SUY NIỆM THỨ BẢY
TUẦN THÁNH VỚI ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Joseph Ratzinger
Bài III: Hướng về ánh sáng phục sinh |
Bài I: Ưu tư về một sự vắng mặt
Càng ngày người ta càng nhấn mạnh rằng ngày nay Thiên Chúa
đã chết rồi. Lần đầu tiên người ta nói thế, trong tác phẩm của Jean Paul, đó thật
là một giấc mộng hãi hùng: Giêsu, kẻ đã chết, công bố với những người đã chết,
từ trên thượng tầng thế giới rằng, khi du hành sang qua bên kia thế giới, ông
chẳng thấy gì cả, không thiên đàng, không Thượng Đế từ nhân, chỉ có hư không biền
biệt, và niềm im lặng của cõi hư vô trống rỗng. Đó vẫn còn là giấc mộng rùng rợn,
bị xô đẩy sang một bên, tan biến dần khi trở giấc, đúng theo kiểu của mộng mơ,
cho dù nỗi ưu tư nó mang đến sẽ chẳng bao giờ biến tan được, bởi vì lúc nào nó
cũng nằm chờ đợi, đầy vẻ nham hiểm, ở sâu trong đáy lòng.
Một thế kỷ sau, trong tác phẩm của Nietzsche, điều đó lại trở
thành một lối trịnh trọng đến chết người, được diễn đạt bằng một tiếng kêu, chất
đầy kinh hãi: “Thượng Đế đã chết! Thượng Đế còn tiếp tục chết! Chính chúng ta
đã giết Ngài!” Năm mươi năm sau, người ta luận bàn về điều này một cách phóng
khoáng theo kiểu hàn lâm, và rồi người ta chuẩn bị cho một thứ “thần học đàng
sau cái chết của Thượng Đế,” trong khi đưa mắt dáo dác dõi tìm nẻo đường đi tới.
Người ta khích lệ nhau chuẩn bị cho việc thế chỗ cho Thượng Đế. Mầu nhiệm kinh
hoàng của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, vực thẳm im lặng của nó, chính ngày hôm nay,
đã thủ đắc được một thực tại tan nát. Bởi lẽ, hôm nay là Thứ Bảy Tuần Thánh:
ngày Thiên Chúa ẩn mình, ngày của cái nghịch lý chưa từng có mà ta đọc được
trong Kinh Tin Kính với những lời như: “xuống ngục tổ tông,” đi sâu vào lòng mầu
nhiệm sự chết. Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ta còn nhìn thấy hình hài kẻ bị
đóng đinh. Nhưng sang đến ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, hoàn toàn trống vắng, tảng
đá che mồ đang phủ lấp người đã chết, tất cả đã chấm hết, niềm tin dường như đã
dứt khoát bị lột mặt nạ trơ ra thành một thứ cuồng tín. Chẳng có vị Thiên Chúa
nào cứu nổi ông Giêsu này dù với tư cách là Con Thiên Chúa. Chẳng còn phải lo lắng
gì nữa: kẻ thận trọng đã có lúc do dự, đã băn khoăn tự hỏi xem liệu sự việc có
thể khác đi được chăng, hay có thể xẩy ra đúng y như mình tưởng không. Thứ Bảy
Tuần Thánh: ngày Thiên Chúa được mai táng; đó không phải là ngày ta đang sống
đây sao? Thế kỷ này chẳng phải đã đánh dấu sự khởi đầu của một ngày Thứ Bảy Tuần
Thánh dài dằng dặc, ngày mà Thiên Chúa vắng mặt, và khi ngay cả tâm hồn các môn
đệ cũng đắm chìm trong một hố thẳm cóng lạnh, càng ngày như càng khoét sâu
thêm, để rồi khi trở về nhà, lòng các ông trĩu nặng niềm xấu hổ và ưu tư, tinh
thần rã rời, trống rỗng và tuyệt vọng, lê bước trên đường về Emmaus, thật không
ngờ kẻ mà mình tin rằng đã chết, nay lại đang hiện diện giữa các ông? “Thiên
Chúa đã chết, và chúng ta đã giết Ngài”: có bao giờ ta ý thức rằng câu nói này
đã được lấy ra, từng chữ một, từ trong truyền thống Kitô giáo, và trong khi đi
đàng thánh giá, chúng ta cũng thường lặp lại câu nói ấy mà không hề nhận thức
được hết cái sức nặng khủng khiếp của điều ta thốt lên? Ta đã giết Ngài, khi
giam hãm Ngài trong cái vỏ rệu rã của lối nghĩ suy cũ kỹ sáo mòn, khi đầy ải
Ngài vào một cõi hình thức xót thương rỗng tuếch, khiến Ngài bị mất hút trong
cái vòng tròn của những lời lẽ đạo đức, hoặc của những thứ của cải cổ lỗ. Ta đã
giết Ngài khi lối sống hàm hồ của ta buông phủ bức màn tăm tối che lấp đi hình ảnh
của Ngài. Quả vậy, còn điều gì làm cho Thiên Chúa trở thành vấn đề trong thế giới
hôm nay ngoài chính niềm tin và tình yêu của người tín hữu, vốn tự nó đã chất
chứa đủ mọi thứ vấn đề?
Sự khuất bóng Thiên Chúa ngày hôm nay, trong thế kỷ này,
đang dần trở thành một ngày Thứ Bảy Tuần Thánh dài dằng dặc. Sự khuất vắng này
đang lên tiếng gọi mời lương tâm chúng ta. Nhưng dù sao chăng nữa, điều đó cũng
an ủi ta phần nào. Cái chết của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô cùng một lúc biểu
lộ tình Ngài triệt để liên đới với ta. Cùng một lúc, cái mầu nhiệm tăm tối nhất
của đức tin lại cũng chính là dấu chỉ sáng chói nhất của một niềm hy vọng vô tận.
Còn hơn thế nữa, chỉ qua cái thất bại của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chỉ qua niềm
thinh lặng của nỗi chết trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh mà các môn đệ mới mở trí
ra để thấu hiểu được chân tính của Chúa Giêsu và chân lý của sứ điệp Ngài.
Thiên Chúa phải chết cho họ thì Ngài mới sống thực nơi họ. Cái hình ảnh không tốt
đẹp mà họ có về Thiên Chúa phải bị xoá bỏ, ngõ hầu, qua đống hoang tàn của căn
nhà đổ nát, họ có thể thấy được bầu trời cao xanh, và nhìn nhận Ngài vẫn mãi vĩ
đại, cao cả vô biên. Ta cần đến niềm im lặng của Thiên Chúa để có thể cảm nghiệm
lại được cái hố thẳm nơi vẻ cao cả của Ngài và cái vực sâu trong nỗi hư vô của
ta, cái cõi thăm thẳm ấy sẽ cứ mãi ngoác to hơn và khoét sâu thêm, nếu không có
Ngài.
Có một hoạt cảnh Tin Mừng lột tả hết sức kỳ diệu niềm thinh
lặng của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, và do đó, một lần nữa, phản ảnh trung thực
cái giai đoạn lịch sử mà ta đang sống. Chúa Kitô đang thiêm thiếp ngủ trên mạn
thuyền, giữa cảnh phong ba bão táp. Ngôn sứ Êlia cũng đã có lần diễu cợt các tư
tế tôn thờ thần Ba-al như thế khi họ gào thét khẩn cầu thần linh của họ cho lửa
xuống thiêu đốt hy lễ. Ông khích bác họ nên hò hét dữ dội hơn, ngộ nhỡ vị thần
của họ đang còn say ngủ. Thế nhưng, có đúng là Thiên Chúa không hề ngủ say
chăng? Có phải lời diễu cợt của vị ngôn sứ đã chẳng rơi xuống trên đầu các tín
hữu hằng tôn thờ Đức Chúa của Israel, là vị đang cùng ta ở trên một con thuyền
sắp sửa đắm chìm? Thiên Chúa thì say ngủ trong khi các tín hữu của Ngài sắp sửa
chết đuối? Đó chẳng phải là cái kinh nghiệm của cuộc đời ta đang sống hay sao?
“Hội Thánh, niềm tin, chẳng giống như chiếc thuyền mong manh sắp đắm chìm vì
không cưỡng nổi những đợt sóng cả và những trận cuồng phong dập vùi, chính
trong cái giờ khắc mà Thiên Chúa tưởng như đang vắng mặt đó sao?” Các môn đệ
đang kêu cứu đến tuyệt vọng. Họ vội đánh thức Ngài dậy. Thế nhưng, Chúa lại tỏ
vẻ ngạc nhiên và quở trách họ vì lòng tin yếu kém. Tình trạng này có khác với
những gì đang xẩy đến cho ta chăng? Khi giông bão đã qua đi rồi, ta sẽ hiểu
ngay rằng sự yếu tin đã khiến ta trở thành ngu muội biết bao nhiêu.
Chúa ơi, làm sao chúng con có thể không đánh thức Chúa dậy được, bởi vì Chúa cứ mãi lặng im, cứ mãi ngủ say, còn chúng con thì không thể không kêu gào: thức dậy đi, Chúa ơi, Chúa không thấy chúng con sắp chìm xuồng sao? Xin Chúa chỗi dậy, đừng để bóng tối của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh phủ tràn mãi mãi. Xin Chúa cho tia sáng của ngày Phục Sinh toả chiếu trên thời đại chúng con hôm nay. Xin Chúa đồng hành với chúng con đang hoang mang lầm lũi tiến về Emmaus, để cho tâm hồn chúng con bừng nóng lên trong sức ấm nồng toả ra từ sự hiện diện gần gũi của Chúa. Lạy Chúa, Chúa đã âm thầm ẩn mình, len lỏi bước đi trên những nẻo đường Do Thái, để trở thành một con người giữa lòng thế nhân, xin chớ để chúng con đắm chìm trong bóng tối; xin đừng để lời Ngài biến tan đi trong lúc chúng con đang phí phạm lời nói, đang tuôn ra những lời phù phiếm. Xin hãy giúp chúng con, bởi vì không có Chúa, chúng con sẽ chìm lỉm mất thôi. AMEN.
Bài II: Ưu tư về sự chết
Việc Thiên Chúa ẩn mình trong thế giới đã tạo nên mầu nhiệm
thực sự của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, cái mầu nhiệm đã thoát lộ qua những từ ngữ
bí ẩn: Chúa Giêsu “xuống ngục tổ tông.” Cùng lúc ấy, kinh nghiệm thời đại đã hiến
tặng cho ta một lối tiếp cận ngày Thứ Bảy Tuần Thánh hoàn toàn mới mẻ, giả định
việc Thiên Chúa ẩn mình trong thế giới vốn thuộc về Ngài, và lẽ ra phải công bố
danh thánh Ngài bằng muôn vàn ngôn ngữ, cái kinh nghiệm về nỗi bất lực của một
vị Thiên Chúa toàn năng – chính đây là kinh nghiệm và nỗi khốn cùng của thời đại
chúng ta.
Thế nhưng ngay cả khi Thứ Bảy Tuần Thánh có lôi kéo chúng ta
tiến sâu về phía chiều hướng đó, ngay cả khi ta thấu hiểu vị Thiên Chúa của
ngày Thứ Bảy Tuần Thánh nhiều hơn là sự mạc khải đầy quyền năng của Thiên Chúa
qua sấm chớp được Cựu Ước nói đến, thì có một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời –
đó là giải thích ý nghĩa chân thực của dòng chữ nhiệm mầu: Chúa Giêsu “xuống ngục
tổ tông.” Ta nên nhớ rõ rằng: chẳng ai thực sự có khả năng giải thích được câu
nói trên. Tình trạng cũng chẳng khả quan gì hơn nếu bảo rằng “ngục tổ tông” chỉ
là lối dịch tồi tệ từ ngữ “shê-ol” trong tiếng Do Thái, vốn chỉ có nghĩa là
vương quốc của thần chết. Như thế, cái công thức ấy nguyên thủy chỉ có nghĩa là
Chúa Giêsu đã bước xuống tận đáy thẳm của nỗi chết; Ngài đã chết thực sự để
chia sớt với ta cái hố thẳm định mệnh của sự chết. Thực ra, câu hỏi là thế này:
chết thực sự có ý nghĩa gì? Cái gì sẽ thực sự xẩy ra khi ta bước xuống tận đáy
thẳm của cái chết? Ta còn phải ghi nhận sự kiện là: sự chết đã không còn như
trước nữa, nó đã khác đi kể từ ngày Chúa Kitô chịu chết, chấp nhận cái chết, và
đi vào cõi chết. Y như sự sống cũng thế: nó không còn giống như trước đây nữa,
kể từ khi Chúa Kitô đến với con người, lấy cuộc hiện hữu thần linh hòa nhập với
hiện hữu con người. Trước đây, chết chỉ đơn thuần là chết, là cách biệt với cõi
sống, cho dù ở những độ sâu khác nhau, một cái gì như thể là cõi địa ngục, khía
cạnh tối đen của vùng bóng tối sinh động và bất khả thấu nhập. Thế nhưng, từ
đây, chết cũng chính là sống, và khi ta bước qua ngưỡng cửa của sự chết, như một
vùng hoang mạc giá băng, ta sẽ luôn gặp lại được đấng hiện thân cho sự sống;
Ngài luôn ấp ủ ước muốn trở thành người bạn đường cùng đi với ta vào cõi cô đơn
cuối cùng. Trong cuộc thống khổ nơi vườn Cây Dầu, giữa cảnh cô đơn tuyệt cùng
nhuốm mầu tang tóc, khiến Chúa thảm thiết thốt lên lời này từ trên thánh giá:
“Lạy Chúa, lạy Chúa Trời con, sao Chúa nỡ bỏ rơi con?” Chúa Giêsu đã trở thành
đấng thông chia nỗi cô đơn khổ sầu với ta. Vào một đêm tối, khi em nhỏ phải một
mình băng qua một cánh rừng già, thì chắc hẳn em sẽ sợ hãi, cho dù ta có trấn
an em cả trăm lần rằng không có gì phải sợ đâu. Thực ra, em không sợ một cái gì
rõ rệt, nỗi sợ của em là nỗi sợ không tên, nhưng trong bóng đêm rợn rùng, em
không khỏi cảm thấy bất an, cô độc, có cái gì đó nguy hiểm đang rình chờ đâu
đây. Chỉ một giọng nói của một ai đó mới có thể an ủi em; chỉ có bàn tay của một
người nào đó em yêu thương mới ngăn chận được nỗi ưu tư trĩu nặng như một cơn
ác mộng. Một nỗi ưu tư chính hiệu vừa khai sinh từ đáy sâu của niềm cô đơn;
không thể dùng lý trí mà xua tan đi được; chỉ sự có mặt của một ai đó hằng
thương yêu ta mới trị được nó mà thôi. Nỗi ưu tư này thực ra là nỗi ưu tư không
tên. Nó chính là biểu hiệu kinh khủng của niềm cô đơn tối hậu. Ai trong chúng
ta chưa từng trải nghiệm cái cảm giác bị chối từ đầy hãi hùng này? Ai chưa hề
nghe thấy phép lạ đầy ủi an và phúc lành xẩy ra trong những hoàn cảnh như thế
xuất phát từ một câu nói ân cần? Thế nhưng, chính ở nơi nào phủ ngập cô đơn mà
lại không thể nghe được những lời nói yêu thương có mãnh lực biến đổi, thì nơi
đó chính là địa ngục rồi đấy. Trong thời đại chúng ta, không phải là có ít người,
đầy vẻ lạc quan, nhưng lại chủ trương rằng cuộc gặp gỡ nào cũng đều hời hợt
nông cạn hết thảy; họ cho rằng chẳng ai thấu đạt được cõi sâu thẳm chân thực của
người khác, và do đó, ngay trong đáy sâu tột cùng của mọi hiện hữu đều thấy chực
chờ một nỗi tuyệt vọng, một nền địa ngục. Jean Paul Sartre đã diễn tả tình trạng
này một cách thi vị trong một vở kịch của ông và đồng thời cũng bộc lộ cái cốt
lõi của lý thuyết ông có về con người. Có một điều chắc chắn sẽ xẩy ra: đó là sẽ
có một đêm khi không một lời nói ủi an nào có thể thấu nhập vào sự chối từ tăm
tối, để rồi một cánh cửa sẽ mở ra cho ta bước qua trong tuyệt cùng cô đơn: đó
là cánh cửa của sự chết. Rốt cuộc, tất cả mọi ưu tư trên cõi đời này đều xuất
phát từ nỗi cô đơn tuyệt cùng ấy. Chính vì thế mà trong Cựu Ước, từ ngữ ám chỉ
vương quốc của thần chết cũng chính là từ ngữ ám chỉ địa ngục: shê-ol. Chết, thực
ra, chính là niềm cô đơn tuyệt đối. Thế nhưng, nỗi cô đơn nào đã chìm quá sâu đến
nỗi không một tia sáng tình yêu nào dọi thấu, thì đó chính là địa ngục vậy.
“Xuống ngục tổ tông” - lời thú nhận này của ngày Thứ Bảy Tuần
Thánh có nghĩa là Chúa Kitô đã bước qua cánh cửa cô đơn, rồi Ngài đã đi xuống
sâu, thật sâu đến độ thân phận cô đơn của ta không sao dò thấu, không sao tiến
đến gần được. Thế nhưng đó cũng có nghĩa là, ngay trong khi bức màn đêm mù đặc
khiến cho không lời nào thấu nhập vào được, và khi tất cả chúng ta đây chẳng
khác gì lũ trẻ bị đuổi xua, nức nghẹn, thì bỗng vang lên một giọng nói, gọi
đúng tên ta, một cánh tay vươn ra nắm lấy tay ta và dẫn ta đi. Niềm cô đơn bất
khuất đã bị khuất phục ngay từ giây phút Ngài bước vào đó. Địa ngục đã bị đánh
bại ngay từ khoảnh khắc tình yêu bước nhẹ vào cõi chết và vùng đất cô đơn hoang
lạnh có Ngài cắm lều định cư. Tự đáy sâu thăm thẳm, con người không sống bằng
cơm bánh. Trong chân tính hữu thể của mình, con người sống bằng sự kiện mình được
thương yêu, và được trao cho khả năng yêu thương. Ngay từ cái khoảnh khắc có
tình yêu hiện diện trong cõi chết, thì sự sống thấu nhập sự chết: “Sự sống
các tín hữu của Ngài không bị tước đoạt, lạy Chúa, mà được biến đổi,” đó là
điều Hội Thánh cầu xin trong phụng vụ lễ an táng.
Rốt cuộc, chẳng ai có thể đo lường được tầm mức của những lời “xuống ngục tổ tông.” Thế nhưng, khi nào đã gần đến giờ bước vào niềm cô đơn tuyệt cùng, chắc hẳn chúng ta sẽ được ban cho ơn hiểu biết một cách rõ ràng cái mầu nhiệm tăm tối này. Ta có thể tin chắc rằng khi đã đến giờ phút cô đơn tột cùng, ta sẽ không đơn độc, bởi vì ngay từ bây giờ, ta đã có thể mường tượng điều gì sẽ xẩy ra. Chính trong cơn thống khổ vì phải đối chọi với bóng tối sự chết của Chúa mà ta bắt đầu biết cảm tạ hồng ân vì đã nhìn thấy ánh sáng toả ra từ chính vùng tăm tối ấy.
Bài III: Hướng về ánh sáng phục sinh
Trong Sách Nguyện Rôma, phụng vụ của Tam Nhật Thánh được sắp
đặt một cách đặc biệt; qua những lời nguyện, Hội Thánh ước mong thông chuyển
cho ta thực tại cuộc khổ nạn của Chúa, rồi xuyên qua và vượt qua các từ ngữ, ta
đi đến cái cốt lõi thiêng liêng của những biến cố xẩy ra. Nếu muốn diễn tả bằng
cách thâu tóm lại trong một vài từ ngữ các kinh nguyện phụng vụ của ngày Thứ Bảy
Tuần Thánh, thì trước hết, ta phải nói đến hiệu năng của niềm bình an sâu xa
toát ra từ đó. Chúa Kitô đã thấu nhập vào sự ẩn mình (Verborgenheit), nhưng
trong cùng một lúc và tận ở cái cốt lõi của niềm tăm tối bất khả thấu nhập,
Ngài đã đi sâu vào sự an toàn (Geborgenheit). Quả thế, Ngài đã trở thành niềm
chắc chắn tối hậu. Thế là lời khích lệ của Vịnh gia đã trở thành sự thật: “Ngay
cả khi con muốn lẩn trốn vào nơi địa ngục, thì Chúa cũng ở đó rồi.” Càng đi
sâu vào trong phụng vụ, ta càng thấy nhiều thêm những tia sáng Phục Sinh chói lọi
trong đó, y như vầng hào quang của ánh bình minh. Trong khi ngày Thứ Sáu Tuần
Thánh mở ra trước mắt ta cái dung nhan méo mó của kẻ bị đóng đinh, thì phụng vụ
ngày Thứ Bảy Tuần Thánh lại phản ảnh nhiều hơn cái bóng dáng cây thánh giá thật
thân gần với Hội Thánh ngày xưa: bóng thánh giá phủ đầy ánh sáng, trong cùng một
lúc, vừa là dấu chỉ của sự chết, vừa là chỉ dấu của sự phục sinh.
Vì thế, ngày Thứ Bảy Tuần Thánh nhắc nhở ta một khía cạnh của
lòng thương xót Kitô giáo, có thể đã bị mai một với thời gian. Khi ngước lên
thánh giá cầu nguyện, ta thường nhìn nó chỉ như một dấu chỉ cuộc khổ hình lịch
sử của Chúa trên đồi Golgotha. Thế nhưng, nguồn gốc việc tôn sùng thánh giá đã
đổi thay: ngày xưa, khi cầu nguyện, các tín hữu quay mặt về hướng Đông, vừa nói
lên niềm hy vọng rằng Chúa Kitô, là mặt trời chân chính, sẽ mọc lên trên dòng lịch
sử, vừa biểu lộ niềm tin vào ngày Chúa sẽ trở lại. Trước hết, thánh giá được trực
tiếp gắn liền với ý hướng cầu nguyện này. Nó được biểu hiện như một tấm bích
chương được giương lên khi vị hoàng đế giáng lâm; trong hình ảnh thánh giá, đội
tiền phong của đoàn quân đã xuất hiện giữa lòng đám người đang cầu nguyện. Đối
với các Kitô hữu ngày xưa, thánh giá vượt lên trên tất cả mọi dấu ấn hy vọng.
Nó trỏ về một Đức Chúa sắp đến hơn là một Đức Chúa của quá khứ. Hẳn nhiên, với
thời gian, ta không thể không cảm thấy nhu cầu nội tại ngoái nhìn về biến cố đã
xẩy ra: điều thiết yếu là bảo vệ cái bản chất bao dung đến điên cuồng của tình
Chúa yêu thương thế nhân khốn cùng, đến nỗi đã trở thành một phàm nhân, ôi phàm
nhân tuyệt vời! Phải bảo vệ tình yêu Chúa chống lại những xu hướng trốn tránh
điều linh thánh, chống lại mọi cái nhìn sai lạc về việc Thiên Chúa nhập thể. Phải
bảo vệ tính ngu dại thánh thiện của tình Chúa yêu thương, Đấng đã cố ý không muốn
biểu dương quyền lực, mà đã chọn con đường yếu nhược đến bất lực để đẩy những ước
mơ quyền lực của ta lên cái giá treo cổ và đánh bại nó từ trong trứng nước.
Nhưng liệu như thế có phải là ta đang quên đi mối dây liên kết
giữa thánh giá và niềm hy vọng, giữa quá khứ và tương lai trong Kitô giáo, và
quên rằng hướng Đông và hướng thánh giá cũng chỉ là một mà thôi chăng? Thần khí
của hy vọng đang thổi làn hơi sinh động trong những lời nguyện của ngày Thứ Bảy
Tuần Thánh phải một lần nữa thấu nhập vào toàn thể cuộc hiện hữu Kitô giáo của
ta. Kitô giáo không chỉ là một tôn giáo của quá khứ, mà hơn hết, còn là tôn
giáo của tương lai; niềm tin Kitô giáo cũng chính là niềm hy vọng, bởi vì Chúa
Kitô không chỉ đã chết và đã sống lại, mà Ngài còn là đấng sẽ lại đến.
Lạy Chúa, xin dùng mầu nhiệm của niềm hy vọng này để soi sáng lòng trí chúng con hầu cho chúng con nhận ra dòng ánh sáng chiếu toả từ thánh giá Chúa. Xin ban cho các tín hữu Chúa đây biết mau bước hướng về tương lai, mong chờ cuộc gặp gỡ trong ngày Chúa lại đến. AMEN.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, trong bóng tối của cái chết, Chúa đã
chiếu toả một tia ánh sáng rạng ngời; trong vực thẳm nỗi cô đơn tuyệt cùng,
tình yêu bao dung đầy quyền lực của Chúa nay sống mãi muôn đời; trong nỗi thống
khổ của việc Chúa ẩn mình, giờ đây chúng con có thể cất tiếng hát lên bài
Allêluia của những kẻ được cứu thoát. Xin ban cho chúng con lòng tin khiêm tốn
đơn sơ, khiến chúng con không lạc bước khi Chúa gọi chúng con trong những giờ
phút tăm tối, lúc chúng con thấy như bị bỏ rơi, và khi mọi sự đều chất ngất khó
khăn; xin ban cho chúng con, khi đang chới với giữa một cuộc chiến sống còn,
nhuốm mầu chết chóc, được nhìn thấy ánh sáng để không lạc mất Chúa; xin chiếu
sáng chúng con để đến lượt mình, chúng con có thể dọi chiếu ánh sáng ấy đến cho
những ai đang cần đến. Xin làm cho mầu nhiệm Niềm Vui Phục Sinh của Chúa bừng
sáng lên như vầng hào quang của ánh bình minh, toả lan trên dòng đời chúng con
đang sống; xin cho chúng con thực sự trở thành những con người của Phục Sinh
ngay giữa ngày Thứ Bảy Tuần Thánh lịch sử. Xin ban cho chúng con, khi đang sống
những chuỗi ngày thời đại tranh tối tranh sáng hôm nay, được luôn thấy mình
mang những trái tim vui tươi bước đi trên đường hướng về vinh quang ngày mai của
Chúa. AMEN.
Chuyển ngữ: Nguyễn
Kim Ngân
Nguồn: cursillosaigon.org