oi, ôi, ơi, ui, và tôi cũng có thể nói như vậy về
các hình thức có ay, ây, là một bán nguyên âm trước con mắt của nhiêu
tác giả. Tại sao lại không diễn tả nó cũng bằng dấu của bán nguyên âm? Một bất
hợp lý nữa – tại sao không áp dụng nguyên tắc này cho tất cả mọi bán nguyên âm?
Tại sao không phân biệt u nguyên âm với u bán nguyên âm; o nguyên
âm với o bán nguyên âm? Chính tả của Linh mục de Rhodes, khi ông viết hoa,
doan, ngoai, vân vân, với dấu làm ngắn đi trên o bán nguyên âm xem
ra được chú ý tới nhiều.
Người ta không
phân biệt trong trường hợp nào thì y hay i bên trong các từ phải
được xem như bán nguyên âm. Nói rõ ra điều này thì tốt hơn. Chắc chắn người ta
sẽ tiếp tục viết yêu, yên, yêng, vân vân; người ta sẽ viết hyêu,
hyên, khyên, ngyên (nghiên hiện nay) vân vân; người ta sẽ viết byên,
byêu, byêt, vân vân. Ít ra là tôi giả thiết như vậy. Nhưng tôi nghĩ tốt hơn
là nên soi sáng vấn đề và nói rõ. Tôi không nghĩ là giáo viên người Annam điều
hành trường tỉnh của chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề một mình.
Từ nay, chúng ta
sẽ viết huyên, nguyên, quyên, duyên. Hãy dừng lại đôi chút ở các hình thức
sau cùng này. Một số từ trong đó nguyên âm đôi iê có bán nguyên âm môi u
đặt trước, tùy theo phương ngữ, có hai hình thức, một với bán nguyên âm môi
thông thường, có âm ou của tiếng Pháp, một với bán nguyên âm được làm nhẹ
đi, có âm u trong tiếng Pháp. Chữ quốc ngữ cổ truyền dành cách viết iê
cho hình thức thứ nhất (huiên, duiên), và cách viết yê cho
hình thức thứ hai hyên, duyên (như chúng ta đã thấy trên đây các hình thức
có ui và uy; huinh, khuinh, khuia, và huynh, khuynh,
khuya). Đối với các từ có một hình thức duy nhất (u bán nguyên âm được
làm nhẹ) người ta dùng cách viết yê (chuyên, luyên, khuyên, vân
vân). Quy tắc này có những luật trừ và người ta viết nguyên, nguyêt, quyên,
quyêt, mặc dù trong các từ này bán nguyên âm ở tình trạng bình thường.
Nhưng nó cũng chế ngự một số lớn các trường hợp.
Khi áp dụng chính
tả mới, nghĩa là dùng y khắp nơi, làm sao người ta có thể phân biệt được
hai hình thức tôi đã cho thấy ở trên? Người ta sẽ không phân biệt. Một lần nữa,
hệ thống mới tỏ ra kém hơn hệ thống cũ, nó không diễn tả tốt hơn các điểm khác
biệt tinh tế của các âm trong tiếng Annam.
Việc dùng y để
diễn tả bán nguyên âm là rất hợp lý. Nhưng nguyên tắc phải được áp dụng cho tất
cả mọi trường hợp, và việc chấp nhận cách viết này kéo theo việc sử dụng một dấu
đặc biệt cho u bán nguyên âm và những khác biệt tinh tế khác.
5. “đ sẽ
được viết là d”
Nghĩa là người ta
bỏ chữ đ có gạch ngang và thay thế bằng chữ d bình thường. Đó là
một cải cách người ta yêu cầu từ lâu. Nếu hệ thống mới chỉ gồm những cải cách
loại này, thì chẳng có gì để phê phán.
6. “c, k, q sẽ
đồng loạt được viết là k, các ví dụ đặc biệt: cua sẽ viết là kua;
qua sẽ viết là koa”
Đây cũng vẫn là một
trong những cải cách không trọn vẹn, về hai khía cạnh, một mặt tốt, một mặt
đáng lên án, vốn đầy rẫy trong hệ thống mới, bởi vì người ta không muốn làm việc
một cách khoa học và không muốn logic cho tới cùng, bởi vì người ta đã dừng lại
giữa đường, giải quyết một khó khăn bằng một dị thường.
Dự án viết các chữ
c, k, q, bằng một chữ k duy nhất đọc trong cổ và là âm điếc không
phải là mới. Nhưng những người đưa ra dự án này, các ông Aymonnier, Chéon, các
thành viên của Hội nghị các nhà Đông phương học tại Hà Nội cũng đề nghị diễn tả
bán nguyên âm tiếp theo sau q bằng chữ w. Đây là hậu quả logic của
việc chấp nhận k thay cho q. Các nhà cải cách hiện tại có lẽ đã
lùi bước trước sự xáo trộn cách viết đã diễn ra do việc chấp nhận chữ w.
Chính vì vậy mà họ đã đi tới chỗ chấp nhận cách viết koa thay cho qua.
Bởi vì người ta
thay c và q bởi cùng một chữ là k, người ta đâm ra lúng
túng trước các từ cho tới nay được viết là cua và qua. Ở đây,
chúng ta cũng đứng trước những khác biệt căn bản chúng ta đã thấy trên đây giữa
các hình thức có ui và các hình thức có uy. Trong cua, chính
u, một nguyên âm đầy đủ, mới là chữ được nhấn mạnh, trong khi a,
nguyên âm được giảm nhẹ, không được nhấn mạnh. Trong qua, chính a mới
là một nguyên âm đầy đủ, được nhấn mạnh, trong khi u là bán nguyên âm
bình thường. Chữ Quốc ngữ cổ truyền diễn ta sự khác biệt này bằng cua ở
chỗ này và qua ở chỗ nọ. Theo dự án được Hội nghị các nhà Đông phương học
chấp thuận, chúng ta sẽ có kua và kwa. Cách viết sau mới là cách
viết logic nhất. Hệ thống mới viết kua (cua) và koa (qua).
Một điều dị thường
và một sự không chính xác.
Không chính xác,
bởi vì chúng ta chỉ cần nghe bất cứ người Annam nào nói là có thể thấy rằng
trong từ qua, âm được diễn tả bằng u là ou trong tiếng
Pháp chứ không phải o. Đây là bán nguyên âm bình thường dưới dạng điếc,
hoàn toàn khác về âm với bán nguyên âm dạng kêu được diễn tả bằng o.
Nghe một người Annam đọc các từ qua, que, qué và các từ khoa, khoe,
người ta sẽ thấy ngay sự khác biệt.
Tất cả các tác giả
đều đồng ý với ý kiến này. Giám mục Taberd, trong lời Tựa của cuốn Dictionnarium,
tr. 8, “q est in usu et exprimitur ut in linguâ latinâ/ được sử dụng và
diễn tả như trong tiếng latinh”. Ông Chéon, Cours, tr. 3, “qu có
cùng giá trị như trong quatuor”. Linh mục Vallot, Grammaire, tr
17, “qu đọc là cou” – Chỉ có ông Nordemann, Méthode de langue
Annamite, tr. 12, diễn tả như thế này“[âm oa tiếng Pháp được diễn tả
thành oa trong oan, loan, soa] được viết là ua sau phụ âm q,
chẳng hạn: quan, qua”, và viết tiếp ở phần chú thích “sẽ hợp lý hơn nếu
viết koan, koa”.
Tại sao lại hợp
lý hơn? Vì cách đọc? Nhưng chúng ta đã thấy, theo các tác giả được nói đến trên
đây và người ta có thể thấy khi nghe một người Annam gặp lần đầu tiên nói, rằng
qua không đọc như koa – Vì lý do từ nguyên học? Nhưng khi chúng
ta liệt kê danh sách tất cả các từ Hán Việt bắt đầu bằng qu, và chúng ta
sẽ thấy là các từ này tương ứng với các hình thức được diễn tả bằng ku, kou hay
ko trong phương ngữ người Hoa, nghĩa là bao gồm bán nguyên âm có dạng điếc.
Chỉ có mấy luật trừ khi bán nguyên âm gần với âm nguyên âm của từ. Chẳng cần phải
kê ra các ví dụ ở đây. Một số tác giả, như Linh mục Couvreur, sử dụng khi thì
cách viết kou, khi thì cách viết ko. Nhưng không nên để mình bị
đánh lừa bởi cách viết sau này. Chúng tôi đã lưu ý trong lời tựa là oai đọc
như ouai trong từ douai của tiếng Pháp, hay như we trong were
của tiếng Anh; oei đọc như oui trong enfoui; nghĩa là
trong tất cả các từ này, dù dùng cách viết nào, bằng ou hay bằng o,
người ta đều muốn diễn tả bán nguyên âm dưới hình thức điếc.
Chúng ta hãy thử
xem điều ngược lại: Linh mục Couvreur, vốn đã dùng, tôi không hiểu vì lý do gì,
cách viết o trong Dictionnaire chinois-français và trong Dictionnarium
được in năm 1890 và 1892, ít lâu sau đó đã muốn điều chỉnh cách viết của
mình theo đòi hỏi của lỗ tai người Pháp đã buộc phải từ bỏ cách viết bằng o và
chấp nhận cách viết bằng ou trong Petit dictionnaire chinois-français
của ông in năm 1903. Ở đây, tại thuộc địa Pháp, những người theo đuổi mục
tiêu chính –biên bản các cuộc họp cho phép chúng ta nghĩ như vậy – là Pháp hóa
cách viết truyền thống, đã từ bỏ cách viết bằng u và chấp nhận cách viết
bằng o. Quả là bất nhất làm sao ! Tệ hơn nữa, một sự không chính xác như
chúng ta đã thấy.
Cả ở đây nữa, các
nhà cải cách hiện đại bị đặt trước cũng khó khăn ấy vốn đã làm cho những người
sáng chế chữ quốc ngữ phải dừng bước. Những người sáng chế ra chữ quốc ngữ đã
giải quyết khó khăn bằng cách chấp nhận, chỗ này thì dùng c (cua), chỗ nọ
dùng q (qua). Đây là một sự thiếu logic, tôi sẵn sàng cho là như vậy, và
biện pháp chẳng có chút gì khoa học: chính giá trị của u thay đổi, chứ
không phải âm họng ở đầu phải thay đổi hình dạng. Nhưng sự thiếu logic này có
thể được châm chước. Những người sáng chế chữ quốc ngữ đều bị bao phủ bởi việc
sử dụng xa xưa của tiếng Latin đối với chữ q khi âm họng có bán nguyên
âm đi theo. Cách viết của họ không có gì là khác thường, nhất là không có gì
sai. Họ được hưởng những hoàn cảnh làm nhẹ “tội”, và nhất là cách họ giải quyết
khó khăn lại chính đáng hơn cách của các nhà cải cách hiện tại.
Ông Nordemann
cũng chủ trương, trong Méthode, tr. 12, rằng que phải được viết
là koe; tr. 14, quan, quanh đáp ứng với koan, koanh. Ông dựa
trên lý do gì? Ông không nói ra. Không phải tại vì cách người ta đọc các từ
này. Tôi không thể nghĩ rằng ông Nordemann lại nhầm lẫn đến độ nghe ra koa,
koan, koe, vân vân, khi người dân nói qua, que, quan, vân vân; và
giá trị của u được tất cả các tác giả, những người đã nghiên cứu phương
ngữ Bắc Kỳ cũng như các người khác đã thừa nhận, tôi không thể chấp nhận được
là ở Bắc Kỳ người ta đọc như ông Nordemann mong muốn. – Có lẽ là do nguyên âm của
các từ này. Ông Nordemnn chỉ khuyên sử dụng cách viết bằng ko đối với
các từ trong đó nguyên âm là một nguyên âm mở, a, a, e. Vì nguyên âm này
mở, nên bán nguyên âm đi trước cũng phải được đọc và viết với hình thức mở o.
Lý do này, giả thiết là ông Nordemann đã đưa ra cho mình, không có giá trị. Bởi
vì, âm họng mở đầu dù là âm họng mạnh thuần túy k (q), dù là âm họng
mũi, ng, luôn đòi hỏi là sau nó phải là bán nguyên âm với hình thức điếc
thông thường, trong khi các phụ âm khác ở đầu chấp nhận hoặc chỉ bán nguyên âm
giảm nhẹ, hoặc hai hình thức, một với bán nguyên âm giảm nhẹ, một với bán
nguyên âm thông thường. Quá dài để triển khai ở đây vấn để về ngữ âm. Bản tóm
lược các hình thức không cho biết liệu chúng ta sẽ viết koan, koanh, koang,
koe, koen, vân vân thay cho quan, quanh, quang, que, quen, vân vân hay
không. Nếu viết, thì chỉ tổ làm gia tăng con số những cách viết không chính
xác: kể đã quá lắm rồi khi viết koa thay cho qua.
Ngoài ra, ở đây,
tôi còn muốn cho thấy là cái hệ thống mới này còn kém hơn cả hệ thống cũ trong
cách ghi các hình thức khác nhau của tiếng Annam. Chúng ta hiện nay có các hình
thức quôc, và cuôc (cuốc, nước), hai hình thức này khác
nhau, u trong hình thức thứ hai nhạy cảm hơn, dài hơn, nhấn mạnh hơn u
của hình thức thứ nhất. Chỉ cần nghe người Annam nói. Hệ thống cũ sử dụng c
ở chỗ này và q ở chỗ khác để viết hai hình thức ấy. Hệ thống mới chỉ
có thể sử dụng một hình thức duy nhất là kuôk. Chủ tịch Tiểu ban cải
cách việc phiên âm chữ quốc ngữ nói rằng khi thực hiện các cuộc cải cách này,
người ta muốn quy tắc hóa và đơn giản hóa cách viết thông thường. Người ta quên
rằng việc đơn giản hóa đôi khi cũng dẫn đến tình trạng lộn xộn. Có lẽ người ta
hy vọng rằng khi diễn tả quôc và cuôc theo cùng một cách, người
ta sẽ khiến người dân đọc hai từ này theo cùng một cách. Như vậy thì đây sẽ là
một sự thay đổi triệt để, nhưng trong một thời hạn lâu lắc làm sao. Một lần nữa,
chúng ta có thể nói là các nhà cải cách bị đứng trước một khó khăn vốn cũng đã
đặt ra cho những người sáng chế ra chữ Quốc ngữ cổ truyền. Nhưng người này đã
giải quyết, trong khi người kia đã không nhận ra hay tưởng là đã có thể loại trừ
được bằng cách gạt ra ngoài.
7. “d, gi sẽ viết là j”, “d, gi, cả hai sẽ viết là j”
Cả hai câu này đều
nằm trong biên bản các cuộc họp của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương. Xin
độc giả cân nhắc các từ của hình thức thứ nhất: “d, gi sẽ viết là j”.
Như vậy, hai chữ d và gi có cùng một âm duy nhất, có cùng một phụ
âm duy nhất, đó là điều được diễn tả qua việc động từ trong tiếng Pháp được
chia ở số ít (s’écrira). Ông Nordemann đã giải thích như vậy. Người viết
biên bản lần cuối đã nghĩ là phải thay đổi cách viết và dùng số nhiều (s’écriront).
Ít ra đây có thể hiểu là một sự phản đối ngầm. Có thể người này muốn nói rằng d
và gi, mặc dù từ nay được viết bằng một chữ duy nhất, vẫn có hai âm,
hai phụ âm khác biệt.
Người này đã nghĩ
đúng. Và quả là một sai lầm trầm trọng khi lẫn lộn d và gi.
Có lẽ không có vấn
đề ngữ âm Annam nào lại đem đến nhiều vất vả cho các tác giả Annam hóa của các
cuốn từ điển hay văn phạm hơn là vấn đề về chữ d không có gạch ngang. Tất
cả đều chú trọng vào phần mô tả và tìm cách diễn tả ít nhiều hoàn chỉnh, ít nhiều
đầy đủ, cách thức mà phụ âm này được đọc theo các miền khác nhau. Nhưng chưa thấy
ai tái lập lịch sử của chữ này, chưa ai nỗ lực, qua việc tìm hiểu một cách kiên
nhẫn các hình thức, và lên tới tận gốc gác của nó, tới tận cội rễ xa xôi của
nó. Không ai chịu lần theo các nhánh khác nhau trong các phương ngữ Annam một
cách đầy đủ và khoa học. Không ai ấn định bản tính của nó một cách dứt khoát.
Đây là một việc
đáng ra phải làm vì lợi ích và tiện dụng của nó. Dẫu sao, đây cũng phải là một
công việc chuẩn bị mà đáng lẽ ra người ta đã phải làm vì cần thiết, trước khi đồng
hóa d với gi. Quả là đáng tiếc khi thấy người đề nghị và quyết định
các cải cách có liên quan đến tương lai dài hay ngắn mà lại không chịu tìm hiểu
một cách chín chắn các vấn đề người ta giải quyết một cách vui vẻ.
Tôi sẽ tìm cách
ghi lại ở đây những nét chính của công việc này.
Trước hết, chúng
ta tìm hiểu chữ d của Hán Việt.
Chữ d của
các hình thức Hán Việt khi thì biến mất hoàn toàn hay có lẽ lẫn vào trong âm
nguyên âm của từ, trong một hay nhiều hình thức trong các hình Trung Hoa tương
đồng. Điều này xảy ra khi d của các hình thức Hán Việt có bán nguyên âm
môi điếc hay kêu theo sau, (dudo) hay khi âm nguyên âm của hình thức Hán Việt
là i, iê, u, ư. Tôi rất lấy làm tiếc là không thể kể ra ở đây các ví dụ
khẳng định cho quy tắc này, hay các ví dụ khẳng định cho các quy tắc tiếp theo.
Trong rất nhiều từ
khác, d Hán Việt tương ứng trong các phương ngữ của Trung Hoa, với bán
nguyên âm y hay i. Điều này diễn ra với các từ Hán Việt với da,
dang, dâm, dân, dât, dâu, dinh, do, vân vân.
Trong một số từ
có hình thức dân, danh, diêu, d Hán Việt tương ứng với m hay
l trong các phương ngữ Trung Hoa.
Một cách đặc biệt,
d tương ứng với một âm ngạc (palatale) ch, sh, ch hay với một phụ
âm răng t, th, tsh –và một cách đặc biệt hơn nữa, với phụ âm đọc
trong cổ họng k.
Giờ đây, chúng ta
hãy tìm hiểu về gi Hán Việt. Mỗi người đều biết đây là một phụ âm duy nhất,
mặc dù được viết với hai ký tự.
Phụ âm này, trong
các phương ngữ Trung Hoa, tương ứng với đa số lớn các trường hợp có phụ âm đọc
trong họng mạnh. Một ví dụ duy nhất có thể cho thấy sự tương ứng này: nhà đọc
thành gia trong tiếng Hán Việt, trong phương ngữ miền Bắc Trung Hoa là kia,
trong tiếng Thượng Hải là ka. Gi Hán Việt do đó tương ứng với âm
đọc trong cổ mạnh, thuần túy trong tiếng Thượng Hải, mềm và có khuynh hướng ngạc
hóa trong phương ngữ phía Bắc, hoàn toàn là âm ngạc trong tiếng Hán Việt.
Trong một số rất
ít luật trừ, gi tương ứng với h, vốn có thể đồng hóa với một âm họng,
hay một âm ngạc ch (tch), hay bán nguyên âm y.
Từ sự chứng minh
này, dù không đầy đủ, người ta có thể thấy một cách rõ ràng rằng d và gi
của từ Hán Việt hoàn toàn khác về từ nguyên học, và vì lý do đó, chúng cần
phải được viết bằng hai dấu khác nhau.
Chúng ta đừng vội
từ bỏ hai phụ âm này trong tiếng Hán Việt, và xem xem chúng ra sao trong các
hình thức có họ hàng về mặt từ nguyên học với các hình thức Hán Việt.
Gi Hán Việt trở lại, trong các hình thức Annam, với
các âm đọc trong cổ cũ, mạnh hay êm dịu. Tốt nhất là đưa ra các ví dụ, dù rằng
tôi không thể viết ra bằng chữ Hán.
Quả cà, tiếng
Hán Việt là gia, tiếng Annam là cà.
Cải cay, Hán Việt
(hv): giai, Annam (an.): cải
Travée, hv: gian,
an.:can
Mắng, hv: gian,
an.: can
Gả con gái, hv: gia,
an.: gả
Góc, hv: giac,
an.:góc.
Ghẻ, hv: giai,
an.: ghẻ, vân vân.
Và chúng ta có phần
đối nghịch với sự kiện này trong gi của tiếng annam tương ứng với k Hán
Việt chẳng hạn.
Dây, luật, hv: cang,
an.: giường, giềng, chiêng, Giầy: hv: hài, an.: giày,
vân vân.
Hồi xưa, gi Hán
Việt trở nên mạnh hơn bằng ch trong các hình thức Annam.
Che, hv: gia,
an.: che, vân vân.
Hay gi của
tiếng Annam tương ứng với ch hv: giấy, hv: chi, an.: giấy,
vân vân.
Trường hợp của Dám:
hv: Cảm, an.: Dám được giải thích bởi sự lẫn lộn giữa d và gi mà
tôi sẽ nói sau.
Giờ đây, chúng ta
thử xem d Hán Việt sẽ ra sao trong các hình thức Annam có họ hàng về mặt
từ nguyên học.
Hoặc phụ âm này
đơn thuần tương ứng với d, các hình thức Annam và Hán Việt có cùng phụ
âm này. Không cần phải đưa ra các ví dụ - hoặc nó tương ứng với một âm răng, đ
có gạch ngang, hay th. Ví dụ:
Hv: dung,
thung, an.: thùng
Hv: du,
an.: thua.
Hv: du,
an.: thua (cuivre [đồng], tiếng Pháp)
Hv: du,
an.: thừa
Hv: dược,
an.: thuốc
Hv: gi,
an.: để, vân vân.
Liên quan đến sự
kiện này, chúng ta có thể xem d không có gạch ngang của tiếng Annam đôi
khi tương ứng với đ (có gạch ngang) của tiếng Hán Việt:
Hv: đao,
an.: dao và đao
Hv: đai, an.:
dây, vân vân.
Và cũng cần phải
nhớ lại là có nhiều từ trong tiếng Hán Việt có hai hình thức, một với d không
có gạch ngang, một với th. Chẳng hạn, nói : hv: duyêt và thuyêt,
tiếp tục: hv: duât và thuât.
Chúng ta có một bằng
chứng mới cho thấy d và gi trong tiếng Hán Việt nhất thiết phải
là khác nhau, bởi vì chữ thứ hai tương ứng, trong các hình thức của tiếng Annam
bình dân, với một âm đọc trong cổ và chữ thứ nhất, với một âm răng. Do đó,
chúng không thể lẫn lộn và được diễn tả bằng một chữ duy nhất.
Và điều này cũng
đúng ngay cả khi hai phụ âm đôi khi bị lẫn lộn, nghĩa là ngay cả khi có một số
từ Hán Việt có hai hình thức, một với d và một với gi. Điều này xảy
ra chẳng hạn đối với: tất cả, Hv: dai và giai (hình thức đích thực,
theo các phương ngữ Trung Hoa, là giai), cây cải cay, hv: giai và
dai (hình thức đích thực là giai), quê kệc, hv: da và giai
(hình thức đích thực là da).
Từ sự kiện một số
chữ trong Hán Việt có một hình thức là d và một hình thức là th (chẳng
hạn: dung, thùng, tiếp tục: duât, thuât, vân vân) nên người ta phải
lẫn lộn d và th, và diễn tả hai phụ âm này bằng một dấu duy nhất
chăng? Chẳng ai dám cho là như vậy. Đối với d và gi của Hán Việt
cũng vậy. Hai phụ âm này khác nhau về mặt từ nguyên học, bởi vì chúng tương ứng
với các phụ âm khác nhau trong các phương ngữ Hán Việt và trong các hình thức
Annam có họ hàng. Do đó, chúng phải được diễn tả bằng dấu khác nhau, mặc dù vài
từ rất hiếm hoi chấp nhận một hình thức là d và một hình thức là gi.
Giờ đây chúng ta
thử tìm hiểu, vẫn chỉ là trong những nét chính, d và gi của tiếng
Annam.
Chúng ta đã thấy
là d Hán Việt tương ứng, trong các hình thức Trung Hoa, với nhiều âm:
khi thì với bán nguyên âm y, khi thì với m, l, sh (s), ch,
t, th, ts. Nói cách khác, phụ âm mà tôi sẽ gọi là d Trung Hoa, đọc
thành l, y, ts, ch, t, th, bỏ ngoài một số khác biệt tinh tế.
Chữ d của
tiếng Annam là một Protée [một nhân vật liên tục có các vai trò khác nhau,
xuất hiện dưới các hình thức khác nhau. ND] đích thực, có hình thức chập chờn
và khó nắm bắt.
Nhưng các tác giả
đồng ý với nhau dành cho nó các hình thức sau đây, hoặc trong cách đọc, hoặc với
tính chất tương đương, khi một từ có nhiều hình thức phương ngữ: r, y, dz,
dj, di, d, t, th (hãy so sánh Chéon, Cours, tr. 35, Cadière, Phonétique
Annamite, tr. 67). Nghĩa là chúng ta bắt gặp, đối với d của tiếng
Annam, cũng một loạt các hình thức, hay gần như vậy, như đối với d của
Hán Việt hay Trung Hoa.
d tương ứng với r, đọc là r, đổi
thành r, liệu chúng ta có thể nói người ta đã bỏ ngoài vấn đề về ưu tiên
của hình thức. Điều này được tất cả các tác giả đưa ra. Chúng ta có thể
tham khảo, đặc biệt Dictionnarium của giám mục Theurel và Dictionnaire
của Linh mục Génibrel có chỉ ra các từ bằng d có hình thức là r.
Hiện tượng này diễn ra chủ yếu ở Bắc Kỳ và một ít ở phía bắc Trung Kỳ. Cách đọc
này tương đương với các trường hợp trong đó d Hán Việt tương ứng với l
trong các phương ngữ Trung Hoa.
Thứ nữa là cách đọc
d: tất cả các tác giả đều đề cập tới y. Hiện tượng này cũng diễn
ra trong các phương ngữ Trung Hoa đối với d Hán Việt.
Ngoài ra chúng ta
còn có một cách đọc là dz vốn chấp nhận nhiều khác biệt tinh tế mà người
ta có thể diễn tả bằng dz, dj, di. Theo tôi, cách đọc này diễn tả tính
chất đích thực của phụ âm. Nó tương ứng với các trường hợp trong đó d Hán
Việt tương ứng với một âm răng xuýt (dentale sifflante) ts, hay với một
âm ngạc ch, trong các phương ngữ Trung Hoa.
Cuối cùng, chúng
ta còn có ưu thế của yếu tố răng của phụ âm, và chúng ta có, đối với một số từ,
bên cạnh hình thức với d, một hình thức với đ (có gạch ngang) hay
với th.
Nhờ vậy, chúng ta
có dao và dao, dô danh và thô dèng, dụ, dỗ dành.
Các trường hợp này thích ứng với các trường hợp trong đó d Hán Việt có
tương đương trong các phương ngữ Trung Hoa là các âm răng t hay th.
Như vậy, chúng ta
thấy có một sự song song gần như hoàn hảo trong sự phát triển, trong các biến đổi
của phụ âm d trong tiếng Hán Việt và trong tiếng Annam. Điều này đã có
thể cho phép chúng ta kết luận là d của tiếng Annam khác với gi của
tiếng Annam, cũng như d Hán Việt khác với gi Hán Việt.
Tuy nhiên, chúng
ta cũng thử xem gi của tiếng Annam có theo một diễn tiến giống hệt với
diễn tiến của d hay không. Bước đi của gi hoàn toàn khác, d,
bởi một lộ trình ba, chỗ này dẫn đến phụ âm lỏng r, chỗ nọ tới bán
nguyên âm y, chỗ khác với các âm răng thuần túy; ngược lại, gi phát
triển bình thường trong nhóm các âm ngạc và trở thành ch hay tr (so
sánh Chéon, trg. 36, Cadière, trg. 59).
Như vậy chúng ta
có hai phụ âm phát triển theo các định luật riêng, biến hóa một cách khác nhau,
ngang qua những hình thức khác nhau để tới những điểm trái nghịch nhau, nói tóm
lại, hai phụ âm khác nhau phải được diễn tả bằng hai ký tự khác nhau.
Điều này không
ngăn cản hai phụ âm ấy, trong tiến trình của chúng, có những điểm gặp gỡ. Chúng
ta đã thấy là giữa d và gi Hán Việt có một số từ, khá hiếm, chấp
nhận một hình thức với d và một hình thức với gi.
Hiện tượng tương
tự cũng diễn ra với tiếng Annam, nhưng thường xuyên hơn. d trong tiếng
Annam, trong vô số các biến chuyển khác nhau của nó, đã đi tới hình thức y hay
dz, dj, tiến gần tới âm di. Từ đó dẫn đến nhiều sự lẫn lộn. Ở Bắc
Kỳ, ở Trung và Nam Kỳ, tại một số miền d và gi được đọc theo cùng
một kiểu. Điều này có nghĩa gì? d và gi giống nhau à? Không phải
vậy. Chỉ có nghĩa là từ này hay từ nọ, thậm chí tính khái quát của các từ, có
hai hình thức, một với d, được dùng tại miền này miền nọ, một hình thức
với gi, được sử dụng trong các miền khác. Bởi vì từ có nghĩa là mái nhà
để nước lọt vào được gọi là dột tại đa số nơi, và trong một số miền, có
hình thức thôi, liệu chúng ta sẽ diễn tả d và th bởi cùng
một ký tự? Chúng ta cũng không nên lẫn lộn d và gi dưới cùng một
chữ.
d và gi là hai phụ âm vốn phát triển theo đường
riêng của chúng; d, trong đường đi khúc khuỷu của mình, nghĩa là qua nhiều
hình thức, vào một số lúc, tiến gần tới hướng đi bình thường của gi và lẫn
lộn trong cách đọc với phụ âm này. Lẫn lộn khác với sự đồng nhất. Có hai hình
thức thì chúng ta diễn tả hai hình thức. Hãy làm như những người đã đi trước
chúng ta. Từ điển Dictionnarium của Giám mục Theurel lưu ý đặc biệt các
từ với d vốn có hình thức với gi tại Bắc Kỳ, và các từ có hình thức
với r.
Từ điển của Linh
mục Génibrel lưu ý các từ có hình thức với d và hình thức với gi,
hình thức với d và hình thức với r, hình thức với d và
hình thức với nh, với gi và với nh; người ta cũng lưu ý
các từ vốn có hình thức với thanh nặng và thanh sắc, thanh hỏi và thanh ngã,
thanh không và thanh huyền xuống. Tôi gọi đó là một cách làm logic, hợp lý,
khoa học, rõ ràng và mềm dẻo. Nếu người ta muốn thay đổi chữ quốc ngữ cổ truyền,
tôi thậm chí có thể nói, nếu muốn hoàn chỉnh nó, hãy dùng z để diễn tả d,
j để diễn tả gi. Các lời chỉ trích sẽ ít hơn và những người chỉ
trích sẽ có ít lý do hơn. Nhưng làm như ông Nordemann đề nghị trước kia, và tiếc
thay như người ta đã quyết định trong thời gian gần đây, là diễn tả d và
gi (thậm chí cả r!) bởi cũng một ký tự, sẽ là một cách làm mò mẫm,
trái với tất cả các nguyên tắc khoa học, bởi vì trái nghịch với thực tại, là sự
nhầm lẫn được hệ thống hóa, tất cả những ai học tiếng Annam theo hệ thống sẽ
không tài nào có được một kiến thức chính xác về tiếng Annam, tôi không nói chỉ
có một trí thức hợp lý và khoa học, mà một sự hiểu biết thực tiễn, theo cách có
thể làm cho người ta hiểu được. Diễn tả d và gi bởi một ký tự duy
nhất là xóa bỏ chỉ bằng một nét bút công việc phân tích kiên nhẫn và tinh tế những
người sáng chế ra chữ quốc ngữ đã theo đuổi trong thời gian dài để tách bạch
các từ vốn lấy lại hai phụ âm này; là đưa vào trong việc Latinh hóa tiếng Annam
cái khó khăn chính yếu đã làm cản trở việc Latinh hóa tiếng Hán Việt và các
phương ngữ Trung Hoa, tức một số lớn các từ được xếp trong cùng một cách viết;
cuối cùng, về phương diện sư phạm, là cho người trẻ Annam những khái niệm sai lầm
về chính ngôn ngữ của họ và tạo ra sự lẫn lộn trong ý tưởng của họ.
8. “x sẽ
được viết thành ç”
Đây là một cải
cách sẽ làm hài lòng nhiều người Pháp đang học tếng Annam. Nhưng nếu x trong
thực tế diễn tả một phụ âm bật hơi, như ông Aymonnier nghĩ, Nos
transcriptions, trg. 26, thì liệu cách viết mới, tiện dụng hơn đối với người
Pháp, sẽ chính xác hơn? Thêm một vấn đề mà người ta đã quên làm sáng tỏ trước
khi có một quyết định. Một cách viết tiện dụng hơn à? Có thật vậy không? Học
viên khi đọc thấy chữ x sẽ được cảnh báo là anh ta đang đứng trước ký tự
của một âm khác thường. Anh ta sẽ cố gắng để nắm bắt được âm này. Từ nay, người
Pháp khi nhìn thấy ç sẽ nghĩ rằng phụ âm Annam được diễn tả bằng ký tự
này, sẽ được đọc như ç trong tiếng Pháp và anh ta sẽ đọc như vậy và thế
là anh ta đọc sai, và có lẽ sẽ không nghĩ tới việc sửa cách đọc của mình. Cách
viết mới này liệu có tiện lợi hơn không?
Dẫu sao thì chúng
ta cũng phải xem là may mắn vì người ta đã không lẫn lộn đến độ diễn tả hai âm x
và s hiện nay bằng một ký tự duy nhất. Một số người muốn điều này.
Đó là một sai lầm thô thiển nữa.
9. “h sẽ
không còn khi đứng sau g hay ng (âm họng kêu hay âm mũi… họng)
trước i hay e”. Tôi nghĩ phải thêm ê
Và nếu âm họng
kêu của tiếng Annam lại là âm xuýt, như một số tác giả chủ trương, thì thay vì
bỏ h trong ghi, ghê, ghe, sẽ chẳng hay hơn nếu dùng h cả
trong ga, go, gu, gô? Một công trình nghiên cứu trước hẳn là đã đem lại
một chút ánh sáng cho các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa
phương.
Dẫu sao, cách viết
ge, gi, gê, ge, về phương diện thực tiễn, xem ra cũng chẳng được học
viên người Pháp ưa chuộng mấy.
10. “Quy tắc đặt
dấu trên hoặc dưới nguyên âm trội nhất cần phải được tuân thủ một cách nghiêm
nhặt”
Cần phải nhắc nhở
quy tắc này cho các tác giả, nhất là nhà in. Nhưng người ta lại quên mất không
định rõ, trong các nhóm khác nhau, đâu là nguyên âm trội nhất. Các tác giả
không thống nhất ý kiến về một số điểm. Phải chăng người ta muốn để các tác giả
và nhà in tự giải quyết lấy vấn đề?
Chúng ta kết thúc
phần phê bình các cải cách mới được chấp nhận. Khi phê phán các đề nghị, tôi đã
dựa trên các tác giả có uy tín trong vấn đề và trên chính các sự kiện, và tôi
nghĩ là mình đã không đi chệch khỏi các nguyên tắc của một phương pháp khoa học
nghiêm nhặt. Giờ đây chúng ta có thể thấy rằng nhận xét của tôi ở đầu bản tìm
hiểu này chẳng có gì là phóng đại. Cuộc cải cách vừa được công bố là một cuộc cải
cách đẻ thiếu tháng, giải quyết trước khi có những nghiên cứu đầy đủ về những vấn
đề khó khăn và tế nhị nhất mà thường người ta không nghĩ đến; tóm lại đây là một
cuộc cải cách chưa đầy đủ và chưa trọn vẹn, đưa vào cách viết tiếng Annam những
điều dị thường không có lý do; đây là một cuộc cải cách dựa trên một sự hiểu biết
hời hợt và vụn vặt về tiếng Annam, nên đã dẫn tới sự lẫn lộn trong ngôn ngữ và
thừa nhận những lý thuyết sai lầm.
Tôi kính trọng tất
cả những ai đã bỏ ra nhiều nỗ lực để học tiếng Annam và tất cả những ai đã giúp
người khác trong việc này. Tôi hết lòng mong ước tất cả các đồng hương của tôi
có thể nói và hiểu được tiếng Annam. Nếu được như vậy, nhiều khuyết điểm làm vẩn
đục việc điều hành của chúng ta sẽ được loại bỏ, và công trình đồng hóa, nâng
cao người bản xứ đã có thể tiến được một bước lớn. Nhưng tôi không thể chấp nhận
việc người ta không chịu đào sâu vô số vấn đề về ngôn ngữ mà thực hiện cải cách
một cách thiếu suy nghĩ. Chữ Quốc ngữ là công trình của những thế hệ con người
thông minh và khôn khéo, vốn muốn ghi lại một cách chính xác nhất có thể các âm
chập chờn và nhiều vô kể của tiếng Annam và đồng thời thực hiện công trình thực
tiễn, nghĩa là giúp người ngoại quốc học tiếng một cách dễ dàng. Công trình
chưa hoàn hảo, mọi người đều có thể nhận ra. Nhưng chúng ta có thể hoàn chỉnh
nó, chúng ta có thể làm nó thích nghi tốt hơn với nhu cầu hiện tại.
Nhưng các cải
cách mà người ta sẽ chấp nhận phải là một bước tiến bộ chứ không phải thụt lùi,
chúng phải là kết quả của một nghiên cứu sâu sắc, có thể thỏa mãn các phê phán
chính đáng được nêu lên, để ý tới những kết quả đã đạt được.
Nếu những người
làm việc khiêm tốn đã kiên trì triển khai chữ quốc ngữ trở lại trên thế gian
này, họ hẳn là sẽ nhìn trang cuối cùng của biên bản các phiên họp của Hội đồng
Cải cách Học chính địa phương với một chút mỉa mai. Công trình của các nhà cải
cách hiện đại trả thù họ bằng những chỉ trích vô căn cứ đối với các hệ thống của
họ, bằng sự coi thường các nỗ lực của họ: ây trở thành êi, qua
sẽ viết là koa, d và gi sẽ được diễn tả bằng một ký tự
duy nhất. Và người ta gọi đó là một cải cách! Người ta hý hửng là đã điều chỉnh
và đơn giản hóa hệ thống cổ truyền!
Đó là những kiến
thức hời hợt và vụn vặt về tiếng Annam, như tôi đã nói trên đây. Trong các vấn
đề này, nhiều người phán quyết theo bề mặt. Họ tin ở cái tai nhiều khi không được
tập luyện, của họ. Họ không đi tới cùng sự việc. Họ quên rằng trước họ nhiều
người khác cũng có tai, nhiều người khác trước họ cũng biết nghe, biết suy
nghĩ, biết so sánh, thậm chí có thể nói, đã có thể so sánh, điều mà nhiều người
ngày nay không làm, không nghĩ là phải làm. Để có quyền giải quyết một số khó
khăn, để có thể đưa là một ý kiến về các vấn đề được tranh cãi, cần phải biết
ngôn ngữ trong tổng thể của nó, nghiên cứu nó một cách sâu sắc. Các âm cũng như
các từ có sự sống của chúng. Gốc rễ của chúng lên tới tận những thời xa xưa nhất,
và qua các nhánh của chúng, chúng sẽ tồn tại trong các thế kỷ sẽ tới. Chúng trở
nên đa dạng, chúng trộn lẫn với nhau, lồng vào nhau mà vẫn có những khía cạnh
khác biệt. Chúng ra đời, sự ra đời vốn chỉ là một biến đổi, chúng phát triển,
trở nên cường tráng hay suy yếu, chết đi, cái chết của chúng là một biến đổi mới.
Chính sự hiểu biết này về ngôn ngữ là cái người ta cần có khi lãnh trách nhiệm
làm một cuộc cải cách liên quan đến tương lai. Và nếu một mình ai đó không có
trọn vẹn sự hiểu biết này, y có bổn phận của quyền uy cầu cứu mọi ánh sáng.
Một số người khác
đã học tiếng Annam với một thầy dạy hay tại một miền nhất định. Họ tin rằng người
thầy ấy, những người ở miền ấy có độc quyền đọc đúng, có ngôn ngữ chính xác, đại
diện cho ngôn ngữ, cô đọng trong cách nói của họ toàn bộ các hình thức, các từ,
các cách diễn tả của ngôn ngữ Annam. Có bao nhiêu là từ được sử dụng tại Bắc Kỳ
nhưng lại không được biết tới ở Trung hay ở Nam Kỳ, hay có một ý nghĩa khác, một
cách dùng khác tại các miền này, và ngược lại! Chúng ta sẽ nói sao về một tác
giả muốn làm một từ điển tiếng Annam nhưng chỉ đưa những từ và những cách nói
được sử dụng ở Hà Nội hay vùng lân cận? Công trình của y chỉ có tính cách rời rạc.
Cũng vậy, một số
lớn các hình thức được đặt về lại trong vùng này, vùng nọ, lớn nhỏ khác nhau.
Chúng có một tầm quan trọng thiết yếu để định rõ các yếu tố về từ nguyên học của
tiếng Annam, cho việc học tiếng trong tổng thể của nó. Không đếm xỉa tới chúng
với lý do là chúng đã bị đọc sai, không thuộc thứ ngôn ngữ tinh ròng, nghĩa là,
trong phần đọc, trong ngôn ngữ của miền, nơi người ta đã học tiếng Annam, là liều
lĩnh mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Một công trình đặt nền tảng trên những
nguyên tắc ấy sẽ luôn thiếu sót, nhiều khi sai lầm, dù có chứng tỏ được nhiệt
tình, tài ba của mình đến đâu, vả lại, bởi vì công trình thiếu nền tảng, bởi vì
nó không được bắt đầu và triển khai một cách khoa học. Từ đó, nó sẽ không có
tính thực tiễn, hữu ích.
Đó là những khuyết
điểm trầm trọng mà tôi chê trách về cuộc cải cách vừa được thông qua này.
P. Cadière
B. Bài viết của
Lucien Bauno
Đăng trên Avenir
du Tonkin số ra ngày 4. 1. 1907
Tôi đã ba lần
trao đổi về quốc ngữ với các độc giả của Avenir quan tâm đến các vấn đề
thuộc ngôn ngữ học. Là một người học tiếng Annam không vụ lợi, tôi chỉ có thể
nói phớt qua về vấn đề, không dám đi sâu như ông Cadière đã làm trong năm bài
báo được đăng mới đây, ngay trên tờ báo này, và hẳn là đọc giả người Annam đã đọc
một cách thích thú thực sự. Tôi rất vui khi nhận thấy, về đa số các điểm tranh
cãi, tôi đã thấy mình đúng khi ủng hộ truyền thống chống lại các nhà canh tân.
Theo các ông
Chéon và Cadière, â diễn tả một âm vòm mềm vốn không thể được diễn tả bằng
ê; lẫn lộn trong một phụ âm duy nhất j hai âm dz và g là
một sai lầm, dz vốn là một âm răng chứ không phải một âm ngạc; còn viết koa
thay cho qua là một kiểu dùng từ phản quy tắc: đó là điều tôi không
ngừng nói đi nói lại.
Mặt khác, người
ta không thể đưa ra một phản bác có tính khoa học chống lại việc thay thế d bằng
dz, k bằng c, j bằng g, z bằng d không
có gạch ngang.
Tuy nhiên, có hai
điểm mà tôi không thể nào đồng ý với các kết luận của Hội đồng Cải cách Học
chính địa phương cũng như của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Đây là một ý kiến
hoàn toàn có tính cá nhân tôi muốn trình bày và hẳn là xuất phát từ môi trường
Bắc Kỳ, nơi tôi đuợc bố trí, cũng như ý kiến của ông Cadière chịu ảnh hưởng của
các phương ngữ Nam Kỳ. Quả là ngạo mạn khi một mình đi ngược lại các kết luận của
những vị quá ư là uyên bác, nhưng vì tôi có truyền thống của tôi, nên tôi cũng
sẽ lên tiếng.
Đó là vấn đề về y
và về q.
Trước hết là tại
sao lại cứ khăng khăng dành cho y giá trị của một bán nguyên âm i?
Chắc chắn không phải vì mục đích để Pháp hóa. i trong tiếng Pháp không
có một bán nguyên âm nào ngoài nó. Ví dụ: tien, lieu. (So sánh với các từ
Annam liêng, tiêng, được đề nghị viết thành lyêng, tyêng)! Ngược
lại y ở đây không hề là nguyên âm duy nhất: ở đây, nó chỉ chấp nhận ba
âm: âm của i phụ âm ở đầu các từ yatagan; âm i nguyên âm ở
giữa: Babylone; - âm i kép ở giữa các từ sau một nguyên âm: pays, và
chúng ta nên để ý là chính cái giá trị sau cùng này mới là giá trị, duy nhất,
đã được Hội đồng xét lại việc viết tiếng Pháp chấp nhận. Nhưng như vậy, người
ta đã nói gì với chúng ta về y bán nguyên âm của i? Tại sao không
tạo ra những bán nguyên âm a trong lia, kia, trong đó âm của
nguyên âm này được làm dịu đi rất nhiều đến độ với các từ này không hợp vần với
la và ka, mà là với li và ki? Tại sao không phải là
một bán nguyên âm ê trong lêu?- o trong hoa?- u trong
luân?- u (Pháp) trong thua?
Chắc chắn là các
nhà cải cách của chúng ta đã đi sai đường khi muốn phân biệt qua cách viết hai
nguyên âm có hai âm giống hệt nhau, nhưng có trường độ khác nhau. Các nhà sáng
chế ra chữ quốc ngữ cổ truyền có thể đã có lý hơn khi chấp nhận hai chữ cho hai
âm khác nhau? i cho âm điếc và y cho âm sắc hay hai i không
phân biệt dài hoặc ngắn.
Chúng ta hãy lấy,
chẳng hạn, các nguyên âm đôi ai, ui, ay và uy. Chúng ta phân biệt
rõ ràng hai i điếc và y cao, chứ không phải các âm giống nhau,
như người ta nói với chúng ta. Thử lấy các từ tương đương trong tiếng Pháp: ail,
ébloui, aie và oui, các bạn có thấy sự khác biệt không? Liệu có thể
nói i trong ai đọc như i trong ui và y trong
ay như y trong uy? Không. Bạn hãy đọc bốn nguyên âm đôi
trên đây bằng cách đánh dấu ngã lên trên, khi tách ra, bạn sẽ có hai ngữ điệu
được tạo nên bởi dấu ngã này, đối với ai là à-ái, đối với ui là
ù-i, đối với ay là à-i hay ai-i, đối với uy là
ùy- i. Dầu vậy, chắc chắn âm i là âm điếc trong hai trường hợp đầu
và đôi hay cao trong hai trường hợp cuối, đó là điều các nhà sáng chế ra chữ Quốc
ngữ đã hiểu khi sử dụng hai dấu ghi, và sẽ là vu oan cho họ khi gán cho họ ý định,
vì lý do điều chỉnh âm của nguyên âm đi trước, thay đổi nguyên âm đi sau. Thật
ra trong các nhóm ai và ui, ay và uy không chỉ các nguyên
âm đầu mà cả các nguyên âm cuối cũng khác nhau. Chỗ kia là a và u dài
với i điếc, chỗ này là a và u bán nguyên âm với y cao
hay kép. Liệu người ta có thể đặt trên a và u gắn chùm với y dấu
của âm ngắn, dĩ nhiên rồi, nhưng có cần thiết không? Quy tắc về vị trí không đủ
sao? Theo ý tôi, người ta đã lầm khi muốn tạo ra sự khác biệt về cách viết mỗi
âm và mỗi sắc thái. Người ta sẽ đi tới chỗ làm ra một thứ chữ quốc ngữ phức tạp
đến độ chẳng tài nào viết hoặc lần ra được. Nếu a luôn luôn ngắn trước u,
ch, nh vv., thì việc gì phải đánh cho nó cái dấu ngắn? Nếu o luôn
luôn ngắn trước a, c, p, t, tại sao lại phải đánh dấu cho nó? Đối với
các chữ khác cũng vậy. Chữ quốc ngữ đã có quá nhiều dấu, nhiều chấm và nhiều dấu
hiệu!
Vậy để tóm tắt điểm
thứ nhất này, việc thay thế i bằng y và y bằng i,
như Trường Viễn Đông Bác cổ mong muốn thật chẳng hiển nhiên chút nào và trong mọi
trường hợp, chẳng khoa học hay mang tính cách Pháp hơn, hay thay y ở cuối
bằng i với dấu mũ như Hội đồng Cải cách Học chính địa phương đã quyết định.
Giờ đây chúng ta
hãy bàn về các vấn nạn làm động cơ cho việc loại bỏ chữ q. Người ta buộc
tội những người sáng chế chữ quốc ngữ cổ truyền là đã “thiếu logic” khi chấp nhận
hai chữ k và q để diễn tả một phụ âm ngạc duy nhất. Chúng ta có
thể lưu ý là cũng lời trách cứ này, nếu có cơ sở, cũng áp dụng cho tiếng Pháp.
Nhưng thực ra, k và q đã chẳng khác nhau về cách đọc hay sao?
Cùng với các nhà ngữ pháp học gần đây nhất, tôi không ngần ngại trả lời là có. k
diễn tả âm ngạc nổ đọc trong họng, q là âm vòm mềm. Ở đây có một sắc
thái không thể phủ nhận. Chữ Quốc ngữ cổ điển nhìn nhận sắc thái này trong cách
viết của nó; nhưng thứ kuốk ngữ cải cách đã lẫn lộn. Khoa học đứng về phía nào?
Mặt khác, việc
duy trì chữ q là cách thức duy nhất, vừa thực tiễn, vừa khoa học để diễn
tả một loạt âm qua, quan vân vân. Chúng ta chấp nhận cách viết koa,
nhưng đây là một cách dùng phản quy tắc. Quý vị trách chữ quốc ngữ, - nhưng là
trách sai như chúng ta đã thấy- về việc sử dụng hai dấu cho cùng một âm, và quý
vị tìm cách thay thế bằng hai cách viết cho một từ duy nhất! Qua sẽ viết
là koa hay kua tùy theo dấu! Nhưng một người Annam không bao giờ
chấp nhận một sự bất thường như vậy! Đây là câu chuyện về cái xà và cọng rơm!
Cùng với Trường
Viễn Đông Bác cổ, chúng ta sẽ viết kwa thay cho qua! Chẳng hơn
gì, và vì hai lý do: thứ nhất k và q là và phải là khác nhau, thứ
hai, w không diễn tả đúng âm u trong qua, âm vòm mềm và
khác với âm của u trong kua gần giống ou trong các từ tiếng
Pháp cou và gout (trên u có dấu mũ). Cả ở đây nữa, người
ta thấy dấu hiệu về sự bận tâm của các nhà Đông phương học thông thái muốn phân
biệt về cách viết bán nguyên âm u trong qua và nguyên âm u trong
kua. Nhưng sự khác biệt tinh tế này đã chẳng được quy tắc về vị trí diễn
tả một cách đầy đủ và khá khoa học rồi sao? u âm môi kêu đáp ứng cho k,
u điếc hay vòm mềm đáp ứng cho q.
Hơn nữa, quý vị
không thấy rằng, với lý do loại bỏ một điểm dị thường, quý vị lại chấp nhận một
điểm dị thường khác đó sao? Quý vị không muốn có hai chữ để diễn tả một âm ngạc,
nhưng quý vị lại chấp nhận tới hai, u và w cho một âm u duy
nhất! Quý vị đừng nói với tôi rằng một là nguyên âm và một là bán nguyên âm.
Tôi xin trả lời quý vị trước hết là không có nguyên âm nào của bảng chữ cái lại
có dấu phân biệt để diễn tả bán nguyên âm của mình, và chẳng có lý do gì để vi
phạm quy tắc này vì chữ w cả, - và quý vị lấy quyền gì để lẫn lộn hai chữ
được các nhà ngữ pháp học xem như thực sự khác nhau?
Bởi vậy, tôi thấy
mình có quyền để kết luận rằng các kết hợp mà các nhà cải cách đưa ra để thay
thế y và q là không thế chấp nhận được về mặt khoa học. Đây không
phải là một bước tiến, mà là một bước lùi thì có.
Nếu người ta cứ
bám vào các thay đổi tôi kể trên đây khi bắt đầu, tức d trong tiếng Pháp
thay vì d có gạch ngang, r thay vì d không có gạch ngang, j
thay vì g, k thay vì c, những thay đổi được mọi người
chấp nhận, thì một đại diện người bản xứ sẽ chẳng lên tiếng giữa Hội đồng Bảo hộ,
những lời phản đối, như chúng ta biết. Những người được bảo hộ của chúng ta là
những người bảo thủ do tính khí: họ không quen, như chúng ta, thay đổi các
chương trình cũng như các bộ. Với họ, tôi nghĩ rằng hiện nay, không thích hợp để
thực hiện các cải cách được mọi người chấp thuận, và đó là những cải cách người
ta vừa đọc trên đây. Còn về những cải cách chưa có được sự thống nhất ý kiến,
vì trong các “phe” khác nhau, người ta thấy đều có những người am tường ở trình
độ ngang nhau, và mặt khác, sự việc không có gì cấp bách, chúng ta nên gác lại
sau này và duy trì cách viết cổ điển vào lúc này.
Khi có sự thỏa
thuận, chúng ta sẽ tính.
Lucien Bauno
V. Hội đồng Cải
cách Học chính Nam Kỳ Khóa họp năm 1906
Trích biên bản
phân tích phiên họp ngày 23.11.1906
Việc cải cách chữ
quốc ngữ đã được đưa ra tìm hiểu. Hội đồng Cải cách Học chính Đông Dương, để
Pháp hóa, hợp thức hóa, đơn giản hóa chữ quốc ngữ, trong phiên họp ngày 20. 4,
đã đưa ra một số điều chỉnh nhỏ để Hội đồng Cải cách Học chính địa phương xem
xét.
Ông Boscq không
nghĩ rằng Hội đồng, được thông báo một cách quá muộn và không có tài liệu, có
thể có được một cuộc thảo luận quan trọng như vậy, ngoài ra, ông còn cho rằng
quả là thiếu khôn ngoan khi muốn ấn định trên Nam Kỳ một cuộc cải cách được thực
hiện tại Bắc Kỳ.
Ông Cương đồng ý
với ý kiến này và muốn duy trì chữ quốc ngữ hiện tại.
Ông Assan-Achou
nói “Trước khi bàn luận vào các chi tiết của vấn đề, tôi yêu cầu trước tiên Hội
đồng nên đưa ra ý kiến về dự án này: Nam Kỳ có nhu cầu tiến hành một cuộc cải
cách chính tả cho chữ quốc ngữ không? Từ ba mươi năm nay, cách viết này đã thịnh
hành tại Nam Kỳ và cả một hệ thống tài liệu đã được ấn định dưới hình thức này.
Việc áp dụng biện pháp được đề nghị hẳn sẽ dẫn đến một sự xáo trộn lớn trong
thói quen tri thức của tất cả những người -mà con số không phải là nhỏ- đã quen
với cách viết này.
“Đối với Bắc Kỳ,
vốn đang ở vào thời kỳ đầu, khi chưa có một cuốn sách nào được viết ra, chúng
tôi hiểu rất rõ là người ta muốn hoàn chỉnh tối đa dụng cụ trước khi đưa nó ra
sử dụng, và người bản xứ không mấy quan tâm tới việc bảng chữ cái được hình
thành bằng cách này hay bằng cách nọ.
“Ở đây, tôi e rằng
nếu đưa ra hỏi ý kiến của người bản xứ, họ sẽ chống lại mọi điều chỉnh không phải
vì họ bảo thủ, cũng không phải vì họ nghĩ rằng chữ quốc ngữ không còn có thể cải
tiến thêm, mà vì họ đã sử dụng chữ quốc ngữ cho đến hiện tại mà không thấy vướng
mắc, họ không hiểu tại sao người ta lại gây rối cho họ trong thói quen của họ,
trong khi các thể chế hành chính của chúng ta đã làm họ lúng túng không ít. Chỉ
nay mai thôi, họ sẽ không còn có thể đọc sách, thư luân lưu, đọc trát, các từ
chẳng còn hình dạng quen thuộc. Họ chẳng còn có thể nhận ra chúng”.
Ông Chủ tịch
“Chúng ta có thể nghĩ rằng chữ quốc ngữ hiện nay khó hiểu? Tất cả những ai đã bắt
đầu việc nghiên cứu này đều sẽ nói với chúng ta rằng họ rất thích hợp với cách
viết này và chỉ vài ngày học là đã đủ cho họ…
Tôi hiểu rằng chữ
quốc ngữ có khả năng biến đổi như tất cả các chữ viết khác, nhưng tôi mong muốn
rằng sự điều chỉnh sẽ diễn ra qua sử dụng trước khi trở thành bắt buộc: việc sử
dụng là người thầy duy nhất trong lĩnh vực này”.
Ông Assan-Achou
“Vả lại, các sự điều chỉnh được đưa ra có cho thấy sự cần thiết cấp bách và
tính cách hiển nhiên rõ ràng khiến mọi người đều có thể chấp nhận ngay? Tôi xin
nhắc lại, và ở đây tôi dựa vào chứng từ của ông Chủ tịch Thượng Hội đồng Cải
cách, rằng các sự điều chỉnh này chỉ được chấp thuận tại Bắc Kỳ sau một cuộc
tranh cãi gay gắt. Phải sau hai hay ba buổi họp mới có được một đa số ủng hộ.
Những điều chỉnh vốn được xây dựng trên những nền tảng không mấy chắc chắn, lấy
những xác tín không mấy vững vàng để làm điểm tựa, cần phải được xem xét và đón
nhận với một sự thận trọng tối đa.
Là những đại biểu
của Nam Kỳ tại hội nghị loại này về nền Học chính địa phương, chúng ta tránh
không đứng về một phía nào trong cuộc tranh luận. Một mặt, tôi không thể đi ngược
lại các nguyên tắc thuộc ngữ văn học do các bậc thầy trong ngành đưa ra, mặt
khác, tôi cũng thấy trước sự xáo trộn tiếp theo sau việc tôn phong chữ quốc ngữ
khi muốn đưa nó vào hàng ngũ các ngôn ngữ khoa học. Tôi thấy việc chữ quốc ngữ,
nhờ sự biến chuyển của nó, có thể được đọc bởi một nhà ngữ văn học thậm chí
không biết tiếng Annam là thích hợp, nhưng tôi cũng nghĩ tới các địa bộ, sổ hộ
tịch, giấy chứng nhận quyền sở hữu viết bằng chữ quốc ngữ hiện nay, qua đó chứng
thực một sở hữu nhà nước đáng được trân trọng.
Do đó, thưa quý vị,
với một chút dè dặt, chúng ta xin dành lại cho Bắc Kỳ, nhưng chính quý vị cũng
phải đưa ra ý kiến về điểm này:
Tại Nam Kỳ, chúng
ta có nhu cầu tiến hành một cuộc cải cách chữ quốc ngữ không? Một cuộc cải cách
chữ quốc ngữ có cần thiết hay có ích lợi tại Nam Kỳ hay không?
Ông Cương: “Các
thừa sai người Pháp và Bồ Đào Nha tại Annam thế kỷ XVI đã tìm cách Latin hóa
cách viết của xứ này vì nhu cầu của việc thi hành chức vụ linh mục của họ. Họ
đã nhờ, một cách hoàn toàn tự nhiên, sự giúp đỡ của các linh mục bản xứ mà
chính họ đã đào tạo. Những người này xuất thân từ tỉnh Nghệ An. Vùng công giáo
đầu tiên được thiết lập là vùng Cái Đoài trong tỉnh này. Quốc ngữ tiên khởi,
thuần túy nhất, được sử dụng một cách giới hạn tại các họ đạo và chỉ phát triển
thực sự tại Nam Kỳ từ ngày Pháp chiếm Nam Kỳ. Sau năm mươi năm hiện hữu, nó đã
trở thành chữ quốc ngữ của chúng ta chứ không còn là một cách phiên âm, và với
danh nghĩa này, tôi xin Hội đồng bỏ phiếu giữ nguyên tình trạng statu-quo, thuần
túy và đơn giản vậy thôi.”
Ông Foucher hỏi
ông Cương là ông này có tìm hiểu một điểm điều chỉnh nhỏ nào đó do Hội đồng triển
khai trước khi yêu cầu bác dự án hay không.
Ông Cương xem xét
đến sự điều chỉnh đầu tiên có nội dung thay ây bằng éi.
“Nơi các dân tộc
châu Âu, ông nói, có một bảng chữ cái chung, nhưng các dấu của bảng chữ cái này
không có cùng giá trị nơi tất cả các nước. u của người Anh có ba âm khác
nhau, â của chúng ta có một giá trị ước lệ do quá trình sử dụng đáp ứng
tất cả các nhu cầu của chúng ta và tôi nghĩ là chẳng cần phải thay thế bằng một
giá trị ước lệ khác. Tôi xin nói thêm là các điều chỉnh mà Hội đồng thông qua
thật ra không có mục đích nào khác là phiên âm các khiếm khuyết trong cách đọc
của người Bắc Kỳ, vốn như những người bản xứ ở Chợ Lớn, trong ngôn ngữ của họ,
đã tìm cách bắt chước người Hoa mà họ có dịp tiếp xúc trong buôn bán hàng ngày
và làm sao để người Hoa hiểu họ nói gì là điều chỉ có lợi cho họ.
“Chẳng hạn, ch đã
thay thế tr của tiếng Annam và Trăm được đọc là Châm trong tiếng Annam - Trung
Hoa.
Nếu chúng ta đồng
ý là ngôn ngữ tòa giảng và sân khấu là ngôn ngữ trong sáng nhất của một dân tộc
thì chúng tôi, những người Annam, chúng tôi yêu cầu dành cho chữ quốc ngữ cái
vinh dự này và khẳng định rằng ngôn ngữ Nam Kỳ là ngôn ngữ cổ điển của triều
đình Annam, của sân khấu và với danh nghĩa đó, không nên có những điều chỉnh để
trở nên phù hợp với ngôn ngữ Bắc Kỳ”.
Nguyên tắc của cải
cách chữ quốc ngữ đã được đặt ra. Một cuộc tranh luận đã diễn ra giữa các ông
Cappe, Assan-Achou và Maspero vốn chấp nhận và các ông Bocsq và Cương bác bỏ vì
sợ rằng việc cải cách sẽ đem lại những nghi ngờ, do dự trong việc làm giấy tờ
và do đó dẫn đến các vụ kiện tụng.
Ông Maspero “Quả
là đáng tiếc khi loại bỏ nguyên tắc về tính có thể được hoàn thiện hóa của chữ
quốc ngữ, không có gì là hoàn hảo cả, mọi thứ đều có thể được làm cho tốt hơn,
và nếu chúng ta bác bỏ nguyên tắc này, chúng ta sẽ liều mình bị đánh giá là phá
rối một cách cố chấp, dấu hiệu của tâm ý hẹp hòi.
Do đó, tôi yêu cầu
ông Chủ tịch cho bỏ phiếu kiến nghị sau đây:
Hội đồng Cải cách
Học chính Nam Kỳ chấp nhận nguyên tắc về việc nghiên cứu một sự điều chỉnh chữ
quốc ngữ, nhưng nghĩ rằng việc nghiên cứu này, được thực hiện với tinh thần đơn
giản hóa và tiến tới gần tiếng Pháp chỉ có thể được thực hiện tốt bởi Hội đồng
Cải cách Học chính Nam Kỳ và trong bất cứ trường hợp nào cũng không được áp đặt
một cách gấp rút”.
Thỉnh nguyện này
đã được mọi người thông qua.
Một tiểu ban phụ
trách công việc này đã được thành lập tức khắc và gồm các ông:
Maspero: Chủ tịch
Và các thành
viên: Assan-Achou, Bocsq, Trung, Cương, Tuan.
Dĩ nhiên tất cả
các thành viên của Hội đồng đều có thể tham gia các công việc của tiểu ban này
khi họ ở Sài Gòn.
Mặt khác, theo đề
nghị của ông Trung, báo Journal officiel sẽ thông báo rộng rãi để dân
chúng biết là có một cuộc điều tra được tiến hành nhằm tìm hiểu các điều chỉnh
áp dụng cho chữ quốc ngữ hiện tại và Tiểu ban phụ trách việc tìm hiểu này sẵn
sàng tiếp nhận và xem xét tất cả các ý kiến.
Ông Foucher mong
muốn Hội đồng Cải cách Học chính Nam Kỳ chuyển các kết luận của mình lên Hội đồng
Cải cách Học chính Đông Dương vào kỳ họp tới.
Hội đồng hứa là sẽ
thực hiện mong muốn của ông.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 110 (tháng 1
& 2 năm 2019)