BÀI SUY NIỆM TĨNH TÂM MÙA CHAY 2023 CHO GIÁO TRIỀU ROMA
CỦA VỊ GIẢNG THUYẾT PHỦ GIÁO HOÀNG
Bài 1: SỰ HƯỚNG DẪN CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Đức Hồng y Raniero Cantalamessa
WHĐ (05.03.2023) - Từ hôm mồng 03. 3. 2023, Đức Hồng y Raniero
Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, bắt đầu loạt bài giảng Mùa Chay
năm nay. Với mục đích khuyến khích đặt Chúa Thánh Thần ở trung tâm đời sống
Giáo hội, và đặc biệt là ở trung tâm của tiến trình Hiệp hành, Đức Hồng y tập
trung vào vai trò hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Dưới đây là toàn văn bài giảng thứ nhất của Đức Hồng y:
Lịch sử Giáo hội cuối thế kỷ XIX
đầu thế kỷ XX đã để lại cho chúng ta một bài học cay đắng mà chúng ta không được
quên, kẻo lặp lại sai lầm đã gây ra. Tôi đề cập đến sự chậm trễ (hay đúng hơn
là sự từ chối) trong việc ghi nhận những thay đổi đã diễn ra trong xã hội, và hậu
quả là cuộc khủng hoảng của Chủ nghĩa Hiện đại.
Bất cứ ai đã nghiên cứu về thời kỳ
đó, dù chỉ ở mức độ hời hợt, đều biết những thiệt hại mà nó gây ra cho cả hai,
nghĩa là cho cả Giáo hội và cho cái gọi là “những
người theo chủ nghĩa hiện đại”. Một mặt, việc thiếu đối thoại đã đẩy một số
người theo chủ nghĩa hiện đại nổi tiếng nhất vào những quan điểm ngày càng cực
đoan và cuối cùng rõ ràng là dị giáo; mặt khác, nó đã tước đi nguồn năng lượng
to lớn của Giáo hội, gây ra những vết rách và đau khổ khôn nguôi trong Giáo hội,
khiến Giáo hội ngày càng thu mình lại và tụt hậu so với thời đại.
Công đồng Vatican II là một sáng
kiến mang tính ngôn sứ để bù đắp thời gian đã mất. Công đồng đã mang lại một sự
đổi mới mà chắc chắn không cần thiết phải minh họa lại ở đây. Hơn cả nội dung của
nó, điều khiến chúng ta quan tâm ngày nay là phương pháp mà Công đồng đã khởi
xướng, bao gồm việc đi xuyên qua lịch sử, bên cạnh nhân loại, tìm cách phân định
những dấu chỉ của thời đại.
Lịch sử và đời sống của Giáo hội
không kết thúc với Công đồng Vatican II. Chúng ta hãy cẩn thận để không biến nó
thành điều đã cố gắng với Hội đồng Trent, đó là vạch đích và mục tiêu cố định.
Nếu cuộc sống của Giáo hội dừng lại, nó sẽ giống như một dòng sông chảy vào một
con đập: nó chắc chắn sẽ biến thành một vũng lầy hoặc một đầm lầy.
Vào thế kỷ thứ III, Origen đã viết:
“Đừng nghĩ rằng chỉ cần đổi mới một lần
là đủ; cần phải làm mới chính sự mới lạ” – Ipsa novitas innovanda est. Trước Origen, Thánh Irenaeus, tân tiến
sĩ của Giáo hội, đã viết: Chân lý mặc khải “giống
như rượu quý đựng trong một chiếc bình quý giá. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần,
chân lý luôn trẻ hóa và cũng làm cho chiếc bình chứa nó trẻ lại.” “Chiếc bình” chứa đựng chân lý mạc khải
là truyền thống sống động của Giáo hội. “Rượu
quý” trước hết là Kinh thánh, nhưng Kinh thánh được đọc trong Giáo hội, vốn
là định nghĩa chính xác nhất của Truyền thống. Tự bản chất, Thần Khí là sự mới
mẻ. Thánh Tông Đồ khuyên những người đã được rửa tội phục vụ Thiên Chúa “theo tinh thần mới, chứ không theo bản văn
cũ của Lề Luật” (Rm 7, 6).
Xã hội không những không dừng lại
vào thời Công đồng Vatican II, mà còn tăng tốc chóng mặt. Những thay đổi trước
đây mất một hoặc hai thế kỷ, giờ đây mất một thập kỷ. Nhu cầu đổi mới liên tục
này không gì khác hơn là nhu cầu hoán cải liên tục, được mở rộng từ cá nhân tín
hữu cho đến toàn thể Giáo hội trong thành phần nhân bản và lịch sử của nó. Giáo
Hội phải luôn luôn canh tân. Do đó, vấn đề thực sự không nằm ở tính mới mẻ; mà
là ở cách tiếp cận nó. Hãy để tôi giải thích. Mọi sự mới mẻ và mọi sự thay đổi
đều ở ngã ba đường; hai con đường trái ngược nhau có thể xuất hiện: con đường của
thế gian hoặc con đường của Thiên Chúa: con đường của sự chết hoặc con đường của
sự sống. Didache, một tác phẩm được
viết khi ít nhất 1 trong số 12 Tông đồ còn sống, đã giải thích hai con đường
này cho các tín hữu.
Bây giờ chúng ta có một phương tiện
không thể sai lầm để đi trên con đường sự sống và ánh sáng mọi lúc: Chúa Thánh
Thần. Đó là điều chắc chắn mà Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ trước khi từ
giã các ông: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người
sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,
16). Và một lần nữa: “Thần Khí sự thật sẽ
dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13). Ngài sẽ không làm tất cả cùng
một lúc, hoặc một lần cho mãi mãi, mà là khi có tình huống phát sinh. Trước khi
dứt khoát từ giã vào lúc Thăng Thiên, Đấng Phục Sinh đã trấn an các môn đệ về sự
trợ giúp của Đấng Bảo Trợ: “Anh em sẽ nhận
được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ
là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến
tận cùng trái đất". (Cv 1, 8).
Mục đích của 5 bài giảng Mùa Chay
mà chúng ta bắt đầu hôm nay, rất đơn giản, chính là điều này: khuyến khích
chúng ta đặt Chúa Thánh Thần ở trung tâm của toàn bộ đời sống Giáo hội, và đặc
biệt, trong thời điểm này, ở trung tâm của tiến trình Hiệp hành. Nói cách khác,
hãy đón nhận lời mời gọi khẩn thiết mà Đấng Phục Sinh ngỏ với từng Hội thánh
trong số 7 Hội thánh của Tiểu Á trong Sách Khải Huyền: “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (Kh 2,
7).
Hơn nữa, đây là cách duy nhất mà
tôi có để không hoàn toàn xa lạ với cam kết đang diễn ra đối với Thượng hội đồng.
Trong một trong những bài giảng đầu tiên của tôi tại Phủ Giáo hoàng, cách đây
43 năm, tôi đã nói trước sự hiện diện của Thánh Gioan Phaolô II: “Suốt cuộc đời, con tiếp tục làm công việc
khiêm tốn mà con đã làm khi còn nhỏ”. Và tôi đã giải thích tại sao. Ông bà
ngoại tôi canh tác trên một mảnh đất đồi rộng lớn với tư cách là người cấy rẽ
[người thuê ruộng đất để làm và nộp một phần hoa lợi cho chủ ruộng đất]. Vào
tháng 6 hoặc tháng 7, có vụ thu hoạch, tất cả đều làm bằng tay, với lưỡi liềm,
còng lưng dưới nắng. Đó là một công việc rất vất vả! Tôi và mấy đứa em họ phụ
trách việc liên tục mang nước cho thợ gặt uống. Đó là điều, như tôi đã nói, tôi
làm trong suốt phần đời còn lại của mình. Thợ gặt đã thay đổi, giờ đây họ là những
người thợ trong vườn nho của Chúa, và nước đã khác đi, tức là Lời Chúa. Thật
lòng mà nói, công việc của tôi ít mệt hơn nhiều so với công việc của những người
lao động ngoài đồng, nhưng tôi hy vọng, ở một mức độ nào đó, cũng hữu ích và cần
thiết.
Trong bài giảng đầu tiên này, tôi
chỉ giới hạn trong việc tiếp thu bài học đến với chúng ta từ Giáo hội sơ khai.
Nói cách khác, tôi muốn trình bày cách Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn các tông đồ
và cộng đồng Kitô hữu như thế nào trong những bước đầu tiên của họ trong lịch sử.
Khi Gioan viết ra những lời của Chúa Giêsu mà tôi vừa nhắc lại, nhờ sự trợ giúp
của Đấng Bảo Trợ, Giáo Hội đã có kinh nghiệm thực tế về những lời đó, và chính
kinh nghiệm này, các nhà chú giải cho chúng ta biết, được phản ánh trong những
lời của thánh sử.
Sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta
thấy một Giáo hội từng bước được “Thánh
Thần hướng dẫn”. Sự hướng dẫn của Ngài được thực hiện không chỉ trong những
quyết định lớn mà còn trong những điều nhỏ bé hơn. Phaolô và Timôthê muốn rao
giảng phúc âm trong tỉnh Asia, nhưng “Thánh
Thần ngăn cản họ”; họ chuẩn bị tiến về Bithynia, nhưng có lời chép rằng “Thần Khí Ðức Giêsu không cho phép” (Cv
16, 6). Từ những gì tiếp theo, chúng ta hiểu lý do của sự hướng dẫn cấp bách
này: Chúa Thánh Thần đã thúc giục Giáo hội sơ khai rời khỏi Châu Á để hướng tới
một lục địa mới, Châu Âu (x. Cv 16, 9). Thánh Phaolô đi xa đến mức tự xác định
mình, trong các lựa chọn của mình, là “tù
nhân của Thần Khí” (Cv 20, 22).
Con đường của Giáo hội sơ khai
không phải là con đường thẳng tắp và bằng phẳng. Cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên
liên quan đến việc thu nhận những người gốc ngoại vào Giáo hội. Ở đây, chúng ta
không cần phải nhớ lại tiến trình này, nhưng chỉ quan tâm đến việc ghi nhớ cách
giải quyết cuộc khủng hoảng. Phêrô đến gặp Cornelius và những người ngoại —
Chính Thánh Thần ra lệnh cho ông làm như vậy (x. Cv 10, 19; 11, 12). Và quyết định
của các Tông đồ ở Giêrusalem chào đón những dân ngoại vào cộng đồng mà không buộc
họ phải cắt bì và tuân thủ tất cả luật pháp Môise, được thúc đẩy và truyền đạt
như thế nào? Nó được giải quyết bằng những lời mở đầu phi thường này: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định …”
(15, 28).
Đây không phải là vấn đề khảo cổ
học về Giáo hội, mà là đưa ra ánh sáng, luôn luôn mới mẻ, mô hình của mọi quyết
định của Giáo hội. Thực ra, không cần phải cố gắng nhiều để thấy sự tương đồng
giữa sự cởi mở lúc bấy giờ dành cho Dân ngoại, với sự cởi mở ngày nay dành cho
giáo dân, và đặc biệt là phụ nữ. Do đó, điều đáng nhắc lại là động lực đã thúc
đẩy Phêrô vượt qua sự bối rối của mình và làm phép rửa cho Cornelius và gia
đình ông. Chúng ta đọc trong Công vụ:
Ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì
Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Những
tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên
Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người
này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phêrô nói rằng:
"Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể
ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?" (Cv 10, 44-47)
Được kêu gọi để biện minh cho
hành vi của mình ở Giêrusalem, thánh Phêrô kể lại những gì đã xảy ra trong nhà
của Cornelius và kết luận rằng:
Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: "Ông
Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần."
Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng
ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên
Chúa?" (Cv 11, 16-17).
Nếu chúng ta nhìn kỹ, thì đó cũng
chính là động lực đã thúc đẩy các Nghị phụ của Công đồng Vatican II xác định lại
vai trò của giáo dân trong Giáo hội, cụ thể là học thuyết về các đặc sủng.
Chúng ta biết rõ văn bản, nhưng việc nhớ lại nó luôn hữu ích:
Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hóa,
dẫn dắt Dân Chúa nhờ các bí tích và những tác vụ của Giáo Hội và
trang điểm Dân Chúa bằng những nhân đức, nhưng còn phân phát những ân
sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc, khi trao ban ân huệ
“cho mỗi người theo ý Ngài muốn” (1 Cr 12,11), nhờ đó, Ngài làm cho
họ nên thích hợp và sẵn sàng đảm nhận các công việc và chức vụ
khác nhau để canh tân và xây dựng Giáo Hội như lời của thánh Tông Đồ:
“Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr
12,7). Dù là ơn thật đặc biệt hay ơn thật đơn sơ hoặc được ban rộng
rãi cho nhiều người, những đặc sủng này phải được lãnh nhận với
lòng tri ân và niềm an ủi, vì đó là những ơn thích hợp và hữu ích
cho những nhu cầu của Giáo Hội. (Hiến chế Lumen Gentium, 12).
Chúng ta đang đối diện với việc
tái khám phá bản chất của Giáo hội không chỉ có phẩm trật mà còn có đặc sủng.
Thánh Gioan Phaolô II, trong Tông thư Novo
millennio ineunte (số 45) đã làm cho điều đó trở nên rõ ràng hơn bằng cách
định nghĩa Giáo hội như một phẩm trật và như một sự hiệp thông (koinonia).
Trong lần đọc đầu tiên, Tông hiến gần đây về việc cải cách Giáo triều Praedicate Evangelium (ngoài tất cả các
khía cạnh pháp lý và kỹ thuật mà tôi hoàn toàn không biết gì) đã cho tôi ấn tượng
về một bước tiến theo cùng hướng này: đó là, trong việc áp dụng nguyên tắc được
Công đồng phê chuẩn cho một lãnh vực cụ thể của Giáo hội, đó là thể chế của nó
và cho sự tham gia nhiều hơn vào đó của giáo dân và phụ nữ.
Nhưng bây giờ chúng ta phải tiến
thêm một bước nữa. Tấm gương của Giáo hội tông truyền soi sáng cho chúng ta
không chỉ về các nguyên tắc hướng dẫn, nghĩa là về giáo lý, mà còn về thực hành
của Giáo hội. Nó cho chúng ta biết rằng không phải mọi sự đều được giải quyết bằng
các quyết định được đưa ra trong một công đồng hoặc bằng một sắc lệnh. Cần phải
biến những quyết định này thành thực tế, được gọi là “sự tiếp nhận” các giáo điều.
Và để làm được điều này, chúng ta cần thời gian, sự kiên nhẫn, đối thoại, và lòng
khoan dung; thậm chí đôi khi phải thỏa hiệp. Khi được thực hiện trong Chúa
Thánh Thần, sự thỏa hiệp không phải là nhượng bộ hoặc hạ thấp chân lý, mà là
bác ái và tuân theo hoàn cảnh. Thiên Chúa đã kiên nhẫn và bao dung biết bao sau
khi ban Mười Điều Răn cho dân Ngài! Ngài đã phải – và vẫn còn phải - đợi sự tiếp
nhận của chúng ta trong thời gian!
Trong toàn bộ sự việc mà chúng ta
vừa nhắc lại, rõ ràng thánh Phêrô xuất hiện như là người trung gian giữa
Giacôbê và Phaolô, nghĩa là giữa mối quan tâm về tính liên tục và tính mới lạ.
Trong cuộc hòa giải này, chúng ta chứng kiến một sự việc có thể giúp ích cho
chúng ta ngay cả ngày nay. Sự việc xảy ra khi Phaolô, tại Antiokia đã khiển
trách Phêrô là đạo đức giả vì đã tránh ngồi cùng bàn với những người gốc dân
ngoại trở lại. Hãy nghe những gì đã xảy ra từ chính những lời của Phaolô:
Nhưng khi ông Kêpha đến Antiôkhia, tôi đã cự
lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, trước khi có
những người của ông Giacôbê đến, ông thường dùng bữa với những người gốc dân
ngoại; nhưng khi họ đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được
cắt bì. (Gl 2, 11-12).
Những người bảo thủ thời đó đã
trách móc Phêrô vì đã đi quá xa khi tìm đến Cornelius ngoại giáo; Còn Phaolô lại
trách Phêrô đã không đi đủ xa. Phaolô là vị thánh mà tôi ngưỡng mộ và yêu mến
nhất. Nhưng trong trường hợp này, tôi tin chắc rằng ngài đã để bản thân bị lôi
cuốn (và đây không phải là lần duy nhất!) bởi tính khí nóng nảy của mình. Phêrô
không hề phạm tội đạo đức giả. Bằng chứng là vào một dịp khác, chính Phaolô đã
làm y như Phêrô đã làm ở Antiokia. Tại Lystra, Phaolô đã cho người bạn đồng
hành của mình là Timôthê làm phép cắt bì “vì nể các người Dothái ở những nơi ấy”
(Cv 16, 3), nghĩa là, để không gây gương mù cho bất kỳ ai. Với người Côrintô,
Phaolô viết rằng "Với người Dothái,
tôi đã trở nên Dothái, để chinh phục người Dothái", (1Cr 9, 20) và
trong Thư gửi tín hữu Rôma, ngài khuyên hãy đi gặp những người chưa đạt được sự
tự do mà mình được hưởng, để không biến nước Thiên Chúa thành “chuyện ăn uống” (Rm 14, 1tt).
Vai trò trung gian mà Phêrô thực
hiện giữa các khuynh hướng đối lập của Giacôbê và Phaolô vẫn tiếp tục ở những
người kế vị ngài. Chắc chắn là không theo một cách thống nhất nơi mỗi vị (và điều
này tốt cho Giáo hội) nhưng theo đặc sủng riêng của mỗi vị mà Chúa Thánh Thần
(và các hồng y dưới quyền của ngài) đánh giá điều gì là cần thiết hơn vào một
thời điểm nhất định trong lịch sử Giáo hội. Đối diện với các sự kiện và thực tế
mang tính chính trị, xã hội và giáo hội, chúng ta có khuynh hướng ngay lập tức
đứng về một bên và hạ bệ bên kia, để mong muốn chiến thắng của sự lựa chọn của
chúng ta đối với lựa chọn của kẻ thù. (Nếu chiến tranh nổ ra, mọi người đều cầu
nguyện cùng một vị Thần để ban chiến thắng cho quân đội của mình và tiêu diệt
quân đội của kẻ thù!). Tôi không nói rằng không được phép có những sở thích
trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, thần học, v.v., hoặc có thể không có bất
kỳ sở thích nào. Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ mong đợi Thiên Chúa sẽ đứng về
phía chúng ta để chống lại kẻ thù. Chúng ta cũng không nên yêu cầu điều này từ
những người lãnh đạo chúng ta. Nó giống như việc yêu cầu một người cha phải chọn
giữa hai đứa con; như thể chúng ta đang nói với ông: “Hãy chọn: hoặc con hoặc đối
thủ của con; thể hiện rõ ràng cha đứng về phía ai! Thiên Chúa ở với mọi người
và do đó Ngài không thể chống lại bất cứ ai! Thiên Chúa là cha của tất cả mọi
người.
Hành động của Phêrô ở Antiôkia –
giống như hành động của Phaolô ở Lystra – không phải là đạo đức giả, mà là sự thích
nghi với hoàn cảnh, nghĩa là, trong một tình huống nhất định, lựa chọn điều gì
mang lại lợi ích lớn hơn cho sự hiệp thông. Chính tại điểm này, tôi muốn tiếp tục
và kết thúc bài suy niệm đầu tiên hôm nay, cũng bởi vì nó cho phép chúng ta
chuyển từ những gì liên quan đến Giáo hội hoàn vũ sang những gì liên quan đến
Giáo hội địa phương, thậm chí cả cộng đoàn, gia đình, và đời sống thiêng liêng
của mỗi chúng ta (Tôi nghĩ đây là điều được mong đợi trong một buổi suy niệm
Mùa Chay!).
Có một đặc quyền của Thiên Chúa
trong Kinh thánh mà các Giáo phụ thích nhấn mạnh: synkatabasis, nghĩa là hạ
mình. Đối với Thánh Gioan Kim khẩu, đó là một loại chìa khóa để hiểu toàn bộ
Kinh thánh. Trong Tân Ước, cũng đặc quyền này của Thiên Chúa được diễn tả bằng
thuật ngữ lòng nhân hậu (chrestotes).
Sự hạ mình của Thiên Chúa trở thành xác thể được coi là biểu hiện tối cao của
lòng nhân hậu của Thiên Chúa: “Thiên Chúa
đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại” (Tt
3, 4).
Lòng nhân hậu là một cái gì đó khác với lòng tốt đơn thuần; đó là tử tế
với người khác. Thiên Chúa tốt lành trong chính mình và nhân từ với chúng ta.
Lòng nhân hậu là một trong những hoa trái của Thần Khí (Gl 5, 22) và là thành
phần thiết yếu của đức ái (1 Cr 13, 4). Lòng nhân hậu chiếm một vị trí trung
tâm trong tính cách của người tông đồ. Chẳng hạn, chúng ta đọc trong Thư gửi
tín hữu Côlôxê:
Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển
lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu,
khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu
trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho
anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. (Cl 3, 12).
Năm nay chúng ta kỷ niệm 400 năm
ngày qua đời của một vị thánh là mẫu mực tuyệt vời về đức tính này trong một thời
đại cũng được đánh dấu bởi những tranh cãi gay gắt: Thánh Phanxicô de Sales.
Trong Giáo hội, tất cả chúng ta cần trở thành “những Salesian”, theo nghĩa là: hạ mình hơn, tử tế hơn và khoan
dung hơn, bớt bám víu vào những điều chắc chắn cá nhân của mình, nhận thức được
số lần chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đã sai về một người hoặc một tình
huống, và bao nhiêu lần chúng ta cũng phải thích nghi với các tình huống. Tạ ơn
Chúa, trong các mối tương quan giáo hội của chúng ta, không có – và không bao
giờ nên có – khuynh hướng xúc phạm và phỉ báng đối phương, mà chúng ta thấy
trong một số cuộc tranh luận chính trị và điều này gây tổn hại rất nhiều cho sự
chung sống hòa bình của dân sự.
Đúng là có một người nào đó mà việc
không khoan nhượng đối với họ là đúng đắn và phù hợp, nhưng ai đó lại chính là
tôi. Tự bản chất, chúng ta có khuynh hướng không khoan nhượng với người khác và
khoan dung với chính mình, trong khi chúng ta nên bắt đầu làm điều ngược lại:
nghiêm khắc với bản thân, nhẫn nhịn với người khác. Quyết tâm này, nếu được thực
hiện một cách nghiêm túc, cũng đủ để thánh hóa Mùa Chay của chúng ta. Nó sẽ miễn
cho chúng ta khỏi bất kỳ hình thức ăn chay nào khác và sẽ giúp chúng ta làm việc
hiệu quả và thanh thản hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội.
Một bài tập tuyệt vời theo hướng
này là hãy trung thực, trước tòa án của tâm hồn mình, với người mà mình không đồng
ý. Khi tôi nhận thấy rằng, trong thâm tâm, mình đang buộc tội ai đó, thì tôi phải
cẩn thận để không đứng về phía mình ngay lập tức. Tôi cần ngừng lập đi lập lại
những lý do của mình như một người đang nhai kẹo cao su, thay vào đó, hãy cố gắng
đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu lý do của họ cũng như những gì họ có
thể nói với tôi.
Bài tập này không chỉ được thực
hiện đối với người đó, mà còn đối với luồng tư tưởng mà tôi không đồng ý và giải
pháp mà người đó đề xuất cho một vấn đề nhất định đang được thảo luận (tại Thượng
Hội đồng hoặc ở những thời điểm khác). Thánh Thomas Aquinas cho chúng ta một mẫu
gương về điều này: ngài mở đầu mỗi luận điểm trong Tổng luận của mình bằng những
lập luận của đối thủ, những lập luận mà ngài không bao giờ tầm thường hóa hoặc
chế giễu, nhưng ngài coi trọng và đáp lại bằng "Sed contra" của mình, tức là với những lý do mà ngài cho là
phù hợp với đức tin và đạo đức. Chúng ta hãy tự vấn (tôi trước): chúng ta có
làm như vậy không?
Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa
xét đoán. [...] Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà
trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,1-3). Nhưng liệu
chúng ta có thể sống mà không bao giờ đoán xét không? Chẳng phải khả năng phán
đoán là một phần trong cấu trúc tinh thần của chúng ta và là một món quà từ
Thiên Chúa sao? Trong Tin Mừng Luca, mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị
Thiên Chúa xét đoán” ngay sau đó – như để làm sáng tỏ ý nghĩa của những lời
này –, bằng mệnh lệnh: “Anh em đừng lên
án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6, 37). Do đó, vấn đề không phải
là loại bỏ sự xét đoán khỏi lòng chúng ta, nhưng đúng hơn, là loại bỏ chất độc
khỏi sự xét đoán của chúng ta! Đó chính là sự thù ghét, lên án, tẩy chay.
Cha mẹ, bề trên, cha giải tội, thẩm
phán - bất cứ ai có trách nhiệm nào đó đối với người khác - đều phải phán đoán.
Thực ra, đôi khi, phán đoán đúng đắn là kiểu phục vụ mà một người được mời gọi
thực hiện trong xã hội hoặc trong Giáo hội. Sức mạnh của tình yêu Kitô giáo nằm
ở chỗ nó có khả năng thay đổi sự phán xét từ một hành động không yêu thương,
thành một hành động yêu thương. Không phải bằng sức riêng của chúng ta, nhưng
nhờ vào tình yêu “đã được đổ vào lòng
chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).
Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm
hôm nay bằng việc biến lời cầu nguyện tuyệt vời của Thánh Phanxicô Assisi thành
của riêng chúng ta:
Lạy Chúa xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm”
Và chúng ta thêm vào:
Ðể con đem lòng nhân từ vào nơi ác tâm,
Đem sự tử tế đến chốn hà khắc!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org
(04. 3. 2023)