8.3 PHÁT HUY
SỰ THAM GIA CỦA GIÁO DÂN
VÀO
VIỆC QUẢN TRỊ GIÁO XỨ
A. TRÌNH
BÀY
Trong Tông
huấn Kitô Hữu Giáo Dân, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trích dẫn lại số 10
của Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân: “Giáo xứ là thí dụ điển hình cho hoạt động tông
đồ trên bình diện cộng đoàn, vì nó quy tụ mọi hạng người khác nhau vào trong
cộng đoàn và lôi kéo họ vào trong Giáo Hội phổ quát. Giáo dân nên tập thói quen
làm việc trong giáo xứ đang khi kết hợp chặt chẽ với các linh mục của
mình, bằng cách đem đến với cộng đoàn giáo hội những vấn đề riêng của mình
hay của thế giới, hoặc những vấn đề liên quan đến ơn cứu độ con người; để cùng
nhau bàn luận và trao đổi, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải cộng
tác ngần nào có thể vào các việc tông đồ.” Sau đó, ngài giải thích:
“Công Đồng Vaticanô II có ý muốn xem xét và
giải quyết các vấn đề mục vụ với sự tham gia của mọi người. Ý muốn này phải
được triển khai một cách tương xứng và có hệ thống qua việc đề cao một cách
chân thành nhất, rộng rãi nhất và chắc chắn nhất, những Hội đồng mục vụ giáo xứ
đã được các Nghị Phụ Thượng hội đồng nhấn mạnh rõ ràng và chính đáng.
Trong tình
hình hiện nay, giáo dân có thể và phải nỗ lực rất nhiều để làm cho sự hiệp
thông đích thực trong Giáo Hội được tăng trưởng ngay trong lòng giáo xứ của
mình và khơi dậy hứng khởi truyền giáo cho những người không tin cũng như cho
những tín hữu đã từ bỏ hay hời hợt với đời sống Kitô hữu.
Nếu giáo
xứ là Giáo Hội ở bên con người (placed in the neighborhoods of humanity), thì
giáo xứ phải sống và sinh hoạt gắn bó mật thiết với xã hội con người và liên
đới sâu xa với những khát vọng cũng như thảm trạng của họ. Rất nhiều khi bối
cảnh xã hội, nhất là trong một số nước và một số môi trường, bị giao động mạnh
do những thế lực làm tan rã và phi nhân hóa: con người trở nên lầm lạc và mất
hướng, nhưng tự thâm tâm, họ vẫn luôn luôn ước vọng được cảm nghiệm và vun đắp
những tương quan huynh đệ và nhân bản hơn. Giáo xứ có thể đáp ứng được ước vọng
đó nếu, nhờ sự tham gia tích cực của giáo dân, giáo xứ trung thành với ơn gọi
và sứ vụ nguyên thủy của mình: giữa thế gian, là “nơi” hiệp thông các tín hữu,
đồng thời là “dấu chỉ” và “khí cụ” của lời mời gọi mọi người sống hiệp thông;
nói tóm lại, giáo xứ phải là ngôi nhà rộng mở để đón nhận mọi người và phục vụ
mọi người, hay như kiểu nói ưng ý của Đức Gioan XXIII, giáo xứ là giếng nước
đầu xóm, nơi mọi người đến giải khát (KTHGD 27).
B. HỎI-ĐÁP
1- H. Theo
Công Đồng Vaticanô II, giáo dân nên tham gia vào việc bàn thảo và quyết định
trong giáo xứ như thế nào?
T. Giáo
dân nên đem đến với cộng đoàn giáo xứ những vấn đề riêng của mình hay của thế
giới, hoặc những vấn đề liên quan đến ơn cứu độ con người; để cùng nhau bàn
luận và trao đổi, nghiên cứu và giải quyết.
2- H. Theo
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, giáo xứ nên xem xét và giải quyết các vấn đề
mục vụ với sự tham gia của mọi người thông qua tổ chức nào?
T. Giáo xứ
nên xem xét và giải quyết các vấn đề mục vụ với sự tham gia của mọi người,
thông qua Hội đồng mục vụ giáo xứ.
3- H. Theo
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, giáo dân nói chung và Hội đồng mục vụ giáo xứ
nói riêng, có thể và phải làm những gì để xây dựng Giáo Hội?
T. Giáo
dân nói chung và Hội đồng mục vụ giáo xứ nói riêng, có thể và phải làm cho sự
hiệp thông đích thực trong Giáo Hội được tăng trưởng ngay trong lòng giáo xứ
của mình và khơi dậy hứng khởi truyền giáo cho cả những người không tin lẫn
những tín hữu đã từ bỏ hay hời hợt với đời sống Kitô hữu.
4- H. Là
Giáo Hội ở bên con người, giáo xứ phải sống như thế nào?
T. Là Giáo
Hội ở bên con người, giáo xứ phải sống gắn bó với xã hội con người và liên đới
sâu xa với những khát vọng cũng như thảm trạng của họ.
5- H. Làm
thế nào giáo xứ có thể đáp ứng được khát vọng sống huynh đệ và nhân bản hơn của
con người?
T. Giáo xứ
có thể đáp ứng được khát vọng sống huynh đệ và nhân bản hơn của con người, khi
trung thành với ơn gọi và sứ vụ làm dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông, hay
như kiểu nói của Đức Gioan XXIII, làm giếng nước đầu xóm, nơi mọi người đến
giải khát.
C. GỢI Ý
TRAO ĐỔI
1. Cần phải làm gì để
Hội đồng mục vụ giáo xứ thực sự là gạch nối giữa bạn với cộng đoàn và cha xứ,
là nơi bạn có thể chia sẻ với cộng đoàn giáo hội những vấn đề riêng của mình
hay của thế giới, hoặc những vấn đề liên quan đến ơn cứu độ của mọi người?
2. Cần phải làm gì để
giáo xứ có thể đáp ứng được khát vọng yêu thương và hiệp nhất vốn là khát vọng
thâm sâu của con người?