Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh - Tháng 7/2010, Tuần 3

19/07/2010

Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh - Tháng 7/2010, Tuần 3


Tháng 7/2010

Tuần 3: Xây dựng Giáo Hội tham gia bằng cách củng cố quan hệ bình đẳng và tinh thần đồng trách nhiệm giữa các Kitô hữu



–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––


7.2 XÂY DỰNG GIÁO HỘI THAM GIA

BẰNG CÁCH CỦNG CỐ QUAN HỆ BÌNH ĐẲNG

VÀ TINH THẦN ĐỒNG TRÁCH NHIỆM GIỮA CÁC KITÔ HỮU

A. TRÌNH BÀY

Giáo Hội Tham Gia là một cộng đoàn bình đẳng thực sự. Như Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá cũng như về hoạt động mà họ chia sẻ trong việc xây dựng Thân Mình Chúa Kitô.

Trên nền tảng đó, không thể có sự kỳ thị hay phân biệt giữa giáo sĩ với giáo dân, trí thức với bình dân, người giàu với người nghèo, kẻ quyền thế với người cô thế… vì tất cả đều được gọi đến sự thánh thiện, tất cả đều được chia sẻ cùng một ân huệ đức tin, tất cả đều có cái gì đó để trao ban và hiến tặng. Không ai chỉ hoàn toàn trao ban mà không cần nhận lãnh, và cũng không ai chỉ nhận lãnh mà không có gì để trao ban.

Giáo Hội Tham Gia còn là một cộng đoàn đồng trách nhiệm, trong đó mọi tín hữu đều chia sẻ trách nhiệm chung và trở nên đồng nghiệp trong cùng một sứ mạng là sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô. Khi người giáo dân tham gia vào công việc chung của Giáo Hội, họ không thể chỉ bị xem như cánh tay nối dài của linh mục; đúng hơn họ chia sẻ trách nhiệm chung với linh mục nhưng thể hiện theo ơn gọi và vị trí riêng của mình.

Hiểu như thế, linh mục và những người có vai trò lãnh đạo khác trong cộng đoàn không thể là những người lãnh đạo độc đoán và thống trị, nhưng phải thể hiện sự lãnh đạo theo tinh thần Phúc Âm, sự lãnh đạo của người tôi tớ nhằm hỗ trợ, khuyến khích, và đồng hành với mọi thành viên của cộng đoàn thay vì áp đặt và ép buộc họ.

B. HỎI-ĐÁP

1- H. Công Đồng Vaticanô II khẳng định thế nào về sự bình đẳng giữa các Kitô hữu?

T. Công Đồng Vaticanô II khẳng định mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá cũng như về hoạt động mà họ chia sẻ trong việc xây dựng Thân Mình Chúa Kitô.

2- H. Những gì nghịch lại quan hệ bình đẳng giữa các Kitô hữu?

T. Mọi hình thức kỳ thị hay phân biệt đối xử giữa giáo sĩ với giáo dân, trí thức với bình dân, người giàu với người nghèo, kẻ quyền thế với người cô thế…đều nghịch lại quan hệ bình đẳng giữa các Kitô hữu.

3- H. Tinh thần đồng trách nhiệm trong Giáo Hội bắt nguồn từ đâu?

T. Tinh thần đồng trách nhiệm trong Giáo Hội bắt nguồn từ việc mọi Kitô hữu đều được dự phần vào đời sống và sứ vụ của Chúa Kitô và Giáo Hội theo ơn gọi và cách thức riêng của mỗi người.

4- H. Phải chăng giáo dân chỉ là cánh tay nối dài của linh mục trong hoạt động giáo xứ?

T. Giáo dân không phải là cánh tay nối dài của linh mục nhưng là người chia sẻ trách nhiệm chung với linh mục theo ơn gọi và vị trí riêng của mình.

5- H. Những người có trách nhiệm trong cộng đoàn cần phải làm gì để phát huy sự bình đẳng và đồng trách nhiệm trong Giáo Hội?

T. Những người có trách nhiệm trong cộng đoàn phải lãnh đạo theo tinh thần Phúc Âm, nghĩa là lãnh đạo như người tôi tớ hỗ trợ, khuyến khích, và đồng hành với mọi thành viên của cộng đoàn.

C. GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Để Giáo Hội thực sự là một cộng đoàn bình đẳng, theo bạn, giáo sĩ và giáo dân cần phải làm gì?

2. Làm thế nào để cảm thức thuộc về Giáo Hội trong giáo xứ của bạn được triển nở, đến nỗi mọi người có thể nói bằng tất cả trách nhiệm và niềm hãnh diện rằng “Tôi là Giáo Hội”?

3. “Không ai chỉ trao ban mà không cần nhận lãnh, và cũng không ai chỉ nhận lãnh mà không có gì để trao ban.” Bạn có kinh nghiệm cụ thể nào trong vấn đề này?

LỊCH PHỤNG VỤ