Hình: Antoine Mekary | ALETEIA
SUY NIỆM TĨNH TÂM MÙA CHAY 2023 CHO GIÁO TRIỀU ROMA
CỦA VỊ GIẢNG THUYẾT PHỦ GIÁO HOÀNG
Bài 3: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
Đức Hồng y Raniero Cantalamessa,
O.F.M. Cap
WHĐ (20.3.2023) – Trong bài
suy niệm Mùa Chay thứ ba dành cho giáo triều Roma hôm thứ sáu, 17. 3. 2023, Đức
Hồng Y Raniero Cantalamessa tập trung vào Thần học. Vị giảng thuyết Phủ Giáo
hoàng khẳng định “không có nội dung nào của đức tin, dù cao siêu đến đâu, lại
không thể hiểu được đối với bất kỳ trí thông minh nào cởi mở với sự thật”.
Dưới đây là toàn văn bài giảng thứ ba của Đức Hồng y:
Chúng ta cần Thần học!
Vì niềm an ủi của quý vị và của
tôi, thưa Đức Thánh Cha, quý Cha đáng kính, và anh chị em, buổi suy niệm này sẽ
hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa. Diễn ngôn về Thiên Chúa, tức là Thần học,
không thể xa lạ với thực tại của Thượng Hội đồng, cũng như không thể xa lạ với
bất kỳ thời điểm nào khác trong đời sống của Giáo hội. Không có Thần học, đức
tin dễ trở thành sự lặp lại chết chóc; và sẽ thiếu mất công cụ chính của nó đối
với việc “hội nhập văn hóa”.
Tuy nhiên, để chu toàn nhiệm vụ
này, chính Thần học cần một sự canh tân sâu xa. Điều mà dân Chúa cần là một nền
thần học thấm nhuần cuộc sống, chứ không phải lúc nào cũng nói về Thiên Chúa “ở ngôi thứ ba”, với những phạm trù thường
vay mượn từ hệ thống triết học nhất thời, không thể hiểu được ngoài sự hạn hẹp
của “những người trong cuộc”. Người
ta viết rằng “Ngôi Lời đã trở thành nhục
thể”, nhưng trong Thần học, Ngôi Lời thường chỉ là một ý tưởng! Karl Barth
đã tiên đoán về sự ra đời của một nền thần học “có khả năng rao giảng”, nhưng đối với tôi, hy vọng này dường như
còn lâu mới thành hiện thực. Thánh Phaolô đã viết:
Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì
sâu thẳm nơi Thiên Chúa… không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không
phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế
gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta (1Cr 2,10-12).
Nhưng hiện nay, liệu chúng ta có
thể tìm thấy ở đâu một nền Thần học dựa vào Chúa Thánh Thần, thay vì dựa vào
các phạm trù khôn ngoan của con người, để biết "những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa"? Về điều này, thì cần phải
dùng đến điều được gọi là các môn học “tùy
chọn”: “Thần học tu đức” hoặc “Thần học mục vụ” nếu người ta muốn một nền
thần học có khả năng được rao giảng. Henri de Lubac đã viết:
“Thừa tác vụ rao giảng không phải là việc bình dân hóa một giáo huấn giáo lý dưới hình thức trừu tượng hơn, một giáo huấn mà vốn có trước và cao siêu hơn thừa tác vụ rao giảng. Trái lại, thừa tác vụ rao giảng chính là việc giảng dạy giáo lý ở hình thức cao nhất. Điều này đúng với lời rao giảng đầu tiên của Kitô giáo,
đó là lời rao giảng của các Tông đồ, và cũng đúng với lời rao giảng của những
người kế vị các ngài trong Giáo hội: các Giáo phụ, các Tiến sĩ và các mục tử của
chúng ta hiện nay”.[1]
Tôi tin chắc rằng không có nội
dung nào của đức tin, dù cao siêu đến đâu, lại không thể hiểu được đối với bất
kỳ trí thông minh nào cởi mở với sự thật. Bài học mà chúng ta có thể học được
nơi các Giáo phụ đó là chúng ta có thể học sâu, uyên thâm mà không bị mù mờ.
Thánh Grêgôriô Cả nói rằng Kinh Thánh thì “đơn
giản và sâu thẳm, giống như một dòng sông, mà ở đó, chiên con có thể bước đi và
voi có thể bơi”[2]. Thần học phải được lấy cảm
hứng từ mô hình này. Mọi người sẽ có thể tìm thấy trong đó lương thực phù hợp với
khẩu vị của mình: đối với người đơn sơ đó là thức ăn, còn đối với người có học
thức đó là đồng cỏ. Đấy là chưa kể những gì còn giấu kín đối với “bậc khôn ngoan thông thái” nhưng lại được
mạc khải cho “những kẻ bé mọn”.
Nhưng tôi xin lỗi vì đã không giữ
lời hứa ban đầu. Tôi không có ý định khai triển ở đây một bài diễn văn về Canh
tân Thần học. Tôi thực sự không có trình độ để làm điều đó. Thay vào đó, tôi muốn
cho thấy thần học, hiểu theo nghĩa như vừa được đề cập, có thể góp phần làm sao
để trình bày sứ điệp Tin Mừng một cách có ý nghĩa cho con người ngày nay, cũng
như mang lại sức sống mới cho đức tin và lời cầu nguyện của chúng ta.
Tin tốt đẹp nhất mà Giáo hội có
nhiệm vụ loan báo cho thế giới, tin mà mọi trái tim con người mong đợi để được
nghe, đó là: “Thiên Chúa yêu thương bạn!”
Điều chắc chắn này phải xóa bỏ và thế chỗ cho điều mà chúng ta luôn mang trong
mình: “Thiên Chúa đang phán xét bạn!”
Lời khẳng định long trọng của thánh Gioan “Thiên
Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8) phải đi kèm mọi lời loan báo Kitô giáo, giống
như một nốt nhạc nền, ngay cả khi những đòi hỏi thực tế của tình yêu này phải
được nhắc lại, như Tin Mừng đã thực hiện.
Khi cầu xin Chúa Thánh Thần, kể cả
trong dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục hiện nay, trước hết chúng ta nghĩ đến Chúa
Thánh Thần như ánh sáng soi sáng chúng ta trong từng hoàn cảnh và gợi ý những
giải pháp đúng đắn. Chúng ta ít coi Chúa Thánh Thần là tình yêu. Đúng ra, tình
yêu là hoạt động đầu tiên và thiết yếu nhất của Thần Khí mà Giáo hội cần đến.
Chỉ có đức ái mới xây dựng được; kiến thức – kể cả kiến thức thần học và giáo hội
– thường chỉ thổi phồng và chia rẽ. Nếu chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta lại
quá háo hức muốn biết (và ngày nay, rất phấn khích trước triển vọng của trí tuệ
nhân tạo!) mà lại ít quan tâm đến việc yêu thương, thì câu trả lời rất đơn giản:
đó là kiến thức biến thành sức mạnh, còn tình yêu thương biến thành sự phục vụ!
Chính Henri de Lubac đã viết: “Thế gian cần biết rằng: sự mặc khải của
Thiên Chúa như là Tình yêu làm đảo lộn mọi thứ mà nó đã quan niệm về thần linh”[3]. Cho đến nay, chúng ta vẫn
chưa hoàn thành (và chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành) việc rút ra tất cả những
kết quả từ cuộc cách mạng loan báo Tin Mừng này về Thiên Chúa là tình yêu.
Trong bài suy niệm này, tôi muốn
cho thấy, khởi đi từ mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, các mầu nhiệm chính của đức
tin chúng ta - Chúa Ba Ngôi, Nhập Thể và Khổ nạn của Đức Kitô - được soi sáng với
ánh sáng mới, làm sao để người ta hiểu những mầu nhiệm này dễ dàng hơn. Khi
Thánh Phaolô định nghĩa các thừa tác viên của Đức Kitô là “những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cor 4, 1),
ngài muốn nói đến những mầu nhiệm đức tin này, chứ không phải các nghi thức, hoặc
thậm chí tiên vàn không phải các bí tích.
Vì sao Chúa Ba Ngôi
Hãy bắt đầu với mầu nhiệm Chúa Ba
Ngôi: tại sao Kitô hữu chúng ta tin rằng Thiên Chúa là duy nhất và ba ngôi?
Trong nhiều dịp, tôi đã rao giảng lời Chúa cho các Kitô hữu sống ở các quốc gia
có đa số người Hồi giáo, tuy nhiên, ở đó có sự khoan dung và khả năng đối thoại
tương đối, như trường hợp ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đó là những
Kitô hữu, chủ yếu là người nhập cư và làm công nhân. Thỉnh thoảng họ nhờ tôi
giúp họ trả lời cho câu hỏi mà họ thường được hỏi ở nơi làm việc: “Tại sao các bạn là Kitô hữu, tự nhận mình những
người độc thần, nhưng các bạn không tin vào một và chỉ một Thiên Chúa?”
Tôi nhắc lại ở đây câu trả lời mà
tôi đã gợi ý cho họ bởi vì đó cũng là câu trả lời mà chúng ta phải đưa ra cho
chính mình và cho những người tra vấn chúng ta về cùng một vấn đề. Chúng ta tin
Thiên Chúa Ba Ngôi vì chúng ta tin Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả tình yêu là
tình yêu của một ai đó hoặc của một cái gì đó; không có loại tình yêu “trống rỗng” không có đối tượng, cũng như
không có tri thức mà không phải là tri thức về ai đó hoặc về điều gì đó. Vậy
thì, Thiên Chúa yêu ai, để được gọi là tình yêu? Nhân loại? Vũ trụ? Nếu vậy,
thì Ngài chỉ là tình yêu trong vài tỷ năm, nghĩa là kể từ khi vũ trụ vật chất
và loài người hiện hữu. Trước đó, Thiên Chúa yêu ai để được gọi là tình yêu, vì
Thiên Chúa không thể thay đổi và bắt đầu trở thành cái mà trước đây Ngài không
phải là? Các nhà tư tưởng Hy Lạp, vốn quan niệm Thiên Chúa trên hết là Trí tuệ
(Nous), có thể trả lời: Thiên Chúa nghĩ về chính mình; Ngài là "tư duy thuần túy". Nhưng điều này
không còn khả thi nữa khi người ta nói rằng Thiên Chúa là tình yêu, bởi vì “tình yêu thuần túy”- yêu chính mình-
không gì khác hơn là vị kỷ và tự kỷ ái mộ.
Và đây là câu trả lời của mặc khải,
được định nghĩa trong Công đồng Nicaea năm 325. Thiên Chúa luôn luôn là tình
yêu – ab aeterno – bởi vì ngay cả trước
khi có một đối tượng bên ngoài chính mình để yêu, thì Ngài đã có Ngôi Lời trong
chính mình, “Con Một” mà Ngài đã yêu
bằng một tình yêu vô biên, đó là “trong
Chúa Thánh Thần”.
Tất cả những điều này không giải
thích được làm thế nào mà sự hiệp nhất lại có thể đồng thời là ba ngôi, một mầu
nhiệm mà chúng ta không thể biết được vì nó chỉ xảy ra nơi Thiên Chúa. Tuy
nhiên, nó giúp chúng ta hiểu tại sao, nơi Thiên Chúa, hiệp nhất cũng phải là hiệp
thông và đa nguyên. Thiên Chúa là tình yêu, vì thế Ngài là Ba Ngôi! Một Thiên
Chúa là tri thức thuần túy hoặc luật pháp thuần túy, hoặc quyền năng tuyệt đối,
chắc chắn sẽ không cần phải là ba ngôi. Điều này thực sự sẽ làm phức tạp mọi thứ.
Không có “chế độ tam hùng” và không
có “triều đại” nào tồn tại mãi trong
lịch sử!
Do đó, các Kitô hữu cũng tin vào
sự hiệp nhất của Thiên Chúa và là những người theo thuyết độc thần; tuy nhiên,
đó là sự hiệp nhất không theo kiểu toán học và con số, mà là Tình yêu và sự Hiệp
thông. Nếu có điều gì đó mà kinh nghiệm của lời loan báo này cho thấy vẫn có khả
năng giúp con người ngày nay, nếu không phải là để giải thích, thì ít là để
hình thành một ý tưởng về Chúa Ba Ngôi, thì tôi xin nhắc lại, đó chính là điều
xoay quanh tình yêu. Thiên Chúa là một “hành
động thuần túy” và hành động này là một hành động của tình yêu bao hàm, đồng
thời và tuyệt đối - một người yêu, một người được yêu, và chính tình yêu kết hợp
cả hai.
Tôi tin rằng mầu nhiệm của các mầu
nhiệm không phải là Chúa Ba Ngôi; mà là hiểu được tình yêu thực sự là gì! Vì
tình yêu chính là bản tính của Thiên Chúa nên chúng ta sẽ không được ban cho để
hiểu trọn vẹn tình yêu là gì, ngay cả trong cuộc sống vĩnh cửu. Tuy nhiên,
chúng ta sẽ được ban cho một điều gì đó tốt hơn là biết nó, nghĩa là sở hữu nó
và hài lòng với nó mãi mãi. Bạn không thể ôm lấy đại dương, nhưng bạn có thể
hòa mình vào đại dương!
Vì sao Nhập thể
Chúng ta hãy chuyển sang một mầu
nhiệm cao cả khác được tin tưởng và loan báo cho thế giới: mầu nhiệm Ngôi Lời
Nhập Thể. Dưới ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa là tình yêu, chúng ta sẽ thấy mầu
nhiệm Nhập Thể cũng mang một chiều kích mới. Tôi xin lỗi nếu trong phần này,
tôi yêu cầu một nỗ lực chú ý nhiều hơn mức bình thường đối với người nghe một
bài giảng, nhưng tôi tin rằng nỗ lực đó đáng để thực hiện ít nhất một lần trong
đời.
Chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi
nổi tiếng của Thánh Anselmo (1033-1109): “Tại
sao Thiên Chúa làm người?” – Cur Deus
homo? Câu trả lời của thánh nhân là, bởi vì chỉ có một đấng vừa là con người
vừa là Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi. Thật vậy, với tư
cách là một con người, Ngài có thể đại diện cho toàn thể nhân loại, và với tư
cách là Thiên Chúa, những gì Ngài làm có giá trị vô hạn, tương xứng với món nợ
mà con người đã mắc phải với Thiên Chúa khi phạm tội.
Câu trả lời của Thánh Anselmo
luôn có giá trị, nhưng nó không phải là câu trả lời khả thi duy nhất, cũng
không phải là câu trả lời hoàn toàn thỏa đáng. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta
tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa đã nhập thể “vì
loài người chúng tôi và để cứu chuộc chúng tôi” nhưng sự cứu chuộc chúng ta
không chỉ giới hạn ở việc xóa bỏ tội lỗi mà thôi, càng không phải là một tội lỗi
cụ thể, tội nguyên tổ. Do đó, có chỗ cho việc đào sâu đức tin.
Đây là điều mà Chân phước Duns
Scotus (1265-1308) đã cố gắng thực hiện. Ông nói rằng, Thiên Chúa đã trở thành
người vì đây là kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa, trước khi chính sự sa ngã,
nghĩa là, thế giới – được tạo dựng “nhờ Đức
Kitô và cho Người” (Cl 1, 16) – tìm thấy nơi Người “vào thời viên mãn” vương quyền và sự quy tụ muôn loài của Người
(Eph 1, 10). Scotus viết, “Thiên Chúa yêu
chính mình trước”; sau đó Ngài “muốn
được yêu bởi một người, ở bên ngoài Ngài, yêu Ngài đến mức tối đa"; Vì
vậy, Ngài “thấy trước sự kết hợp với bản
tính phải yêu Ngài ở mức cao nhất”[4].
Người yêu hoàn hảo này không thể là bất kỳ thụ tạo hữu hạn nào, mà chỉ là Ngôi
Lời vĩnh cửu, Đấng, do đó, sẽ nhập thể “ngay
cả khi không có ai phạm tội”. Tội của Adam chỉ xác định phương thức Nhập thể
(tức là sự chuộc tội qua cuộc khổ nạn và cái chết), chứ không quyết định chính
sự kiện Nhập thể.
Khi bắt đầu tất cả những điều
này, thật không may như chúng ta thấy nơi Scotus, vẫn có một vị Thiên Chúa được
yêu thương, chứ không phải một vị Thiên Chúa yêu thương. Đây là tàn tích của
quan điểm triết học về Thiên Chúa như một “động
cơ bất động”, Đấng có thể được yêu, nhưng không thể yêu. Aristotle đã viết:
“Thiên Chúa di chuyển thế giới trong chừng
mực mà Ngài được yêu thương”[5], nghĩa là, với tư cách Ngài
là đối tượng của tình yêu chứ không phải vì Ngài yêu thế giới. Phù hợp với quan
điểm của phương Tây về Chúa Ba Ngôi, Scotus đặt bản tính thần linh, chứ không
phải ngôi vị của Chúa Cha, ở đầu diễn từ về Thiên Chúa. Và thiên nhiên, không
giống như con người, không phải là một chủ thể có khả năng yêu thương! Về điều
này, những người anh em Chính thống giáo, vốn thừa kế các Giáo phụ Hy Lạp, có
nhãn quan tốt hơn những người Latinh chúng ta.
Về điểm này, cho dù với sự kính
trọng đối với Scotus, tôi nghĩ rằng Kinh thánh kêu gọi chúng ta hãy tiến lên một
bước, tuy nhiên, hãy luôn ý thức rằng những lời khẳng định của chúng ta về
Thiên Chúa chẳng qua chỉ là những dấu tay mờ nhạt trên mặt đại dương. Thiên
Chúa Cha quyết định cho Ngôi Lời Nhập Thể không phải vì Ngài muốn có một ai đó
bên ngoài Ngài để yêu Ngài theo cách xứng với Ngài, nhưng vì Ngài muốn có một
ai đó bên ngoài Ngài để yêu theo cách xứng với Ngài! Không phải để nhận được
tình yêu, nhưng để cho đi tình yêu. Khi giới thiệu Chúa Giêsu cho thế giới,
trong biến cố Đức Giêsu chịu Phép Rửa và Biến Hình, Chúa Cha trên trời phán: “Đây là Con Ta yêu dấu” (Mc 1, 11; 9, 7)
chứ Ngài không nói "Đây là Con yêu mến
Ta".
Chỉ có Chúa Cha trong Chúa Ba
Ngôi (và trong toàn thể vũ trụ!), không cần phải được yêu thương để hiện hữu;
Ngài chỉ cần yêu thôi. Chúa Con hiện hữu nhờ Chúa Cha; Chúa Cha hiện hữu không
nhờ ai. Đây là điều đảm bảo cho vai trò của Chúa Cha như là nguồn mạch và nguồn
gốc duy nhất của Ba Ngôi đồng thời duy trì sự bình đẳng tuyệt đối về bản tính
giữa ba ngôi vị thần linh. Nguồn gốc của tất cả những điều này đều là trực giác
sáng chói của thánh Augustinô và của trường phái do ngài khai sinh. Thánh nhân
định nghĩa Chúa Cha là người yêu, Chúa Con là người được yêu và Chúa Thánh Thần
là tình yêu liên kết cả hai[6]. Về điểm này, người Latinh
chúng ta cũng có một điều gì đó quý giá và cần thiết để cống hiến cho một sự tổng
hợp đại kết. Một sự hòa giải giữa hai nền thần học dường như không còn quá khó
khăn và xa vời nữa, điều này sẽ sẽ đánh dấu một bước quyết định hướng tới sự hiệp
nhất của hai Giáo hội.
Vì sao Khổ nạn
Bây giờ chúng ta đến với mầu nhiệm
cao cả thứ ba: cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô mà chúng ta sắp cử hành
vào dịp Lễ Phục Sinh. Chúng ta hãy xem, khởi đi từ sự mặc khải Thiên Chúa là
tình yêu, mầu nhiệm này cũng được soi sáng như thế nào bằng một ánh sáng mới. “Người phải mang thương tích cho chúng ta được
chữa lành” – với những lời nói này về người Tôi Tớ Yahweh (Is 53,
5-6), đức tin của Giáo Hội đã diễn tả ý nghĩa cứu độ của cái chết của Đức Kitô
(1 Pr 2, 24).
Nhưng liệu những vết thương, thập
giá và đau khổ – những sự kiện tiêu cực và chỉ tước đoạt điều tốt như vậy – có
thể tạo ra một thực tại tích cực chẳng hạn như ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại
chăng? Sự thật là chúng ta không được cứu độ bởi sự đau khổ của Đức Kitô, nhưng
bởi tình yêu của Người! Chính xác hơn, bởi tình yêu được thể hiện trong sự hiến
dâng chính mình. Bằng tình yêu bị đóng đinh!
Đối với Abelard, người đã từng chống
lại ý tưởng về một vị Thiên Chúa “vui thoả”
trước cái chết của Con mình. Thánh Bernard trả lời: “Không phải cái chết của Đức Kitô làm Thiên Chúa vui thoả, mà chính là
việc Đức Kitô tự nguyện sẵn sàng chết vì chúng ta"[7].
Sự đau khổ của Đức Kitô vẫn giữ
nguyên giá trị của nó và Giáo hội sẽ không ngừng suy niệm về sự đau khổ này:
tuy nhiên, chính sự đau khổ không phải là nguyên nhân của ơn cứu độ, nhưng là dấu
chỉ và bằng chứng của tình yêu: “Thế mà Ðức
Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng
chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).
Điều này loại bỏ khỏi Cuộc Khổ nạn
của Đức Kitô một hàm ý luôn khiến chúng ta bối rối và không hài lòng: đó là ý
tưởng về một cái giá và một khoản tiền chuộc phải trả cho Thiên Chúa (hoặc tệ
hơn, là trả cho ma quỷ!), hoặc về một sự hy sinh để xoa dịu cơn thịnh nộ của thần
linh. Thực ra, chính Thiên Chúa đã hy sinh cao cả khi ban Con Một của Ngài cho
chúng ta – không “dung tha” Người Con
ấy, giống như tổ phụ Abraham đã không tiếc để hy sinh con mình là Isaac (St 22,
16; Rm 8, 32). Thiên Chúa là chủ thể hơn là người thụ hưởng hy tế thập giá!
Một tình yêu xứng đáng với Thiên Chúa
Bây giờ chúng ta phải xem chân lý
mà chúng ta đã chiêm ngắm trong các mầu nhiệm – Chúa Ba Ngôi, Nhập Thể và Khổ nạn
của Đức Kitô – đã thay đổi những gì trong đời sống của chúng ta. Và chính tại
đây, một “tin mừng” đang chờ đợi
chúng ta, một tin mừng không bao giờ cạn khi chúng ta cố gắng đào sâu kho tàng
đức tin Kitô giáo. Tin mừng ấy là khám phá ra rằng, nhờ được tháp nhập vào Đức
Kitô, chúng ta cũng có thể yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu xứng với Người!
Lời khẳng định của Thánh Phaolô: “Thiên
Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Rm 5, 5), không thể được
hiểu trọn vẹn nếu không đặt dưới ánh sáng của những lời Chúa Giêsu thưa với
Chúa Cha: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con…
để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga
17, 23.26).
Tình
yêu tuôn đổ vào lòng chúng ta là tình yêu mà Chúa Cha đã luôn yêu mến Chúa Con,
chứ không phải là một tình yêu nào khác! Đó là sự tràn đầy tình yêu thiêng liêng
từ Chúa Ba Ngôi cho chúng ta. Thánh Gioan Thánh Giá viết, “Thiên Chúa truyền đạt cho linh hồn chính tình yêu mà Ngài truyền đạt
cho Chúa Con, mặc dù điều này không xảy ra một cách tự nhiên như trong trường hợp
của Chúa Con, mà là do sự kết hợp”[8].
Kết quả là chúng ta có thể yêu mến Chúa Cha bằng tình yêu mà Chúa Con yêu mến
Chúa Cha và chúng ta có thể yêu mến Chúa Giêsu bằng tình yêu mà Chúa Cha yêu mến
Chúa Con. Và tất cả những điều này nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng cũng chính là tình
yêu đó.
Vậy thì, liệu chúng ta có dâng
cho Thiên Chúa những gì là của chúng ta khi chúng ta thân thưa với Ngài rằng, “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!” chăng?
Chúng ta chẳng có gì ngoài tình yêu chúng ta nhận được từ Ngài cả! Nếu thế, chẳng
lẽ hoàn toàn không có gì về phía chúng ta sao? Phải chăng tình yêu của chúng ta
dành cho Thiên Chúa không gì khác hơn là sự “dội lại” chính tình yêu của Thiên Chúa dành cho Ngài, giống như tiếng
vang đưa âm thanh trở lại cội nguồn của nó? Không phải thế! Tiếng vang tình yêu
của Thiên Chúa trở lại với Ngài từ sâu thẳm trái tim chúng ta, nhưng với một sự
mới mẻ, mà đối với Thiên Chúa, đó là tất cả: hương thơm của tự do và lòng biết
ơn hiếu thảo của chúng ta! Tất cả những điều này được thực hiện một cách mẫu mực
trong bí tích Thánh Thể. Trong đó, chúng ta dâng lên Chúa Cha, như “của lễ của chúng ta”, điều mà chính Chúa
Cha đã ban cho chúng ta trước, đó là Chúa Giêsu, Con của Ngài.
Khi cầu nguyện, chúng ta có thể
thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, con yêu
Cha bằng tình yêu mà Con Cha là Chúa Giêsu yêu Cha!” Và chúng ta có thể
thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, con
yêu mến Chúa bằng tình yêu mà Cha trên trời yêu mến Chúa!” Và hãy tin chắc
rằng tất cả những lời cầu nguyện này không phải là một ảo tưởng ngoan đạo trong
trí tưởng tượng của chúng ta!
Mỗi lần cố gắng tự mình làm điều
này trong khi cầu nguyện, tôi lại nhớ đến câu chuyện Giacóp đóng giả làm anh
trai của mình đến gặp cha là Isaac để nhận sự chúc phúc (St 27, 1-23). Và tôi cố
hình dung điều mà Thiên Chúa Cha có thể nói với chính mình vào lúc đó: “Quả thật, tiếng nói này không phải là tiếng
của Trưởng tử của Ta; nhưng hai bàn tay, hai bàn chân và toàn thân đều giống
như Con của Ta đã mặc lấy trên trần gian và mang lên trời”.
Tôi đoan chắc rằng Thiên Chúa đã
chúc phúc cho tôi, như Isaac đã chúc phúc cho Jacob! Và xin Thiên Chúa chúc
lành cho Đức Thánh Cha, quý Cha đáng kính, và toàn thể anh chị em. Đây là vẻ
huy hoàng của Đức tin Kitô giáo của chúng ta. Chúng ta hy vọng có thể truyền tải
một số những mảnh vụn của Đức tin ấy cho con người của thời đại chúng ta, những
người khao khát tình yêu nhưng lại không chấp nhận nguồn cội của tình yêu.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org (17.3.2023)
[6] Augustine, De Trinitate, VIII, 9,14; IX,2,2; XV,17,31; Richard of St.
Victor, De Trin. III,2.18; Bonaventure, I Sent. d. 13, q.1
[7] Bernard of Clairvaux, Against the errors of Abelardi, VIII, 21-22:
“Non mors, sed voluntas placuit sponte morientis”
[8] John of the Cross, Spiritual canticle A, str. 38, 4