SUY TƯ THẦN HỌC VỀ
THÁNH GIUSE
Lm. Giuse
Trần Đình Thụy
Đón Xuân
Tân Sửu 2021
I. SỰ CHUẨN BỊ CHO LỜI CHÚA
Đức Giám mục Christiani trong
tác phẩm trứ danh của ngài “Saint Joseph” (Paris, 1962) được Imprimatur bởi Đức
Giám mục J. Hottot ký ngày 15-05-1962, đã suy luận rất thuyết phục khi xem cảnh
sống tại Nazarét là thời gian chuẩn bị cho Tin Mừng.
Khi nghĩ đến điều xảy ra
trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, chúng ta được kêu mời tìm hiểu cuộc sống
đã được chuẩn bị lâu dài vào thời ẩn dật, với cuộc sống của người thợ mộc. Có
thể nói: Phúc Âm và những khuôn mẫu vàng được giới thiệu cho chúng ta khởi nguồn
từ “bầu khí thiêng liêng” bao trùm tại
Nazarét trong “ngôi nhà nuôi sống”,
nơi mà Chúa Giêsu đã lớn lên. Qua đó, chúng ta biết rằng, Ngài không chỉ lớn
lên như những đứa trẻ khác, mà Ngài còn “nên
khôn ngoan, đẹp lòng Chúa và đẹp lòng mọi người”. Chúng ta cũng đã biết, cụm
từ “lớn lên trong khôn ngoan” mang ý
nghĩa Thánh Kinh, với một nghĩa đặc biệt. Cụm từ đó nói lên sự phát triển trong
hiểu biết về Thiên Chúa và con người. Chính tại Nazarét mà Phúc Âm đã được ươm
mầm. Vì vậy, chúng ta không ngần ngại khi gọi đời sống tại Nazarét là giai đoạn
Tiền Phúc Âm (Pré- Évangile). Tất cả những điều Chúa Giêsu sẽ nói cho con người
đã được suy nghĩ, chiêm ngắm trong môi trường của Thánh Giuse và Đức Maria.
Ngài được gieo trồng những hạt mầm trong nơi mà chúng ta đã gọi là “bầu khí thiêng liêng”. “Bầu khí” này chính là bầu khí tại mái ấm
Nazarét. Nếu Chúa Giêsu được coi là “vâng
phục” cha mẹ mình là thánh Giuse và Đức Maria, chính là vì các vị đã cùng kết
hợp với chính Ngài trong ánh sáng của Phúc Âm, trong nét đẹp của sứ điệp trước
khi công bố cho nhân loại.
Quả đúng như vậy, nhất là những
giáo huấn đầu tiên của Chúa Giêsu Kitô qua Bài Giảng Trên Núi (Sermon sur la
Montagne).
Khi nghe Đức Giêsu tuyên bố
những điều được coi như Bát Phúc (Béatitudes), chúng ta liên tưởng ngay là Đức
Giêsu diễn tả điều mà Ngài đã sống trong suốt 30 năm gần Đức Maria và thánh
Giuse.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3-12)
Vậy ai là những người có
tinh thần nghèo khó, hiền lành, khát khao nên người công chính, xót thương
người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, bị bách hại vì sống công chính, nếu không phải là thánh Giuse
và Mẹ Maria. Hai vị đã được thưởng công cho tâm hồn thanh sạch là họ
đã được nhìn thấy Thiên Chúa trong suốt thời gian Đức Giêsu ở với họ.
Bát Phúc của Chúa Giêsu không nghi ngờ gì: đó là một phần linh đạo của thánh Giuse. Chính vì sống gần kề với thánh
Giuse và Đức Mẹ, mà Chúa Giêsu cũng đã suy nghĩ trước những lời sau:
“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn;
cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc…”
“Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho;
thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn
chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm
được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm
xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng,
không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn,
dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy…”
“Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa
còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì
thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất
cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em
cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa
và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy,
anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái
khổ của ngày ấy” (Mt 6,25-34).
Cảm nghiệm trong đời sống tại
Nazarét một “Khuôn vàng thước ngọc”: “Vậy
tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng
hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt
7,12).
Cũng tại đời sống bình dân tại
Nazarét với họ hàng lối xóm, với những người bình thường có tốt có xấu, Chúa
Giêsu cũng nói đến những nét tiêu cực của người dân, đặc biệt là giới Pharisêu:
cốt để tìm tiếng khen.
Chúa Giêsu cũng nhìn thấy
trong đời sống ẩn dật của ngài về sự công chính – Giuse là người công chính.
Theo Phúc Âm, ngài là người công chính vì đón nhận Maria về nhà và nhận bà là
hôn thê. Sự công chính của ngài đã không ngừng phát triển từ lúc đó. Nó hoàn
toàn khác với sự công chính bề ngoài của Pharisêu:
“Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường
biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật
anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay
trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của
anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt
6,2-4).
Sau việc bố thí, Ngài lại nói
đến sự cầu nguyện:
“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng
thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư,
cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn
anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng
Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những
gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,5-6).
Và Ngài còn nói thêm:
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng:
cứ nói nhiều là được nhậm lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ
anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt
6,7-8).
Ngài cũng nói về sự ăn chay:
“Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng
làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh
em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch,
chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh,
Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín
đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,16-18).
Thật đúng với tinh thần Chúa
Giêsu đã sống tại Nazarét, ta có thể nói rằng Chúa Giêsu đã hoàn tất những gì
Ngài bắt đầu, những điều mà Ngài đã dạy: “…tất
cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy…” (x.Cv
1,1).
Giuse và Maria đã biết từ
ngày đầu tiên, biết về sự cao trọng mang tính tiên tri của Giêsu – Con các ngài
– qua xác nhận của thiên thần và của ông già Simêon và bà “tiên tri” Anna. Bí ẩn đã kéo dài suốt 30 năm hoặc với thánh Giuse
khi còn sống. Không có lời cầu nguyện, sự bố thí, ăn chay nào tốt hơn là cách mà
Maria và Giuse đã sống. Hơn nữa, Gioan Tẩy Giả đã đóng vai trò của mình, vì qua
Dacaria là cha ngài, ngài đã nói lớn tiếng, trước cả sự hiện diện của Mẹ Maria:
“…Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là
ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người…” (Lc
1,76). Chính trong đức tin, niềm hy vọng và tình yêu, họ đã chờ đợi điều mà
Chúa Giêsu sẽ nói: “Giờ của Người”
chính là giờ của Thiên Chúa. Thời giờ này đã được xướng lên trước cái chết của
Tổ phụ Giuse: “Thế nào Thiên Chúa cũng sẽ
viếng thăm anh em…” (x. St 50,25).
Dù là suy luận (argument),
nhưng chúng ta cũng thấy nét tương đồng giữa lời của Chúa Giêsu và đời sống của
Thánh Cả. Khẳng định đời sống tại Nazarét là thời gian Tiền-Phúc âm (un Pré-Evangile)
cũng không sai gì.
II. NGÔN NGỮ THÁNH GIUSE
Trong tập Kỷ yếu
45 năm Ký Ức & Ước Mơ (Vũng Tàu – tháng 06 năm 2012), tôi đã viết
và chia sẻ về ngôn ngữ của thánh Giuse là: Thinh lặng để Cầu nguyện – Yêu
thương và Phục vụ. Chính 4 đặc tính này gói trọn cuộc đời thánh Giuse trước ý định
nhiệm mầu của Thiên Chúa. Tôi cũng kết luận trong bài viết và chia sẻ đó: “Chỉ xin gởi lại một chữ tình vì đó là ‘cả một tấm lòng’. Đối với tôi, những
chia sẻ này có thể được mô thức hóa (formulé) là: Kinh Tin Kính của đời tôi”[1].
Năm nay (2020-2021), năm đặc
biệt kính thánh Giuse, tôi xin đóng góp một chút suy tư cá nhân với những trải
nghiệm cuộc sống: Ngôn ngữ thánh Giuse: Thinh lặng để cầu nguyện kết hợp – lắng
nghe và thực hành ý Chúa.
1. Hai bản văn nền tảng để suy tư
- Huấn từ của
ĐGH Phaolô VI tại Nazarét (05-01-1964)[2]:
“Trước hết là bài học về thinh lặng. Ước chi nơi mỗi chúng ta lại nảy
sinh lòng quý trọng sự thinh lặng. Đây là điều kiện tuyệt vời và cần thiết cho
tinh thần, đang khi chúng ta bị quấy nhiễu vì bao tiếng la hét, ồn ào và náo động
của cuộc sống hiện đại, luôn ầm ĩ và quá căng thẳng. Ôi, ước chi sự thinh lặng
của Na-da-rét dạy chúng ta biết suy đi gẫm lại, biết trở về nội tâm, sẵn sàng
đón nhận những hướng dẫn âm thầm của Thiên Chúa và lắng nghe những vị thầy chân
chính dạy bảo. Ước chi sự thinh lặng đó dạy chúng ta biết sự cần thiết và giá
trị của việc chuẩn bị, nghiên cứu, suy niệm, của nếp sống cá nhân và nội tâm, của
lời cầu nguyện mà chỉ một mình Thiên Chúa nghe thấy trong nơi bí ẩn.”
- Kim Chỉ
Nam Về Tác Vụ Và Đời Sống Linh Mục[3]:
“Theo mẫu gương thánh Giu-se, sự thinh lặng của linh mục ‘không biểu lộ
sự trống rỗng nội tâm, nhưng trái lại, là một đức tin tròn đầy ngài mang trong
tâm hồn, hướng dẫn mọi tư tưởng và hành động’[4].
Một sự thinh lặng, như của các tổ phụ xưa, ‘gìn giữ Lời Chúa được biết qua
Thánh Kinh, hằng đối chiếu Lời ấy với các sự kiện trong đời Chúa Giê-su; một sự
thinh lặng đan xen với lời cầu nguyện liên lỉ, lời kinh chúc tụng của Chúa, tôn
thờ thánh ý Người, và hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa’[5].
Trong sự hiệp thông của Thánh Gia Na-da-rét, sự thinh lặng của thánh
Giu-se hoàn toàn hoà hợp với sự hồi tâm của Đức Maria, ‘hiện thân hoàn hảo nhất’
của sự vâng phục đức tin[6],
Người đã ‘giữ kỹ tất cả những kỳ công của Đấng Toàn Năng và suy gẫm trong
lòng’”[7].
2. Suy niệm về ngôn ngữ thánh Giuse[8]
a. Thinh lặng
Đời sống đức tin của Kitô hữu,
và nhất là các linh mục và tu sĩ, sự thinh lặng phải là như “thời khắc ngưng nghỉ hoạt động bình thường”
rất cần thiết.
Thinh lặng có thể được coi là
“bầu khí thiêng liêng” bao phủ gần hết
cuộc sống của thánh Giuse. “Trước hết là
bài học về thinh lặng. Ước chi mỗi người chúng ta lại nảy sinh lòng quý trọng sự
thinh lặng” (Huấn từ của ĐGH Phaolô VI). Kim Chỉ Nam Linh Mục cũng nói: “Theo mẫu gương thánh Giu-se, sự thinh lặng
của linh mục ‘không biểu lộ sự trống rỗng nội tâm’” (Số 51).
Nói về sự thinh lặng, chúng
ta có thể ghi lại nhiều tư tưởng của các văn gia nổi tiếng:
“Tiếng ồn làm phân tán, tản mác, lãng phí. Sự im lặng tiếp nhận, thâu hồi
và cô đọng. Ai không biết dành một khoảnh khắc trong đời cho những khu vực yên
tĩnh, thì tâm hồn kẻ đó sẽ dần dần sống một cách hời hợt, nông cạn”
(G. Courtois).
“Thinh lặng là người bạn thân không bao giờ phản lại ta”
(Tục ngữ Trung Hoa).
“Những người nào không biết nghe sự thinh lặng thì họ sẽ không thể biết
họ đã mất mát đến chừng nào” (M. Zuldel).
b. Trong thinh lặng, ta cầu nguyện
và kết hợp
Cũng trong Huấn từ, chúng ta
nhận ra tâm tình của ĐGH Phaolô VI: “Ôi,
ước chi sự thinh lặng của Nazarét dạy chúng ta biết suy đời gẫm lại, biết trở về
nội tâm, sẵn sàng đón nhận những hướng dẫn âm thầm của Thiên Chúa”.
Kim Chỉ Nam cũng ghi rõ: “Theo mẫu gương thánh Giu-se, … một sự thinh
lặng đan xen với lời cầu nguyện liên lỉ, lời kinh chúc tụng của Chúa”.
Thinh lặng để kết hợp. Tôi
xin trích lại trong tập viết “Tìm Nơi Thinh Lặng” (Paris, 1999,
trang 20-24):
“Ngày 11.8.1999, một ngày đặc biệt của năm cuối cùng của Thiên niên kỷ thứ hai: Nhật Thực. Tại Pháp, theo dự báo: khoảng 12g10-12g20, trục thẳng từ Chesbourg-Strasbourg, sẽ thấy nhật thực toàn bộ.” …
“Người ta tưởng tượng đây là một cuộc ‘kết hôn’, một sự ‘giao phối hoàn hợp’ giữa mặt trăng và mặt trời… Cứ 270 năm mới có một lần (lần trước đây tại Paris vào năm l724 lúc vua Louis XV mới 14 tuổi” (Cf. Famille chretienne N.24/29.7.99 trg 58). …
“Trong một góc hành lang: một tượng Đức Mẹ bằng gỗ mun, với kỹ thuật bắt
điện cũng thật ý nghĩa. Tượng thật và bóng tượng trên tường cùng gọn trong một
vầng sáng dịu như ẩn như hiện… và cũng hoàn toàn thinh lặng!
Âm thầm kết hợp… Âm thầm mà kết hợp… Âm thầm để kết hợp… Bạn hiểu thế
nào cũng được… Kết hợp, một sự kết hợp hài hòa trong thinh lặng. Không một tiếng
động mà dường như ta lại đang nghe thấy nhiều điều. Chỉ một cảnh trong thinh lặng
nhưng lại nói lên thật đầy ý nghĩa. Để lòng mình thinh lặng mà như có sự đối
thoại giữa trần thế với trời cao.”
Đúng thật: “Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm
thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời
góc biển” (Tv 19,4-5)
Thinh lặng “không biểu biểu lộ sự trống rỗng”. Tôi
rất thích vần thơ thật dễ thương nhưng sâu sắc:
“Nói bằng ánh mắt nhau thôi,
Chi bằng thinh lặng đầy vơi tấm lòng”.
Đúng thật, thinh lặng “không biểu lộ sự trống rỗng nội tâm” mà
là môi trường lắng nghe được nhiều âm thanh huyền bí của Thiên Chúa, khác với sự
“tràn ngập âm thanh và ánh sáng” khiến
chúng ta bị vong thân, lao vào những sự kiện trần thế.
Thánh Augustinô cũng cảm nghiệm
được Chúa - được mình trong thinh lặng nội tâm: “Lạy Chúa, Chúa biết con còn hơn con biết con”; “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.
P. Duret cũng nói: “Thầm lặng đích thực thì chan chứa tình yêu:
Đó là im lặng để cầu xin… im lặng để quan sát… im lặng để quên đi”.
c. Trong thinh lặng, ta lắng nghe và
thực thi ý Chúa
“Ước chi sự thinh lặng đó dạy chúng ta biết sự cần thiết và giá trị của
việc chuẩn bị, nghiên cứu, suy niệm, của nếp sống cá nhân và nội tâm, của lời cầu
nguyện mà chỉ một mình Thiên Chúa nghe thấy trong nơi bí ẩn” (Huấn
từ của ĐGH Phaolô VI).
Kim Chỉ Nam Linh Mục cũng viết:
“Theo mẫu gương thánh Giuse … sự thinh lặng…
là một đức tin tròn đầy ngài mang trong tâm hồn, hướng dẫn mọi tư tưởng và hành
động”.
Qua phần trình bày trên, ta
thấy: Bước (1): Cần sự thinh lặng để
xóa đi những ồn ào không cần thiết, có khi bị khuấy động; Bước (2): chính trong thinh lặng, nhất là thinh lặng nội tâm, ta bước
vào cầu nguyện để kết hợp với Chúa; Bây giờ đến bước (3): lắng nghe được tiếng Chúa và thực hiện ý Chúa.
Trong đêm thanh vắng, Giuse
nghe được lời Thiên sứ báo mộng. Tỉnh dậy, ngài “lập tức” thực hiện điều Chúa đã soi sáng.
Thời nay và nhất là hôm nay:
quá nhiều lý thuyết gia mà ít nhân chứng. Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã
nói: “Con người hôm nay cần chứng
nhân hơn thầy dạy”.
Noi gương thánh Giuse, hãy
tìm những khoảnh khắc thinh lặng nội tâm, tạm gác qua mọi lo âu sinh hoạt bên
ngoài, dọn tâm thế sẵn sàng để gặp Chúa (nhìn Chúa và để Chúa nhìn mình), rồi
Chúa sẽ nói với ta. Đến phần ta: hãy trở lại cuộc sống và thực thi ý Chúa soi
sáng.
Dietrich Bonhoeffer rất sâu sắc
khi nói về cầu nguyện, cũng giống cách thế của thánh Giuse, ông nói: “Cầu nguyện là gác qua mọi lo lắng, liên hệ
thường nhật để tìm gặp Chúa. Sau giờ cầu nguyện, Chúa lại sai chúng ta trở lại
cũng với những con người, liên hệ và môi trường ta vẫn sống; nhưng với tâm tình
của Chúa”.
“Muốn trở thành con người, trong đời sống thường ngày, bạn phải biết
dành chút thời giờ cho thinh lặng. Bạn hãy học im đi để biết nói lên”
(ĐHY Joseph Leo Cardijn).
“Tâm hồn phải lắng xuống trong sự im lặng. Chính lúc đó, Thiên Chúa sẽ tỏ
hiện và nói với ta” (M. Eckhart).
Tìm thinh lặng; trong thinh lặng
ta cầu nguyện và kết hợp; và chính lúc đó, ta nghe được tiếng Chúa và Ngài thúc
dục ta ra đi thực hiện. Đây chính là ngôn ngữ của thánh Giuse.
Bạn
hãy tập đi! Tập đi vào thinh lặng để gặp Chúa, nghe được lời Chúa và thi hành
điều Chúa dạy. Chỉ trong thinh lặng ta mới đạt được những sự ấy. Chẳng phải màu
mè nhưng hành động đạo đức của chúng ta chính là hoa trái của thinh lặng. Và
đúng như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng
không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).