Tháng 2/2010

 

Tuần 4: Giáo Hội ý thức mình là thánh nhưng còn phải nên thánh bởi gồm những tội nhân



2.3 GIÁO HỘI Ý THỨC MÌNH LÀ THÁNH NHƯNG CÒN PHẢI NÊN THÁNH

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Hội Thánh được tuyên xưng là thánh thiện vì “Chúa Kitô đã yêu thương Hội Thánh như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội Thánh. Người kết hợp với Hội Thánh như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần” (GH 39).

Thứ đến, vì Thánh Thần ban cho Hội Thánh dồi dào phương tiện cứu rỗi và sự thánh thiện, đó là việc rao giảng Tin Mừng, các bí tích, các nhân đức luân lý, lòng hy sinh phục vụ tha nhân và các đặc sủng (x.GH 48).

Cụ thể hơn, sự thánh thiện của Hội Thánh đã chiếu tỏa ra nơi vô số các vị thánh đã được tuyên phong và trở thành những gương mẫu cho đời sống thánh thiện.

Sự thánh thiện của Hội Thánh là một hành trình tăng trưởng, một cuộc “lữ hành Vượt Qua”, chứ không phải là tình trạng tĩnh tọa an toàn. Vì thế, Hội Thánh vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình, và không ngừng theo đuổi con đường sám hối, canh tân (x.GH 8). Các Kitô hữu luôn được khuyên nhủ “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24). Ðiều này chứng tỏ “tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (Gc 3,2) và cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa (x.GH 8). Ðồng thời cũng có nghĩa là mọi người trong Hội Thánh đều được mời gọi nên Thánh, và Ðức Ái là tâm điểm của đời sống thánh thiện “Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái” (GH 40) vì “Ðức Ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật, nên Ðức Ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt đến cùng đích. Vì thế, Ðức Ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô” (GH 42). (GLCGVN, trang 93)

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Giáo Hội thánh thiện có phải vì có các tín hữu thánh thiện không?

T. Giáo Hội thánh thiện vì hai lẽ:

- Một là vì được tham dự vào sự thánh thiện của Chúa Kitô là Đầu;

- Hai là vì Giáo Hội được Chúa Kitô dùng làm phương thế thánh hóa các tín hữu và có đủ phương thế để làm việc này.

2-H. Giáo Hội thánh thiện sao còn phải nên thánh?

T. Giáo Hội thánh thiện nhưng con cái của Giáo Hội thì yếu đuối và thường hay vấp ngã nên Giáo Hội không ngừng sám hối và canh tân.

3-H. Theo thánh Phaolô, người Kitô hữu phải làm những gì để nên thánh?

T. Theo thánh Phaolô, người Kitô hữu phải “cởi bỏ con người cũ” đầy tham lam dối trá, và “mặc lấy con người mới” được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống “công chính và thánh thiện.”

4-H. Đâu là tâm điểm của đời sống thánh thiện?

T. Tâm điểm của đời sống thánh thiện là Đức Ái.

5-H. Đâu là đích điểm của đời sống thánh thiện?

T. Đích điểm của đời sống thánh thiện là Chúa Kitô. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không ngừng vươn lên đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô (x. Ep 4,13).

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Bạn có thái độ nào trước những lầm lỗi và thiếu sót của Giáo Hội?

2. Đối với bạn, thánh và nên thánh nghĩa là gì?

3. Theo bạn, sự thánh thiện của mỗi Kitô hữu có liên hệ đến Giáo Hội không? Liên hệ như thế nào?