Tháng 12/2009

 

Tuần 4: Hân hoan và cảm tạ khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam: giai đoạn trưởng thành



NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG

LỊCH SỬ GIÁO HỘI TRƯỞNG THÀNH TẠI VIỆT NAM

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Việc thành lập hàng giáo phẩm địa phương, vốn là ước vọng của Thánh Bộ Truyền Giáo ngay từ bản huấn thị 1659, nhưng trong thực tế, phải đến thế kỷ XX mới thành sự thật. Năm 1846, Ðức Piô IX đã đưa ra những chỉ thị rất cụ thể: “Phải hủy bỏ tập tục chỉ chấp nhận một hàng giáo sĩ bản xứ phụ thuộc. Những người làm việc Tin Mừng, dù thuộc xứ nào, đều bình đẳng”. Sau đó, Ðức Lêô XIII đã đẩy công việc nhanh hơn bằng cách lập các Tòa Khâm Sứ, trước tiên là tại Ấn Ðộ (1884) rồi đến Hoa Kỳ và Canada (1898). Ðến thời Ðức Piô XI, Việt Nam có Tòa Khâm Sứ tại Huế năm 1925. Chính dưới thời Ðức Piô XI, nhiều quốc gia thuộc miền truyền giáo có Giám mục: Ấn Ðộ (1923), Trung Hoa (1926), Nhật Bản (1927) và Việt Nam (1933). Ðặc biệt kỳ đó, Tòa Thánh không chỉ hỏi ý kiến các thừa sai, mà cả ý kiến các linh mục Việt Nam tại Sàigòn năm 1925, và tại Huế 1930. Kể từ đây sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam linh động hẳn lên: đón nhận nhiều Dòng Tu quốc tế, thành lập và cải tổ các Dòng Tu trong nước, số linh mục Việt ngày càng đông đảo, số địa phận ngày càng gia tăng. Các địa phận mới được thiết lập là: Thái Bình (1936), Vĩnh Long (1938), Cần Thơ (1955) và Nha Trang (1957).

1. Ngày lịch sử 24-11-1960

Qua Tông Hiến Venerabilium Nostrorum, ngày 24-11-1960, Ðức Gioan XXIII đã thiết lập thêm ba địa phận mới là Ðà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên, tuyên bố thiết lập ba Giáo Tỉnh (Hà Nội, Huế, Sàigòn) và bổ nhiệm các giám mục chính tòa. Số giáo phận tại Việt Nam lúc này là 20, được phân chia như sau: Hà Nội 10, Huế 4 và Sàigòn 6. Ðứng đầu ba Giáo Tỉnh là ba Tổng Giám Mục Giuse Trịnh Như Khuê, Phêrô Ngô Ðình Thục và Phaolô Nguyễn văn Bình. Chỉ trừ hai giáo phận Nha Trang (Ðức Cha Piquet Lợi), và Kontum (Ðức Cha Seitz Kim), 18 Giáo phận còn lại đều do các giám mục Việt Nam phụ trách. Việc thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam năm 1960 quả là một bước ngoặt đáng ghi nhớ. Hạt giống Tin Mừng đã được gieo trồng suốt bốn thế kỷ, nay đơm bông kết trái trong bối cảnh Công Ðồng Vatican II đã đưa người người tín hữu Việt Nam vào trào lưu chung của Hội Thánh toàn cầu: trở về nguồn Tin Mừng và canh tân thích nghi với thời đại; cởi mở và đối thoại với mọi nền văn hóa, cùng chung âu lo và hy vọng với mọi người, để dấn thân phục vụ xã hội ngày càng đa dạng và phong phú hơn.

2. Nhìn lại một chặng đường ...

Sau 1960, năm địa phận khác được thành lập là Ðà Nẵng (1963), Xuân Lộc (1966), Phú Cường (1966), Ban Mê Thuột (1967), Phan Thiết (1975), và Bà – Rịa (2005) nâng tổng số giáo phận Việt Nam hiện nay lên 26 địa phận (Hà Nội 10, Huế 6, Sàigòn 10). Tính đến tháng 6-1992, Việt Nam đã có tất cả 67 giám mục (32 vị đã được Chúa gọi về). Từ năm 1975, trong bối cảnh đất nước thống nhất, Hội Thánh Việt Nam ở hai miền Nam Bắc được xum họp một nhà. Kể từ 1980, Ðại hội các Giám mục toàn quốc đã được tiến hành hằng năm, và Hội Thánh Việt Nam khẳng định ý muốn là “Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (X. Thư chung 1980).

Nhìn lại lịch sử hơn 400 năm, như Mẹ MARIA, người tín hữu Việt Nam cất cao lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa, vì khi quay nhìn quá khứ với cặp mắt đức tin, ta nhận ra Chúa hằng hiện diện và đồng hành với Hội Thánh trong từng bước đi, dù khi thành công hay thất bại, dù lúc chan hòa ánh sáng hay bóng tối đong đầy. Nhìn lại lịch sử hơn 400 năm, người tín hữu Việt Nam cũng ý thức rằng đức tin mà mình lãnh nhận, đã được gieo trồng và vun xới bằng mồ hôi và nước mắt; hơn nữa bằng cả máu đào của tiền nhân. Vì thế, phải hết sức trân trọng, gìn giữ và phát huy đức tin ấy bằng cả cuộc đời. Hơn thế nữa, nếu đức tin là hồng ân đã lãnh nhận xuyên qua gian khổ của tiền nhân, người tín hữu Việt Nam hôm nay phải tiếp tục công trình của cha ông trong nỗ lực truyền giáo, để tinh thần Phúc Âm được thấm nhập vào mọi thực tại xã hội, và quê hương Việt Nam thân yêu được phát triển theo hướng đi của Nước Trời, Nước Công Chính, Yêu Thương và An Bình. MARANATHA, Lạy Chúa GIÊSU, Xin Ngài đến! (Kh 22,20).

(Trích “Lược Sử Hội Thánh Công Giáo Tại Việt Nam” trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của HĐGMVN, trang 114-116)

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1- H. Đức Giám mục tiên khởi người Việt Nam là ai?

T. Đức Giám mục tiên khởi người Việt Nam là Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng. Ngài được tấn phong Giám mục ngày 11.6.1933.

2- H. Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập năm nào?

T. Ngày 24.11.1960, Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam sau 4 thế kỷ đón nhận Tin Mừng.

3- H. Hiện nay Giáo Hội Việt Nam có bao nhiêu giáo phận?

T. Hiện nay Giáo Hội Việt Nam có 26 giáo phận, họp thành 3 giáo tỉnh là Hà Nội, Huế và Sài Gòn.

4- H. Sau ngày thống nhất đất nước, đường hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam là gì?

T. Năm 1980, các giám mục trong cả nước đã nhóm họp và khẳng định ý muốn là “Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.”

5- H. Để là “Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam,” Giáo Hội Việt Nam phải làm gì?

T. Giáo Hội Việt Nam phải hội nhập vào trong nền văn hóa Việt Nam và trở thành một Giáo Hội địa phương để có thể hoàn thành sứ vụ yêu thương và phục vụ của mình.

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Cùng với Giáo Hội Việt Nam nhìn lại lịch sử hơn 400 năm, bạn cảm thấy thế nào? Vì sao?

2. Theo bạn, điều gì giúp Giáo Hội Việt Nam vượt qua những khó khăn và không ngừng phát triền?

3. Nhìn lại lịch sử, Giáo Hội Việt Nam học được những bài học gì cho đời sống cũng như sứ vụ của mình?