ĐỀ TÀI 8: PHÁT HUY SỰ THAM GIA CỦA GIÁO DÂN

VÀO HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ TRONG GIÁO XỨ

A. TRÌNH BÀY

Trong Tông huấn Kitô Hữu Giáo Dân, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhận định về sự hiệp thông và tham gia của giáo dân vào sinh hoạt của giáo xứ như sau:

“Mọi giáo dân được mời gọi lưu ý hơn đến một đoạn văn rất sâu sắc, đầy ý nghĩa và hứng khởi của Công Đồng: ‘Trong những cộng đoàn giáo hội, hoạt động của giáo dân cần thiết đến nỗi nếu không có nó, chính hoạt động tông đồ của các chủ chăn thường không thể đạt được kết quả đầy đủ’ (TĐ 10). Đó là một khẳng định hết sức quan trọng cần được giải thích dưới ánh sáng của khoa Giáo Hội học hiệp thông. Các thừa tác vụ và đoàn sủng, vì khác biệt và bổ túc cho nhau, đều cần thiết cho sự tăng trưởng của Giáo Hội, mỗi thứ theo thể thức của mình.

... Giáo dân ngày càng phải xác tín mạnh mẽ hơn về ý nghĩa đặc biệt của việc dấn thân hoạt động tông đồ trong giáo xứ của mình. Một lần nữa, Công Đồng nhấn mạnh đến việc này: “Giáo xứ là gương điển hình cho hoạt động tông đồ trên bình diện cộng đoàn vì nó quy tụ mọi hạng người khác nhau vào trong lãnh giới của nó và lôi kéo họ vào trong Giáo Hội phổ quát. Giáo dân nên có thói quen làm việc trong giáo xứ đang khi kết hợp chặt chẽ với các linh mục của mình bằng cách đem đến với cộng đoàn giáo hội những vấn đề riêng của mình hay của thế giới, hoặc những vấn đề liên quan đến ơn cứu độ con người; để cùng nhau bàn luận và trao đổi, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải cộng tác ngần nào có thể vào các việc tông đồ và truyền giáo được bảo trợ bởi gia đình Giáo Hội địa phương của họ.”

... Trên hết mọi sự, mỗi người giáo dân nên ý thức đầy đủ mình là chi thể của Giáo Hội được trao phó một nhiệm vụ duy nhất, vốn không thể ủy thác cho người khác và phải được hoàn thành vì lợi ích của mọi người. Trong viễn tượng đó, Công Đồng có lý khi nhấn mạnh đến sự tuyệt đối cần thiết phải làm việc tông đồ của mỗi người: “Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện vốn bắt nguồn từ đời sống Kitô giáo đích thực (x. Ga 4,14), là nguồn gốc và điều kiện của toàn bộ hoạt động tông đồ giáo dân, ngay trong biểu hiện tập thể của nó, và không gì có thể thay thế được. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mọi giáo dân (gồm cả những người không có cơ hội hay khả năng tham gia các hiệp hội) đều được kêu gọi và đều có nhiệm vụ phải thực hành việc tông đồ cá nhân” (KTHGD 27-28).

B. HỎI-ĐÁP

1- H. Công Đồng Vaticanô II nhận định thế nào về vai trò của giáo xứ trong hoạt động tông đồ?

T. Theo Công Đồng, giáo xứ là thí dụ điển hình cho hoạt động tông đồ trên bình diện cộng đoàn, vì nó quy tụ mọi hạng người khác nhau trong cộng đoàn và dẫn họ vào trong Giáo Hội phổ quát.

2- H. Công Đồng Vaticanô II nhận định thế nào về sự cần thiết của tông đồ giáo dân trong giáo xứ?

T. Theo Công Đồng, hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết đến nỗi nếu không có nó, chính hoạt động tông đồ của các chủ chăn thường không thể đạt được kết quả đầy đủ.

3- H. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhận định thế nào về tông đồ giáo dân trong giáo xứ?

T. Theo Đức Thánh Cha, việc giáo dân tham gia vào sinh hoạt giáo xứ hết sức cần thiết, vì dưới ánh sáng của mầu nhiệm Giáo Hội-Hiệp Thông, các thừa tác vụ và các đoàn sủng vốn khác biệt và bổ túc cho nhau, đều cần thiết cho sự tăng trưởng của Giáo Hội.

4- H. Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, để dấn thân vào sinh hoạt của giáo xứ, giáo dân cần phải làm những gì?

T. Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, giáo dân ngày càng phải xác tín hơn về ý nghĩa của việc dấn thân hoạt động tông đồ trong giáo xứ của mình, phải luôn ý thức sống động mình là một “chi thể của Giáo Hội” được trao phó một nhiệm vụ duy nhất vốn không thể thay thế và ủy thác cho người khác, và phải được hoàn thành vì lợi ích của mọi người.

5- H. Trong trường hợp không có cơ hội hay khả năng tham gia các hiệp hội, giáo dân phải làm gì để tham gia vào sinh hoạt tông đồ trong giáo xứ?

T. Những giáo dân không có cơ hội hay khả năng tham gia các hiệp hội, đều được kêu gọi và đều có nhiệm vụ phải thực hành việc tông đồ cá nhân.

C. GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Theo bạn, sự tham gia của giáo dân vào sinh hoạt giáo xứ có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào?

2. Những gì khích lệ và nâng đỡ sự tham gia của giáo dân vào sinh hoạt giáo xứ? Những gì ngăn cản và phá hoại sự tham gia của giáo dân vào sinh hoạt giáo xứ?

3. Giáo dân có thể tham gia vào hoạt động tông đồ của giáo xứ dưới những hình thức nào?