P H Ầ N   B A

HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI

VÀ NỖ LỰC XÂY DỰNG GIÁO HỘI

NHƯ LÒNG CHÚA MONG ƯỚC

Cùng với Giáo Hội Việt Nam, chúng ta nhìn vào bối cảnh hiện tại của đất nước với cặp mắt đức tin để phân định những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách đố cho việc thực thi sứ mạng loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài đồng thời tìm ra một phương thức mới để chu toàn sứ mạng ấy. Phương thức ấy là ĐỐI THOẠI với thế giới chung quanh: với người nghèo, với nền văn hóa dân tộc và với các tôn giáo, là yêu thương và phục vụ đồng bào – đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, gia đình, bác ái, dấn thân xã hội, truyền thông và di dân.

ĐỀ TÀI 9: GIÁO HỘI VIỆT NAM MUỐN

ĐỔI MỚI NHIỆT TÌNH LOAN BÁO TIN MỪNG

A. TRÌNH BÀY

     Kinh nghiệm về sự hiệp thông trong Giáo Hội không những thúc đẩy mọi thành phần Dân Chúa tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội, mà còn thúc đẩy họ dấn thân vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, vì “hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau, cả hai thâm nhập vào nhau và bao hàm lẫn nhau, đến độ hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết


quả của việc truyền giáo: hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp thông ... Giáo Hội ý thức rằng sự hiệp thông mà Giáo Hội đã đón nhận như một hồng ân, là được ban cho hết thẩy mọi người. Vì thế, Giáo Hội cảm thấy mình mắc nợ hết mọi người và từng người (KTHGD 32). Các giám mục Việt Nam tin rằng “đoàn Dân Chúa khi sống trọn vẹn tình hiệp thông giữa lòng Giáo Hội (ad intra), sẽ thêm nhiệt thành khi gặp gỡ và đối thoại với thế giới chung quanh (ad extra) ... Giáo Hội hiệp thông là điểm xuất phát đầy năng lực cho sứ vụ tông đồ hướng đến một Vương Quốc Thiên Chúa không biên giới” (Đề Cương 22).

Giáo Hội Việt Nam ước mong thời điểm Năm Thánh sẽ mang đậm nhiệt tình loan báo Tin Mừng. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội tin rằng mình cũng được sai đi như các tông đồ ngày xưa và sai đi để loan báo Tin Mừng ngay trên quên hương đất nước mình, ngay trong môi trường văn hoá Việt Nam. Giáo Hội cũng tin rằng “Thần Khí của Chúa kêu gọi mỗi dân tộc và mỗi nền văn hoá đáp lại Tin Mừng một cách mới mẻ và sáng tạo... Nơi mỗi Giáo Hội địa phương, các yếu tố lịch sử và văn hoá, những ý nghĩa và giá trị luân lý, những truyền thống dân tộc được tiếp nhận, chứ không bị hủy bỏ hay suy giảm, nhưng được trân trọng, được canh tân, được thanh luyện nếu cần, và được hoàn thành trong sự sống của Thần khí. Theo ánh sáng này, Giáo Hội thực thi sứ vụ không phải với não trạng tự tôn nhưng là đi theo Thiên Chúa tới bất cứ nơi nào Ngài dẫn đến, biết nhận ra sự hướng dẫn của Ngài giữa những biến động trên thế giới, đồng thời can đảm và luôn trung thành với mệnh lệnh của Ngài” (Đề Cương 24).

Giáo Hội Việt Nam không chỉ xác tín sứ vụ mình đang thực thi tại đây và lúc này gắn liền với sứ vụ duy nhất của Giáo Hội phổ quát, mà còn xác tín những hoạt động nhằm thăng tiến con người hay xây dựng xã hội công bằng cũng là cấu tố của việc rao giảng Tin Mừng. Vì thế, Giáo Hội “không bao giờ tách rời đức tin khỏi cuộc sống, không chỉ chăm chú vào những thực hành tôn giáo để rồi thờ ơ với các hoạt động xã hội. Niềm mong đợi trời mới đất mới không cho phép người Kitô hữu sao nhãng việc thăng tiến xã hội trần thế theo đúng tinh thần Tin Mừng. Đối với Giáo Hội, sứ vụ là hoạt động có tính chiêm niệm và là chiêm niệm mang tính hoạt động. Vì thế, hoạt động cho công bằng, bác ái và xót thương có tương quan chặt chẽ với đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực. Chính khoa linh đạo này sẽ là nguồn mạch trào tuôn các hoạt động loan báo Tin Mừng” (x. Đề Cương 25).

Giáo Hội Việt Nam luôn coi sứ vụ loan báo Tin Mừng là trách nhiệm hàng đầu và là một sứ vụ cấp bách. Lý do không nguyên bởi Tin Mừng phải được loan báo mà còn bởi Việt Nam đang ở trong giai đoạn mới của lịch sử, ở đó ánh sáng chen lẫn với bóng tối và dường như bị bóng tối lấn áp. Điều này đòi hỏi sứ vụ phải được canh tân, vì “khi lịch sử và xã hội biến đổi, thì đức tin cũng phải được chia sẻ một cách mới mẻ, với những hình thức mới, theo những phương pháp mới, và do những con người mới” (Đề Cương 1).

B. HỎI-ĐÁP

1- H. Hiệp thông và truyền giáo liên kết với nhau như thế nào?

T. Hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau, cả hai thâm nhập vào nhau và bao hàm lẫn nhau, đến độ hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của việc truyền giáo: hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp thông.

2- H. Giáo Hội ý thức thế nào về hồng ân hiệp thông?

T. Giáo Hội ý thức rằng sự hiệp thông mà Giáo Hội đã đón nhận như một hồng ân, là được ban cho hết thẩy mọi người. Vì thế, Giáo Hội cảm thấy mình mắc nợ hết mọi người và từng người.

3- H. Giáo Hội Việt Nam xác tín thế nào về sứ vụ của mình?

T. Giáo Hội Việt Nam không những xác tín sứ vụ mình đang thực thi tại đây và lúc này gắn liền với sứ vụ duy nhất của Giáo Hội phổ quát, mà còn xác tín rằng những hoạt động nhằm thăng tiến con người hay xây dựng xã hội công bằng cũng là cấu tố của việc rao giảng Tin Mừng.

4- H. Vì sao thời gian ân sủng của Năm Thánh cũng là thời điểm thuận tiện để Giáo Hội Việt Nam canh tân sứ vụ?

T. Vì Chúa muốn những gì Ngài đã gieo trồng trên mảnh đất này phải sinh hoa kết trái và vì Việt Nam đang ở trong giai đoạn mới của lịch sử, nên đức tin phải được chia sẻ một cách mới mẻ, với những hình thức mới, theo những phương pháp mới, và do những con người mới.

5- H. Giáo Hội Việt Nam muốn thực thi sứ vụ với não trạng nào?

T. Giáo Hội Việt Nam không muốn thực thi sứ vụ với não trạng tự tôn nhưng muốn đi theo Thiên Chúa tới bất cứ nơi nào Ngài dẫn đến, nhận ra sự hướng dẫn của Ngài giữa những biến động trên thế giới, can đảm và trung thành thực thi mệnh lệnh của Ngài.

C. GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Giáo xứ của bạn đánh giá thế nào về nhiệt tình truyền giáo của mình? Nhiệt tình ấy được thể hiện trong những lãnh vực nào và như thế nào?

2. Bất cứ ở đâu sự hiệp thông suy yếu thì chứng từ và công việc truyền giáo của Giáo Hội bị suy giảm. Bạn có kinh nghiệm nào trong về vấn đề này?

3. Giáo xứ của bạn có xem việc thăng tiến con người hay xây dựng xã hội công bằng là nghĩa vụ nằm trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng không? Nếu không thì cần thăng tiến những gì?